Tim thông tin blog này:

Chủ Nhật, 12 tháng 9, 2021

Nhớ những bữa cơm ngày xưa.

Trích từ Huỳnh Khang:
..... Một gia đình xưa trung bình có bảy, tám người bao gồm cha mẹ và con cái. Nhà nào nhiều thì có tới 13, 14 người. Rất ít nhà có một , hai đứa con. Thế nên, việc chạy ăn cho con cái là vần đề đau đầu đối với cha mẹ lúc đó. Mỗi nhà được chia một đám ruộng phần trăm ít ỏi, còn lại là ruộng nhập vào hợp tác xã để sản xuất chung và xã viên nhận được lúa thóc dựa vào số công điểm tính theo số ngày công lao động đã làm. Gạo, thịt, dầu lửa, bột ngọt, vải vóc… và các vật dụng, đồ dùng chính thì mua bằng tem phiếu do hợp tác xã độc quyền buôn bán.
Những năm đầu thống nhất đất nước thì chưa có kế hoạch hoá gia đình gì nên lực lượng trẻ, háu ăn hơi đông, lực lượng thanh niên đủ tuổi lao động thì ít, một số nhà do chiến tranh mất đi trụ cột gia đình nhiều nên nhà nào có đủ lúa gạo ăn giáp hạt là hay lắm rồi, còn lại đa số gia đình là thiếu ăn.
Trong nhân dân đơn vị đong đo thời đó gạo thì tính lon sữa bò, lúa tính thùng thiếc hình khối vuông chừng 10 ký lúa. Mỗi lần nấu cơm là canh số người ăn mà nấu mấy lon, đầy hay lửng. Cơm ăn thì tính một ngày ba bữa: sáng, trưa, chiều. Trong đó, bữa sáng là bữa phụ nên ngày có, ngày không, lúc có, lúc không tuỳ vào thời vụ và thu nhập trong vụ mùa đó. Buổi sáng thì chúng tôi hay ăn cơm nguội với muối mè, muối đậu phộng hay cơm nguội chiên mỡ heo hay cháo trắng chan mắm, cháo rau đắng với đường đen…Bữa sáng thì cả nhà ít khi ăn chung, ai có việc dậy ăn trước rồi đi học, đi làm và thường bới một chén ăn ngay tại bếp. Bữa trưa thì đôi khi không đông đủ lắm vì có khi đi làm xa phải dỡ cơm theo trưa ở lại ăn rồi làm luôn, hay như những anh chị đi học xa thì bới một tô ăn trước rồi đi cho kịp buổi học…Bữa trưa thì thường ăn trong hiên nhà hay chỗ khoảng trống ở nhà dưới, nơi nhà trên và nhà dưới thông nhau qua cái cửa hông, chỗ này cũng có cửa thông ra bếp.. Sân nhà là nơi diễn ra bữa cơm chiều vì sân rộng, thoáng mát và ánh sáng vẫn còn chứ chưa tối như trong nhà. Bữa cơm chiều thì hầu như lúc nào cũng đông đủ thành viên gia đình. Thế nên bữa cơm chiều có thể gọi là bữa cơm của gia đình ngày xưa.
Có lẽ trừ ban đêm đi ngủ thì khoảng thời gian cho bữa ăn gia đình là khoảng thời gian an lành nhất trong mỗi gia đình xưa. “Trời đánh tránh bữa ăn” nên mọi ưu phiền, buồn bực gì cũng phải tạm gác lại để mọi người cùng quây quần bên mâm cơm. Bữa cơm gia đình thường bắt đầu từ 5h đến 5h rưỡi chiều khi trời còn sáng, ít khi ăn trễ sau 6h trừ lúc đi làm đồng vì lúc đó chưa có điện. Thường mỗi buổi chiều chúng tôi đứa lo rơm, nước cho bò ăn, đứa lo gà vịt, đứa ẵm em, đứa lo phụ mẹ nấu cơm. Khi mặt trời sắp lặn là ba tôi hối dọn cơm lên ăn để khỏi phải thắp đèn trong bữa ăn.
Cơm thường nấu bằng nồi gang và chụm củi khô. Mùa mưa hiếm củi thì chụm bằng rơm; mùa hè, mùa thu hanh khô thì quét lá cây để lấy lá cây chụm. Cứ mỗi chiều xuống là nhà nào bếp cũng đỏ hồng, khói toả nghi ngút. Cơm nấu xong chắt nước cơm để dành cho heo, gà ăn rồi nhấc xuống đặt trên một lớp than cho nóng dưới đít nồi. Thỉnh thoảng phải bỏ thêm than và vần nồi cơm xoay tròn cho cơm chín đều. Muốn cho chắc ăn thì gắp ít cục than bỏ lên nắp nồi cơm nữa. Cơm nấu bằng rơm là khó nhất vì lửa cháy không đều, nấu không khéo là cơm sẽ có nhiều tầng: Trên sống, dưới khê, chính giữa nhão nhẹt.
Thường thì bữa cơm gia đình xưa ngồi theo thứ tự lớn trước, nhỏ sau: ba mẹ ngồi trước hai bên nồi canh, nồi cơm rồi cứ theo thứ tự lớn tới nhỏ. Cha mẹ và các anh chị lớn thì ngồi trên những cái đòn ngồi, lũ nhỏ thì cứ ngồi bệt xuống đất mà ăn. Đứa nào còn nhỏ quá chưa ăn được thì ngồi gần bên cha mẹ để cha mẹ đút cơm cho ăn. Nhà nào đông thì cả nhà quây quần bên nồi cơm, nồi canh, vừa ăn vừa nói chuyện, cha mẹ dặn dò, anh em nói chuyện rôm rả. Tụi nhỏ thì hì hục ăn, đứa chan, đứa múc, đứa gắp, đứa lua, đứa húp ào ào, ăn không kịp thở.
Bữa cơm ngày xưa thì món ăn rất đơn giản. Ngoài nồi cơm ra thì thường nhất chỉ có món canh rau, món kho mặn, rổ rau sống hay rổ rau luộc...Còn nhớ những năm cuối thập niên 70 đầu những năm 80 của thế kỉ trước thì có chiến tranh phía Bắc và chiến tranh biên giới Tây Nam, sản xuất lúa gạo cũng còn lạc hậu, năng suất thấp nên nhà nào cũng thiếu ăn. Nồi cơm lúc đó thường độn khoai lang, sắn, bắp…Có khi một nửa là cơm, một nửa là độn. Món kho và canh thì có cá liệc, cá cơm, cá nục…Cá đồng thời đó nhiều, ăn phát ngán luôn nên thèm cá biển hơn..
Một vài món ăn mà tôi hay ăn trong bữa cơm gia đình thời bao cấp là món rau muống, mắm cái kho và dừa kho mặn, trứng luộc dầm mắm, cá kho mặn, muối mè, muối đậu phộng…Các món rau nêm cho canh thì cũng tự hái quanh nhà mà vào nêm chứ ít khi đi mua. Rau muống là món ăn trường kỳ, hết luộc thì nấu canh, xào, rau muống trộn dừa xắt ăn sống, chẻ ra thành các khoanh tròn, nước luộc rau muống thì nặn chanh vào làm canh…Mắm cái thì ăn sống, kho, kho với thịt, cá…Muối mè, muối đậu phộng thì làm bằng cách hầm muối hột rồi giã thành bột nhuyễn đem trộn với mè rang, đậu phộng rang. Các món kho thì ta nói nó mặn chát, trong đáy chảo, đáy xoong lúc nào cũng đọng lại một lớp muối vàng, trắng. Thời đó ăn xong bữa cuối của món kho thì mấy anh chị em hay giành nhau cái chảo đọng muối này để làm món cơm trộn chảo.
Dù là ở thôn quê nhưng thời đó gà vịt thì cũng ít được ăn vì đa số nuôi để bán lấy tiền trang trải cho việc khác hay để dành cho giỗ quải. Chỉ khi nào gà bị dịch, cù rụ chết chúng tôi mới được ăn thịt gà. Thịt heo thì do hợp tác xã độc quyền mua bán, nhà nào nuôi heo cũng là heo của hợp tác xã, sau khi nuôi lớn hợp tác xã xuống cân chở đi và trả lúa lại cho dân nên thịt heo khó mua và phải mua bằng tem phiếu nên lâu lâu mới có một miếng thịt để ăn. Bữa cơm thời bao cấp hiếm khi có thịt, kể từ năm 1986 về sau thì bắt đầu đỡ hơn.
Bây giờ thì đa số các gia đình có bữa cơm ngon hơn, món ăn phong phú hơn nhưng không khí gia đình thì không còn như ngày xưa. Gia đình ngày nay ít con nên việc nuôi con, lo về ăn uống cũng có phần nhẹ nhàng hơn. Việc anh em tranh giành nhau ăn là hiếm mà cha mẹ phải ép con ăn, hăm doạ hay đưa ra các món thưởng cho con cái ăn nhiều, ăn no. Thời tôi còn trẻ thì anh em hay giành nhau ăn và đa số các bữa cơm thì chỉ được ăn lưng lửng bụng chứ ít khi được ăn no thoả thích. Còn nhớ có những bữa trưa gia đình không ăn chung thì cha mẹ hay vẽ cái mức trên nồi cơm, nhóm nào ăn trước thì bao nhiêu người đó chỉ được ăn ngang cái mức đó thì dừng chứ không được ăn thêm. Trong các bữa ăn cũng hay bị cha mẹ nhắc là ăn từ từ thôi, ăn gì mà không kịp thở luôn vậy...
Con trai cưới vợ thì vợ chồng cũng thường về ăn chung với gia đình. Cho đến có con cái hay có nhà riêng mới ra riêng, ăn riêng. Một vài nhà bữa cơm thường ngày ngày xưa một có bốn thế hệ cùng ăn chung là ông bà, cha mẹ, con cái và cháu chắt cùng ăn chung....
https://www.facebook.com/huynh.khang.1971/posts/4335565476537614

Tìm kiếm Blog này