Tim thông tin blog này:

Chủ Nhật, 12 tháng 9, 2021

Thời gian Nguyễn Ánh lưu lạc ở Xiêm.

Góc nhìn An Nam
Những dòng lịch sử dân tộc thấy câu chuyên này hay tôi đành viết theo ý của mình về cuộc đời về Vua Gia Long.
Câu chuyện khá dài nếu không được bạn có thể lướt qua, tôi mong ai đó đủ kiên nhẫn đọc hết để biết được về vị vua này .
Ngày trước có lẽ chúng ta được dạy rằng Nguyễn Ánh hèn hạ lưu vong ở Xiêm làm lính đánh thuê cho ngoại bang, vậy nay tôi muốn kể lại câu chuyện đó theo một góc nhìn khác hơn.
Như chúng ta đã biết, sau đại bại ở trận Rạch Gầm - Xoài Mút trước thiên tài Nguyễn Huệ, tàn quân Xiêm còn sống trở về Băng Cốc chẳng còn được bao nhiêu. Nguyễn Ánh nhờ biết trước kết cục của Xiêm La, thành thử đi sau nên may mắn thoát nạn chạy về đất Thái, tạo nên giai thoại Gia Long tẩu quốc.
Thua rồi sao?
Thua rất nặng. Cháu của bệ hạ chủ quan khinh địch, gần như toàn bộ lính của ngài đều bỏ xác dưới sông Tiền.
Nguyễn Ánh kể lại sự tình cho Rama. Nghe xong quốc vương Xiêm nổi cơn thịnh nộ:
-Hai thằng cháu ta kiêu căng tự phụ vào sâu trong đất địch, không nghe lời quốc vương An Nam, tàn hại nhân dân nước ấy, làm nhục quốc thể!
Liền thét lôi ra chém. Rama cảm thấy xấu hổ, trước đây quân Nguyễn Ánh giúp ông làm nên cuộc đảo chính mở ra triều đại Chakri, cứu được cả gia đình bị cựu vương Taksin bắt giam. Nay Nguyễn Ánh nhờ cậy mà không giúp được nên có phần áy náy.
Ta sẽ cấp cho ông đất ở Tomsamrong, ngoại ô Bangkok. Ông cứ ở đấy mà sống.
Đa tạ bệ hạ.
Nguyễn Ánh cười buồn và bắt đầu cuộc sống ở quốc gia mới, Thái Lan. Rama đều đặn mỗi năm chu cấp cho Nguyễn vương 400 baht để tiêu dùng. Vua Xiêm cũng tặng cho Nguyễn Ánh những huy hiệu, một khay trầu, một bình nước hoàng kim, một thanh gươm khảm vàng và một lọng che cán ngắn. Nguyễn Ánh không cô đơn vì bấy giờ bên Thái Lan cũng có một thanh niên khốn khổ đang sinh sống là ông hoàng Nặc Ông Ấn của Campuchia. Cả hai đều được Rama đối xử như những hoàng tử lưu lạc theo nghi lễ trên đất nước họ. So với lão Campuchia thì Ánh đen hơn nhiều, lúc đó không có cả đất lẫn dân. Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ đều gửi thư cho Rama yêu cầu giao người, nhưng vua Xiêm thấy lời lẽ trong thư trịch thượng nên càng ủng hộ Nguyễn Ánh.
Nguyễn Ánh ngoài việc khẩn hoang làm ruộng, chiêu mộ binh sĩ, cũng được lâm triều. Ông di chuyển bằng một chiếc thuyền kiểu Việt Nam có sáu tay chèo và vài tuỳ tùng che lọng. Trong triều đình Thái Lan, Nguyễn Ánh được xếp tại một sảnh phía tây điện Amarin, ngay trước tổng quản Ngự Lâm Quân. Khi thiết triều, tất cả các quan quỳ mọp chắp tay trước vua Rama, còn Nguyễn Ánh mặc y phục và đóng khăn kiểu Việt, ngồi xếp bằng trước ngai vàng đối diện vua Xiêm, có phiên dịch viên là Phra Ratchamontri.
Mẹ và gia quyến Nguyễn vương cũng được hưởng bổng lộc. Những người đi theo Nguyễn Ánh được ra khơi đánh cá mưu sinh mà không bị cản trở. Triều đình Thái Lan cho phép từ phó vương trở xuống được kinh doanh để "kiếm thêm", nói chung có mùi chủ nghĩa tư bản nhen nhúm.
Nếu có dịp đi qua Thái Lan những năm ấy để check in sống ảo, có thể bạn sẽ gặp cảnh tượng thú vị khi chứng kiến "Ông Thượng Sư" Nguyễn Ánh làm huấn luyện viên "dance sport" cho vũ công Xiêm. Vị chúa tài hoa này hướng dẫn cho người Thái một số điệu múa cung đình của người Việt và chúng vẫn còn lưu truyền tới ngày nay. Còn chờ gì mà không selfie một tấm với vua Gia Long sau buổi tập?
Nguyễn Ánh vẫn chưa thôi khát vọng. Ông tuyển mộ binh lính, đóng ráp chiến thuyền, và ngầm liên lạc với điệp viên trong nước để "một là báo phục, hai là bá vương". Người Thái tuy một mặt cưu mang chúa Nguyễn nhưng vẫn có tâm lý đề phòng. Nếu Nguyễn Ánh phục quốc thành công thì sẽ trở thành một địch thủ đáng quan ngại ở phía đông. Nhưng tình cờ Miến Điện lại xâm lược...
Lại nói Myanmar ngày xưa vốn là một thế lực quân sự khét tiếng, họ ở gần cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc mà không bị đô hộ, còn đánh cho nhà Thanh thảm bại 4 lần. Vua Miến Điện Bodawhpaya ra lệnh:
Chia 5 đạo quân chiếm lấy Xiêm La cho trẫm!
Rama điều động:
Đem 7 vạn quân ra trấn giữ 4 trọng điểm. Hoàng đệ trẫm sẽ chặn quân Miến ở ải Ba Chùa. Cháu trẫm sẽ ngăn chúng ở Naknon Sawan, cản bước chúng tràn về đồng bằng. Các tướng quân tuyệt đối không để Ratburi thất thủ. Đích thân trẫm sẽ phòng thủ Bangkok!
Quân Miến Điện tiến rất nhanh và tràn như châu chấu vào lãnh thổ Thái Lan, khép chặt vòng vây. Thái Lan xưa nay luôn ở chiếu dưới khi so găng cùng tên láng giềng hùng mạnh. Tuy quân Thái từng cắt được đường chở lương buộc một cánh quân Miến phải rút về, nhưng kinh thành Bangkok vẫn bị đe doạ. Nguyễn Ánh lập tức tâu:
Bọn Miến Điện hành quân từ xa đến, chở lương đi nghìn dặm đã mệt mỏi lắm rồi. Tôi giúp sức đánh nhanh chắc là được!
Thế là Nguyễn vương tập hợp binh lính, nai nịt gọn gàng rồi lên ngựa trực chỉ Thavoi. Theo chân dung 13 vua triều Nguyễn, hầu hết nom hiền lành, chỉ có Gia Long và Minh Mạng là nhìn có phong thái "đại ca" nhất. Nếu Minh Mạng là người đem về lãnh thổ to số một, thì Gia Long đúng nghĩa một chiến binh thực thụ. Có lần Rama hỏi thăm:
Ông sợ à?
Tôi không sợ. Nhà nước tôi trải đời truyền nối 200 năm, nay quốc vận trung suy, Tây Sơn lại tàn sát dã man gia tộc, nhưng tôi ít đức kém tài không làm gì được, thành ra buồn bã trong lòng. Nghĩ muốn trả thù, bắt giặc Tây Sơn làm thịt mà ăn, nằm gai nếm mật bao nhiêu cũng được. Có sợ gì đâu?
Anh hùng Gia Định Châu Văn Tiếp tình cờ đi ngang nghe thấy, liền bước tới quỳ xuống ôm đầu gối Nguyễn Ánh mà khóc. Rama cảm động phục chúa, khen tôi. Chinh chiến từ 15 tuổi, trong bất kỳ chiến dịch, trận đánh hay pha combat lớn nào, Gia Long cũng đều xung trận chỉ huy và được lịch sử công nhận là một chiến tướng tài giỏi.
Lê Văn Quân, Nguyễn Văn Thành, sử dụng ống phun lửa. Châu Thị Đậu, theo ta!
Nguyễn vương trỏ gươm, nổi trống. Quân Miến Điện bị tấn công bất ngờ, tan vỡ đội hình. Nguyễn Ánh và các tướng tả xung hữu đột chém giết, quân Miến xác chết đầy đồng, 500 tên bị bắt sống giải về Bangkok. Rama được tin mừng lắm, tặng Ánh vàng lụa và đề nghị:
Tôi sẽ lại giúp ông đánh Tây Sơn.
Tuy nhiên Nguyễn Văn Thành trong buổi họp đã nói với chúa Nguyễn:
Vua Thiếu Khang chỉ còn một xíu quân còn dựng được cơ nghiệp nhà Hạ. Ta nuôi sức mạnh, đợi địch sơ hở rồi đánh. Đừng mượn người ngoài giúp nữa, sẽ có hậu hoạ về sau.
Ngươi nói rất phải.
Nguyễn Ánh gật đầu và gác chuyện ấy lại. Nguyễn vương tìm cách liên lạc với người Bồ Đào Nha và được hứa giúp cho một số chiến thuyền. Nhưng điều này là tối kỵ vì theo luật của Thái thì cấm giao thiệp với nước ngoài mà không do Bangkok chủ trì. Tuy Rama hậu đãi chúa Nguyễn, nhưng hoàng đệ Sathanmongkhon lại không thích. Hắn lo đội quân của Nguyễn Ánh sẽ đủ sức tạo nên một cuộc đảo chính trong Bangkok và là mối hiểm hoạ chết người cho triều đại Chakri. Nguyễn Ánh dò biết được, bèn tập hợp tâm phúc để nói:
Chúng ta trốn Tây Sơn đến đây được vua Rama che chở. Ông ấy đối với ta rất tốt và chu đáo, ta thực sự vui lòng. Rama cũng giúp ta đánh Tây Sơn khôi phục vương quốc nhưng bất thành. Hiện ông ấy đang lo lắng về Miến Điện, xem ra khó giúp ta được nữa. Nếu ta đề nghị Rama cho ta rời đất Thái để tự sức phục quốc, e rằng ông ấy sẽ giận. Chi bằng lén trốn đi thì mới mong thành công.
Mọi người bàn tán một lúc rồi nhất trí. Nguyễn Ánh nói tiếp:
Ta sẽ viết một lá thư và để nó trên bệ thờ. Các ngươi chuẩn bị thuyền lớn và đợi ta ở đảo Sichang.
Tối hôm đó Nguyễn vương mời các thị vệ dưới quyền chỉ huy của cháu Rama đến nhà nhậu. Nguyễn Ánh cười và chuốc rượu. Mấy anh thị vệ say quắc cần câu. Xong xuôi, ông nói khẽ:
Trói họ lại và đem xuống khoang thuyền.
Nguyễn Ánh lần mò trong đêm tối, dẫn theo gia quyến cùng mấy người Việt khác sống ở Bangkok, gồm thợ cả của các đội chạm, mộc, khắc của kinh thành. Tất cả lên thuyền rồi hối hả nhổ neo dưới ánh trăng. 150 người trên 4 thuyền, chèo điên cuồng về Việt Nam.
Dân chúng biết được và báo cho hoàng gia. Rama và em trai hay tin đều bất ngờ. Sathanmongkhon vô cùng tức tối vì để sổng con mồi:
Cử mấy tay chèo khoẻ nhất ra đây, phải bắt cho được chúng. Ta sẽ đi cùng các ngươi!
Quân Xiêm khẩn trương rượt và đến tảng sáng họ đã thấy thuyền Nguyễn vương ở cửa vịnh. Lúc ấy vô cùng nguy cấp vì trời lặng gió, không thể giương buồm được. Nguyễn Ánh toát mồ hôi, đốt nến, thắp hương, và thiêu vàng mã để cầu khấn thần thánh:
Nếu trời cho ta thoát chết để đánh bại kẻ thù và khôi phục giang sơn như lòng ta bao lâu nay mong mỏi thì hãy nổi gió lên.
Sathanmongkhon gầm lớn:
Ngươi chạy đi đâu?
Đoàn thuyền ngự kéo đến mỗi lúc một đông như kiến cỏ mà gió vẫn không thèm thổi. Nguyễn Ánh hối:
Chèo mau lên, nhanh nữa lên!
Nhưng thuyền Xiêm mỗi lúc một đến gần, tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Nguyễn Ánh cay đắng:
Nếu ta chạy không thoát và người Thái bắt được ta chắc chắn sẽ giết không tha, hoặc sẽ giam cầm suốt đời. Thiên mệnh đã tuyệt thì ta cũng chẳng sống làm gì cho chật đất.
Nguyễn Ánh bằng một động tác dứt khoát tuốt gươm ra khỏi vỏ đưa lên cổ. Một tâm phúc nhảy vào giằng lấy khiến lưỡi gươm cắt đứt môi. Anh ta khóc nói:
Chúa thượng việc gì phải vội vã tự vẫn như thế? Trước khi rời đất Thái, chúng ta đã cầu khấn và xin âm dương. Ông trời nói rõ chúng ta sẽ thoát nạn và hoàn thành đại nghiệp. Chúa thượng chính là chân mạng đế vương!
Nguyễn Ánh nhắm mắt thở dài:
Có cách nào?
Mùa này chính là mùa gió nổi để đưa chúng ta ra khơi. Bây giờ còn sớm nên chưa thấy. Chỉ chút nữa sẽ ứng nghiệm.
Khi người tâm phúc vừa dứt câu thì gió mạnh nổi lên đùng đùng, bốn chiếc thuyền Việt Nam dùng cả buồm lẫn chèo bứt tốc cho thuyền Thái Lan ngửi khói. Nguyễn Ánh mừng rỡ, vẫy tay chào tên hoàng đệ đang điên tiết chửi thề. Thuyền của họ rẽ sóng vươn ra hải phận quốc tế rồi đến đảo Sichang. Nguyễn Ánh gặp chiếc thuyền đã hẹn, ông kể lại:
Lần này thoát nhờ vua Rama nhân ái cấm các viên chức hải phòng làm khó dễ thuyền chúng ta. Còn bây giờ đi đâu?
Dạ, đảo Dot thì quá gần Tây Sơn. Đảo Kut gần Thái Lan nên Tây Sơn sẽ không mạo hiểm đâu. Ở đây chắc đủ nước ngọt. Sang đó nghỉ ngơi sẽ tốt hơn cả.
Lại nói Sathanmongkhon hụt mất Nguyễn Ánh thì trở về Bangkok méc anh và xin thêm chiến thuyền. Vua Rama cho người đến lục soát nơi ở Nguyễn Ánh thì tìm thấy lá thư:
Tôi, Nguyễn Phúc Ánh, đã đến sống dưới sự che chở của bệ hạ. Ngài đã nhân đức chăm lo khiến tôi rất vui lòng. Tuy nhiên lúc này tôi rất quan tâm về đất nước, nếu như công khai xin bệ hạ cho tôi trở về e rằng bệ hạ sẽ quở trách. Thành thử tôi đành phải trốn đi, nhưng tôi không hề có ý định âm mưu nổi loạn hay làm hại hoàng thượng một chút nào.
Rama đọc xong lá thư, ngăn em trai lại:
Đừng đuổi bắt hắn làm chi. Hắn thấy ta không giúp được vì chính ta cũng đang bận rộn với những cuộc chiến. Hắn quyết định bỏ đi để thực hiện công cuộc phục quốc. Chúng ta đã đối đãi với hắn vô cùng hậu hĩ. Viết bằng tay rồi lại xoá đi bằng chân thì không phải chút nào.
Sathanmongkhon hậm hực:
Gã Phúc Ánh này nếu chúng ta để hắn đi mà không bắt lại. Trong tương lai khi triều đại này qua rồi, thế nào hắn cũng gây rắc rối cho con cháu ta. Đệ khẳng định luôn. Hắn sống ở Bangkok mấy năm và cái gì cũng biết. Hiện nay tại Samutprakan không có gì đáng lo vì ta không có kẻ thù đến từ biển cả. Nhưng nếu sau này Nguyễn Ánh trở mặt đánh lại thì so tài với hắn không hề dễ dàng. Nếu huynh không cho phép rượt hắn thì hãy để đệ xây một thành phố ngoài cửa biển đề phòng.
Rama bằng lòng cho xây một chiến luỹ tại Lat Tonpho, nhưng xây chưa xong thì Miến Điện lại gây sự. Lại nói đoàn thuyền chúa Nguyễn 5 chiếc vượt trùng khơi, sau 7 ngày đêm thì mới cập bến đảo hoang Kut. Họ không đủ lương thực nên Nguyễn Ánh phải bắt cả rùa và đào củ dại mà ăn. Một bữa nọ, ông thấy một chiếc thuyền ghé lại gần đảo. Nguyễn Ánh cảnh giác dắt cả nhà chạy vào rừng và thăm dò xem nó từ đâu tới. Hoá ra là thuyền chở gạo của một người Hoa tên Hun sống ở Chanthaburi, đi từ Thái Lan về Cà Mau và Rạch Giá.
Tương kiến Nguyễn vương.
Hun vái tạ. Nguyễn Ánh nói:
Bọn ta sống trên đảo này không có gạo ăn. Sẵn đây tiền để dành do vua Xiêm cấp, hãy bán gạo cho ta theo giá của ngươi.
Nguyễn vương ăn ở thiếu thốn đã lâu. Tôi xin hiến tặng miễn phí toàn bộ số gạo trên thuyền.
Nguyễn Ánh lắc đầu, ông lấy giấy bút viết một biên nhận rồi đóng dấu hình rồng đưa cho Hun, nói:
Nếu ngày kia ta thành công và trở thành vua nước Nam, ngươi cứ đến gặp để ta báo ơn.
Hun dỡ hết gạo trên tàu xuống và từ biệt chúa Nguyễn để trở về nhà. Vua Rama nghe tin Nguyễn Ánh đang lưu lạc ở Kut, bèn ra lệnh cho vài chiến thuyền mang theo súng ống, đạn dược, đồng thời dặn các quan ở Trat đem chúng đến đảo tặng Nguyễn Ánh. Hoàng đế Việt Nam tương lai mừng lắm:
Đã tới lúc trở về Gia Định và dạy cho Nguyễn Lữ một bài học.
Và cuối thu năm 1787, họ đổ bộ lên những hòn đảo Việt Nam, bắt đầu huyền thoại Gia Long phục quốc.
Ảnh: Rama và Gia Long. Triều đại của Rama vẫn đang cai trị Thái Lan tới 2016, còn triều đại của Gia Long đã kết thúc từ 1945.
Ps: Bài củ đăng lại sưu tầm



____________
(Tựa đề: TC

Nguyễn Ánh (Ong Chiang Sue) trong một buổi thiết triều của vua Rama I tại điện Amarin năm 1782. (Chúa Nguyễn ngồi xếp bằng chứ không quỳ mọp như các quan Xiêm La).
Tranh vẽ 1987, hình chụp lại đưa vào sách kỷ yếu hoàng gia Thái Lan.



Tìm kiếm Blog này