Tim thông tin blog này:

Hiển thị các bài đăng có nhãn Covid-19. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Covid-19. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 7 tháng 9, 2021

Xem cái Thông báo chịu đời hết thấu của bà tổ trưởng.

Rất mắc cười nhưng đáng ngẫm, mình hoàn toàn đồng cảm.
Loại "đầu đất toàn phân", ở đâu không biết chứ vùng đỏ dân tụi tui được cho gì lấy nấy và cảm ơn. Mình thấy từ cấp khu phố trở xuống: từ cán bộ đến dân phòng, đoàn thể, tình nguyện viên, họ vất vả ngày đêm lo cái ăn cho người dân. Hết chỉ thị này đến chị thị nọ từ trên dội xuống, lo mà chạy, riết cũng đuối. Hy sinh thế là cùng, mà chả biết khi nào kết thúc.



Theo dõi kế hoạch tiêm chủng vaccine ở vài nơi đến ngày 05/9/2021.

 


"Biên niên sử Covid" ở khu nhà trọ chỗ tôi.

Tính tôi ít khi để ý đến tiểu tiết, nhưng trong sự kiện lớn cần ghi nhận sự giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể và những người thiện nguyện đem cho. Người ta nói "của một đồng công một lượng" há chẳng vậy sao.
Tôi nhớ và ghi lại (có thể thiếu sót chút ít):
Con người ở đây.
Khu nhà trọ có 6 kiot mặt tiền và hai dãy phòng trọ có 54 phòng, tổng cộng 60 gồm 132 người. Trong đó có 1 phòng về quê giữa lúc dịch, 6 phòng có người vào Khu công nghiệp sản xuất 3 tại chỗ.
Nhà chủ bề thế ở kế bên, khi cao điểm phong toả thì bà chủ không dám ra vào khu phòng trọ nữa, công nhân 1 người đại diện tiếp nhận lương thực thực phẩm hổ trợ, các gia đình nhận và tự phân phối chia sẻ lẫn nhau.
Thời gian diễn ra.
Chỗ Tổ dân phố tôi ở bắt đầu thực hiện Chỉ thị 16 từ ngày 21/6/2021, sau đó là CT-16 tăng cường, đến 22/8 xếp vào diện vùng đỏ đậm đặc “đông cứng, khóa chặt”. Vậy là đến nay đã trải qua 78 ngày.
Dịch, xét nghiệm và chích ngừa.
Cuối tháng 7, y tế nhà nước tổ chức xét nghiệm nhanh 1 lần duy nhất.
Ngày 0/9, tiêm ngừa mũi 1 vaccine. Chỉ 2-3 phòng được chính, đại đa số trong độ tuổi 18 đến 40 thì không.
Khoảng chừng giữa tháng 8 có 1 kiot tự thuê dịch vụ xét nhanh - dương tính 3 mẹ con. 10 ngày sau thì bị tiếp 1 phòng bên trong, chú công nhân mắc bệnh một tuần đã đỡ thì tới bà mẹ già 70 tuổi bị tiếp. Sau đó có 2 quân y của tổ y tế lưu động đến xét nghiệm nhanh - dương tính, cho thuốc uống. Cả hai trường hợp trên không thấy chính quyền không dăng dây cách ly. Nghe bảo sâu bên trong nữa có 3 cô gái cùng phòng cũng bị, không nghe ồn ào gì.
Do không ai đến xét nghiệm cộng đồng nên không thể khẳng định F0 nhưng mọi người đều có triệu chứng phổ biến của virus Covid-19. Dân ở đây kháo nhau khu phòng trọ này mà nếu xét nghiệm có lẽ lòi ra một mớ vài chục người. Người ta chịu đựng, lo thì lo tuy nhiên mọi sinh hoạt êm ả bình thường...
Hỗ trợ tiền mặt.
Đến nay chưa nhận bất kỳ khoản nào mà chính quyền Bình Dương đã tuyên bố hứa hẹn, như: 1,5 triệu đồng - tiền hỗ trợ mất việc làm. 300 ngàn - tiền hỗ trợ nhà trọ. 500 ngàn - tiền hỗ trợ lương thực thực phẩm (có thể chính quyền trừ vào hiện vật phân phát chăng?).
Hỗ trợ lương thực thực phẩm.
Ghi nhận theo một gia đình có 3 người:
Tháng 6-7 không có hoạt động hỗ trợ nào.
Tháng 8 hỗ trợ rải rác, cuối tháng 8 nhiều hơn từ Khu phố, vắng bóng dân thiện nguyện. Một lần duy nhất được 12 kg gạo. Có ghi ở đây:
https://www.facebook.com/Thocao09/posts/4667923739907433
Đợt mới đầu tháng 9, xe của Khu phố đưa thực phẩm dồn dập đến như sau:
01/9 - 1 bắp cải, 1 bí đỏ, 10 củ khoai tây
03/9 - 2 cải bắp nhỏ, 10 củ khoai tây, 10 củ dền đỏ.
03/9 - 3 lốc sữa, 30 trứng gà.
04/9 - 2 trái bắp cải, 10 trái su su, 1,5 con gà đông lạnh (chia nhau).
05/9 - 1,5 chai dầu, 1,5 chai nước mắm, 1,5 chai xì dầu, 1,5 bịch bột nêm nhỏ, 1,5 bịch xúc xích (6 cái), 7-8 gói mì tôm.
(Những thực phẩm trên không rõ từ nguồn nào khi chuyển đến Khu phố).
Ngoài ra ngày 04-5/9, bạn học cũ của tôi thay mặt nhóm thiện nguyện ở Mỹ uỷ nhiệm cho tôi trao 60 xuất gạo ngon, mỗi phòng 10 kg và biếu bà cụ nghèo bị covid 1 triệu đồng.
.....









Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2021

Thực chất người dân đùm túm nhau chạy về quê là tránh đói.

Người ta không còn tin vào lời hứa hẹn có cánh "không để dân đói" của Lãnh đạo A.B.C. Nếu dân mất lòng tin thì hãy tổ chức đưa họ về quê cho đàng hoàng. Biết là khó và phức tạp, dù chính quyền có bận trăm công nghìn việc nhưng tôi thiết nghĩ vẫn hoàn toàn có thể bố trí tổ chức được. Với một ít nhân lực hướng dẫn, kèm cặp, giám sát đoàn người đi đến nơi đến chốn và tiếp nhận cách ly sàng lọc. Dọc đường đã có dân thương nhau giúp đỡ. Lỗi từ Sài Gòn, Bình Dương... nơi người ta đến để kiếm miếng cơm manh áo đến những địa phương nơi họ xuất phát đành phải xa quê. Từ chối và cho rằng vượt quá khả năng của địa phương là ngụỵ biện cho tư tưởng cục bộ và sự yếu kém của lãnh đạo ở địa phương đó. Đừng viện dẫn nước khác cũng có tình trạng như vậy. Cơ chế họ khác, VN khác, sinh ra cả một bộ máy chính trị khổng lồ đến tận tổ dân để làm gì?
Nhìn những hình ảnh hàng ngàn người nghèo đành bỏ lại những vật dùng mà công nhân dành dụm mua được, chỉ với chiếc xe máy với nhúm quần áo, lương thực mà đi. Dù biết rằng biết bao khó khăn chông gai trước mặt. Người lớn trẻ con trên đường dài mưa nắng, ngủ vật ngủ vạ dọc đường, qua trạm này kiểm tra đến trạm khác kiểm tra. Đúng như dân gian nói "đói thì đầu gối phải bò".
Một góc nhỏ của bức tranh lớn ảm đạm. Một gia đình với 3 đứa con nheo nhóc, một gia đình với đứa bé mới sinh 9 ngày tuổi, chưa cắt rốn.
Sao lại để dân tự phát tháo chạy? Cái ông các bà lãnh đạo từ trung ương đến địa phương hãy nhìn vài hình ảnh mà xem lại lương tâm và trách nhiệm của mình. Làm lãnh đạo chỉ huy không phải là thiên lôi, sai đâu đánh đó, chờ Trên chỉ thị hướng dẫn mới làm...
______________________
Tổ chức đi, giá như tôi, chả gì quá khó (tôi nghĩ vậy), đại khái:
- Thông báo rộng rãi và rõ ràng các bước.
- Hẹn ngày tập trung xét nghiệm nhanh.
- Cá nhân viết giấy cam kết chấp hành.
- Lập danh sách trích ngang, giấy thông hành tập thể.
- Tạo từng nhóm theo quê huyện thị, tự quản lý.
- Ngày đi, có CSGT đi đầu, giữa và hậu.
- Trên đường và đến nơi, thiếu ai, phát lệnh tìm kiếm ngay.

Theo dõi chống Covid, theo kiểu CMCN 4.0 của Vi-en.

TP.HCM báo chỉ còn nửa triệu liều, kêu cứu đề nghị Bộ Y tế rót VX xuống gấp. Bộ Y tế thì bảo còn 1,7 triệu liều. Bình Dương cũng gần hết, đang kêu cứu như vậy.
Trên thì dục đẩy nhanh tiến độ, Bộ Y tế còn đe nơi nào tiêm chậm sẽ điều chuyển cho địa phương khác. Tại BD, tôi thấy dân mạng thôi khoe được tiêm là đoán có vấn đề. Các quận, thành phố như ở Sài Gòn, Bình Dương đang chích cầm canh cho khỏi đứt gãy chiến dịch.
Xem Cổng TT tiêm chủng của Bộ Y tế thì SG được cấp 5 triệu liều, đã tiêm 2,5 triệu liều. Còn Bình Dương được cấp 500 ngàn liều, đã tiêm 170 ngàn liều. Nhiêu đó đã thấy bất hợp lý, hổng lẽ BD triển khai 10 ngày rồi mà như mới bắt đầu 2 ngày thôi.
Rất nhiều người phản ánh trên báo, họ đã tiêm mà tra cứu trên trang của Bộ không thấy tên.
Như cái việc cập nhật tình hình Covid cũng rất lôm côm. Thợ cạo tui quan tâm theo dõi ở Binh Dương thì thấy số liệu người nhiễm hôm nay ở thành phố này cao chót vót, thành phố kia thấp lè tè. Ngày hôm sau thì ngược lại, 4 thành phố của BD cứ vậy mà luân phiên đội sổ.
Đầu tư cho phần mền là tốn chi phí thấp nhất. Ngành Y tế liên quan đến khoa học kỹ thuật mà báo cáo, cập nhật thủ công thì tránh sao khỏi sai sót, chậm trễ. Khác nào con Covid-19 nó đi bằng tên lửa, còn con người thì đạp xe chạy theo, có mà chống vào mắt!
Bó tay. com. Tầm nhìn chiến lược lẽ nào vậy, chắc lỗi tại thằng đánh máy cả.
(Con số TC làm tròn)

Những ai giúp dân mùa dịch?

Trong lúc khó khăn, trừ nhà nước ra, tôi thấy dân giúp dân là chính. Cụ thể là những người có thu nhập từ trung bình trở xuống. Người ta có gì giúp nấy, người giúp gạo đồ ăn, người có phương tiện giúp vận tải, người không có gì hết thì giúp công... Họ bất chấp nguy cơ lây nghiễm dịch bệnh cho bản thân và gia đình mình. Công nhân, người nghèo cô thế vô cùng biết ơn họ, có khi kịp nói lời biết ơn, có khi nhận lòng hảo tâm mà không biết nói gì hơn. Người cho, người nhận đơn giản thân thương, không màu mè, khác với những gì thường thấy trên TV, báo chí.
Diện rộng, phần nhiều vắng bóng đại gia, người có thu nhập khá, gia đình cán bộ... Vậy đại gia, họ giúp gì cho dân mùa dịch? - Có, là những gói tài trợ lớn rất quan trọng như thuốc men, thiết bị y tế... Người ta đoán có thể đi kèm với nó là "bánh mức trao đi bánh qui trao lại" sau này, nhận ưu đãi của chính quyền về dự án hay hợp đồng này nọ. Dân biết dù với động cơ nào, dân cũng rất biết ơn. Nhưng phần đông những người giàu có im hơi lặng tiếng trước khó khăn của đồng bào mình. Thương lắm chỗ này chỗ nọ, nguyện cầu quốc thái dân an bằng miệng. Hình như với họ, nghĩ có giúp cũng âm thầm quá, truyền thông có đưa tin cũng qua quýt, không tương xứng với số tiền, tên tuổi mình bỏ ra.
Tôi nghĩ vậy, vẫn là những suy đoán cá nhân, có thể mình chưa thấy hết được tấm lòng nhân ái của họ...

Hổng tin mình thì tin ai.

Mình và ông bạn già rất hợp ở chỗ quan niệm: sức đề kháng của từng người là then chốt của sự tồn tại trước dịch. Hai thằng vẫn tà tà, đến lúc dịch bủa vây tứ phía, mới lo chuyện vaccine. Bi giờ nghe ông BS Trương Hữu Khanh nói, niềm lạc quan hâm lại trong lòng. Anh ấy nói chung là vậy, ngắn gọn nên không thể bao gồm các trường hợp. Ai không tin thì cứ chích thí xác con chuột bạch. hehe.



Ngày sao đêm vậy.

Hồi tối lão nằm mơ. Tại nơi tập trung tiêm vaccine, thấy không báo chích loại nào, mình thây kệ miễn sao có chích, ngày sao đêm vậy. Nhưng thâm tâm vẫn thích chích của Mẽo PT hơn. hehe. Khi chích xong, Y tá đưa cái giấy xác nhận đã tiêm. Mờ cái chỗ... ghi tên vaccine thì không rõ mà ghi với chú thích: đại khái cũng của Sino Tàu phù nhưng tên thương mại thay đổi... loằng ngoằng chữ cao chữ thấp, xem tới xem lui vẫn không hiểu nó nói gì.
Sáng tỉnh dậy còn nhớ, ngẫm thì ra tại ngày ngày lên mạng méo lướt xem mấy cha nội chống xuồng nói xấu vaccine Tàu. Lão không mấy quan tâm chất lượng các loại vc hay âm miu này nọ nhưng nó cứ trước mặt đập vào mắt mình đành phải ngó sơ. Thế là nhiễm âm miu của thế lực thù địt rồi. Phần nữa, chắc do lão thấy mấy dòng chữ in dỏm ồm trên vaccine Sino, nhìn rất mất giá cứ như thời bao cấp năm thìn bão lụt.
Vậy là cấu thành giấc mơ loạn não.

"Ai tự phát, ai vô pháp vô thiên"?

Báo chí, truyền hình gọi những người đùm túm nhau chạy xe máy về quê là "tự phát". Không ít người lên án họ "vô pháp, vô thiên", bỏ đi là nguồn lây nhiễm dịch ra nơi khác.
Họ có muốn vậy không?
Cần đặt mình vào hoàn cảnh họ mới hiểu, mình có điều kiện ở yên một chỗ thì cần thấu cảm với người trong cuộc.
Tạm phân ra có 2 đợt đổ xô nhau về quê nhà, tập trung đông người có, lai rai có. Cả 2 lần đều ít nhiều liên quan đến chính sách của nhà nước. Lần đầu, hầu hết là những người lao động tự do, làm các công ty nhỏ không có BHXH... thu nhập kém, bấp bênh nên phải chạy trước. Lần này là những người làm công ty lớn, chế độ lương bỗng, chế độ ổn hay những người làm ăn tự do có đời sống đỡ hơn lớp người đi lượt đầu. Nay chịu đời hết thấu, nhắm mòi không trụ nổi kéo dai phải bức mà đi. Ai đi cũng chấp nhận bỏ lại phương tiện đồ dùng sinh hoạt cần thiết của đời ở trọ mà họ dành dụm qua thời gian mới có tiền mua sắm. Đi là phó mặc hết dịch liệu quay về chỗ cũ, có kiếm được miếng cơm như xưa hay không.
Người ta đã mất lòng tin vào chính quyền, họ sợ đói và bị bệnh không được cứu chữa kịp thời. Chính quyền địa phương ra công văn sẽ hổ trợ đối tượng này đối tượng nọ. Không phủ nhận CQ không làm, nhưng con số người được hưởng trên giấy với thực tế, có trời mà biết bao nhiêu %. Vì nếu đa số được hưởng thì sao trên mạng không ít người kêu ca, hỏi nhau: chỗ bạn có chưa? sao chỗ tui chưa thấy gì? Cụ thể Bình Dương chỗ tôi, từ trước đến nay chưa thấy đồng nào cứu trợ của chính quyền, chờ đến bao giờ?
Ra đi là chấp nhận đầy bất trắc trước mắt, chưa biết khi nào đến được quê nhà. Nếu nhà nước làm được như đã hứa thì chả ai ngu mà đùm túm nhau về trong lúc này. Chính quyền khó khăn về tài chính và nhận lực thì dân ngặt nghèo hơn họ. Cán bộ CNV nhà nước vẫn nhận đủ lương còn dân trắng tay. Chính quyền không cho họ đi làm thì phải nuôi họ chứ dù tiền hổ trợ vẫn là tiền của dân đóng góp, nhưng họ rất cần lúc này, gì thì gì tính sau. Công nhân, người nghèo phải sống trong cảnh may rủi, trông chờ và cứu trợ của dân, chờ hổ trợ từ nhà nước. Chính quyền nói "không ai bỏ lại phái sau", "sống đâu ở yên đấy", sẽ có "hổ trợ". Nếu chính quyền nói nhiều làm ít, muốn phát lúc nào thì phát thì chả phải cả nhà nước và dân đều "tự phát, vô pháp vô thiên", theo tôi thì nhà nước trước dân sau...

Ghi nhận kết quả cuộc gọi qua Tổng đài 1022.

Kiot bán tạp hoá sát nhà mình có 3 mẹ con bị nghi nhiễm Covid (chồng đi vắng vào công ty SX tại chỗ). Sáng nay, mình qua hỏi thăm xem tình hình thế nào? Cô tạp hoá bảo: Không sao bác à, ổn rồi. Đứa bé ho, mới gọi điện thoại cho trạm Y tế, nhiều lần không ai bắt máy (điện thoại bàn), nóng ruột nên gọi dịch vụ test nhanh thì dương tính, tốn hơn triệu đồng. Cô tính gọi dịch vụ test lại. Mình khuyên: kết quả âm hay dương tính thì cũng phải tự cách ly, không nên tốn tiền mấy lần, nếu y tế nhà nước chưa làm, chuyện đó tuỳ gia đình. Mình hỏi: thế có báo TĐ 1022 chưa, cô bảo em bấm gọi không được.
Do cô ấy không quen thao tác gọi qua tổng tài nên mình gọi giúp. Người trực TĐ bắt máy liền, cô nữ hỏi khá cặn kẽ, hỏi đến đâu, mình trả lời đến đó, đúng như thực tế những gì vừa biết. Nửa giờ sau, Một chú Trạm Y tế phường gọi đến để xác nhận thông tin và căn dặn...
Như vậy để các bạn thấy, ai đó hoài nghi TĐ 1022, cho là nhà nước lập ra cho có lệ là không đúng. Vì nó là TĐ để ghi nhận các lãnh vực liên quan đến dịch bệnh cấp bách, bao gồm cứu đói. Có người trực 24/24 và thông tin được ghi âm, phản ánh đến nơi có trách nhiệm. Nếu có sự cố, mà không biết tận dụng mà bỏ qua, thiệt thòi rất lớn cho gia đình, không những thế còn giúp cơ quan chức năng nắm bắt xử lý tình hình dịch bệnh kịp thời.
Trên mạng có hướng dẫn, mình nhắc lại nếu ai chưa biết:
Bấm mã vùng, ví dụ Bình Dương là 0274 + 1022 thành 02741022. Chuông reo, bấm vào hình ... ở góc phải điện thoại để nó hiện bàn phím ảo, bấm vào phím 2 Cấp cứu (nếu như trường hợp trên), sẽ có người bắt máy nghe, ghi nhận và hướng dẫn...

Ai phải làm, ai ở yên một chỗ đều là phận sự, chả ai muốn.

Không ít người bảo: Nhân viên y tế, nhân viên công vụ ngày đêm phải hy sinh vì xã hội, có giỏi thì làm gì cho cộng động đi ! Nghe vớ vẩn lắm. Người dân biết ơn nhưng nên nhớ: ai có điều kiện và ai cho phép di chuyển. Rất nhiều người làm thiện nguyện, chấp nhận có thể bị nhiễm dịch bệnh còn gặp khó khăn cản trở, không biết sao.
Nhà nước cấm dân đi làm ăn thì nhà nước phải có trách nhiệm nuôi, đơn giản vậy thôi, lấy tiền của dân đóng góp mà thực hiện. Không phải ban ơn, được chăng hay chớ. Người ta kêu ca, buồn chán, cái chính chẳng qua là không tin vào lời hứa của nhà nước, sợ đói khổ. Cũng đừng bảo: sống như thời chống Pháp, chỉ cần cơm rau là được, vậy thì đơn giản quá trước nhu cầu sống của người hiện đại. Họ bí quá thì đành chịu, còn cựa quậy được họ còn cố lách để tìm cách đáp ứng nhu cầu của gia đình mình. Người có tích cóp tiền bạc khác với người bần cùng, hai dạng nhận thức và ứng xử khác nhau cho nên ngày nào cũng có chuyện kêu ca, ồn ào rồi phạt là điều dĩ nhiên khó tránh khỏi...
Đó là suy nghĩ của mình trước cái stt dưới của Le Van Duc.

Chào ngày mới! 22/8/2022

 


Vùng xanh trong lòng vùng đỏ!

Đến giờ nhiều người chưa biết thế nào là chuẩn của vùng xanh, vùng vàng, vùng cam, vùng đỏ. Đa số chỉ hiểu ang áng nó biểu thị mức đô lây nhiễm dịch ở các nơi thôi.
Khi nghe tin chính quyền Bình Dương tuyên bố 11 phường phải “khóa chặt, đông cứng vùng đỏ đậm đặc", mình cảm thấy rất lạ. Bỡi phường mình nằm trong diện trên nhưng nơi biết khá chính xác là khu phố đang ở, đã yên ổn cả tháng nay. Trước đó có 2 chợ nhỏ và dăm căn nhà bị dăng dây cách ly, so với một KP đông công nhân ở trọ thuộc top đầu của BD thì nó như "muỗi". Rất may mắn!
Lâu nay dân không được ra khỏi khu phố, chứ bên trong đi lại khá dễ, trước vài ngày còn thấy dân phòng gỡ dây cách ly chợ. Do cứ đinh ninh là vùng xanh, thành ra rất khó hiểu trước quyết định của CQ.
Vì dân ở đâu biết đó nên mình sực nhớ, nhắn tin hỏi người quen thì mới hiểu ra khu phố khác cùng phường, nguyên văn: "... 2 tuần nay hốt hơn 100 người nhiễm đi cách ly, trước đó cũng có rồi anh". Còn khu phố nào bị nặng, nhẹ nữa không biết.
Mình thiết nghĩ nếu tỉnh BD làm kỹ, cụ thể hơn đến cấp khu phố thì dân cũng đỡ ngột ngạt mà lực lượng chức năng cũng đỡ "bao sân" vừa tốn sức vừa tốn kinh phí để tập trung cho nơi đúng nghĩa trọng điểm "vùng đỏ đậm đặc".

Vì sao có người Anti-vaccine?

Mình khá thắc mắc về điều ấy nên hỏi người bạn.
Bạn nói: Ở Mỹ, đa phần lớp già thì chấp nhận loại vaccine nào cũng được, còn những người từ chối có nhiều lý do... Tầng lớp trẻ có học thức ở Mỹ và Singapore, họ không chịu tiêm theo lý của họ. Vì họ tự tin ở sức đề kháng của mình, phần nữa cho rằng Vc can thiệp sâu vào mã ngồn gen. Mới có 2 năm nguyên cứu, chưa đủ thời gian để kiểm chứng an toàn về lâu dài trên thực tế. Có thể di truyền ảnh hưởng xấu đến con cháu. Ví như vật nuôi cây trồng biến đổi gen, có nước tán thành, có nước không. Họ thà tiêm Vc bào chế theo cách cổ truyền như của TQ chẳng hạn, an toàn hơn.

Vầy thì làm sao không lòi ra F... một đống?

Thỉnh thoảng các bạn nghe chỗ này chỗ nọ bị F0 quá trời. Mình kể chuyện mình chứng kiến để các bạn không nằm trong tâm dịch hiểu.
Ví như chỗ khu trọ của mình, tuần rồi có kiot bán tạp hoá, 1 mẹ và 2 đứa con nhỏ nghi bị nhiễm virus. Gọi điện thoại số bàn trạm y tế không được, đành tự bỏ tiền kêu dịch vụ tới lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính. Sau đó y tế phường biết, gọi ĐT hướng dẫn tự điều trị tại chỗ nhưng không xuống xét nghiệm tiếp theo để xác định chính xác. Và không thấy dăng dây cảnh báo.
Như vậy theo nguyên tắc chưa thể gọi là F0 nhưng mình ở kế bên thăm hỏi biết triệu chứng và kết quả xét nghiệm nhanh thì nghĩ 100% bị nhiễm rồi. May mà gia đình cô tạp hoá qua một tuần đau đã ổn. Trong khu thấy dân cư vẫn êm ắng. Hoặc có triệu chứng mà họ không nói ra, thì ai biết ai.
Nếu chính quyền không có biện pháp như xét nghiệm, truy vết tức thời tìm F... như kể trên. Đồng thời nếu không có thuốc đặc trị và chích ngừa thì cũng bằng không. Sắp đến khi xét nghiệm có thể lòi ra một đống, không gì là lạ. Không tự dưng mà bị, phải có người lây qua. Đặc điểm của dịch bệnh, hầu hết không có triệu chứng hoặc nhẹ thì dân họ đâu biết mình nhiễm. Cứ thế lây dính chùm trong phòng rồi lan ra những phòng khác kề cận ở môi trường chật hẹp có đến 60 phòng cả thảy.
Chỉ hy vọng mong manh không nhiều vì thấy mọi người đều ổn.
Thử hỏi nếu bạn là người trong cuộc có lo lắng, có bị stress không?

Xưa phòng dịch, người Thiểu số với người Kinh ai văn minh hơn?.

Phòng dịch bệnh bằng luật tục ở buôn làng xưa
Tấn Vịnh - 20:09, 06/08/2021
Ngày xưa, đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao miền núi, đời sống còn nhiều khó khăn, việc tiếp cận các dịch vụ y tế hạn chế. Đi liền với đói nghèo, lạc hậu là dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Từ đó đồng bào có nhiều cách để phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh. Đặc biệt, luật tục (tập quán pháp) của đồng bào đều có những quy định xử phạt nghiêm khắc để ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh.

Những quy định nghiêm ngặt để phòng dịch

Xưa kia, đồng bào các dân tộc ở vùng Trường Sơn- Tây Nguyên đều có những quy định nghiêm ngặt trong phòng chống dịch bệnh. Khi trong làng có dịch bệnh, người trong làng không được sang làng khác. Đồng bào thường làm dấu hiệu trên các con đường vào làng bằng cách chăng dây buộc ngang đường, trồng cây chặn lối đi lại. Khách hoặc người lạ vào làng thấy “dấu cấm đi” là biết có chuyện bất ổn, tín hiệu “nội bất xuất ngoại bất nhập” và tự giác rút lui ngay lập tức mà không cần có “đội cưỡng chế ”.

Khi trong làng xảy ra dịch bệnh, bà con không được ở nhà, không được tập trung đông người mà phải phân tán vào rừng, tự cách ly để khỏi bị lây nhiễm. Nếu người trong làng đi đến buôn làng khác khi đang bị dịch bệnh thì không được về làng ngay mà ở ngoài rừng, cách ly một thời gian khá lâu sau mới được về nhà. Người nhà và bà con trong làng dựng một cái túp lều trong rừng cho người bị nghi dịch bệnh tạm trú ở đó. Gia đình cung cấp đầy đủ đồ ăn hàng ngày. Người bị cách ly không được vào các chòi rẫy, không được xuống suối uống nước, tắm ở đầu nguồn để hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ra môi trường nước. Thời gian ở trong rừng phải ít nhất từ 10-15 ngày.

Ngày xưa, mỗi làng đều có hàng rào bảo vệ. Hàng rào xung quanh làng không những để bảo vệ cuộc sống dân làng mà còn là dấu hiệu phân định giới mốc, địa vực cư trú, sở hữu đất đai, dấu hiệu thông báo điều kiêng cữ cấm tuyệt đối người ngoài vào làng khi dịch bệnh.

Những thời điểm xảy ra dịch bệnh nguy hiểm thì đồng bào gia cố, làm mới hàng rào thành nhiều lớp vòng trong, vòng ngoài rất chắc chắn. Các vị chủ làng, già làng có uy tín luôn khuyên bảo, nhắc nhở dân chúng thực hiện việc phòng chống dịch bệnh. Những người không tuân thủ sẽ bị bà con lên án. Đặc biệt, người nào vô tình làm lây lan dịch bệnh, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, tính mạng của người dân trong làng thì bị xử phạt nghiêm khắc.


Luật tục quy định xử phạt nghiêm khắc


Luật tục của đồng bào có những quy định cụ thể về việc phân xử cho các đối tượng làm lây lan dịch bệnh. Nhiều điều luật đề cập khá rõ về việc phòng và chống dịch bệnh, việc xét xử, phạt vạ những “tội trạng”, “tội danh” như “Tội bị bệnh truyền nhiễm mà không khai báo”, “Tội không khai báo người bị chết vì dịch bệnh”, “Tội làm lây truyền dịch bệnh cho người khác”, “Tội phao tin không đúng về dịch bệnh làm dân làng sợ hãi”, “Tội xông vào làng bất chấp làng có cữ vì dịch bệnh”, ...

Bên cạnh xử tội làm lây lan dịch bệnh ở người, luật tục của đồng bào miền núi cũng có những điều luật quy định xử phạt đối với các tội làm lây dịch bệnh ở gia súc. Đó là “Tội không trình báo với người đầu làng về có dịch trâu bò”, “Tội không chăm sóc đàn gia súc của mình khi có dịch bệnh”...

Về “Tội bị bệnh truyền nhiễm mà không khai báo”, luật tục Ê Đê luận giải như sau: “Khi bệnh lan rộng, lây đến các làng khác, nếu không có một ai, là đàn bà hay đàn ông chạy đi báo cho cây đa đầu suối, cây sung đầu làng, báo cho những kẻ trông coi những người em, những người cháu, dân làng (như vậy thì khác nào) họ đem trăn, đem rắn bỏ vào nhà người ta, khác nào kẻ thấy dân làng khỏe mạnh sinh ra ganh ghét. Như vậy, hắn là kẻ có tội, có chuyện phải đưa ra xét xử giữa người ta với hắn”.

“Tội làm lây lây lan dịch bệnh cho người khác”, luật tục Ê Đê ghi rõ: “Những năm có thiên tai, hạn hán, thời tiết nóng nực, ông Đu, ông Điê (các vị thần tối cao trong hệ thống thần linh của người Ê Đê) thường gieo rắc tai họa. Hắn bị trời làm cho ốm đau, thế mà hắn không chịu kiêng cữ. Hắn như con voi của thần Cá Sấu đến cọ mình vào cây kcik, như con voi của thần Cá Sấu đến cọ mình vào cây kpang, hắn muốn truyền bệnh cho dân làng của tù trưởng nhà giàu. Vì hắn mà làm chết cả những tay cuốc, tay chà gạc giỏi giang, những người có tài tháo vát, khỏe mạnh. Vậy, có việc phải xét xử giữa người khác với hắn”.

Luật tục của dân tộc M’nông (phat duôih) có những quy định cụ thể về việc phân xử, xét xử cho các đối tượng làm lây lan dịch bệnh. Luật tục M’nông có hàng trăm “điều luật”, trong đó có đề cập khá rõ về việc phòng và chống dịch bệnh và xét xử, phạt vạ những trường vi phạm. Về “Tội gieo rắc, lây lan dịch bệnh cho người khác”, luật tục M’nông nói như sau: “Bon mình có bệnh lây truyền/Mình không được vào bon người khác/Nếu ta vào bon họ/Tức là truyền bệnh cho bon đó/Nếu bon họ có bệnh truyền nhiễm/Ta không được và bon của họ/Nếu ta vào bon họ/Tức là rước bệnh về làng mình/Mang bệnh về gây hại bon làng/Mang dây mây từ ngoài rừng xa/Làm cho bon làng bị gai đâm/Đổ nước tro làm cho giường mục”.

Đến nay, dù xã hội đã phát triển, song khi gặp dịch bệnh, việc đối phó với khủng hoảng này tùy theo điều kiện của từng vùng. Thực tế cho thấy, việc phòng ngừa dịch bằng cách ly, ngăn chặn từ xa trở nên hiệu quả trong việc đối phó với đại dịch Covid-19 đang bùng phát và diễn biến phức tạp trên toàn thế giới. Trong quá khứ, bằng nếp sống, cách ứng xử, luật tục...đồng bào các dân tộc ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên cũng đã tồn tại, vượt qua những cơn nguy nan và từ đó hình thành ý thức, kinh nghiệm trong việc phòng chống dịch bệnh, bảo vệ cuộc sống buôn làng.

Hàng rào kiên cố ở một ngôi làng của người Ba Na khi xưa (ảnh: Daniel Léger)




Nguồn: Baodantoc



Tìm kiếm Blog này