Người ta không còn tin vào lời hứa hẹn có cánh "không để dân đói" của Lãnh đạo A.B.C. Nếu dân mất lòng tin thì hãy tổ chức đưa họ về quê cho đàng hoàng. Biết là khó và phức tạp, dù chính quyền có bận trăm công nghìn việc nhưng tôi thiết nghĩ vẫn hoàn toàn có thể bố trí tổ chức được. Với một ít nhân lực hướng dẫn, kèm cặp, giám sát đoàn người đi đến nơi đến chốn và tiếp nhận cách ly sàng lọc. Dọc đường đã có dân thương nhau giúp đỡ. Lỗi từ Sài Gòn, Bình Dương... nơi người ta đến để kiếm miếng cơm manh áo đến những địa phương nơi họ xuất phát đành phải xa quê. Từ chối và cho rằng vượt quá khả năng của địa phương là ngụỵ biện cho tư tưởng cục bộ và sự yếu kém của lãnh đạo ở địa phương đó. Đừng viện dẫn nước khác cũng có tình trạng như vậy. Cơ chế họ khác, VN khác, sinh ra cả một bộ máy chính trị khổng lồ đến tận tổ dân để làm gì?
Nhìn những hình ảnh hàng ngàn người nghèo đành bỏ lại những vật dùng mà công nhân dành dụm mua được, chỉ với chiếc xe máy với nhúm quần áo, lương thực mà đi. Dù biết rằng biết bao khó khăn chông gai trước mặt. Người lớn trẻ con trên đường dài mưa nắng, ngủ vật ngủ vạ dọc đường, qua trạm này kiểm tra đến trạm khác kiểm tra. Đúng như dân gian nói "đói thì đầu gối phải bò".
Một góc nhỏ của bức tranh lớn ảm đạm. Một gia đình với 3 đứa con nheo nhóc, một gia đình với đứa bé mới sinh 9 ngày tuổi, chưa cắt rốn.
Sao lại để dân tự phát tháo chạy? Cái ông các bà lãnh đạo từ trung ương đến địa phương hãy nhìn vài hình ảnh mà xem lại lương tâm và trách nhiệm của mình. Làm lãnh đạo chỉ huy không phải là thiên lôi, sai đâu đánh đó, chờ Trên chỉ thị hướng dẫn mới làm...
______________________
Tổ chức đi, giá như tôi, chả gì quá khó (tôi nghĩ vậy), đại khái:
- Thông báo rộng rãi và rõ ràng các bước.
- Hẹn ngày tập trung xét nghiệm nhanh.
- Cá nhân viết giấy cam kết chấp hành.
- Lập danh sách trích ngang, giấy thông hành tập thể.
- Tạo từng nhóm theo quê huyện thị, tự quản lý.
- Ngày đi, có CSGT đi đầu, giữa và hậu.
- Trên đường và đến nơi, thiếu ai, phát lệnh tìm kiếm ngay.