Tim thông tin blog này:

Thứ Năm, 10 tháng 5, 2018

Ấn kiều ở Sài Gòn

Hồi nhỏ tôi khoái nghe giọng ca tân cổ giao duyên của Văn Hường, nghe tiếu lâm, vui vui, lúc vô câu vọng cổ, lúc thì nói lối rồi hát nhạc vui với cái giọng rè rè, nghe ghiền luôn. Khoái nhất là bài “Tư ếch đi Sài Gòn”: “…Tui thấy đâu sáu bảy thằng với bảy tám con gì đó nó ăn mặc kỳ cục lắm, áo thì hổng có tay quần hổng có ống, nó hổng có hát É Mambo như ở đằng trà thất, đằng này nó làm cái gì mà nắm tay nhau rồi hé lên một lượt: Chachacha, ma ní lầy chồng chà và. Chachacha, ma ní lầy chồng chà và. Tôi hoảng vía kinh hồn xô ghế đứng dậy chạy một hơi ngồi thở dốc một hồi…”
an-kieu-o-sai-gon3
Hình anh Bảy Chà dùng làm biểu tượng quảng cáo kem đánh răng Hynos – Ảnh: Tài liệu
Có lẽ không chỉ có tôi mà nhiều đứa trẻ ở Sài Gòn hồi đó đều lấy câu “Chachacha, ma ní lấy chồng chà và” đem ra chọc ghẹo đứa bạn nào có nước da ngăm ngăm giống anh Bảy Chà Hynos. Hồi nhỏ tôi không để ý gì lắm đến cái mặt của anh Bảy Chà đen thui cười toe nhe hàm răng trắng bóc trên mấy tấm bảng quảng cáo kem đánh răng to đùng treo khắp nơi ở Sài Gòn. Sau này tôi mới nhận ra, người Chà Và da đâu có đen, mũi tẹt như trong tấm hình kem đánh răng Hynos. Tấm hình quảng cáo anh Bảy Chà phải là hình người da đen ở Châu Phi. Nhiều người giải thích chữ “Chà Và” do đọc trại chữ “Java”, một quần đảo của Indonesia thì rõ ràng đâu có bà con gì với anh Bảy Chà ở châu Phi. Không biết ai cố vấn cho ông Vương Ðạo Nghĩa, chủ hãng kem đánh răng Hynos lúc còn sinh thời, chọn hình anh da đen cùng câu hát dí dỏm quảng cáo trên đài phát thanh: “Anh yêu em hay anh yêu kem hay anh yêu anh Bảy Chà da đen? Anh yêu em, anh yêu luôn kem, anh yêu luôn anh Bảy Chà da đen”.
Nhưng thôi, hình gì thì hình, anh Bảy Chà (Indo) hay anh Bảy Chà (châu Phi) đã làm kem Hynos trở thành thương hiệu kem đánh răng nổi tiếng một thời không thua gì kem đánh răng Colgate của Mỹ. Người Chà Và hay Ma Ní (Manila, Philippines) trong bài “Tư ếch đi Sài Gòn” của soạn giả Viễn Châu mặc nhiên xem hai sắc tộc đó là một. Theo Việt Nam tự điển của Lê Văn Ðức và Lê Ngọc Trụ định nghĩa người Chà ở cù lao Java sinh sống ở Việt Nam, nghĩa rộng chỉ chung người da đen gốc Ấn Ðộ, Malaysia hay Indonesia tới sống ở Việt Nam. Còn trong Bách Khoa tri thức thì người Ấn Ðộ đến định cư ở Sài Gòn rất lâu do người Hòa Lan tuyển mộ làm binh lính gọi chung là “Chà Chetty” (Chệt-ty). Và sau 1945 lại xuất hiện thêm một sắc dân Chà khác gọi là “Chà chóp”. Những người Chà này do người Anh vào miền Nam giải giáp quân Nhật, họ mang theo binh lính tuyển mộ từ đảo Borneo (Indonesia). Những người lính này có da bánh mật, tính tình hung hăng, đầu cạo trọc chừa lại một chòm tóc nhỏ dài trên đỉnh. Về sau người Chà chóp kết hôn với người Việt, sinh ra con đàn cháu đống gọi là “Chà lai”.
https://i1.wp.com/baotreonline.com/wp-content/uploads/2017/02/an-kieu-o-sai-gon2.jpg
Cầu Chà Và qua kênh Tàu Hủ nơi có nhiều người Ấn sinh sống buôn bán vải lụa – Ảnh: Hinhxuasg
Nói chung tất cả những người Ấn Ðộ, Phi Luật Tân, Indonesia, Malaysia hay có cả người Pakistan, Sri Lanca, Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống ở Sài Gòn ngày trước, người Việt mình đều gọi là người Chà Và hết. Trong đó người Chà gốc Ấn đông nhất và lâu đời nhất có mặt tại Sài Gòn từ lâu như đã nói ở trên. Ở Sài Gòn có tất cả 3 ngôi chùa Ấn. Một là chùa Bà Mariamman tọa lạc trên đường Trương Ðịnh là một trong số ba ngôi chùa của Ấn kiều xây dựng sớm nhất từ giữa thế kỷ 18, mãi đến năm 1958-1960 mới được xây dựng lại theo mẫu của các đền thờ bên Nam Ấn Ðộ. Chùa bà Mariamman dành cho những người theo đạo Bà La Môn hay Ấn Ðộ giáo (Hindu). Hai chùa kia thờ ông ở đường Tôn Thất Thiệp và đường Công Lý, thờ hai người con của Mariamman là Ganesha và Murugan.
Chà gốc Ấn hay Chà Bombay thích kinh doanh mua bán. Họ có nhiều sạp bán vải và lụa trên đường Hàm Nghi, Tôn Thất Thiệp, Lê Lợi đối diện ga xe lửa Sài Gòn và những sạp vải bán ngoài trời hai bên hông chợ Bến Thành. Ở Chợ Lớn thì người Chà bán vải trên đường Ðồng Khánh, Châu Văn Liêm gần khu vực Cầu Chà Và. Cây cầu này ban đầu do một số người Chà đóng góp tiền bạc để mở cầu giao thông qua kênh Tàu Hủ sang khu vực xóm Củi cho bà con đi lại, sau này cầu xây lại bằng bê tông vẫn giữ tên Chà Và.
Tôi gọi phôn cho anh bạn ở San Jose, để hỏi anh chuyện khu vực cầu Chà Và nơi gia đình cha mẹ anh ngày trước có sạp bán vải ngay góc đường Hải Thượng Lãn Ông. Anh kể cả tiếng đồng hồ về mối tình với cô con gái người Chà gốc Ấn cũng có cha mẹ bán vải sát bên nhà anh. Má anh chẳng ưa tí nào, còn anh thì thích lắm, cô gái gốc Ấn nói tiếng Việt líu lo, mũi cao, da bánh mật, nhìn là muốn yêu. Cuối cùng thì anh cũng  dụ được người đẹp đi xem phim ở rạp Phi Long. Rạp này thường chiếu phim Ấn Ðộ. Cả hai lén nhà đi xem phim đâu được mấy lần. Cuối cùng bị cha mẹ hai bên biết được, ngăn cấm. Cha mẹ cô gái bán nhà hồi đầu năm 1975, sang Pháp định cư. Mối tình của anh đành để cho nàng cắt đứt dây chuông đi mất.
https://i1.wp.com/baotreonline.com/wp-content/uploads/2017/02/an-kieu-o-sai-gon2.jpg
Một gia đình người Ấn sống ở Sài Gòn chụp hình kỷ niệm vào năm 1880 – Nguồn: Redsvn
Ngoài nghề truyền thống bán vải lụa, người Chà từ thời Pháp thuộc rất được tín nhiệm cho những công việc như thư ký công ty, cảnh sát hoặc gác dan. Người Pháp họ tin người Chà vì trong tôn giáo đạo Hồi (Islam) hay đạo Bà La Môn (Brahmin) có điều răn không ăn cắp, gian dối nếu phạm tội phải xuống hỏa ngục. Bản thân người Chà có niềm tin tôn giáo sâu sắc mãnh liệt và luôn tỏ lòng trung thực đối với mọi người, cho nên người Pháp luôn dành cho họ vị trí trân trọng hơn người Việt trong việc kinh doanh, làm ăn chăn nuôi dê trong thành phố, mua bán nhà cửa thuê mướn đất đai.
Nói đến đất cho thuê của người Chà làm tôi nhớ hồi nhỏ vẫn thường thấy cứ mỗi đầu tháng là có một người đàn ông, đầu quấn khăn turban truyền thống, tay ôm cặp táp da đến nhà Bác Hai thợ mộc đối diện nhà tôi. Bác Hai thuê miếng đất tự cất nhà sau khi di cư từ miền Bắc vào Sài Gòn sinh sống. Cứ mỗi lần ông chủ đất đến thu tiền là thằng con của bác Hai chạy sang báo với tôi rằng “Anh Bảy Chà đến thu tiền đất”. Không biết ông Bảy Chà có đất cho thuê nhiều không nhưng ông thường đi bộ, hết xóm này sang xóm khác. Nhưng kể từ sau năm 1975, tôi không còn thấy ông đến nhà Bác Hai thợ mộc thu tiền đất nữa.
Năm tôi lên học lớp Tám trong lớp có một học sinh người Chà gốc Ấn từ trường khác chuyển sang. Nó tên là Mohammach Jaladin ngồi cạnh bên tôi. Tôi thấy Mohammach chẳng khác gì tôi nói tiếng Việt rành rẽ, chỉ ngon cơm hơn tôi với vẻ bề ngoài đẹp trai cao to hơn một chút, da ngăm ngăm, mũi cao, toán lý hóa đều giỏi. Vì thế bọn con gái trong lớp cứ chú ý tới nó khiến cái mặt nó nghinh nghinh nhìn lên trời. Nhưng với tôi thì Mohammach tỏ ra khá thân thiện, nó rủ tôi về nhà chơi cho biết. Căn nhà cha mẹ nó khang trang mặt tiền tô đá rửa nằm trong con hẻm trên đường Trương Minh Giảng. Trong nhà trên bàn thờ thần luôn có mùi trầm hương thoang thoảng. Hồi đó tôi nghĩ là mùi bùa ngải. Chơi với mấy người Chà lỡ có chuyện gì làm nó ghét, nó ếm mình phình to cái bụng như con cóc chẳng chơi. Nhưng thằng bạn gốc Ấn hiền khô, học giỏi nhất lớp, thầy cô bạn bè đều yêu mến.
an-kieu-o-sai-gon
Chùa bà Mariamman ở đầu đường Trương Định xây dựng lại từ năm 1958-1960 theo kiến trúc Nam Ấn Độ – Ảnh: Wiki
Có lần tôi đến nhà Mohammach nhân sinh nhật của nó. Cha mẹ nó ăn vận quần áo truyền thống, người thì quấn sà rong, người thì mặc sari, cả hai đều nói tiếng Việt. Hôm đó, sau khi ăn món cà ri dê xong, không biết đứng dậy lớ quớ làm sao, đầu tôi va vào cái tủ thuốc gia đình treo phía sau khiến tấm kiếng vỡ vụn, rớt xuống cắt sâu gần cổ tay tôi. Máu tuôn thấy sợ. Bà mẹ của Mohammach vội lấy cái nón lá của bà treo trên vách, xé ra miếng lá buông, rịt chặt vào vết thương. Chỉ vài phút sau, vết thương khép miệng không còn chảy máu. Từ đó về sau, cứ mỗi lần bị đứt tay là tôi cắt một miếng lá buông trên cái nón lá của má tôi dán vào vết thương là xong chuyện.
Nhân chuyện thằng bạn học người Chà gốc Ấn tên Mohammach Jaladin thì tôi có đọc một tài liệu báo chí đăng trên trang kịch trường của tuần báo Văn Nghệ hồi năm 1971. Số là soạn giả Xuân Phát viết một vở cải lương “Tình anh Bảy Chà”, nhân vật Anh Bảy (Thành Ðược đóng) Mohammach Apdoul ăn mặc theo kiểu người Hồi giáo, cho vay tiền góp lấy lời, có vợ là người Việt mang tên Mohammach Apdoul Cira. Nhưng diễn viên cố tình nói lái là Cari (càri). Vở diễn trên truyền hình, sau đó thì Hội Ấn kiều Sài Gòn gởi thư đến báo chí vì cho rằng hình ảnh nhân vật trong “Tình anh Bảy Chà” mang tính phỉ báng, bôi nhọ tôn giáo đạo Hồi. Họ giải thích: Người Ấn chia làm hai phái: Hồi giáo và Bà La Môn (Ấn Ðộ giáo). Người Hồi giáo trong nhà không có bàn thờ quỳ lại than khóc như trong vở diễn, hơn nữa người Hồi giáo không có tên Mohammach Apdoul. Người Hồi giáo không được phép cho vay lấy lãi vì đó là điều răn cấm. Sau chuyện này, soạn giả Xuân Phát phải viết thư trần tình xin lỗi và thanh minh thanh nga do không am hiểu tôn giáo của người Ấn kiều. Chuyện sau đó chìm xuồng, tuồng được chỉnh sửa đôi chút cho hợp sau này.
Sau 1954, một số Ấn kiều di cư sang Pháp, số còn lại sống tại Sài Gòn đến ngày nay, theo thống kê dân số có khoảng 30,000 người.

Tìm kiếm Blog này