Tim thông tin blog này:

Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2019

Cảm nhận một số tính cách người Khmer CPC khác với người Việt.

Họ không quen ý thức hệ chính trị và lý luận.
Họ nể trọng cán bộ thật sự, không dèm pha nói xấu sau lưng. Họ thích làm ông lớn nhưng không đua chen kèn cựa với người khác. Họ coi nhau đơn giản là tình người với người, làm chức vụ lớn hay nhỏ chứ không phải phe địch hay ta. Nên có chuyện lính của chế độ kia rồi đầu quân làm lính chế độ này, chỉ huy coi là bình thường sẵn sàng tiếp nhận nếu không có sự nhắc nhở từ cố vẫn VN. Trong việc công, không thấy họ viện dẫn lý luận này nọ hay tranh luận đúng sai, cán bộ bàn bạc xong việc ai nấy làm...
Họ không biết cãi lộn với nhau
Họ sống chan hoà với nhau, không nghe ồn ào cãi vã dù trong gia đình hay với hàng xóm hoặc trong cuộc họp chung. Không có cảnh phân biệt con ông con bà. Không có cảnh chồng đánh đập vợ, vợ đay nghiến chồng. Vợ lớn hơn chồng chục tuổi là bình thường, thậm chí hai chục tuổi, trông như mẹ với con, không ai dè bỉu dị nghị... Có điều mình nghe nói: Nếu mâu thuẫn với người khác mà không thể dàn hoà thì có thể họ bí mật phục kích thanh toán nhau mà người ngoài không biết ai chém, ai bắn...
Họ không có thói trộm cắp văt.
Không nghe thấy dân báo cáo phản ánh lên chính quyền về trường hợp nào. Dù tài sản gia đình ở quê nghèo không có đáng giá nhưng vẫn là tài sản. Họ đi làm thì ít có gia đình khoá cửa, đa số chỉ khép cửa lại rồi đi. Ngày đêm, vật dụng sinh hoạt cũng như giày dép họ để dưới nhà sàn không bị mất bao giờ...
Họ thường cho tặng đồ dùng.
Nếu người họ mến xin hoặc tỏ ý thích thì họ sẽ cho ngay coi như vật kỷ niệm. Với đồ có giá trị thì không biết sao nhưng với vật dụng thông thường như quần áo, mũ nón, giầy dép... thì họ lột ra cho ngay mà không hề đắn đo. Cho nên lính CPC dù có trang bị quân trang, đạn dược đầy đủ thì sau vài tháng đã thiếu trước hụt sau vì cái tính ấy. Không thì thôi, vì vậy nên họ không thích thói tuỳ tiện và trộm cắp vặt...

Họ ít tính tư hữu và thảo ăn với nhau.
Không nghe dân suy bì ruộng nhiều ít, đất tốt hay xấu. Nhà gia đình này với nhà đình kế bên không có hàng rào, ai muốn đi ngang về tắt đường nào thì đi. Họ thường chia sẻ đồ ăn với láng giềng làng bản từ con cá, miếng thịt đến thuốc hút. Ngay với bộ đội VN, dù trong lòng họ có người thích, người không thích VN, thấy bộ đội khổ thì họ vẫn coi như con cháu họ, có gì cho nấy. Họ thích cùng ăn chung trong những dịp quây quần...
Họ đã vui là vui tới bến!
Ngày thường trai gái ít nhiều giữ kẽ nhau và người lớn có để ý đến. Nhưng hỡ có dịp đám cúng, đám ma, lễ hội... là phải vui mà đã vui là chơi tới bến. Đàn ông hầu như ai cũng uống rượu liên khúc. Trai gái nghiêm túc chỉ là khúc dạo đầu thôi, sau đó thì tha hồ bày trò... Như chơi đánh bài để bóp chim, vỗ mông vỗ đít mà người lớn không hề bắt bẻ. Múa hát thì đám thanh niên thích nhất điệu chachacha để có dịp con trai biểu diễn các kiểu phăng-ta-di. Hai tay như bao vây bốc hốt, tốc váy con gái lên vậy! Ai mệt thì bạ đâu ngủ đó xung quanh, tỉnh thì dậy chơi tiếp. Thích thì chơi từ đầu tối đến khi mặt trời ló lên mới dừng cuộc vui. Ở lễ hội mừng năm mới, họ tạt nước vui đùa với nhau bất kể địa vị, tuổi tác.....
Nhìn chung họ có tính cộng đồng giống như các dân tộc còn giữ nét tập quán sống nguyên thuỷ.
Lưu ý: Chỉ nói về nơi mình từng sống là một vùng nông thôn thời chiến và với những gì đã biết. Ấn tượng chung vậy thôi, chứ chưa hẳn không có chuyện này chuỵện nọ.


Tìm kiếm Blog này