Tim thông tin blog này:

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2019

Tôi đã học tập phản biện từ khi nào.

Tự hào mình đã được thụ hưởng nền giáo dục VNCH!
Trước năm 1975, trường tôi là một trường công mang tên Trung học Hoàng Đạo - đây là tên do nhà trường tự đặt, lấy theo bút danh của nhà văn Nguyễn Tường Long - nhóm Tự lực Văn đoàn, lãnh tụ đảng Đại Việt. Chính quyền không ưa gì đảng này nhưng tên đó vẫn công khai trong phạm vi nhà trường.. Trường ở thị xã Kon Tum, một địa phương heo hút thuộc hàng nhỏ nhất ở Miền Nam. Một số thầy cô theo các khuynh hướng chính trị khác nhau, có thầy theo đảng Quốc dân, có thầy theo đảng Dân chủ, có thầy bên Quân đội biệt phái qua, có thầy thân Việt cộng...
Năm đệ ngũ (lớp 8), thầy Nguyễn Văn Trọng (đảng viên Đại Việt) dạy môn Quốc văn đưa một chương trình gọi là Trần thuyết, rất mới lạ với lũ học trò chúng tôi. Lớp chia thành các nhóm, mỗi nhóm tự tìm bạn hợp giơ khoàng 5 người, tự chọn trích đoạn tác phẩm hoặc một truyện ngắn mà lớp có học qua hay thầy cô đã giới thiệu ngoài lề. Nhóm thuyết trình có nhiệm vụ trình bày cái hay của tác phẩm và tác giả. Nên tìm tòi trước cả tuần, chuẩn bị sẵn các lập luận bảo vệ nội dung.
Đến ngày, bàn ghế dài được kê ngang trước bảng, nhóm trần thuyết ngồi quay mặt xuống lớp, thầy giới thiệu sơ qua chương trình, rồi ngồi làm "trọng tài" xem đám học sinh múa mỏ "oánh" nhau. Một, hai bạn cứng cựa thay mặt nhóm trần thuyết đứng lên ca tác phẩm - tác giả "lên mây". Học sinh còn lại của lớp ở bên dưới, ai thấy khuyết, nhược điểm hoặc đơn giản thích phá thì giơ tay phát biểu chọt vô đả kích. Hai bên tha hồ "chém gió", một bên như khiêng đỡ, một bên là đám đông như giáo tấn công. Do đầu óc còn non nớt nên phản biện kiểu trời ơi đất hỡi, đâm bị thóc thọc bị gạo, bắt lỗi nhau câu chữ là chính. Hào hứng, ồn ào chí choé, bắt bẻ nhau mà bên kia "cà lăm" thì hả hê sướng ra phết! Thầy mỉm cười, không kết luận bên nào đúng bên nào sai. Tuy vậy cũng tập cho học sinh quen dần với việc tranh luận.

Nghe đâu, chương trình thực nghiệm này là sáng kiến mới của ĐH Havard được một số trường trung học VNCH đưa vào ứng dụng luôn.
Sang năm Đệ Tứ (lớp 9), thầy Trần Duy Phiên - nhà văn xứ Huế thuộc nhóm tạp chí Việt. Thầy có tư tưởng đối lập lập với chính quyền và thân Cộng, tác giả một số tác phẩm trước và sau năm 1975. Thầy cho thuyết trình truyện ngắn "Trước khi mặt trời mọc" của mình - NXB Đối diện, nội dung lên án áp bức bất công dưới thời Pháp thuộc. Nói về một nhân vật đấu tranh chống Pháp rồi bị bắt đưa ra trường bắn (ý là mượn chuyện cũ để đả kích chế độ VNCH). Năm 1972, Không quân Mỹ ném bom xuống thành phố Hà Nội - Hải Phòng, đứng trước lớp thầy đã lên án mạnh mẽ cuộc không kích, cho học sinh biết đó là hành động dã man của Đế quốc Mỹ.
Hết lớp đệ tứ lên lớp 10, tôi xin chuyển trường, rút học bạ về Trung học Nguyễn Huệ - Tuy Hoà vì trường cũ không có ban C (học Văn, Anh, Sử Địa là chính). Ý tôi là muốn sau này lên học tiếp đại học Luật để đấu tranh bảo vệ người cô thế. Việc nhập học trường công rất khó..., cuối cùng cũng xong. Tôi là một học sinh không quen biết ai, không nhờ cậy ai, tự xin - tự nộp hồ sơ mà được Trường tiếp nhận.
Chúng tôi được học về luận lý học, phương pháp luận như thế nào là phép tam đoạn luận, thế nào là phép quy nạp... Còn nhỏ nên chúng tôi chỉ biết qua và tuỳ người, ít nhiều ứng dụng trong cuộc sống về sau. Biết thế nào là thuật hùng biện - đánh vào tâm lý để lôi cuốn đám đông chứ không phải là lý trí. Đó là những kỹ năng quan trọng rất cần cho chính khách. Chế độ ngày nay, ít người am hiểu, thật là thiếu sót lớn!
Chính nhờ có học cùng đọc sách tìm hiểu thêm và ra đời rèn luyện trong thực tế đời sống. Nên sau khi nghỉ học, tôi đã từng "chém gió" luôi cuốn phong trào thanh niên địa phương. Đi bộ đội, từng mấy lần đứng trước đám đông có nhiều sĩ quan cấp trên để thuyết trình mà không hề run sợ (có lần Thươngj tướng Lê Đức Anh dự nghe).
Biết thế nào thuật nguỵ biện - đánh tráo khái niệm đi đến kết luận tưởng như đúng mà thật ra là sai (chuyện này phải nói cộng sản là trùm!). Rồi chúng tôi nhập môn Triết học theo đúng nghĩa của nó - chứ không phải chính trị hoá triết học như ngày nay. Học sinh được tiếp cận một cách vô tư các hệ tư tưởng, chủ thuyết chính trị trên thế giới.
Trong nhà trường không có định hướng chính trị cho học sinh, không có chuyện giáo dục căm thù Cộng sản. Nếu có học sinh nào đó hình thành ý thức, sớm có khuynh hướng chính trị là do tìm hiểu của cá nhân người đó. Hoặc ảnh hưởng ý thức từ những người thầy cô. Nó không nằm trong chủ trương của Bộ Giáo dục VNCH.
Thế hệ học sinh lớp lớn thời ấy, tu tập khi ngoài giờ học, khi cắm trại, hay hát nghêu ngao nhạc Phạm Thế Mỹ yêu quê hương, mong hoà bình trở lại. Những bài hát phản chiến của Trịnh Công Sơn không học sinh nào là không thuộc. Hát những bài du ca do sinh viên tự sáng tác rất máu lửa, bi tráng. Tôi nhớ nhất bài có đoạn mở đầu: Con viết 2 lần sai chữ A me ri ca, tiếp theo là bom đan, mất mát, thất vọng...
Phản đối chiến tranh nhưng hầu như tất cả đều có hơi hướng nhằm vào chống Mỹ - nước đang hổ trợ VNCH mà chúng tôi đang học theo đề cương chương trình của chế độ ấy. Thế mà chẳng thấy an ninh cảnh sát bắt bớ, theo dõi ai. Không thấy ban giám hiệu, giám thị, thầy cô nào nhắc nhở răng đe. Không thấy chính quyền can thiệp vào sinh hoạt học sinh.
Thời chúng tôi học, đầu mỗi niên khoá, học sinh toàn trường bầu Ban đại diện khoảng 5-7 người, thường là loại anh tài của trường; học giỏi, ăn nói khá và có năng khiếu. Nhà trường và thầy cô cố vấn lớp không can thiệp, các bạn tự tìm người hợp giơ với nhau để đứng chung liên danh. Từng nhóm đưa ra chủ trương của mình, mục tiêu phấn đấu. Ví dụ như bảo vệ quyền lợi học sinh, cải thiện điều kiện học tập, chống tệ nạn bạo lực học đường... Các bạn đến từng lớp để vận động tranh cử. Rất vui với không khí tự do dân chủ, nhộn nhạo ì xèo! Sinh hoạt này cũng là cách để học sinh quen dần vời quyền làm chủ của công dân về sau.
Về các môn học về cơ bản như bây giờ, có điều chương trình không nhồi nhét nhiều. Thầy cô tự chọn sách để dạy, học sinh tự do chọn sách tham khảo để học hỏi thêm. Đặc biệt thời đó thầy cô dạy văn rất giỏi, đi dạy ít khi mang sách hay giáo trình để giảng. Mặc định gần như đã là thầy thì phải biết làm thơ, viết văn đăng trên sách báo. Chữ nghĩa nằm cả trong bụng thì học sinh mới nể!.
Chuyện học sinh cãi lại, bắt bẻ thầy cô không nhiều nhưng cũng không hiếm. Đơn cử như tôi từng ngông dại: khi ở lớp 7 vì tức hiệu trưởng HĐ Hồ Công Danh hay đánh chửi vì tội học dốt tiếng Anh (thiếu thầy cô nên ông kiêm nhiệm). Nên tôi hô đả đảo ông... Sau chuyển về trường NH, giờ học Anh văn lớp 11, thấy bạn học dốt bị thầy Trần Thinh nói nặng lời nên ngứa mỏ "đấu lý" cùn với thầy, bị thầy đuổi - từ chối dạy môn này. Cả hai lần, không vì thế mà bị nhà trường cảnh cáo hay bị thầy cô đì, ghét bỏ gì.
Mỗi chế độ có ưu nhược điểm khác nhau. Với tôi tự hào mình đã được thụ hưởng nền giáo dục VNCH!

Tìm kiếm Blog này