Tim thông tin blog này:

Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2019

Chiện ma quanh dẫn ts Cạo và lính đi lạc suốt đêm trong rừng.

Mỗi lần nhớ chuyện đi lạc, tôi nghĩ ngay đến cái chòi ruộng âm u ma quái ở bìa rừng năm xưa!

Thế nào là ma quanh?.
Hồi nhỏ, ông bà hay kể rằng: "ma quanh nó dẫn người ta xa nhà, dấu vào trong bụi tre gai, rồi cho ăn ếch nhái. Mất người, cả xóm đốt đèn đuốc đi tìm mới thấy, đưa về nhà thì người như kẻ mất hồn. Thỉnh thầy pháp trục ma, mới khỏi bệnh".

Năm 1979, Đại đội 4 chúng tôi đóng quân ở bản Tà Đẹt. Nhiệm vụ của đơn vị là bảo vệ dân và truy quét tàn quân Pol Pot trên địa bàn được giao. Vào ngày cuối mùa mưa, dân báo: thỉnh thoảng ban đêm địch mò về phum X, cách chỗ chúng tôi chừng 6 km. Tôi lúc bấy giờ là Trung sĩ phụ trách trung đội được chỉ huy giao tổ chức lính đi phục kích.
Chiều hôm đó, tôi dẫn quân đi, đến khu rừng cánh làng hơn một cây số. Dừng chân, ém quân ở bên suối. Ăn uống xong, trời gần xẩm tối, tôi phân công 2 chiến sĩ ở lại, 8 người chúng tôi lên đường đi phục kích. Quá trình đi cắt rừng về hướng Phum, tôi chú ý quan sát ghi nhớ địa hình địa vật để đêm còn biết đường mà mò về lại chỗ ém quân. Nhớ là: qua một vạt ruộng, đi băng ngang một chòi trông lúa của dân, rồi men theo bờ ruộng vào Phum. 

Đến đầu Phum, cả nhóm dừng lại, tôi khảo sát sơ địa hình, chọn chỗ phục kích. Địa điểm là trên đường mòn chỗ khúc cua vào làng. Sau khi phân công thành 3 tổ nhỏ, giá mìn Claymore, bố trí súng B40 và trung liên RPĐ xong. Tất cả ngồi chờ canh con mồi đến để sập bẩy. 

Đến tầm 10 giờ đêm thấy mây đen vần vũ kéo đến đen kịt. Sợ mưa lớn nên tôi lệnh anh em thu quân, dọn nồi ống rút lui. Dĩ nhiên vào đường nào ra đường ấy. Đi ngước với đường sẩm chiều đã đi. Khi đến ruộng, trời đổ mưa, tối mờ mờ không còn thấy trăng sao. Từ đây tôi định hướng cắt xuyên qua rừng về chỗ trú ở suối. Ban đầu còn đi dè dặt sợ địch nghe, về sau mệt nổi khùng đi ào ào thí xác! Sau một giờ đi băng rừng, tìm mãi chả thấy chỗ em quân. Tốp lính phía sau không bám kịp nên lạc nhau, còn lại tôi cùng hai chiến sĩ. Đi tiếp, từ xa tôi thấy thấp thoáng một cái chòi khá giống như cái chòi giữ lúa mà đầu tối chúng tôi đã đi ngang qua. Lại gần, khom lưng nhìn vào, trời ạ: đồ vật giống như in! Bất chợt, tôi rờn rợn người, lạnh xương sống! Từ hồi giờ, mình chưa hề tin ma cỏ, mà sao thế!? Không biết thế nào mà mình đi thẳng hướng mà lại quay về chốn cũ? Tôi hoan mang cực độ nhưng không nói gì để lính sợ theo. 
Ba thằng tôi lặng lẽ đi tiếp như hướng xuất phát ban đầu. Loanh quanh một giờ sau nữa, vẫn không tìm ra chỗ. Thế là mất phướng hoàn toàn. Đi chán chê ỏi mệt, chân rã rời, quần áo ướt sũng, người thấm lạnh. Thôi, đành chịu giữa rừng hoang. Chúng tôi chọn một gò mối, mấy đứa ngồi xổm, trùm tấm ny lon lên đầu. Mưa rả rích, kiến hôi bò lên mặt. Vuốt hết kiến thì một lát chúng lại bò lên, vuốt tiếp, Cứ vậy, vì đầu là nơi có hơi nóng và khô ráo nhất. Ba đứa ngồi thu lu chịu trận như thế suốt đêm, chờ trời sáng. Lạnh lẽo, cơ cực cuộc đời!
Trời hửng sáng, chúng tôi vươn vai đứng dậy, đi chỉ một lát là đã tìm ra chỗ ém quân bên suối. Mà nó có đâu xa, cách chỗ ụ mối chúng tôi đã ngồi chịu trận khổ sở chỉ vài trăm mét. Còn tốp anh em chiến sĩ kia, không có sếp dẫn thì lò mó tìm đường về được chỗ ở, ngủ êm ấm tự bao giờ!.

Lý giải vì sao mình đi thẳng mà thành vòng tròn? 
Do mình không trung thành với hướng đã xác định trước. Vì sợ lạc nên cố lái (theo cảm tính),vô tình sửa hướng đi, đường thẳng thành cong, vòng tròn khép kín. Sau này, giữa ban ngày, mình cũng dẫn lính đi hướng đến mục tiêu định trước, đi lay hoay một chặp lại bất ngờ trở về chỗ cũ. Nếu lính nào nhát gan không thận trọng tưởng địch, có thể dẫn đến việc nổ súng bắn đồng đội. Là do ở trong rừng bị cây lá che khuất tầm nhìn, hướng tiếp cận khác thì nhìn cảnh vật sẽ khác.  
Những bài học nhớ đời cho tính chủ quan của mình. Nhưng tính nào tật ấy, thói muốn đi ngang về tắt, nó đã làm tôi dẫn lính lạc đường vài lần khác nữa…
Sau này có đọc cuốn sách tâm lý học của Liên Xô: Thử nghiệm bằng cách: Ở sân đá bóng không có vật cản nếu bịt mắt một người cho họ tự do đi thẳng từ đầu sân gôn này đến đầu sân kia. Thì họ sẽ đi dần dần thành môt vòng cung…

Lính ở chiến trường K, ngoài địch ra, sợ nhất là đi lạc. Không có nước uống, đôi khi vấp trúng mìn. Trên đường hành quân đi cắt xuyên rừng bị sai địa điểm. Dự kiến tầm 3-4 giờ chiều phải đến chỗ nguồn nước như sông suối, ao hồ mà không thấy đâu. Bi đông nước đã cạn thì eo ôi, hồn vía lên mây, từ quan chí quân tinh thần bấn loạn!.
Ngay cả dân bản địa Khmer đầy kinh nghiệm, mình từng đi rừng với họ nhiều lần. Nể phục đôi tai, cặp mắt họ rất tinh tường, nghe nhìn nhanh nhạy từ xa hơn hẳn bộ đội ta. Vậy mà ngay cả vào ban ngày, khi gặp rừng lạ, họ không dám đi nếu không có núi hay sông suối để dựa vào đó mà xác định hướng đi

Tìm kiếm Blog này