Lúc nhỏ, có những việc lũ học sinh chúng tôi chỉ biết áng áng công thầy hiệu trưởng. Lớn rồi, ký ức quay về, chúng tôi đều thống nhất đánh giá công lao to lớn như "trời biển" của Thầy.
Hầu như học sinh nào ngày xưa, ai cũng sợ ông thầy "hắc xì xằng". Thầy tên là Hồ Công Danh người gốc Quảng, là hiệu trưởng đời thứ năm (1969-74) của Trường. Ngoài vai trò hiệu trưởng, Thầy còn đảm nhiệm thêm môn Anh văn vì Trường thiếu thầy cô. Thầy không đảng phái, tính nóng nảy và hay đánh học sinh. Tuy vậy nhiệm kỳ của Thầy thì đấy là "triều đại hoàng tráng" có những bước đột phá làm thay đổi cả lượng và chất của Trường. Để lại dấu ấn không phai mờ trong lòng đội ngũ thầy cô và học sinh toàn trường
Có ông hiệu trưởng nào cấp phổ thông làm được điều này:
Từ một trường công lập có cái tên chung chung là Trung học Kontum, Thấy hiệu trưởng đã chủ trì đặt lại tên trường mà không theo tên như thông lệ, không qua sở giáo dục. Chuyện thế này: Ngay năm đầu nhậm chức, Thầy gợi ý đề xuất giới thiệu bốn cái tên mới cho Trường là: Nhất Chi Mai, Socrates, Hoàng Đạo và Nhất Linh rồi Hội đồng Giáo sư quyết định chọn Hoàng Đạo. Tuy trên danh nghĩa chính thức của nhà nước vẫn là trường Trung học công lập như ở con dấu, văn bản, học bạ. Nhưng tên trường Hoàng Đạo được sử dụng công khai và rộng rãi trong học đường lẫn ngoài xã hội.
Từ một trường nhỏ hẹp, cây cỏ mọc hoang sơ... Chỉ là một dãy lớp học có 6 phòng và một văn phòng tạm có 2 phòng, không cổng, không rào dậu... Thành một ngôi trường bề thế hình chữ U. Có 1 sân bóng chuyền, 2 sân bóng rổ, có 3 sân vũ cầu, có hội trường, có nơi diễn văn nghệ, có văn phòng ban giám hiệu... Nếu so lượng học sinh của trường phổ thông trung học ngày nay thì quá nhỏ bé nhưng điều kiện cho học sinh sinh hoạt có nơi nào được như vậy!
Trường đã phình rộng, chiếm 2 đoạn đường, chiếm 1 khu vườn rừng. Mặc nhiên Trường đã "thu tóm" diện tích xung quang, "lãnh thổ" tăng lên gấp năm lần, có khuôn viên rõ ràng. Không phải chính quyền cấp đất mà nhờ Thầy vận đông hành lang một cách khôn khéo để chính quyền "bật đèn xanh" lấn đất công. Thầy tìm sự ủng hộ của cố vấn dân sự Mỹ về chương trình phát triển cộng đồng.
Là được điều gần như không tưởng ấy không thể quên sự ủng hộ của ông Tỉnh trưởng Kontum. Nếu nhà trường và chính quyền không nghĩ "tất cả vì con em chúng ta" chắc rằng đã không thành hiện thực.
Từ một trường chưa hoàn chỉnh bậc phổ thông đệ nhị cấp đủ các lớp lớn đến chỗ hoàn thiện. Lượng học sinh vào Đệ Thất (lớp 6) nhập học tăng vọt lên gấp đôi, rồi gấp bốn lần khi xưa. Học sinh năm học sau nhiều hơn năm học trước. Đội ngũ thầy cô cũng tăng dần tương ứng để dạy. Học sinh có chỗ vui chơi giải trí thoải mái, học về rồi chủ nhật còn quay lại vào trường chơi tiếp. Một trường nhỏ của tỉnh lẻ cũng có đầy đủ các tổ chức, ban bệ, đại diện học sinh như nơi đô thị. Cũng như một số trường tỉnh thành khác thời ấy: Học sinh cũng tham gia tranh giải thể thao, tổ chức làm đặc san, hội diễn văn nghệ, tổ chức đi chơi picnic dã ngoại lên rừng, xuống sông... Tổ chức gây quỹ cho lớp, cho ban đại diện như bán đặc san, thuê rạp chiếu film bán vé thu tiền... Cũng là những dịp để học sinh giao lưu với các bạn trường khác. Học hành, sinh hoạt vui chơi nên lũ học sinh chúng tôi gắn bó tình thầy trò, bạn bè với nhau, để lại nhiều kỷ niệm đẹp.
Thế rồi sau 1975, Trường Trung học Hoàng Đạo thành trường PT phổ thông cơ cơ. Khu vườn rừng của trường bị trưng dụng xây dựng thành công viên thành phố. Và mới đây, trên nền trường đã bị san ủi làm nơi kinh doanh dịch vụ dưới danh nghĩa dự án phục vụ dân sinh.
Nay nó chỉ còn là hoài niệm trong ký ức của một thời dấu yêu.
Hình ngôi trường ngày xưa và ông Thầy ngày nay