Tim thông tin blog này:

Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2019

Hội chứng "chân tay ma"

Tính mình hay xem lướt nhưng với câu chuyện dưới đây, đọc liền một mạch. Rất xúc động và vỡ ra nhiều điều mà lâu nay chưa mấy hiểu về thương binh nặng. Trân trọng giới thiệu các bạn. Hay xem và cảm nhận có những người như thế trong cuộc đời này.
.....
Tuan Doan
Tặng các CCB sư đoàn 307:
‘’RÁNG SỐNG VỀ VỚI MÁ NGHE CON !’’
( TRÒ CHUYỆN VỚI MỘT THƯƠNG BINH TRUNG ĐOÀN BỊ CẮT CHÂN 7 LẦN ).
1. TUI BỊ THƯƠNG
- Quang này , kể từ khi đồng hương bị mất hai chân, đến nay đã bao năm rồi nhỉ ?
- Chính xác là 38 năm. Tui vấp mìn năm 1981. Tại Anlong Viêng.
- 38 năm ! Ít ra cũng gần nửa đời người. Giờ nói chuyện về hai cái chân bị mất, đồng hương thấy có muộn không ?
- Ai thấy muộn thì mặc họ. Còn tui, lúc nào cũng cảm thấy như vừa bị mất hôm qua.
- Tôi hỏi thiệt, để có được hai cái chân bị cụt đến gần bẹn như thế này, đồng hương bị cắt mấy lần ?
- 7 lần. Tất cả tổng cộng là 7 lần !
- Kinh khủng thiệt ! Những 7 lần kia ?
- Chứ sao ! Nói thiệt , không giỡn đâu !
- Cụ thể từng lần thế nào ?
- Thì lần thứ nhứt, tui đang đi tuần thì vấp mìn. Cũng may tui vấp, tui bị. Chỉ mình tui hưởng trọn trái mìn. Không ảnh hưởng đến ai. Mặc dù hôm đó, tụi tui đi tuần có khoảng 7-8 người. Cũng may, hôm đó, anh em đi thưa.

- Khi vấp mìn, đồng hương thấy thế nào ?
- Muốn chết luôn ! Đang đi,vừa nhấc chân lên, nghe ‘’tách ‘ một phát. Chưa kịp nghĩ gì thì một ánh chớp vàng rực, sáng như tia sét, lóe ngay trước mắt . Chưa kịp tránh thì một tiếng nổ xé tai. Cả người tui như bay đi. Tim như bật ra. Tai điếc. Mặt mũi tối sầm. Đất đá dính toàn thân. Rồi tui thấy chân mình như bị chặt ngang. Ngã gục xuống. Và cảm thấy máu tuôn ra, tuôn ra… Nghe cả tiếng máu xối mà đồng hương. Và dường như, thần kinh tui cũng tuôn ra như máu. Tê liệt thì đúng hơn. Tui không biết gì nữa…
- …….
- Tui nhớ lúc đó vào khoảng 10 giờ sáng. Dạo đó đang mùa khô. Trời nắng dữ dội. Tui vừa quệt tay lau mồ hôi trên mặt thì vấp mìn.
- Các đồng hương đi theo lối mòn à ?
- Thì lối mòn đó, ai chả đi. Mọi lần tụi tui đi, có sao đâu. Chắc bọn địch theo dõi, nắm được quy luật của ta…
- Sau đó có gỡ được trái nào nữa không ?
- Được chớ. Anh em mình gỡ được 5 trái nữa.
- Nếu không tất cả đi toi…Nhưng đồng hương tỉnh dậy lúc nào ?
- Đến đêm tui mới tỉnh được. Trong hầm phẫu của tiểu đoàn.
- Cảm giác lúc đó thế nào ?
- Thấy hai chân mình bị treo lên. Dây treo buộc trên nóc hầm. Người như rời ra từng khúc.
- Chân bị nát nhiều không ?
- Hai ống chân giập hết.
- Đồng hương có la hét không ?
- Lúc đầu thì có. Sau thì không. Tui cắn răng cố chịu. Vì biết, la hét cũng chẳng ích chi.
- Bên đồng hương có ai ?
- Có bác sỹ Mẫn. Ông rửa vết thương cho tui bằng thuốc tím, chống nhiễm trùng. Sau đó ông quyết định cắt chân tui. Cắt phần giập nát thôi. Dưới gối.
- Tôi nghe nói không có thuốc tê hay thuốc mê gì hết ?
- Thì đồng hương biết rồi, phẫu tiểu đoàn thì có thuốc mẹ gì. Khi tỉnh dậy, tui mở mắt, thấy một bình thuốc tím cứ giỏ từng giọt xuống vết thương. Còn tui, mắt cứ trơ ra. Không ngủ nổi. Tui cũng muốn ngủ một mạch, cho chết luôn. Nhưng bác sỹ Mẫn muốn cứu tui. Ổng cho tui uống rượu. Loại rượu mạnh nhất đó, cốt để cho tui say. Tui say để ổng cắt chân…
- Nhưng hình như tửu lượng của đồng hương khá cao ?
- Chúng nó giỡn đấy. Tui uống đâu có nhiều. Đồng hương tính, lính chiến đấu, chốt ở Anlong Veng, có rượu đâu mà uống ? Nhưng khi nghe bác sỹ Mẫn dụ dỗ, tui cũng uống. Uống nhiều. Nhưng thiệt lạ, càng uống, tui càng tỉnh . Không say. Mà đã không say thì không ngủ được. Bác sỹ Mẫn tức tui lắm!
- Sau đó thế nào ?
- Thì bác sỹ Mẫn vẫn quyết định cưa chân tui. Cưa sống. Ổng có cái cưa nhỏ. Nhưng tui vẫn tỉnh. Thôi kệ bác sỹ. Ổng muốn làm gì tui thì làm. Tui xác định mình chết rồi. Nhưng tui thương bác sỹ Mẫn. Ổng vỗ về tui :’’ Em nằm yên nghe. Để anh cắt chỗ nhiễm trùng đi. Cắt nhẹ thôi. Dưới đầu gối. Để sau này, em vẫn đi lại bình thường. Quang thương anh, nằm yên nghe em…’ Ổng cầm tay tui, thầm thì như người cha. Tui ứa nước mắt. Để yên cho ông cắt. Tiếng lưỡi kim loại cưa vào xương nghe rợn người. Tui thấy mấy người xung quanh nhắm mắt, bịt tai, quay đi. Còn tui thì cứ nằm im. Có lẽ cái phần xương, khi bị mìn, nó cũng đau đớn lắm rồi. Đau đột ngột. Đau bất thình lình. Giờ nó lại bị đau. Nhưng đau có chuẩn bị…Giờ nói dzậy, như lý thuyết thôi. Nhưng lúc đó, nói thiệt, tui dù biết mình sẽ chết, nhưng vẫn muốn sống.
- Đồng hương biết mình sẽ sống ?
- Có lẽ do ý chí tuổi trẻ. Năm đó, tui mới 21 tuổi. Người không cao, nhưng cũng không ốm. Tui khỏe mà. Lại khá thông minh nữa. Tui không nói đùa đâu. Sách đọc ngàn quyển. Thơ thuộc trăm bài. Lại biết tiếng Kh’mer nữa. Biết cả chữ của họ. Tức là tui còn rất ham sống. Đêm ngủ, tui cứ mong nhìn thấy Thần Chết, xem hình dạng nó ra sao. Định bụng, trước khi chết, uýnh nhau với nó một trận xem thế nào. Nhưng hình như nó sợ tui, không dám đến.
- Nghe nói đồng hương khi mê sảng chửi bậy nhiều lắm ?
- Tụi nó trêu tui đấy. Tui hiền khô. Biết chửi bậy là gì đâu ! Trong cơn mê sảng, mình có nói tục vài câu, thì cũng là để…thoát tục thôi mà. Đúng không đồng hương ?
- Đồng hương nằm ở phẫu tiểu đoàn mất mấy ngày ?
- 5 ngày. Trời nóng. Ruồi nhiều. Bác sỹ Mẫn cứ sợ nhiễm trùng. Hoại tử.
- Sau đó thế nào ?
- Cứ nằm đó. Đợi máy bay trực thăng. Nếu khiêng về D8, chắc mình không sống nổi. Bởi từ D9 về D8 mất 1 ngày. Từ D8 lên bệnh xá Sư đoàn cũng mất 1 ngày nữa. Lại còn bị địch phục. Mạng sống mong manh quá ! Bác sỹ Mẫn cứ treo chân mình lên như vậy. May có thuốc tím rỏ suốt mấy ngày. Nhưng sức mình cứ cạn dần. Mình cảm nhận được điều này. Chắc mình sẽ chết trong một hai ngày tới. Nhưng số mình hình như có quý nhân phù hộ.
- Lúc bị thương, đồng hương có cầu nguyện gì không ?
- Có chớ. Mình thầm cầu Trời, khấn Phật và tổ tiên phù hộ.
- Đồng hương có tin vào lời cầu nguyện không ?
- Phải tin. Mình không nói là ‘’phải’’, nhưng đó là đức tin. Một đức tin tự nhiên. Một nhu cầu tự nhiên. Không ai nói với mình. Nhưng mình cảm nhận và làm theo. Đó cũng là một sức mạnh. Sau này, mình tâm sự với bác sỹ Mẫn. Ổng cũng nói với mình những câu chuyện tương tự.
- Vậy khi nào lời nguyện cầu ứng nghiệm ?
2. VỀ VIỆN QUÂN Y 175.
- Sang ngày thứ sáu mới có máy bay xuống. Đưa tui và một số anh em thương binh về Sài Gòn.
- Viện 175 ?
- Còn viện mô nữa ?
- Lúc đầu vô viện mới thế nào ?
- Họ khám. Rồi xác định vết thương của tui nhiễm trùng nặng. Và họ cắt chân lần nữa.
- Đồng hương có nói cho họ cắt đến đâu không ?
- Thì mình nói, mong họ không tháo khớp mình. Họ đồng ý. Chỉ cắt sát khớp gối thôi.
- Có thuốc tê không ?
- Họ gây mê.
- Mỗi lần gây mê lâu không ?
- Khoảng 40 giây. Họ đếm từ từ. 1- 2 – 3 – 4… rồi mình chìm sâu vào đâu đó. Tỉnh dậy, thấy chân ngày càng ngắn. Nhưng đau lắm. Buốt đến óc.
- Sao ở viện 175 mà đồng hương bị cắt những 5 lần nữa ? Có phải vì xương mọc ra nhanh không ?
- Không. Bình thường, mỗi lần cắt, họ phải chờ xương non mọc ra. Cắt tiếp. Rồi sau đó mới cố định. Mài. Giũa. Làm nạng v.v…Đấy là người bình thường. Vì người ta tính, xương người còn phát triển trước 25 tuổi.
- Nhưng của đồng hương thì sao ?
- Mình bị cắt 5 lần nữa do đều bị nhiễm trùng . Chắc hồi đó, phẫu không tốt. Hơn nữa, thương binh về nhiều quá. Toàn cụt chân. Từ các mặt trận của quân khu 7, quân khu 9 và các nơi khác đổ về. Viện lúc nào cũng quá tải.
- Bị cắt nhiều lần thế, đồng hương không có phản ứng gì sao ?
- Mình cũng đau đớn lắm chứ, nhất là lần thứ 3, bị tháo khớp gối. Lúc đó mình bi quan lắm. Tự tử mấy lần.
- Tự tử thế nào ?
- Thì mình tích trữ thuốc ngủ. Xin nhiều, để dành. Được khoảng 80 hay 100 viên thì uống.
- Mấy lần như thế ?
- Ba hay bốn lần gì đó.
- Ai phát hiện ?
- Thì mấy em y tá. Họ thấy mình li bì, liền chở ngay xuống phòng cấp cứu. Tống nước vô, rửa ruột. Lại ép bụng. Tháo nước ra. Hôm sau thì tỉnh.
- Tỉnh như thế nào ?
- Nói là tỉnh nhưng vẫn lơ mơ. Đầu óc như bay trên trời. Nói năng lảm nhảm. Không nhớ chi hết. Các em y tá kể vậy.
- Có em nào xinh không ?
- Có chứ. Em Phương, em Trinh đều xinh.
- Các em có trách đồng hương không ?
- Sao lại không ? Các em khóc. Nếu mình có làm sao, các em ấy bị kỷ luật. Mình cũng thương các em ấy. Nhưng chán đời hơn.
- Trong viện, có ai tự tử không ?
- Có chứ. Mấy ảnh ở quân khu 7. Họ cũng bị mất hai chân như mình.
- Họ làm cách nào ?
- Uống thuốc rầy. Có 2 anh. Không biết họ lấy thuốc rầy ở đâu. Họ ở cùng phòng mình. Mình đang ngủ, thấy ồn ào. Nhìn sang, một anh ngoẹo đầu , rớt rãi ròng ròng. Còn anh kia, nằm sát chân tường. Chai thuốc rầy ở bên. Mình thức dậy vì mùi thuốc rầy nồng nặc.
- Lúc ấy, đồng hương có sợ không ?
- Sợ gì ? Mình chỉ thương mấy cô y tá. Khóc hết nước mắt. Nhưng cũng khổ. Từ đó, các em cai quản mình kỹ hơn. Phát bực. Có lúc điên lên, mình đuổi các em ấy đi hết. Giờ nghĩ lại, thấy tội các em ấy quá !
- Từ lúc bị thương, đồng hương có viết thư về nhà không ?
- Không.
- Vì sao ?
- Kêu ca à ? Mình không thích. Than vãn ư ? Để làm gì ? Việc đã xảy ra rồi, ai cứu nổi ? Mình đi lính, cha mẹ buồn rồi. Giờ bị thương, để cha mẹ tủi nữa hay sao ?
- Nhưng dù sao, cuối cùng, gia đình đồng hương cũng biết…
- Chắc mấy thằng bạn viết thư về .
- Khi nào ba má đồng hương biết ?
- Khi mình cưa chân lần thứ tư. Tức là cưa quá đầu gối, thì má mình từ ngoài Trung vô thăm. Thôi, đoạn này, mình không muốn kể . Vì nhiều nước mắt. Mình biết, má mình là giáo viên dạy Văn. Đồng hương hiểu điển tích ‘’Gót chân Asin ‘’ rồi đó. Bàn tay bà mẹ nào chả nâng niu bàn chân đứa con mình sinh ra. Dắt nó tập đi. Rửa chân cho nó. Chăm sóc vết muỗi cắn, gai cào…Bây giờ, bàn chân đó, nằm tận đẩu tận đâu tít cánh rừng Anlong Veng, ở miền Đông Bắc Campuchia, má mình đâu hình dung nổi…Lúc ấy, chân mình còn băng trắng. Cả hai chân. Má mình muốn nhìn, nhưng chưa tháo băng ra được. Mình nhìn còn ghê sợ. Mình không muốn cho má thấy…
- Đồng hương nhớ nhất điều gì má nói ?
- ‘’ Ráng sống, về với má nghe con !’’
- Thế còn những lần cắt sau ?
- Lần thứ 5 và 6 thì mình mặc kệ các bác sỹ. Muốn chẩn đoán kiểu gì cũng được. Vì mình bị cắt lên đùi rồi. Cắt lên chút nữa có sao đâu. Nhưng đến lần thứ 7 thì xảy ra sự cố. Lần đó, má mình lại vô thăm. Trong phòng vừa xảy chuyện. Anh Dương tự sát. Hôm trước, đồng đội từ mặt trận về, ghé vô thăm. Chuyện trò rôm rả lắm. Nhưng hôm sau, vợ ảnh ghé qua. Cô ấy đưa đơn ly hôn. Ảnh không nói gì. Chờ cổ vừa ra đến cửa, ảnh bung lựu đạn. Rầm một phát. Chết luôn. Cô vợ quay lại. Ôm xác ảnh, khóc như mưa. Vừa lúc đó, má mình đến. Khói bụi còn đầy. Máu me còn vương. Má mình khóc. Kêu mình về nhà. Sợ ở đây mình nghĩ dại. Nhưng mình nói, con đã cắt chân đến 7 lần rồi, nghĩa là 7 lần chết đi sống lại. Chưa chết thì thôi, chứ dại gì chết theo kiểu tự vẫn. Với lại, mình có vợ đâu mà đau khổ. Mình phân tích cho má. Bả nghe, nhưng vẫn lo cho mình. Bả nói, con còn mắt, còn tay, thế là hạnh phúc lắm rồi. Mất hai chân, nhưng còn chân giả, còn nạng thay thế. Con đừng tự tử nghe. Cụ Nguyễn Du nói, tự tử là ‘’ cướp công cha mẹ’’ đó. Kẻ thù cướp của con đôi chân, con đừng cướp hết công lao của cha mẹ. Má mình đúng là nhà sư phạm vĩ đại.
- Rồi những ngày sau đó ?
- Thì cứ nằm một chỗ. Chán lắm. Ngả mình trên ghế gấp thế này này. Tấm chăn mỏng đắp ngang . Khi ăn thì y tá mang cơm đến. Nói chung là không muốn ăn. Thấy đời vô nghĩa. Thấy mình vô giá trị. Nhưng lòng kiên trì, phải nói là đức kiên nhẫn của hai em y tá làm thức tỉnh lương tâm mình. Các cô ấy biểu mình ngồi xe lăn. Mình cũng thử ngồi. Nhưng thấy dị quá, tức là rất xấu hổ. Mình không thể ngồi xe lăn được. Mình cảm thấy, mất hai chân đã là tàn. Lại ngồi xe lăn, nghĩa là tật. Minh kiên quyết không ngồi xe lăn, mặc dù được các cô đẩy đi dạo…
3. HỘI CHỨNG ‘’CHÂN TAY MA’’.
- Đồng hương tập đi thế nào ?
- Nhưng trước khi tập đi thì mình mắc một hội chứng.
- Hội chứng gì ?
- Đó là hội chứng ‘’chân tay ma’’. Cái hội chứng này, khi vô viện 175, mình đã nghe anh em thương binh cũ kêu la, nghe các bác sỹ nhắc đến, nhưng mình không chú ý vì vết thương của mình chưa xử lý xong. Sau này, khi vết thương lành, mình mới cảm nhận, đúng ra, là mình đã thấy cái hội chứng ‘’bàn chân ma’’ nó ở ngay trong mình, ngay trước mặt mình. Đồng hương có tin không ?
- Sao lại có chuyện ma quỷ ở đây ?
- Ma quỷ thiệt chớ không giỡn đâu. Đồng hương cứ chọc mình hoài. Còn thuốc không ?
- Mình còn đây. Cái hội chứng đó thế nào ?
- Đấy là tình trạng, thương binh, bị cưa mất chân hay mất tay rồi, nhưng nhiều lúc, vẫn cứ tưởng mình còn chân, còn tay. Thế mới sinh chuyện. Có anh, mất một bên chân rồi , đang đêm, bỗng kêu ầm lên:’’ Y tá đâu ! Y tá đâu ! Cứu tôi với !’’ Y tá chạy đến. Thấy anh ta ngồi dậy, khóc. Hỏi làm sao ? Anh ta bảo :’’ cái chân trái của tui đau quá ! Chỗ bị mìn xuyên’’. Y tá ngạc nhiên:’’ Chân trái của anh đã bị cắt lâu rồi kia mà !’’ Nhưng anh ta vẫn chỉ vào cái chân trái vô hình, kêu đau thảm thiết. Y tá phải dỗ mãi, rồi cho anh ấy uống thuốc giảm đau, anh này mới ngủ tiếp được. Hầu như tất cả thương binh đều mắc hội chứng này.
- Nguyên nhân do đâu ?
- Bác sỹ giải thích, khi bị cắt chân hay tay thì hệ thần kinh, nhất là não bộ, vẫn hoạt động. Và não bộ vẫn chỉ huy các hệ thần kinh chân tay hoạt động bình thường. Nhưng khi chân hay tay bị cắt đi thì các hệ thần kinh cũng bị cắt ngang. Khi não bộ ra lệnh hoạt động, các hệ thần kinh này vẫn vận động như thường. Đến chỗ bị cắt, nó chưa quen dừng lại mà, theo quán tính, nó vẫn tỏa đi. Và các đầu dây thần kinh bị ngưng tụ lại một chỗ chỏm xương ấy, nó vận hành ngược lại não bộ, tạo nên cảm giác mất mát, sinh ra những cơn đau ở những vị trí đã bị cắt. Người ta gọi đó là những ‘’cơn đau ảo’’ ở những ‘’chân tay ảo’’. Nhưng đó là cách gọi của ngành y thôi. Chứ thương binh tụi mình, đau thấy cha thấy mẹ. Không ảo tí nào đâu .
- Thế đồng hương thì sao ?
- Chuyện của mình dài lắm. Một lần, mình bị cắt chân, đâu như lần thứ 4 hay 5 gì đó, giường bên, tụi nó hút thuốc. Đấy là đám lính sư 5 hình như của Quân khu 7 vô thăm thằng Bình, lính trinh sát. Thằng này bị mất một chân. Tụi nó mang thuốc Samit của Thái và thuốc Apsara của Campuchia về. Lúc tụi nó vô, mình đang ngủ. Khi tụi nó hút, mình thèm quá. Nhưng vẫn giả vờ ngủ. Chờ tụi nó đi, sang xin thằng Bình. Nhưng tụi nó ngồi lâu quá, mình đành mở mắt. Mình mơ màng nghĩ đến những điếu thuốc ngon được đồng đội tiếp tế khi mình nằm trong hầm ở Anlong Veng. Chu cha, đêm ấy, dù bị đau, nhưng đồng hương Vinh cho mình điếu thuốc rê, mình hút. Ngon đến nỗi, quên ngay mình bị thương. Đang mơ thì mấy đồng hương quân khu 7 mời mình thuốc. Mình mừng quá. Vùng dậy, nhảy ngay sang. Nhưng vừa bước , mình ngã ngay xuống nền gạch đá hoa. Chu cha, đau buốt óc . Vết thương của mình đang mọc xương non, chờ cắt tiếp. Chỏm xương non cắm phập xuống nền gạch đá hoa. Mình hét lên một tiếng, rồi ngất luôn. Tụi nó vội khiêng mình lên giường. Y tá chạy đến. Họ chuyển mình đến phòng cấp cứu. Tiêm thuốc giảm đau. Mình mê đi.
- Sau có nhớ gì không ?
- Sao lại không ! Mình chỉ nhớ là lúc ấy, mình đang sống trong tâm trạng còn hai chân. Quên béng chuyện mình đã bị cụt. Đấy, chỉ riêng chuyện phải nhớ mình đã bị cụt rồi đã khó thế nào. Lại còn chuyện nhớ mình không bị cụt, cũng khó không kém. Nhưng nói thiệt, sau khi hai chân mình bị cắt, mình lại rơi vào hội chứng ‘’bàn chân ma’’.
- Nhưng hai chân đồng hương, họ cắt có đều không ?
- Không đều. Chân trái ngắn hơn.
- Cái hội chứng đó xảy ra thường xuyên không ?
- Lúc đầu thì nhiều hơn. Sau thưa dần. Nhưng lúc nào cái đầu bỗng nhớ, thì nó đau lắm. Muốn khóc cho bớt đau. Nhưng mình thường ngồi im. Nước mắt cứ ứa ra. Cái đầu và cả cơ thể, đau không chịu nổi.
- Hội chứng đó thường xảy ra vào ban ngày hay ban đêm ?
- Ban đêm nhiều hơn. Chắc ban ngày cuộc sống ồn ào hơn. Ban đêm, khi các giác quan kém hoạt động, các đầu dây thần kinh mới đi lại những con đường cũ của mình. Và nó bị ngưng lại. Nhưng dường như chúng vẫn đi theo những lối mòn của chúng. Gặp bạn thân, thấy máu me, thấy thương tổn, chúng cũng quằn quại. Rồi báo về trung tâm. Não bộ cũng thương cảm, chia sẻ cơn đau. Khi não bộ đau, thì mình thức dậy. Nhớ chân mất rồi sao vẫn còn đau ?
- Khi đau như vậy, các bác sỹ cho uống thuốc gì không ?
- Họ cho thuốc giảm đau này, như aspirin, thuốc ngủ seduxen, sau này có loại thuốc nữa là bupropion. Loại này tạo hưng phấn. Và còn có loại thuốc tê nữa. Nhưng nói chung, các loại thuốc này uống vô, hại thần kinh lắm.
- Hội chứng đó kéo dài không ?
- Thì cái gì cũng có giới hạn. Chừng dăm năm thì nó biến mất.
4. TUI TẬP ĐI
- Làm thế nào đồng hương đi lại được ?
- Tập đi chớ còn gì nữa. Trẻ con thì ‘’ba tháng lẫy, bẩy tháng bò, chín tháng lò dò biết đi’’. Còn mình thì lại thua bọn trẻ con . Hai chân cụt, điều khiển hai chân giả, không những khó mà còn đau nữa. Nhất là cái chỏm xương, nơi tập trung các đầu dây thần kinh. Nó chịu đựng cơ thể mình, lại cọ xát với cái chân gỗ, đau đớn khủng khiếp. Mà chân gỗ của mình lúc đầu, nặng lắm. Kéo lê dưới đất. Lúc đầu mình đi bằng hai nạng. Ngã lên ngã xuống. Mặt mũi tím bầm. Đầu luôn sứt mẻ. Trán băng bó thường xuyên. Nhiều lúc tính bỏ. Không những mình mà nhiều anh em cũng thế. Các bác sỹ, y tá không làm gì được. Sau họ nghĩ ra cách : Thưởng tiền. Cách này được anh em hưởng ứng. Vì có tiền là được mua thuốc hút nè, uống cafe nè. Chiều thứ 7 hay chủ nhật vô quán bar nữa. Nhưng cũng phải mất gần 2 năm mình mới đi lại được. Lúc đầu đi nạng đôi. Sau đó, mình quen dần, chống nạng một. Đồng hương biết không, mình có anh hàng xóm, sống sát nhà mình hơn 20 năm trời, mà anh ta vẫn tưởng mình chỉ bị cụt 1 chân !
- Nghe nói, trong lúc tập đi, đồng hương có một chuyện tình mùi mẫn ?
- Tụi nó vẽ lên cho lãng mạn thôi. Hôm đó, mình đi ngoài phố, bị mấy thanh niên trẻ, phóng Honda, tông vô. Mình bị ngã, giơ tay chống. Nhưng cú tông mạnh, tay mình bị bong gân, sưng tấy, nhất là hai bàn tay. Ngón nào cũng tụ máu, bầm đen. Đau đến nỗi không làm gì được. Lại bị băng nữa. Mà cuộc sống hàng ngày, phải tắm giặt này nọ. Có một em y tá, người miền Tây, chăm sóc mình. Nói thiệt với đồng hương, sau khi bị thương, mình chán đời lắm. Không dám về nhà. Dù má mình mong đợi. Mình quen sống ở trại rồi. Nhưng từ khi bị ngã, được em Thu chăm sóc, cái con người đàn ông của mình, mới sống lại.
- Cụ thể thế nào ?
- Nghĩa là mình thấy yêu đời. Bớt đánh lộn, bớt quậy phá và...mơ về tương lai. Cô ấy tên là Thu nhưng mình cảm thấy cô ấy mang mùa Xuân đến cho mình. Chuyện tình đang ngát hương thì Thu phải chuyển đi bệnh viện khác. Hình như chồng cô ta phát hiện. Anh chồng làm ở bộ phận dược trong viện. Tuy là người miền Tây, nhưng ảnh không hào sảng. Đã thế lại còn thường xuyên say xỉn và đánh vợ nữa. Còn mình, sắm được cây guitar cũ. Mình tự học nhạc. Mình sáng tác mấy bản, tặng riêng cho Thu. Chiều chiều, cô ấy đưa mình đi dạo bên sông. Đến chỗ nghỉ, mình chơi đàn, hát cô ấy nghe. ‘Tôi hỏi bông hoa nhỏ / Mùa Xuân ở nơi nào ?/ Hoa mỉm cười rạng rỡ / Trong mắt Thu đẹp sao…’’
- Chuyện tình này kết thúc không có hậu ?
5. TỪ CHIẾN TRƯỜNG...TÌNH CỜ ĐẾN THƯƠNG TRƯỜNG.
- Hãy tạm dừng ở đây. Thu đi rồi, má tui vô đón tui về. Tui không muốn. Về ai cái thị xã miền Trung bé nhỏ ấy, tui chưa muốn. Vì ngày đi, tui đường đường là một thanh niên khỏe mạnh. Nhưng ngày về, tui lại mất đôi chân. Tay chống nạng. Trong thâm tâm, tui như một chiến binh...bại trận. Trong khi đó, ở thị xã , cũng có người mất một tay, một chân hoặc lành lặn trở về. Họ đều vui. Tui cũng có niềm vui nhưng nỗi buồn lớn hơn. Cũng có người động viên, còn sống là may rồi. Nhưng họ có ở trong tình trạng của tui đâu. Họ từ ngoài nhìn vô. Còn tui, từ trong lại nhìn ra ngoài. Hai cái nhìn đều khập khiễng.
Nhưng thương má, tui phải về. 5 năm xa cách, nhà tui vẫn như xưa. Thị xã cũng vậy. Ít thay đổi. Có chăng, là một số người. Tui cứ đi lang thang trong thị xã. Các quán bar, nhà hàng, quán nhậu...đều nhẵn mặt tui. Nhưng tui lại không thể quen với nỗi buồn mất mát, què cụt. Những năm 80 ấy, đời sống khó khăn lắm. Đồng đội tui trở về, người thất nghiệp, người làm phu hồ, người lại làm nông, người đi trồng cột điện trên núi. Quá vất vả mà đồng lương chẳng đáng là bao. Tui thì được tiền trợ cấp thương tật. Đưa hết cho má. Vì nhà tui đông anh em. Ba tui lại đau bệnh, bị tai nạn lao động. Cả nhà trông vào đồng lương giáo viên của má. Tui thường đến chỗ đồng đội. Một hôm, qua nhà Lâm, lính thông tin. Gặp vợ Lâm cùng các bà bạn đi buôn chuyến ở phía Bắc. Họ buôn vải. hàng tiêu dùng, nói chung là đủ thứ. Các chị rủ tui đi chơi. Họ bao vé. Tui nói, tui là thương binh, cần vé làm chi. Họ rủ đi liền. Tui đang tù túng chân cẳng, thích ngao du. Hơn nữa, các tỉnh phía Bắc, tui đã được đến bao giờ ? Thế là lên tàu Thống Nhất. Công nhận phong cảnh miền núi phía Bắc hùng vĩ thiệt.
- Nghe nói đồng hương là người bảo kê rất có uy tín ?
- Hề...hề...Khi chị em mua hàng, chất lên tàu thì phòng thuế đi khám xét, bắt bớ này nọ. Vợ Lâm với mấy chị mới nói tui nhận đó là hàng của tui. Thấy họ động viên, với lại thương chị em vất vả, lại là vợ đồng đội nữa, tui nhận liền. Chuyến ấy, tui còn được chia lợi nhuận nữa. Thấy mình chỉ đi du lịch mà cũng kiếm ra tiền, nhiều là đằng khác, tui tham gia đi buôn cùng với họ lúc nào không hay. Và không những họ, còn nhiều người khác cũng nhờ vả tui. Đến lúc đó, tui mới thấy, cái thẻ thương binh của mình có giá trị, mới thấy, mình mất đôi chân cũng đáng giá thế nào. Hòa mình với quần chúng, đời cũng vui, phải không ?
- Đồng hương có kỷ niệm gì trong thời gian đi áp tải hàng ?
- Bị cướp hàng. Tránh được thuế vụ, còn phải đối mặt với những vụ cướp hàng. Đó là hàng của mấy người xuống ga xép. Tụi cướp quây lấy, tính cướp của người dân. Nhưng tui đâu có sợ. Đấu lý không xong. Tụi nó dàn trận, tính cướp hàng. Dao găm sáng loáng, mã tấu, kiếm , đao loảng xoảng. Tui gầm lên. Bung lựu đạn. Mấy thằng xăm trổ đầy mình, thấy lựu đạn, biết mẹ gì về chiến tranh, chạy re kèn. Nhưng tui bung lựu đạn chỉ là cách dọa thôi. Mình có cách bung. Không gây thương tích.
- Tiết lộ bí mật được không ?
- Có gì mà giấu. Tui tung lựu lên cao. Lựu nổ trên không trung. Miểng văng ra xa. Không trúng ai. Cốt có tiếng nổ với ánh chớp. Cho tụi nó sợ.
- Đồng hương bung nhiều không ?
- Ba bốn lần gì đó. Dọa nhau thôi.
6. TRỞ LẠI ĐỜI THƯỜNG.
- Biến cố nào khiến đồng hương rời tàu ?
- Có nhiều thứ. Đầu tiên, mình không chịu nổi mùi các sân ga, mùi các toa tàu. Chúng có mì đặc biệt. Rất khó chịu. Mùi đó thấm vào tóc tai áo quần, thấm cả vào giấc mơ. Mấy lần mình định bỏ, nhưng vì mưu sinh, mình vẫn chịu đựng. Thứ hai là sự thay đổi bản thân. Đầu óc lúc nào cũng đầy ắp các con số, tiền bạc. Tính khí lúc nào cũng cương lên, đối phó, cãi cọ với tụi thuế vụ, công an các kiểu. Mắt thì liên láo. Giọng nói lúc nào cũng căng ra, đầy khí nóng… Tui biết, mình đã đổi thay quá nhiều. Mà đổi thay theo chiều hướng...thiếu thiện cảm. Trong khi đó, tui thấy, đồng đội trở về thị xã sống bình thường. Ngay cả mấy người thương binh mất chân, mất tay, họ cũng sống như ai. Không giầu không nghèo. Nhưng được cái vui. Tui muốn hòa mình vào họ. Đó là tình cảm quý giá mà tui bỏ quên. Nhưng đến biến cố sau này thì tui ...đành suy nghĩ lại.
- Đó là cái gì ?
- Đó là khi thị xã và phường kêu tui về, chia đất cho làm nhà. Đang lênh đênh trên tàu, được chia đất, đồng hương thấy có vui không ? Chợt nghĩ, mình cũng 30 rồi. ‘’Tam thập nhi lập’’, giang hồ đã đến lúc nghỉ tay gác kiếm. Lúc đầu, nhà tui trong hẻm , nhỏ thôi . Rồi tui gặp vợ tui. Cô ấy thương tui. Không chê Quang ‘’cụt’’. Tui rất thương vợ tui. Bao nhiêu người lành lặn, tài cao, hà cớ gì cô ấy lại lấy tui ? Cô ấy là trụ cột gia đình đó.Sau chính quyền giải tỏa, tui được đền bù và...ra mặt phố. Mở kios tạp hóa . Cũng đủ sống. Con tui cũng chăm học lắm. Tốt nghiệp đại học cả rồi. Tui muốn chúng nó mang tinh thần đại học vào cuộc sống tự lập.
- Câu hỏi cuối cùng nhé. Khi bị mất hai chân, đồng hương thấy có lợi thế gì nhất ?
- Lợi thế khỉ gì. Đi đâu tụi nó cũng bắt mình đi đầu.
- Tại sao ?
- Đề phòng chó cắn. Chó chỉ ngoạm hai chân gỗ của mình, cũng gẫy răng rồi. (Chuông điện thoại reo ). A lô ! Đồng hương Thái đấy à ? Qua tui ngay. Có đồng hương Tuấn mới từ Hà Nội vô. Tới liền nghe ! Đồng hương có nhớ Thái cụt không ?
- Nhớ chứ. Nó bị cụt tay chứ gì ?
- Cụt tay thế mới hay. Đi bia ôm nó chỉ phải trả nửa tiền thôi. Hehe..

Tìm kiếm Blog này