"Nhà văn Thái Bá Lợi có kể tôi nghe, khi ông Chơn còn làm Sư đoàn trưởng, sau một trận đánh, người trợ lý gửi đến ông bản báo cáo tổng kết chiến trường. Sau khi nêu các con số thiệt hại về phía địch, báo cáo viết “thiệt hại về người của ta không đáng kể”. Ông Chơn gọi người trợ lý lên hỏi : “Ta thiệt hại bao nhiêu mà anh nói không đáng kể ?”. Người trợ lý nói : “Ta chỉ hy sinh một chiến sĩ, bị thương mười người”. Ông Chơn quát : “Chết một người mà anh bảo là không đáng kể à ?”. Và ngay lập tức, người sĩ quan trợ lý bị kỷ luật giáng cấp.
Câu chuyện đó dù không được ghi trong Quân sử, nhưng là câu chuyện không bao giờ cũ. Một quân đội có những vị tướng vừa anh hùng vừa nhân ái, quan tâm đến thân phận của mỗi một người lính như thế thì sợ gì đất nước không được bảo vệ !"
(Hoàng Hải Vân)
Về Tướng Chơn của quân khu 5, tôi không biết vì ở tuyến sau, chỉ nghe anh em tám nồi chõ thế này:
Tài chỉ huy thì ông nổi tiếng từ thời đánh Mỹ đến đánh Miên. Nhưng ông cũng nổi tiếng "sát" lính. Đánh là phải thắng, dĩ nhiên chuẩn bị kỹ càng. Cho nên quan quân rất sợ mỗi khi tướng Chơn chỉ huy trận đánh.
Nghe anh trung tá chủ nhiệm pháp binh F307 (từng học ở Liên Xô kể: ổng được cử đi LX học, do trình độ văn hóa thấp mà đào tạo chỉ huy cấp chiến dịch thì chỉ huy cần phải biết lý thuyết quân sự lẫn phương pháp tổ chức hợp đồng, điều phối các quân binh chủng theo bài bản kiểu LX. Nên khi kiểm tra, điểm rất thấp, phải cho ông về nước sớm.
Ở câu chuyện trên, tôi nghĩ Tướng Chơn mị quân hay do tuyên huấn thổi, không biết. Hay là “nhà văn nói láo, nhà báo nói thêm”? Anh sĩ quan trợ lý bị kỷ luật oan, chỉ là lỗi văn vẻ trong báo cáo thôi. Ở chiến trường thương vong như vậy quá thường tình, đâu đến cỡ sư trưởng phải bận tâm đau lòng.