(
TBKTSG)
- Lời của Lục cụ chùa Sóc Ven ám ảnh tôi suốt từ chuyến đi lần theo
Hương Rừng Cà Mau: “Mình có lỗi với đất với nước. Đất và nước cho mình
tất cả cuộc sống, mà mình lại làm nhiều điều không phải với đất, với
nước”. Những thí dụ Lục cụ đưa ra đơn giản như “đái ỉa” xuống nước, là
một trong nhiều hình thức gây ô nhiễm môi trường. Hay xẻ những con kênh
ngang dọc mặt đất, khiến đất bị xì phèn, nhiễm mặn, rồi cày cấy liên tục
ba bốn mùa không cho đất nghỉ ngơi. Hay đắp đường, bờ bao cản dòng chảy
của nước... Đất hiện nay đối với nhiều người là tài sản, tư hữu, thậm
chí tư bản. Nước đương nhiên là tài nguyên, trong tương lai gần sẽ là
hàng hóa giá cao.
Nhưng Lục cụ coi đất và nước như những sinh thể
có thần phách, giận dữ vì những lỗi dại dột của con người, nhưng lại rất
bao dung tha thứ con người, chẳng khác gì lòng người cha người mẹ. Sự
bao dung, hào phóng của nước đã giúp con người tiếp tục sinh sống nhiều
trăm năm trên mảnh đất phương Nam này, và... tái phạm lỗi lầm.
Hai
chuyến đi về vùng U Minh của tôi cách nhau một phần tư thế kỷ cho tôi
cảm giác mình đi qua hai vùng đất hoàn toàn khác nhau. Giữa thập niên
1980 hầu như chỉ có thể đi lại bằng đường thủy, bến đò ở Rạch Giá là đầu
mối giao thông, nơi tôi đứng nhìn những chiếc đò cũ kỹ mang những chữ
Thứ Bảy, Thứ Mười Một... mà nao nao trong lòng, tưởng tượng những phong
cảnh mịt mờ ở cõi hồng hoang. Tháng 10-2008 thì chuyến đi của tôi hầu
như được thực hiện trên những chiếc xe hơi đời mới chạy bon bon trên
những con đường nhựa mới khánh thành.