Nhưng Lục cụ coi đất và nước như những sinh thể có thần phách, giận dữ vì những lỗi dại dột của con người, nhưng lại rất bao dung tha thứ con người, chẳng khác gì lòng người cha người mẹ. Sự bao dung, hào phóng của nước đã giúp con người tiếp tục sinh sống nhiều trăm năm trên mảnh đất phương Nam này, và... tái phạm lỗi lầm.
Hai chuyến đi về vùng U Minh của tôi cách nhau một phần tư thế kỷ cho tôi cảm giác mình đi qua hai vùng đất hoàn toàn khác nhau. Giữa thập niên 1980 hầu như chỉ có thể đi lại bằng đường thủy, bến đò ở Rạch Giá là đầu mối giao thông, nơi tôi đứng nhìn những chiếc đò cũ kỹ mang những chữ Thứ Bảy, Thứ Mười Một... mà nao nao trong lòng, tưởng tượng những phong cảnh mịt mờ ở cõi hồng hoang. Tháng 10-2008 thì chuyến đi của tôi hầu như được thực hiện trên những chiếc xe hơi đời mới chạy bon bon trên những con đường nhựa mới khánh thành.
<a
href='http://ads.thesaigontimes.vn/www/delivery/ck.php?n=ab7a6402&cb=INSERT_RANDOM_NUMBER_HERE'
target='_blank'><img
src='http://ads.thesaigontimes.vn/www/delivery/avw.php?zoneid=12&cb=INSERT_RANDOM_NUMBER_HERE&n=ab7a6402'
border='0' alt=''
/></a>
Những người sống ở đất này, theo nhà văn Sơn Nam, là cháu con của những lưu dân, những người “chịu cực nhiều nhưng hưởng rất ít. Đó là thái độ bám sát đất nước, tin tưởng nơi khả năng của con người. Con người sẽ biến đổi bùn lầy ra cơm, sẽ lập đình chùa trên biển cỏ. Hoàn toàn tin tưởng vào thiên nhiên, cải biến thiên nhiên, không sợ thiên nhiên”. Nhờ vậy người Việt “giàu tinh thần dung hòa” đã trụ được trên “phần đất cay nghiệt đã từng chôn vùi hoàn toàn hoặc làm ngưng đọng bao nền văn hóa” như vương quốc Phù Nam hay Thủy Chân Lạp, mặc dù “phù sa sông Cửu Long và biển Nam Hải có sức mạnh tiêu diệt những nhóm người lưu vong, ăn xổi ở thì, thiếu cá tính”. (Nói về miền Nam, Nhà xuất bản Trẻ).
Trong bài “Cá tính miền Nam”, Sơn Nam lưu ý: “Chúng ta nên nhìn kỹ và tránh những ảo tưởng cho rằng ĐBSCL quá phì nhiêu”. Phong cảnh nhiều nơi ở Long Xuyên - Châu Đốc, Đồng Tháp Mười, dài cho đến Rạch Giá, Cà Mau, theo Sơn Nam là “buồn bã”, chỉ có các đô thị là lộ vẻ phồn vinh vì “chính những người thành thị này đã hưởng lợi khá nhiều, trong khi đám lưu dân đã sản xuất quá nhiều nhưng hưởng không bao nhiêu”.
Tôi, đằng nào cũng là người thành thị, nên mỗi lần về quê xứ của ông, đều cố làm theo lời ông, nhóng nhìn qua những dãy nhà phố chợ, tìm cái thực sự là vấn đề cốt lõi của đồng bằng mà 50 năm trước ông đã nêu ra: Quan hệ người với thiên nhiên và quan hệ người với người.
Ở Sài Gòn, tôi như nhiều người khác, thỉnh thoảng biết qua phương tiện truyền thông những vấn đề miền Tây, bằng kiến thức và lương tri trung bình cảm thấy có điều bất ổn. Chẳng hạn, một số người tán thành việc phát triển tầng lớp “trung nông” có mười mấy mẫu đất trở lên đang diễn ra ở miền Tây, vì họ mới có điều kiện vốn liếng máy móc để sản xuất lúa phẩm chất cao và đồng nhất, thuận lợi cho nhu cầu xuất khẩu. Cứ mười người trở thành “trung nông” thì phải có vài trăm người mất đất (đất chỉ chuyển đổi sở hữu chứ không thể phát sinh thêm) và một hai người kinh doanh gạo giàu thêm. Quá trình tập trung tư bản này xảy ra nhiều trăm năm nay ở nhiều nơi trên thế giới, chứ không phải sáng tạo “đổi mới” ở xứ ta, và nó đang diễn ra bất chấp anh tán thành hay tôi phản đối. Còn những người nông dân, con cháu của những người mở đất, không sống nổi trên mảnh đất 5-7 công của họ, bán đất để làm mướn, hoặc trôi dạt tha phương cầu thực...
Ít nhất một phần tư dân số đồng bằng hiện nay là nông dân không ruộng đất, tức là khoảng 5-6 triệu bần nông vô sản. Sau ba thế kỷ đấu tranh khai mở và giữ gìn đất nước, cách mạng và cải tạo quan hệ xã hội, miền Tây đang có con số bần cố nông vô sản đông nhất trong lịch sử. Tình hình kinh tế hiện nay sẽ đẩy thêm nhiều nông dân đang nợ nần đến nước bán đất, mất đất. Miền Tây tôi đang ngồi xe máy lạnh chạy phom phom trên đường nhựa hôm nay “buồn bã” hơn cả thời tôi theo nhà văn Sơn Nam chèo ghe trên những con kênh đầy bông súng.
Hình ảnh “miền Nam sông rạch chằng chịt” giờ đây được bổ sung bằng đường sá mở mang, nhà cửa đông đúc. Việc đào kênh và mở mang đường sá đem lại những thay đổi kinh tế xã hội lạc quan: sản lượng lúa tăng, dân cư đông hơn với mức sống cao hơn. Nhưng nhìn bằng con mắt của những chuyên gia môi trường, họ thấy nhiều vấn đề bi quan: đào kênh nhiều khiến tình trạng nhiễm mặn và đất bị a xít hóa gia tăng, thiệt hại do lũ lụt hay bão tố ngày càng nghiêm trọng.
Những vùng trũng ở ĐBSCL có hai chức năng rất quan trọng là trữ nước lụt và lọc nước, nhưng các chức năng điều hòa sinh thái tự nhiên này đã không còn hiệu quả nữa. Cái lợi trước mắt liệu có bù được tai họa dài lâu? Những vùng đất trũng luôn ngập nước xưa kia là “quê xứ” của rất nhiều loại động thực vật, là một khu bảo tồn thiên nhiên hệ sinh thái đặc biệt của đồng bằng.
Cách đây một hai thập niên, nhờ sự đánh động, lẫn áp lực, của những tổ chức quốc tế bảo vệ môi trường và động thực vật hoang dã, dân chúng và chính quyền địa phương nhận thức phần nào giá trị của tài sản thiên nhiên ở xứ sở mình. Đến nay có thể thấy mọi nơi đều đã biết tận dụng tài sản đó: Phần lớn khu bảo tồn đang trở thành khu du lịch giải trí. Người ta thậm chí tạo ra, nhái theo “vườn chim” hay “rừng” hay “khu sinh thái”, để kinh doanh ăn uống và giải trí.
Một ngộ nhận phổ biến là dân miền Tây khoái lụt vì có cá ăn. Nước tràn đồng theo chu kỳ rồi rút dần ra biển quả thực là ân huệ của thiên nhiên đối với miền Tây vì nước giúp rửa phèn, cùng những chất có hại khác mà nông dân dùng trong ruộng đồng vào mùa trồng trọt, cũng như chất thải trong sinh hoạt của dân cư, và để lại phù sa màu mỡ trên đất. Cá và các thủy sản khác là một huê lợi “trời cho” vào mùa nước nổi.
Thực tế những công trình đô thị hóa (nhà phố), giao thông (đường nhựa) và thủy lợi (bờ bao) đã ảnh hưởng đến dòng nước tràn và đường nước rút khiến cho chỗ thì phù sa không lắng tụ được, chỗ thì nước lũ dâng quá đột ngột, quá cao, gây trở ngại cho cuộc sống, thậm chí nguy hiểm cho tính mạng dân chúng.
Người dân “quen” với lũ, “sống chung với lũ”, là sự cố gắng thích nghi môi trường để tồn tại. Dù sao nước ngọt tràn về vào mùa mưa vẫn tốt hơn là nước mặn lấn vô vào mùa khô. Chợ lại có nhiều cá tôm! Những sáng sớm tôi đi dạo chợ Cao Lãnh, lân la trò chuyện với những người bưng mấy cái chậu hay rổ cá rõ ràng mới đánh bắt, tôi nghe họ nói: “Không ruộng đất, mới trông mong nước nổi, đánh bắt (cá) mà qua ngày, cực khổ, sống chết không chừng, cá ngày càng ít, mà người đánh bắt ngày càng đông, không biết làm sao sống nữa?”.
Môi trường thiên nhiên thay đổi là thực trạng ở ĐBSCL, vừa là quy luật của thiên nhiên vừa là nỗ lực của con người, là đặc điểm quy định đời sống của dân miền này. Ông bà ta đã phát triển những tập quán và kỹ thuật canh tác thích nghi để “sống chung” với sự biến đổi khắc nghiệt theo mùa, khi không đủ nước, khi lũ lụt, và ảnh hưởng theo mùa của điều kiện nhiễm mặn và nhiễm phèn.
Ông bà ta đã “tin tưởng vào thiên nhiên”. Nhưng chúng ta dường như đánh mất niềm tin đó, không nhận ra đất và nước như tấm lòng cha mẹ ta, nhắm mắt quơ quào, không cần biết đến tương lai cháu con. Cuộc biến đổi môi trường hiện nay tuy phần nào là biến đổi thiên nhiên (nước biển dâng, khí hậu thay đổi, thủy lưu sông Cửu Long thất thường) cộng thêm tác động thiếu tính toán khôn ngoan, đang tạo ra những nguy cơ vượt quá khả năng thích nghi của con người, khiến lời cảnh báo của nhà văn Sơn Nam về những nền văn hóa bị vùi chôn đáng nhắc lại.
LÝ LAN