Tim thông tin blog này:

Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2017

Báo cáo của quân Mỹ về trận đánh Tân Sơn Nhứt, 1968

Thấy mạng lại rộ lên về trận Tân sơn Nhứt-Mậu thân, dịch bài này tham khảo thêm, cần kiểm chứng thêm.
TSN-68
(Bài dịch nhiều ngôn ngữ quân sự, hơi khô khan)
Bộ tư lệnh hành quân không đoàn 377 yểm trợ hành quân- Không lực Hoa kỳ- KBC 96307 San Francisco.
Ngày 09/03/1968.
Báo cáo của: An ninh phi trường.
Chủ đề: Báo cáo chiến trường (RCS: MACV J3-32)(U).
Gửi tới: Sư đoàn 7 Không quân (IGS)
1. Hoạt động: Cối, hoả tiễn, súng cộng đồng/ cá nhân và tấn công bộ binh vào phi trường Tân Sơn Nhứt và yếu khu quân sự TSN (gọi tắt là: yếu khu TSN).
2. Ngày chiến sự: Lúc 0320 giờ sáng 31/01/1968 tới 2100 giờ tối 31/01/1968. Địch bắn súng cá nhân/ súng tự động và trinh sát thăm dò nhiều nơi trên vùng vành đai liên tục tới 09/02/1968.
3. Địa điểm: Phi trường TSN, khu vực lính VNCH, và lân cận yếu khu TSN. Mũi nhọn xâm nhập của địch nhắm vào vùng giữa của lô cốt 049 cho tới khu cổng số 051 ở phiá Tây vòng đai. Địch cũng thử tấn công xâm nhập tại cổng số 10 phía Đông nam vành đai và bộ chỉ huy MACV ngay gần cổng số 10.

4. Trụ sở và đơn vị chỉ huy chiến dịch: Bộ tư lệnh liên hợp yếu khu TSN.
5. Chỉ huy tham gia:
a. Đại tá Lưu kim Cương, Tư lệnh không đoàn 33 chiến thuật (chỉ huy trưởng yếu khu quân sự TSN)
b. Thiếu tá Phùng văn Chiêu, Phó chỉ huy trưởng yếu khu TSN
c. Đại tá Farley E. Peebles, Chỉ huy trưởng đoàn 377 yểm trợ chiến đấu.
d. Đại tá Luther J. Miller, cố vấn không đoàn 33 chiến thuật.
e. Trung tá Bernard L. Garred Jr., cố vấn yếu khu TSN
f. Trung tá Billy J. Carter, chỉ huy trưởng an ninh phi trường đoàn 377.
g. Trung tá Peter P. Borowski, Chỉ huy trưởng MACV.
h. Thiếu tá Ronald K. Kollhoff Chỉ huy trưởng không đoàn 120 trực thăng vũ trang.
6. Đơn vị tham dự:
a. Tiểu đoàn 2 VNCH.
b. Tiểu đoàn 8 Nhảy dù VNCH
c. Tiểu đoàn 53 Địa phương quân.
d. Tiểu đoàn 1 TQLC VNCH
e. Tiểu đoàn 4 TQLC VNCH
f. Đội 377 an ninh phi trường Mỹ
g. Biệt đội 35 LLĐB Mỹ
h. Biệt đội Peter Mỹ
i. Lực lượng thuộc phi đội 1, trung đoàn 11 Thiết kỵ Mỹ
j. Phi đội 3, tiểu đoàn 4 kỵ binh, sư đoàn 25 BB Mỹ
k. Tiểu đoàn 1/18 sư đoàn 1 BB Mỹ
l. Tiểu đoàn 2/27 sư đoàn 25 BB Mỹ
m. Tiểu đoàn 2/327 sư đoàn 101 Nhảy dù Mỹ
n. Tiểu đoàn 1/27 sư đoàn 25 BB Mỹ
o. Phi đội trực thăng vũ trang, không đoàn 120 Mỹ
p. Radar phản pháo kích
q. Bộ chỉ huy di động (kho Hạnh thông Tây)
r. Trung đội đại bác 105 ly VNCH, Bộ chỉ huy phòng thủ liên hợp (JDOC)
s. Trung đội đại bác 155 ly VNCH, (Cổ loa) JDOC
t. Bộ chỉ huy hỗn hợp không đoàn 33 VNCH và JDOC
u. Trung đội thiết giáp, thuộc không đoàn 33 phòng thủ.
v. Các đơn vị nhỏ lẻ thuộc Yếu khu TSN và BCH liên hợp
w. 150 quân nhân tăng phái cho 377 an ninh phi trường (để hộ tống cho nhân viên khu vực Sài gòn)
x. Không quân VNCH và không đoàn 7 Mỹ
y. Pháo đội 105 ly của sư đoàn 25 BB
z. Nhóm thuộc phi đội 1, lữ đoàn 4 kỵ binh
aa. Nhóm cố vấn yếu khu TSN.
7. Tin tình báo:
a. Tình báo trước tấn công:
(1) Các báo cáo tình báo và thông tin thô nhận được bởi bộ chỉ huy liên hợp 30 ngày trước khi cuộc tấn công xảy ra cho biết: "theo mật độ di chuyển tiên đoán sẽ có một số hành động của đối phương xảy ra trong kỳ nghỉ tết. Theo ước tính tình báo, tổng hợp tình hình, cộng quân có khả năng tổ chức một cuộc tấn công bằng tên lửa hoặc súng cối với quy mô lớn cùng với một cuộc tấn công bộ binh với sức mạnh lớn hơn lực lượng một tiểu đoàn".
Một bài thực tập huấn luyện chiến đấu đã được thảo ra ngày 24/1/1968 và phát cho các Tư lệnh liên quan để thẩm định và thực hiện vào đêm 26-27/1/1968. Bài thực tập được thiết kế để kiểm tra khả năng của tất cả các lực lượng an ninh đang bảo vệ Yếu khu TSN. Cổng 0-51, được coi là điểm dễ bị tấn công nhất của vòng đai và là trục đường tiếp cận của địch dự kiến ​xâm nhập từ biên giới Cam-pu-chia sang.
Báo động VÀNG bắt đầu từ 0025 giờ, ngày 27/1/1968. Cuộc diễn tập Tết đã được tiến hành, gồm cả một cuộc họp rút kinh nghiệm của các chỉ huy vào 0500 giờ tại Bộ Tư lệnh phòng thủ liên hợp.
(2) Tin tình báo trong những ngày trước cuộc tấn công vẫn không có gì thay đổi bất bình thường. Không có thông tin đáng kể nào cho biết cuộc tấn công của địch vào Tân Sơn Nhứt sắp xảy ra. Các cơ quan thu thập thông tin nhận định không có thay đổi đáng kể về vị trí, động tĩnh, hoặc sức mạnh của lực lượng địch trong khu vực.
(3) Lúc 1020 giờ, ngày 30/1/1968, Chỉ huy đơn vị 377 An ninh phi trường, ra lệnh báo động XÁM toàn đơn vị của ông nhằm phản ứng với hoạt động của đối phương gia tăng trong thời gian Tết và sự cắt giảm quân số của các đơn vị lính VNCH đi phép nghỉ tết.
(4) Vào 1732 giờ, ngày 30/1/1968, bất ngờ đội An ninh phi trường 377 được đặt trong báo động ĐỎ theo lệnh của Tư lệnh sư đoàn 7 Không quân. Bộ tư lệnh liên hợp (JDOC) đã cố gắng xác nhận báo động ĐỎ của lực lượng an ninh phi trường thông qua các kênh của Quân đội Hoa Kỳ nhưng không được hồi báo. Tất cả các lực lượng còn lại trong yếu khu TSN vẫn ở trong tình trạng báo động TRẮNG, ngoại trừ đội An ninh phi trường 377 và Biệt đội 35 Biệt kích báo động ĐỎ, tất cả các Lực lượng Phòng vệ khu vực TSN khác đều chỉ báo động VÀNG.
(b) Tình báo sau tấn công: Những tin tức này được tổng hợp từ nhiều nguồn tình báo, gồm cả sư đoàn 7 không quân, MACV, những cơ quan trực tiếp hỗ trợ yếu khu TSN.
(1) Trận đánh vào sân bay TSN là một phần không thể tách rời của kế hoạch tấn công của cộng quân tấn công vào tỉnh Gia Định và vào chính quyền VNCH.
(2) Nhận định rằng kế hoạch tấn công vào Tân Sơn Nhứt được xây dựng và thảo luận bởi cán bộ Việt Cộng vào rất sớm, có thể từ 22 tháng 12 năm 1967. Trong các cuộc họp tiếp theo của địch, cuộc tấn công đã được lên kế hoạch cho giai đoạn trước Tết nguyên đán.
(3) Các nguồn tin tình báo cho biết rằng có khoảng 9 tiểu đoàn địch ở khu vực ngoại ô Sài Gòn, và ít nhất 7 đơn vị trong đó tham gia tấn công căn cứ không quân Tân Sơn Nhất. Các tiểu đoàn địch ở khu vực chung quanh Sài Gòn được tăng cường và hỗ trợ bởi khoảng 12 đại đội được xác định phiên hiệu hoặc các đơn vị với quân số lớn hơn thuộc Công trường 5 của Quân đội Bắc Việt.
(4) Mặc dù tất cả các đơn vị liên quan đến vụ tấn công vào Căn cứ Không quân Tân Sơn Nhất đã không được xác định rõ ràng, các mục tiêu cụ thể của địch và mũi tấn công của các đơn vị địch quân đã được thấy rõ. Vai trò của các đơn vị địch và đặc điểm của họ được thảo luận dưới đây:
(a) Các đơn vị không xác định của địch quân đã bắn súng tự động vào khu vực lắp đặt bãi chứa xăng dầu và khu vực đậu máy bay C-130. Hoả lực này xuất phát từ một vị trí ngoài vòng rào phía đông của sân bay gần các đường băng.
(b) Áp lực nặng nề của đại đội đặc công C-10 và Tiểu đoàn 2 du kích quân đã cố gắng tấn công vào Trụ sở Tổng Tham mưu liên hợp, nằm sát biên giới phía Đông Nam của sân bay, và mũi tiến quân sau đó của hai đơn vị này đã được thực hiện qua phần hàng rào phía đông nam của khu tham mưu liên hợp.
(c) Hoả lực từ vũ khí cá nhân đã được tập trung rất mạnh nhắm tới cổng số 2 bởi các đơn vị địch không được xác định. Quân số tấn công này có thể là một bộ phận của mũi tấn công Tiểu Đoàn 2 du kích quân và đại đội đặc công C-10.
(d) Lực lượng địch khác, có thể là Tiểu đoàn 6 Du kích quân và đại đội đặc công C-10, đã tấn công trạm kiểm soát phía nam của khu trụ sở MACV, khoảng 250m phía đông nam của hàng rào khu vực. Quân số địch quân này được ước tính là một đại đội trang bị nặng (200+).
(e) Lực lượng địch tấn công vào phía Tây của Căn cứ Không quân Tân Sơn Nhất được ước tính gồm 4 tiểu đoàn trang bị nặng. Đơn vị tham dự và chiến thuật triển khai trận đánh được phân tích bên dưới. Ba cụm địch quân với đơn vị cỡ tiểu đoàn được chia thành từng mũi tấn công riêng:
1e. Một đơn vị thuộc đại đội đặc công C-10 tiếp cận hàng rào vành đai bằng xe Lambretta từ trên quốc lộ 1. Địch nhanh chóng chuyển các Torpedo Bangalore (bộc phá cây) và kích nổ phá hàng rào. Vụ nổ đã phá tung một phần hàng rào vành đai bên ngoài, từ cửa mở này địch quân đã liên tục xử dụng để làm bàn đạp đánh sâu vào khu vực. Lực lượng đặc công C-10 phối hợp cùng với lực lượng tấn công ban đầu và cùng xâm nhập vào khu trung tâm. Khu vực xuất phát của nhóm đặc công này từ xung quanh làng Phú Cường, khoảng 15km phía bắc căn cứ không quân Tân Sơn Nhất.
2e. Mũi tấn công chính, Tiểu đoàn 267 quân số trong đó có khoảng 25% là bộ đội Bắc việt, là tiểu đoàn chính và là lực lượng tấn công chủ yếu trong mũi tấn công tuyến phía tây. Tiểu đoàn này, giống như tất cả các tiểu đoàn tấn công khác, có quân số từ 450 đến 500 người, đơn vị này là mũi tấn công đã thọc sâu nhất vào khu vực TSN. Lực lượng này đã tập kết tại vùng 6km phiá Nam Đức Hoà, cách khoảng 18km về phía tây của căn cứ.
3e. Mũi tấn công chính, Tiểu đoàn 16, Việt Cộng tức D-16 (bộ đội Bắc việt), là đơn vị đứng thứ nhì trong lực lượng tấn công. Rất nhiều tử sĩ từ đơn vị này đã được xác định cả bên trong và phiá bên ngoài hàng rào vòng đai. Có khả năng tiểu đoàn này cùng phối hợp hoặc ít nhất là cùng mũi tấn công với tiểu đoàn 267 được nêu ở trên, vì việc phân định mũi tấn công của họ không rõ ràng và các xác chết của họ nằm lẫn lộn với nhau. Quân số đơn vị này đa số là Bộ đội Bắc việt.
4e. Mũi tấn công chính, Tiểu Đoàn 269 là đơn vị đánh tập hậu. lực lượng này đã ém quân chung quanh khu vực Đức Hoà để tiến đánh TSN. Đơn vị này trên đường tiến quân đã bị Tiểu đoàn 53 Địa phương quân phát hiện chặn đắnh trước khi đến hàng rào vành đai xung quanh.
5e. Tiểu Đoàn 90 thuộc Trung Đoàn 1 Bộ đội Bắc việt (KB-604) Trung đoàn nằm trong nhà máy dệt Vinatexco ở phía tây bắc của hàng rào vành đai bị phá. Tiểu đoàn này đã đặt 12 ụ cối ở phía Bắc, phía Tây và phía Nam của nhà máy dệt, kết luận từ thẩm vấn các tù binh bị bắt sau này, đây được biết là lực lượng hỏa lực yểm trợ cho lực lượng tấn công vào TSN. Đơn vị này đã bị thiệt hại khoảng hơn 170 (+) cán binh phần lớn trong cuộc không kích vào nhà máy trong ngày 31/1/1968. Theo nguồn tin tình báo của phiá VNCH cho biết trong số những thương vong của địch tại nhà máy Vinatexco có 7 phi công của Bộ đội Bắc việt và 15 kỹ thuật viên máy bay của Bộ đội Bắc việt.
6e. Có sự hỗ trợ các của các lực lượng, đơn vị không xác định khác (du kích) cung cấp hỗ trợ hỏa lực pháo binh cho các lực lượng bộ binh tấn công vào phi trường TSN.

TSN-68, phần 2
8. (C) Hiện trạng Cảnh sát phi trường:
a. Tổng số Cảnh sát an ninh thực chiến vào thời điểm chiến cuộc là 890 nhân viên. Trong tổng số này, có gồm cả 75 nhân viên, hoặc 8% thực chiến là quân nhân tăng phái (TDY), đang nghỉ phép, trị bệnh, hoặc tình trạng nghỉ khẩn cấp hay đang chờ hoàn tất khoá đào tạo. (Nhóm TDY gồm khoảng năm mươi người lính được tăng phái cho 3 biệt đội nơi xa khuất). Lực lượng sẵn sàng chiến đấu hiện tại còn lại (PFD) là 815 quân nhân, 457 người trong số đó đã có mặt tại nhiệm sở vào thời điểm địch tấn công (56%). Sau khi đặt trong tình trạng báo động ĐỎ lúc 1730 giờ, ngày 30/1/1968, tám đội phản ứng nhanh, mỗi đội 13 người được thành lập, trang bị và sẵn sàng để đáp ứng ngay lập tức trong trường hợp bị tấn công. Tổng cộng nhóm này là 104 người, tức 13% sức mạnh của số quân nhân sẵng sàng chiến đấu. 262 Nhân viên Cảnh sát An ninh còn lại, hay 32% sức mạnh của lực lượng sẵng sàng chiến đấu, được trang bị và trực chiến trong các doanh trại của phi đội để sẵn sàng phản ứng ngay lập tức.
b. Khi triển khai báo động ĐỎ (Option I), ba trung đội quân nhân Hoa Kỳ (Task Force 35, lực lượng đặc biệt) đã được báo động và đặt ở tình trạng chờ 5 phút, được dùng làm lực lượng dự phòng cho đội Cảnh sát An ninh 377. Các trung đội này, bao gồm mỗi trung đội 30 người, ngay lập tức được đặt dưới sự chỉ huy của chỉ huy trưởng đội 377 Cảnh sát An ninh, theo đúng với các kế hoạch phòng thủ được công bố và thông qua.
c. Với lực lượng hiện có, các đơn vị được chia thành hai ca trực chiến. Ca trực đêm, là ca đang thi hành nhiệm vụ tại thời điểm địch tấn công, gồm có hai sĩ quan và 446 quân nhân. Danh sách như sau:
(Phần này là danh sách, từng khu vực và số lính hiện diện tại đó, không cần thiết phải dịch có thể đọc trực tiếp từ Anh ngữ)
... chi tiết trong link (http://www.tsna.org/afteraction/jan311968.html)
Tóm tắt phần điểm danh quân số Mỹ là:
Quân nhân trực chiến tại các chốt, đơn vị 457
8 nhóm phản ứng nhanh, mỗi nhóm 13 người 104
Số cảnh sát an ninh 254
3 trung đội dự bị, mỗi trung đội 30 người 90
tổng cộng lực lượng Mỹ tham chiến là: 905 quân nhân.
9. (C) Diễn tiến trận đánh: - Đọc mô tả 'chi tiết trận đánh' trong đính kèm # 1
10. (C) Kết quả:
a. Thiệt hại phía địch:
- Phiá trong hàng rào vành đai, (đếm xác) lực lượng địch bị giết tại chỗ 157, và bắt được 9 tù binh do VNCH bắt giữ.
- Ngoài hàng rào chu vi vành đai, báo cáo đếm được 267 xác đối phương (việc đếm xác phải ngưng do các nhu cầu hoạt động cấp bách hơn).
- Tất cả các tù binh và tử sỹ này nằm trong số các đơn vị đặc công C-10, Tiểu đoàn 267, Tiểu đoàn 16 và Tiểu đoàn 90, tất cả đều được xác định phiên hiệu trong đoạn trên.
- Tiểu Đoàn 269 được xác định trong phần trên, đụng độ trực tiếp với Tiểu Đoàn 53 Địa phương quân và được sự tiếp viện của Nhóm hoả lực nhẹ do bộ tư lệnh liên hợp gởi tới, bị thiệt hại với 286 địch bị giết (do phía Hoa Kỳ đếm xác).
- Đơn vị VNCH và biệt đội Peter trấn giữ cửa 10 (gồm Tiểu đoàn 2 VNCH và biệt đội Peter, Gate 10) báo cáo đếm được hơn 82 + xác địch quân.
- Tổng số thiệt hại của địch, kể cả số 170+ xác phiá trong hàng rào phòng thủ được đề cập đến trong đoạn 7b ở trên, tổng số là 962+ địch quân tử trận.
b. Tổn thất phía ta:
Lực lượng Hoa Kỳ:
USAF (Cảnh sát an ninh) 4 tử trận, 12 bị thương
US Army (Quân đội Hoa Kỳ) 19 tử trận, 75 bị thương
Quân đội VNCH:
Không quân VN 5 tử trận, 12 bị thương
Bộ binh VN 27 tử trận, 67 bị thương.
Tổng kết: Đồng minh, 55 tử trận, 163 bị thương.
c. Vũ khí: vũ khí địch thu lượm được trong chu vi vành đai gồm 145 súng và khí tài, trong đó có 43 vũ khí cộng đồng. Không có số liệu cho số vũ khí tịch thu được phiá ngoài vòng rào vành đai.
d. Máy bay Thiệt hại:
Máy bay Hoa Kỳ:
-AC-47 (USAF) 9
-C-47 (USAF) 1
-C-54 (USAF) 1
-C-117 (USN) 2
Tất cả chỉ bị thiệt hại nhẹ, không có máy bay nào bị phá hủy.
Không quân VN: Không bị thiệt hại.
e. Thiệt hại cơ sở:
- 4 conex sơn bị cháy (tổn thất)
- 1 xe Van bị đốt cháy (tổn thất)
- 1 Nhà di động bị đốt cháy (tổn thất)
- 1 nhà kho bị hư hỏng (sửa chữa được)
- Khoảng 400 ft cáp điện bị hư hỏng do cháy cỏ (sửa chữa được)
- Khoảng 50 đèn dọc sân bay (sửa chữa được)
f. Đường băng: Một lỗ thủng 3m x 10cm ở rìa đường băng bởi đạn nổ, đường băng vẫn hoạt động và thiệt hại đã được sửa trong ngày.
g. Báo cáo vũ khí tịch thu:
Số vũ khí tịch thu trong vòng rào vành đai:
- 22 mìn bẫy tự chế
- 8 mìn định hướng
- 12 mìn định hướng DH10
- 37 súng B40
- 84 trái B-40
- 38 tên lửa USSR PG-7
- 103 lựu đạn RKC-3TG
- 95 lựu đạn chày VC
- 40 lựu đạn tự chế của VC
- 13 khối thuốc nổ plastic
- 142 khối thuốc nổ TNT
- 17 Túi bộc phá
- 12.000 viên đạn rời 7.62
- 2.000 viên đạn trong băng 7.62
- 5 khẩu cối 81mm của Mỹ, đạn HE
- 45 lựu đạn US M26
- 15 trái sáng 81mm của Mỹ
- 65 lựu đạn 40mm của Mỹ
- 19 mìn claymore
- 5 khẩu súng trường 57mm của Mỹ
- 47 viên 50mm
Các đơn vị Xử lý Vật liệu nổ của Hoa Kỳ (EOD), thu thập và phá hủy các vật liệu nổ trong khu vực của hàng rào phía tây do địch quân bỏ lại, ước tính khoảng 100 lbs thuốc nổ.
11. (C) Hành động tiếp diễn của địch:
Hỏa lực nhẹ, bắn quấy rối và đối phương di chuyển xung quanh vòng đai tiếp tục với trận pháo kích Căn cứ Tân Sơn Nhất ngày 18/2/1968. Có 10 vụ báo cáo trong bốn ngày sau từ phòng cảnh báo an ninh (SAT), đơn vị này đã chạm súng địch quân.
Hai cuộc tấn công ghi nhận các vụ nổ thứ cấp ở vị trí của đối phương. Các lực lượng VNCH hoạt động bên ngoài vòng đai thường xuyên chạm súng với địch, các cuộc chạm súng nặng-nhẹ nhưng đều là một phần trong kế hoạch tấn công vào TSN và khu vực Sài Gòn. Tính đến ngày 23/2/1968, tổng số tử sỹ của địch đếm được chung quanh vùng Sài gòn là 5.519 xác.
Các hoạt động càn quét, dọn dẹp, và giải phóng do phiá VNCH tiếp diễn cho đến 4/3/1968.
Động thái của địch quân chứng minh rõ ràng cho những phán đoán rằng họ không hề có ý định rút khỏi khu vực và để cho tình hình trở lại an ninh như trước khi chiến sự xảy ra.
Những đánh giá này được hỗ trợ thêm bởi các tin tình báo hậu chiến cho thấy lực lượng tấn công của Việt Cộng không hề có kế hoạch rút lui các đơn vị của họ.
Còn, 42
Hình mạng, vũ khí tịch thu trận TSN-68
Trong hình ảnh có thể có: ngoài trời

TSN-68 phần 3
12. (C) Rút kinh nghiệm:
Khái niệm căn cứ TSN chỉ có thể bị xâm nhập bởi các đơn vị nhỏ và địch chỉ có khả năng hoạt động quy mô nhỏ ở khu vực lân cận Tân Sơn Nhứt trở nên lỗi thời với trận tấn công ngày 31/1/1968 Tết Mậu thân, cùng loại chiến tranh mới của địch. Phải ngay lập tức đánh giá lại cách phòng thủ và mục tiêu cần thiết.
a. Các nhân viên cảnh sát và các đội tăng phái (TF-35) được trang bị kỹ năng cứu hỏa, kỷ luật và chiến thuật cơ bản, nhưng không đủ trang bị và đào tạo để chống lại cuộc tấn công của lực lượng lớn bộ binh địch. Cần phải tính đến huấn luyện bộ binh cho cảnh sát an ninh trước khi nhận nhiệm sở ở Đông Nam Á. Cần huấn luyện vũ khí hạng nặng, chiến thuật tấn công và cách hành quân. Việc huấn luyện hiện nay ở Mỹ và tại Đông Nam Á không trang bị đủ kỹ năng cho lực lượng Cảnh sát An ninh để có thể đối phó hiệu quả các lực lượng địch có quy mô và được trang bị vũ khí như ta thấy trong trận vừa rồi.
b. Các khái niệm hiện nay về an ninh và bảo vệ cơ bản của Không lực Mỹ được thiết lập từ thượng cấp nên được xem xét lại. Theo chúng tôi, quá chú trọng vào phòng thủ cự ly gần, với vũ khí sẵn có của địch, phòng thủ gần là vô dụng. Lực lượng an ninh phải được di chuyển từ các khu vực nội vi và hạn chế ra khu chu vi vành đai, nơi mà họ có thể trực tiếp, hiệu quả hơn khi đụng độ địch quân. Hơn nữa, chúng ta phải có khả năng trả đũa với vũ khí được trang bị đúng cách. Kết luận, chiến thuật phòng thủ hiện tại của phi trường phải được đánh giá lại và thay đổi theo các chiến thuật của đối phương mà chúng ta vừa gặp.
c. Các quân nhân đã nhanh chóng phản công và ngăn chặn mũi tiến quân của đối phương. Điều này đạt được nhờ đang ở tình trạng báo động Đỏ tại thời điểm tấn công. Nếu tình trạng báo động dưới mức Đỏ hoặc Vàng, các mũi địch quân có thể đã thọc sâu vào trong căn cứ, địch có thể gây tổn thất lớn hơn nhiều. Chúng tôi khuyến nghị nên thành lập một đơn vị phản ứng dự phòng lớn hơn thay cho đội phản ứng dự phòng 12 người hiện nay (RSAT). Một lực lượng phản ứng 50 người được trang bị đầy đủ khả năng đáp ứng ngay lập tức như RSAT sẽ thực tế hơn, cho phép nhân viên Cảnh sát an ninh có đủ sức ngăn chặn địch ở khoảng cách chấp nhận được, xa hơn các mục tiêu ưu tiên.
d. Một khu vực hoả lực rõ ràng phải được thiết lập xung quanh chu vi vành đai của căn cứ. Nếu các vùng hoả lực được thiết lập thì địch sẽ không dễ dàng tiếp cận hàng rào vành đai và phần lớn hoạt động của vũ khí nhỏ sẽ không thể xảy ra. Những khu vực này cũng sẽ ngăn không cho địch vận chuyển vũ khí và đạn dược đến gần căn cứ TSN. Đề nghị rằng khu vực hỏa lực tự do phải được mở rộng ít nhất 1.000 mét xung quanh chu vi.
e. Nhân viên y tế cần sẵn sàng hơn. Việc đào tạo, quản lý và hoạt động của họ cần có khả năng hỗ trợ ngay lập tức cho việc phòng thủ cơ sở. Việc đưa các nhân viên y tế vào khu vực chiến sự và việc di tản thương binh là một vấn đề cấp bách trong trận đánh, nếu nhân viên y tế tiếp tục làm việc trong căn cứ và độc lập với các lực lượng còn lại, họ phải thiết lập và duy trì liên lạc chặt chẽ với Cảnh sát an ninh để chắc chắn rằng họ nắm rõ về vị trí của các đơn vị phòng thủ và các tuyến đường của khu vực. Ngoài ra, nhân viên y tế phải được huấn luyện chiến đấu đầy đủ để có thể làm nhiệm vụ hiệu quả dưới hỏa lực địch.
f. Yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt hơn về vũ khí đối với lực lượng dân sự không phòng thủ ngay lập tức. Rất nhiều nhân viên dân sự này đã cản trở hoạt động của Cảnh sát An ninh và trong một số trường hợp gần như bị nhầm lẫn với các lực lượng địch quân, nhân viên dân sự nên được hướng dẫn về tự bảo vệ, che chắn và không được giao vũ khí cho họ trừ khi ban bố báo động Đỏ (Tùy chọn II).
g. Báo cáo chiến trường tại thời điểm địch tấn công thâm nhập một số quân nhân của Tiểu Đoàn 2 VNCH đã bỏ chạy khỏi chốt phòng thủ. Đang điều tra về lý do của việc đào tẩu. Từ báo cáo này, rõ ràng là cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các lực lượng Hoa Kỳ và Việt nam trong nhiệm vụ phòng thủ căn cứ. Cần gấp một bộ chỉ huy chung cho việc phòng thủ trong vành đai.
h. Dữ liệu tình báo địa phương đã hoàn toàn bị vô hiệu, không có bất cứ thông tin liên quan đến kế hoạch tấn công và di chuyển của địch trong khu vực. Lực lượng phòng thủ phải luôn đặt trong tình trạng chuẩn bị cho tình huống thất bại tình báo như vừa rồi, trong tương lai không dựa quá nhiều vào tin tình báo.
i. Điều quan trọng nhất từ cuộc tấn công rồi, là nhu cầu thiết bị tốt hơn, cần phải có vũ khí mạnh hơn để có hiệu quả chống địch thâm nhập, tấn công:
- XM-148 (súng phóng lựu gắn kèm M16) rất khó hoạt động trong chiến đấu. Thao tác rất hạn chế trong đêm vì thiết kế của chúng không thể nhắm mục tiêu trong bóng tối, hoàn toàn vô dụng trong đêm tối. Đề nghị đưa phóng lựu M-79 vào cấp số không quân, và cần nhiều chủng đạn để sử dụng tối đa hoả lực (Nổ mạnh, chiếu sáng, đạn cháy...). Đề nghị thẩm định lại bộ nhắm của XM-148 và hiệu chỉnh ngay lập tức để có thể tác xạ đêm có hiệu quả.
- Đạn cối chiếu sáng cần cho chiếu sáng trực tiếp và đạn nổ mạnh HE cần có nhằm chống lại các lực lượng tấn công và các vị trí hỏa lực của địch quân.
- Các loại cối, đại bác không giật là vũ khí rất tốt trong việc tiêu diệt địch ở các vị trí nằm giữa phía tây và bên trong lô cốt 051. Nếu có các vũ khí này dùng để cầm chân địch, cuộc phản công đã được bắt đầu sớm hơn nhiều và tổn thất đã thấp hơn.
- Cần một số tên lửa hạng nhẹ, súng chống tăng hạng nhẹ (LAW) được coi là lý tưởng để tiêu diệt các vị trí của địch. M-72 nên được trang bị cho lực lượng an ninh, vũ khí dễ dàng sử dụng và dùng một lần. Cần trang bị ngay tức khắc.
- Cùng với trang bị vũ khí nặng hơn việc vận chuyển an toàn thiết bị và quân nhân cũng cần thiết. Các xe bọc thép (APCs) là phương tiện thích hợp nhất cho việc chuyên chở này. Cần có để vận chuyển lính đến khu vực bị tấn công, vũ khí hạng nặng hỗ trợ và di chuyển thương binh. Mặc dù không mang lại an toàn tuyệt đối, nhưng nó sẽ bảo vệ khỏi các vũ khí tự động cỡ nhỏ.
- Rõ ràng hệ thống truyền tin hiện nay của Cảnh sát an ninh sử dụng là hoàn toàn không đạt yêu cầu, cần một hệ thống đủ mạnh để có thể liên lạc được tất cả các đơn vị liên quan đến phòng thủ, cần lắp đặt hệ thống với khả năng hoạt động dài giờ, không nhiễu tần số nhau, nhiều kênh liên lạc trong trường hợp căn cứ bị tấn công.
- Cần ngay lập tức hệ thống liên lạc trực tiếp với các đơn vị hỗ trợ (LFT, AC-47, Flare Ships, vv). Đây là điều cần thiết để có hiệu quả tối đa cho việc hỗ trợ tại hiện trường, giai đoạn đầu của trận chiến, yêu cầu và hướng dẫn hỏa lực hỗ trợ đã phải chuyển tiếp từ đơn vị tại hiện trường qua các kênh radio của Cảnh sát An ninh tới JDOC, sau đó mới chuyển đến các đơn vị hỗ trợ, sự chậm trễ như trên đã làm cho hỗ trợ kém hiệu quả hơn so với liên lạc trực tiếp.
J. Kinh nghiệm trên đây là ở chiến trường Đông nam Á, Chúng tôi không ngụ ý rằng những khuyến nghị này sẽ áp dụng rộng rãi trong Không lực Mỹ.
(...phần này chưa giải mật...)
13. (U) Phân loại mật:
Báo cáo này được phân loại là mật/không báo cho đồng minh, vì nó phản ánh các thông tin chi tiết đến thiệt hại quân lực Mỹ do cuộc tấn công của địch và các biện pháp chống lại đối phương, chỉ được sao chép lại tài liệu này toàn bộ hoặc một phần khi có cho phép.
CHỈ HUY TRƯỞNG
BILLY J. CARTER, Lt Col, USAF
Trưởng phòng Cảnh sát An ninh.

TSN-68, phần 4, hết.
(Đây là bản đính kèm, mô tả chi tiết trận đánh vào TSN đêm 30/1/1968)
Đính kèm #1, Chi tiết trận đánh
1. Vào đêm 30-31/1/1968, tất cả các lực lượng an ninh đều ở tình trạng báo động Vàng ngoại trừ đội Cảnh sát an ninh 377 là báo động Đỏ.
2. 2100 giờ, ngày 30/1/1968, Tiểu đoàn 53 An ninh phi trường (VNCH) nhận được thông tin tình báo từ bộ chỉ huy hỗn hợp (JDOC) rằng có khoảng 80 Việt cộng di chuyển từ Tây sang Đông ở khu vực lân cận xóm Gò Mây tọa độ XS754964. Tiểu đoàn lập tức điều toán tuần tiễu 20 người di chuyển trên diện rộng từ tọa độ XS774939 đến XS776934 đến XS763914. Toán tuần tiễu sau đó chuyển đến XS773948 để phục kích (khoảng 2345 giờ). Vào 0145 giờ, khi không phát hiện được sự di chuyển của địch quân, toán tuần tiễu di chuyển tới tọa độ lân cận XS771950 và sau đó quay lại bộ chỉ huy tiểu đoàn, cách 2 km về phía tây của TSN.
3. 0300 giờ, BCH hỗn hợp được thông báo rằng Đại sứ quán Hoa Kỳ và Đài phát thanh Sài Gòn đã bị tấn công. 0305 giờ được thông báo rằng bộ Tổng tham mưu Việt Nam đã bị tấn công. Lệnh báo động Đỏ và tất cả các chỉ huy trình diện với BCH hỗn hợp. 0320 giờ, lính gác tại tháp canh số 16 báo cáo thấy súng cá nhân từ một vị trí ngoài vành đai bắn vào khu vực kho xăng dầu. Nhóm quân cảnh được điều đi. Các nhóm phản ứng nhanh và nhóm đặc nhiệm 35 (biệt đội tăng phái) được thông báo ngắn gọn tình hình và điều ra các địa điểm ứng chiến.
4. 0320 giờ, Cổng 2, báo cáo chạm súng hạng nhẹ, bị bắn từ ngoài vào. Một nhóm quân cảnh được gửi đi tới cổng 2.
5. 0327 giờ, đội quân cảnh báo cáo rằng các vũ khí hạng nhẹ và vũ khí tự động của địch đã khai hoả phạm vi vành đai phía đông và hướng vào khu vực kho xăng dầu. (Báo cáo này từ cả hai chốt bảo vệ của Hoa Kỳ và VN).
6. 0330 giờ, ngày 31/1/1968, các lính canh ở phía bắc của căn cứ tiểu đoàn 53 An ninh phi trường báo động, có vài trăm địch quân đang di chuyển từ tây sang đông khoảng 400m về phía Bắc của bộ chỉ huy. Khoảng năm phút sau, lính canh báo cáo nghe súng tự động bắn từ hướng phi trường. 0330 giờ, yếu khu Tân Sơn Nhất đã điều một phi đội trực thăng chiến đấu đặt dưới quyền sử dụng của đại đội 3,tiểu đoàn 53. Trực thăng vũ trang đã được hướng dẫn tấn công vùng địch quân tập trung.
7. 0333 giờ, lô cốt 051 (vành đai phía tây nam) báo cáo bị tấn công bằng lựu đạn và cối, địch đồng thời bắn về vòng rào phía tây nhưng đã rơi ngoài mục tiêu. Một toán quân cảnh + toán phản ứng nhanh + quân cảnh đặc biệt được điều đi (Báo cáo này từ cả hai chốt bảo vệ của Hoa Kỳ và VN).
8. 0334 giờ, lô cốt 051 báo cáo có khoảng 25 địch xuất hiện ở phía đông của bià rừng cây, cách khoảng 100m ngoài hàng rào vành đai phía tây, súng nhỏ và vũ khí tự động bắn tập trung về phía tây vành đai. Hoả lực đáp trả từ phía đồng minh và từ các toán an ninh phi trường.
9. 0340 giờ, lô cốt 051 báo cáo bị trúng cối hoặc B40. An ninh phi trường đã điều một xe cứu thương tới 051 để di tản thương binh, xe cứu thương đã không thể tiếp cận được hầm trú ẩn do hỏa lực dữ dội của địch.
10. 0344 giờ, lô cốt 051 báo cáo hàng rào vành đai phía tây, địa điểm 75m về phía Bắc của lô cốt 051 đã bị phá huỷ và địch đang tràn vào căn cứ. Nhóm phản ứng nhanh Echo và hai trung đội của nhóm đặc nhiệm 35 đã được gửi đến khu vực và được triển khai đội hình nhằm ngăn chặn địch.
11. 0345 giờ, hai toán phản ứng nhanh bổ sung được gửi đi và cùng triển khai với toán Echo trước + hai trung đội của nhóm đặc nhiệm 35. Các đơn vị này đã triển khai song song cách đường Taxi W-6 khoảng 100m về phía bắc nhằm ngăn chặn sự thâm nhập của địch về phía đông.
12. 0347 giờ, toán phản ứng nhanh Echo báo cáo mặt trận đang bị tấn công bằng cối hoặc B40.
13. 0355 giờ, một trái nổ (có thể là đạn M79), đã rớt ngay kế bên bộ chỉ huy Tiểu Đoàn Dịch Vụ 2 nằm gần Cổng 10, cách khoảng 300m phiá Nam của kho xăng dầu. Trong vòng 2-3 phút, vũ khí hạng nhẹ, vũ khí tự động và B40 đồng loạt khai hoả hướng đến các vị trí quân VNCH ở quanh cổng số 10.
14. 0359 giờ, tháp canh A (hàng rào phía tây nam, cách 50m về phía đông của Cổng 051) báo cáo rằng địch đang tấn công vào phía nam tháp canh và phi đội trực thăng chiến đấu đang đụng độ với địch ở cánh đồng phía tây căn cứ.
15. 0410 giờ, tại vùng tọa độ XS783954 toán tuần tiễu của đại đội 13/53 Địa phương quân đụng độ với một đơn vị địch quân. Lính tuần tiễu chạm súng với địch khoảng 5 phút, và khi địch có ý định bao vây toán tuần tiễu, họ rút về phía nam khoảng 200m và gọi trực thăng vũ trang hỗ trợ.
Trực thăng vũ trang đã tảo thanh khu vực bằng đại liên và tên lửa. Lục soát sau đó tìm được 5 xác VC tại chỗ và (đếm xác) có 65 xác VC xung quanh hiện trường. Đây là đơn vị tăng cường cho lực lượng địch tấn công sân bay. Sau tổng kết với hoàn toàn không tổn thất, toán tuần tiễu về lại bộ chỉ huy để nhận đạn dược và chỉ thị.
16. 0412 giờ, BCH an ninh phi trường đã liên lạc với BCH hỗn hợp để xin trực thăng vũ trang hỗ trợ căn cứ, nhưng bị từ chối vì địch quân đã tiến quá gần các vị trí quân ta, trực thăng không thể phân biệt các vị trí giữa ta và địch.
17. 0415 giờ, chỉ huy Tiểu đoàn 2 Dịch vụ VNCH đã chỉ huy một trung đội phản công cùng với hai cố vấn Mỹ đến Khu vực Cổng 051. Khi trung đội còn cách lô cốt 051 khoảng 100m, hỏa lực của địch từ lô cốt bắn ra dữ dội. Một trinh sát được gởi đi nhằm xác định địch quân trong lô cốt. Địch tiếp tục bắn ra làm bị thương người lính, phần còn lại của trung đội ngay lập tức toả ra bao vây khu vực. Địch đã sử dụng khẩu đại bác 57ly trong lô cốt để bắn vào đội hình trung đội, làm bị thương một quân nhân và một cố vấn Mỹ.
18. 0422 giờ, nhóm quân cảnh báo cáo rằng họ ở khoảng 20m cách lô cốt 051 về phiá Tây nam và đang bị hoả lực địch gồm súng cá nhân và tự động bắn dữ dội
19. Áp lực của địch tiếp tục trong toàn bộ chu vi bằng đạn cối và B40, vũ khí cá nhân, tự động đến từ nhiều phiá và vị trí khác nhau. Một toán phản ứng nhanh và quân cảnh được triển khai tại cổng 055 (phiá cuối cực bắc của căn cứ) để tăng cường thêm cho lực lượng VNCH trong khu vực đó. Một nhóm phản ứng nhanh và 2 nhóm quân cảnh đã được triển khai ở phần phía đông bắc của khu vực xăng dầu trước đó khi có báo cáo về hỏa lực của đối phương tập trung về khu vực đó. Một nhóm phản ứng nhanh khác đã được triển khai tại cổng số 1 và cổng số 2 (phía nam vành đai chính và khu vực cổng chính) để đáp ứng với hỏa lực của đối phương bắn vào từ phía ngoài vòng rào vành đai.
Toán còn lại của nhóm đặc nhiệm 35 được giữ tại BCH hỗn hợp làm quân dự bị. Một nhóm phản ứng nhanh khác cũng được giữ làm dự bị nhằm bổ sung lực lượng phản công ở phía đông của căn cứ để hỗ trợ các đơn vị đang bị địch tấn công mạnh ở hướng đông và đông nam vành đai.
Một nhóm phản ứng nhanh đã được triển khai để hỗ trợ các quân nhân VNCH bảo vệ Cổng 056 (lô cốt 058, phía đông bắc) đang bị pháo kích dữ dội từ các vị trí địch ngoài vành đai.
Một toán đặc nhiệm Peter từ phía trung tâm MACV đã được triển khai ra phía Nam của cổng 10 để phản công địch quân đang tấn công vào khu vực MACV và Cổng 10.
20. 0500 giờ, Thiếu Tá Chiếu, Phó Tư lệnh yếu khu TSN, cùng đến với ba chiếc xe tăng hạng nhẹ và bắt đầu bắn vào các vị trí của địch gần cổng 051. Trong mười lăm phút, hai trong số ba chiếc xe tăng đã bị tên lửa B40 hoặc B41 phá hủy và chiếc thứ ba bị buộc phải rút khỏi khu vực. Thiếu tá Chiếu bị thương bởi một trong những vụ nổ tên lửa và phải tản thương.
21. Vào thời điểm này, tiểu đoàn tăng cường của địch đã đã hoàn toàn xâm nhập xuyên qua vành đai phía tây và đang tiến đánh vào phiá bên hông các đơn vị ngăn chặn trong khu vực.
22. 0515 giờ, một số đơn vị ở các vị trí đánh chặn đã hết đạn và yêu cầu tiếp viện đạn dược. Việc tiếp đạn được nhóm quân cảnh và nhóm cố vấn thực hiện. Các đơn vị VNCH tiếp tục tấn công tối đa hoả lực cá nhân và vũ khí tự động của họ vào vị trí địch, gây ra thương vong nặng cho đối phương.
23. 0523 giờ, pháo binh TSN sau khi được xác nhận an toàn để có thể bắn đại bác vào vị trí địch phía Tây của vành đai. Cùng thời điểm này, Pháo đội cối 81mm số 2 của Tiểu đoàn Công binh cũng đã nhận được xác nhận an toàn và bắt đầu tác xạ vào các mục tiêu đối phương phiá ngoài chu vi vành đai. Hoả lực của cả hai đơn vị nhằm ngăn chặn không cho địch quân tiếp tục xâm nhập từ hàng rào phía tây của quốc lộ 1.
24. 0529 giờ, tháp canh số 1 phát hiện địch quân gần khu vực đường băng Alpha/Echo. Bộ chỉ huy an ninh đã phái một nhóm quân cảnh và hai nhóm phản ứng nhanh triển khai tuyến phòng thủ phía đông, phía tây và phía bắc đường băng 25L để ngăn chặn địch không cho tiến xa hơn về phiá Bắc. Vào thời điểm này, địch quân đã xâm nhập khoảng 600m sâu vào căn cứ với cánh quân mở rộng khoảng 300m chiều ngang.
25. 0545, Cố vấn cao cấp yếu khu TSN, Thiếu tướng Ware-tổng chỉ huy tất cả các Lực lượng Hoa Kỳ trong TSN. Tướng Ware ngay lập tức ra lệnh đặt chi đội C3 của lữ đoàn 4 Kỵ binh (Xe tăng)dưới sự điều động của yếu khu TSN. Phi đội được biên chế cho TSN nhằm hỗ trợ trực tiếp và chính thức liên lạc thẳng trên tần số của yếu khu.
26. 0551 giờ, tháp canh số 1 báo cáo các đơn vị đồng minh đang chạm súng với địch quân phía Tây căn cứ.
27. Trên đường trở về BCH của mình, toán tuần tiễu của tiểu đoàn 53 An ninh phi trường phát hiện và báo động có hàng trăm VC đang di chuyển từ Tây sang Đông cách khoảng 600-800m về phía bắc của BCH. Lập tức lệnh tấn công địch, hai lô cốt phía Bắc của bộ chỉ huy khai hỏa vào địch quân.
28. 0558 giờ, hai đại đội thuộc Tiểu đoàn 8 Nhảy dù VNCH được điều đến khu vực đã bị địch thâm nhập để củng cố thêm vành đai phòng ngự và chuẩn bị cho phản công.
29. 0603 giờ, Tháp canh số 1 báo cáo một số địch quân đang rút lui qua khu vực hàng rào vành đai đã bị phá hủy ở phía nam của Cổng 0-51.
30. 0624 giờ, toàn bộ lực lượng phòng ngự bị hoả lực pháo kích dữ dội của địch, đạn cối và hoả tiễn.
31. 0630 giờ, Chi đội C3/4 Kỵ binh (còn thiếu 1 trung đội), từ hậu cứ hướng Củ chi tiến gần đến khu vực TSN. Đơn vị thiết kỵ này được biên chế vào cùng các đơn vị trong mũi phản công từ phía Bắc và có nhiệm vụ tấn công trực tiếp các lực lượng địch ở bên ngoài chu vi vành đai căn cứ. Cuộc tấn công này nhằm hỗ trợ cho các đơn vị đang chuẩn bị phản công toán địch quân đã xâm nhập vào trong khu vực căn cứ.
32. 0635 giờ, cuộc phản công bắt đầu với hai đại đội Nhảy dù VNCH cùng với các đơn vị quân đội Hoa Kỳ ở phía Nam, Bắc và phía Đông của vị trí đối phương đang chiếm giữ. Sau khi lực lượng phản công tiến được khoảng 100m, địch quân chống trả dữ dội, lực lượng phản công phải gọi pháo binh và trực thăng vũ trang yểm trợ.
33. 0635 giờ đến 0730 giờ, các khu vực Alpha, (hướng Tây bắc-Đông bắc) Bravo (hướng Đông) và Foxtrot (hướng Nam) báo cáo các loại vũ khí cá nhân và vũ khí tự động bắn vào căn cứ. Lực lượng phản công tiến chậm về phía tây vì hoả lực địch rất dữ dội.
34. 0645 giờ, tiểu đoàn 53 báo cáo phát hiện một tiểu đoàn VC đang di chuyển qua làng Tân Phú tọa lạc tại tọa độ XS793854 và chúng đã bao vây BCH ở tọa độ XS794928. Đại đội trưởng đđ 1/53 trong khi dẫn toán lính đi trinh sát địa điểm đóng quân VC, đã bị giết, Việt Cộng sau đó treo xác trước khu vực BCH và đốt xác ông. 0645 giờ một phần của tiểu đoàn 53 an ninh phi trường rút ra khỏi BCH về phía Tây bắc Bà Quẹo, ở toạ độ XS782946, gần khoảng 500m phía Tây nam của lô cốt 051, sau đó đã chia thành hai cánh quân phản kích lại địch quân. (thu dọn chiến trường sau này đếm được 169 xác địch quân tại tọa độ XS785954).
35. 0715 giờ, đại đội 3/53 an ninh phi trường báo cáo là bị bao vây bởi một lực lượng lớn Vc, yêu cầu được hỗ trợ và BCH hỗn hợp đã điều một phi đội trực thăng vũ trang ứng chiến. Sau ba đợt tấn công của trực thăng vũ trang, địch quân rút lui về hướng Đông bắc. Cuộc truy kích tiếp theo vào khu vực tìm thấy 7 xác địch quân bỏ lại, nhận xét địch phải chịu nhiều thiệt hại hơn tại đây. Tiếp tục lục xoát chung quanh khu vực, khoảng 200m về phía Bắc của vị trí này, tìm thấy 40 xác bị bỏ lại. Tất cả vũ khí bị mang đi và quân phục của xác chết đều bị lột mất.
36. 0730 giờ, trung đội còn lại của C3/4 Thiết kỵ đến hiện trường và được hướng dẫn tiến vào căn cứ qua cổng O-55 và tiến tới khu vực cổng O-51 để giải tỏa áp lực lên lực lượng thiết giáp lúc đó đang đụng độ dữ dội với địch.
37. 0725 giờ, toàn bộ tuyến phòng thủ bị địch quân pháo kích nặng nề, đồng thời địch lại bắt đầu tấn công vào tuyến phòng thủ phía VNCH. Địch quân đã thất bại trong cố gắng này. Hỏa lực nặng nề tiếp tục sau cuộc tấn công bất thành này được cho là nhằm cản bước truy kích để cho việc di tản quân địch bị thương và rút lui phần còn lại của lực lượng chính.
38. 0759 giờ, Tháp canh số 1 báo cáo thấy đạn cối rơi xuống phần phía Nam của lực lượng Nhảy dù VN. Đợt pháo kích này có thể liên quan trực tiếp đến mục đích đã đề cập ở đoạn ở trên.
39. Chi đội B3/4 Kỵ binh và khẩu đội pháo binh từ Sư đoàn 25 BB tại Củ chi đã đến hiện trường của cuộc chiến. Lực lượng này tham gia tấn công địch từ phía Bắc với toàn bộ đơn vị hiện diện ngay bên ngoài chu vi vành đai. Động thái này làm cắt đứt áp lực địch đang xâm nhập và hoàn toàn bao vây lực lượng chủ lực của địch quân.
40. Trong thời gian này, được hỗ trợ từ các đơn vị thiết giáp và pháo binh của sư đoàn 25BB cùng với hỏa lực liên tục từ phi đội trực thăng vũ trang, toàn bộ tuyến phản công từ từ tăng đà tiến quân. Củng cố cho nhận định này, Tháp canh số 1 báo cáo địch quân đang cố rút lui qua khu vực hàng rào giữa lô cốt 0-51 và cổng số 0-51, nơi hàng rào bị phá hủy trước đó.
41. 0930 giờ, cánh quân phía bắc của lực lượng phản công gồm các đơn vị Hoa Kỳ đã hoàn toàn chiếm lại thành công khu vực phía Nam của Cổng 0-51. Các đơn vị tiếp tục hứng chịu hoả lực địch từ vũ khí nhỏ, tự động, và B40 từ các vị trí của đối phương ngay phía phía Tây ngoài chu vi vành đai trong vài giờ.
42. Phiá Nam, nơi đơn vị Nhảy dù VN của lực lượng phản công tiếp tục bị thương vong nặng nề và bị đẩy lui ngược lại. Địch từ trong lô cốt 0-51, bị VC chiếm từ sáng sớm, đã trút hoả lực vũ khí nhẹ và tự động vào cánh quân phía Nam.
43. 1000 giờ, đơn vị nhảy dù rút về phía bắc Tháp canh số 3 và thiết lập các vị trí phòng thủ, trong khi đó các xe tăng của chi đội 3/4 và trực thăng vũ trang cố gắng tiêu diệt địch cố thủ trong lô cốt 0-51.
44. 1015 giờ, một chiếc trực thăng vũ trang bị bắn rơi ở phạm vi giữa lô cốt 0-52 và 0-52A. Tổng cộng 3 chiếc trực thăng vũ trang đã bị rơi trong vùng lân cận trong suốt trận chiến buổi sáng.
45. 1210 giờ, sau nhiều lần tấn công thất bại, lô cốt 0-51 đã được lực lượng quân cảnh 377 chiếm lại. Đây là mục tiêu cuối cùng bên trong chu vi vành đai bị chiếm giữ bởi địch quân. Cùng trong thời gian này, vài cuộc càn quét đã được tiến hành trong khu vực phía Bắc để chắc chắn rằng không còn địch quân sống sót phía trong vành đai căn cứ.
46. ​​1217 giờ, khu vực vành đai bị phá hủy đã được đóng lại và vành đai được bảo vệ. Hoả lực địch tiếp tục bắn vào từ các vị trí của địch ở cuối phía Tây của căn cứ trong vài giờ.
47. Trong suốt trận chiến kéo dài tám giờ đồng hồ trên toàn căn cứ, chiến đấu cùng địch quân vẫn tiếp diễn liên tục và dữ dội tại cổng số 10 và khu liên hợp MACV. cho tới 1300 giờ, tất cả các khu vực đã được giải toả, thu dọn chiến trường đếm được 82+ xác VC đã được xác nhận.
48. 1400 giờ, Tiểu Đoàn 8 Nhảy dù VNCH, Tiểu Đoàn 1 TQLC Việt nam và Tiểu Đoàn 4 TQLC VN đã nhận chỉ thị của BCH hỗn hợp tấn công và lục soát khu vực kho Hạnh Thông Tây (tiếp giáp phía Nam tây nam phi trường), hiện đang bị bao vây nặng nề bởi các lực lượng Việt Cộng.
Tiểu đoàn 8 nhảy dù đụng độ hoả lực dữ dội của địch quân, bị kẹt lại tại khu vực nhà cửa phía đông nam của Cổng số 10 cách căn cứ khoảng 500m.
Các Tiểu đoàn Thủy quân lục chiến số 4 và số 1 tiếp tục tấn công và bảo vệ khu vực kho đạn và trại pháo binh Cổ Loa trong khu vực Hạnh Thông Tây. Sự kháng cự dữ dội của địch đã làm cho ba tiểu đoàn phải thiết lập các vị trí phòng thủ trước khi đêm xuống.
49. Tiểu đoàn 1/18, Sư đoàn 1Bộ Binh, được đặt dưới quyền điều động của yếu khu TSN. BCH hỗn hợp đưa ra kế hoạch tấn công gồm chi đội 3/4 Kỵ binh + tiểu đoàn 53 an ninh và lực lượng cơ hữu trong căn cứ làm đơn vị chốt chặn, mũi tấn công do tiểu đoàn 1/18BB tấn công địch theo hướng Tây bắc.
Trận tấn công này nhằn ép lực lượng chính của địch phải phân tán ra các nhóm phòng thủ nhỏ. Địch quân phá vỡ vòng vây trước đêm xuống, lực lượng địch rút lui về hướng Tây nam vào Bà Quẹo và hướng về phía Phú Thọ Hoà.
Lực lượng truy kích đã tấn công địch bằng đại bác bất cứ khi nào có điều kiện.
Chi đội C3/4 thiết kỵ báo cáo bị tấn công bằng hoả lực súng cá nhân rất dữ dội từ trong hãng dệt Vinatexco. Xác nhận an toàn cho oanh kích và đợt oanh tạc đầu tiên do phi đoàn 33 không quân VN thực hiện. Các cuộc không kích sau này do F100 thực hiện đã triệt hạ 95% cơ sở vật chất của hãng. Thu dọn chiến trường đếm được 170 xác VC, rất nhiều vũ khí đã tìm thấy chung quanh khu vực nhà máy.
50. Đại đội A chi đội1/4/Sư đoàn 1BB, Tiểu đoàn 2/27/sư đoàn 25 BB và tiểu đoàn 2/327/sư đoàn 101 Nhảy dù đã được đặt dưới sự điều động của yếu khu TSN và các vị trí phòng thủ được củng cố chống lại nguy cơ một cuộc tấn công khác của địch. Các vị trí mới được thiết lập thêm vào các cứ điểm cũ và tăng cường vòng đai phòng thủ của các lực lượng trong căn cứ:
- Tiểu đoàn 2/327/101 nhảy dù nằm phía sau khu vực cổng 0-51 để chống xâm nhập từ hướng cổng.
B. tiểu đoàn 1/18/1BB làm lực lượng dự bị ở phía Tây nam của căn cứ gần đường băng 25L.
- Tiểu đoàn 2/27/25BB làm lực lượng cơ động, do đội 377 hỗ trợ chiến đấu huy động làm lực lượng phản ứng nhanh tại BCH Trực thăng Hoa Kỳ (nằm phía Tây nam căn cứ).
- Chi đội 3/4/25BB và đại đội 2/27/25BB trực thuộc - trực tiếp phía Nam của Cổng 0-56 (lô cốt 058) làm lực lượng phản ứng nhanh chống lại mối đe dọa của địch từ phía Tây bắc .
- Một đại đội 2/327/101 nhảy dù và một đại đội 1/18/1BB đóng trong vòng rào xung quanh Trụ sở MACV.
Tất cả việc bố trí đã được hoàn thành lúc 2100 giờ. Căn cứ được coi là bảo đảm an ninh vào thời điểm này.
2215 giờ, trung tá Lưu kim Cương tiếp tục quyền chỉ huy toàn bộ lực lượng quân VNCH. Đại tá Thebeau là chỉ huy trưởng trung đoàn 2/sư đoàn 1 BB nắm quyền chỉ huy toàn bộ lục quân Hoa kỳ, theo lệnh của tướng Ware tư lệnh mặt trận.
(trang này chưa giải mật). Hết.
42 chuyển ngữ.
Hình mạng, lô cốt 0-51
Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, bầu trời và ngoài trời



Tìm kiếm Blog này