Tim thông tin blog này:

Thứ Ba, 18 tháng 7, 2017

Câu chuyện thiên thạch ở Việt Nam

(TNO) “Việt Nam có rất nhiều dấu vết va chạm thiên thạch, nhưng về lý thuyết thì không thể có thiên thạch rơi xuống mà tồn tại ở Việt Nam. Cho nên có thể nói tất cả các vụ mua bán cái gọi là thiên thạch nhặt được ở nước ta đều là thiên thạch giả”, tiến sĩ Hoàng Ngọc Kỷ, nhà địa chất học nói với Thanh Niên Online.

Câu chuyện thiên thạch ở Việt Nam - ảnh 1
Sự tấn công của thiên thạch luôn là nỗi lo sợ của con người - Ảnh: NASA
Kỳ 1 : Sự hủy diệt kỳ vĩ
Cuộc va chạm thiên thạch vào trái đất mới nhất là vụ nổ trên bầu trời thành phố Chelyabinsk vùng Ural Liên bang Nga vào ngày 15.2.2013. Vụ nổ kiến cho 3.000 tòa nhà trong 6 thành phố bị hư hại và 1.200 người bị thương, chủ yếu do kính vỡ. Theo ước tính của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), thiên thạch này có đường kính 17 mét, nặng khoảng  7  - 10 ngàn tấn, khi nổ đã giải thoát một năng lượng tương đương với 500 kiloton thuốc nổ TNT, mạnh gấp 20-30 lần vụ nổ của hai quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki cuối Đại chiến thế giới 2. Vụ nổ diễn ra ở độ cao 15-20 km so với mặt đất. Với vận tốc khoảng 15 - 30 km/giây (theo ước tính của Viện Hàn lâm khoa học Nga vận tốc thiên thạch này là 54.000 km/giờ, còn Cơ quan Không gian liên bang Nga ước tính gấp đôi), các nhà khoa học cho rằng nếu thiên thạch này chỉ nổ chậm trong một vài giây thì không những cả thành phố Chelyabinsk và khu vực lân cận bị hủy diệt mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả một vùng rộng lớn ở châu Âu.

Vụ nổ gần nhất trước vụ Chelyabinsk là sự kiện Tunguska kinh hoàng ở Siberia (Nga) vào ngày 30.6.1908, thường gọi là Vụ nổ lớn Siberia. Năng lượng của vụ nổ tương đương với 1 megaton thuốc nổ TNT, tương đương với 100 quả bom nguyên tử, hủy diệt 60 triệu cây rừng trên diện tích 2.150 km2. Những khảo sát của các nhà khoa học Xô Viết sau đó không phát hiện có hố thiên thạch và không tìm thấy các mẩu vật thể đủ lớn để có thể đem phân tích, nhiều giả thiết cho rằng đây có thể là một sao chổi đã chạm vào hành tinh gây ra vụ nổ. Sự kiện Tunguska tăng thêm bằng chứng về khả năng hiện hữu của “Ngày tận thế” trong tương lai.

Theo thống kê từ các tài liệu về địa chất học, bề mặt Trái đất hiện có 160 hố thiên thạch được ghi nhận rải rác ở khắp các châu lục.

Hố thiên thạch được phát hiện đầu tiên trên thế giới là hố thiên thạch Barringer (tiểu bang Arizona, Mỹ). Hồ này được coi là hố thiên thạch trẻ nhất hình thành cách đây 50.000 năm, có đường kính 1,5 km, sâu 170 mét,  trước đây người ta cho rằng đây là một họng núi lửa đã tắt. Đến năm 1903, Daniel Barringer, một kỹ sư mỏ, đã đến đây khảo sát quặng sắt và đưa ra giả thiết đây là một hố thiên thạch. Giả thiết của ông đã được thừa nhận vào năm 1960 khi nhà thiên văn Eugene Shoemaker tìm ra các khoáng chất ở đây có nguồn gốc từ vũ trụ. Người ta tính nó được tạo ra từ vụ va chạm thiên thạch tương đương với 2,5 megaton thuốc nổ TNT. Hố thiên thạch này đã được công nhận là di tích quốc gia Mỹ vào năm 1967 và mở cửa đón du khách đến tham quan, nghiên cứu.

Hố thiên thạch Vredefort Dom ở Nam Phi được coi là cổ nhất, hình thành từ cuộc va chạm thiên thạch cách đây 2.023 triệu năm, có đường kính ban đầu khoảng 380 km, nay còn khoảng 300 km do bị bào mòn. Hố này trước đây cũng được cho là có nguồn gốc từ núi lửa. Vào năm 1900, người ta có bằng chứng khẳng định đây là hố thiên thạch. Hố Vredefort Dom được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Du khách đến đây có thể chiêm ngưỡng sức mạnh kỳ vĩ của thiên nhiên.

Theo tiến sĩ Hoàng Ngọc Kỷ, 160 hố thiên thạch nói trên phần lớn được phát hiện nửa sau thế kỷ 20 trên những nước có ngành địa chất phát triển, nên chắc chắn còn nhiều hố thiên thạch chưa được phát hiện trên hành tinh chúng ta.

Trên lãnh thổ Việt Nam, có nhiều hồ và thung lũng có nguồn gốc khác nhau, theo các nhà nghiên cứu. Có khả năng một số hồ và thung lũng được hình thành từ các cuộc va chạm thiên thạch, tuy nhiên theo tiến sĩ Kỷ, do nước ta thuộc vùng nhiệt đới ẩm mưa nhiều nên những hố thiên thạch không còn nguyên vẹn như hồ thiên thạch Barringer nằm trên sa mạc.

Theo khảo sát của tiến sĩ Kỷ, có ít nhất là 3 hồ lớn ở nước ta được hình thành do va chạm thiên thạch. Đó là hồ Ba Bể ở Bắc Kạn, hồ Lăk ở Buôn Ma Thuộc và “Biển Hồ” ở Pleiku (Gia Lai).

Hồ Ba Bể gồm 3 hồ thông liền chứa nước ngọt có diện tích 6,5 km2, được công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ. Hồ nằm trên độ cao 145 mét trên mực nước biển, bao quanh là núi đá. Ông Kỷ cho rằng, một số nhà địa chất nói hồ này hình thành từ 200 triệu năm trước cùng tuổi với địa tầng được nâng lên khi hoạt động kiến tạo là không đúng, một số khác bảo nó liên quan đến hoạt động karst (hiện tượng bào mòn đá vôi) trong tầng đá vôi cũng không có cơ sở, bởi diện tích của 3 hồ này kéo dài 8 km, chiều ngang và chiều rộng khác nhau, không nằm trên cùng một đường thẳng, không giống với cấu trúc địa hào bị sụt giữa hai đứt gãy, còn hoạt động karst trong đá vôi hình thành sông ngầm karst thì chỉ hình thành hố sụt, nước biến mất theo dòng sông chứ chẳng bao giờ tạo thành hồ. Theo nhận định của ông, hồ Ba Bể chỉ có thể là hồ thiên thạch do ba mảnh thiên thạch kích thước và hình dạng khác nhau va chạm với Trái đất không trực diện trong kỷ đệ tứ, cách đây nhiều nhất không quá 1 triệu năm.

Hồ Lăk là hồ rộng thứ hai ở Việt Nam, có diện tích 5 km2, sau hồ Ba Bể, nằm ở độ cao 450 mét so với mực nước biển. Các nhà địa chất Pháp trước đây cho hồ này có nguồn gốc từ núi lửa vì quanh vùng có nhiều đá bazan. Ông Kỷ bảo như vậy là sai, vì diện tích hồ khá lớn song không giống dạng phễu họng phun trào hay phun nổ của núi lửa ở Việt Nam hay trên thế giới. Với nhiều tài liệu về địa chất, ông Kỷ tin rằng hồ Lăk cũng được hình thành từ va chạm thiên thạch có niên đại trong kỷ đệ tứ.

“Biển Hồ” ở Pleiku, bà con dân tộc gọi là T’Nưng, độ sâu 12-16 mét nằm trên cao nguyên địa hình bằng phẳng cao khoảng 500 mét so với mực nước biển. Cũng bằng những lập luận tương tự, tiến sĩ Hoàng Ngọc Kỷ cho rằng hồ này cũng hình thành từ một vụ va chạm thiên thạch.

Ngoài ra, ông Kỷ còn lưu ý, trên lãnh thổ nước ta có nhiều thung lũng giữa núi hình thành các vùng đồng bằng rộng lớn và nhiều bồn trũng trầm tích Neogen chứa than nâu nằm giữa vùng núi cao như Điện Biên, Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê, trũng trầm tích Neogen ở Tây nguyên…. Lâu nay nhiều nhà địa chất cho rằng chúng có nguồn gốc kiến tạo sụt lún giới hạn bởi đứt gãy, nhưng ông Kỷ bảo điều đó không đúng, vì ở những vùng đó không có địa tầng trầm tích đá vôi, không có những sông thoát nước lớn, không phát hiện thấy có những đứt gãy kiến tạo dạng địa hào, không có phun trào núi lửa, nên chỉ có thể ước đoán rằng chúng được hình thành do va chạm giữa thiên thạch với Trái đất.

Ông đề nghị các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, nếu đây là kết quả của sự va chạm giữa thiên thạch với Trái đất thì không những có giá trị khoa học rất lớn mà còn đem lại giá trị kinh tế cao, bởi nó sẽ là những di sản địa chất và thiên văn, thu hút đông đảo du khách và các nhà khoa học trên thế giới.

Sức mạnh hủy diệt của thiên nhiên thật là ghê sợ, loài khủng long và hàng loạt giống loài khác đã tuyệt chủng vì những cuộc va chạm thiên thạch, nhưng sự hủy diệt này lại tạo ra vẻ đẹp kỳ vĩ trên hành tinh và trên đất nước ta … (còn tiếp).
 
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Kỷ là nhà khoa học có nhiều đóng góp quan trọng cho ngành địa chất. Ông là tác giả và đồng tác giả của hệ thống bản đồ địa chất Việt Nam, đồng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và công nghệ, là chủ biên chuyên khảo “Loess nguồn gốc gió ở Việt Nam và Đông Nam Á”, tác giả cuốn “Địa chất và môi trường Đệ tứ Việt Nam”, là đại diện Việt Nam tham gia các đề tài nghiên cứu quốc tế “Những quá trình phát triển và các sự kiện Đệ tứ ở Đông Nam Á”, “Địa tầng Đệ tứ châu Á Thái bình dương” và đề tài UNESCO “khí hậu trong quá khứ”. Những khảo sát địa chất của ông còn góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lịch sử dựng nước của cha ông ta (Xem Dựng nước sau đại hồng thủy”.Tác phẩm mới nhất của ông vừa được xuất bản là cuốn “An ninh môi trường: Hiểm họa và biện pháp phòng chống” (NXB Công an nhân dân, 2014).
Hoàng Hải Vân


Kỳ 2 : Vì sao thiên thạch có ở Việt Nam đều là giả ?

(TNO) Cho đến nay mặc dù một số nhà khoa học trên thế giới đã phân tích cấu tạo của một số mẩu thiên thạch nhưng chưa có những công bố cụ thể và đầy đủ, mà chủ yếu đề cập đến thành phần nổi trội của nó gồm Niken (Ni) và sắt (Fe) cùng một số hợp chất khác tùy thuộc vào từng loại thiên thạch.

 Thiên thạch được trục vớt trong vụ nổ Chelyabinsk - Ảnh : RIA Novosti
Thiên thạch được trục vớt trong vụ nổ Chelyabinsk - Ảnh : RIA Novosti
Ông Kỷ lập luận, ngày nay khoa học vũ trụ biết được rằng thiên thạch bay trong không gian với vận tốc rất lớn, khoảng 11-12 km/s, thậm chí lên tới 30 km/s, gấp hàng chục lần vận tốc đạn đạo. Với vận tốc cực lớn đó, khi đâm vào bầu khí quyển, những thiên thạch nhỏ lập tức bị nổ tung biến thành bụi. Còn các thiên thạch lớn khi nổ ở độ cao vài chục km một phần biến thành bụi, một phần biến thành các mảnh vỡ. Động năng của những mảnh vỡ này rất lớn cộng với gia tốc trọng trường lại càng lớn hơn, khi va vào bề mặt trái đất nếu gặp vật rắn cũng sẽ nổ tung thành bụi, còn gặp đất yếu chúng sẽ chui rất sâu xuống lòng đất. Cho nên, tại những hố thiên thạch lớn được tìm thấy như hố Barringer ở Mỹ, người ta chưa bao giờ tìm thấy những mảnh thiên thạch nằm trên mặt đất. Vụ nổ lớn Siberia cũng không để lại một mẩu thiên thạch nào được khoa học xác nhận.

Với lập luận đó, ông Kỷ nghi ngờ luôn 38 mẩu thiên thạch được bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Địa chất Việt Nam. Đó là những mẩu thiên thạch do người Pháp thu nhặt ở Việt Nam và để lại sau khi rời khỏi Đông Dương.

Trong 38 mẩu thiên thạch đó, 35 mẩu được trưng bày tại Hà Nội, 3 mẩu được trưng bày tại Phân viện phía Nam (TP.HCM). Xem xét 3 mẩu trưng bày tại TP.HCM, ông thấy :

- Mẩu sổ 15/38, do người Pháp nhặt được ngày 18-7-1941 tại Thúc Bình, Hội An, Quảng Nam

- Mẩu số 16/38, do người Pháp nhặt ngày 30-6-1921, tại Vĩnh Lược, Rạch Giá, Kiên Giang

- Mẩu số 17/38, do người Pháp nhặt năm 1921, tại Tuấn Túc, Sóc Trăng.

Câu chuyện thiên thạch ở Việt Nam - Kỳ 2 : Vì sao thiên thạch có ở Việt Nam đều là giả ? - ảnh 2
Câu chuyện thiên thạch ở Việt Nam - Kỳ 2 : Vì sao thiên thạch có ở Việt Nam đều là giả ? - ảnh 3
Hai mẩu thiên thạch trưng bày tại Phân viện Bảo tàng địa chất phía Nam do người Pháp để lại
Ông Kỷ cho rằng những mẩu này chắc chắn không phải thiên thạch, vì những địa điểm nêu trên tại Quảng Nam, Kiên Giang và Sóc Trăng đều là những vùng ven biển trầm tích Holoxen có độ tuổi chỉ vài ngàn năm, là vùng đồng bằng thấp đất yếu. Với vận tốc gấp hàng chục lần vận tốc đạn đạo, không một phép lạ nào có thể khiến những mẩu thiên thạch này nằm được trên mặt đất để cho người Pháp đến nhặt.

Theo ông, những mảnh được gọi là “thiên thạch” này có thể là đá bazan hay đá siêu basic hình thành trên vùng núi Nam Việt Nam, thứ đá mà người dân thường sử dụng để xây móng các chùa chiền hay nhà cửa vùng đất yếu ở đồng bằng Nam bộ và Trung bộ.

Vì lý do gì mà các nhà địa chất Pháp có sự nhầm lẫn đó, ông Kỷ nói vào đầu thế kỷ 20, dù khoa thiên văn học chưa phát triển, người ta chưa biết rõ về tốc độ của thiên thạch bay trong vũ trụ, nhưng các nhà địa chất Pháp không thể không biết về gia tốc rơi của vật rơi tự do cũng như động năng rất lớn của nó khi nổ tung trên bầu trời, do vậy sự nhầm lẫn có thể không phải do kiến thức khoa học. Lý do thực sự như thế nào thì chỉ có người Pháp khi lục lại hồ sơ cũ mới có thể xác định hoặc chứng minh được. Ông Kỷ đề nghị đã đến lúc Viện Bảo tàng Địa chất Việt Nam phối hợp với Viện Địa chất Pháp làm sáng tỏ vấn đề này…


Kỳ 3: Tektite ở Việt Nam và những cuộc va chạm thiên thạch lớn

(TNO) Phần lớn các mẩu đá gọi thiên thạch ở Việt Nam là tektite. Tektite hình thành do thiên thạch va chạm vào vỏ trái đất nên nhiều người nhầm tưởng nó cũng là một loại thiên thạch.

Câu chuyện thiên thạch ở Việt Nam - Kỳ 3: Tektite ở Việt Nam và những cuộc va chạm thiên thạch lớn - ảnh 1
Tektite phân lớp phân bố dày đặc ở nhiều vùng trên cả nước - Ảnh: Bảo tàng địa chất
Câu chuyện thiên thạch ở Việt Nam - Kỳ 3: Tektite ở Việt Nam và những cuộc va chạm thiên thạch lớn - ảnh 2
Tektite bắn tung dễ tìm thấy ở nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam - Ảnh: Bảo tàng địa chất
Trên thế giới, tektite chỉ được phát hiện ở một số vùng tại Tiệp Khắc cũ thuộc châu Âu, một số vùng Nam - Bắc Mỹ và châu Phi, nhưng ở Việt Nam thì có… vô số kể, vì nước ta nằm trong khu vực các nhà địa chất học gọi là “trường tektite Á - Úc”. Tại khu vực này, tektite được phân bố trên diện rộng gồm phần lớn các nước Đông Nam Á, châu Úc và một số đảo giữa Thái Bình Dương.
Tektite có nhiều hình dạng khác nhau, độ cứng cấp 7-8, cấu trúc thủy tinh, được hình thành trong điều kiện vật thể bị nóng chảy rồi nguội lạnh nhanh (từ tektite có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp 'tektos' có nghĩa là nóng chảy). Nó hình thành do sự va chạm của thiên thạch với vỏ trái đất tạo ra nhiệt độ cao làm cho lớp đất đá bị nung chảy rồi đông cứng lại. Thiên thạch tạo ra tektite nhưng bản thân tektite không phải là thiên thạch. Tektite chia thành hai dạng: tektite phân lớp (layed tektite) và tektite bắn tung (splashed tektite). Dạng phân lớp được hình thành khi thiên thạch va vào trái đất tạo ra nhiệt lượng vô cùng lớn làm nóng chảy đất đá tại chỗ, sau đó đông đặc lại thành từng lớp. Dạng bắn tung hình thành khi thiên thạch va vào trái đất làm cho đất đá nóng chảy và nổ tung văng ra xa nơi va chạm, khi rơi xuống do tác động của trọng lực tạo thành nhiều hình thù như túi mật, hình cầu, hình tròn bẹt… khi đông cứng.
Trước đây có giả thiết cho rằng chất liệu cấu tạo tektite có nguồn gốc từ vũ trụ, nhưng khi phân tích tác động của sự va chạm, cấu trúc và thành phần hóa học của tektite, các nhà địa chất khẳng định giả thiết đó là không có cơ sở. Theo tiến sĩ Hoàng Ngọc Kỷ, thành phần hóa học của tektite chủ yếu là SiO2, Al2O3, CaO…, giống với thành phần hóa học của vỏ trái đất, không giống với thành phần hóa học của thiên thạch vốn chứa Ni và Fe là chủ yếu.
Những khảo sát địa chất cho thấy tầng tektite được phân bố dày đặc nhất ở Việt Nam, khảo sát ở bất cứ nơi nào, trên cao nguyên hay đồng bằng cao, cả trên thềm sông cũng đều thấy tektite nằm giữa lớp đá ong hay bauxite và lớp hoàng thổ (loess). Điều đó chứng tỏ nước ta từng là một trong những nơi bị va chạm thiên thạch nhiều nhất trên trái đất. Ông Kỷ cho rằng Việt Nam có thể là trung tâm của Trường tektite Á -  Úc. Xét niên đại của những lớp tektite này, có thể thấy những cuộc va chạm không phải diễn ra một lần, mà diễn ra rất nhiều lần trong khoảng thời gian từ 570.000 năm đến gần 1 triệu năm trước. Để tạo ra Trường tektite Á - Úc trên diện rộng như vậy, các nhà địa chất ước tính những cuộc va chạm phải có một sức công phá khủng khiếp, có thể tương đương với hàng trăm triệu quả bom nguyên tử đã ném xuống Hirosima. Chắc chắn phần lớn sự sống tồn tại ở khu vực này trước đó đã bị những cuộc va chạm này hủy diệt, sau đó mới tái sinh lại.
Các nhà khoa học đang cảnh báo về hiểm họa thiên thạch, nhất là sau vụ nổ ở Nga năm ngoái, người ta đang tính đến các chương trình bảo vệ trái đất. NASA ước tính có khoảng 47.000 tiểu hành tinh có khả năng đe dọa trái đất. Nếu 1 tiểu hành tinh có đường kính 500 m va vào trái đất, nếu rơi vào đại dương thì có thể làm bốc hơi phần lớn nước biển gây ra tình trạng biển thoái, nếu rơi trực diện hay sạt qua mặt đất có thể làm trái đất nóng lên tiêu diệt hàng loạt các loài sinh vật. Và một thiên thạch (tiểu hành tinh hoặc sao chổi) rơi xuống vùng Chicxulub (Mexico) đã tiêu diệt hoàn toàn loài khủng long cách đây 65 triệu năm liệu có lặp lại ở một nơi nào đó? Khó có thể biết trước được.
Các nhà thiên văn học ước tính trong vòng 100 năm tới, xác xuất có một thiên thạch đủ lớn để hủy diệt sự sống trên trái đất là 1/5000. Khả năng như vậy là rất bé nhưng không phải không thể xảy ra. Người ta đưa ra nhiều phương án đối phó với thiên thạch, trong đó có phương án dùng tên lửa đạn đạo hạt nhân để phá hủy thiên thạch, nhưng xem ra không có phương án nào là khả thi. Ngay cả việc dự báo, vụ nổ Chelyabinsk cho thấy khoa học chưa đủ trình độ. Người ta cho rằng chưa thể dự báo những vụ nổ thiên thạch nhỏ, còn các thiên thạch kích thước lớn thì có thể, nhưng xem ra cũng chưa chắc, vì kể từ vụ nổ lớn Siberia đến nay chưa có vụ nổ nào lớn hơn để mà dự báo.
Nhìn chung, kỹ thuật dự báo và phòng chống thiên thạch liên quan đến công nghệ, thiết bị và phương tiện cực kỳ phức tạp, nếu triển khai thành công các chương trình đối phó, dù trong phạm vi quốc gia hay tầm quốc tế, cũng sẽ vô cùng tốn kém nhưng chưa chắc đem lại hiệu quả gì. Trí thông minh và sức mạnh của con người quá bé nhỏ so với trí thông minh và sức mạnh của tự nhiên. Con người bé bỏng không nên có ảo tưởng sánh ngang với trời đất.
Cho nên, đối với những hiểm họa từ tự nhiên như hiểm họa thiên thạch, con người chỉ có thể đối phó bằng cách … ăn hiền ở lành, ăn hiền ở lành với thiên nhiên và ăn hiền ở lành với nhau, để có thể bình an sống trọn tuổi trời, sống trọn khoảng thời gian mà tạo hóa định đoạt. Làm sao có thể khác được?
Hoàng Hải Vân
Nguồn: Thanhnien

Tìm kiếm Blog này