BBC Trending 6 tháng 7 2017
Trong vài tuần qua, những tin đồn liên quan tới gạo giả làm từ nhựa bắt đầu dấy lên ở các nước Senegal, Gambia và Ghana. Mức độ ầm ĩ của tin đồn thậm chí gây hoang mang tới mức Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Ghana quyết định phải mở cuộc điều tra về vấn đề này.
Theo đó, họ đã mời người tiêu dùng và các tiểu thương nộp lên cơ quan chức năng những mẫu gạo của mọi thương hiệu mà họ nghi ngờ là gạo nhựa.
Rốt cuộc, các nhà điều tra kết luận rằng không có loại gạo nào là gạo nhựa được bán trên thị trường Ghana như thông tin đồn đại.
Vì sao người ta tin có gạo nhựa?
Tin đồn về gạo nhựa khởi nguồn từ Trung Quốc. Các tin đồn dạng này lây lan trên mạng xã hội vào khoảng từ năm 2010 khi xuất hiện những thông tin nói rằng một số đối tượng đã sản xuất ra gạo nhựa để trộn với gạo thật và bán cho người tiêu dùng.
Những tin đồn dạng này thoạt tiên được khởi lên từ những bê bối "gạo giả" mặc dù chúng không nhất thiết liên quan tới việc gạo giả được làm từ nhựa.
Chẳng hạn trong một vụ bê bối gạo giả như thế, người ta phát hiện thấy các công ty lập lờ đánh lận những loại gạo bình thường trở thành gạo Wuchang, một loại gạo cao cấp để trục lợi.
Sau đó tới năm 2011 xuất hiện những thông tin nói rằng loại gạo giả đó được làm bằng khoai tây và có thêm chất keo dính công nghiệp.
Những tin đồn tiếp tục dấy lên sau khi một quan chức hiệp hội nhà hàng Trung Quốc cảnh báo việc ăn ba bát cơm "gạo nhựa" tương đương với việc ăn một cái túi nilon.
Thế rồi những tin đồn về gạo nhựa lại tiếp tục được thổi thêm lên một tầng nấc mới trên mạng xã hội tại châu Phi trong năm ngoái khi hải quan Nigeria công bố tịch thu 2,5 tấn gạo mà thoạt đầu họ nói đó là gạo nhựa.
Tuy nhiên sau đó hải quan Nigeria buộc phải rút lại tuyên bố này khi Bộ trưởng y tế Nigeria cho rằng không có bằng chứng nào để nói đó là gạo nhựa.
Theo Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Nigeria, các kiểm tra sau đó cũng cho thấy đó là gạo thật, tuy nhiên có chứa một lượng vi khuẩn ở mức cao.
Gạo có thể nẩy như bóng?
Dẫu vậy thì các tin đồn về gạo nhựa vẫn tiếp tục tồn tại dai dẳng, khi "tiếp sức" cho tin đồn là các video quay cảnh người ta làm động tác xóc nảy với những "quả bóng gạo".
Một số video thậm chí còn phô diễn cảnh gạo nhựa được sản xuất trong các nhà máy như thế nào.
Ông Alexander Waugh, giám đốc Hiệp hội gạo tại Anh, nói với BBC rằng những video đó có thể là thật.
Theo ông, vì gạo khi được chế biến đúng cách cũng có thể bật nảy được.
Ông giải thích: "Đặc tính tự nhiên của gạo là carbohydrate và protein, do đó bạn hoàn toàn có thể làm một chuyện tương tự như vậy với gạo".
Còn theo tờ Observer, dẫn lời nhà báo Alexandre Capron của đài truyền hình France 24, rất có thể chủ nghĩa bảo hộ nông nghiệp trong nước và xu hướng bài trừ hàng ngoại nhập khẩu đã là nguyên nhân đứng sau sự tồn tại dai dẳng của những tin đồn về gạo nhựa.
Nhà báo Capron từng tham gia điều tra chuyên đề về gạo nhựa cho biết ông nhận thấy một số người cố ý chia sẻ các video về gạo nhựa để kêu gọi người tiêu dùng quay về mua lúa gạo trong nước.
"Những tin đồn như vậy thường phổ biến hơn tại những nước vốn lệ thuộc vào gạo nhập khẩu như Bờ biển Ngà hay Senegal", Capron nói.
"Tin đồn ầm ĩ tới mức các chính phủ buộc phải đưa ra những thông cáo để giải thích vì sao không có gạo nhựa".
Hassan Arouni, tổng biển tập BBC Focus về Châu Phi, đồng ý với việc các nhà chức trách Tây Phi quyết tâm giải quyết tin đồn 'gạo nhựa' vì ảnh hưởng đến các nước xuất khẩu gạo khác như Trung Quốc.
"Tôi nghĩ điều quan trọng là phải trấn an dư luận và chỉ rõ cho họ thấy đây chỉ là những tin đồn nhảm trên Internet".
Nguồn: BBC