Tim thông tin blog này:

Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2017

Huế - Mậu Thân: Cái chết của 4 giáo sư người Đức vẫn còn là một dấu hỏi.

Nhớ Về Các Vị Giáo Sư Người Đức Ở Đại Học Y Khoa Huế
Hoàng Phủ Ngọc Phan
 05-May-2012

http://www.giaodiem.us/us-2009/3_2009/07.18.09.hpnphan.htm
Hoàng Phủ Ngọc Phan
ĐẠI HỌC Y KHOA HUẾ
Đại Học Y Khoa Huế ra đời vào niên khóa 1960 -1961 do những nổ lực hoạt động văn hóa và tôn giáo của linh mục Cao Văn Luận, Viện Trưởng sáng lập Viện Đại Học Huế. Linh mục Cao Văn Luận đã vận động được đại học Thiên chúa giáo Freiburg ở Cộng Hòa Liên Bang Đức đỡ đầu cho trường Y Khoa Huế. Do đó mà vào năm 1961, đại học Freiburg gửi đến Huế một đoàn giáo sư người Đức để cư trú và giảng dạy.

Trưởng đoàn là Giáo Sư Tiến Sĩ Horst Gunther KRAINICK, bác sĩ Nhi Khoa. Các thành viên khác gồm các bác sĩ: ERICH WULFF và KAUFMANN giảng dạy môn Sinh Lý học – WEIL dạy Sinh Hóa – SCHAUWECKER dạy Cơ Thể học – DISCHER dạy Nội Khoa – PERINGS dạy Mô Học và HOLTERSCHEIDT, giảng nghiệm viên. Khoa trưởng trên danh nghĩa là Giáo Sư T.S Lê Tấn Vĩnh nhưng trong thực tế ông Vĩnh thường ở Pháp việc quản lý và điều hành do bác sĩ Lê Khắc Quyến, một người thầy thuốc rất được đồng bào Huế tín nhiệm về chuyên môn và y đức. Bác sĩ Lê Khắc Quyến đã mời một số bác sĩ giỏi ở Huế tham gia công tác giảng dạy bên cạnh các giáo sư người Đức. Đó là bác sĩ Lê Bá Vận, Lê Văn Bách, Nguyễn Văn Đệ, Nguyễn Văn Tự, Nguyễn Văn Mẫn, Nguyễn Khoa Mân, Nguyễn Khoa Nam Anh, Lê Huy Chước
Ngay từ khóa tốt nghiệp đầu tiên, trường Y Khoa Huế đã đào tạo được một đội ngũ bác sĩ giỏi để phục vụ tại các bệnh viện trong nước. Đặc biệt có bác sĩ Tôn Thất Hứa sống và làm việc ở Tây Đức, sau năm 1975 đã trở về Huế thường xuyên giúp đỡ trường Y Khoa trong công tác đào tạo và xây dựng, bảo trợ cho nhiều đợt sinh viên sang tu nghiệp ở CHLB Đức. Uống nước nhớ nguồn. Nguồn ở đây chính là công lao sáng lập và đào tạo của linh mục Cao Văn Luận và của đại học Freiburg vậy. Đây là điều cần được ghi nhận trong lịch sử của nhà trường cả trong tình cảm của các thế hệ sinh viên Y Khoa Huế.
BIẾN ĐỘNG I : PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CHỐNG CHẾ ĐỘ NGÔ ĐÌNH DIỆM.
Vào đêm rằm, lễ Phật đản, Phật lịch 2507 (8.5.1963) hằng ngàn đồng bào sinh viên và học sinh Phật tử Huế tập hợp ở đài phát thanh để đến nghe một chương trình phát thanh đặc biệt, trong đó có bài nói chuyện của Thượng tọa Thích Trí Quang về việc chính quyền cấm treo cờ Phật giáo nhưng chính quyền Huế đã hủy bỏ bài nói chuyện này. Cuộc tập hợp dần dần đông thêm và biến thành cuộc mít tinh phản đối. Chính quyền đưa xe tăng đàn áp. Hằng chục người chết và bị thương. Thê thảm nhất là cái chết của 8 em học sinh trong đội thiếu nhi  Oanh Vũ gồm 2 nam 6 nữ từ 12 đến 15 tuổi.
Tình cờ trong đám đông ấy có ba bác sĩ Wulff, Kaufmann và Holterscheid. Họ được một sinh viên Y Khoa và cũng là sinh viên Phật tử - nay là bác sĩ Tôn Thất Kỳ ở Huế- hướng dẫn đến đấy ban đầu chỉ là tính chờ xem tiết mục thả đèn trên sông Hương. Bác sĩ Kaufmann là một nhà quay phim nghiệp dư. Ông cùng các đồng sự được sinh viên Tôn Thất Kỳ hướng dẩn len lỏi vào đám đông đến hiện trường đẫm máu.
Các em bé chết không toàn thây, máu tuôn đầy đất. Da thịt và óc nào văng tung tóe vào tới bên trong văn phòng của đài phát thanh. Máy quây phim Arriflex của Kaufmann thu được tất cả hình ảnh đó. Sau đó họ vào nhà xác của bệnh viện Huế để quây thêm hình ảnh các nạn nhân chết vì bị thương. Xong việc thì cũng vừa lúc bọn cảnh sát và mật vụ xuất hiện lảng vảng ở bên ngoài. Biết là sắp có chuyện phiền phức, bác sĩ Kaufmann nhanh trí tháo cuộn phim trong máy trao cho Holterscheidt cất dấu và thay vào đó một cuộn phim khác.
Họ bị cảnh sát đưa về đồn tạm giữ mấy giờ đồng hồ và tịch thu cuộn phim mà trong đó chỉ có hình ảnh sông Hương núi Ngự. Vài hôm sau, Holterscheidt lên đường sang Campuchia rồi sang La Mã mang tất cả hình ảnh trong phim bệ kiến đức giáo Hoàng đế tố cáo tội ác của chính quyền Thiên chúa giáo Ngô Đình Diệm. Ít lâu sau những tấm ảnh về cuộc thảm sát ở đài phát thanh Huế đã được phổ biến rộng rãi trên báo chí ở nhiều nước trên thế giới.
http://sachhiem.net/XAHOI/xhN/NgXnXanh.php
Giáo sư Erich Wulff cùng gia đình
và bạn bè tại Việt Nam - 2008
Trong khi đó, các bác sĩ Wulff và Kaufmann tiếp tục gắn bó với phong trào đấu tranh của đồng bào Phật giáo ở Huế, ngày càng bùng lên dữ dội, lôi kéo hầu hết sinh viên và giáo chức tham gia. Người ta thấy họ, khi thì xuất hiện trên đường phố, bên cạnh các đoàn biểu tình. Khi thì tất cả trong các trụ sở tranh đấu hoặc trong bệnh viện để cấp cứu nạn nhân bị đàn áp trong các cuộc biểu tình. Phần lớn nạn nhân là phụ nữ. Họ thường biểu tình ngồi bất bạo đông trên đường phố chứ không chịu hành động chống trả nên mỗi khi bị đàn áp họ bị đánh đập và nhiễm khói lựu đạn cay rất nặng. Nhiều người ngất xỉu rồi sau đó ngày nào cũng nổi cơn động kinh la hét và nói sảng như người điên.
Bác sĩ Wulff là chuyên viên về các bệnh tâm thần do thân thể bị tổn thương (Psychosomatique) nên đích thân điều trị các nạn nhân này. Chùa Từ Đàm dành riêng một khu vực làm trạm xá khoảng vài chục giường bệnh để hằng ngày bác sĩ Wulff đều chăm sóc các bệnh nhân. Ông còn bày cho những người biểu tình mang theo mỗi người một bao ny long làm mặt nạ, khăn ướt và chanh tươi để cấp cứu nạn nhân bị nhiễm khói độc lựu đạn cay tại chỗ. Ông kêu gọi chính phủ Mỹ, giáo hội La Mã và Liên Hiệp quốc làm mọi cách để ngăn chặn những tội ác ấy. Do những hoạt động nầy, hai bác sĩ Wulff và Kaufmann bị chính quyền Diệm trục xuất về nước.
Sau khi chế độ Diệm bị lật đổ, bác sĩ Wufll được đại học Huế mời trở lại trường Y Khoa. Ông được đồng bào và sinh viên Huế đón ở sân bay Phú bài rất nồng nhiệt. Riêng Kaufmann và Holterscheid đã mãn hạn hợp đồng, nên không trở lại.

BIẾN ĐỘNG II : PHONG TRÀO CHỒNG MỸ - THIỆU KỲ Ở HUẾ NĂM 1966, BÁC SĨ WULFF BỊ TRỤC XUẤT LẦN THỨ HAI.
Từ tháng 8 1964, Mỹ mở rộng và leo thang chiến tranh, bắt đầu ném bom miền Bắc. Chính trường Sài Gòn khủng hoảng triền miên. Phong trào đấu tranh của quần chúng chuyển sang khẩu hiệu chống Mỹ đòi hòa bình và quyền dân tộc tự quyết.
Ngày 21.01.1965 những người biểu tình ở Sài Gòn đập phá thư viện Lincoln. Ngày 23.01.65, đồng bào thanh niên sinh viên học sinh Huế đốt phá trụ sở phòng thông tin Hoa Kỳ ở đường Lý Thường Kiệt. Người Mỹ không dám ra đường, chỉ quanh quẩn trong khách sạn hoặc các căn cứ quân sự. Biểu tình, bãi khóa, đình càng bãi thị liên miên. Chính quyền Sài Gòn và các phe phái phản động cho rằng phong trào miền Trung có hơi hướng cộng sản.
Mùa hè năm ấy, tạp chí Văn Học ở Sài Gòn do Thế Uyên cầm đầu đích thân dẫn nguyên bộ sậu ban biên tập ra Huế để tìm hiểu tình hình. Thế Uyên đề nghị có một cuộc hội thảo bỏ túi giữa tạp chí Văn Học và số anh em làm báo tranh đấu ở Huế.
Lúc bấy giờ anh Hoàng Phủ Ngọc Tường là tổng thư ký của Lực Lượng giáo chức tranh đấu kiêm ủy viên báo chí của tổng hội sinh viên Huế cũng tham gia công việc biên tập của ban Báo Chí và Phát Thanh. Buổi hội thảo đã được anh Tường tổ chức tại căn nhà tranh trong khu vườn nhỏ của ba mẹ tôi ở Thành nội. Căn nhà này chỉ dành để cho hai anh em chúng tôi ở để làm việc và tiếp các luồng bạn bè lui tới, thường gọi đùa là “Tuyệt Tình Cốc”. Chủ trì buổi họp mặt là anh Tường. Người phát ngôn chính thức của phong trào tranh đấu là Trần Xuân Kim, chủ tịch tổng hội sinh viên Huế. Anh Tường còn rủ thêm một nhóm khách văn là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, họa sĩ Đinh Cường, giáo sư Đồ Long Vân, nhà thơ Ngô Kha và bác sĩ Wulff. Những người này vẫn thường đi uống cà phê và ăn bún bò ở quán bà Ba trên dốc Nam giao nên hễ có sinh hoạt gì “vui” thì cùng tham dự. Chủ đề thảo luận do phía Thế Uyên gợi ý, khá đao to búa lớn: Làm thế nào để có hòa bình?
Thế Uyên là cây bút chống Cộng, theo Quốc Dân Đảng. Chuyến đi miền Trung lần này của y không ngoài mục đích đánh hơi Cộng Sản phong trào để về Sài Gòn tung hê lên báo Văn Học. Biết rõ ý đồ của y nên Trần Xuân Kiêm phát biểu một cách thận trọng. Anh Tường ăn nói văn hoa khéo léo và nêu được yêu cầu: "Mỹ phải có trách nhiệm chấm dứt cuộc chiến." Thế Uyên thì không cần che giấu lập trường chống Cộng của mình. Y nói: “Nếu đấu tranh kiểu nào đó để đánh mất đồng minh (ý nói Mỹ và chư hầu) thì miền Nam sẽ rơi vào tay Cộng Sản. Và nếu Cộng Sản Bắc Việt vào đây thì chúng ta sẽ đi đâu? – Nước Mỹ và nước Úc thì quá xa còn Đài Loan thì ở trong tầm đại bác của hồng quân”…
Lúc bấy giờ tôi đã bí mật tham gia Cách mạng, nghe những luận điệu chống Cộng là không nhịn được. Mấy tháng trước có một đoàn nam nữ sinh viên Nhật Bản đến Huế giao lưu với sinh viên Huế tại giảng đường C của Đại Học Khoa học. Trước cử tọa sinh viên họ đặt câu hỏi: “Người Việt Nam nghĩ gì về sự hiện diện của người Mỹ?” Đám sinh viên phản động, thân chính quyền thay nhau lên diễn đàn nói nhăng nói cuội, ai cũng khó chịu nhưng không tiện bài bác. Sau cùng tôi phải lên phát biểu rằng: “Người Nhật nghĩ gì về người Mỹ khi đô đốc Perry của Mỹ mang tàu chiến và súng đồng bắn phá cảng Edo, thì ngày nay người Việt Nam chúng tôi cũng nghĩ về họ như vậy’. Hội trường im lặng đi một lúc rồi tiếng vỗ tay rần rần. Được thể tôi bồi thêm một câu “Tràng pháo tay mà các bạn vừa nghe đó chứng tỏ đây không phải là ý kiến riêng của cá nhân tôi mà là của đại đa số đồng bào tôi”.
Các bạn sinh viên Nhật được một vị đại đức phiên dịch lại đầy đủ. Thật bất ngờ là họ đang ngồi trên bàn chủ tọa bỗng đứng lên vỗ tay. Thì ra họ thuộc nhóm sinh viên cánh tả ở Nhật, chuyên biểu tình chống vũ khí hạt nhân.
Lại nói sau khi Thế Uyên phát biểu như vậy tôi liền ngắt lời, phản kích ngay. Tôi nói: “Khi một nước đưa hàng vạn quân sang chiếm đóng, trút hàng triệu tấn bom đạn lên đất nước mình thì lịch sử gọi đó là quân giặc, quân thù, quân xâm lược chứ đồng minh cái gì mà đồng minh. Vấn đề bây giờ là ai theo Mỹ thì nên làm thinh mà theo, đừng nói ra mà đồng bào chửi. Ai chống Mỹ thì cứ làm thinh mà chống, đừng nói ra mà bị nó bắt bỏ tù”.
Câu nói của tôi tuy rất khó nghe nhưng rất đúng sự thật và đủ lợi hại để khóa mấy cái miệng chống cộng. Không khí hội thảo chùng xuống, không có ai vỗ tay. Anh Tường bèn nói một câu để chửa cháy: “Phan nói hơi quá lời rồi đấy! (Lâu nay tôi vẫn thường hay quá lời như vậy nên thường bị gọi là “Việt Cộng”, thẫm chí có người còn phong  là “Trung Cộng”.) Lúc ấy bác sĩ Wulff ngồi phía đối diện nhìn tôi cười gật đầu ra vẻ tán thưởng câu nói của tôi. Bác sĩ Wulff không hiểu được tiếng Việt nên ngồi bên cạnh anh Đồ Long Vân, cử nhân văn chương Sorbonne. Có lẽ anh Vân đã dịch cho ông bằng tiếng Pháp nên ông tỏ thái độ như vậy. Cái nụ cười và cái gật đầu tán thưởng ấy đối với tôi là tín hiệu quan trọng khiến tôi và bác sĩ Wulff sẽ ngày càng gần gũi nhau hơn và đây cũng là điểm khởi đầu, đưa bác sĩ Wulff vào một bước ngoặc quan trọng khác.
Hôm sau bác sĩ Wulff gọi tôi đến và bảo :
Tối hôm qua, Phan nói một câu rất hay nhưng cũng rất nguy hiểm vì đó chính là quan điểm của Mặt Trận Giải Phóng. Coi chừng, Phan có thể bị bắt đấy.
Tôi trả lời :
-Tôi luôn luôn có cảm giác là mình sắp bị bắt. Nhưng nếu sợ thì tôi đã không tham gia tranh đấu.
Bác sĩ Wulff lại nói :
-Có hai người Mỹ mới sang để tìm hiểu về phong trào đấu tranh. Tôi  đề nghị sáng chủ nhật này Phan đến gặp họ ở nhà tôi và nói cho họ nghe đúng cái câu tối hôm qua đã nói
Tôi hỏi lại :
- Nhưng họ là ai “bồ câu” hay “diều hâu”? (Bồ câu : chủ hòa – Diều hâu : chủ chiến).
- Họ là những người  bạn tốt nhưng không thể tốt với Việt Nam hơn với nước Mỹ của họ. Vậy khi nói chuyện, nên dùng ngôn ngữ thân thiện.
Hai người Mỹ mà bác sĩ Wulff nói là bạn tốt ấy-là một người Mỹ da trắng tên là Jerry Rose, ký giả báo Saturday Evening Post (Bưu điện chiều thứ bảy), một người Mỹ gốc Phi, danh thiếp ghi tên là Oglesby giáo sư Đại học New Jersey. Qua buổi nói chuyện hôm ấy, tôi nhận ra đó là những người Mỹ có quan điểm phản chiến. Và cũng từ đó suy ra, bác sĩ Wulff cũng là người phản chiến nhưng ông không chỉ có quan điểm mà còn có hoạt động tích cực trong phong trào quốc tế này.
Mùa xuân năm 1965, tôi được tổ chức cách mạng yêu cầu chuyển đến bác sĩ Wulff một tấm thiệp chúc Tết của Mặt Trận giải phóng. Tuy nhiên tôi không trực tiếp đưa cho bác sĩ Wulff mà nhờ anh Tường làm việc này. Bác sĩ Wulff lấy làm bất ngờ và thú vị, cất kỹ tấm thiệp vào tủ và bảo rằng đây là kỷ niệm suốt đời của ông. Từ đó chúng tôi xem ông như là cơ sở cách mạng và không cần giữ bí mật với ông nữa. Thông qua hai cơ sở sinh viên Y Khoa khác là chị Phạm Thị Xuân Quế và anh Nguyễn Minh Triết, những người chưa bị địch nghi ngờ, bác sĩ Wulff đã chuyển tặng cho mặt Trận giải phóng nhiều đợt thuốc men và dụng cụ y tế dưới danh nghĩa cứu trợ nạn nhân bão lụt.
Mùa hè 1966, cuộc đấu tranh của đồng bào Phật tử ở Huế lên tới cao điểm. Thiệu Kỳ sắp sửa đưa quân ra Huế để đàn áp. Không hiểu bác sĩ được tin tức từ đâu mà tìm tôi đến bảo: “Chúng nó sẽ bắt một số người trong đó có Tường và Phan. Vậy từ hôm nay các anh đừng về nhà nữa. Hãy ở bên trong chùa. Tôi đã viết sẵn một cái thư đây, anh cứ đưa cho Thượng Tọa Trí Quang, hy vọng sẽ được an toàn hơn”. Trong thư, bác sĩ Wulff nói rằng hai anh em chúng tôi là người “quốc gia”, mong Thượng Tọa tìm cách che chở đừng để họ bị bắt.
Lá thư ấy tôi nhờ bạn tôi là anh Tôn Thất Kỳ chuyển lại cho thầy Trí Quang nhưng chúng tôi không vào chùa mà thoát ly ra vùng giải phóng theo một đường dây nóng đã chuẩn bị sẵn.
Trước khi chia tay bác sĩ Wulff nhờ tôi chuyển ra vùng giải phóng một hộp dụng cụ giải phẩu. Tôi không tiện mang theo bèn nhờ giao liên chuyển ra theo một đường dây khác. Khi chúng tôi đã ra vùng giải phóng an toàn rồi thì được tin cô giao liên mang đồ giải phẩu đã bị địch bắt ở trạm gác trên đường đi ngang căn cứ sân bay Phú Bài. Nguyên cô giao liên ngụy trang dụng cụ giải phẫu trong những hộp đèn cầy lớn nhỏ. Khi đi qua trạm xét hổn hợp Việt – Mỹ, tên cảnh sát ngụy thấy đèn cầy cho là chuyện thường nên bỏ qua. Đến phiên tên quân cảnh Mỹ, không biết đó là hộp đèn cầy, chỉ sợ trong hộp có chất nổ C4 nên bắt mở hộp ra. Thấy không phải chất nổ mà chỉ là dao kéo y tế, tên Mỹ gật đầu cho đi. Nhưng lần này tên cảnh sát ngụy đã nhận ra đây là một sự nghi trang rất không bình thường nên cô giao liên bị bắt lại. Thật là oái oăm!
Do trên các dụng cụ điều có in mác Made in Germany (sản xuất ở Đức), chính quyền Huế hợp báo đưa bộ dụng cụ y tế ra kết tội bác sĩ Wulff tiếp tế cho Việt Cọng. Sau vụ đó, bác sĩ Wulff bị trục suất về nước lần thứ hai. Nhưng bác sĩ Wulff không về nước mà đến thẳng Stockholm (Thụy Điển) để kịp tham dự phiên Tòa án Quốc tế Bertrand Russell về tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Ông đã ra trước Tòa làm nhân chứng buộc tội. với đầy đủ tài liệu, hình ảnh rất thuyết phục và xúc động. Biên bản của phiên tòa do chủ tịch chấp hành là Jean Paul Sartre ký tên đã nhấn mạnh về sự làm chứng quan trọng của một công dân Đức là Thạc sĩ Erich
Wulff, mới đến từ Việt Nam. Với tư cách là Chủ tịch hội Hữu Nghị Đức – Việt và Chủ tịch Phong trào chống đế quốc của CHLB Đức, Erich Wulff đã hoạt động không mệt mỏi để ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ông đã hai lần được mời đến Hà Nội trong thời kỳ các chiến tranh với tư cách là người bạn chiến đấu của nhân dân Việt Nam và là khách quý của thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Khó có thể biết hết, kể hết những gì bác sĩ Erich Wulff đã làm để ủng hộ tinh thần và vật chất cho nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Thế nhưng một biến cố bất ngờ và nghiêm trọng xảy đến đã để lại cho trường Đại Học Y Khoa Huế và cho riêng bác sĩ Wulff những nỗi đau thương mất mát không gì có thể bù đắp được. Đó là cái chết của các bác sĩ người Đức trong Tết Mậu Thân.

BIẾN ĐỘNG III : CÁI CHẾT CỦA CÁC GIÁO SƯ ĐỨC Ở ĐẠI HỌC Y KHOA HUẾ TRONG TẾT MẬU THÂN.
Sau hai mươi lăm ngày đêm làm chủ thành phố Huế, quân giải phóng rút lui theo nhiều hướng khác nhau. Các đơn vị Mỹ ngụy tiến vào thu dọn chiến trường. Họ được đồng bào thông báo rằng ở phía sau chùa Từ Hiếu có xác chết của bốn người Mỹ. Nhưng sau khi xác minh thì nạn nhân chính là những người Đức ở trường Đại Học Y Khoa bao gồm : Ông và bà Krainick, bác sĩ DISCHER và bác sĩ Alter Koster.
Lợi dụng sự xúc động của sinh viên y khoa, chính quyền Huế và các phe phái chống Cộng tổ chức lễ tang của các nạn nhân rất trọng thể và biến lễ tang thành một cơ hội để “tố cáo tội ác của Việt Cọng”. Đây là bài bản tuyên truyền khá hiệu quả để phản kích lại phía cách mạng một số sinh viên Y Khoa thuộc nhóm cực hữu có truyền thống chống Cọng và chống đối phong trào đấu tranh của đồng bào Phật tử Huế trước nay không để lở cơ hội nêu tên hai anh em Hoàng Phủ Ngọc Tường và Hoàng Phủ Ngọc Phan như những tên đố tể khát máu – Đặc biệt Phan là sinh viên Y Khoa nên còn bị chúng gán thêm tội giết thầy.
Tôi biết được những điều này nhờ theo dõi đài phát thanh Huế và Sài Gòn trong khi đang trên đường hành quân về căn cứ. Rất bàng hoàng đau xót về cái chết của các thầy và cũng rất bức xúc vì nhất thời không thể thanh minh được cho mình. Nhưng lại tự an ủi : nỗi oan của mình đã thấm vào đâu so với nỗi đau của những người đã mất và thân nhân của họ.
Về đến căn cứ, tôi liền đến gặp hai nhân vật có trách nhiệm để tìm hiểu sự thực về cái chết của các vị giáo sư. Đó là ông Trần Anh Liên, bí danh là Văn – bí thư thành ủy và ông Hoàng Kim Loan, thành ủy viên phụ trách công tác vận động trí thức nội thành. Cũng như tôi, cả hai ông cũng chỉ được biết những thông tin này qua các đài phát thanh của chính quyền Huế và Sài Gòn.
Ngay sau khi biết chuyện này, Thành ủy đã cho điều tra thì được địa phương báo cáo như sau :
Hôm ấy một đơn vị của ta sau khi đánh chiếm được căn cứ thám báo của địch ở lầu Girard thì bắt được nhóm người Đức trong đó. Do ngôn ngữ bất đồng, tưởng họ là người Mỹ nên các đồng chí bộ đội cử một tổ áp giải họ về căn cứ để giao cho cấp trên. Nhưng dọc đường họ dừng lại phản đối không chịu đi. Trong nhóm đó có một phụ nữ phản ứng rất dữ dội. Các đồng chí áp giải trao cho bà những tờ truyền đơn binh vận bằng tiếng Anh thì bà xé nát rồi ném đi. Lúc ấy lại có máy bay trực thăng Mỹ xuất hiện. Bà liền có những cử chỉ ra hiệu cho máy bay đến cứu. Sau đó có tiếng súng dưới đất bắn lên, trên máy bay bắn xuống. Không biết những người Đức đã chết vì đạn dưới đất hay đạn trên máy bay.
Ông Hoàng Kim Loan nói thêm :
- Thành ủy hiểu rất rõ về các giáo sư Đức ở trường Y Khoa kể từ thời Phật giáo đấu tranh năm 1963. Chính chúng tôi đã đề nghị các anh gửi thiệp chúc Tết với bác sĩ Wulff. Ngay cả tù binh Mỹ ngụy, mình còn cấm không được ngược đãi, sát hại. Nếu phải giết họ thì đó là do hiểu lầm và gặp hoàn cảnh không còn chọn lựa nào khác.
Tôi lại hỏi :
 -Như vậy mình có thể công bố đầu đuôi câu chuyện này lên đài để giải tỏa một phần áp lực của dư luận, dẫu sau cũng hơn là để địch nó tha hồ xuyên tạc?
Ông Trân Anh Liên lắc đầu ;
- Thật ra mình cũng không chắc báo cáo ở địa phương gửi lên chính xác đến đâu. Dẫu sau báo cáo cũng chỉ là một văn bản nội bộ. Muốn điều tra cụ thể thì phải gặp các đồng chí áp giải ngày đó. Nhưng tình hình chiến trường biến động như thế này, bộ đội được điều đi nay đây mai đó, thậm chí họ đã hy sinh trong sớm chiều cũng nên. Lúc này ta cũng còn nhiều việc khẩn trương. Vả lại đồng bào đồng chí của ta cũng có những đau thương mất mát rất lớn. Nếu không cân nhắc mà hành xử cách nào đó cũng là sai đạo lý và mất quan điểm.
Ông Hoàng Kim Loan dường như thông cảm nỗi bức xúc của tôi trong vụ này. Ông nói:
- Xưa nay thằng địch nó xuyên tạc vu khống cách mạng đủ thứ chuyện. Chẳng hạng nó nói cộng sản là chung vợ chung chồng, Việt Cộng là ốm đói, mười người đu không gây một cọng lá đu đủ… Trong suốt chiến dịch Mậu Thân, anh Tường thì ở trên căn cứ không về thành phố. Còn anh Phan thì ở chung một chỗ với tôi. Các anh có hề giết một nguời nào đâu. Thế nhưng địch nó vẫn tuyên truyền rằng Tường – Phan là hai tên đao phủ. Giả sử bây giờ cho anh lên đài để thanh minh, anh nghĩ là chúng sẽ im cái miệng được sao?
(Điều này thì ông Loan nói rất đúng. Hơn 30 năm nay, bà con bạn bè trong và ngoài nước điều đã có điều kiện tiếp cận với sự thật, không còn ai cho rằng anh em Tường - Phan là kẻ giết người. Thế nhưng lúc này đây là đã 40 năm sau, Tết Mậu Thân mà mở trang web của một số phần tử chống Cọng ở hải ngoại vẫn thấy họ cho tôi cái mác “đao phủ giết người”. Rõ ràng họ không có bài bản tuyên truyền nào thuyết phục hơn ngoài những cái miệng ăn gian nói dối).
Tôi biết rằng về cái chết của các giáo sư Đức, tôi chỉ có khả năng tìm hiểu đến đó.

SAU NGÀY GIẢI PHÓNG
Sau ngày giải phóng, lần đầu trở về Huế tôi có tìm đến khu vực phía sau chùa Từ Hiếu, chỗ mà các giáo sư  Đức bị chết. Chính xác là chỗ nào thì cũng không ai biết. Một số bạn cũ của tôi ở trường Y Khoa, nay đã là bác sĩ đang công tác ở Huế cũng không biết gì nhiều. Vào thời điểm Mậu Thân họ điều đã tốt nghiệp và được đi công tác ở các tỉnh. Tôi có hỏi thăm một vài người lớn tuổi ở quanh đó. Có người nói dạo ấy họ núp dưới hầm. Có nghe tiếng máy bay, tiếng súng dưới đất bắn lên nhưng không ai dám ra khỏi nhà nên không biết điều gì đã xảy ra.
Năm 1978, lần đầu tiên sau ngày đất nước Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, bác sĩ Wulff trở lại Việt Nam. Tôi và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc ấy đang ở Thành Phố Hồ Chí Minh và được mời đến gặp bác sĩ Wulff ở phòng khách nhà Hữu Nghị trên đường Lê Duẫn. Wulff mừng rỡ ôm lấy chúng tôi mà rưng rưng nước mắt. Khi bác sĩ Wulff hỏi đến chuyện cái chết của giáo sư Đức, tôi kể cho ông nghe tất cả những gì tôi đã được biết như trên.
Bác sĩ Wulff nghe tôi kể đến chỗ bà Krainick phản ứng dữ dội với quân giải phóng thì ông gật đầu nói: “Đó là tính cách của bà Krainick. Bà ấy tánh tình rất nóng nảy, cứng cáp”. Rồi ông ngậm ngùi nói thêm: “Trong số bốn người bị chết thì Alter Koster là bạn thân của tôi. Anh ta là người tiến bộ trong phong trào phản chiến ở Đức. Khi anh ta qua Việt Nam, tôi đã gửi gắm anh ta thay tôi tiếp tục làm những điều mà trước đây tôi đã làm để ủng hộ Mặt Trận Giải Phóng. Thế mà…”.
Với bác sĩ Wulff, tôi thấy không cần phải thanh minh nhiều. Tự ông có thể phán đoán sự thật. Từ năm 1968, bác sĩ Wulff có tâm sự uẩn. Ông đóng cửa trong nhà, không còn hăng hái hoạt động như trước nữa. Ông phàn nàn rằng một số sinh viên Y Khoa Huế tu nghiệp ở Đức thường tổ chức lễ giổ các vị giáo sư đã chết ở Huế. Họ không mời Wulff đến dự vì cho rằng ông thân Cọng. Tôi an ủi ông:
- Họ tổ chức lễ giổ đó chưa chắc vì tình nghĩa thầy trò. Chủ yếu là để tuyên truyền chống Cọng thôi. Nếu vì đạo nghĩa, sao giặc Mỹ tàn sát biết bao đồng bào vô tội, không hề thấy họ lên tiếng? Chẳng lẽ họ tin rằng máy bay Mỹ ném hàng triệu tấn bom xuống Việt Nam, chỉ toàn trúng vào đầu  những người Cọng Sản?
Bác sĩ Wulff gật đầu cười xòa. Trông ông vẫn còn trẻ và khỏe mạnh nhưng tôi có cảm tưởng đã gặp một bác sĩ Wulff khác – buồn rầu và mệt mỏi hơn xưa nhiều. Từ đó, tôi không được gặp lại ông nữa. Tuy vậy chúng tôi vẫn giữ liên lạc bằng thư từ.
Năm 1994 đến lược bác sĩ Kaufmann đến Thành Phố Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu tiên ông trở lại Việt Nam từ sau khi bị trục xuất dưới thời Ngô Đình Diệm năm 1963. Sau khi chế độ Diệm bị lật đổ, ông và Holterscheidt không trở lại trường Y Khoa Huế nữa. Lần nàybác sĩ Kauffman đi cùng một người bạn gái và một tổ làm phim hai nam, một nữ. Theo những chỉ dẫn của bác sĩ Wulff ông liên lạc với tôi khá dễ dàng. Chúng tôi gặp nhau ở khách sạn River Side. Ông cho biết lần này ông sang Việt Nam để du lịch và để xem đất nước Việt Nam thời hòa bình đổi mới. Ngoài ra tổ làm phim của ông sẽ thực hiện một cuốn phim ngắn để ghi lại kỷ niệm ở Huế. Ông đưa tôi xem kịch bản thấy phần lớn hình ảnh dều quay ở Huế : trường Y Khoa, bệnh viện, cư xá giáo sư Đại Học…Đặc biệt có hai cảnh quay trong kịch bản khiến tôi phải chú ý. Một là địa điểm ở sau chùa Từ Hiếu, nơi tìm thấy xác các vị giáo sư Đức. Hai là quay phỏng vấn trực tiếp tôi nói về cái chết của các vị ấy. Tôi đoán rằng đây mới là chủ đề của cuốn phim. Thì ra đã hơn hai mươi năm qua cái chết của các giáo sư Đức vẫn còn là một dấu hỏi và một dấu than rất đậm. Vài năm trước đã có hai người con của bác sĩ Discher đến Huế, trong đó có con gái của bác sĩ Krainick đến thực tập ở Khoa Nhi của bệnh viện Huế, ngoài ra những người còn lại chủ yếu là đi du lịch. Họ cũng mong được biết sự thật về cái chết những người thân của họ.
Lúc bấy giờ nước ta đã có những chính sách đã đổi mới mở của và thông thoáng. Năm 1994 lại là năm du lịch nên mọi yêu cầu của tổ làm phim nói trên điều đã được thực hiện thuận lợi. Tôi mời họ về nhà riêng của tôi ở Thủ Đức để thực hiện phỏng vấn. Đại khái cũng là những gì tôi đã nói với bác sĩ Wulff. Nhưng đã lên phim tất phải có ít nhiều tác động trước công luận nên tôi nhấn mạnh thêm mấy ý quan trọng :
☞ - Một là trong chiến dịch xuân Mậu Thân, tôi chỉ hoạt động trong khu vực Thành nội Huế nên không hiểu được những gì đã xảy ra ở bên kia sông.
☞ - Hai là dù phía quân giải phóng hay máy bay Mỹ đã gây ra cái chết của các vị giáo sư thì chắc chắn điều là sự nhầm lẫn ngoài ý muốn và bất kỳ một cuộc chiến tranh nào cũng khó có thể tránh được những tai nạn như thế.
☞ - Ba là tôi chỉ phát biểu với tư cách cá nhân và trong quan hệ tình cảm thầy trò chứ không nhằm phục vụ một yêu cầu chính trị nào cả.
Đây là cơ hội tốt nhất để bản thân tôi có thể công khai và chính thức lên tiếng thanh minh ngõ hầu trả lại sự công bằng cho mình và danh dự của gia đình mình. Cả bác sĩ Wulff và Kaufmann khi làm cuốn phim này chắc là cũng có cùng tâm trạng bức xúc như thế. Bác sĩ Kaufmann tỏ ý muốn được gặp lại các học trò cũ của ông hiện đang sống ở Thành Phố Hồ Chí Minh. Buổi hợp mặt diễn ra trông không khí nhẹ nhàng thân ái tại khách sạn Kinh Đô với sự hiện diện của các bác sĩ Trần Viết Phồn (trưởng tràng), Nguyễn Minh Triết, Hoàng Đại May, Vĩnh Thuế, Tạ Tích…, Bửu Hàm. Bác sĩ Kaufmann tỏ vẻ vui mừng khi thấy chúng tôi sống ổn định, thoải mái nhiều người thành đạt.
Nhân dịp này bác sĩ Kaufmann cho biết là bác sĩ Wulff đã lập gia đình và có một bé gái bốn tuổi. Ông kết hôn với một người phụ nữ gốc Do Thái trẻ hơn ông nhiều. Trong ảnh, thấy mái tóc của ông nay đã bạc hết và nụ cười cũng hiền hậu như thuở nào. Hồi xưa ở Huế, có lần đến nhà bác sĩ Wulff, tôi bắt gặp trên giá sách của ông có quyển : Larésistance allemande contre Hitler (Cuộc chiến đấu của người  Đức chống lại Hitler)
 Cả thế giới đều biết tội ác của Hitler đối với dân Do Thái. Nay bác sĩ Wulff kết hôn với một phụ nữ Do Thái, hẵn ông cố ý làm một việc gì đó để góp phần xóa bỏ thành kiến về một nước Đức phát xít. Đôi khi tôi cũng tự hỏi : Phải chăng bác sĩ Wulff là một người Cộng Sản? Không! Mặc dầu ông đã làm rất nhiều để ủng hộ cuộc chiến đấu của những người Cọng Sản Việt Nam khiến phía kẻ thù rất khó chịu nhưng ông không phải là Cọng Sản. Và trên thế giới, những người sống theo cách của ông không phải là ít, ngay cả ở Việt Nam cũng vậy. Sau buổi hợp mặt ở khách sạn Kinh Đô, bác sĩ Kaufmann lên đường về nước thực hiện nốt những phần còn lại trong kịch bản phim.
 Gần hai năm sau đó, tôi nhận được thư của một người đệ tử trong đoàn làm phim kèm với thiệp tang báo tin Bác sĩ Kaufmann đã qua đời vì bệnh ung thư não. Còn bác sĩ Wulff sức khỏe cũng rất suy yếu. Ông đã thay đổi chổ ở và từ lâu không còn giữ liên lạc với chúng tôi nữa.
Mãi đến tháng 5 năm 2008, bác sĩ Wulff mới trở lại Việt Nam một lần nữa với tư cách là khách mời của Đại lễ VESAK LHQ. Đây cũng là một mối nhân duyên của nhà Phật. Nguyên trong vụ thảm sát ở đài phát thanh Huế năm 1963, bác sĩ Wulff giúp một nhà sư trẻ thoát ra được vòng vây của bọn lính đàn áp. Lúc ấy ông không biết và cũng không chú ý mấy đến vị tu sĩ nầy. Nhưng 45 năm sau, nhà sư trẻ nầy trở thành một học giả, cao tăng –chính là Thiền sư Tiến sĩ Lê Mạnh Thát, người giữ trọng trách trong ban tổ chức Đại lễ VESAK. Thiền sư Lê Mạnh Thát đã mời Bác sĩ Wulff về dự đại lễ.
Cùng đi với bác sĩ Wulff còn có những người thân trong gia đình gồm vợ và 3 người con, hai trai một gái. Mùa Phật đản năm nay cả gia đình bác sĩ Wulff thanh thản dạo chơi bên bờ sông Hương, ngắm 7 bông Sen rực rỡ trong đêm hội tưng bừng. Tại thành phố Hồ Chí Minh, ông và gia đình cũng đã vui vẻ họp mặt với một số cựu sinh viên Y khoa Huế và cựu sinh viên Việt Nam trong phong trào phản chiến chống Mỹ tại Đức. Ông xúc động phát biểu: “Tôi nghĩ chắc chắn đây là cơ hội cuối cùng với tuổi 81 già yếu của tôi. Ngoài ra cũng có một chút duyên nào đó mà với chuyến đi nầy, vòng tròn dấn thân của tôi cho Việt nam –bắt đầu vào lễ Phật đản 8-5-1963-đã được đóng lại
Gần hai năm sau chúng tôi nhận được tin buồn: Bác sĩ Wulff đã qua đời tại Paris vào ngày 31 tháng 10 năm 2010 hưởng thọ 83 tuổi. Phật tử Huế đã tổ chức lễ cầu siêu cho ông tại chùa Từ Đàm.Phật tử Việt Nam cũng đã tổ chức lễ cầu siêu cho ông tại chùa Khuông Việt (Orsay). Và như thế cuối cùng , vong linh ông cũng có phần được an ủi. (SH: mời xem http://old.thuvienhoasen.org/tuongniem-bacsi-erich-wulff.htm)
Là sinh viên Y Khoa, tôi chưa hề có gì không nên không phải với các giáo sư cùa mình. Nhưng là công dân Việt Nam, tôi luôn còn cảm thấy thiếu nợ các vị ấy một lời cảm ơn và một lời xin lỗi. Hiển nhiên chỉ là cá nhân tôi thì không đủ tư cách để thay mặt cho đồng môn và đồng bào của mình để nói những lời ấy.
Mấy năm gần đây nhà nước đã tổ chức rất nhiều thứ lễ hội, ồn ào tốn kém mà phần lớn không có nội dung gì đặc sắc. Giá như trên đất nước này có được một cái lễ hội tầm cỡ quốc tế để họp mặt những vị ân nhân, những người bạn chiến đấu đã từng sát cánh với nhân dân Việt Nam trong thời kỳ chống Mỹ ở nhiều nơi trên thế giới, tôi sẽ gọi tên đó là Ngày hội của lương tâm nhân loại. Nhiều người trong số ấy nay đã qua đời nhưng thân nhân của họ cũng đủ tư cách tham dự để được nghe nhân dân Việt Nam nói lên một lời cảm ơn. Cũng trong dịp này, những gì còn vướng mắc – như cái chết của các giáo sư Đức chẳng hạn – cũng có thể được giải tỏa Thân nhân của họ chắc sẽ cảm thấy được an ủi và không đòi hỏi gì hơn. Một ngày hội như thế đáng lẽ phải có từ lâu và nay thì đã quá muộn nên chắc là sẽ không bao giờ có.
 Vậy thì nay tôi lại một lần nữa xin được làm một người học trò Y Khoa Huế,  thành kính thắp một nén hương lòng gọi là tưởng nhớ đến các vị ân sư. Đó là cách mà tôi có thể làm để thay cho một lời cảm ơn và một lời xin lỗi xuất phát từ đáy lòng này.
______________
(Tít bài blog: TC)

Xem thêm: Đi nhận xác Thầy

Tìm kiếm Blog này