Giữa thời bình, chưa biết cái giá của mùi thuốc súng nhưng người ta thích chém gió, thích dùng thuật ngũ quân sự đao to búa lớn. Họ có biết phía sau ngày 27/7 là ký ức đau thương, kinh khủng, không bao giờ quên của người lính ở chiến trường K.
Có khi hành quân truy quét, trong lúc đánh nhau hay bị mìn, có đồng đội hy sinh. Để lại lấp dọc đường thì sợ sau này không tìm lại nơi chôn tạm. Cho nên phân đội thay nhau võng xác chết đi cùng. Qua bụi rậm, leo đồi vượt suối, tuột lên tuột xuống. Xác chết phân huỷ dần, đụng vào võng, giòi bọ rơi lã chả. Mùi hôi thúi bốc lên kinh khủng, nôn thốc nôn tháo. Ngày này qua ngày khác theo bước hành quân...
Có trường hợp phải buột dây vào chân tử sĩ mà lôi ra nơi an toàn vì sợ địch gài mìn bên dưới. Không bỏ nhau dù sống hay chết nên có có khi kéo theo thương vong tiếp, cái giá phải trả vô cùng đắc. Cõng gạo, dận dược lên tuyến trước thì võng thương binh, tử sĩ về tuyến sau...
Về đến đơn vị, bới bát cơm, thắp cây nhang, lẩm rẩm khấn: mày sống khôn thác thiêng... Để xác chết xa chỗ ngủ, cho đỡ bớt mùi khẳm thúi. Cắt người canh gác để chó sói không vào ăn thịt thi thể. Ngồi một mình bên cạnh đồng đôi thân yêu ngày nào mà lạnh xương sống, nuôi hy vọng: lỡ mình có bị cũng được anh em đối xử như vậy...
Có trường hợp phải chôn tạm tại chỗ ở nghĩa trang đơn vị, có trường đưa xác về đất mẹ. Người sống cần đi công tác hay về nước phải quá giang người chết. Người sống và người chết cùng một chuyến xe. Trệu trạo nuốt miếng cơm đỡ đói, bịt mũi ngồi vật vạ trông mau đến chỗ...
Cái chết, đeo đuổi tới cùng. Về làm dân, bỏ lại súng đạn sau lưng nhưng chiến tranh vẫn còn hiện hữu trong giấc ngủ. Súng nổ, trúng mìn, đồng đội chết. Tỉnh giấc, mồ hôi đầm đìa. Sờ tay chân nguyên vẹn, mừng quá, hoá ra mình còn sống. Lại nhớ thằng nọ, thằng kia...