Tim thông tin blog này:

Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

Khi quan chức ngày càng mê tín

(Petrotimes) - Chưa có kết luận chính xác nào cho rằng những người tin vào thánh thần, tin vào truyền thuyết, huyền thoại để cầu cúng, lễ bái là có trình độ dân trí thấp, cần phải giáo dục. Nhiều tín đồ có trình độ học vấn cao, họ vẫn “siêu mê tín” vào đấng thần linh có thể cứu rỗi họ. Nhiều vị tổng thống có tiếng trên thế giới, khi nhậm chức còn ngửa tay lên trời cầu nguyện Thượng đế ban phước lành.
Minh Vũ (NLM số 211)
Cuộc sống ngày càng khó khăn và nhộn nhạo thì con người càng dễ tìm về cội nguồn, hướng về một tôn giáo hay tín ngưỡng nào đó để họ có niềm tin trong cuộc sống. Có một điều rất quen thuộc là, cho dù sự thành công là kết quả của lỗ lực bản thân nhưng người ta vẫn không quên nói rằng đó là do “có quý nhân phù hộ” hay “Trời Phật có mắt”.
Và quan chức ở ta cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Thậm chí họ mê tín hơn hẳn những người chắc có chức vụ bởi càng có chức vụ lớn thì họ càng cần phải có một chỗ dựa tinh thần vững chắc để tiếp tục đấu tranh trong công việc, cọ sát cùng môi trường làm việc cạnh tranh khốc liệt. Đôi lúc, nó còn là “ô dù” lớn nhất che đỡ cho thành công chốn quan trường.
Xin khẳng định ngay, chẳng có “ông quan” nào bỏ cả nửa tỉ đồng tiền túi ra đúc tượng, dù ông ta có là chức vụ cao thì vẫn chỉ là công chức ăn lương theo ngạch bậc. Chẳng có “ông quan” nào sắm mâm lễ bằng tiền xây một cái trạm xá khi ông ta ở nhà cấp 4, đi xe máy đi làm.

Tình trạng tranh cướp ấn ở đền Trần ngày càng trầm trọng (ảnh: Văn Dũng)
Quan chức lễ to đương nhiên phải có tiền, thậm chí rất nhiều tiền. Nhiều tiền hơn cả triệu lần những khoản thu nhập chính đáng có thể tính ra được cho họ. Và lẽ đời, “lộc bất tận hưởng” để yên tâm duy trì đường quan lộc, họ phải xả lễ để tạ ơn và duy trì quan lộc ấy. Điều đó có lẽ làm họ yên lòng và đỡ áy náy hơn.
Chính vì thế, chuyện quan chức đổ tiền sắm lễ “khủng”, cuồng tín một cách hồ đồ không còn là chuyện quá hiếm ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Hình thức “đút lót” thần linh thôi thì đủ cả. Và, trong những hành vi cuồng tín ấy, dễ nhìn thấy nhất phải kể đến chuyện quan chức đốt vàng mã.
Chắc nhiều người vẫn chưa quên chuyện trong mùa Vu Lan năm ngoái, có vị đại gia trong ngành xây dựng đã xác lập “kỷ lục” đốt vàng mã với việc bỏ ra hơn 400 triệu đồng làm lễ.
Để thực hiện được buổi cúng Vu Lan kỷ lục, vị này đánh hẳn một xe chở đội quân làm ngựa giấy, người giấy từ làng Đông Hồ về nhà mình, rồi đêm ngủ ngày thức trong 2 tháng liền đóng khung, bọc giấy vẽ hình người - ngựa cho thật đẹp. Trong số 1.000 người - ngựa giấy có 250 người - ngựa cỡ nhỏ, 250 cỡ vừa, 250 cỡ lớn và 250 người - ngựa lớn như thật. Vị này phải dựng nguyên một căn lều lớn, rộng hàng trăm mét vuông để chứa những người - ngựa lớn như thật.
Trong đêm cúng Vu Lan, đại gia T mới cho mấy xe tải chở thuyền rồng, đĩnh vàng, ngai bạc, voi chiến… trong đó có một xe tải, chở khoảng… chục tỉ đôla, toàn là hàng mã đến. Trước lễ cúng vài ngày, đại gia T đã cho người dựng một sân khấu hoành tráng. Trên sân khấu này, vào ngày lễ sẽ diễn ra một buổi hầu đồng, cúng bái, cầu khấn, gồm rất nhiều tiết mục, thể loại. Sau hàng loạt tiết mục lễ bái, sẽ là cuộc đốt 1.000 người - ngựa.
Đúng giờ Tý, ngọn lửa xuất hiện ở ven sông Hồng. Đứng trên đê vẫn nhìn rõ ngọn lửa cháy đùng đùng vượt qua cả những ruộng ổi, rặng tre, vườn chuối. 1.000 ngựa - người, cả núi hàng mã, cùng hàng chục tỉ đôla hàng mã đã bị ngọn lửa thiêu rụi.
Tấm lòng và sự nhiệt tâm với thần linh của vị này quả khó bì!
Mặc dù Chính phủ đã có lệnh cấm nghiêm ngặt nhưng xe công, xe biển xanh vẫn tràn ngập lễ hội đền Trần, chùa Yên Tử mỗi dịp đầu năm.
Mặc dù kinh tế suy thoái nhưng sổ công đức trong các đình chùa vẫn ghi kín hết trang này đến trang khác của nhiều quan chức to nhỏ.
Thế nhưng, tạm bỏ qua những chiếc xe biển xanh, tạm bỏ qua số tiền nhiều ít công đức thì việc thành kính ấy đương nhiên chẳng có gì đáng trách. Có một số người nhìn vào lễ hội tôn giáo và cho rằng: Nếu cầu nguyện thánh thần mà được ngay thì ai cũng cầu nguyện. Đây là một câu nói dư thừa đến mức khó chấp nhận, vì thực tế không có tôn giáo nào dạy tín đồ chỉ cầu nguyện mà không làm gì hết. Không ít người đang giàu có, sung túc, thành đạt bằng chính bàn tay lao động chân chính của mình, nhưng họ vẫn tin vào thế lực siêu nhiên.
Nhưng, khi “quan lộ” của các “quan” ở xứ ta vẫn chưa hoàn toàn dựa trên khả năng cá nhân mà vẫn có việc tiến thân nhờ quan hệ, chạy chọt thì niềm tin thái quá vào thế lực siêu nhiên vẫn còn có đất bám rễ. Khi những kẻ “khả năng có hạn, thủ đoạn vô biên” vẫn được đề bạt vào những ghế quan trọng, trong khi những người có thực tài thì vẫn im lặng “ngồi chơi, xơi nước” thì chuyện cầu cúng, lễ lạt càng trở thành một cây cầu quan trọng để đi tới công danh.
Và vấn nạn đó chỉ thuyên giảm hoặc tiệt nọc khi sự minh bạch, trong sạch, liêm khiết trong quản lý xã hội càng cao và tư quy đề bạt cán cán ta trở về căn cốt nguyên thủy của nó: có tài, có đức mới được làm quan!
M.V
*****

Tìm kiếm Blog này