Tuy chưa có thống kê cụ thể, nhưng có lẽ mật độ quán cà phê ở thành phố Kontum thuộc vào loại cao so với các tỉnh thành khác trong khu vực Tây Nguyên, nếu đem so sánh với tỷ lệ dân số. Và việc thưởng thức cà phê ngày nay đang dần dần được nâng lên thành nét “văn hóa cà phê”, chứ không chỉ đơn giản là “uống” thứ thức uống mà nhiều người yêu thích. Nhiều khách du lịch khi đến với thành phố Kontum đã rất đỗi ngạc nhiên: “Đi đâu cũng gặp quán cà phê!”. Và người dân Kontum đã yêu chuộng thứ thức uống này, họ thường có mặt đông đảo tại các quán cà phê, nhất là những ngày cuối tuần hay những dịp nghỉ lễ.
Có khi nào ngồi nhâm nhi bên ly cà phê đậm đà hương vị, bạn tự hỏi: thứ nước uống độc đáo này có tự bao giờ trên đất Kontum? Câu trả lời sẽ rất thú vị: Cây cà phê đầu tiên là cây cà phê sẻ đã có mặt trên Kontum trong khuôn viên của một nhà thờ, cùng thời gian với thời gian cây cà phê đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam; và hột cà phê hồi ấy được rang nấu uống…mà không có đường, với mục đích…ngăn ngừa bệnh sốt rét!…
Mời quý vị đọc bài viết sau đây, in trong Tạp chí “Chức dịch thơ tín” của Địa phận Kontum, số 30, tháng 10/1935, trang 355-357. Tác giả bài viết là Linh mục Phaolô Lê Đình Ban gốc Bình Định, lên Kontum năm 1914 ở tại Rơhai (nhà thờ Tân Hương ngày nay). Còn Cha Phêrô Nguyên đề cập trong bài, quê ngài ở Đồng Quả, Bồng Sơn, tỉnh Bình Định, thụ phong linh mục năm 1864, lên Kontum ở Rơhai năm 1867, phụ trách Dak Kấm và lập làng Dak Kiă; chính xứ Rơhai 1877-1891; qua đời tại Rơhai năm 1891.
Minh Sơn giới thiệu:(Leminhson’s Blog)
GỐC TÍCH CÂY CAFÉ SẺ (arabica) KONTUM
Cây café sẻ tiếng tây kêu là moka hay là arabica, là thứ nhỏ hột và nhỏ lá. Chư vị có biết gốc tích tại sao mà cây café sẻ có tại xứ Kontum, ai đã đem lên mà trồng trước hết ở xứ này? Tôi xin thuật lại lời thầy Hộ, xưa là một chú giúp cha Do, đã theo người từ khi mở đạo xứ Kontum, thầy sống lâu, mới qua đời ít năm nay mà thôi.
Thầy kể rằng: bây giờ xứ Kontum có nhiều café và là thứ café có tiếng, là nhờ cha Nguyên đã đem lên mà trồng tại Rơhai trước hết. Cha Nguyên là một cha Annam, đã lên xứ mọi kế cha Do, người là học trò Pi-năng. Khi người còn học ở Pi-năng, người thấy cha giữ việc nhà trường, hễ thấy học trò nào hay đau rét, thì biểu đầu bếp làm café cho uống mỗi bữa sáng. Phần người cũng đã nhờ nhiều khi, mà người thấy trong mình, hễ có uống café thì hết rét và cách phấn chấn trong mình; nên người chíp trong bụng, sau về thì sẽ kiếm hột về trồng thử trong xứ mình. Vậy khi người học mãn trường mà sửa về, thì tới cha giữ việc, xin một mớ café hột: người lựa chọn lấy hột tốt, phơi phong khô ráo, rồi gói kỹ bỏ vào rương đem về.
Khi người về tới Annam, thì Đức Cha chỉ người lên mọi, vì người cũng là người xứ Đồng Quả, một quê với cha Do, nên Đức Cha định như vậy, theo lòng cha Do ước ao. Khi tới Rơhai, cha Nguyên sắp soạn đồ đạc, người đem ra một gói hạt gì, các chú không hiểu, xúm lại coi và hỏi người hột gì lạ vậy. Người trả lời đó là hột thuốc, cha đã kiếm ở Pi-năng đem về. Nó trị bịnh rét, người Annam ở xứ này hay rét, nên nếu như nó chịu đất, thì sau ta sẽ nhờ lắm, cha sẽ trồng thử. Nói đoạn, người bảo hai chú lớn đi với người, xách cuốc ra phía sau vườn. Người biểu dọn một chỗ đất im, mát, bỏ phân lạt tử tế, đoạn chính tay người ươm những hột café ấy. Cách ít lâu thì thấy mọc lên xinh tốt, người dạy bứng đem trồng xung quanh nhà vuôn. Cách vài năm thấy nó lớn lên xanh tốt, có lá sum sê, thì các chú thưa với cha: bây giờ cắt lá nó đem nấu uống như chè huế vậy hay sao. Người trả lời: không, cha thấy bên Pi-năng, rang hột nó, rồi xay ra bột nấu uống, chớ không uống lá. Tưởng nó sẽ có trái có hột, để coi. Mà thật sự, cách năm sau thì nó ra trái dóc díu, nên người lấy làm mừng mà nói rằng: đất này sẽ chịu café lắm, chắc sau người ta sẽ đặng nhờ. Đến khi trái chín, người dạy hái giả phơi khô, rang nấu uống và cũng gởi cho các cha uống thử; các cha cũng xin hột để trồng nữa. Song ngặt một đều, là ở xứ mọi hồi đó không có đường, nên uống lấy làm đắng lắm. Ấy là lời thầy Hộ già kể lại như vậy đó.
Lời thầy Hộ thuật lại tưởng cũng đáng tin, vì trong báo Missions Catholiques, cố chính Cảnh có kể lại những vật ẩm thực ở xứ mọi hồi ấy, người có nói rằng: “Bây giờ ở Rơhai chúng tôi có trồng những cây café moka còn tơ, xanh tốt, có lẽ phong thổ xứ này chịu café”. Ấy là lời cố chính viết trong sách. Bây giờ chúng ta có nhiều làng đã trồng café và cũng có nhiều chủ đã có lợi khá. Ta ăn trái, nên nhớ kẻ trồng cây.
Ít gốc cà phê còn sót lại trong khuôn viên
Nhà thờ Tân Hương năm 2013 (Ảnh: Minh Sơn chụp 01/2013)
Café vốn có nhiều thứ, song theo như những kẻ thạo dùng café, thì cho
thứ café moka là ngon, dùng hay tiêu bổ hơn, song khốn nỗi, thứ café
này kén đất lắm và hay bị con bò xè ăn, nên ít chỗ trồng được. Ngoài
Tonkin và trong Nam Kỳ, có nhiều đồn điền trồng café, song gần hết là
cây café lớn lá, trái to, nghe nói uống ít ngon. Còn thứ café sẻ ít
trồng được, vì phong thổ không chịu; có nhiều sở đã thử rồi, song vô
ích.Các xứ mọi như Kontum, Pleiku, Banmêthuột, chỗ nào trồng café cũng được, song tưởng có chỗ hạp hơn, chỗ ít hạp. Tôi đã có ý xem xét café trồng ở ba xứ trên nầy, thì đoán được, chỗ đất đỏ và chỗ có cây im mát, thì café chịu hơn. Vốn café là một thứ cây ở rừng. Trong nhựt trình kia kể chuyện rằng: thuở xưa người ta chưa biết café là gì, song có lần kia, có một ngưởi Ả-Rập, thấy trong bầy dê của mình, có một con dê bộ ốm và hay run. Mỗi lần hết cơn run, thì nó tìm trong rừng một thứ lá kia mà ăn, ấy là lá café moka hay là abarica bây giờ. Cách ít lâu, thì chủ con dê có ý coi con dê ấy hết đau và mập mạp lại như thường. Nên người ấy đi bẻ lá cây ấy về nấu uống, thấy cũng được được. Đến mùa thấy trái nó chín tốt, thì lại bỏ hái lá, đi hái trái nó, phơi khô giã nấu uống, thì thấy bổ khỏe. Lần lần người ta bắt chước và lấy hột ương trồng gần nhà, cho tiện bề gia dụng. Ấy là gốc cây café, vốn nó là cây rừng nên rày nó ưa trồng nơi rừng rú im mát. Chỗ phong thổ chịu mà không có cây bóng, thì trồng café tốn công nhiều, vì phải trồng cây bóng, phải bỏ phân, vì ở nơi cây rậm, thì lá nó cũng như phân. Tôi thấy nhiều sở làm đất kỹ lắm, đào hết gốc cây, bỏ phân thiệt nhiều, song đến mùa nắng, thì café héo hết và con bò xè hay ăn nhiều. Còn những người nhà quê, trồng ít nhiều theo lối bóng mát xung quanh nhà, không tốn kém bao nhiêu, song café cũng tốt và lợi nhiều hơn trồng thứ khác.
Vậy khuyên ai nấy hãy chiêm nghiệm và trồng café ít nhiều, trước thì cũng có lợi mà lo việc thuế viết, sau thì trong vườn mình có hoa lợi, nên có việc gì chích mích, ít hay chạy, vì tiếc. Còn không, vườn trống trơn, thì hay chạy lắm, mà sự chạy cũng là sự thiệt hại nhiều. Sự trồng café cũng như các nghề khác, tùy gia phong kiệm, cứ tùy sức mình mà trồng lần hồi, đừng rán mà trồng một lần cho thiệt nhiều, rủi đất không chịu hay là bị sự gì rủi ro khác mà phải bỏ việc, thì lỗ to lắm. Ta cứ sách thường người nhà quê ta hay trồng mà trồng, đừng bắt chước các sở, vì họ có vốn to, làm kỹ lắm, mà sự phí tổn cũng nhiều lắm, ta bì sao lại. Lại khuyên một đều, là đừng trồng sát bên nhà, vì gần nhà lắm, thì sinh rậm rạp, gió vô không được, thì sinh muỗi nhiều, mà muỗi nhiều, thì rét nhiều: sợ tiền báncafé, không đủ tiền mua thuốc rét.
Có nhiều thứ café: thứ moka ta thường có, là thứ có tiếng trên xứ Kontum. Thứ chari là thứ lớn lá mà nhỏ hột, là thứ các sở hay trồng nhiều. Nghe nói nó chịu nắng, con bò xè ít ăn, song lâu có trái, sáu bảy năm mới trông ăn, lại nghe nói hạ giá, ít người muốn mua. Có thứ khác nữa kêu là robusta (café trâu). Thứ này mạnh lắm, chỗ nắng nôi nó cũng chịu được, các cha ở Annam hay trồng. Trái lớn lá to, cây lớn, lâu năm mới có trái và sống lâu lắm. Thứ này càng hạ giá hơn nữa.
Trong ba thứ café trên nầy, thì tưởng có thứ moka hay là abarica, ta quen kêu là café sẻ, nên trồng hơn, vì mau ăn, có giá hơn, lại mình trồng không bao nhiêu, dễ săm soi coi sóc hơn.
Có kẻ phản đối rằng: trồng chi mất công, bây giờ café rẻ, không bằng nửa giá khi trước. Tôi xin thưa lại: bây giờ vật gì vật gì cũng rẻ, mà biểu café cao giá sao được. Khi xưa một vuôn lúa một đồng, bây giờ một đồng ba vuông. Khi xưa công nhựt một ngày năm cắc, bây giờ hai cắc không ai mướn. Mọi sự cũng phải tùy thì tùy tiện mà chớ.
P. Ban
(Trích: Tạp chí “Chức dịch Thơ tín”, Địa phận Kontum -
số 30, 10/1935, trang 355-357).
Lê Minh Sơn
Con trai Thầy Yên Kontum
Theo Kontumquetoi