KONTUM
hôm nay vẫn còn sống và mãi mãi tồn tại. Nó có một chỗ đứng trong dòng
thời gian lịch sử và trong lòng mọi người đang sống trên vùng đất đượm
tình người, và biết bao hy sinh của các vị thừa sai ngoại quốc cũng như
Việt Nam đã dày công xây đắp. Đến nay đã đúng một thế kỷ
rưỡi kể từ ngày đoàn truyền giáo đặt chân đến đây vào năm 1851 tại Plei
Rơhai (Tân Hương ngày nay), một Trung tâm Truyền giáo cho người
Bahnar-Rơngao. Khởi đầu, địa danh KONTUM nhỏ bé tựa như hạt cải, nhưng
khi nó mọc lên, lớn dần, chim trời có thể đến nương náu được. Tuy nhiên,
để tìm hiểu sự hình thành địa danh KONTUM và đâu là những yếu tố cấu
tạo để nó chiếm lĩnh mọi mặt trên cả vùng Tây Nguyên này mãi cho đến
ngày nay không phải là một việc dễ làm! Chúng tôi xin trình bày KONTUM,
MỘT ĐỊA DANH TÔN GIÁO dưới những khía cạnh sau đây theo một số sử liệu
ít ỏi và có giới hạn.
I. Diễn biến toàn vùng trước khi hình thành địa danh “KONTUM”.
II. Tên và ý nghĩa địa danh buôn làng trên vùng dân tộc nói chung và địa danh “KONTUM” nói riêng.
III. Yếu tố cấu tạo làm cho địa danh “KONTUM” trở nên quan trong toàn vùng.
I. DIỄN BIẾN TOÀN VÙNG TRƯỚC KHI HÌNH THÀNH ĐỊA DANH “KONTUM”
Địa
danh KONTUM không xuất hiện từ xa xưa trên vùng người dân tộc Tây
Nguyên này, như địa danh AYONAPAR của người Jrai, hoặc như TÂY SƠN, hay
KON KƠXÂM hoặc như địa danh RƠHAI… Nhưng nó mới manh nha vào giữa thập
niên 50 của thế kỷ XIX và dần dần giữ vai trò trọng yếu trong các thập
niên kế tiếp, nhất là vào đầu thế kỷ XX vừa qua. Vậy, để hiểu
rõ lý do nào địa danh KONTUM nhỏ bé chiếm giữ được vai trò chủ đạo so
với các địa danh lâu đời khác, thiết nghĩ chúng ta cần nhìn lại tình
hình toàn vùng Tây Nguyên trước khi địa danh KONTUM thai nghén và chào
đời.
1. Tình hình Tây Nguyên vào thời nam tiến: vua Lê Thánh Tông
Tây Nguyên là vùng đất có một số cư dân dân tộc ít người cư trú và sinh sống. Từ xa xưa, vùng đất này là chỗ
giao lưu chủng tộc hơn 10 dân tộc thuộc 2 dòng ngôn ngữ Nam Á
(Môn-Khơme) và Nam Đảo (Malayô-Polymêdien). Nhóm ngôn ngữ Môn-Khơme là
Bahnar, Sơđăng, Kơho, M’nông… và nhóm thứ hai Nam Đảo là Jrai, Êđê… Có
lúc các bộ tộc này xung đột nhau găy gắt, cũng có khi hoà hoãn cùng nhau
chống ngoại xâm.
a. Vào năm Canh Thìn (1470) [1],
vua Chiêm Thành là Trà Toàn đem quân đánh phá Hoá Châu. Vua Lê Thánh
Tông cử đại quân chinh phạt Chiêm Thành, chiến thắng đến tận sông Phan
Rang, lấy phần đất chiếm được sát nhập và lập ra Thừa Tuyên thứ 13 gọi
là Quảng Nam Thừa Tuyên, gồm 6 phủ : Thăng Ba (nay là Quảng Nam), Tư
Ngãi (Quảng Ngãi), Hoài Nhơn (Qui Nhơn), Phú An (Phú Yên), Thái Ninh
(Khánh Hoà), Hoà Thuận (Phan Rang), đặt dưới quyền cai trị của ông Phạm
Nhữ Tăng. Phủ Hoài Nhơn gồm 3 huyện là Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn. Phù Ly đóng tại thành Đồ Bàn [2].
Trong
lần chinh phạt này, vào năm 1471, khi vua Lê đánh Đồ Bàn, Vua Chiêm là
Trà Toàn bị bắt, em là Trà Toại trốn lên Thượng Nguyên châu liên lạc với
các tướng Sandak Tamrac, lo việc kháng chiến. Nhưng lực lượng này còn
khá mạnh ở Tây Biên và Nam Biên Vijaya. Đa Thuỷ cai trị đất Đại Chiêm
(Quảng Nam) kiêm lĩnh luôn Vijaya (Bình Định) tạo thế mạnh vùng biên
giới, rồi rút quân về [3]. Tuy nhiên, nhà vua mất nhiều công sức để khuất phục dân khí Vijaya.
Từ
năm 1570-1611, chúa Tiên Nguyễn Hoàng áp đảo quân Chiêm. Mãi đến năm
1611, chúa Tiên Nguyễn Hoàng mới mở đất vào đến Phú Yên, thực sự dàn
trải lực lượng người Việt đến biên giới Đá Bia – Đại Lãnh [4].
Năm
1629, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên sai quan phó tướng Nguyễn Phúc Vinh
vào đánh dẹp trừ loạn Văn Phong, đắp thành lập dinh Trấn Biên [5] đến giữ vùng đất phía nam và phía tây. Do đó, trong thời kỳ này, Chúa Nguyễn chưa tây tiến chiếm vùng Tây Nguyên ngày nay.
b.
Người Chiêm Thành có liên hệ với những dân tộc vùng núi, nhất là vùng
J’rai, như vừa trình bày. Họ gọi các bộ tộc miền núi này là Kiratas tức
là người Thượng [6].
Nhà Nguyễn Gia Miêu gọi Tây Sơn là Sơn Man, như trong câu:
“Dưng can kỳ thề bốn mặt cổng Tần,
Thừa thuở Sơn Nam thất thế” [7].
Cũng vào đời Nguyễn Gia Miêu, có các phủ Trấn Man, Trấn Ninh, Trấn Biên, Trấn Định, Lạc Biên, 9 châu thuộc Cam Lộ [8].
Khi còn là Long Nhương tướng quân đem binh diệt họ Trịnh, tiếp xúc với các nhân vật Bắc Hà, Nguyễn Huệ thường tự xưng bằng danh hiệu Hang Núi, như câu:
“Hang Núi tự ngàn dặm đem quân đến đây“.
Tên để chỉ những thổ dân miền núi Tây Nguyên thường là Mọi, Kha. Từ “Mọi”, “Kha” cũng khá quen dùng trong dân gian, ngay cả trong văn kiện của thực dân Pháp vào đầu thế kỷ XX [9].
2. Tên gọi theo bộ tộc
Ngoài những tên gọi tổng quát: Thượng Nguyên châu, Trấn Man, Kiritas, Sơn Man, Hang Núi, Rợ-Man, Rợ-Mọi [10]…, chúng ta cũng gặp được những danh xưng chỉ từng dân tộc một trên vùng Tây Nguyên.
a. Để
gọi người dân tộc Sơđăng, thời Gia Long, Minh Mạng gọi họ là người Vách
Đá. Nhưng cũng nhiều lúc danh xưng này cũng ám chỉ các dân tộc thiểu số
vùng Trường Sơn.
Người
Sơđăng thường hay quấy nhiễu, Lê Văn Duyệt cho người tìm hiểu và biết
được chỉ vì Lê Quốc Huy gây tội ác cho người Vách Đá. Ông cho chặt đầu
Huy để phủ dụ người Vách Đá [11].
b. Vào thời kỳ Tây Sơn, người Bahnar vùng Tây Sơn Thượng (An Khê ngày nay) được gọi là Bahnar Bơnâm (Bahnar vùng dưới) [12]; dân tộc Bahnar vùng Kontum ngày nay được gọi là Rơngao.
c. Người J’rai có một cơ chế xã hội đặc biệt [13],
nhất là vùng Ayonapar có vua Lửa, vua Nước. Chúng ta gọi là cơ chế
Pơtao (vua). Để hiểu rõ hơn, chúng ta đi sâu hơn về cư dân ít người này:
+
Người J’rai (vùng Pleiku ngày nay) được gọi là người Hơdrung. Núi này
ngày nay gọi là Hàm Rồng, nằm về phía nam thành phố Pleiku ngày nay 10
cây số.
+ Riêng người J’rai vùng Plei Kly (Phú Nhơn huyện Chư Sê) và Ayunpa ngày nay, xưa kia được gọi như thế nào?.
* Truy
tầm địa danh xa xưa của người J’rai vào thế kỷ XVII dựa trên bản Hiến
chương của người Campuchia tại đền ở Sambốc (Campuchia). Người Campuchia
gọi vùng đất của vua Lửa và vua Nước là AYONAPAR (chỉ vùng đất của 2
con sông lớn tạo nên là Ayun và Apar mà nay thường gọi là sông Ba, đổ ra
biển phía Phú Yên), nhưng thực chất nó bao hàm cả vùng đất triền phía
Tây đến lãnh thổ Campuchia [14].
* Từ
thế kỷ XVI, mối quan hệ chính trị giữa vùng đất này với các triều đình
phong kiến đã xuất hiện, dù lỏng lẻo, mập mờ. Trong Khâm Định Đại Nam
Hội Điển Sự Lệ [15] có nói đến 6 Bộ và những công sở của Kinh Thành. Những tờ trình về mối bang giao với Trung Quốc, với các thuộc cốc
như Vạn Tượng, Nam Tưởng, Cao Man, Thuỷ Xá và Hoả Xá, Xiêm, Miến Điện
thì có khá nhiều. Thay vì dùng địa danh chỉ vùng đất, người ta cũng dùng
tên của các vua người J’rai để chỉ vùng lãnh địa chiếm cứ của vua Lửa, vua Nước và lãnh thổ của hai vị vua này ở Nam Bàn [16].
* Theo Hoàng Việt Địa Dư Chí, quyển I từ trang 12A đến 13A [17],
vùng đất vua Lửa và vua Nước, hoặc các mối bang giao được ghi nhận rõ
ràng và tương đối chi tiết, như nói đến những trao đổi tặng phẩm giữa
Triều đình Huế, nhất là vua Minh Mạng với hai vị vua này.
Nhà vua “đã ban cho tên họ và chiếu sắc đã viết thẳng ra là Quốc Trưởng
nước Thuỷ Xá cùng truyền cho Bộ Lễ rằng từ nay về sau nước ấy có dâng
cống thì trong tờ biểu văn cũng viết là Quốc trưởng cho đúng danh xưng” [18].
* Nhưng
vào cuối thế kỷ XIX, trước khi thực dân Pháp sang, theo ông Đặng Nghiêm
Vạn và tập thể giáo sư cho rằng vùng đất Ayonapar được gọi hẹp lại bằng
tên Cheoreo do hai anh em ông “Chu và Chreo bắt đầu tổ chức được một
liên minh các làng Chor với một bộ máy hành chính thường xuyên tương ứng
với đơn vị cao hơn làng” [19].
II. TÊN VÀ Ý NGHĨA ĐỊA DANH NƠI NGƯỜI DÂN TỘC
Học
hỏi địa danh nhất là tại vùng dân tộc lại không tìm hiểu một vài nền
tảng và ý nghĩa việc đặt tên làng vẫn chưa đầy đủ. Chúng tôi xin chuyển
qua vấn đề đặt tên và ý nghĩa địa danh, trước khi đi sâu hơn yếu tố nào
địa danh KONTUM có một chỗ đứng cho đến những năm gần đây.
Thật
vậy, đối với người dân tộc Tây Nguyên, việc đặt tên làng rất quan
trọng, vì nó nối kết với thế giới yang, hồn; nói cách khác với thế giới “iôn tâu”
(bên kia) như người Rơngao thường nói. Chúng ta điểm qua một số nền
tảng, tiêu chuẩn đặt tên buôn làng trước khi chúng ta đi sâu vào sự hình
thành địa danh KONTUM.
A. Nền tảng việc đặt tên – ý nghĩa của địa danh buôn làng nơi người dân tộc nói riêng
1. Những nguyên tắc, nền tảng để đặt tên buôn làng
Đối
với người Kinh, thường thường chúng ta dựa trên ý niệm về cái đẹp, cái
đức, cái phong nhiêu… nói chung là một ý niệm trừu tượng, một ước mơ
hoặc danh xưng của một nhân
vật có công để đặt tên cho làng: Tân Hương (nơi sinh sống mới); Phương
Nghĩa (nơi, quê hương có lòng nhân ái; Phương Hoà (nơi đoàn kết thuận ý
nhau), Phương Quý, Phú Bổn… Trái lại, người dân tộc cư dân tại Tây
Nguyên không có từ trừu tượng siêu hình, mà họ quan tâm đặc biệt những
vật thể hoặc con người gắn chặt với cuộc sống cụ thể như đồ vật, đất đá,
sông suối ao hồ, núi rừng núi… bao quanh họ để đặt tên cho buôn làng
thân yêu của họ. Nhưng tất cả có một yếu tố căn bản là mối tương quan
với thế giới bên kia, với yang.
Để hiểu phần nào về vấn đề nối kết giữa thế giới này với thế giới bên kia, chúng tôi xin ghi lại vài đoạn của linh mục J. Kemlin trong cuốn “Les songes et leur interprétation” chez les Reungao, Hà Nội năm 1910, tr. 17 như sau:
“Iôn kô” hay “iôn tau” là “từ bên này” cũng như “từ bên kia” mà chính hồn thấy, và hành động trực tiếp hoặc
gián tiếp qua thân xác. Như vậy, có những lý do để tin vào hiện thực
của giấc chiêm bao của chúng ta, cũng như có những lý do để tin vào tính
khách quan của điều ta thấy, nghe và hành động trong trạng thái thức
vậy (…)”.
“(…) Tuy nhiên, chúng ta cũng lưu ý là nền tảng của
lòng tin này còn sâu xa hơn, và được đặt trên quan niệm ‘lấy cái tôi
làm chuẩn’, mà người thượng gán cho vũ trụ. Khi thấy vô số sự bất bình
đẳng và những chuyện kỳ quặc của thiên nhiên làm cho họ giải thích nổi,
tự nhiên họ đâm ra tưởng tượng nguyên nhân của chúng nằm trong biện
chứng nội tại nơi từng sự vật, một sự xung đột biến đổi từng ngày và
từng hoàn cảnh, như tính khí của người vậy. Nói tắt, họ đã thấy trong
mọi vật thể một chủ thể được sinh động như họ và có cùng đam mê như họ”.
Nói
cách khác, tất cả mọi vật đều có nguyên lý sống động và tác động đối
với thế giới con người. Cái nguyên lý đó là “hồn” được người Rơngao gọi
là “mơhol”, người Bahnar gọi là “pơhngol” hay “pơngol”, người Sơđang
dơdrah gọi là “mơhua” và người J’rai gọi là “mơngăt”. Sức lực của
nguyên lý sống động đó được gọi là “ai”. “AI” của con người có tác động
ảnh hưởng trên con vật và đồ vật, và ngược lại. “Ai” của con vật hoặc đồ
vật hợp với “ai” của người nào đó, mọi sự đều tốt đẹp; mà ngược lại sẽ
đổ vỡ, bất thành, là không ích lợi. Với quan niệm đó, việc đặt tên buôn
làng rất quan trọng để cho có sự hoà hợp giữa các “ai” với nhau, nghĩa
là giữa các hồn với nhau.
Mặt
khác, cũng theo quan niệm của người dân tộc, một người giàu có, một
người tài giỏi, một người đứng đầu, một thủ lãnh, ông vua chẳng những có
một “mơhol” chính, mà còn nhiều “mơhol” phụ, tự như đoàn
quân gìn giữ nhà cửa tài sản. Hồn của họ sau khi ra khỏi thân xác có
thể thành một loại thần, dân làng có thể kêu khấn, trong khi đó, hồn của
thứ dân xuống “mang lung” (âm ti). Do đó, người dân tộc thường đặt tên làng theo tên người lập làng cũng là việc thích hợp và hữu ích để “ai” của ông giúp dân làng do ông đã vất vả xây dựng.
Ngoài ra, nơi sông suối ao hồ, núi rừng, cây cối và cả đất đá… cũng có thể có yang trú ngụ.
Cần cúng cho các yang để các yang tốt giúp đỡ cho dân làng hoặc để vô
hiệu các yang xấu. Vì thế, cần một kết giao với các yang để ta được bảo
hộ sống an vui hạnh phúc [20]. Do quan niệm đó, người dân tộc thường dùng tên sông, suối, ao hồ nơi họ sinh sống để đặt cho tên làng.
2. Phân loại các địa danh buôn làng theo một số tiêu chuẩn cụ thể.
Đặt tên làng thêm tên chủ làng, nói đúng hơn là gọi tên con của chủ làng, ví dụ: làng của cha (hoặc mẹ), thằng (ông, bà…):
* Bon ama Djơng (làng của cha ông Djơng).
* Bon ama H’Nher (làng của cha bà H’Nher).
* Bon mi Hoanh (làng của mẹ ông Hoanh).
* Ban mi (mê) Thuột (làng của mẹ ông Thuột).
(cũng có lúc gọi Buôn ma Thuột “làng của cha ông Thuột”).
Đặt tên làng theo tên chủ làng và được xác định rõ hơn bằng vùng đất đó như thế nào
* Bon Rưng ma Rin (làng có đất sỏi đá của cha ông Rin).
* Plei Rơngol ama Drung (làng cũ của cha ông Drung).
Tên làng theo phương hướng vùng đất
* Pleiku (làng đuôi) (có dịp sẽ bàn thêm về ý nghĩa).
* Pleiku Roh (làng ngoài bìa).
* Pleiku Ngo ( làng phía đông Pleiku).
Tên làng theo thổ sản
+ Đa số dân làng người dân tộc sống với 2/3, nếu không nói là đa phần bằng thổ sản của rừng núi và họ đặt tên làng theo thổ sản đặc chủng đó:
* Dak Sut (làng có nhiều mật ong).
* Kon Tơneh (làng có nhiều mây).
* Kon Xơmluh (làng có nhiều cây như cây le).
* Kon Klor (làng có nhiều cây gạo).
* Plei Kơbei (làng có nhiều trâu rừng).
* Plơi Pa Ơi Briu cũng gọi là Plơi chroh Tơnung (làng hồ có loại cây Tơnung).
Tên làng dựa vào loại đất, đá
* Plei Kly (Plei Tơly: làng có nhiều đá).
Dựa vào sông suối, núi rừng
* Bon chroh Kơnong (làng suối Kơnong).
* Đak Tô (làng có suối nước nóng).
* Dak Tơkan (làng sông Tơkan).
* Plei Athai (làng ở núi Chư Athai).
* KONTUM (làng có hồ, làng hồ).
B. HÌNH THÀNH ĐỊA DANH KONTUM
1. Theo nguyên ngữ KONTUM
KON: làng; TUM: hồ. KONTUM là LÀNG HỒ.
2. Tuy nhiên, tầm nguyên địa danh KONTUM theo khía cạnh chuyển hoá
như thế nào trong lịch sử của nó không phải là việc đơn giản, nhất là
địa danh mang nhiều khía cạnh thời cuộc như địa danh KONTUM.
Thật
vậy, khi các vị thừa sai đặt chân đến làng Breng, sau được đổi là Rơhai
(nhiều lần đổi tên, sau cùng vào năm 1926 được đổi thành Tân Hương) vào
những năm 1851-1852 chưa có làng Kontum. Khi đặt xong cơ sở ở Rơhai,
Cha Do nghĩ ngay cần tạo lập các nông trường để tự cung cấp, đồng thời
là môi trường định canh định cư để nâng cao đời sống dân sinh, văn minh
cho các anh em người dân tộc bản địa, trước mắt cho những người dân tộc
mới tòng giáo và như tiền để cho các làng dân tộc khác noi theo. Ngài
lần lượt mở ra các nông trường như Dak Kâm và vùng đất DAK TUM phía đông
Rơhai. Ngoài ra, cha nới rộng phạm vi hoạt động truyền giáo nên thầy
Thám, em ruột của Cha và thầy Lai đưa người nhà cũng như một số bị nô lệ
được chuộc lại đến phát rẫy bên bờ hồ DAK TUM này, cách Rơhai hơn 1 cây
số về hướng đông. Gần đó có làng nhỏ người dân tộc, gọi là làng MÔER,
do 2 anh em JRÔNG và UÔNG, con bà Yă Xi cầm đầu. Gia đình này nguyên
trước đó ở làng KONTRANG-ÔR trên bờ sông BLA, hiện giờ là CHUAH-ORENG,
mà người Kinh gọi là CHẢ-RENG, dưới chân núi Chư Reng (CHƯ được người
Bình Định đọc thành CHẢ). Kontrang Ôr khá lớn do các ông Mung, Bung và
Loih lãnh đạo. Những người này tính khí hung tợn, tàn bạo thường khiêu
chiến với bên ngoài và ức hiếp dân làng. Do đó, hai ông Jrông và Uông tìm cách ra khỏi làng và đến lập làng Môer nơi hồ Dak-Tum.
Khi
cơ sở do thầy Thám xây dựng bên bờ hồ Dak-Tum đã hình thành, có nhà ở,
có rẫy lúa, có dân cư, cha Hòa từ cùng người Pnong (cũng gọi là M’nong
vùng Dak-Lak ngày nay), vì không thể tiếp tục ở Trung tâm Truyền giáo
Pnong, đã dẫn một số gia đình người Pnong thật sự tòng giáo và người
giúp kẻ ăn người ở cũng như một số thầy giảng về Trung tâm Truyền giáo Rơhai [21]. Cha Bề trên phái Cha Hoà làm phó Cha Do, phụ trách khu vực mới khai khẩn Dak-Tum này vào năm 1856.
Cha
Hoà rất được đồng bào Kinh và dân tộc mến phục. Làng Môer về ở với cha.
Dần dần làng Kontrang-Ôr không chịu được thái độ hung hãn của các tên
đầu sỏ trong làng, cũng kéo về sáp nhập xóm Dak-Tum của cha, thành một
làng lớn. Từ đó, Dak-Tum được đổi thành làng KONTUM cho đến ngày nay.
III. NHỮNG YẾU TỐ CẤU TẠO LÀM CHO ĐỊA DANH KONTUM TRỞ NÊN QUAN TRỌNG TOÀN VÙNG TRUYỀN GIÁO
Như
trình bày trong phần I, trong những thế kỷ trước, ngay cả thế kỷ XIX có
những vùng quan trọng như Ayonapar của 2 vị vua Lửa, vua Nước, An Sơn
(An Khê ngày nay). Ngay trong cùng khu vực truyền giáo, làng Rơhai vào
những năm khi
lập vùng truyền giáo cho người dân tộc Bahnar (1851-1888) vẫn có tầm
mức trổi vượt hơn làng Kontum nhỏ bé. Vậy đâu là những nhân tố biến làng
Kontum dần dần chiếm lĩnh vai trò chủ đạo cả vùng truyền giáo các dân
tộc Tây Nguyên? Để có một tầm nhìn tổng hợp, chung tôi xin lần lượt
trình bày Trung tâm Truyền giáo cho người Bahnar-Rơngao, đó là RƠHAI và
sau đó trình bày một số gốc cạnh khả dĩ thay đổi từ một làng KONTUM nhỏ
bé trở thành một địa danh quan trong toàn vùng Truyền giáo, ngay cả mặt
xã hội chính trị cho đến thời cận đại.
A. Trung Tâm Truyền Giáo RƠHAI cho người Bahnar-Rơngao
I. Trung tâm Truyền giáo RƠHAI này kinh qua nhiều giai đoạn
1. Giai đoạn nguyên sơ (1851-1871)
Trong
giai đoạn đầu, công cuộc truyền giao tại vùng người dân tộc
Bahnar-Rơngao, RƠHAI có một tầm mức quan trọng. Khi các vị thừa sai tìm
ra được vùng đất bằng, rộng bên hữu ngạn sông Dak-Bla, như Đức cha
Cuénot Thể, Đại diện Tông toà Đông Đàng Trong đã lưu ý các ngài trước,
các ngài tìm mua một nhà gỗ của người dân tộc tại làng BRENG. Cha
Desgouts và Thầy Sáu DO (thụ phong linh mục năm 1853 và mất năm 1871)
nhận thấy dân làng Breng vốn dân tứ chiếng,
mê tín dị đoan, nhiều tật xấu, nên quyết định lập một làng mới, gần đó,
gọi là RƠHAI gồm vài người Kinh, là người nhà của cha và vài người dân
tộc.
Trong khi Thầy Sáu DO về Gò Thị (Bình Bịnh) chuẩn bị thụ phong linh mục (từ 1852) đến
khi tân linh mục trở về vùng Bahnar (thụ phong tháng 7-1853), Cha
Desgouts đảm trách mục vụ và chuẩn bị xây dựng cơ sở cho chủng viện
tương lai. Khi Cha DO lên vùng Truyền giáo với tư cách linh mục, ngài
xúc tiến tạo lập thôn làng trong hướng “định canh định cư“,
nên tổ chức nông trường đầu tiên Rơhai này. Mùa lúa thu hoạch khấm khá,
đời sống xã hội, tôn giáo tương đối ổn định. Do đó, dần dần dân làng
khác đến xin nhập làng để sinh sống. Trong thời gian này, các cha cũng
có chuộc lại một số người Kinh bị người dân tộc bắt bán làm nô lệ [22] và ngay cả người dân tộc bị làm nô lệ cũng được chuộc về, dạy họ làm ruộng rẫy bằng phương pháp hiệu quả hơn là chọt trỉa kiểu du canh du cư.
Cho nên trong giai đoạn đầu (vào những năm 1851-1871), về địa bàn dân cư, RƠHAI gồm:
+ Khu vực nhà thờ và nhà xứ Tân Hương hiện nay.
+ Khu vực Trường Têrêxa và Hội trường Bok DO (nay là trường và nhà văn hoá).
+ Phía nam giáp sông Dak-Blah (nay thường gọi là Dak-Bla).
+ Phía bắc giáp đường Ngô Quyền.
2. Giai đoạn hai (1871-1912)
Bắt
đầu có nhiều người Kinh, Rơhai nới rộng ra gọi là XÓM MỚI. Những người
Kinh này chủ yếu là những người trốn tránh các cuộc bắt hại đạo tại địa
phận Đông Đàng Trong (sau được gọi là Qui Nhơn vào năm 1824), như một số
gia đình thuộc họ Đồng Hâu, Đồng Quả qua ngã Ngãi Điền, rồi vượt qua
Trạm Gò (Cửu An, đông bắc An Khê ngày nay), mon theo đường các cha đi
trước đến Rơhai hoặc sau này do nạn Văn Thân tàn sát vào năm 1885. Vào
năm 1873, số người Kinh sinh sống tại đây là 542 người, thành lập họ đạo
và được gọi là Trại Lý. Và vào năm 1909), Cha Bề trên Truyền đặt cho
một tên khác theo thổ sản là GÒ MÍT [23].
3. Giai đoạn ba (1912-1932)
Giai
đoàn này, vùng đất dân cư họ Rơhai nới rộng thêm từ nhà thờ chạy giáp
làng Phương Nghĩa (họ Phương Nghĩa hình thành dần dần từ 1870-1880) [24];
nam giáp làng Kon Hơra, bắc giáp đường Trần Hưng Đạo đầu trên và Nguyễn
Đình Chiểu phía đầu dưới. Từ Nhà thờ Tân Hương đến giáp Phương Nghĩa
gọi là Xóm Trên thuộc Giáo xứ Tân Hương.
4. Giai đoạn bốn (1932 -1947)
Làng
dân tộc Rơhai bên này sông phải dời sang bên kia sông (tả ngạn sông
Dak-Bla, chỗ hiện tại) vào năm 1931. Làng Dơnơng sáp nhập với Plei
Tơngia, phải để cho tiểu đoàn Sơn Cước BT MSA do quân đội Pháp thành lập
chiếm trọn khu vực nằm phía tây đường Trần Phú. Phía đông đường Trần Phú giao trực thuộc cho địa sở Tân Hương để thiết lập cơ sở văn hoá giáo dục.
5. Giai đoạn năm (1947-1975)
Theo
đà tiến của địa phương, đồng bào Công giáo kinh cư ngụ khắp nơi trong
thị xã, thuộc Giáo xứ Tân Hương (chính thức đặt tên Tân Hương vào năm
1926), và giai đoạn này, giáo xứ không còn giới hạn trong phạm vi “Xóm
Dưới” “Xóm Trên” nữa, mà đã bao trùm cả Trung Lương, Lương Khế, Võ Lâm.
Tuy nhiên, về phương diện hành chính, ranh giới của làng Tân Hương không
thay đổi.
6. Giai đoạn sáu (1975-2000)
Sau biến cố tháng 3-1975, vùng đất thuộc Giáo xứ Tân Hương quản lý phải thu hẹp lại như hiện trang hôm nay.
II. Về cơ sở
Tân Hương có nhà thờ
Vào năm 1853, Cha Do từ khi lên lại Rơhai bắt tay xây dựng một nhà thờ theo dáng nhà dân tộc cũng khá rộng rãi và đẹp mắt.
Năm
1858, nhà thờ này bị hoả hoạn vào dịp Giáng Sinh. Năm 1860, với sự đóng
góp của các gia đình Công giáo, một nhà thờ thứ hai hoàn thành, không
đẹp, có tính cách tạm bợ.
Năm
1869, chương trình xây cất nhà thờ lớn, có tính cách kiên cố được khởi
công. Toàn thể gia đình Công giáo Kinh cũng như dân tộc góp công sức tìm
cách danh mộc, đốn và chuyển về, thuê thợ giỏi về xây dựng. Năm 1871, nhà thờ mới được dựng lên: rui mè lợp xong, ván chưa lót, cửa chưa dựng, vách chưa tô trét. Năm 1872, vì tuổi già, Cha Do về dưỡng bệnh
tại quê nhà là Đồng Hâu và qua đời sau đó tại đây. Cha Hugon (Cha Xuân)
thay Cha Do. Cũng trong năm đó (1872), giặc Kon Kơban xuống đánh Rơhai,
cướp phá, nên mãi đến năm 1876, nhà thờ mới hoàn thành và được Cha Bề
trên Dourisboure Ân làm phép nhà thờ mới.
Năm
1902, Cha Ngự (Cha Demeure) hạ nhà thờ này để làm lại nhà thờ mới. Nhà
thờ này chính là nhà thờ hiện nay, chưa có mặt tiền. Năm 1916, nhà thờ
được tu sửa lần thứ nhất đời Cha Hiền (Cha Alberty); tu sửa lần hai vào
năm 1926: mặt tiền xây bằng gạch, giữ nguyên trạng cho đến nay. Mới đây
có tu sửa nhỏ để tránh mục nát mặt tiền và gia cố phần chân đế các trụ
nhà… nhưng vẫn giữ nguyên cấu trúc và dáng dấp xưa.
Ngoài
ngôi thánh đường cổ kính và được xây dựng nhiều đợt, Tân Hương cũng là
nơi được đầu tư nhiều cơ sở văn hoá của vùng Truyền giáo như dự định của
Đức cha Cuénot Thể thiết lập chủng viện trên vùng cao, được giao cho
Cha Desgouts vào năm 1900, có tổ chức các lớp dạy học văn hoá, xoá nạn
mù chữ cho giới thanh niên nam nữ người dân tộc. Năm 1931, Cha Alberty
Hiền xây cất trường Têrêxa bên hông phía tây nhà thờ, giao cho các nữ tu
Mến Thánh Giá Gò Thị điều khiển. Ít năm sau, vào năm 1940, trường được
giao lại cho Dòng Bác Ái Vinh Sơn phụ trách, dành cho nữ sinh, và sau
đó, cha sở cho mở thêm một trường cho nam sinh.
B. Địa danh “KONTUM” với những nhân tố đặc thù
Nhìn
chung, từ nhân sự, cơ sở tôn giáo – chưa kể cơ sở hành chính dân sự,
sinh hoạt kinh tế từ các năm cuối thế kỷ XIX đến nay đều nằm trong cùng
địa bàn dân cư là Trung tâm Truyền giáo RƠHAI, sau này đổi thành Tân Hương - phát
triển mạnh cũng có nhiều ưu thế về các mặt tôn giáo lẫn dân sự như vừa
trình bày trên. Nhưng vì những nguyên nhân nào, làng Kontum từ một nông
trường, lúc khai lập còn lệ thuộc vào Rơhai về khía cạnh tôn giáo, xa
khu vực hành chính và kinh tế, dần dần đã trở nên quan trọng, đến nỗi
sau này nó trở nên một địa danh quan trọng nhất của toàn vùng xét về
khía cạnh tôn giáo và hành chính dân sự? Đâu là những yếu tố cấu tạo nên
truyền thống vững chắc
để địa danh “KONTUM” còn sống mãi và gần như trở thành một huyền thoại
mang một sức sống nội tại cho cả vùng Truyền giáo Tây Nguyên, đến nỗi
ngày nay vẫn còn sức thuyết phục, làm say mê và thu hút nhiều nhà nghiên
cứu chân chính trong cũng như ngoài nước? Chúng tôi xin trình bày trong
phần sau đây.
I. GIAI ĐOẠN 1851-1908
Họ đạo KONTUM khởi đầu nhỏ bé, chỉ là nông trại sản xuất nông sản và là một họ nhánh của Trung tâm Truyền giáo Rơhai [25].
Tuy nhiên, họ đạo Kontum cũng có những yếu tố địa lý, con người và tôn
giáo làm cho nó dần dần chiếm giữ vai trò chủ đạo toàn miền truyền giáo.
1. Giai đoạn 1851-1882
* Vùng đất – địa lý
Xét về phương diện vùng đất, làng Kontum mới được
khai hoang, đất rộng, màu mỡ thuận lợi cho canh tác vì bằng phẳng, có
nhiều nước, không bị úng… có thể tự cung tự cầu cho họ đạo. Ngoài ra,
địa bàn nông trại Kontum có nhiều mặt bằng thuận tiện để xây dựng các cơ
sở cần thiết cho toàn vùng Truyền giáo sau này như chủng viện, Toà Giám
mục, các dòng tu, cơ sở giáo dục… cấp địa phận. Vả lại, vũng đất này có triển vọng mở rộng an toàn đón nhận số anh em dân tộc từ phía Đông và Đông bắc của Trung tâm Truyền giáo Rơhai.
* Mặt an ninh
Vùng
đất làng Kontum nhờ có sông Dak-Bla bao quanh phía đông và đông bắc,
tránh được những vụ cướp bóc như Rơhai đã bị vào năm 1876.
* Yếu tố con người linh mục: Cha Hoà
Yếu
tố con người rất quan trọng để định vị cho làng Kontum sau này. Đó là
vai trò của các linh mục phụ trách họ đạo này: trước hết là Cha Hoà, sau
đó là vai trò quốc tế của Cha Bề trên Vialleton Truyền, Đại diện Giám
quản Tông toà Đông Đàng Trong (1882-1909).
-
Thật vậy, trong suốt thời gian 1856-1861, Cha Hoà, một linh mục bản xứ
được mọi người mến phục, đã xây dựng thành công một làng đoàn kết, một
họ đạo có truyền thống, nề nếp và sốt sắng. Cha tạo lập được một cộng
đoàn tín hữu người dân tộc từ năm đầu tiên (1856) khi đặt trên đất
Rơhai, đó là số người dân tộc Pnong theo ngài về vùng Truyền giáo
Bahnar-Rơngao. Trong khi đó, người dân tộc làng Rơhai mãi đến năm 1875
mới tòng giáo. Số giáo dân Kinh tại Kontum được hình thành lâu bắt đầu
từ năm 1870, trong khi đó họ đạo người Kinh tại Trung tâm Truyền giáo
Rơhai hình thành vào năm 1874 với tên là TRẠI LÝ [26]
(Tân Hương ngày nay). Nói cách khác, cộng đoàn dân tộc và người Kinh
tại họ Kontum tòng giáo và hình thành sớm hơn và nề nếp hơn Trung tâm
Truyền giáo Rơhai. Có thể đưa ra một số lý do như sau: một mặt, người
dân tộc tại Trung tâm Rơhai thuộc nhiều thành phần đến, nhất làng bị ảnh
hưởng dân làng Breng tứ chiếng, ô tạp, mê tín dị
đoan sống bên cạnh, và cũng chính vì lý do đó mà Cha DO đã tạo lập một
làng mới gọi là RƠHAI bên cạnh làng Breng này; còn người Kinh phần lớn
phải khai khẩn vùng nông trại Dak-Kâm. Trong khi đó tại họ Kontum, vào
giai đoạn mới tạo lập, được Cha Hoà trực tiếp hướng dẫn cùng làm cùng
sinh hoạt với anh em người dân tộc cũng như người Kinh.
- Giai đoạn 1861-1888: Sau
khi Cha Hoà lâm bệnh nặng, thuyên chuyển về Ninh Hoà và qua đời (1861),
họ đạo Kontum trực thuộc trở lại Trung tâm Truyền giáo Rơhai cho đến
năm 1882, năm Cha Vialleton Truyền đến đảm trách họ đạo này. Nhưng nhờ
tổ chức cũng như tinh thần đoàn kết của người dân tộc sẵn có, nhất là
nhờ vị mục tử mới – Cha Vialleton Truyền – trực tiếp đặc trách họ đạo
Kontum giải quyết cách khôn ngoan và kiên quyết những vấn đề của cả vùng Truyền giáo mà họ đạo nhỏ bé này vẫn vững tiến dù phải trải qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn chung của cả vùng truyền giáo Tây Nguyên.
Có thể nói trong giai đoạn này, hay chính xác hơn giai đoạn từ năm 1850-1888 là giai đoạn anh hùng của Hội Truyền giáo vùng dân tộc. Người ta không thể hiểu nổi những vất vả, cực nhọc của các vị thừa sai
như thế nào. Chỉ có Chúa mới thấu suốt những vất vả, ê chề của của các
ngài. Trong số 17 vị thừa sai Pháp và 5 vị thừa sai Việt Nam, 15 vị đã
ngã gục mà thành quả không hơn 1.000 người tòng giáo. Cuộc truyền giáo
như giẫm chân
tại chỗ. Tuy nhiên, trong giai đoạn như bị cô lập hoàn toàn trong vùng
rừng núi, thiếu hụt mọi thứ, nhất là thời gian phong trào Văn Thân
(1885) tàn sát tại Trung Châu và An Khê, các ngài đứng vững và đón nhận
các tín hữu Kinh thoát thân khỏi cảnh tàn sát chạy lên tá túc vùng
Truyền giáo tại làng Kon Jơdreh, nhất là tại làng Kontum của Cha
Vialleton. Làng Kontum, họ đạo Kontum nghĩa hiệp, rộng 2 cánh tay đón
nhận các anh em tín hữu Kinh bị bắt bớ tại quê hương mình lên ẩn náu chờ
ngày hồi hương. Chẳng những làng Kontum mà còn nhiều cụm dân cư người
Kinh hình thành dần đông thêm và tạo lập thành làng PHƯƠNG NGHĨA
(1870-1880), Trại Lý (1874), Ngô Trang (1885) và những năm sau này như
Phương Hoà (1903), Quý Phương (1904), Ruộng Lào (1933)… Vấn đề người
Kinh lên lập nghiệp sinh sống tại dãy Trường Sơn giai đoạn đầu chỉ là
vấn đề giải quyết tình thế cho một số người bị bắt làm nô lệ hoặc phải
trốn chạy khỏi cuộc bắt đạo, nhưng dần dần nhiều vấn đề liên quan đến
mục vụ và xã hội cũng như trong khung cảnh chính trị đã nảy sinh nhiều
khía cạnh cần được các vị bề trên phải giải quyết.
2. Vai trò của Cha Bề trên VIALLETON TRUYỀN (1888-1908): thời kỳ tốt đẹp
a. Trong vòng 15 năm, hàng ngàn người dân tộc xin tòng giáo.
Trước đó, các vị thừa sai quanh quẩn vùng Bahnar, nay ra đi đến mọi
hướng. Đây là giai đoạn dưới quyền bề trên là Cha Vialleton Truyền
(1881-1909), Đại diện Giám quản Tông toà Đông Đàng Trong. Vùng Truyền
giáo Tây Nguyên phát triển mọi mặt, về bề ngoài cũng như chiều sâu. Uy
tín của Cha Bề trên Vialleton vang ra khỏi vùng dân tộc, lan rộng khắp
đất nước Việt Nam. Do đó, địa danh KONTUM,
nơi Cha Bề trên Vialleton phụ trách, trước đây là một làng, một họ đạo
rất nhỏ bé, nhờ vai trò của ngài mà được mọi người biết đến, qua những
giao dịch thư từ, cũng như văn kiện tôn giáo và xã hội, chưa kể đến
những lần tiếp xúc của các quan chức đạo đời. Và như thế, địa danh
Kontum còn đồng nghĩa Vùng Truyền giáo cho người dân tộc, dù cũng còn mơ
hồ theo giới hạn địa lý đối với nhiều người.
b. Mặt khác, cũng trong thời gian này, tình hình an ninh vững chắc hơn cho cả vùng.
Vai trò của các vị thừa sai nói chung, vai trò của Cha Bề trên nói
riêng trong việc thống lĩnh được tình trạng vô chính phủ trước đây là
điều không thể phủ nhận. Cho nên địa danh Kontum đã vượt ra khỏi một
điểm truyền giáo nhỏ bé, để trở thành biểu tượng cho cả vùng truyền giáo
rộng lớn. Trong Annales MEP năm 1912, số 89, tr. 289 có ghi:
“Mười
năm trước đây, Kontum chỉ là một làng rất nhỏ bé, nhưng dưới sự thúc
bách của vị thừa sai của mình, nó đã trở nên to lớn nhiều và trở nên một
vùng tuyệt đẹp cho các tín hữu“.
Hoà
ước giữa chế độ thực dân Pháp và triều đình phong kiến Huế vào năm
1874, cũng như hoà ước ngày 28-8-1883, buộc Triều đình phong kiến uỷ cho
người Pháp trấn giữ biên giới Việt Nam, nhưng miền Cao Nguyên Trường
Sơn vẫn là nơi tranh chấp giữa chính phủ Pháp và Thái Lan. Vì tình thế
đó, sự hiện diện của Thầy Sáu Do, biệt danh thân thương của Cha Phanxicô
Xaviê Nguyễn Do, nhờ liên minh vững chắc giữa các làng người dân tộc
Bahnar và Sơđang, đặc biệt uy tín của các vị thừa sai, nhất là uy thế
trổi vượt của vị Bề trên Vialleton Truyền trong vùng đất được các ngài
đã đổ bao mồ hôi nước mắt để gieo
vãi Tin Mừng, đều cần thiết và có tính quyết định giành lại phần thắng
thế cho Việt Nam trong tranh chấp này. Trong bối cảnh lịch sử đó, lá thư
của quan Toàn quyền Lào gửi cho vị Bề trên Vialleton Truyền như minh nhiên công nhận vai trò trổi vượt toàn vùng của địa danh KONTUM về mặt hành chính từ năm 1898 [27].
c. Do đó, ít nhất vào nửa cuối thế kỷ XIX
(7-3-1898), như công văn được Cha Guerlach trích dẫn trong tài liệu
“L’Oeuvre néfaste” cho biết, địa danh KONTUM không chỉ là một họ đạo mà
còn có ý nghĩa hành chính cho cả vùng truyền giáo của các vị thừa sai.
Tuy nhiên, cho đến lúc đó ranh giới vùng KONTUM theo mặt hành chính chưa
rõ ràng cũng như vùng truyền giáo KONTUM còn nằm phía trước, có phần mơ
hồ vì quá bao la gồm cả vùng Tây Nguyên, vùng Hạ Lào và cả vùng giáp
ranh bắc Campuchia [28].
3. Địa giới Kontum theo khía cạnh hành chính từ 1898-2000
Do
những khía cạnh vừa trình bày ở trên, để minh định ranh giới vùng
KONTUM về mặt hành chính, chúng tôi trình bày KONTUM tương quan với các
đơn vị hành chính như Dak-Lak và Plei-Ku từ cuối thế kỷ XIX đến nay.
KONTUM [29]
Năm 1898: Người Pháp đặt Toà Đại lý Hành chính tại Kontum và uỷ nhiệm cho Linh mục Vialleton Truyền làm đại lý.
Năm 1905: Ngày 13-7, thành lập tỉnh Pleiku-Der (bao gồm Kontum), tách khỏi Lào.
Năm
1907: Ngày 2-5, sáp nhập tỉnh Pleiku-Der vào Qui Nhơn. Ngày 12-7: Pháp
lại chia tỉnh này thành 2 Đại lý: Đại lý Kontum trực thuộc Phủ Toàn
quyền Qui Nhơn; Đại lý Cheoreo thuộc Sông Cầu (Phú Yên).
Ngày 27-10: Guenot đến Kontum và làm Đại lý Kontum. Toà Đại lý sau đổi
thành Toà Công sứ Kontum.
Năm 1911: Sabatier đến Kontum giữ vai trò công sứ thay Guenot.
Năm 1913 [30]:
Ngày 9-2, Toàn quyền Đông Dương lại thành lập lại tỉnh Pleiku-Der, lấy
tên là tỉnh Kontum. Tỉnh Kontum bao gồm cả phần đất Gialai, Kontum và
ĐắcLắc hiện tại.
Năm
1917: Ngày 14-2, vua Khải Định ban chỉ dụ được Quan Toàn quyền Đông
Dương, chuẩn y ngày 28-3-1917, đem các tổng Tân Phong, An Khê thuộc tỉnh
Bình Định sát nhập vào tỉnh Kontum. Ngày 14-11, Toàn quyền Đông Dương
lập Đại lý hành chính An Khê thuộc quyền công sứ tỉnh Kontum, gồm cả 2 khu vực huyện Tân An va khu vực người dân tộc thiểu số.
Năm 1923: Ngày 2-7, Toàn quyền Đông Dương lại lập lại tỉnh mới ĐắcLắc.
Năm 1925: Ngày 24-5, Toàn quyền Đông Dương lập lại đại lý hành chính ở Pleiku, thuộc tỉnh Kontum.
Năm 1929: Ngày 3-2, Toàn quyền Đông Dương lập lại 2 thị xã Kontum và Pleiku.
Năm
1932: Ngày 24-5, Toàn quyền Đông Dương lại tách một phần đất phía nam
tỉnh Kontum để lập tỉnh Pleiku. Địa giới các huyện Mang Yang, K’Bang, An
Khê, Kon Chro hiện tại vẫn thuộc tỉnh Kontum. Toà Đại lý hành chính của
Pleiku cũng được đổi thành Toà Công sứ.
Năm 1943: Ngày 9-8, vùng An Khê tức là các huyện phía đông hiện tại của tỉnh Gialai được sát nhập về Pleiku.
Năm 1949: Thực dân Pháp trao trả độc lập cho Bảo Đại.
Năm
1950: Ngày 15-4, Bảo Đại ký đạo dụ số 6 đặt các tỉnh và các miền thượng
du Nam và Bắc trực tiếp thuộc quyền Quốc Trưởng Bảo Đại: Thiết lập
Hoàng Triều Cương Thổ, trực thuộc Quyền Quốc Trưởng Bảo Đại. Bãi bỏ Toà
Uỷ viên Pháp. Ngày 25-7, chính quyền Bảo Đại ký sắc lệnh
số 3 đặt các tỉnh ĐắcLắc, Đồng Nai Thượng, Lâm Viên, Pleiku và Kontum
thành địa phận hành chính riêng biệt gọi là Cao Nguyên miền Nam thuộc
Hoàng Triều Cương Thổ dưới quyền một uỷ viên Đức Quốc Trưởng, và đặt
dưới quyền Toà Khâm mạng do một vị Khâm mạng quyền hành như một Quốc Vụ
Khanh trông coi.
Năm 1954: Ngô Đình Diệm yêu cầu Quốc Trưởng Bảo Đại huỷ bỏ Hoàng Triều Cương Thổ.
Năm 1955: Ngày 11-3, Quốc Trưởng Bảo Đại đã phê chuẩn dụ số 21, sát nhập các vùng cao nguyên vào lãnh thổ của quốc gia Việt Nam.
Năm 1962: Ngày 1- 9, chính quyền Sài Gòn lập tỉnh Phú Bổn, đặt tỉnh lỵ tại Cheoreo, mang tên mới là thị xã Hậu Bổn.
Năm 1975: 3 tỉnh Pleiku, Kontum và Phú Bổn (trừ huyện Thuần Mẫn) nhập thành tỉnh Gailai-Kontum.
Năm 1991: Tháng 10, KONTUM lấy lại vai trò cổ kính của nó trước kia: tái lập lại tỉnh KONTUM như xưa.
- Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (142 km).
- Phía Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi (74km).
- Phía Tây giáp Lào, Campuchia (275 km).
- Phía Nam giáp tỉnh Gialai (203 km) [31].
Năm 1996: Tính đến cuối năm, Kontum [32]
* Diện tích: 9661,71 km2
- Tx. Kontum: 424,2 km2
- SaThầy: 2.441,9 km2
- KonPlong: 2.248,2 km2.
- Đăk Hà: 843,6 km2.
- ĐakTô:1.377,4 km2.
- Ngọc Hồi: 823,9 km2 .
- Đăk Glei: 1.532,5 km2.
*
Dân số: 290.001 người, gồm: Kinh: 138.560, dân tộc: 151.441 (J’rai:
14.779; Bahnar: 32.356; Sơđang: 70.518; các dân tộc khác: 33.788).
Đó là một số diễn biến lịch sử địa danh KONTUM theo khía cạnh hành chính qua nhiều chế độ. Nhưng dù trải qua “một cuộc bể dâu” như thế nào đi nữa, KONTUM vẫn giữ được giá trị trường tồn của nó: giá trị tinh thần và Kitô giáo.
II. KONTUM – MỘT ĐỊA DANH MANG TÍNH DÂN TỘC VÀ KITÔ GIÁO
1. Giai đoạn 1888 -1908
KONTUM
bị đùn bên này, đẩy bên kia, có lúc bị mất hút trong một vài vùng đất
được khoanh tròn theo quan điểm chiến lược khác nhau. Nhưng Kontum luôn
mang trong mình những yếu tố trường tồn: đó là tình người dân tộc và
Kitô giáo. Không gì tốt hơn là chúng tôi xin ghi lại sau đây một số đoạn
của linh mục thừa sai Guerlach trả lời cho Camille Paris, người đã bôi nhọ các vị thừa sai, trích trong “L’Oeuvre néfaste”, được trưng dẫn trên dưới một số vấn đề cụ thể sau đây:
a. Về mặt an ninh – xã hội
“Chẳng
có gì hơn sự kiện tụ hợp một số lớn các buôn làng dưới cùng một thủ
lãnh, đã tạo nên một tiến bộ quý giá đối với một tình trạng xã hội vô
chính phủ trước đây”.
“Về
mặt xã hội, các công việc nhân đạo và văn minh được nhận thấy rõ ràng
qua sự ổn định – dù chậm – những chắc chắn cho toàn vùng, bằng cách dẹp
được các vụ cướp bóc của một số người Jrai và chấm dứt cảnh đâm chém lẫn
nhau giữa các buôn người Bahnar, nhờ các cuộc thương nghị công bình.
Tôi đã nhiểu
cần phải tốn hao tài lực để mưu cầu hoà bình, trả các khoảng tiền phạt
cho bên gây chiến bất công, khi họ chao động vì tốn phí tiền của. Tôi
cũng đã tổn hao tài chính để kết ước thảo thuận giữa các buôn làng với nhau”.
b. Về mặt giáo dục
Cha viết tiếp:
“Cũng
trong năm 1892, Cha Bề trên Vialleton từ Pháp trở về và tôi hài lòng
trao lại cho người trách nhiệm Bề trên, sung sướng hết đảm nhận các
trách vụ này. Cha Bề trên đẩy mạnh việc giáo dục cho người dân tộc, dạy
họ tập đọc. Những người bản xứ không có chữ viết, các vị thừa sai cho họ
một loại hình chữ viết bằng cách phát âm nhờ tiếng quốc ngữ. Khởi đầu
thật khó khăn vất vả, nhưng Cha Bề trên Vialleton là con người kiên trì. Những cố gắng này mang nhiều thành quả tốt đẹp. Bây giờ có nhiều trường học trên vùng đất truyền giáo và kể như một chuyện lạ lùng là 3, 4 bà vợ trẻ đã học đọc, không muốn thua kém so với ông chồng mình (…)”.
c. Về việc bài trừ mê tín
“Trong
lúc Cha Bề trên dạy cho các cư dân hương vị tiếng bản địa và bố trí cho
họ một quyển sách tiếng Bahnar, thì tôi lại ra đi truyền giáo. Vì nghĩ
đến lợi ích vật chất của người bản xứ, nên tôi quan tâm nhất là đến lợi
ích thiêng liêng, đến huấn đạo luân lý và phần rỗi của họ. Khi làm như
vậy, tôi ý thức phục vụ rất nhiều và lâu dài kể cả phương diện vật chất,
bằng cách bài trừ các thực hành mê tín là những nguyên nhân làm cho họ tổn hại rất nhiều”.
Làm
nổi bật khía cạnh phát triển, nghĩa là muốn nâng cao dân sinh là phải
loại trừ mê tín dị đoan và đem phương thức canh tác có khoa học hơn.
“Các
công nhân, viên chức, các nhà thám hiểm đến vùng Bahnar đã có thể nhận
thấy tận mắt rằng người Công giáo cày ruộng bằng chiếc cày, cái bừa do
các vị thừa sai đem vào phổ biến. Các nơi khác, dân bản địa dùng cái
bới, cái cuốc sắt nhỏ làm rẫy, chọc
trỉa. Có một bữa tôi hỏi người đứng đầu dân Gơlar tại sao họ không cày
bừa vùng đất rộng được trận lụt định kỳ đem màu mỡ đến, nhờ vậy mùa gặt
lúa mang lại kết quả thu hoạch tốt đẹp! Lúc đầu, ông tìm cách thối
thoái, nhưng cuối cùng, ông thú nhận với tôi: “jang káp pơgra”
(thần đòi hỏi chúng tôi nhiều qua). Ông ta giải thích cho tôi biết là có
một người trước đây cũng bắt đầu cày ruộng với chiếc cày, nhưng Iang
Glaih (Thần Sấm Sét) hiện ra với ông ta trong giấc mộng, đòi ông ta phải
cúng thần mỗi năm một con trâu,
nên ông ta không muốn dùng cày mà cày đất ruộng rẫy nữa. Vì không có gì
để cúng theo yêu sách đó, và sợ mọi tai ương hoạn nạn và bị chết nếu
không chấp hành. Người Gơlar không dám tiếp tục nữa. Vì thế, dùng cày
bừa bị đình chỉ với người Sơđang trong các vùng này. Còn biết bao nhiêu
mê tín dị đoan rầy rà hơn nữa”.
d. Y tế – bài trừ bệnh tật
Nạn dịch đậu mùa, bệnh tật hoành hành trong các buôn làng bản địa. Sự đóng góp và cố gắng chặn đứng những nạn dịch và bệnh tật như thế nào trong vùng Kontum? Chưa kể lần đầu tiên vào năm 1893 [33], Cha Guerlach sau khi từ Huế về gặp cảnh đau thương
dịch đậu mùa sát hại 86 người ở Kon Hara, 106 ở Rơhai. Nạn dịch lan
rộng 5 nơi, cha vội xin thuốc ngừa, chủng ngừa, cũng như tìm phương thế
đào tạo nhân sự để giải quyết phần nào các bệnh dịch đe doạ tiêu diệt cư
dân. Cha Guerlach viết như sau:
“Sau
khi miễn dịch được cư dân vùng Truyền giáo, tôi lên vùng Sơđang, khi
một nhóm người Gơlar tới xin tôi đến miền của họ, vì bệnh truyền nhiễm
đã hoành hành dữ dội”.
“Tôi
đi ngay. Chúng tôi đang ở giữa mùa mưa như thác làm ngập cả vùng thung
lũng; trong hai ngày, tôi đi dưới mưa gió, và các người dân tộc mang các
đồ đạc đơn giản của tôi phải run rẩy vì lạnh buốt, vì sợ hãi, vì gió
thổi rít quá mạnh. Khi tôi đến, một trong các chủ làng thốt lên: ‘Quả
thật, các linh mục thừa sai có một trái tim quảng
đại và can trường, phải công nhận cha đã thương chúng tôi quá sức để
đến đây, mặc dù trời mưa gió bão táp; chúng tôi biết ơn các ngài’.
“Để tránh tai hoạ này, các người dân tộc phải phân tán vào các truông, những khoảnh
đất hoang, do đó tôi phải vất vả cực nhọc đến với họ, luôn luôn đi dưới
mưa gió và tôi chủng ngừa hơn 600 người trong vùng người Gơlar”.
“Hết
8 ngày, tôi phải chỉ dẫn cho dân địa phương cách thức chủng ngừa và tôi
trở về miền của tôi, từ đó tôi lại lên vùng Sơđang cũng đang bị dịch
đậu mùa hoành hành do các người Kon Krôh mang tới…”.
“(…)
Để tự đề phòng, các người Sơđang đã đặt chung quanh làng những cây cột
thành hình chữ thập, các cây chông bằng tre và các loại bẫy. Một chùm
cây gay to tướng chắn lối ngoài cổng làng. Tôi chủng ngừa các dân cư trong 3 làng, rồi tôi lên vùng Kon Run, sau cùng tôi chủng mọi dân làng Hagou, mọi bộ tộc Kon Trong,
Kon Jơry. Vì thế, tôi quá mệt mỏi nhưng bệnh truyền nhiễm bị chặn đứng,
và cả vùng được an toàn. Tôi đã chủng hơn 7.000 người, một công việc
đòi thời gian dài và mệt mỏi (…)”.
“Có
cần nói đến các thứ thuốc men do chúng tôi cứu trợ cho hết mọi người,
không phân biệt lương hay giáo chăng? Tiền để lập tủ thuốc hằng năm từ 4
lên tới 600 đồng phật lăng Pháp: vốn tiền chi dụng càng tăng lên, nhất
là trong thời kỳ bị nạn dịch.
“Nhờ thuốc Hoàng Nam, chúng tôi đã cứu biết bao nhiêu người địa phương bị rắn cắn thường thì bị chết do nộc độc của nó”.
e. Chặn đứng việc buôn bán nô lệ
Cha Guerlach khẳng định:
“Tôi
làm trong khả năng của tôi để chặn đứng lộ trình buôn bán nô lệ, bằng
cách chấm chỉ rõ ràng các người buôn bán nô lệ không được qua lại trên
những con đường chúng tôi xây dựng. Các nô lệ bị người Sơđang bắt, trong trường hợp không bán được, thường là bị giết chết”.
“Trong
thời kỳ đầu của nạn dịch đậu mùa, một vài người Sơđang giết nô lệ người
kinh để cúng thần. Trẻ em bị cột chặt vào trụ như một con trâu
và suốt đêm, người dân tộc múa nhảy chung quanh các vật tế thần này
trong tiếng trầm bổng của chiêng trống. Người ta sẽ hiểu các nạn nhân bị
căng thẳng chịu một cảnh tượng hấp hối trong một đêm rùng rợn não nề hãi hùng
như thế nào! Khi mặt trời vừa ló rạng, trẻ em bị đâm bằng những nhát
dao, sau đó mọi dân trong buôn làng lấy ngón tay thấm máu và bôi vào
ngực mình. Thây ma thì đem đi chôn!”
“Tiếp đó, người ta giết trâu và cùng nhau ăn thịt sau khi dâng cho các yang phần đặc biệt”.
“Đấy còn là những điều rùng rợn mà tôn giáo phải khử trừ (…)”.
“Tôi
có nên nói đến các mê tín dị đoan mà các vị thừa sai dần dần khử trừ
trong các buôn làng tòng giáo không? Ví dụ: “deng” mà người Jrai gọi là
“rơlung” (Ma lai). Đó là một sức mạnh ẩn khuất mà người nào đó có được
sức mạnh đó, từ xa có thể giết và ăn được hồn của nạn nhân mình. Biết
bao nhiêu người xấu số đã bị bắt giết chết ngay, cách thê thảm chỉ vì mê
tín dị đoan “deng” này!”.
“Trong làng Công giáo không còn loại mê tín dị đoan này nữa”.
2. Giai đoạn 1908-1933
Trong
thời gian đầu, số linh mục ít, hoàn cảnh khó khăn, các vị thừa sai hết
sức cố gắng để đem tinh thần Tin Mừng vào nếp sống, cơ cấu tổ chức xã
hội cổ sơ là buôn làng của người dân tộc. Tuy nhiên, vào những giai đoạn
sau (1908-1933), nghĩa là giai đoạn tổ chức chuẩn bị thành lập địa phận
vào năm 1932, phương thức Phúc Âm hoá vùng dân tộc Tây Nguyên chuyển
biến cách cụ thể và dài hơi, là xây dựng cơ sở, đào tạo nhân sự.
Ngoài
các trường học tại họ đạo, một trường đào tạo lớp thầy giảng người dân
tộc khởi công từ năm 1905, khánh thành ngày 7-1-1908, còn nhiều cơ sở y
tế, xã hội khác… cùng đội ngũ nhân lực thiện chí, khả năng, nhất là có lòng thương yêu và tôn trọng anh em dân tộc để phục vụ cho anh em dân tộc.
Vùng Truyền giáo Tây Nguyên vào năm 1932 hội đủ điều kiện để trở thành một vùng truyền giáo độc lập.
“Năm 1930, số giáo dân từ 18.000 lên 80.000 tín hữu, có 45 vị thừa sai ngoại quốc và gần 90 linh mục bản xứ thuộc địa phận
Qui Nhơn. Riêng Vùng Truyền giáo (Kontum) phát triển tốt đẹp về số
lượng cũng như phẩm chất lòng đạo: 20.000 tín hữu, 14 linh mục thừa sai
ngoại quốc, 11 linh mục Kinh và 3 linh mục người Bahnar. Đó là một vùng
mà chẳng có gì giống với vùng truyền giáo Qui Nhơn: chủng tộc, khí hậu,
ngôn ngữ, phong tục, thể chế chính trị, phương pháp truyền giáo… mọi cái
đều khác”.
“Do
tình trạng địa dư, nhân văn và tôn giáo của vùng, Toà Thánh thấy cần
tạo lập một vùng truyền giáo độc lập. Ngày 11-1-1932, Toà Thánh chỉ định
một địa phận gọi là Kontum độc lập, và ngày 15-1-1933, Cha Jannin, vị
thừa sai ở vùng truyền giáo Kontum cho người dân bản địa từ 43 năm, được
bổ nhiệm Giám mục Gadara và là vị Đại diện Tông toà đầu tiên trên vùng
Tây Nguyên này”.
“Ngày 18 tháng
4 năm 1933, Cha Jannin xuống Qui Nhơn trình Tông thư bổ nhiệm cho Đức
cha Tardieu, Giám quản Qui Nhơn và tuyên thệ theo giáo luật quy định cho
các Tân Giám mục Giám quản Tông toà. Như vậy, ngài chính thức là vị
Giám quản Tông toà một địa phận mới, và chính thức chia thành 2 địa phận: Qui Nhơn và Kontum từ đó” [34].
“Địa
phận Kontum gồm 4 tỉnh: Kontum, Pleiku, Ban-mê-thuột và Attopeu, bề
rộng từ 150 km đến 200 km; dài : 450 km, diện tích 70.000 km2 và 700.000 dân cư” [35].
Địa
danh KONTUM đã đi vào lịch sử của Giáo Hội hoàn vũ, là một trong các
địa phận tại Việt Nam. Như vậy, từ năm 1932, địa danh KONTUM chính thức sử dụng trong Giáo Hội để chỉ vùng đất truyền giáo bao la và bao gồm một số đông đảo 700.000 cư dân Kinh cũng như một số lớn các dân tộc trên vùng đất Tây Nguyên và Hạ Lào.
MỘT VÀI CẢM NGHĨ
KONTUM
– nới rộng ra như một đất nước chẳng hạn: nó có thể thuần chủng hay gồm
đa chủng tộc cùng quy tụ chống ngoại xâm, hoặc do lấn chiếm bằng vũ
lực, hay thực dân bằng kinh tế, kể cả bằng chính trị và nhiều trường hợp
bằng cộng sinh để tập hợp lại thành một đất nước thống nhất. Nhưng điều
quan trọng là nhà cầm quyền biết theo chính sách “an dân” như Nguyễn
Trãi, để quy hướng tất cả mọi người đồng tâm xây dựng thành một quê
hương tươi đẹp, một đất nước hạnh phúc thật sự. Kontum phần nào theo quy
luật như thế, nhưng còn bao hàm một số yếu tố khác về giá trị dân tộc
và tôn giáo.
KONTUM
từ một địa danh nhỏ bé đã trở nên một sức sống cho toàn vùng Truyền
giáo Tây Nguyên và ảnh hưởng đến nếp sống của người dân, nhất là người
dân tộc bản địa. Sự sống đó là tính dân tộc dần dần được thấm nhuần tinh
thần Kitô giáo. Nói cách khác, chính là Tin Mừng Chúa Kitô dần dần hội
nhập và cải hoá toàn bộ cơ cấu tổ chức xã hội, nhất là tâm thức tôn giáo
cổ sơ của họ.
KONTUM ví như dòng sông Dak Bla bắt nguồn từ đỉnh núi cao phía bắc của tỉnh, bằng muôn vàn
hạt nước li ti, dần kết tụ lại thành những con suối nhỏ, để rồi trở
thành dòng sông lớn tưới mát và nuôi sống vùng đất thân thương, và từ
thị xã Kontum, nó hướng dòng về phía tây, đem phù sa đến cho vùng này,
cuối cùng đổ về miền Nam Việt Nam. KONTUM cũng bắt nguồn bằng hạt mưa
của “Suối Nước Hằng Sống”, đi ngược dòng đời, tô điểm cho lòng người với
Ơn Thánh Chúa, biến đổi xã hội để hướng con người lên Đỉnh Núi Cao của
thế giới Thần Thiêng.
Người dân tộc KONTUM hiền hoà,
cần cù lao động trên mảnh đất Tây Nguyên. Khung cảnh sống ngày nay trên
vùng đất này đã biến đổi rất nhiều: đồng ruộng, nông trường xen lẫn với
đồi trọc hay phần nào đã được phủ xanh; các buôn làng và thôn xã kinh
tế mới, lấn dần rừng núi làm cho thú rừng phải di tản hoặc đi tìm thức
ăn ở nơi khác. Điện đã được thắp sáng nhiều nơi, phương tiện nghe nhìn
tăng dần; nhưng nhiều nơi lại bị ngập dưới lòng hồ Yaly, nên một số
người dân ven sông Dak-Bla phải tìm các kế sinh nhai khác.
Một điều đáng lưu ý là lòng đạo đức và tâm hồn chất phác nay cũng đã bị
tha hoá nhiều do xu hướng hưởng thụ và nạn rượu chè nơi không ít người
dân tộc. Trước mắt, nội lực của người dân tộc cần tăng cường để họ ý
thức việc học tập và thăng tiến bản thân. Nhà nước cần đầu tư nhiều lĩnh
vực như giáo dục, y tế, phát triển ngành nghề… Không có sức mạnh biến
đổi nào hữu hiệu cho bằng chính bản thân người dân tộc phải ý thức vươn
lên. Phúc Âm hoá vùng Tây Nguyên bước đầu phần nào đã giúp họ vượt thắng
được các trì trệ trong việc phát huy tài năng cũng như kiến tạo một xã
hội ngày càng công bình và tốt đẹp hơn theo như lòng Chúa mong muốn. Với
“văn minh tình thương” của Kitô giáo và tinh thần “mọi người là anh
em”, cùng Cha trên trời, họ được tôn trọng và đồng thời cũng biết tôn
trọng người khác với tất cả trách nhiệm trong việc phục vụ bản thân, gia
đình và xã hội.
Các
Giám mục Giáo phận Kontum từ trước đến nay luôn chủ trương làm sao để
giúp người tín hữu Tây Nguyên cùng sống đạo trong các mối quan hệ hỗ
tương với một thái độ tôn trọng và phục vụ lẫn nhau. Các ngài không chủ
trương Tây Nguyên phải đóng kín hoặc cấm chỉ người Kinh lên lập nghiệp tại đây, như Léopold Sabatier, được mệnh danh là “cha già của người Rađê”, là “ông vua da trắng” [36]
tại Ban-mê-thuột (tỉnh Daklak), đã chủ trương vào thập niên 20-30 của
thế kỷ XX. Các ngài cũng phê phán việc di cư vô tổ chức làm phá huỷ sinh
thái tự nhiên và khung cảnh sống thích hợp cho người dân tộc hoặc có
thái độ khinh miệt họ. Các ngài đã đưa ra đường lối mục vụ chỉ đạo trong
việc người Kinh định cư trên vùng Tây Nguyên, nhất là trách nhiệm
người tín hữu như thế nào để loan báo Tin Mừng cũng như xây dựng nền
văn minh tình thương và góp phần làm cho xã hội ngày càng phồn thịnh mà
không đánh mất bản sắc dân tộc vùng Tây Nguyên. Định cư người Kinh trên
vùng dân tộc Tây Nguyên là vấn đề gai góc, xã hội cũng như Giáo Hội đều
quan tâm đặc biệt. Vấn đề này sẽ trình bày trong một chuyên đề khác khi
hoàn cảnh cho phép [37].
Một vài con số thống kê
Số giáo dân có thể thống kê (vài nơi chưa đầy đủ) theo đơn vị hành chính trong toàn Giáo phận Kontum như sau:
SỐ GIÁO DÂN TỈNH GIALAI
Năm 2001 (Xếp theo đơn vị hành chính huyện)
STT
|
Huyện
|
Linh mục phụ trách
|
Tín hữu Kinh
|
Tín hữu D.tộc
|
T. số
|
Ghi chú
|
1
|
An Khê Kơbang
|
Cha Minh
|
2794
|
|
2794
|
An khê – Chợ Đồn -
An Luỹ |
2
|
An Khê Kon Chơro
|
Cha Quy
|
1614
|
|
1614
|
An Sơn – Đồng Sơn
|
3
|
Ayunpa-Krong-Pa
|
Cha Phán
|
|
3500
|
3500
|
TTTG. Bon Ma Djơng
|
4
|
Ayunpa-Krong-Pa
|
Cha Đắc
|
4494
|
|
4494
|
Phú Bổn
|
5
|
Chưa Sê
|
Cha Tín
|
4313
|
8000
|
12313
|
TTTG. Plei Kly – Phú Nhơn Phú Quang – Mỹ Thạch
|
6
|
Chưa Pah
|
Cha Đông
|
|
|
|
Sơđăng -Hòa Phú – Ninh Đức
|
Cha Thượng
|
6818
|
1410
|
8228
|
Habâu -Ngô Sơn -Biển Hồ Trà
|
||
7
|
Đak -Đoa
|
|
|
|
|
Lệ Chí
|
Cha M. Oanh
|
|
|
|
La Sơn
|
||
Cha Huỳnh
|
|
|
|
Lệ Cần – Phaolồ
|
||
|
Mang Yang
|
|
|
|
|
Châu Khê – Phú Yên – Kret Krot
|
8
|
Đức Cơ
|
Cha Lợi
|
|
|
|
Plei Rơngol Khop
|
9 |
Chưa Prong |
|
3600
|
1200
|
4800
|
Duc-Hưng-Thanh Bình Thanh Hà – Bầu Cạn (Sơđang)
|
|
|
Cha M. Oanh
|
|
|
|
Phú Mỹ
|
10
|
TP. Pleiku
|
Cha Huỳnh
|
437
|
|
28819
|
An Mỹ
|
|
5061
|
4000
|
|
Phú Thọ
|
||
Cha Đông
|
3000
|
511
|
|
Đức An
|
||
Cha Nam
|
6276
|
|
|
Thăng Thiên – Hoa Lư Hiếu Nghĩa – Hiếu Đức
|
||
Cha M. Oanh
|
6319
|
|
|
Thánh Tâm – Phaolô – Phú Tâm
|
||
Cha Tài
|
|
3215
|
|
TTTG. Plei Chuet
|
||
Cha Thượng
|
|
|
|
Tiên Sơn – Hoà Bình – Trà Đa
|
||
11
|
|
|
2105
|
4000
|
6105
|
Dự tòng – KTM tự do
|
|
TỔNG
|
|
46831
|
25836
|
72667
|
|
SỐ GIÁO DÂN TỈNH KONTUM
Năm 2001 (Xếp theo đơn vị hành chính huyện)
STT
|
Huyện
|
Lm phụ trách
|
Tín hữu Kinh
|
Tín hữu Dân tộc
|
Tổng số
|
Ghi chú
|
1
|
Dak Glei
|
Cha Bình
|
|
2458
|
2458
|
|
2
|
Dak Hà
|
|
7573
|
21790
|
|
|
Cha Đôm. Lộc
|
|
2300
|
Võ Lâm (Ngô Trang)
|
|||
400
|
|
Võ Lâm (Dak Ui)
|
||||
Cha Chương
|
|
8517
|
|
|||
Cha Liên
|
|
3000
|
|
|||
3
|
Dak Tô
|
Cha Bình
|
|
15746
|
16246
|
|
Cha Nên
|
500
|
|
|
Diên Bình
|
||
4
|
Kon Plong
|
Cha Liên
|
204
|
4383
|
4587
|
Kon Sơmluh
|
5
|
Kontum
|
Cha Lộc
|
1600
|
|
49027
|
Võ lâm
|
Cha Hiệu
|
1579
|
|
Trung nghĩa
|
|||
4370
|
550
|
Phương Hoà
|
||||
Cha Đường
|
729
|
3432
|
Plei Jơdrâp
|
|||
Cha Hữu
|
|
5000
|
Măngla
|
|||
Cha Liên
|
|
5443
|
Kontum
|
|||
Cha Sơn
|
2154
|
1500
|
Phương Quý
|
|||
Cha Tâm
|
5248
|
|
Phương Nghĩa
|
|||
Cha Thủ
|
2476
|
1076
|
Tân Hương
|
|||
Cha Chương
|
|
4540
|
Kon Rơbang
|
|||
Cha Sự
|
991
|
2881
|
Plei Rơhai
|
|||
|
1100
|
|
Tân Phú
|
|||
Cha Nên
|
|
4358
|
Kon Jơdreh
|
|||
6
|
Ngọc Hồi
|
Cha Bình
|
|
5495
|
5495
|
|
7
|
Sa Thầy
|
C. Sơn
|
300
|
|
5300
|
Sa Bình – Sa Thầy
|
C. Hữu
|
|
5000
|
Sa Thầy
|
|||
8
|
|
|
5000
|
|
5000
|
Kinh tế tự do
|
|
TỔNG
|
|
26651
|
83252
|
109903
|
|
Gh Kontum
|
26651
|
83252
|
109903
|
Gh Pleiku
|
46831
|
25836
|
72667
|
TC
|
73482
|
109088
|
182570
|
Tính đến tháng 12-2007, Giáo phận Kontum có tất cả 243.751 giáo dân, trong đó có hơn 150.000 tín hữu dân tộc.
Những vấn đề còn trước mắt
Vấn đề nhân sự
Hiện
nay, có 70 linh mục, trong số đó có những linh mục trong diện hưu dưỡng
hoặc đau bệnh, với hơn 3.000 giáo lý viên, trong đó có gần 1.500 giáo
phu đang phục vụ cho anh em dân tộc của mình, và khoảng 350 tu sĩ đang
phục vụ tại giáo phận. Số nhân sự tuy có dồi dào nhưng do địa bàn rộng,
nhất là các linh mục phải kiêm nhiệm nhiều nơi, nên giáo phận đang cần
có nhiều thợ gặt để phục vụ cho cánh đồng truyền giáo bao la này. Vì vậy
mà vấn đề luôn được giáo phận đặt lên hàng đầu.
Gia đình
Không
thể có ơn gọi linh mục, tu sĩ cũng như những con người phục vụ Giáo Hội
nếu không có một gia đình đạo đức, có nền tảng đức tin sâu xa và tinh
thần dấn thân mãnh liệt. Do đó, gia đình giữ vai trò quan trọng trong
việc ươm mầm hạt giống ơn gọi tông đồ và linh mục tu sĩ.
Phục vụ là trách nhiệm của Giáo Hội,
nhất là phục vụ cho người nghèo. Nhiều người trong giáo phận, nhất là
người dân tộc và kinh tế mới, kể cả những người Kinh lâu nay vẫn đang
sống trong tình trạng nghèo khó. Giáo phận luôn quan tâm và trăn trở, cố
gắng tìm cho được một bền móng vững chắc để xây dựng một chương trình
mục vụ phát triển có hiệu năng.
Nhưng vấn đề giáo dục lương tâm, và tấm lòng nhân ái,
cũng như biết tôn trọng nhân phẩm con người nói chung và anh em dân tộc
nói riêng là vấn đề cấp thiết hôm nay, nhất là trong một xã hội đang đề
cao lối sống hưởng thụ và thực dụng. Xây dựng một nền văn minh tình
thương là tiếng nói thúc đẩy giáo phận luôn thao thức để góp phần xây
dựng một môi trường sống theo công lý, thấm nhuần tình yêu thương và tha
thứ của Chúa, để hướng mọi người đến việc quý trọng và kiếm tìm những
giá trị giúp ích cho đời sống tâm linh.
Miền đất KONTUM vẫn còn là một giáo phận mang đậm tính truyền giáo.
Truyền giáo là vấn đề hội nhập văn hoá, tìm kiếm và trân trọng đón nhận
những Hạt giống Tin Mừng trong các nền văn hoá địa phương, đồng thời
thăng tiến và phát triển các mầm giống đó trong lòng tin sống động vào
Thiên Chúa duy nhất, chân thật, và vào Đức Kitô, Người được Thiên Chúa
sai đến để cứu độ trần gian bằng tình yêu hiến mình trên Thập giá. Đây
là một lời mời gọi và cũng là một thách đố to lớn cho tất cả những con
người đã và đang phục vụ trong cánh đồng truyền giáo KONTUM, một địa danh mang tính dân tộc và Kitô giáo.
Lm. Gioakim NGUYỄN HOÀNG SƠN
—————————————–
[1] Sách “Phủ Biên Tạp Lục” của Lê Quý Đôn viết năm 1776, nói là từ năm 1471, khu vua Lê Thánh Tông đem quân
vào đất Chiêm Thành đã sắc phong cho nước Nam Bàn và nói rõ là ở đó có
Vua Lửa (Ptao Pui – Hoả Xá) và Vua Nước (Ptao Ea – Thuỷ Xá) (x. Dân tộc học, số 3/ 1990, tr. 71-72).
[2] x. Phạm Đình Khiêm, Người chứng thứ nhất, Sài Gòn 1959, tr. 37.
Xem thêm: Quách Tấn, Non nước Bình Định, Sài Gòn 1967, tr. 11-12.
[3] x. Lam Giang, Hùng Khí Tây Sơn, cơ sở tạp chí Tây Sơn xuất bản, 1971, tr. 14.
[4] x. Lam Giang, sđd, tr. 15.
[5] Xem thêm Tạp chí Dân tộc học, số 3/1990, Viện Dân tộc học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, tr. 71:
“Trong
một số thư tịch cũ nói về nước Đại Việt đã coi vùng lãnh thổ kể từ chân
dãy núi Trường Sơn trở về phía Tây và Nam là nơi sinh sống của giống
Sinh Man, Thục Man, có tên gọi là vùng Thượng Nguyên, Nam Bàn. Khi ranh
giới của Đại Việt tiến đến chân đèo Cả thì toàn bộ phần đất phía nam gồm
3 vương quốc đều thuộc Chiêm Thành: Nam Bàn ở phía Bắc; Hoà An ở phía
Đông, giáp biển; còn Chiêm Thành ở phía Nam”. (x. thêm Phạm Đình Khiêm,
sđd, tr. 38).
[6] x. Lam Giang, sđd, tr. 30; x. thêm Dân tộc học, tlđd, tr. 71.
[7] x. Lam Giang, sđd, tr. 30-31.
[8] x. Lam Giang, sđd, tr. 29.
[9] Dương Quốc Anh, Việt Nam những sự kiện lịch sử 1858-1945, tập II, Hà Nội 1988, tr. 243. Xem thêm Nghiêm Thẫm, Chứng chỉ dân tộc thiểu số miền Nam, (tài liệu do sinh viên chép, niên khoá 1973-1974, tr. 89;
Xem thêm Jacques Dournes, Pơtao une théorie du pouvoir chez les Indochinois Jơrai,
Flammarion, 1977, tr. 14-17. Trong tài liệu này, tác giả đã ghi một số
nhà thám hiểm và buôn bán Tây phương nói đến những dân tộc ít người miền
Tây Nguyên, tóm lược đại ý như sau:
+ Vào thế kỷ XVII, thừa sai người Ý tên là Christoforo Borri nói đến Kemoi. Ông Francois Timoléon de Choisy, ghi
nhận vào ngày 30-1-1686, nói đến vùng phía Tây có Ké-moi đã triều cống
cho các vương Đàng Trong. Ông Marini Romain đến Đàng Ngoài có nghe nói
đến Rumoi, Rợ-Moi…
+ Vào thế kỷ XVIII,
các bản đồ của người Tây phương có ghi giữa vương quốc Chàm và
Campuchia có Kemoi. Danh xưng này kéo dài cho đến đầu thế kỷ XX, một số
sách của người Pháp cũng có phiên âm kiểu Pháp các cư dân trên vùng núi
Trường Sơn là “Mois”. Trong Đại Nam Thục Lục, tập I, tr. 172,
Viện Sử học, Hà Nội 1962, có ghi vào năm 1711, vùng Nam Bàn và Trà Lai
(Jrai) thuộc Hoả Quốc. Năm 1751, Thuỷ Xá và Hoả Xá triều cống cho triều
đình. Mãi cho đến năm 1848, các vua này được phong phẩm tước, không được coi như “Mọi, Rợ”… + Xem thêm ghi chú số 5 ở trên.
[10] Những danh xưng “Mọi” được định nghĩa và hiểu như thế nào?
- Pierre Pigneau de Béhaine – Bá Đa Lộc Bỉ Nhu, Tự vị Annam Latinh
(Dictionarium Anamitico Latinum 1772-1777), NXB Trẻ, 1999, dịch và giới
thiệu do Hồng Nhuệ và Nguyễn Khắc Xuyên, 1999, trong từ “Mọi” có nghĩa
“Người man di ở ranh giới Đàng Trong”.
- Theo Lm. Anthony Trần Văn Kiệm, Giúp đọc Nôm và Hán Việt, NXB Thuận Hoá, Huế 1999, trong từ “Mọi” được định nghĩa: “tiếng xưa gọi dân thiểu số Trung Việt”.
Để hiểu rõ hơn, xin đối chiếu từ “Man Di”.
x. Bá Đa Lộc, sđd, từ Di, tr. 115: Di: rợ mọi, rừng rú, từ Man di: rợ mọi (sđd, tr. 283).
x.
Lm. Anthony Trần Văn Kiệm, sđd, tr. 611: Từ “Man” có nghĩa là “tên Nam
Man (dân miền nam ngoài biên giới Trung Hoa”; từ “Di”: tên người Trung
Hoa ngày xưa gọi các dân ở Tây Nam bên ngoài biên cương Trung Hoa: Man
di”; “Tiếng xưa gọi người ngoại quốc”.
Theo như chúng tôi nghĩ:
từ ngữ “Mọi” rất có thể nó biến đổi từ gốc “Man Di” và được phiên âm
qua dấu hiệu viết của người Tây phương là các nhà thám hiểm, hoặc các
nhà buôn Tây Ban Nha, Bồ Đào nha, Ý, Hà Lan, Pháp từ thế kỷ XVII, thành
“Mo-ys, hay Mois, Kemoi”? Dù sao đi nữa, từ “Mọi” hoặc nó là một từ cổ
hoặc nó biến hoá từ phiên âm đọc của người ngoại quốc để sau cùng viết
thành từ “Mọi”, trong cả 2 trường hợp nó vẫn là một sinh ngữ và biến đổi
ý nghĩa từ một danh từ trong não trạng của một nước lớn đối với dân tộc
yếu kém nhiều mặt, nghĩa là chỉ những dân tộc sống ngoài đất nước Đại
Việt có hàng ngàn năm văn hiến, có tổ chức (theo nghĩa tầm nguyên các
từ: Man Di được Lm. Trần Văn Kiệm trình bày như chúng tôi đã trích dẫn
trên). Đặc biệt là từ khi thực dân Pháp muốn chiếm chỗ trên Tây Nguyên
đã khoét sâu xu hướng “kẻ cả” đó, gây chia rẽ, nên “danh từ “Mọi” càng
mang tính miệt thị, cũng như từ “Kẻ-chợ”, “Yuan” cũng nằm trong diện
biến đổi theo ý nghĩa bình thường qua ý nghĩa xấu. Bên cạnh đó, vào đầu
thế kỷ XX, khi người miền xuôi đến buôn bán với anh em dân tộc trong dãy
núi Trường Sơn, họ cũng thường gọi tên vùng đất, như lên Trà Cu (vùng
Pleiku), đến Trà-Ngao (vùng Bahnar Kontum).
[11] x. Lam Giang, sđd, tr. 33.
[12] Quách Tấn, sđd, tr. 332 gọi dân tộc vùng An Khê là Bà Nà.
[13] x. Jacques Dournes, sđd, tr. 2tt.
[14] x. Nghiêm Thẫm, sđd, tr. 77-78 có ghi:
“Trong
tờ trình đọc tại Viện Hàn Lâm Académie des inscriptions et belles
lettres ở Pháp năm 1903, Adhémar Leclère trình bày có tìm được Hiến
chương của Ngôi đền ở Samboc (Campuchia). Hiến chương này được làm vào
năm 1601. Trong Hiến chương có nhiều vấn đề và có nói đưa tặng phẩm 3
năm một lần. Vị Thống đốc tỉnh Samboc được uỷ nhiệm dâng các tặng phẩm cho 2 vị thủ lĩnh Jrai Hoả Xá và Thuỷ Xá”.
[15] x. Nghiêm Thẫm, sđd, tr. 81-82.
[16] x.
Nghiêm Thẫm, sđd, tr. 82: “Từ năm 1470, dưới triều vua Lê Thánh Tôn đã
lấy đất Chiêm Thành lập thành 3 nước: Chiêm Thành, Hoá Anh và Nam Bàn.
Lãnh thổ của Thuỷ Xá và Hoả Xá thuộc nước Nam Bàn. Nam Bàn là cao nguyên
Chiêm Thành khi xưa”. Xem thêm Tạp chí Dân tộc học, số 3/1990, tr. 71-72.
[17] x. Tài liệu Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện sơ tập, quyển 32, từ tờ 33 đến 46.
[18] x. “Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, Thiên Như Viễn”, quyển X và XIII; xem thêm Nghiêm Thẫm, sđd, tr. 10 (phần sau).
[19] Đặng Nghiêm Vạn – Cầm Trọng…, Các dân tộc tỉnh Gialai-Kontum, Hà Nội 1987, tr. 41.
[20] x. J. Kemlin, Tài liệu nghiên cứu “Alliances chez les Reungao”, BEFEO, tập X, số 3, tháng 7-9 năm 1910.
[21] x. Hlabar Tơbang của giáo phận Kontum, năm 1918, tr. 65-66; và năm 1917, tr. 45-48.
[22] J.B. Guerlach, L’ oeuvre néfaste, Sài Gòn 1906, tr. 27: “Huyện Hà Đông, phía nam Quảng Nam đã là các cuộc cướp
bóc của dân tộc thường xuyên xảy ra. Một số đông người xấu số hoặc do
các cha chuộc lại, hoặc do các người Kinh đã lập cư tại vùng dân tộc mua
lại (…)”.
- Xem thêm Dourisboure, Les sauvages Bahnars, tr. 151-152.
[23] Theo
tài liệu viết tay trước 1975 của Phú (người Tân Hương), Rơhai vào năm
1873 có 542 người. Theo tài liệu “Phong Giám mục cho Đức cha Jannin,
ngày 23-6-1933, tr. 12: số giáo dân năm 1870-1875 là 900 người tín hữu toàn vùng Truyền giáo Kontum.
[24] Theo sổ rửa tội quyển I của họ Phương Nghĩa, ngày 30-3-1910, là người mang số 45. Xem thêm Echos de la Mission,
của Vùng Truyền giáo Kontum, tháng 12-1947 và tháng 1-1948, tr. 7: Họ
đạo Phương Nghĩa hình thành giữa năm 1870 và 1880. Từ đầu đến năm 1963,
họ đạo Kontum Kơnam và Kontum Kơpơng là người dân tộc và Phương Nghĩa
người Kinh thuộc chung một giáo xứ là Kontum. Đến năm 1963, giáo xứ
Kontum mới tách thành 2 giáo xứ: một cho người dân tộc là KONTUM do linh
mục thừa sai Deschamps phụ trách chính xứ, còn Giáo xứ Phương Nghĩa
thuộc Cha Giuse Nguyễn Hữu Nghị chính xứ đảm trách.
[25] x. Dourisboure, Les sauvages Bahnars, tr. 255.
Cha Do cắt cử thầy Thám, em của ngài, phụ trách khai khẩn nông trường Dak-Tum và sau đó, năm 1856, cha Hoà
từ vùng dân tộc Pnong (Dak-Lak) về Rơhai, làm phó Cha Do và phụ trách
điều hành Dak-Tum (được đổi tên là KONTUM) cho đến năm 1861. Từ năm 1861
đến 1882, làng KONTUM không có linh mục trực tiếp coi sóc, trực thuộc
Rơhai. Từ năm 1882-1909: Cha Vialeton Truyền làm chính xứ KONTUM. x.
thêm Echos de la Mission, tháng 12-1947 và tháng 1-1948, tr. 7.
[26] x. Echos de la Mission, ngày 15-8-1948.
[27] x. JB. Guerlach, “L’Oeuvre néfaste”, Sài Gòn 1906, đề mục Cha Vialleton, Đại diện Quan Toàn quyền vùng Lào.
[28] x. Tài liệu về Phong chức Giám mục của Đức Cha Jannin, ngày 23-6-1933, lưu trữ tại Toà Giám mục Kontum, tr. 4-5.
[29] Hình
thành tỉnh DAKLAK. Chúng tôi xin ghi lại đây việc hình thành tỉnh
DakLak trong tài liệu của ông Dương Quốc Anh, “Việt Nam, những sự kiện
lịch sử 1858-1948, tập III, 1919-1935, Hà Nội 1988, tr. 87, như sau:
“Ngày 2-7-1923, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định lập lại tỉnh DakLak, đặt tỉnh lỵ tại Buôn-mê-thuột.
Tỉnh
DakLak vốn được thành lập theo NĐ ký ngày 21-11-1904; nằm trên địa bàn
Tây các tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà, lấy tỉnh lỵ Buôn-mê-thuột.
“Ngày 9-2-1913, TQĐD ra NĐ sáp nhập Đắc-Lắc vào tỉnh Công Tum và trở thành một Đại Lý hành chính.
“NĐ
ngày 2-7-1923 lập lại tỉnh Đắc-Lắc và tới NĐ của Khâm sứ Trung Kỳ ngày
5-6-1930, thì Buôn-mê-thuột trở thành thị xã. Các NĐ 11-12-1936 và
22-1-1940 xác định ranh giới giữa tỉnh Đắc-Lắc với các tỉnh Đồng Nai
Thượng (Di-Linh) và Phú Yên”.
[30] Dựa vào Địa Chí Gialai, Văn hoá Dân tộc 1999, tr. 44tt.
x. Đào Duy Quyền (chủ biên) Ngô Binh, “Văn hoá Truyền thống các dân tộc Kontum”, Kontum-Pleiku 11-1995, tr. 12.
x. Về GIALAI (Pleiku), Dương Quốc Anh, Việt Nam, những sự kiện lịch sử 1858-1948, tập III, 1919-1935, Hà Nội 1988, tr. 342, viết như sau:
“Ngày 12 tháng mười hai 1932, Bảo Đại ra chỉ dụ thành lập đạo Gialai (Plâycu).
“Đạo Gialai (Plâycu) vốn là hạt Trà Cu thuộc tỉnh Công-Tum nay tách thành một đạo riêng có một Quản
Đạo, một Kinh Lịch và ba Thừa Phai cai quản. Chỉ dụ này dựa vào một NĐ
của TQĐD ngày 24-5-1932 về việc thành lập tỉnh Plây Cu. NĐ này được bổ
sung thêm một văn bản ký ngày 4-3-1933 theo đó thì một phần đất đai
thuộc tỉnh Công Tum được tách ra, chủ yếu gồm Đại Lý Plây Cu (thành lập
theo NĐ ngày 24-5-1925, trở thành thị xã theo NĐ 3-12-29). Đến NĐ ngày
9-8-1943 tách thêm Đại Lý An Khê của Công Tum nhập vào Plây Cu. Như vậy,
tỉnh Plây Cu chia thành hai khu vực: khu người kinh là Đạo Gialai và
khu người Giơrai gồm khu vực Pây Cu và Cheoreo”.
[31] x. Đào Huy Quyền (chủ biên), Ngô Binh, Văn hoá Truyền thống các dân tộc Kontum, Kontum-Pleiku 11-1995, tr. 6.
[32] x. Niêm giám Thống kê 1997 tỉnh Kontum, tr. 20-21.
[33] x. Dourisboures, sđd, tr. 255.
[34] x. Lễ Phong chức Giám mục Jannin, ngày 23-6-1933, tr. 16 (lưu trữ tại Toà Giám mục Kontum).
[35] x. Lễ phong chức Giám mục Jannin, tr. 4-5.
[36] x. Jacques Dorurnes , “Pơtao une théorie du puovoir chez les indochinois Jơrai”, Plammarion, 1977, tr. 73.
[37]
Chúng tôi sẽ đề cập (khi có dịp) đường lối mục vụ của các Bề trên và
Giám mục về sự kiện “di dân người Kinh lên vùng Tây Nguyên qua nhiều
thời kỳ”.
Xem
thêm: Kemlin, “L’immigration annamite en pays moi”, imprimerie de
Quinhơn, 1923. Có thể tham khảo các bài trình bày mục vụ của Cha Jannin,
Cha Corompt và Cha Kemlin viết bằng Pháp ngữ vào thập niên 20-30 của
thế kỷ XX, bản đánh máy về đề tài định cư người Việt Nam trên vùng Tây
Nguyên, lưu trữ tại TGM Kontum. Và một số thư mục vụ khác của Đức cha
Phaolô Seitz Kim vào thập niên 50 của thế kỷ XX.
Nguồn : hdgmvietnam.org
Theo Xuanbichvietnam