Tim thông tin blog này:

Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014

Về từ "Mọi" và từ "Yoan"

Lâu nay chúng ta hay né tránh, kiêng kỵ việc dùng từ “mọi” để nói về bà con các dân tộc thiểu số quần cư trên dãy Trường Sơn. Bởi lẽ từ “mọi” thường được hiểu theo nghĩa mọi rợ, kém phát triển, thấp hèn v.v…
Từ đó có nhiều người thắc mắc, không hiểu tại sao hai vị học giả khả kính (là hai anh em ruột) Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi lại đặt tên cho công trình khảo cứu rất có giá trị của mình là“Mọi Kon Tum”? Đâu phải hai vị thiếu kiến thức, thiếu ý thức đến độ gọi người bà con thiểu số của mình là… “mọi rợ”?
Thắc mắc ấy được giải đáp ngay trong sách Mọi Kon Tum do nhà in Mirador ở Huế ấn hành năm 1937. Nội dung sách là những khảo sát, ghi chép của hai ông trong khoảng thời gian từ 25-7-1933 đến 30-5-1934, lúc hai ông được bổ lên làm việc tại Kon Tum. Do được viết và xuất bản rất sớm (lúc tỉnh Kon Tum còn bao gồm cả khu vực An Khê thuộc tỉnh Gia Lai ngày nay) như vậy nên văn phong, từ ngữ, cú pháp trong sách còn mang nhiều dấu ấn của thời kỳ chữ Quốc ngữ sơ khai.
Hai ông giải nghĩa từ “mọi” như sau: -“Gốc tích chữ “Mọi” ở đâu ra? Xét trong tiếng nói người Bahnar có tiếng “tơmoi” nghĩa là khách. Người Bahnar dùng tiếng ấy để chỉ những người làng khác hoặc bộ lạc khác đến làng hoặc bộ lạc mình. Ví dụ: người Djarai hoặc Xơđang đến xứ Bahnar thì người Bahnar kêu là tơmoi Djarai, tơmoi Xơđang, nghĩa là khách Djarai, khách Xơđang. Người Annam ta đến xứ họ, họ cũng kêu là tơmoi. Vậy theo thiển kiến chúng tôi thời tiếng “mọi” có lẽ ở tiếng “tơmoi” của người Bahnar mà ra, chứ không phải một tiếng mà người Annam có ý đặt ra để chế nhạo giống người ở trên rừng núi, như nhiều người nói. Có lẽ khi Annam mới giao thiệp với người Bahnar thường nghe những tiếng tơmoi Djarai, tơmoi Xơđang, tơmoi Bahnar vân vân… bèn bắt chước mà nói theo. Lần lần lại bỏ tiếng “tơ” mà chỉ giữ lấy tiếng “moi”, vì tiếng mình là tiếng độc âm. Sau lâu ngày tiếng “moi” hóa ra một tiếng chỉ tên chung cho cả dân thổ trước ở trên rừng về phía Nam, cũng như những tiếng “Mán, Mường” ở ngoài Bắc. Hai tiếng sau này cũng là tiếng của thổ nhơn mà ta dùng theo”.
Như vậy tiếng “mọi” ở đây không nhằm ám chỉ sự phân biệt, khinh miệt như lâu nay vô hình chung nhiều người đã nghĩ. Ngôn ngữ người Việt là tiếng nói đơn âm (độc âm) nên khi mượn từ ngữ của ngôn ngữ khác thường lượt bỏ bớt các âm phụ, chỉ chọn lại âm chính (trọng âm), rồi lâu ngày, do nhiều người, nhiều cách phát âm khác nhau, lệch chuẩn, thành ra một từ phổ biến, thông dụng. Ở đây, từ âm kép “tơmoi” chỉ còn lại âm đơn “moi” rồi thành ra… “mọi”! Một ví dụ khác: người miền xuôi gọi cây thông là thông, lên làm ăn sinh sống ở miền núi này nghe bà con Xơđang gọi là cây “hơngua”thì gọi theo, lâu ngày chỉ còn “ngua” rồi sau lại lệch thành “ngo”! Đối với các từ Anh, Pháp cũng vậy, ví dụ thấy anh nào ăn mặc chải chuốt, làm ra vẻ giàu có, sang trọng kiểu lai căng thì cho là… Mỹ hóa! Mà Mỹ đọc là… “Ơ-me-ri-ken” (American). “Ơ-me-ri-ken” nói riết chỉ còn “ken”, rồi “ken” biếng thành… “kẻng” khi nào không hay! (Cái thằng ăn diện “kẻng” quá!) V.v…
Chỉ có điều oái oăm là từ “mọi” tốt đẹp theo cách giải thích trên lại vô tình đồng âm với từ “mọi” của nghĩa mọi rợ, kém phát triển! Đâu phải ai cũng có điều kiện chịu khó tìm tòi hiểu biết cặn kẽ ngọn nguồn của nó? Từ đó dẫn đến việc đa phần chỉ hiểu theo nghĩa thông thường kia, khiến người Kinh ngại dùng đến và bà con thiểu số Tây Nguyên mỗi khi nghe được đều lấy làm khó chịu, mặc cảm! Có lẽ nên có cách truyền thông, giải thích sâu rộng để tất cả cùng nghĩ đúng về một từ ngữ đã bị hiểu nhầm lâu nay. Có phải sự hiểu nhầm này đã “được” để mặc sức kéo dài là do từ âm mưu “chia để trị” - chia rẽ dân tộc – từ thời mồ ma thực dân Pháp còn lưu cữu lại hay chăng?
Sách Mọi Kon Tum, ngoài những hạn chế nhất định về thông tin, quan điểm và nhận thức chung vào thời điểm ấy, thì đây là một tư liệu quý cho những ai quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử, văn hóa Kon Tum. Điều minh chứng cho ý nghĩa tích cực của từ “mọi” là các tác giả đã trân trọng bà con Bahnar ở Kon Tum như “khách”. Ngay trong lời dẫn đề vào sách, có những đoạn các ông viết: -“Mục đích của chúng tôi ở phần thứ hai nầy là muốn bày tỏ cho người đồng bang ta hiểu phong tục của giống người mà ta gọi… tiếng “Mọi”. Ta sẽ thấy tục lệ của họ chẳng những không mọi rợ chút nào mà trái lại có nhiều điều thuần túy hơn ta kia!
Trong khi tò mò điều tra phong tục của người Bahnar, một điều đã bắt chúng tôi phải lấy làm lạ - mà chắc các bạn độc giả cũng không khỏi ngạc nhiên – là có một đôi tiếng nói và ít tục mê tín của họ tương tự như của ta. Sự tương tợ đó chỉ là một sự tình cờ không đáng để ý đến, hay là một cái chìa khóa có thể mở cửa cho ta đi vào một con đường mới trong công cuộc khảo sát nguồn gốc xưa của nòi giống Việt Nam ta chăng”?
… Duy về bên người Nam ta, chúng ta nên làm thế nào cho xứng với lòng tin cậy của người Bahnar kia? Chỉ có một cách hay hơn hết là ăn ở thân thiện với họ, nghĩa là khi giao thiệp với thổ dân, chúng ta chớ thấy người ta kém hèn mà tỏ ra khinh khi, chớ thấy người ta chất phát mà thò ngón điêu xảo; chúng ta phải lấy bụng khoan dung và lòng trung hậu đối đãi với họ”…
Cái chất “thuần túy”, “chất phát”, “kém hèn” mà các ông nói ở trên được chính các ông cắt nghĩa một cách rất… giản đơn (và lý thú): -“Người Bahnar, cũng như các dân tộc khác, chắc không thoát khỏi cái luật pha lộn vừa nói trên. Tuy nhiên, mấy ngàn năm ở riêng một cõi trên dãy Trường Sơn, nhờ núi cao rừng rậm vây bọc và đường sá giao thông hiểm trở, thời có lẽ nòi giống họ còn được trong sạch đôi phần”.
Bên cạnh từ “mọi” còn có từ “yoan” mà nhiều người bảo rằng là tiếng xách mé của bà con thiểu số dùng để gọi về người Kinh với ý nghĩa phân biệt, hằn học, thù ghét! Thực tế có phải như thế không? Cũng trong sách Mọi Kon Tum này, hai vị học giả đáng kính có giải thích: -“Gốc tích tiếng này cũng như tiếng “mọi” rất mù ám… Có thầy trợ giáo Đerr, người Djarai kể chuyện cho chúng tôi nghe như vầy: theo các cụ già ở miền Cheo Reo thì tiếng “Yoan” là ở tiếng “đoan” của người Djarai mà ra. Đoan là nón. Người Djarai có “đoan” nhưng ít khi đội. Họ thấy Annam đi đâu cũng đội nón bèn đặt tên là “Đoan”, nghĩa là người đội nón. Sau dần dần họ nói trẹo ra “Yoan”. Các bộ lạc khác cũng bắt chước người Djarai mà kêu người Annam là Yoan”.
Rõ là một sự hiểu nhầm vừa vui lại vừa buồn! Nhưng lẽ nào cứ để sự hiểu sai, hiểu nhầm này kéo dài mãi trong khối đại đoàn kết cộng đồng các dân tộc Việt Nam?

Theo tác giả Nguyễn Văn Huy:
trích trong: Cộng đồng người Thượng trên cao nguyên miền Trung
Các tên gọi về người Thượng
Triều đình và người Việt Nam xưa gọi chung những sắc dân sinh sống trong vùng rừng núi, chưa thấm nhuần văn minh đồng bằng, là Man di, Thổ dân hay Liêu thuộc; khi chống lại trung ương thì bị gọi là rợ, loạn. Vào giữa thế kỷ 19, lần đầu tiên tiếp xúc với những sắc dân sinh sống trên cao nguyên Trường Sơn, người Pháp gọi chung tất cả là Mọi.
Theo Hoàng Lê Nhất Thống Chí của Ngô Gia Văn Phái, danh xưng mọi xuất hiện từ thế kỷ 18 khi Nguyễn Huệ mang quân ra Bắc phò Lê diệt Trịnh. Triều thần nhà Lê (Trương Tuân và Dương Trọng Tế) thời đó gọi quân Tây Sơn là quân Mọi. Sở dĩ có tên gọi này vì quân Tây Sơn đa số là người Thượng (đảm trách phần nhiệm tải người và vật dụng), kẻ nào cũng lưng đóng khố, tay cầm đòn ống, mình trần trùng trục. Chưởng Tiến, một lục lâm hảo hán thời đó, mắng quân Tây Sơn là lũ Hồng Mao, mọi lông đỏ vì trên đầu mỗi binh sĩ đều vấn vải đỏ và giắt lông chim (một phong tục của người Bahnar khi lâm trận).
Không biết danh xưng Mọi có từ bao giờ, người Pháp nói rằng người Việt đã gọi những sắc dân cư ngụ trên vùng rừng núi phía Tây đồng bằng duyên hải miền Trung là Mọi từ lâu đời, với nội dung kinh bỉ những người có đời sống còn man dã, dữ tợn. Ngày nay danh xưng Mọi tuy không còn phổ biến nhưng trong dân gian vẫn còn những biến nghĩa tiêu cực khi muốn hạ thấp nhân phẩm hay khinh miệt đối phương với những cụm từ: làm mọi (làm không công, làm tôi tớ), man mọi (kém văn minh), mọi rợ (dã man), thằng mọi (người không có văn hóa).
Trong thực tế danh xưng Mọi xuất phát từ lối phát âm của người Mường: Mơl, có nghĩa là người. Khi các giáo sĩ phương Tây đầu tiên đến Thanh Hóa vào cuối thế kỷ 16, họ đã dựa theo cách phát âm của người địa phương gọi những sắc dân sinh sống trên vùng rừng núi là Mwal, phiên âm ra theo tiếng la-tinh Việt ngữ hóa là mơ-oa l hay mơ-oai. Thật ra không có sắc dân nào tên mới cả, mỗi sắc dân đều có một tên riêng đi kèm, như Mơ Mường là người Mường. Khi cộng đồng người Việt từ các tỉnh Thanh Nghệ Tĩnh theo Nguyễn Hoàng vào Nam (tức miền Trung ngày nay) lập nghiệp đầu thế kỷ 16, họ gọi chung người miền núi là mơ-oai vì không biết đặt tên gì. Với thời gian, do cách phát âm riêng biệt của người Thanh Nghệ Tĩnh, danh xưng mơ-oai biến âm thành mọi. Từ đó về sau mới có các tên Mọi Ðá Vách (Hré), Mọi Hời (Hroi, Kor, Bru, Ktu và Pacoh), Mọi Ðá Hàm (Djarai), Mọi Bồ Nông (Mnong) và Bồ Van (Rhadé Epan), Mọi Vị (Raglai) và Mọi Bà Rịa (Mạ) để chỉ những sắc dân Thượng sinh trú ở phía Tây Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận và Biên Hòa.
Có người dùng chữ người Sơn Cước cho có vẻ văn minh hơn, nhưng danh xưng này bao hàm tất cả những cư dân bản địa sống trên vùng núi non hay cao nguyên miền Bắc lẫn miền Trung, do đó không thể dùng để chỉ riêng người Thượng. Người bình dân gọi tất cả những thổ dân không phải là người Việt có nước da ngâm đen sinh sống bên cạnh họ là người miền ngược, người miền núi, thượng bang, người thiểu số, người sắc tộc, v.v... Các chế độ chính trị gọi là đồng bào sắc tộc. Chế độ cộng sản còn đi xa hơn, đồng hóa danh xưng sắc tộc (ethnie) với dân tộc (nationalité) theo cách gọi của Liên Xô cũ và Trung Quốc; sắc tộc thiểu số đổi thành dân tộc thiểu số, mỗi sắc tộc là một dân tộc (dân tộc Rhadé...), chính vì thế ngày nay người Việt trong nước thường gọi chung người Thượng là người dân tộc (?).
Trong bài này tác giả sử dụng danh xưng Thượng, một cách gọi đặc trưng để chỉ những sắc dân sinh sống trên cao nguyên miền Trung, hay Tây Nguyên. Thượng có nghĩa là ở trên, người Thượng là người ở miền cao hay miền núi.

Về từ "Yoan" có lẽ là "Yuon" - xem bài:
  1. Yuon và người Việt: điều gì trong một tên ngoại dụng?

Tìm kiếm Blog này