16/01/2013
ĐỖ TIẾN THỤY
Một vóc hình bụi bặm và lam lũ bên chiếc xe máy Tàu ọc ạch cài hai bộ áo mưa, một chiếc cặp da to tướng trong chứa rất nhiều bản thảo, có mặt ở ngã tư đường phố từ lúc 5 giờ sáng và chỉ trở về khi phố xá không một bóng người.
Vẻ mặt anh lúc nào cũng ưu tư nhưng ánh mắt thì không ngừng ngớp lên ngớp xuống ngóng đợi. Có khách đi xe, anh cuống cuồng nhét vội bản thảo vào cặp , vù đi. ế, anh ngồi tần mần đọc sách, rồi lần giở những bài thơ cũ của mình gửi đi in báo mong kiếm chút nhuận bút còm độ nhật. Giữa chốn đầu đường, nom anh vừa lập dị vừa dễ thương. Bến thì khách ít xe nhiều, bạn bè yêu văn nghệ yêu mến anh muốn rủ đi uống cà phê hay đi nhậu anh nguây nguẩy lắc đầu từ chối vì sợ mất lượt của mình.
Nhà văn Trung Trung Đỉnh đã phải trả một cuốc xe ôm 2km với giá kỷ lục: Một trăm ngàn đồng, cốt để Tạ Văn Sỹ đi chơi cùng cho đỡ tủi. Nhà thơ Thu Bồn thuở trước mỗi lần lên Kon Tum đều “bao trọn gói” cả người cả xe của Tạ Văn Sỹ. Anh đi thực tế hay đi trại sáng tác nào thì chiếc xe thồ của anh được ban tổ chức “thuê” làm phương tiện . Anh kiêm luôn chân bưu tá cho Hội Văn học nghệ thuật Kon Tum với giá… “rẻ hơn bưu điện”.
Vật lộn mưu sinh như thế nhưng nhưng chưa bao giờ anh nguôi quên nỗi yêu thơ. Đồng nghiệp xe ôm gọi anh là Thằng trí thức nửa mùa. Dân yêu thơ đỡ hơn, gọi anh là Nhà thơ xe thồ. Anh không buồn bởi những cách gọi mách qué ấy. Nhưng anh buồn vô hạn khi bạn viết ở Kon Tum gọi anh là Nhà thơ ngủ quên, Nhà thơ xuống cấp, là Di tích thơ đã được xếp hạng, và…hết. Cũng chẳng trách được họ. Thì ai bảo anh nổi tiếng quá sớm, mười lăm tuổi đã có thơ tình đăng báo, ồ ạt một thời, đoạt vài giải thưởng khu vực rồi ngóm tắt luôn. Trong vô vàn lời kích bác mỉa mai cũng có những người thực lòng mong anh “tái xuất giang hồ”. Ai đó đi đâu về lại bảo anh: “Này, mấy nhà thơ ngoài Hà Nội hỏi là sao Tạ Văn Sỹ dạo này im ắng thế?”. Anh ậm ừ cho qua chuyện. Bạn bè có người ác khẩu: “Ông giờ viết lách gì nữa, ăn mày dĩ vãng thôi”. Nghe những lời ấy anh rơm rớm nước mắt nói như van nài: “Tao biết tao nhục lắm rồi, chúng mày không phải khích”. Thương anh quá nhưng chẳng biết làm sao. Cơm áo nó níu những hoài bão lớn đang ấp ủ của anh rồi. Còn đâu một Tạ Văn Sỹ với những câu thơ tài hoa một thời làm thổn thức bao trái tim yêu. Đã một thời tôi lỡ nói yêu em- Để xấu hổ suốt một thời trai trẻ?Anh tự trào chăng? Không, đấy là anh mặc cảm với thân phận mình. Người ta còn nhắc mãi chuyện một cô sinh viên Văn khoa Đại học Huế lặn lội lên tận Tây Nguyên, hỏi thăm mãi đến bến xe thồ thì gặp một gã đàn ông bẽn lẽn gãi đầu: “Tạ Văn Sỹ là…tui đây. Cô hỏi có việc chi?”. Cô gái kinh hãi trợn tròn mắt mà rằng: “Bác…cứ đùa”. Cô kinh hãi là phải, bởi trong suy nghĩ của cô, tác giả của nhưng câu thơ tài hoa kia phải là một người nho nhã thư sinh với mái tóc bồng bềnh lãng tử, chứ đâu thể là gã đàn ông xù xì thô tháp đen như cây củi cháy thế này. Một cái gì như thể thần tượng đổ rầm trong tâm tưởng, cô gái vùng chạy khỏi bến xe thồ như ma đuổi. Đứng nhìn bóng cô gái mất hút vào phố xá, nước mắt gã nhà thơ lặng lẽ chảy dài.
Những tưởng thế là hết một đời thơ, nhưng cái số anh là cái số Phải trả của vay bằng lãi suất ngôn từ. Có giấy mời dự trại của Hội Liên hiệp nghệ thuật, Tạ Văn Sỹ đắn đo cân nhắc: Đi, lấy tiền đâu tàu xe ra Hà Nội, tiền đâu nuôi 4 đứa con nhỏ lốc nhốc trứng gà trứng vịt và hai đứa con lớn đang học đại học réo tiền eo éo suốt ngày? Mà không đi thì tiếc quá, bởi đây là cơ hội dứt bỏ những toan tính tầm thường để sống với Nàng Thơ trọn vẹn. Thấy anh vò đầu bứt tai khổ sở, anh em văn nghệ Kon Tum xúm vào bàn bạc và cuối cùng đã đưa ra quyết sách: Về tiền xe, ông Giám đốc bến xe Kon Tum vốn mê thơ anh đã quyết định tài trợ cho một ghế khứ hồi. Còn tiền nuôi con, thôi thì phải biết tận dụng khai thác phương tiện, quẳng luôn xe máy lên mui ôtô mang ra Hà Nội…
Bạn bè văn nghệ bốn phương về dự trại thấy Tạ Văn Sỹ có ý định “cướp khách” với cánh xe ôm Hà Nội thì tá hỏa. Này ông ơi. Nhà thơ chúng ta vốn chân yếu tay mềm, địch làm sao được với cánh xe thồ ngoài này được. Tạ Văn Sỹ trợn mắt: “Sợ gì? Đứa nào muốn nếm võ Bình Định thì nhào dzô tranh cướp với tui”. Thấy chiều hướng có phần căng thẳng, anh em trại viên xúm lại bàn nhau đóng góp mỗi người một ít. Rốt cuộc thì chiếc xe máy của Tạ Văn Sỹ mang ra Hà Nội đã không phải dùng làm xe ôm nữa. Anh dùng nó cùng bạn bè ngao du Kinh kì, lên thăm Đất Tổ, ngược vùng Kinh Bắc…Và anh một mình một “ngựa sắt” rong ruổi trở về. Anh đã ghé thăm mộ nhà thơ Nguyễn Bính, ghé thắp hương trên mộ cụ Nguyễn Du…
Không biết có phải do nước non ngàn dặm cùng với tình bè bạn văn chương đã chắp cánh cho cảm xúc, hay ở trại Tạ Văn Sỹ trót ăn phải thứ gì mà về Kon Tum anh lao vào viết hừng hực như một mụ đàn bà mới hồi xuân. Gần mười năm ngủ quên, Nàng Thơ trong anh bừng tỉnh. Những nẻo đường bụi bặm với bao cảnh đời chìm nổi cộng với cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng cao nguyên đã làm nên một giọng thơ vừa đau đáu nỗi đời, vừa trữ tình nồng ấm. Ở tuổi năm mươi, thơ anh không còn bay bổng như xưa nhưng lại đằm sâu vào tầng vỉa nhân sinh:
Đời ba đâu biết cúi luồn
Quì đây làm ngựa cho con vui đùa
Với đời cha trật đường đua
Với con – yên trí ba chưa mỏi chồn…
(Làm ngựa cho con)
Hoặc:
Đời tôi như địa chất
tầng tầng trầm tích xưa
Suốt đời tôi khai quật
Tìm nỗi buồn ban sơ…
(Chân dung tự họa)
Thơ Tạ Văn Sỹ bắt đầu tung hoành trên các tờ báo lớn mà trước đây anh coi như những ngôi đền thiêng, một kẻ phàm không dám tự tin bước vào. Trong ba năm, anh in liền ba tập thơ Mặt đất, Cõi người, Trời xa. Vậy là thiên địa nhân đủ cả. Điều làm mọi người kinh ngạc là trong lúc thơ đang ế ẩm, anh không phải rao kiểu “ai mua thơ tôi bán thơ cho”, vậy mà thơ anh mỗi lần in hàng ngàn cuốn cứ bán veo veo, hết nhẵn. Nhiều độc giả ở xa lặn lội đến tận nhà anh để mua thơ, anh bí quá bèn đến những bạn bè thân đã được anh tặng thơ nói khó để…xin lại, rồi gò gẫm dùng bút “cứt cò” xóa phủ lời đề tặng, mang về tặng lại cho người ở xa. Vậy mà vẫn chưa đủ. Tại một trại viết, anh đã phải bấm bụng tặng hơn hai trăm cuốn nữa, có điều đó là những tập thơ…photo. Tin vui dồn dập đến, anh đoạt Giải Ba cuộc thi thơ lục bát trên Văn nghệ Trẻ, giải thưởng thơ đầu tiên của tác giả Kon Tum tại TW với chùm thơ ba bài: Thăm Nguyễn Bính, Vu vơ Kinh Bắc, Thơ tình tuổi bốn mươi. Có đà anh càng viết càng hăng. Đọc thơ của anh trên các báo mà thèm, chùm nào chùm ấy sai lúc lỉu. Và rồi một ngày kia, gã xe thồ bụi bặm đã hiên ngang bước chân vào ngôi đền thiêng có tên là Hội Nhà văn, rồi lại được bầu vào Ban chấp hành Hội Văn học nghệ thuật Kon Tum. Bạn bè ở xa cứ tưởng Tạ Văn Sỹ bây giờ “lên quan” rồi thì quên thủa hàn vi nên nhắn tin trách ngọt: Từ ngày anh trúng chấp hành- Bạn bè thời thấp ghế bành thời cao. Oan cho anh quá. Xuất thân từ nông dân, nghề nghiệp tự do, không bằng cấp, nên dù trúng chấp hành, Hội VHNT Kon Tum cũng không thể bố trí cho anh một suất làm việc, dẫu chỉ khiêm nhường làm một chánh văn phòng. Thế nên cái bến xe thồ nơi ngã tư Trần Phú- Trường Chinh ở thị xã Kon Tum vẫn in dáng một gã nhà thơ lầm lụi…
Nguồn: Nguyentrongtao
_____________