Tim thông tin blog này:

Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

Giữ Trường Sa trước tham vọng bá quyền (II)

Kỳ 4: Những cuộc đối đầu căng thẳng

(TNO) Giai đoạn cuối 1986 đến tháng 3.1988 là quãng thời gian đối đầu căng thẳng giữa ta và các lực lượng nước ngoài âm mưu chiếm đóng các đảo ở Trường Sa. Trong đó, tàu Trung Quốc nguy hiểm và hung hãn nhất.

Tàu chiến Trung Quốc (bên phải) cắt mũi khiêu khích tàu vận tải của ta trên vùng biển Cô Lin - Len Đao, tháng 5.1988 - Ảnh: Nguyễn Viết Thái
Tàu chiến Trung Quốc cắt mũi khiêu khích tàu vận tải của ta trên vùng biển Cô Lin - Len Đao, tháng 5.1988
“Tàu Trung Quốc xuống, bắn chìm 2 - 3 cái”
Thượng tá Lê Văn An (nguyên Chỉ huy trưởng khu vực, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân) vẫn nhớ như in tháng 10.1987. Khi đó, ông mới học xong lớp bổ túc cán bộ chỉ huy - Tham mưu Binh chủng hợp thành, Học viện Lục quân và tiếp tục nhận nhiệm vụ Đảo trưởng Trường Sa. Trong 1 chuyến công tác ra đảo, ông được Tư lệnh Giáp Văn Cương giao nhiệm vụ: “Tàu Trung Quốc nó xuống đây, cậu bắn chìm cho tớ 2 - 3 cái nhé!”.
Đảo trưởng An thật thà: “Nếu trong đất liền, giao bắn bao nhiêu xe tăng - quân lính, tôi cũng bắn được, vì đó là mục tiêu “động trong tĩnh”. Nhưng với mục tiêu tàu, tôi mới học chỉ huy binh chủng hợp thành về, nhiệm vụ này sợ không hoàn thành, cùng lắm chỉ bắn bị thương 1 - 2 chiếc thôi”. Tư lệnh Cương vỗ vai: “Cũng được, nhưng phải bắn trúng!”.
“Từ đầu năm 1986, anh em chỉ huy đã dự đoán sẽ có đụng độ ở Trường Sa”, thượng tá Lê Văn An kể lại và minh chứng: “Nhìn từ khâu huấn luyện bộ đội cho đến việc trang bị vũ khí - khí tài chiến đấu là biết ngay”. 
Mộ liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa, tháng 5.1988 (NVT)
Mộ liệt sĩ hi sinh tại Trường Sa, tháng 5.1988
Quả thật, từ tháng 10.1987, hoạt động của nước ngoài trên các đảo ở khu vực Trường Sa gia tăng đột biến. Nhiều tàu giả dạng đánh cá liên tục tiếp cận các đảo Sinh Tồn, An Bang, Đá Tây, Song Tử Tây, Trường Sa Đông...
Từ 16.5 - 6.6.1987, hải quân Trung Quốc tập trận. Ngày 14.12, Trung Quốc đưa đoàn tàu đánh cá gồm 14 chiếc xuống hoạt động thăm dò và đặt bia kỷ niệm ở 1 đảo. Giữa tháng 10 - 11.1987, Trung Quốc cho tàu Hải Dương 4 và một số tàu chiến đi qua khu vực đảo An Bang, Thuyền Chài, Trường Sa Đông, Trường Sa, Song Tử Tây (có lúc đi sát đảo của ta khoảng 1 hải lý)...
Ngày 24.10.1987, các đảo Trường Sa chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, tránh âm mưu khiêu khích. Đồng thời, Lữ đoàn 146 cũng nhận nhiệm vụ nhanh chóng đóng thêm 4 đảo (Tiên Nữ, Đá Lớn, Đá Tây, Chữ Thập).
Ngày 28.10.1987, tàu HQ-613 đưa một lực lượng công binh, phân đội chiến đấu ra đóng giữ đảo Đá Tây. Ngày 30.10 bộ phận chiếm đảo Đá Tây đã lên đảo làm nhà bạt, tàu HQ-613 neo ngoài để bảo vệ. Tuy nhiên, do sóng to gió lớn, tàu phải chở lực lượng Đá Tây về Trường Sa Đông.
Đến 27.11, bộ đội lại trở về trực ở đảo Đá Tây. Do nhiều lần sóng to tràn lên đảo, không đảm bảo an toàn, anh em phải về căn cứ Cam Ranh. Ngày 28.12.1987, tàu HQ-604 đưa bộ đội và vật liệu xây dựng ra đóng giữ và làm nhà cấp III ở đảo Đá Tây, đến ngày 18.8.1988 mới xong.
Với 3 đảo còn lại, kế hoạch đóng giữ theo dự kiến cũng bất thành, do thời tiết quá khắc nghiệt. 
Đối mặt
Đầu tháng 1.1988, Đảng ủy Quân chủng Hải quân nhận định: “Tình hình trên biển ngày càng phức tạp, Trung Quốc sẽ tăng cường hoạt động, thăm dò, trinh sát, tranh chấp chủ quyền, xâm chiếm một số đảo chìm xen kẽ với các đảo của ta hoặc hoạt động vũ trang khiêu khích đánh chiếm một số đảo của ta”.
 Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương bắn đạn thật, kiểm tra vũ khí của bộ đội Thuyền Chài, tháng 5.1988 (NVT)
Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương bắn đạn thật, kiểm tra vũ khí của bộ đội Thuyền Chài, tháng 5.1988
Đảng ủy chỉ rõ: “Nhiệm vụ bảo vệ vùng biển và quần đảo Trường Sa là nhiệm vụ quan trọng nhất và cũng vinh quang nhất trong năm 1988”.
Hoạt động đóng giữ các đảo lại gấp rút triển khai. Ngày 23.1.1988, tàu HQ- 613 chở lực lượng, vật liệu ra đóng giữ, triển khai làm nhà cấp III ở đảo Tiên Nữ, đến 6.2.1988 hoàn thành và bàn giao cho bộ đội đóng giữ đảo. Ngày 27.1.1988, tàu HQ-611 và HQ-712 do Lữ trưởng 146 Phạm Công Phán làm Biên đội trưởng và trung tá Nguyễn Văn Dân, tham mưu phó Vùng 4, làm biên đội phó, đưa 1 đại đội công binh và 2 khung đóng giữ đảo đi làm nhiệm vụ.
Bữa ăn trong giờ trực chiến của khẩu đội pháo trên đảo Phan Vinh, tháng 3.1988 (NVT)
Bữa ăn trong giờ trực chiến của khẩu đội pháo trên đảo Phan Vinh, tháng 3.1988
Ngày 30.1.1988, lữ trưởng Phán chỉ huy 2 tàu, từ Trường Sa Đông về đóng giữ đảo Chữ Thập (lúc này trung tá Nguyễn Văn Dân đi với HQ-07, làm nhiệm vụ tại Đá Lớn).
6 giờ ngày 30.1.1988, khi cách đảo Chữ Thập khoảng 5 hải lý, có 4 tàu chiến Trung Quốc ra ngăn cản không cho tàu ta tiếp cận đảo (có lúc chỉ cách tàu ta 300 mét) nên 2 tàu ta phải quay về Trường Sa Đông. 
Từ tình hình này, Quân chủng Hải quân ra lệnh: “Nêu cao cảnh giác sẵn sàng chiến đấu. Khi gặp tàu địch, tránh khiêu khích, bình tĩnh xử lý tình huống. Nếu địch nổ súng vào ta, thì kiên quyết đánh trả”.
Ngày 5.2.1988, tàu HQ-611 và HQ-712 cơ động đến Đá Lát, đổ bộ, triển khai làm nhà cấp III, đến 20.2.1988 thì xong và giao cho bộ đội bảo vệ đảo.
Công binh Hải quân xây dựng, củng cố đảo Phan Vinh, tháng 5.1988 (NVT)
Công binh Hải quân xây dựng, củng cố đảo Phan Vinh, tháng 5.1988
Ngày 13.2.1988, tàu HQ-505 kéo LVC-556 chở công binh, ra phối hợp với HQ-671 và HQ-701 đóng giữ đảo Đá Lớn (tàu HQ-07 cùng xây dựng và bảo vệ). HQ-505 cũng đến Trường Sa Đông, nhưng do sóng to gió lớn, tàu bị đứt 2 neo nên phải quay về.
Ngày 15.2.1988, HQ-701 được lệnh ủi bãi phía Tây Nam Đá Lớn. Tàu HQ-671 cũng ủi bãi, nhưng máy bị hỏng, phải neo đậu. HQ-505 đến Đá Lớn ngày 17.2 và đưa LVC-556 vào bãi cạn phía Nam Đá Lớn, để công binh triển khai làm nhà cấp III, đến ngày 13.3 hoàn thành.
Ý định của ta là khảo sát và đưa lực lượng đóng giữ Châu Viên từ 13.2.1988; sử dụng tàu HQ-851 khi cần cho ủi bãi để giữ đảo. Ngày 18.2, cả 2 tàu HQ-851 và HQ-614 cùng tiến hành khảo sát đóng giữ, nhưng do sóng quá to, tàu rê neo, tàu Trung Quốc ép tàu ta liên tục. Ngày 19.2, tàu HQ-851 lại hỏng máy, nên ta không thực hiện được kế hoạch đóng giữ Châu Viên.
Đại tá Nguyễn Văn Dân, nguyên Phó tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân, khẳng định: “Nếu tối 18.2, ngày 19.3.1988 mình không linh hoạt, cứ dập dình với mấy tàu của Trung Quốc, thì không lên được Đá Đông, đâm ra mất cả Châu Viên lẫn Đá Đông”.
Ông nhận định: “Đá Đông quan trọng hơn Châu Viên nhiều. Nó dài, có hồ trong đó, tàu bè vào trong đó đậu bình thường”. (Còn tiếp)
“Sáng 18.2.1988 là mùng 2 Tết, nhóm 9 anh em từ tàu HQ-614 đổ bộ lên Châu Viên cắm cờ. Vừa cắm xong thì gió mùa Đông bắc ùa về, kèm nước lớn khiến tàu HQ-614 bị trôi neo, tách khỏi đảo. Lúc này trời đã tối, tàu phải nổ máy chạy cạnh đảo, tìm cách kéo anh em ra.
Nửa đêm, Tư lệnh Hải quân ra lệnh: Sáng mai bằng mọi giá phải lên Châu Viên. Buổi sáng chuẩn bị lên thì 4 tàu chiến Trung Quốc kéo đến, quay pháo đe dọa nổ súng, khiến ta không lên được. Lúc ấy chúng tôi nghĩ Châu Viên là đảo nhỏ, không quan trọng bằng giữ Đá Đông, Đá Tây, Đá Lớn, Tốc Tan (những đảo lớn từ vài cây đến 30 km vuông). Thêm nữa, lực lượng của mình mỏng, phải tập trung vào các đảo lớn, không thể triển khai đến tất cả các đảo, bãi ngầm nhỏ”.
(Đại tá Nguyễn Văn Dân, nguyên Phó Tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân)
Mai Thanh Hải
Ảnh: Nguyễn Viết Thái

Kỳ 5: Quyết tử

(TNO) “Chiếm được Gạc Ma, phía Trung Quốc nhanh chóng làm nhà kiên cố nhiều tầng. Xong Gạc Ma, nó định đánh chiếm thêm vài đảo nữa, nhưng mình quyết tử ngăn chặn, nên nó không thực hiện được ý đồ”, đại tá Cao Ánh Đăng nói.  

Đảo Gạc Ma đang được Trung Quốc xây dựng thành đảo nổi rộng lớn (năm 2014) - Ảnh: Đình Quân
Vẹn nguyên Đá Tây
Đại tá Vũ Huy Lễ (nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 649 Vận tải Trường Sa) nhớ lại sự kiện sáng 14.3.1988, khi đang là thiếu tá, thuyền trưởng chỉ huy tàu HQ-505 lao lên bãi cạn Cô Lin bảo vệ chủ quyền: “Xung quanh Gạc Ma rất sâu bởi vực biển cả nghìn mét, hôm ấy chúng tôi tìm vết dầu của tàu HQ-604 bị Trung Quốc bắn chìm, nhưng mãi không thấy!”. 
Quanh câu chuyện địa hình địa vật Gạc Ma, đại tá Cao Ánh Đăng (nguyên Phó tư lệnh Vùng 4 Hải quân) kể đầu năm 1986, Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương đã dự định đi khắp các đảo nổi, bãi đá ngầm ở Trường Sa để trực tiếp khảo sát nông sâu - điều kiện thủy văn.
Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết bất thường, tàu thuyền cũ kỹ không đảm bảo an toàn chuyến đi, nên Tư lệnh Cương không thực hiện được kế hoạch. Công việc này được giao lại cho đại tá Đăng và chính ông Đăng đã có lần khảo sát tại Gạc Ma. 

Mít tinh phản đối Trung Quốc chiếm giữ một số đảo ở Trường Sa - Ảnh: Nguyễn Viết Thái
“Ngồi trên xuồng nhìn xuống cứ tưởng mắc cạn đến nơi, nhưng đưa dây đo sâu xuống mới biết là rất sâu và dây nghiêng lệch bởi dòng chảy xiết, ngầm bên dưới”, đại tá Cao Ánh Đăng nhớ lại.
Ông trầm ngâm: “Lúc ấy Trung Quốc tập trung nhiều tàu giả tàu cá ở khu vực Đá Tây. Đây là rạn san hô hình rẻ quạt, nằm theo hướng đông bắc - tây nam, diện tích khoảng 37 km vuông, ở giữa có một hồ lớn, rất thuận lợi cho việc neo đậu tàu thuyền nghỉ ngơi - tránh trú bão và nhất là tôn tạo thành khu vực liên hoàn quốc phòng - kinh tế, trung tâm của Trường Sa. Chính vậy ta tập trung đóng giữ, khiến Trung Quốc phải từ bỏ ý định chiếm Đá Tây”.
Cầm chặt Len Đao - Cô Lin
Đêm 13.3.1988, trong khi đang chỉ huy củng cố phòng thủ Đá Đông, đại tá Nguyễn Văn Dân (lúc đó là trung tá, Phó tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân) được lệnh chỉ huy lực lượng trên tàu HQ-614, hành quân gấp lên phía đảo Sinh Tồn. Do bị 2 tàu chiến Trung Quốc quấy phá, chặn đường nên mãi trưa 14.3, tàu HQ-614 mới đến được đảo Sinh Tồn. Khi đó, các tàu HQ-604, HQ-605 đã bị bắn chìm, HQ-505 của thiếu tá Vũ Huy Lễ đã lao lên Cô Lin.
Chiều và đêm 14.3, tàu HQ-614 đưa anh em thương binh từ các đảo Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin lên đảo Sinh Tồn để cứu chữa và báo cáo tình hình. Sáng 15.3, tàu HQ-614 ra vị trí tàu HQ-605, HQ-604 bị bắn chìm và theo vết dầu nổi lên, xác định được tàu HQ-605 chìm ở cạnh đảo Len Đao. Trưa 15.3, tàu HQ-614 vào khu vực Gạc Ma để tìm dấu vết tàu HQ-604, nhưng bị hai tàu khu trục của Trung Quốc ngăn cản, hung hãn đe dọa. 
 


Tàu HQ-505 trên bãi cạn Cô Lin (tháng 3.1988) - Ảnh: T.L
Đại tá Vũ Huy Lễ kể tàu HQ-614 neo gần chỗ tàu HQ-505 ở đảo Cô Lin, lập Sở Chỉ huy cụm 2 (Sinh Tồn) ngay trên tàu. Thời điểm này, ta chưa xây dựng được nhà ở trên Cô Lin và Len Đao, mà giữ chủ quyền Cô Lin bằng tàu HQ-505, giữ Len Đao bằng cờ cắm trên đảo và tàu trực HQ-614.
Liên tục trong thời gian dài, các tàu chiến Trung Quốc đe dọa, khiêu khích nhằm đẩy đuổi các tàu Việt Nam. Ban ngày, chúng kè sát bên quay nòng pháo như thể nhả đạn và bắc loa kêu gọi đích danh “thuyền trưởng Vũ Huy Lễ hãy đưa thủy thủ về bờ cho an toàn”, nhưng không dám đổ bộ chiếm đảo vì biết ta bố trí sẵn các tổ chiến đấu, sẵn sàng đánh trả, theo đại tá Lễ.
Nhiều đêm, tàu Trung Quốc tắt đèn, rì rì mò đến định dùng dây kéo tàu ta nhưng bị phát hiện. “Quân ta luôn bình thản, không mắc mưu khiêu khích của đối phương”, đại tá Vũ Huy Lễ khẳng định và cười: “Chúng tôi phân công hết rồi. Nếu nó nhảy sang, B40 sẽ bắn vào đài chỉ huy của tàu nó, còn AK cũng bắn mạnh luôn, mình có hy sinh thì nó cũng phải chết bao nhiêu đứa”... 
Tháng 9.1988 trở về đất liền, đại tá Dân đề xuất cách xây dựng đảo Len Đao với Tư lệnh Giáp Văn Cương: Len Đao có doi cát di chuyển theo mùa, khi thủy triều lên cao nhất là doi cát gần ngập. Nên kéo một tàu há mồm nhỏ ra, trên đó có sẵn nhà cao chân và các phương tiện lắp ghép.
Đại tá Dân đề nghị: “Buổi tối mình tập kết cạnh đảo, lúc thủy triều lên cao nhất thì mình đổ bộ, triển khai làm nhà luôn. Tàu Trung Quốc ở ngay đó, nhưng sẽ không kịp phản ứng, không có cớ để đánh mình”. Khoảng tháng 10-11.1988, lúc triều cường, việc xây dựng đảo Len Đao theo đề xuất của đại tá Dân được thực hiện thành công.
"Thiếu từ hạt gạo còn ngăn chặn được"
“Cái khó là Hải quân mình lúc đó còn yếu, không đánh lại nó nên phải khôn khéo để giữ. Đô đốc Giáp Văn Cương luôn dặn chúng tôi mưu mẹo trong giữ đảo”, đại tá Cao Ánh Đăng nhớ lại.
“Chiếm được Gạc Ma, phía Trung Quốc dùng kỹ thuật hiện đại và công binh hùng hậu, nhanh chóng làm nhà kiên cố nhiều tầng. Xong Gạc Ma, nó định đánh chiếm thêm vài đảo nữa, nhưng mình quyết tử ngăn chặn, nên nó mới không thực hiện được ý đồ”, ông Đăng khẳng định.
  
Chiến sĩ đảo Phan Vinh cảnh giác tàu Trung Quốc rập rình gần đảo (tháng 5.1988) - Ảnh: Nguyễn Viết Thái

Tư lệnh Giáp Văn Cương (đầu tiên, hàng 2) tham gia chào cờ với bộ đội đảo chìm Thuyền Chài (tháng 5.1988) - Ảnh: Nguyễn Viết Thái
Ít ai biết tháng 3.1988, phía Trung Quốc tung tin cho các Đài phát thanh nước ngoài “bắt sống 2 đại tá hải quân Việt Nam”, nhằm lung lạc ý chí bộ đội, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân.
Ngay sau đó, hai đại tá Lê Văn Thư (lúc đó là Tư lệnh Vùng 4 Hải quân) và Cao Ánh Đăng lập tức hành quân vào bờ, ra thẳng TP.Nha Trang tham gia cuộc họp báo, tố cáo hành vi chiếm đóng trái phép của Trung Quốc trước các phóng viên báo chí - hãng thông tấn trong và ngoài nước, xong lại ra ngay Trường Sa chỉ huy bộ đội củng cố, xây dựng các đảo.
“Hồi ấy thiếu từ hạt gạo cho đến miếng nước, mà chúng tôi còn ngăn chặn được âm mưu thôn tính của đối phương trang bị hiện đại, đông quân. Nữa là bây giờ, Hải quân ta đã chính quy - tinh nhuệ và hiện đại, thừa sức đập tan mọi hành động xâm phạm chủ quyền thiêng liêng Tổ quốc”, vị đại tá già trầm giọng, hướng mắt sang phía bên kia bờ vịnh. Nơi ấy Quân cảng Cam Ranh ken dày tàu pháo, tàu tên lửa, tàu ngầm hướng mũi sẵn sàng hướng ra địa đầu Tổ quốc: Trường Sa... (Còn tiếp).
“Năm 1988, ta cố gắng rất lớn nhưng cũng không xuể bởi phương tiện tàu thuyền thô sơ, ngay việc đi ra đến đúng đảo cũng chỉ nhờ kinh nghiệm. Ý chí, quyết tâm rất lớn, nhưng tiềm lực, khả năng hạn chế. Quần đảo Trường Sa quá rộng, các điểm đảo cách nhau rất xa, mình chủ trương đóng giữ tất cả các đảo, nhưng phải chú ý đóng giữ các đảo lớn, bãi chìm lớn trước, bãi nhỏ sau. Nhiệm vụ của tôi là xây dựng xong 2 nhà cao chân trên Đá Đông, thì lên Ga Ven, làm xong nhà ở Ga Ven, nếu còn lực lượng, phương tiện - vật liệu thì mới giải quyết nốt điểm Chữ Thập… Nhiều người thắc mắc sao mình không đánh lại ở Gạc Ma. Thực ra, mình không có phương tiện để đánh. Như tàu HQ-605, có 2 bệ pháo 40 ly của Mỹ đã cũ, bắn chắc gì đạn đã nổ. Thứ hai, tàu Trung Quốc nó đậu cách mấy hải lý, nó dùng pháo lớn bắn mình. Mình bắn lại, cũng không với tới. Trung Quốc muốn có chủ quyền bằng sức mạnh. Nếu lúc đó mình đưa tàu chiến ra, tình hình trở nên phức tạp hơn. Có thể xảy chiến tranh khốc liệt, hy sinh của mình lớn hơn. Vì Trung Quốc có phương tiện đầy đủ hơn. Nó đánh từ xa, phóng tên lửa từ xa, từ tàu tuần dương, tàu khu trục cỡ lớn”...
(Đại tá Nguyễn Văn Dân, nguyên Phó tham mưu trưởng Vùng 4)
Năm 1975, Việt Nam đóng giữ 5 đảo ở quần đảo Trường Sa gồm: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa.
Năm 1978, Việt Nam đóng giữ thêm 4 đảo: An Bang (10.3.1978), Sinh Tồn Đông (15.3.1978), Phan Vinh (30.3.1978), Trường Sa Đông (4.4.19878). Tổng cộng đến 1978, ta đóng giữ 9 đảo nổi ở quần đảo Trường Sa.
Ngày 5.3.1987, Hải quân Việt Nam đóng giữ đảo Thuyền Chài.
Trong chiến dịch CQ-88, trước ngày 14.3.1988, ta đóng giữ thêm 7 đảo: Đá Tây (2.12.1987), Tiên Nữ (25.1.1988), Đá Lát (5.2.1988), Đá Đông (19.2.1988), Đá Lớn (20.2.1988), Tốc Tan (27.2.1988), Núi Le (28.2.1988).
Ngày 14.3.1988, ta đóng giữ thêm đảo Len Đao và đảo Cô Lin.
Ngày 15.3.1988, chỉ 1 ngày sau sự kiện 14.3.1988, ta không lấy lại được Gạc Ma, nhưng đóng giữ thành công đảo Đá Thị, một vị trí rất quan trọng ở cụm đảo Nam Yết.
Ngày 16.3.1988, ta tiếp tục đóng giữ đảo Đá Nam. Tổng cộng trong chiến dịch CQ-88, ta đóng giữ 11 đảo chìm.
Tháng 11.1988, Hải quân Việt Nam bắt đầu đóng giữ, bảo vệ khu vực DK1 ở thềm lục địa phía Nam Tổ quốc.
Mai Thanh Hải

Kỳ 6: Từ thảm sát Gạc Ma đến mộng bá chủ biển Đông

(TNO) Sự kiện Gạc Ma “là cuộc thảm sát do lính Trung Quốc hung hăng gây ra. Trung Quốc không bao giờ có tình nghĩa đồng chí, anh em với Việt Nam gì cả mà họ sẵn sàng tiêu diệt ta vì quyền lợi của họ”, chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm khẳng định.


Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm - Ảnh: Trung Hiếu
Liên quan đến sự kiện Gạc Ma và cuộc đấu tranh bảo vệ Trường Sa của quân ta, Thanh Niên Online có cuộc trao đổi với chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, người trực tiếp phụ trách tác chiến của Quân chủng Hải quân khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đảo Gạc Ma ngày 14.3.1988.
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: Từ rất lâu, Trung Quốc có ý đồ muốn chiếm các đảo ở Trường Sa để làm chủ vùng biển phía Đông. Gạc Ma, Châu Viên, Chữ Thập là các đảo nằm ở giữa Trường Sa và giữa biển Đông. Cho nên âm mưu của Trung Quốc chiếm các đảo này là được tính toán từ trước. Các đảo mà Trung Quốc đang chiếm đóng có vị trí “cài da báo” với những đảo do Việt Nam quản lý.
Việc chiếm giữ các đảo này không những gây sức ép với Việt Nam và Philippines mà còn tạo chỗ đứng chân tại biển Đông ở phía Nam. Khi có lực lượng ở đây, Trung Quốc sẽ khống chế toàn bộ vùng biển từ eo biển Malacca qua Singapore, đi qua Đông Bắc Á, rồi Bắc Mỹ.
Sau năm 1988, khi chiếm xong đảo Gạc Ma, Trung Quốc bắt đầu xây dựng căn cứ trên đảo này. Hiện Trung Quốc đang tăng cường xây dựng ở Gạc Ma, rồi sắp tới là Chữ Thập, Châu Viên để biến ba đảo này thành một cụm đảo chi viện cho nhau như họ từng tuyên bố.
Khi ba đảo này trở thành một cụm thì toàn bộ căn cứ, cơ sở đóng quân ở Trường Sa của Việt Nam sẽ bị uy hiếp. Thậm chí các đảo của Philippines, Malaysia cũng bị đe dọa.
Ông đã ra Trường Sa bao nhiêu lần?
- Tôi đã có hai lần ra Trường Sa và phần lớn đi hết các đảo ở quần đảo này. Còn trước đó tôi ở Bộ tư lệnh Hải quân ở Hải Phòng, làm tham mưu phó phụ trách tác chiến theo dõi rất sát về tình hình Trường Sa.
 

Từ rất lâu, Trung Quốc có ý đồ muốn chiếm các đảo ở Trường Sa để làm chủ vùng biển phía Đông. Gạc Ma, Châu Viên, Chữ Thập là các đảo nằm ở giữa Trường Sa và giữa biển Đông. Cho nên âm mưu của Trung Quốc chiếm các đảo này là được tính toán từ trước. Các đảo mà Trung Quốc đang chiếm đóng có vị trí 'cài da báo' với những đảo do Việt Nam quản lý
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm


* Ông có thể kể về cuộc sống của bộ đội, hải quân ở Trường Sa sau 1975 và những năm mà ông phụ trách tác chiến của Bộ tư lệnh Hải quân?
- Năm 1984, ông Giáp Văn Cương thay ông Đoàn Bá Khánh làm tư lệnh Quân chủng Hải quân.
Khi nhận nhiệm vụ tư lệnh, thượng tướng Giáp Văn Cương đã đi một loạt các đảo ở Trường Sa, sau đó đề xuất với Bộ Quốc phòng về việc tăng thêm quân tại nhiều vị trí ở Trường Sa mà lúc đó ta chưa đóng. Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân đồng ý cho thêm quân đóng ở các đảo An Bang, Phan Vinh, Đá Tây…
Cuộc sống của bộ đội ở Trường Sa cuối những năm 70 và đầu 80 của thế kỷ trước rất gian khổ, thiếu thốn trăm bề. Thiếu thốn nhất vẫn là nước ngọt.
Hồi đó các đảo chưa xây dựng được hầm ngầm, chưa có dự trữ nước ngọt nên chủ yếu dựa vào các tàu tiếp tế. Mà hồi đó rất ít tàu tiếp tế có khả năng đi ra Trường Sa. Bộ đội ở Trường Sa còn thiếu rau xanh, quần áo. Thông tin liên lạc chủ yếu là đánh morse.
Sau này nhờ sự quan tâm của nhà nước, điều kiện cuộc sống của bộ đội ở Trường Sa dần được cải thiện.
Hi sinh ở Gạc Ma

Trung Quốc tăng cường xây dựng căn cứ trên đảo Gạc Ma - Ảnh: Mai Thanh Hải
* Do có vị trí quan trọng nên Trung Quốc luôn có âm mưu chiếm đóng Trường Sa để độc chiếm biển Đông. Vậy sau năm 1975 và những năm về sau, Trung Quốc có những hành động gì ở Trường Sa?
- Ngày 29.3.1975, khi giải phóng xong Đà Nẵng, đại quân của ta đang tiến về phía Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị với Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quan tâm tới các đảo ở quần đảo Trường Sa. Đại tướng đề nghị giao cho Quân chủng Hải quân và Quân khu 5 tổ chức lực lượng giải phóng Trường Sa.
Đầu tháng 4.1975, ta đã điều lực lượng vào Đà Nẵng. Lúc đó ông Hoàng Hữu Thái, Phó tư lệnh, tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, được cử vào Đà Nẵng để tổ chức lực lượng đi ra Trường Sa.
Sau này, một số anh em trực tiếp tham gia chiến dịch giải phóng Trường Sa cho biết khi ta giải phóng đảo Song Tử Tây, rồi Sơn Ca, đêm hôm sau có một số tàu không treo cờ lai vãng Song Tử Tây. Ban ngày, các tàu này cách đảo 2 - 3 hải lý nhưng khi nhìn thấy cờ Việt Nam treo ở đó rồi nên họ bỏ đi.
Tôi được biết một số lãnh đạo Trung Quốc từng phê phán lực lượng hải quân nước này nhát gan. Nếu hải quân Trung Quốc nhanh tay thì lúc đó các đảo ở Trường Sa có lẽ đã thuộc về Trung Quốc. Chính báo chí Trung Quốc chê hải quân nước này nhát gan để đến giờ họ hầu như “trắng tay” ở Trường Sa.
Cuối năm 1986 sang 1987, Trung Quốc cho quân trinh sát tất cả các bãi đá ngầm ở Trường Sa. Đầu tiên, họ dùng tàu cá sau đó là tàu quân sự nhưng không treo cờ hải quân để trinh sát. Ban đêm, họ thả người xuống các đảo khảo sát, rồi đặt bia chủ quyền lên một số đảo. Ban ngày, bộ đội ta dùng thuyền cao su đi kiểm tra, phát hiện nhiều bia chủ quyền do Trung Quốc thả ở một số đảo.
Tất cả những thông tin này đều được báo về Bộ Tư lệnh Hải quân. Từ đó, Bộ Tư lệnh Hải quân giao cho cơ quan chúng tôi vạch ra một kế hoạch tác chiến bảo vệ Trường Sa. Kế hoạch đó được đích thân tư lệnh Giáp Văn Cương báo cáo cho Trung ương vào tháng 8.1987.
Tháng 9.1987, kế hoạch được triển khai. Chúng ta tăng cường quân ở các đảo mà có khả năng Trung Quốc sẽ đánh chiếm. Tình hình biển Đông cuối 1987 đầu 1988 rất căng thẳng. Tư lệnh Giáp Văn Cương đã điều sở chỉ huy các cơ quan hải quân từ Hải Phòng vào Cam Ranh (Khánh Hòa).

Ngày đêm bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc - Ảnh: Trung Hiếu
Thời gian này, tướng Cương làm Tư lệnh Quân chủng Hải quân kiêm Tư lệnh vùng 4 hải quân. Trước đó, Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân Đoàn Bá Khánh được cử vào Cam Ranh làm chỉ huy trưởng vùng 4 hải quân.
Sau khi kế hoạch bảo vệ Trường Sa được thông qua, tháng 10.1987, chính tôi đã viết điện cho tư lệnh Giáp Văn Cương với nội dung vùng 4 chuẩn bị ngay lực lượng triển khai đóng các điểm như Chữ Thập, Đá Tây, Châu Viên, Tiên Lữ. Một đảo sẽ có 3 - 4 tàu để ra đóng giữ.
Tuy nhiên, lúc đó, tàu của lực lượng hải quân mỏng, sóng gió to nên phần lớn tàu không đi được. Cuối tháng 12.1987, vùng 4 hải quân mới cho quân ra đóng ở Đá Tây.
Tôi còn nhớ đại tá Nguyễn Văn Thư, tham mưu trưởng vùng 4 hải quân, đánh điện về với nội dung: “Báo cáo ông chủ, chúng tôi đã triển khai ổn định cái chợ (từ lóng để chỉ các đảo ở Trường Sa mà hải quân dùng để bảo đảm bí mật thông tin - PV). Mọi việc đều tốt đẹp”.
Nghe báo cáo xong, tướng Cương đôn đốc phải đóng quân ở Chữ Thập nhưng tàu ra 4 chiếc thì có 3 chiếc bị hư. Trong khi đó, Trung Quốc đã cho quân ra đóng ở Chữ Thập vào tháng 1.1988, ở Châu Viên vào tháng 2.1988. Khi mình đưa lực lượng ra đóng ở Chữ Thập, Trung Quốc cho tàu ra cản không cho mình vào. Ta và Trung Quốc quần nhau như vậy khoảng vài ngày. Tình hình ở Châu Viên tương tự.
Ở Gạc Ma, đêm 13.3.1988, mình cho mấy chục anh em công binh lên ở một góc đảo, phía bên kia Trung Quốc cũng đổ quân lên. Rạng sáng, Trung Quốc thấy cờ Việt Nam cắm ở trên đảo đã cho người tới nhổ cờ. Lúc này hai bên xảy ra đụng độ. Quân Trung Quốc dùng dao găm đâm người giữ cờ của ta là thiếu úy Trần Văn Phương và chiến sĩ Nguyễn Văn Lanh. Hai anh đã phản kháng lại. Ngay lập lức lính Trung Quốc bắn súng tiểu liên càn quét khiến các chiến sĩ của ta hi sinh hết. Đó là cuộc thảm sát vì ta chưa hề bắn một viên đạn nào.
Sau đó tàu hộ vệ của Trung Quốc đậu cách hai tàu vận tải 604, 605 của Việt Nam, dùng pháo bắn chìm cả hai tàu, khiến 64 chiến sĩ của ta hi sinh. Sau này khi quan hệ hai nước bình thường trở lại, ta đề nghị trục hai chiếc tàu đó lên nhưng Trung Quốc không cho.
Tôi không xem đây là trận hải chiến. Hải chiến là phải có bắn nhau, phải có đọ pháo. Còn ở đây trong khi Trung Quốc trang bị nhiều vũ khí, tàu chiến hiện đại còn ta không hề có một tàu chiến nào mà chỉ có tàu vận tải. Đó là cuộc thảm sát do lính Trung Quốc hung hăng gây ra. Trung Quốc không bao giờ có tình nghĩa đồng chí, anh em với Việt Nam gì cả mà họ sẵn sàng tiêu diệt ta vì quyền lợi của họ thôi.
Việt Nam phản đối, Trung Quốc cứ xây
Sau sự kiện Gạc Ma, Trung Quốc có quậy phá gì ở Trường Sa không?
- Sau khi chiếm được Gạc Ma, Trung Quốc cho xây dựng nhà cửa trên đảo. Chính phủ ta gửi công hàm lên án nhưng họ vẫn cứ làm. Nhiều lần Trung Quốc cho tàu cá xuống, vào sát các đảo của mình 1 - 2 hải lý khiêu khích mình. Đối sách của ta sau năm 1988 vừa lên án Trung Quốc nhưng cũng tránh đụng độ dẫn đến tổn thất không cần thiết.
Xin nhắc thêm về trận Gạc Ma. Sau khi xảy ra vụ thảm sát, ta có hai tàu chiến HQ 09 và HQ 11, trên mỗi tàu có bốn pháo 76 li, có thể bắn xa được 10 km. Đây là hai tàu chiến duy nhất của Việt Nam lúc này có thể đi ra được Trường Sa, lại đang đóng ở vùng Tư Chính, Ba Kè. Tướng Cương lệnh hai chiếc này đi lên Gạc Ma. Anh em tác chiến viết và phát lệnh ra nhưng trong lòng rất lo lắng vì lực lượng lúc này quá chênh lệch.
Tuy nhiên, khi tàu đi được khoảng 1 giờ, tướng Cương ra lệnh hủy việc điều hai tàu ra vùng Gạc Ma quay về vị trí cũ. Cùng lúc đó, tướng Cương ra lệnh viết điện gửi Bộ Tổng tham mưu xin cho máy bay Su xuất kích từ sân bay Cam Ranh ra Gạc Ma nhưng Bộ Tổng tham mưu không trả lời đồng ý cho máy bay ra hay không.
Bản thân tôi lúc này nghĩ đó là mẹo của tư lệnh trước diễn biến đang căng thẳng ở Gạc Ma. Sau này khi được hỏi tướng Cương cũng thừa nhận điều này. Thực ra lúc đó lực lượng ta quá mỏng so với đối phương.
Cảm ơn ông!
(Còn tiếp)
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm từng làm Phó tham mưu trưởng Hạm đội 171, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 61, Tham mưu phó phụ trách tác chiến của Quân chủng Hải quân, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam. Hiện ông là Chủ tịch Hội Khoa học - Kỹ thuật và Kinh tế biển TP.HCM.
Trung Hiếu
Nguồn: Thanhnien

Tìm kiếm Blog này