Đó là khoảng thời gian từ năm 1972 đến 1975. Một buổi sáng mùa thu, ba
tôi dắt tay tôi bước vào cổng trường. Biết bao cảm xúc xốn xang, lạ lẫm
của “ngày đầu tiên đi học”, đúng như dòng cảm xúc mà nhà văn Thanh Tịnh
đã tài tình nói hộ cho những đứa trẻ ngày đầu tiên đến trường. Vào Văn
Phòng mua sách tập đồ và viết chì xong, ba tôi đưa tôi đến lớp học. Tôi
bịn rịn rơi nước mắt níu áo ba tôi khi người quay về để lại tôi trước
thềm lớp học. Thế rồi có một Soeur đến vuốt đầu tôi và dẫn tôi vào lớp.
Đó là lớp Mẫu Giáo do cô Ngọc chủ nhiệm. Lên lớp trên, tôi còn được học
với cô Giáo và một vài Soeurs nữa…
Trường Thánh Têrêxa Tân Hương ngày xưa nguyên là ngôi trường do Cố Hiền
(Jules Alberty-cha sở giáo xứ Tân Hương 1913-1948) xây dựng từ năm
1931, tọa lạc trên khu đất bên hông phải nhà thờ Tân Hương. Đến đầu năm
1932, trường do các nữ tu Mến Thánh Giá Quy Nhơn lên phục vụ, dạy văn
hoá cho các em người Kinh lẫn Dân tộc. Đến niên khoá 1940-1941, trường
được chuyển giao cho các Nữ tử Bác ái Vinh Sơn phụ trách, mở các lớp xoá
mù chữ và tiểu học, dạy may, thêu, nữ công gia chánh…
Năm 1958, thị xã KonTum khá phát triển, dân số tăng nhanh, nhu cầu văn
hoá ngày càng cao, Toà Giám Mục Kon Tum quyết định mở rộng trường tư
thục Têrêxa, nâng lên bậc Trung học, xây mới lại hoàn toàn cơ sở trường
lớp ngay tại vị trí trường PTTH Kon Tum bây giờ. Năm 1958 cũng là năm
hội dòng Thánh Phaolô đáp ứng lời mời gọi của Đức Giám Mục Giáo phận
Paul Seitz Kim, gởi các nữ tu lên Kon Tum phục vụ. Đức Cha liền giao cơ
sở trường Têrêxa mới này cho các Soeurs Phaolô quản trị. Nhà các Sơ (tu
viện) là một toà nhà hai tầng toạ lạc liên thông với nhà trường nên rất
thuận tiện trong việc điều hành. Cộng đoàn của các Soeurs vì vậy mà cũng
mang tên Thánh Têrêxa (Hài Đồng Giêsu), vị thánh nữ truyền giáo bằng
cuộc đời nhỏ bé, thầm lặng nhưng kết hiệp thâm sâu với Chúa Giêsu.
Lớp học Trường Trung Tiểu Học Thánh Têrêxa trước năm 1975
Trường
có đầy đủ tiện nghi cần thiết cho việc dạy và học. Ngoài một văn phòng
nơi cung cấp sách vở, dụng cụ học tập, còn có một hội trường khá lớn có
sân khấu. Cứ đến cuối năm học, trong buổi lễ tổng kết phát thưởng, các
lớp đều tham gia diễn văn nghệ tại sân khấu này. Ba dãy lớp học thoáng
rộng, có sân chơi với những hàng cây phượng và huynh diệp râm mát. Sỉ số
mỗi lớp học hợp lý, không quá đông…Ngoài các môn học chính khoá, nhà
trường còn có các lớp nữ công gia chánh do chính các Soeurs hướng dẫn
như thêu đan, làm hoa giấy, cắt may… và nhiều việc thủ công khác. Cách
tổ chức và quản trị học vụ của quý Soeurs Têrêxa thời ấy thật hoàn hảo,
kỷ luật học đường nghiêm chỉnh, đội ngũ giáo sư uy tín…
Tôi còn nhớ mãi hình dáng nhỏ nhắn, nét mặt hiền hậu của Bà Nhất Hiệu
trưởng Marie Paul Võ Thị Mỹ. Tôi không sao quên được chữ ký đậm chắc đầy
uy lực của Bà Nhất Hiệu trưởng trong Thông Tín Bạ (Học Bạ bây giờ) và
trên Bảng Danh Dự (một loại giấy khen) cấp hàng tháng cho các học sinh
có vị thứ nhứt, nhì, ba trong lớp. Tôi vẫn nhớ cảm giác vui sướng mỗi
khi được xướng tên lên cột cờ lãnh Bảng Danh Dự. Đó thật sự là niềm hãnh
diện đối với bạn đồng học tại trường, còn khi về nhà thì đem trình khoe
với ba má và ông nội để được ông thưởng cho 5 đồng xu ăn quà. Tôi nhớ
cả gương mặt các Souers dạy học hay giám thị như bà Bernadette,
Madelenne…
Mặc dù rất bận rộn với công tác học đường, các nữ tu vẫn không quản
ngại hết mình phục vụ trong những công tác tông đồ tại giáo xứ Tân
Hương. Không những chỉ dạy văn hoá, các nữ tu còn chăm sóc đời sống tinh
thần, đạo đức và dạy giáo lý cho các em. Vào thời đó, mỗi sáng Chúa
nhật chúng tôi được học giáo lý bên trường Têrêxa, do các nữ tu và một
số giáo lý viên giáo xứ hướng dẫn. Sau mỗi giờ giáo lý bên trường, chúng
tôi được hướng dẫn đi theo hàng trật tự sang nhà thờ dự thánh lễ dành
cho thiếu nhi, ngang qua một cánh cổng nối liền phía sau nhà thờ. Sơ
Nghĩa, Sơ Huê…là những người đã ươm mầm đức tin tuổi ấu thơ, đưa chúng
tôi đến với bí tích Thánh Thể qua lớp xưng tội rước lễ lần đầu, và những
lớp giáo lý tiếp theo.
Về
sau tôi được biết thêm những điểm nổi bật nhất trong những năm phát
triển của cộng đoàn Têrêxa Tân Hương là những công tác tông đồ trong
giáo xứ: dạy giáo lý thiếu nhi, giáo lý hôn nhân, sinh hoạt Nghĩa binh
Thánh Thể, đạo binh Đức Mẹ (Legio Mariae), phụ trách ca đoàn, lo phòng
thánh, thăm viếng an ủi các gia đình, những người già yếu bệnh hoạn và
dạy tân tòng…
Sau
1975, tôi phải tạm xa ngôi trường yêu dấu, vì ngôi trường đã bị Nhà
Nước trưng thu. Các Sơ Têrêxa cũng không còn quản trị học vụ tại trường
mà buộc phải âm thầm lui về tu viện, bắt đầu cuộc sống mới trải qua biết
bao thăng trầm…Từ đây, ngôi trường thuộc quyền Nhà Nước được sử dụng
làm trường Cấp 3, không còn dành cho cấp tiểu học.Tôi cũng phải bắt đầu
cuộc đời đi học đầy gian khổ qua nhiều ngôi trường khác nhau như trường
Ngô Quyền (trường Công-Kon Tum cũ, lớp 3), trường Quyết Thắng 3 (Bồ Đề
cũ, lớp 4), trường tạm Nông Lâm Súc (trại Nguyễn Huệ cũ, lớp 5), trường
Lý Tự Trọng (Hoàng Đạo cũ, lớp 6 đến 9). Lên cấp 3 tôi mới có dịp học
lại trường Têrêxa, vẫn mái ngói tường vôi cũ rêu phong và những hàng
phượng nay đã già cỗi lại tiếp tục cùng tôi lèo lái con đò học vấn. Vào
những buổi tan học hay những giờ ra chơi ngồi suy nghĩ vẩn vơ, nhìn về
hướng nhà các Soeurs bị ngăn cách với ngôi trường bởi một tường rào phủ
kín dây leo hoa tigôn, những kỷ niệm thuở đầu đời đi học lại hiện về,
không chỉ là những hoài niệm, mà cả sự kính phục mến yêu đối với những
con người đã nguyện hiến trọn đời mình cho việc truyền giáo, mà quý
Soeurs Têrêxa như những “kỹ sư tâm hồn” giúp khai mở và vun trồng tri
thức-đạo đức làm người.
Ngày nay, các nữ tu Phaolô – cộng đoàn Têrêxa Tân Hương vẫn tiếp tục sứ
mạng truyền giáo, luôn vui vẻ nhiệt thành phục vụ, góp phần xây dựng
giáo xứ và giúp cho giáo hữu Tân Hương được sốt sắng và đến gần Chúa
hơn, đồng thời mở rộng địa bàn phục vụ đến những anh chị em vùng sâu
vùng xa, các làng dân tộc. Xin cảm ơn quý Soeurs thật nhiều! Xin cảm ơn
Têrêxa – ngôi trường ngày ấy…
Trường PTTH Kon Tum ngày nay
---o0o---
Nhân kỷ niệm 50 năm hiện diện và phục vụ
tại giáo xứ Tân Hương – Kon Tum
của quý nữ tu dòng Thánh Phaolô, cộng đoàn Têrêxa.
Phêrô Lê Minh Sơn/ Krongblah