Tim thông tin blog này:

Thứ Năm, 12 tháng 3, 2020

Tại sao người ta nói “Ngậm ngải tìm trầm”

Xin phép được trích lại bài viết rất hay và đầy đủ của 1 anh khách hàng ViP rất tâm huyết với Trầm Hương. Mọi người đón đọc cho biết thêm tại sao có người ta nói “Ngậm ngải tìm trầm” nghề trầm nghề gian lao vất vả & nguy hiểm lắm
Tôi xin được trích:
“Người Khánh Hòa, nhất là người đi địu, tin rằng trầm hương là của Bà Thiên Y A Na. Bà cho ai thì người ấy được. Bằng Bà không cho thì dù đứng một bên cũng không tìm thấy. Có đôi kẻ có phước, không cố tâm đi tìm mà tự nhiên bà cho hưởng lộc.
Bởi vậy trước khi đi tìm trầm, người đi địu phải dâng lễ cầu khấn Bà, và trong những rừng nào có nhiều cây gió đều có miếu có am thờ Bà do những người đi địu lập, để tiện việc cúng kính trước khi nhập lâm.
Người đi địu toàn là đàn ông vì đàn bà một là không thể xông pha nơi rừng sâu núi thẳm, hai là người nhà nghề tin rằng trầm hương kỵ khí âm.
Bởi dẫn thân vào nơi nguy hiểm, người đi địu rất thận trọng. Ngày ra đi phải lựa chọn kỹ càng. Chẳng những là ngày lành mà còn phải hạp với người cầm đầu tục gọi là Địu Bầu.
Mỗi Ðịu Bầu có một tốp riêng và mỗi tốp có một khẩu hiệu riêng để biết được đi và về ra khỏi trùng đường cùng các tốp khác.
Ði tìm trầm phải đi lâu ngày và phải vào sâu trong rừng trong núi. Nên ngoài lương thực chuẩn bị đầy đủ, người đi địu phải mang theo thuốc trừ lam chướng, trị bệnh hiểm nghèo và phòng rắn rít. Thuốc đó gọi là Ngải.
Ngải là một loại thảo giống như cây nghệ cây huỳnh tinh, cao chừng một thước, củ giống như củ riềng, bên trong hơi vàng và bay mùi long não.

Có nhiều giống. Giống người đi địu dùng là giống rừng tục gọi là ngải mọi.
Họ lấy củ về chế ra thuốc.
Cách chế thế nào chỉ riêng người địu bầu biết mà thôi. Có người bảo rằng chính địu bầu cũng phải mua nơi người Chăm, vì chỉ người Chăm mới biết chế.
Khi vào rừng, người đi địu phải ngậm ngải vào miệng. Cho nên tục có câu “Ngậm ngải tìm trầm”.
Người đi địu tìm ra trầm nhờ ngửi thấy mùi hương, và nhờ nhận thấy hình thù cây gió “có lộc”. Nhưng nhiều khi ngửi thấy mùi hương đó mà tìm không ra cây trầm hương. Lắm khi nhìn thấy dấu trầm hương phát hiện rõ ràng, mà khi đốn cây xuống, bửa ra, lại chỉ thấy dăm với gỗ gió.
Cho nên nhiều khi đi không rồi cũng về không.
Cũng có lắm người một đi không trở lại.
Truyện rằng có người vào rừng lâu ngày hết ngải, không biết đường về, lần lần hóa thành cọp.”
Hết trích
Ngậm ngải tìm trầm là vậy. Tôi nghĩ nó kiểu như một chất, có khả năng tinh cường khứu giác; giúp thợ rừng ngửi được mùi trầm dễ hơn, tăng khả năng thành công.
Còn Thiên Y A Na, tức là bà Po Nagar, tháp Bà ở Nha Trang là bà này.
Tôi trích:
“Đến Yjatran, Bà dùng phép hóa ra cung điện nguy nga, hóa ra trầm hương, kỳ nam, các giống gỗ quý và lúa bắp. Để cúng Trời, Bà tung lên mây một hột lúa. Lúa mọc hai cánh trắng như hai mảnh bạch vân, bay ở giữa không trung. Bà lại đốt một phiến trầm hương, khói thơm tỏa lên cao vút, đỡ hột lúa có cánh về dâng cúng Trời.
Nơi hậu cung Bà có 97 ông chồng. Nhưng chỉ có ông Pô Yan Amo là có uy quyền và được trọng vọng hơn cả. Bà sanh được 38 nữ thần, người nào cũng xinh đẹp. Song chỉ có 3 người được Bà ban cho nhiều quyền phép là Pô Nogar Dara, Rarai Anaih, nữ thần vùng Phan Rang, và Pô Bia Tikuk, nữ thần vùng Phan Thiết.”
Thực tế đi địu trầm như sau
“ Khi đi họ kết thành từng nhóm nhỏ gọi là bầu, mỗi bầu từ 3 đến 5 người. Họ có bầu trưởng là người có kinh nghiệm đi núi rừng, đăc biệt là tài sáng rừng tức tài nhớ đường đi lối về không bị lạc. Thường họ hẹn khoảng 7 đến 8 bầu đóng gần nhau trong một vùng núi, để tối lửa tắt đèn có nhau. Họ kiêng cử không nói những từ có nghĩa nặng nề xui xẻo và thay thế bằng những từ khác rất là lạ ví dụ:
Gạo họ gọi là mễ (nếu muốn hỏi đi kiếm đủ gạo hay đủ ăn không họ sẽ hỏi “đi đủ mễ không”.
Đi thất bại không kiếm được gì: gọi là sót trắng
Muối: diêm
Té ngã: nhiễu
Đau bệnh: xe
Chết ( tử ): chẩu ( đau bao tử = xe bao chẩu)
Nấu nướng: hong
Ăn: sóc
Đi lạc: lục xín
Con Cọp: Ông rằn ri hay ông Thủy quân lục chiến
Con Rắn: Ông râu dài
Con Gấu: Hiệp sĩ áo đen
Con Voi: Ông lớn
Con Heo rừng: Ông nhũi...
Vì kết thành bầu nên dù tin hay không tin, kiêng cử hay không đều phải nói năng hành xử giống nhau để tránh phật lòng người khác, cũng như khỏi mang họa vào thân. Lâu ngày thành thói quen, khi ra khỏi rừng rồi hay khi đã về với gia đình họ vẫn quen dùng những danh từ rừng núi nghe rất buồn cười. Chẳng hạn sợ con vấp té họ kêu lên “ coi chừng... nhiễu”, hoặc hỏi: “ con gà... chẩu rồi hả”- nghĩa là chết rồi hả?...
Mỗi chuyến đi thường từ vài ngày đến cả tháng. Đi gần thì 4 đến 6 ngày, mang theo khoảng 20kg đồ dùng. Đi xa như Gia lai, Kon tum, Sông Bé và xa hơn nữa là Lào, Campuchia, mang theo 40 đến 60kg cho 20 ngày đến một tháng.
Chuẩn bị cho chuyến đi họ gọi là sắm chuyến, gồm những dụng cụ cần thiết như búa rìu, dụng cụ soi trầm, chăn mền. Thực phẩm như gạo muối, thức ăn mặn để dành được lâu, đường đậu, dầu lửa, thuốc men...vv. Đi núi nhiều, họ thấy rằng rừng sâu núi thẳm chẳng có gì là huyền bí. Họ đi như đi chợ, thậm chí thời gian ở trên núi nhiều hơn ở nhà.
Họ dừng nghỉ qua đêm ở những nơi có nước (bờ suối) đốt lửa dựng trại tạm nấu ăn và ngủ. Nếu không làm trại chỉ tìm cách ngủ đỡ qua đêm gọi là ngủ khỉ, ngày sau sẽ đi tiếp. Khi đến điểm dừng chính, họ chặt cây làm trại, làm sạp để nằm ngủ (sau này để tiện và lợi họ nằm võng chứ không làm sạp nữa). Sau khi ổn định nơi ở, việc đầu tiên là đi dạo tức là đi kiếm cây gió. Cây gió là loại cây có thớ gỗ tương đối mềm, hơi trắng ngà, có hai loại: gió bầu và gió me. Gió bầu cho loại trầm tốt hơn có vỏ hơi bạc trắng lốm đốm màu rêu xanh.
Dạo tìm gần chỗ đóng trại gọi là dạo loanh quanh, dạo tìm xa gọi là dạo khơi. Khi tìm được cây gió, bất kể cổ thụ hay cây nhỏ họ đều dò tìm dấu của trầm ăn ( trầm hình thành) trong lỏi cây. Họ sẽ tìm theo lỗ kiến đục trong thân cây hoặc vạt dần thớ gỗ bên ngoài để tìm dấu của trầm. Loại trầm kiến sinh tức tự sinh, tự hình thành, không do tác động của các loài kiến đục vào thân cây, gây nên sự tiết dầu hương của cây thì dày và tốt hơn loại trầm dươc tạo nên do đường kiến đục.
Sau khi hạ đổ cây gió, theo lỗ kiến đục hay theo dấu trầm ăn. Họ dùng búa, rìu cắt xa ra một chút để tránh làm bể ổ trầm. Vạt dần lớp da bên ngoài một cách cẩn thận, họ mang những khúc gỗ gió có trầm về trại cất dấu và sẽ làm công việc “soi” trầm vào ban đêm.
Dụng cụ soi (đục, khoét, gọt để lấy trầm) gọi là dũm, có hình dáng như những chiếc dao tỉa hoa củ của các bà nội trợ. Những mảnh sắt được nung kỹ uốn cong như móng tay, mài bén gắn chắc vào cán gỗ nhỏ dài hơn gang tay.
Làm trầm đã khó, bảo quản, cất dấu, mang về được toàn vẹn còn khó hơn. Thường họ phải để dành thức ăn để có đủ ăn trên đường đi ra khỏi núi rừng. Nếu vì mất quá nhiều ngay hơn dự định ở lại trong núi vì gặp cây gió tốt, sẽ bị thiếu thức ăn trên đường ra. Họ phải chia sẻ lại một ít trầm kiếm được cho bầu mới vào, hoặc chỉ cây gió họ làm chưa hết cho bầu mới hưởng sái để đổi lấy thức ăn cho những ngày rút quân.”

Nguồn:

Tìm kiếm Blog này