Kon Tum là tỉnh nằm ở
cực bắc Tây Nguyên, thuộc cao nguyên Trung phần. (Cực nam là tỉnh Đăk
Nông, đông nam là Lâm Đồng, khoảng giữa là 2 tỉnh Gia Lai và Đăk Lăk).
Theo tiếng đồng bào Ba-na bản địa: Kon có nghĩa là buôn, làng, vùng
đất... Tum nghĩa là ao hồ, đầm lầy... Đây là vùng trũng dọc theo lưu vực
sông Đăk Bla, có nhiều ao chuôm nên được gọi nôm na như vậy. Vị trí địa
lý: Bắc giáp Quảng Nam, đông giáp Quảng Ngãi, nam giáp Gia Lai, tây
giáp tỉnh Ratanakiri - Kampuchia và 2 tỉnh Sê Kông, Atôpơ - Lào. Đây là 1
trong 2 nơi của Việt Nam có ngả ba biên giới. (Nơi còn lại là Điên Biên
giáp Lào và Trung Quốc).
Một
"nỗi buồn" và khó chịu vô cùng của người Kon Tum lâu nay là tên gọi địa
phương mình luôn bị viết sai, đọc sai! Sai trên sách báo, trên đơn thư,
công văn v.v... Các kiểu viết sai là: Kông Tum, Công Tum, Kom Tum, Con
Tum, Kum Tum, Kon Tom v.v... Thậm chí còn viết 2 từ Kon và Tum liền nhau
thành Kontum như một từ đa âm tiết của các ngôn ngữ nước ngoài! (Giống
như thành phố Plei Ku của tỉnh Gia Lai, bây giờ luôn "bị" viết liền là
Pleiku! Thật ra Plei nghĩa là "làng" và Ku là "cái đuôi trâu" theo một
truyền thuyết của bà con ở đấy chứ không phải một từ đa âm).
Kon
Tum có lẽ là tên tỉnh bị viết sai, gọi sai nhiều nhất nước! Có vài tỉnh
cũng bị sai như vậy, nhưng ít kiểu dạng hơn. Ví dụ Bắc Kạn thì chữ Kạn
có khi thành "Cạn". Đấy là chưa nói chữ Bắc có thể là "Pắc" - như Pắc Bó
- vì đây là âm tiếng Tày, có nghĩa là "cửa ngõ". Tỉnh Lao Cai là biến
âm từ Lão Nhai, có nghĩa là "phố cũ", sau khi chia tách tỉnh Hoàng Liên
Sơn ra thì thành Lào Cai. Tỉnh Đăk Lăk thì thành Đắc Lắc (âm "K" theo
cách phát âm của đồng bào ở đây không như âm "C"!)... Các tỉnh có dấu
hỏi dấu ngã cũng thường bị sai dấu, ví dụ Hà Tĩnh thành Hà "Tỉnh", rồi
Quảng Ninh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi có khi thành
"Quãng"...
Việc
viết sai chính tả là điều khó tránh khỏi, có khi do cách phát âm của
từng vùng miền, hoặc do ít học, ít để ý đến môn Tiếng Việt... Nhưng ở
đây không phải đơn thuần là sai chính tả về mặt ngôn ngữ mà thuộc về
phạm trù kiến thức, tri thức. Đã là địa danh, danh từ riêng thì buộc
phải biết và viết đúng, vì nó đã được quy định trong văn bản hành chính
chính thức Nhà nước qua các thời kỳ, đặc biệt là nó có một ý nghĩa riêng
về mặt địa văn hóa, truyền thống lịch sử của riêng nó.
Đáng
trách nhất là các nhà văn, nhà báo cũng viết sai một cách tùy tiện. Là
những người đụng chạm nhiều nhất đến chữ nghĩa thì hẳn biết chữ nào có
nghĩa nấy, không thể tùy tiện được, cũng giống như không ai viết Việt
Nam thành... Việc Nam cả!
Không
những viết sai tên gọi mà rất, rất nhiều người không hình dung tưởng
tượng được Kon Tum ở đâu, nằm vị trí nào trên bản đồ đất nước! Đây không
những thuộc về kiến thức địa lý mà còn là một khiếm khuyết về ý thức
công dân. Chỉ cần chịu khó nhìn vào bản đồ Hành chính Việt Nam thì sẽ
thấy ra, chứ đâu cần có dịp đến được nơi mới biết. Nhiều lần ra Bắc vào
Nam, tôi đã dở khóc dở cười khi giới thiệu mình ở Kon Tum, liền nhận
được những câu hỏi lại: "Tức là Đăk Lăk đấy à?" hoặc "Là Gia Lai phải
không?"!... Những lúc ấy, xin nói thật, tâm lý vừa tức giận vừa coi
thường cái kiến thức người ấy lắm! Sao lại như thế nhỉ? Cả khu vực Tây
Nguyên rộng mênh mông này đâu chỉ có mỗi Đăk Lăk hoặc Gia Lai!
Mỗi
khi "khoe" cái Thẻ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam của tôi, thấy ghi ở
mục "Chỗ ở hiện nay" là tại... "Kông" Tum, có người thắc mắc "Hội Nhà
văn mà cũng viết sai thế à?"! Nhiều lần tôi được Hội Văn học nghệ thuật
Đăk Lăk, Gia Lai cho hay mình có cái giấy báo nhận tiền gửi về địa chỉ
ấy. Trời ạ, lâu lâu có được cái nhuận bút còm mà bộ phận Trị sự các báo
thấy ở Tây Nguyên thì cứ việc đề ngay Đăk Lăk hoặc Gia Lai! Người biết
chuyện lại thắc mắc "Báo chí mà cũng sai thế à?"! Lắm lần ở Hà Nội, có
người bảo khi nào về lại Kon Tum cho họ gửi tí quà cầm tay về chuyển cho
người thân ở Đăk R'Lấp, hoặc Buôn Hồ, hoặc Chư Sê...! Họ đâu biết những
nơi ấy ở tít tận Đăk Nông, Đăk Lăk, Gia Lai... cách nhau từ cả trăm đến
bốn, năm trăm cây số!...
Ngẫm
lại mà... buồn! Chỉ tại Kon Tum là một tỉnh nhỏ, tỉnh nghèo (hiểu theo
nghĩa về nhiều mặt xã hội), lại heo hút xa xôi... nên ít ai biết đến.
Nhưng yêu cầu kiến thức địa lý - lịch sử phổ thông đối với mỗi công dân,
đặc biệt là người viết lách, người làm công tác hành chính - văn hóa
thì không thể vì thế mà không cần biết đến! Đơn giản, chỉ nhìn vào bản
đồ Hành chính Việt Nam sẽ hình dung ra 63 tỉnh thành nó nằm ở vị trí trí
nào mà hình dung ra thôi. Đã là tên riêng các địa danh thì nhất quyết
không nên gọi sai, viết sai, kỳ lắm!
"Lý
sự, trách móc" nhau tí thế thôi, chứ cái âm thanh "kon tum" nghe ra
cũng... hay hay, có gì đó là lạ, rất tượng âm, rất núi rừng! Có phải vì
thế không mà anh bạn làm thơ Nguyễn Thánh Ngã ở Lâm Đồng có bài thơ về
Kon Tum không giống bất cứ cảm xúc nào về Kon Tum trước nay. Xin trích
vào đây để khách ngoài Kon Tum đọc chơi và nhớ Kon Tum lâu hơn.
KUM... TON... KRUM... TON...
Kum... ton...
Krum...m... ton...n...
Krum...mm... ton...nn...
Giọt mưa trên mái nhà lợp thiết
Vọng tiếng vàng anh của một góc Kon Tum
Vài đứa trẻ trần
Lon ton dáng núi
Lon ton
Dấu sau tay áo nụ cười ướt nhẻm
Để lòi cái mông đen
Gồ lên chiếc gùi đầy quả
Mưa cứ kum... ton... krum... ton...
Chiều Kon Tum điệu ba-zan mòn lỉn
Dính vạt gió dài dụn dịn xanh dai
Đâu đây
Dòng Đăk Bla khề khà uống cạn vừng ráng đỏ
Ngồi thừ để thõng vòng tai
Ta muốn nhìn Kon Tum tận mí mắt
Tận khóe mưa
Ùa va đập lên tiếng chim hót
Buồn buồn hiên dột
Từ mái thiết này nghe rõ Kon Tum
Đang gõ lên tiếng vọng
Kum...m... ton...n...
Krum... mm... ton...nn...
Krum... mmm... ton... nnn...
Xin
cám ơn những cảm xúc chân thành, mới mẻ và sáng tạo về Kon Tum của tất
cả bạn bè nào yêu mến Kon Tum quê tôi. Mong không còn sai sót nữa!
(Viết cho... đỡ buồn trong lúc... chưa biết viết gì!)