Quí vị và các bạn thân mến,
Sau khi bài viết: THÀNH PHỐ KON TUM CẦN CÓ MỘT CON ĐƯỜNG MANG TÊN "NGUYỄN DO" được đăng trên các trang mạng Giáo phận Kontum; Giáo phận Qui Nhơn; Đồng hương Kontum và nhiều trang khác...; và cũng đã được gởi đến cơ quan báo đài ở Kontum- đã nhận được sự đồng cảm đồng tình của hầu hết các thành phần dân chúng Kontum về một vấn đề lịch sử gắn với đạo lý dân tộc, nhân Kontum kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh (1913-2013).
Mới đây thông qua một người bạn, tôi có nhận được bài viết "Vai trò của các giáo sĩ trong công cuộc phát kiến miền Kon Tum" của Thạc sĩ Hồ Thành Tâm, từ Đại học Quốc gia Hà Nội (được biết ThS. Hồ Thành Tâm hiện là giảng viên khoa Lịch sử, Đại học Quốc gia Hà Nội). Như vậy, vấn đề đã được giới sử học quan tâm. Đây thật sự là một tín hiệu mừng!
Nhận thấy bài viết có tính chuyên môn và khách quan, với sự nhiệt tình và trách nhiệm...Chắc chắn xuất phát từ tình yêu của tác giả đối với đất nước Việt Nam nói chung, và với quê hương Kontum nói riêng.
Xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả
(Lê Minh Sơn _ blog: Kon Tum Quê hương tôi)
----------------------------------------------------------------VAI TRÒ CỦA CÁC GIÁO SĨ
TRONG CÔNG CUỘC PHÁT KIẾN MIỀN KON TUM
(ThS. Hồ Thành Tâm - Đại học Quốc gia Hà Nội)
Đã tròn một thế kỷ, từ khi tỉnh Kon Tum được thành lập. So với các địa phương khác, Kon Tum vẫn là một “vùng đất trẻ” trên khu vực Tây Nguyên. Có lẽ vì thế, nên mặc dù hiện tại Kon Tum vẫn chưa đuổi kịp nhiều địa phương khác về trình độ phát triển, nhưng sức trẻ của vùng đất giàu tiềm năng này – cả tự nhiên lẫn nhân văn – vẫn ẩn chứa những động lượng to lớn, đợi khi hội tụ đủ các điều kiện cần thiết – cả chính sách lẫn con người – sẽ bừng lên như núi rừng sau mưa để bắt kịp các thành viên khác trong đại gia đình 63 tỉnh thành cả nước.
Năm 2013, tỉnh Kon Tum hân hoan đón chào một mùa xuân mới, với những hoạt động trọng thể chào mừng thành phố thân yêu tròn trăm tuổi, niềm tự hào riêng của cộng đồng các dân tộc anh em vùng cực bắc Tây Nguyên. Trong thành quả trăm năm ấy, càng trân trọng công lao của các thế hệ “khai sơn phá thạch”, các bậc tiền bối đã đặt những nhát cuốc đầu tiên cày xới vùng Kon Tum trở nên màu mỡ hôm nay. Đó là các giáo sĩ Thiên Chúa giáo, những người đầu tiên đã “loan báo Tin mừng” trên vùng đất cao nguyên hồi nửa cuối thế kỷ XIX.
1. Phát kiến Kon Tum – công lao đầu tiên của các giáo sĩ.
Cho đến thế kỷ XIX, vùng Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng vẫn còn khá “bí hiểm” trong nhận thức của người đương thời [1]. Mặc dù các khối cư dân ở đây từ rất sớm đã thiết lập những mối quan hệ giao lưu kinh tế, văn hóa với các khu vực xung quanh (Champa, Ai Lao, Đại Việt), thế nhưng, ngoài một vài ghi chép ít ỏi có thể tìm thấy trong các bộ sử (Phủ biên tạp lục, Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí…), người ta hầu như không biết gì thêm về diễn trình lịch sử, văn hóa… của vùng đất này. Tây Nguyên, như vậy, gần như đứng bên lề của lịch sử – một “châu Mỹ tiền Colomb” [2]!
Kể từ phần tư thứ hai của thế kỷ XIX, chính sách triều Nguyễn đối với công cuộc truyền đạo của các giáo sĩ phương Tây dần trở nên siết chặt hơn. Thay vì giữ một thái độ ôn hòa như Gia Long, các vị vua về sau, đặc biệt là Thiệu Trị và Tự Đức, đã ban hành nhiều chỉ dụ để hạn chế, cấm đoán và đàn áp các giáo sĩ người Pháp, kẻ mà các ông xem là phục vụ âm mưu xâm lược của Tây phương nấp sau tấm áo choàng nhà dòng, và cả các giáo dân người Việt. Kế đó, khi phong trào Cần Vương (1885-1897) bùng nổ, các giáo sĩ cũng bị đặt vào tầm ngắm của các thủ lĩnh nghĩa quân. Công cuộc truyền giáo không những bị thách thức ghê gớm mà chính bản thân các giáo sĩ cũng bị đe dọa tính mạng. Chính điều này buộc các giáo sĩ, trong khi tìm cách bảo toàn mạng sống, đồng thời nhằm duy trì và phát triển công cuộc truyền giáo, phải tìm nơi tạm lánh sự truy nã của triều đình. Tây Nguyên được nghĩ đến, như một nơi lý tưởng cho các mục đích trên.
Các nỗ lực đầu tiên nhằm mở đường lên miền Thượng diễn ra từ năm 1842 do hai vị thừa sai tiên phong là Miche và Duclos theo ngả đường Phú Yên, nhưng bất thành [3]. Một số cuộc thăm dò từ Quảng Ngãi và Quảng Nam cũng chịu chung số phận. Những lái buôn người Kinh thường xuyên lui tới các làng Thượng để trao đổi hàng hóa chính là mối nguy hiểm đối với các vị thừa sai. Pháp luật nhà Nguyễn trong khi đặt ra những hạn chế nghiêm ngặt đối với sự giao thương giữa người Kinh với người Thượng, thì cũng khép vào tội chết những giáo sĩ tìm cách xâm nhập lên Tây Nguyên, như trường hợp hai vị Miche và Duclos kể trên [4]. Như vậy, cho đến giữa thế kỷ XIX, cánh cửa Tây Nguyên vẫn chưa được mở.
Phải đến 6 năm sau, 1848, khi vị tu sĩ người “An nam” Nguyễn Do (Thầy Sáu Do) tốt nghiệp khóa đào tạo tôn giáo tại Pinang về gặp giám mục Cuénot tại Gò Thị (Quy Nhơn) thì cánh cửa này mới mở ra. Trong vai đầy tớ cho một người lái buôn tên Quyền, vị Phó tế Nguyễn Do đã khai thông con đường từ An Sơn (An Khê) lên xứ Thượng và trở thành người Kinh đầu tiên đặt chân lên mảnh đất Kon Tum vào năm 1851.
Ở đây, chúng tôi muốn làm rõ thêm đôi nét về hoạt động và hành trình của Nguyễn Do từ 1848 đến 1851.
Thứ nhất, Thầy Sáu Do gia nhập vào đoàn tùy tùng của ông Quyền vào thời điểm nào và làm những chuyến buôn bán ở xứ Thượng vào lúc nào? Chúng ta đều biết khí hậu Tây Nguyên chia ra hai mùa rõ rệt: mùa mưa (khoảng tháng 5-10) và mùa khô (tháng 11-4) [5]. Hoạt động đi lại trao đổi buôn bán của các thương nhân người Kinh tại xứ Thượng do vậy cũng tuân theo nhịp điệu thời tiết. Hồi ký của linh mục P. Dourisboure cho ta biết “đầy tớ” Do xin vào giúp việc cho ông Quyền vào năm 1848 để rồi “sau một thời gian ngắn”, hài lòng với những biểu hiện của người giúp việc mới, vị lái buôn này đã “thăng bậc” cho Do làm đầu bếp. Trong vai trò đầu bếp, “đến kỳ trao đổi hàng hóa với các bộ lạc Thượng, Thầy Sáu Do, vai mang gùi chứa đựng nồi niêu chén bát, tháp tùng theo ông chủ lái buôn của mình, từ làng nầy đến làng khác” [6]. Như vậy, chuyến buôn bán đầu tiên của ông Quyền lên xứ Thượng kể từ khi có Nguyễn Do là đầu mùa khô năm 1849, nghĩa là Nguyễn Do đã xin vào làm công cho ông Quyền từ khoảng cuối mùa mưa 1848.
Sau 6 tháng trong vai đầu bếp ấy, Thầy Sáu Do đã nắm vững địa hình, đường đi lối lại trên miền Thượng và học được một ít tiếng Bahnar, bèn trở về báo cáo với Giám mục Cuénot ở Gò Thị để xúc tiến công việc. Được sự tán thành của Cuénot, Thầy Sáu Do đã cùng cha Combes quay lại xứ Thượng vào đầu mùa mưa 1849. Đây là thời điểm thích hợp bởi lúc này mùa buôn bán với miền Thượng đã kết thúc, các giáo sĩ có thể tránh bị các thương nhân phát hiện – điều đã khiến hai vị thừa sai Miche và Duclos gặp nạn trước đó. Tuy nhiên, lần này đoàn chưa lường hết được những khó khăn ghê gớm do mùa mưa Tây Nguyên gây ra nên buộc phải quay về giữa chừng, đợi thời cơ khác [7].
Thứ hai, địa điểm xa nhất mà Thầy Sáu Do, trong vai đầu bếp, đã đặt chân đến là nơi nào? Theo mô tả của Dourisboure, các đoàn thương lái người Kinh, sau khi đóng thuế môn bài, được tự do đi lại giữa các làng Thượng trên Tây Nguyên để trao đổi hàng hóa, trừ việc định cư tại đây [8]. Tuy thế, vẫn còn những khu vực quá xa mà các đoàn buôn chưa đặt chân đến, kể cả anh đầu bếp Do. Làng Kon Phar chính là cột mốc của khu vực đó [9]. Kon Phar cách Kon Kơlang một ngày đường đi bộ [10]. Kon Kơlang, theo khảo sát của tác giả Nguyễn Thị Kim Vân, nay thuộc xã Hà Tây, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai [11]. Như vậy, có thể chỉ ra một cách tương đối, vị trí xa nhất thầy Sáu Do đến được trong vai đầu bếp là vùng núi Hàm Rồng, hay vùng phía nam huyện Đak Đoa hiện nay.
Khảo sát lộ trình của đoàn Dourisboure: khởi hành từ Gò Thị vào ngày 11-11-1850 cùng với cha Desgouts và cha Thám, đi ba ngày đến Trạm Gò (xã Cửu An, huyện An Khê), đi tiếp hai ngày đến làng Baham. Tại đây, đoàn đã gặp thầy Sáu Do từ làng Kon Phar đến đón. Từ làng Baham đến làng Bơlu hết một ngày, tức ngày 23-12 và đón Giáng sinh tại đây. Từ Bơlu đi tiếp đến Kon Phar thêm 2 ngày đường, tức ngày 2-1-1851, đi bộ một ngày nữa đến Kơlang và thêm một ngày nữa đến Kon Kơxâm (nay là Kon Bah, xã Hà Tây, huyện Chư Pah) [12]. Sau vài tháng ổn định tại Kon Kơxâm, đoàn đã tìm cách theo dòng sông Đak Bla đến Plei Rơhai (vùng Tân Hương ngày nay), phát kiến ra miền Kon Tum vào giữa năm 1851.
Như vậy, cho đến trước năm 1851, Kon Tum vẫn là vùng đất chưa có người Kinh nào lui tới, trong khi Pleiku đã được đặt vào phạm vi buôn bán của các đoàn lái buôn. Chính vì tính chất xa xôi, hiểm trở như vậy mà Kon Tum mới được chọn là nơi thiết lập căn cứ truyền giáo đầu tiên trên Tây Nguyên. Việc phát kiến ra vùng đất Kon Tum của các giáo sĩ đã khơi mào cho một loạt những biến đổi sâu sắc, to lớn về nhiều phương diện trong các giai đoạn lịch sử của tỉnh này về sau. Do vậy, năm 1851, theo chúng tôi, cần được xem là thời điểm có vị thế đặc biệt quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Kon Tum. Vị Phó tế Nguyễn Do, người Kinh đầu tiên đặt chân đến mảnh đất này, chính là một “Yersin của Kon Tum”, để từ đó hơn một thế kỷ sau, chúng ta có dịp kỷ niệm Kon Tum tròn 100 tuổi.
2. Các giáo sĩ góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Kon Tum.
Theo chúng tôi, đây chính là hệ quả quan trọng nhất mà các thế hệ người Việt Nam đương đại được thừa hưởng từ phát kiến Kon Tum của cha Nguyễn Do.
Một số tác giả cho rằng, khu vực Tây Nguyên đã thống thuộc vào bản đồ Đại Việt kể từ năm 1471 khi Lê Thánh Tông đánh bại và sáp nhập lãnh thổ Champa vào vương quốc của mình. Theo chúng tôi, đây là một kết luận chủ quan, khiên cưỡng gán cho Kon Tum lịch sử lâu đời song hành cùng dân tộc, lấy cái chung che lấp cái riêng mà bỏ qua tính chất đặc thù của từng khu vực riêng biệt. Như đã trình bày, trước năm 1471, Tây Nguyên chỉ là một khu vực nằm trong phạm vi ảnh hưởng của vương quốc Champa. Uy quyền của một số vị vua Chăm có thể lan tỏa lên đây nhưng sự ràng buộc giữa cộng đồng các tộc người Trường Sơn-Tây Nguyên với nhà nước Champa chỉ ở một mức độ nhất định [13]. Năm 1471, vó ngựa của Lê Thánh Tông dừng lại ở chân núi Thạch Bi (Phú Yên). Ông sáp nhập phần lớn lãnh thổ Champa vào Đại Việt và đồng thời, đặt ra hai nước Nam Bàn và Hoa Anh làm vùng đệm giữa phần lãnh thổ mới của Đại Việt với bộ phận người Chăm còn sót lại ở Panduranga (phía nam Đèo Cả ngày nay). Nam Bàn chính là vùng Cheoreo và về sau cũng chia làm hai “nước” Thủy Xá và Hỏa Xá mà sử sách nhà Nguyễn còn ghi chép lại [14].
Ở đây chúng tôi xin lưu ý rằng, năm 1471, Lê Thánh Tông lập trên khu vực Tây Nguyên nước Nam Bàn, tức một quốc gia mới và khác với Đại Việt, không phụ thuộc vào Đại Việt về mặt hành chính, cho dù nó có thể thuần phục quyền lực Đại Việt. Điều này khác hoàn toàn với việc thành lập ba châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh, vốn là đất thôn tính trở thành bộ phận lãnh thổ trực tiếp của Đại Việt lúc bấy giờ. Do vậy, cho rằng Tây Nguyên đã được sáp nhập vào Đại Việt từ năm 1471 là không chính xác. Thậm chí cho đến cuối thế kỷ XIX, khu vực Tây Nguyên vẫn còn chưa rõ ràng về mặt chủ quyền. Dưới thời Minh Mạng, lãnh thổ Việt Nam vươn sang tận Lào và Campuchia, Tây Nguyên tuy đã trở thành một bộ phận của Việt Nam nhưng nhà Nguyễn vẫn chưa thể thiết lập sự quản lý trực tiếp, chặt chẽ lên khu vực này. Thông thường, các quan lại ở Quảng Ngãi như Bùi Tá Hán, Nguyễn Quỳnh… sẽ kiêm quản lý “từ xa” khu vực người Thượng. Bằng cách này hay cách khác, triều đình thu phục các thủ lĩnh địa phương để thông qua họ nắm lấy vùng này. Đây có thể xem là một sự “ủy trị”, chính sách mà hầu hết các triều đại phong kiến trước Nguyễn đều sử dụng để quản lý miền núi xa xôi.
Tại Tây Nguyên, bên cạnh những ông Vua Nước, Vua Lửa ta còn bắt gặp một nhân vật tương tự là Bok Khiêm [15], người nhận được sự công nhận của Huế, thay mặt nhà Vua cai quản vùng Thượng. Theo miêu tả của P. Dourisboure thì Bok Khiêm là “một dân tộc người Ba-na mà danh tiếng lan tràn khắp xứ. Đi đến đâu, Ông cũng được tôn kính vinh dự… Ưu thế của Ông lại được chính thức thừa nhận: các quan lại ở Đồng bằng, để lấy lòng và lợi dụng uy tín của Ông, đã vận động Triều đình Huế ân thưởng cho Ông một bằng cấp, qua đó nhìn nhận Ông là lãnh tụ của tất cả dân Thượng và gia phong cho Ông chức đại diện của Vua An Nam nơi miền Thượng du” [16].
Chính sự cai trị lỏng lẻo này của triều đình Huế và cả chính quyền đô hộ thực dân đã khiến khu vực Tây Nguyên trong một thời gian dài, rơi vào tình trạng hỗn loạn đến cực độ bởi tệ chiến tranh cướp bóc nô lệ diễn ra liên miên giữa các bộ lạc Thượng và nguy hiểm hơn là ý đồ lãnh thổ của nước Xiêm đối với khu vực này [17]. Dưới thời trị vì của vua Chulalongkorn (1873-1910), Xiêm là một quốc gia khá hùng mạnh trong khu vực và đã có những tranh chấp với Pháp về chủ quyền ở khu vực trung lưu sông Mékong [18]. Năm 1886, người Xiêm yêu cầu một đường biên giới chung với Đông Dương thuộc Pháp mà theo đó, vùng Kon Tum, toàn bộ lưu vực sông Sésan và phần lớn lưu vực sông Srépok trở thành lãnh thổ thuộc Xiêm [19]. Một vài vụ xung đột giữa hai bên đã nổ ra tại khu vực tranh chấp này [20].
Phát kiến của cha Nguyễn Do đã mở đường Kon Tum cho các giáo sĩ Pháp, đồng thời cũng là những nhà khoa học, có đầu óc tổ chức và, điều này rất quan trọng, được sự ủng hộ của quân đội Pháp, để đối phó với những cuộc hành quân lấn chiếm của người Xiêm. Một trong những vị giáo sĩ có công đầu trong việc này đó là cha Guerlach (Cảnh). Cha Guerlach đến Kon Tum ngày 8-1-1883, nơi ông đã gây được uy tín lớn khi tổ chức người Bahnar chống lại những cuộc cướp bóc thường xuyên của các bộ lạc Jarai vào năm 1888 [21].
Để đối phó với mưu đồ lãnh thổ của người Xiêm, chính phủ Pháp đã quyết định thực hiện một loạt các cuộc thám sát nhằm đo đạc, vẽ bản đồ vùng lưu vực sông Mékong và trung Đông Dương, về sau trở nên nổi tiếng với tên gọi Phái bộ Pavie (1879-1895). Các chuyến khảo sát tại khu vực Kon Tum lúc này do viên đại úy Cupet đảm nhận (1891). Để thực hiện nhiệm vụ, Cupet đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ hội truyền giáo Kon Tum.
Sự giúp đỡ của cha Guerlach và hội truyền giáo Kon Tum đối với sứ mệnh của Cupet thể hiện ở ba điểm sau:
- Hỗ trợ hậu cần: trung úy Dugast, một thành viên của nhóm Cupet, trong khi từ An Khê lên Kon Tum đã buộc phải bỏ lại hành lý do các phu của ông bỏ trốn. Những tổn thất này đã được hội truyền giáo Kon Tum tái trang bị cho đoàn.
- Cung cấp thông tin và dẫn đường: các giáo sĩ có nhiều năm hoạt động truyền giáo ở vùng Kon Tum, nắm được nhiều thông tin quan trọng. Chính họ đã giúp Cupet nhận ra tầm quan trọng chiến lược của vùng đồng bằng Reungao “một mặt nó khống chế Attopeu, một mặt khác lại khống chế vùng người Jarai và các lối dẫn tới sông Srépok” để đưa tới việc lấy nơi đây làm căn cứ hành quân [22]. Hội truyền giáo còn cho phái đoàn mượn đoàn voi - phương tiện vận chuyển thuận tiện và quý báu trong các chuyến khảo sát [23].
- Phối hợp hành quân: Henri Maitre chỉ ra một số cuộc hành quân của Cupet có sự tham gia của cha Guerlach vào tháng 4-1891 đã đẩy lùi được sự chiếm đóng của người Xiêm tại Dak Réde (?) [24].
Hiện tại chúng tôi vẫn chưa tìm thấy những miêu tả khác cụ thể hơn về sự phối hợp giữa phái đoàn Cupet với Hội truyền giáo Kon Tum ngoài những ghi chép của Henri Maitre. Ông ta đã đánh giá rất cao tác dụng của sự hợp tác này: “Người Xiêm hoàn toàn thất bại; hoạt động của các sĩ quan chúng ta, sự tận tụy của Cha Guerlach, sự hỗ trợ tinh thần và vật chất của hội truyền giáo Kontum đã ngăn chặn sự chiếm đóng thực tế vùng hinterland; mối hiểm nguy đè nặng lên các làng Mọi uy hiếp và sẵn sàng chiến đấu, được xua tan…” [25].
Như vậy, trong bối cảnh tranh chấp Pháp – Xiêm về mặt biên giới vùng trung lưu Mékong, các giáo sĩ thuộc hội truyền giáo Kon Tum đã có những đóng góp nhất định giúp bảo toàn được vùng Kon Tum vẫn thuộc phạm vi Đông Dương thuộc Pháp để rồi về sau này, trở thành một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Ghi nhận công lao này của các giáo sĩ, chúng ta lại càng trân trọng thêm hành trình không quản ngại gian khổ của thầy Sáu Do, người đã mở đường cho các thế hệ giáo sĩ tiếp theo lên khai phá Kon Tum.
3. Các giáo sĩ truyền bá văn hóa phương Tây tại Kon Tum.
Văn hóa bao gồm văn hóa vật chất và văn hóa phi vật chất. Ở đây chúng tôi muốn đề cập đến những thành tựu văn hóa phi vật chất trước.
Trước hết và hết sức quan trọng chính là các giáo sĩ đã xây dựng được bộ chữ viết Bahnar để rồi từ việc biết chữ, các yếu tố văn hóa khác mới phát huy được sức ảnh hưởng của chúng đối với vùng Thượng. Người Bahnar vốn không có chữ viết mà họ lý giải bởi tổ tiên ngày xưa mải mê uống rượu say đến mức làm mất cả giấy bút [26]. Điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho các vị giáo sĩ như P. Dourisboure… khi mới đặt chân đến đây, tìm cách hội nhập với cộng đồng và truyền bá tư tưởng của mình. Để khắc phục khó khăn này, các vị thừa sai như Dourisboure, Combes, Fontain đã sử dụng hệ chữ cái latin để ghi âm tiếng Bahnar. Dourisboure thuật lại cách các ông làm việc như sau: “Sáng sớm và chiều tối, thời gian duy nhất trong ngày mà anh em Thượng rảnh rang ở nhà, chúng tôi lên nhà rông học hỏi năm ba từ. Mỗi người cầm tay khúc bút chì và một mảnh giấy, và vừa khi mà mình tưởng đã nắm được ý nghĩa của một tiếng, liền vội vã ghi vào. Đến lúc anh em Thượng đã đi rẫy hoặc đi ngủ, thì ba chúng tôi tụ họp lại, so sánh những điều đã ghi chú, và đúc kết lại những điều mà chúng tôi đã học được hoặc tưởng là đã học được. Chúng tôi hay hỏi ông Hmur nhiều nhất, ông thường thức với chúng tôi rất khuya. Trong ngày thì chúng tôi lẩm bẩm, bắt trí nhớ tiếp nhận những từ ngữ thâu thập được hôm trước, và ngày nào cũng vậy cả. Sau một tháng rưỡi ở nhà ông Hmur, chúng tôi đã ghi được một quyển sổ bự những từ là từ…” [27]. Công trình này về sau được cha Dourisboure hoàn thiện và cho xuất bản tại Hongkong vào năm 1885, vài năm trước khi ông qua đời (1890).
Mặc dù chữ viết Bahnar được làm ra với mục đích ban đầu nhằm giúp các giáo sĩ tiếp cận và truyền bá tư tưởng Thiên Chúa giáo đối với người Bahnar nhưng điều đó cũng không phủ nhận được tầm quan trọng hàng đầu của phát minh này và vai trò của chữ Bahnar cho đến tận hôm nay. Giống như Marx nói, đó là một “công cụ vô ý thức của lịch sử”. Chỉ riêng với công trạng này cũng đã đủ để Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng Chi thốt lên trong tác phẩm để đời của mình rằng: “Cái công nghiệp khai hóa của cố Dourisboure lớn lao biết là dường nào!” [28]. Kể từ đây, người Bahnar được vinh dự là một trong những dân tộc đầu tiên ở Tây Nguyên có chữ viết. Đánh giá bộ chữ viết Bahnar, tác giả Trần Trí Dõi trong công trình của mình [29] cũng nhận xét là một bộ chữ khoa học, thuận tiện, trong khi những bộ chữ của một số dân tộc được xây dựng về sau này vẫn cần phải tiếp tục hoàn thiện.
Từ việc xây dựng bộ chữ viết Bahnar, các giáo sĩ đã tiến tới việc thành lập các trường học (trường dòng), mô hình giáo dục tập trung tiến bộ đầu tiên xuất hiện trên cao nguyên. Cuối những năm 1890, các giáo sĩ đã thành lập một số trường để dạy giáo lý cho người địa phương nhưng không đạt nhiều hiệu quả. Năm 1906, trường Cuénot được mở theo hình thức nội trú và dần thu hút nhiều học trò [30]. Đến năm 1928, lần lượt các làng Phương Nghĩa, Tân Hương, Phương Quí, Phương Hòa cũng được mở và chiêu sinh. Trường công xuất hiện từ năm 1916 [31]. Đến năm 1933, tổng số học sinh của hai loại trường này là 589 người [32]. Về hình thức, các trường gồm cả nội trú (thường dành cho học trò Thượng) và ngoại trú (học trò người Kinh). Ngôn ngữ sử dụng trong trường là tiếng Pháp, tiếng Việt, tiếng Bahnar và tiếng Jarai. Các trường gồm hai bậc học là sơ học và tiểu học.
Mục đích thành lập trường học của các giáo sĩ là nhằm truyền bá Thiên Chúa giáo nhưng việc này cũng có những nét tích cực. Thứ nhất, đây là lần đầu tiên tại Kon Tum xuất hiện mô hình giáo dục tập trung tiến bộ như vậy. Thứ hai, cho dù phần lớn nội dung học tập là thần học, nhưng với truyền thống đào tạo bài bản của mình, và mặt khác các giáo viên cũng đồng thời là những nhà khoa học Tây phương, đã giảng dạy cho học sinh những tư tưởng khoa học nhất định. Thứ ba, các ngôi trường này đã dạy ngôn ngữ bản xứ cho chính người bản xứ, giúp họ làm chủ ngôn ngữ của mình, tạo nên một lớp trí thức chưa từng có trong lịch sử hàng ngàn năm sống trong rừng rậm của người Tây Nguyên.
Một thành tựu quan trọng khác của các giáo sĩ, đồng thời cũng là mục đích chính của họ khi lên Tây Nguyên, đó là đã truyền bá thành công Thiên Chúa giáo, một tôn giáo mới mẻ, mang nhiều tư tưởng tiến bộ, góp phần làm phong phú bức tranh văn hóa, tôn giáo ở Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng. Trước khi Tin mừng loan tới, Tây Nguyên và Kon Tum là mảnh đất của hàng tá các vị Yang, nơi con người tỏ ra khiếp nhược và quy phục trước những hiện tượng tự nhiên mà họ không tài nào hiểu nổi. Gắn với tín ngưỡng đa thần này là các hủ tục ma lai, bơdâu… nhiều khi đã làm hại không biết bao nhiêu cuộc đời vô tội, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống cộng đồng. Các giáo sĩ, trong khi thuyết phục người dân cải đạo theo Thiên chúa giáo, đồng thời cũng góp phần hạn chế một số hủ tục lâu đời. Với hoạt động tích cực của các giáo sĩ, Thiên chúa giáo đã tỏ ra là một tôn giáo có sức hút mạnh. Năm 1918, tức gần 7 thập niên kể từ khi những giáo sĩ đầu tiên đặt chân tới Kon Tum, 7% dân số ở đây đã cải theo Thiên chúa giáo.
Tiếp đến là những di sản văn hóa vật chất mà rất dễ nhận thấy hiện nay chính là các công trình kiến trúc còn sót lại từ những ngày đầu mở đạo, xếp theo thứ tự thời gian là trường giáo phu Cuénot (1906), nhà thờ gỗ (1913-1918) và Tòa giám mục Kon Tum (1935-1938) [33].
Trường giáo phu Cuénot được xây dựng năm 1906, lấy tên đức cha Cuénot (Thể), đại diện tông tòa, cai quản địa phận Đông Đàng Trong, người đã cử cha Do mở đường lên miền Kon Tum hồi 1848. Ban đầu, trường chỉ dành cho học sinh nam người Thượng và cả người Kinh, về sau chỉ còn dành riêng cho nam học sinh Thượng. Đây là trường dòng, đào tạo các giáo phu Thiên chúa giáo. Về sau, trường Cuénot được trưng dụng thành trường Cao đẳng sư phạm tỉnh. Hiện tại, tòa nhà chính của trường Cuénot vẫn được giữ nguyên, phía sau tòa nhà này vẫn còn một cây đa cổ thụ rất lớn.
Nhà thờ gỗ là một công trình kiến trúc tôn giáo-nghệ thuật độc đáo vào bậc nhất Tây Nguyên và cả nước, là thắng cảnh nổi tiếng mà bất cứ ai đặt chân đến Kon Tum đều dành thời gian đến chiêm ngưỡng. Trước khi nhà thờ này được xây dựng, tại đây có hai nhà thờ khác bằng tre nứa nhưng đã bị hỏa hoạn phá hủy. Cha Joseph Décrouille (Đệ) đã vận động xây dựng một nhà thờ mới theo thiết kế của cha Kemlin. Trải qua 5 năm xây dựng (1913-1918), ngày 6-1-1918, nhà thờ chánh tòa giáo phận Kon Tum (tức nhà thờ gỗ) chính thức được khai trương [34].
Tòa giám mục cũng là một công trình kiến trúc tôn giáo-nghệ thuật độc đáo khác. Tòa được xây dựng vào năm 1933, một năm sau khi địa phận Kon Tum được tách khỏi giáo phận Quy Nhơn để trở thành giáo phận độc lập, bao gồm bốn tỉnh (Kon Tum, Pleiku, Buôn Ma Thuột và Attopeu). Quá trình xây dựng Tòa giám mục kéo dài trong hai năm dưới sự chỉ đạo của linh mục Martial Jannin (Phước), giám mục đại diện tông tòa đầu tiên ở Kon Tum [35].
Những di sản của lớp giáo sĩ đầu tiên tiếp tục được bồi đắp, bổ sung theo thời gian và trở thành niềm tự hào của các thế hệ người Kon Tum ngày nay.
4. Các giáo sĩ đã đặt nền móng cho sự thành lập thành phố Kon Tum.
Mặc dù đã ký hiệp định 1893 với Xiêm, khẳng định chủ quyền của Pháp tại trung lưu sông Mékong nhưng có vẻ như người Pháp vẫn còn khá bối rối trong việc phân chia địa giới hành chính các tỉnh tại khu vực này. Cho nên, người Pháp tuy nổi tiếng bởi cung cách làm việc khoa học bài bản (cho đến hiện nay chúng ta về cơ bản vẫn kế thừa địa giới hành chính các địa phương do người Pháp hoạch định), vậy mà chỉ trong hai thập niên (1893-1913), địa giới hành chính tỉnh Kon Tum đã phải điều chỉnh đến ba lần trên quy mô lớn.
Năm 1893, Pháp lập Tòa đại lý hành chính (ĐLHC) Kon Tum (chưa bao gồm Cheoreo và An Khê) thống thuộc tỉnh Attopeu (Lào). Năm 1904, tỉnh Pleiku Derr được thành lập thì tòa ĐLHC Kon Tum được tách khỏi Lào để nhập vào tỉnh Pleiku Derr. Ít lâu sau (1907), tỉnh này bị bãi bỏ thì tòa ĐLHC Kon Tum phụ thuộc vào Bình Định. Năm 1913, tòa này lại được tách khỏi Bình Định để lập tỉnh mới – tỉnh Kon Tum – lúc này bao gồm cả Cheoreo, An Khê, Buôn Ma Thuột và Pleiku. Đó là chưa kể đến những thay đổi khác về sau [36].
Có một điều khiến chúng tôi chú ý ở đây là tại sao người Pháp lại quyết định thành lập tòa ĐLHC Kon Tum bấy giờ gồm những địa bàn như vốn dĩ. Điều này có thể được giải thích bởi: người Pháp lúc này đang mải đối phó với những cuộc nổi dậy ở vùng đồng bằng nên chưa rảnh tay để tổ chức một bộ máy hành chính chặt chẽ ở đây. Mặt khác, giới thực dân chưa có điều kiện điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng vùng Tây Nguyên trong khi các giáo sĩ Pháp lên đây từ sớm, am hiểu địa hình, phong tục người bản xứ. Vậy là diễn ra một cái bắt tay giữa giới thực dân với các giáo sĩ: địa giới của giáo phận đồng thời được sử dụng làm địa giới hành chính, một sự chồng khớp giữa “địa giới hành chính nước Chúa” với địa giới hành chính thuộc địa. Chính vì vậy, địa giới tỉnh Pleiku Derr về cơ bản trùng khớp với địa giới giáo phận Kon Tum (gồm Kon Tum, Pleiku, Buôn Ma Thuột và Attopeu). Điều này cũng lý giải tại sao từ 1893-1904, các cha cố ngoài việc lãnh đạo giáo phận cũng đồng thời thay mặt nhà chức trách của chính quyền thực dân tại đây [37]. Nếu vậy thì liệu có phải các giáo sĩ là người đặt nền móng cho sự thành lập cả tỉnh Kon Tum chứ không chỉ mỗi thành phố Kon Tum ngày nay!
Trong khi chờ đợi những nghiên cứu sâu hơn về ý kiến trên, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để khẳng định rằng, chính lớp giáo sĩ đầu tiên lên Kon Tum đã đóng vai trò cực kỳ quan trọng để hình thành nên thành phố Kon Tum hiện nay.
Làng Tum hẳn đã xuất hiện trước khi các giáo sĩ đặt chân đến đây (1851), vậy mà hơn 20 năm sau (1875), diện mạo của nó vẫn nguyên sơ và chật chội như bao làng Thượng khác: “Thuở ấy làng Kon-tum còn nhỏ, nhơn số cả đạo ngoại chừng 150, có hai nhà rông, bốn phía có rào lũy để ngữ giặc gần sát bên nhà, nên chật hẹp bẩn thỉu lắm. Chỗ ở, nhà thờ, nhà bếp cũng chung một cái nhà chật chội su sơ” [38].
Sau một thời gian lưu trú tại Kon Kơxâm, các giáo sĩ nhận thấy đấy không phải là nơi phát triển về lâu dài, nên đã quyết định di chuyển lên hướng bắc, khai thác vùng đồng bằng màu mỡ dọc hai bên sông Đak Bla. Làng Jơri Kông được thành lập (1866) [39] mở đầu cho việc thành lập một loạt làng công giáo mới như Tân Hương (1874), Phương Nghĩa (1882), Phương Quí (1887), Phương Hòa (1892)… Năm 1913, khi tỉnh Kon Tum ra đời, khu vực thành phố Kon Tum ngày nay gồm hai làng Tân Hương và Phương Nghĩa; đến năm 1913 khi lập thành phố Kon Tum thì tăng lên bốn làng (thêm hai làng Trung Lương 1914 và Lương Khê 1927). Dân thành phố ban đầu là những người theo giúp các cha cố lập làng mới [40]. Hai làng Trung Lương và Lương Khê là do người dân từ đồng bằng di cư lên sinh sống và lập ra. Có an cư mới lạc nghiệp, sinh tụ tại vùng đồng bằng lý tưởng này, các giáo sĩ đã tổ chức cho người Bahnar tập làm ruộng nước, từ bỏ lối chọc lỗ tra hạt truyền thống. Vì vậy cho nên năm 1933 khi lên Kon Tum, hai anh em Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng Chi nhìn thấy cảnh những người Thượng cũng biết làm ruộng nước thì tấm tắc khen đây quả là nơi “đô hội lớn”. Như chúng tôi đã có dịp trình bày trong một bài viết khác, vùng lõi của thành phố Kon Tum ngày nay được định hình bởi tứ giác Phan Đình Phùng – Phan Chu Trinh – Đào Duy Từ - Nguyễn Huệ, chính là khu vực trù phú nhất của đồng bằng Đak Bla mà hơn một thế kỷ trước, các giáo sĩ đã phát hiện và tốn không ít công vun xới.
*
* *
Vai trò của các giáo sĩ trong việc phát kiến ra miền Kon Tum, như trên đã trình bày, theo chúng tôi là cực kỳ quan trọng. Chính họ đã đặt nền móng hết sức cơ bản cho sự hình thành và phát triển của tỉnh Kon Tum đến ngày nay. Những di sản mà các giáo sĩ ngày ấy để lại cho các thế hệ người Kon Tum đương đại (chữ viết Bahnar, Thiên chúa giáo, vùng lõi của thành phố Kon Tum, nhà thờ gỗ…) chính là những giá trị tiêu biểu đã làm nên một “bản sắc Kon Tum” có những nét độc đáo riêng, một “dòng riêng” giữa “nguồn chung” văn hóa Tây Nguyên.
Hơn 100 năm trước, khi phát hiện ra cao nguyên Lang Biang, hẳn vị bác sĩ người Pháp Yersin cũng không ngờ rằng mình sẽ được người dân của chính vùng đất đó, 100 năm sau, tạc tượng đề danh. Đó là bởi truyền thống “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” cao quý của người Việt Nam vốn vượt lên trên ranh giới chủng tộc và biên giới quốc gia. Vậy thì, tại Kon Tum, thiết tưởng cũng rất nên có một bức tượng của cha Nguyễn Do được đặt tại vị trí trang trọng và một con đường mang tên ông để bày tỏ tấm lòng biết ơn của các thế hệ người Kon Tum hiện tại và sau này đối với người đã có công phát kiến ra vùng đất Kon Tum và cũng là để tuân theo đúng truyền thống tốt đẹp kể trên của dân tộc ta.
H.T.T (nguồn: blog: Kon Tum Quê hương tôi )
_____________________________[1] Thậm chí, cho đến giữa thế kỷ XX, đối với nhiều người, Tây Nguyên vẫn là khu vực “rừng thiêng nước độc”, “dễ đi khó về”. Những tên gọi, địa danh… bằng tiếng địa phương thường gợi cho người nghe cảm giác bí hiểm của một thời xa xưa nào đó.
[2] Nên hiểu thế nào về mối quan hệ giữa khối cư dân Trường Sơn-Tây Nguyên với vương quốc Champa? Theo chúng tôi, khu vực Tây Nguyên có thể được xem là nơi chịu ảnh hưởng bởi quyền lực Chăm, nơi các thương nhân Champa đóng vai trò là người trung gian giữa người Thượng cùng các sản vật miền núi của họ với thị trường đồng bằng, thậm chí cả các tàu buôn ngoại quốc; là nơi quân đội Champa có thể tạm lánh trước sức tấn công của quân đội Đại Việt, Nguyên-Mông… Tuy vậy, chúng tôi cho rằng Tây Nguyên vẫn là vùng ngoại vi, nằm ở rìa của quyền lực Champa.
[3] P. Dourisboure (1972), Dân làng hồ, Sài Gòn, tr.6-7.
[4] Hai vị thừa sai này bị giải về Huế. Trong khi đang chờ ngày hành quyết thì họ được một chiến hạm của Pháp đến giải cứu kịp thời.
[5] Diễn biến từng mùa có thể chênh lệch nhau một/một vài tháng tùy từng khu vực của Tây Nguyên. Tại An Khê, mùa mưa diễn ra chủ yếu từ tháng 5 đến tháng 10 với hơn 70% tổng lượng mưa cả năm. Nguyễn Văn Chiển (cb) (1985), Tây Nguyên điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên, nxb Khoa học và Kỹ thuật, H., tr.113.
[6] P. Dourisboure, sđd, tr.9.
[7] P. Dourisboure, sđd, tr.13-14.
[8] P. Dourisboure, sđd, tr.7.
[9] P. Dourisboure, sđd, tr.16.
[10] P. Dourisboure, sđd, tr.22.
[11] Nguyễn Thị Kim Vân (2010), Địa danh và di tích Gia Lai từ góc nhìn lịch sử - văn hóa, nxb Khoa học xã hội, H., tr.141.
[12] Nguyễn Thị Kim Vân, sđd, tr.80.
[13] Lương Ninh (2004), Lịch sử vương quốc Champa, nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.101-111.
[14] Lương Ninh, sđd, tr.183-184.
[15] Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng Chi cho biết cụ thể hơn. Bok Khiêm còn được gọi là Bok Piơm, được triều đình Huế công nhận vào năm 1840 (Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng Chi (2011), Người Bahnar ở Kon Tum, nxb Tri thức,H., tr.133-134). Hiện nay vẫn còn pơlei Piơm thuộc thị trấn Đăk Đoa (Nguyễn Thị Kim Vân, sđd, tr.136).
[16] P. Dourisboure, sđd, tr.17.
[17] Henri Maitre (2008), Rừng người Thượng, nxb Tri thức, H., tr.242-252.
[18] D. G. E. Hall (1997), Lịch sử Đông Nam Á, nxb Chính trị quốc gia, H., tr.987-1006.
[19] Henri Maitre, sđd, tr.297.
[20] Henri Maitre, sđd, tr.303-317.
[21] Henri Maitre, sđd, tr.299.
[22] Henri Maitre, sđd, tr.306.
[23] Cuốn sách của Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng Chi khi tái bản đã được bổ sung một số hình ảnh, trong đó có ảnh đoàn voi của Hội truyền giáo Kon Tum vào khoảng năm 1890. Có thể đây chính là đoàn voi đã cho đoàn khảo sát của Cupet mượn. (Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng Chi, sđd, tr.117).
[24] Henri Maitre, sđd, tr.308-310.
[25] Henri Maitre, sđd, tr.310.
[26] Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng Chi, sđd, tr.239.
[27] P. Dourisboure, sđd, tr.56-57.
[28] Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng Chi, sđd, tr.240
[29] Trần Trí Dõi (1999), Nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam, nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.252.
[30] Nam Phong tạp chí, số 191, tháng 12-1933, tr.540.
[31] Không rõ ngôi trường công này nằm tại địa điểm nào. Bản đồ do cụ Ngô Đức Đệ vẽ năm 1985 cho biết hồi năm 1930-1934 có một ngôi trường học tại vị trí gần rạp 17-3 ngày nay (Ngô Đức Đệ (2007), Từ Hà Tĩnh đến nhà đày Kontum, Bảo tàng tổng hợp Kon Tum xuất bản, tr.62). Khu chợ bên cạnh rạp 17-3, vào thời sau 1954, được gọi là khu Liên kế và có một ngôi trường tên là trường Ngô Đình Khôi. Chúng tôi băn khoăn liệu trường Ngô Đình Khôi, ngôi trường trong bản vẽ của cụ Ngô Đức Đệ và ngôi trường công của Pháp hồi năm 1916 có phải chung một địa điểm hay không.
[32] Nam Phong tạp chí, số 192, 1-1934, tr.23-24.
[33] Ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến những di sản tiêu biểu, trong tầm hiểu biết của mình.
[34] Quá trình xây dựng nhà thờ gỗ xem http://giaophankontum.com
[35] Trong khuôn viên Tòa giám mục, từ lối cổng chính đi vào, vẫn còn tượng đức cha Jannin Phước. Chi tiết về quá trình xây dựng Chủng viện Thừa sai Kon Tum, xem http://danlangho.multiply.com
[36] Hội đồng biên soạn giáo trình địa phương học tỉnh Kon Tum (1998), Kon Tum đất nước con người, nxb Đà Nẵng, tr.10-11.
[37] Nam Phong tạp chí, số 191, tháng 12-1933, tr.538.
[38] P. Ban, S. Thiệt (1933), Mở đạo Kontum, Qui Nhơn, tr.188.
[39] P. Dourisboure, sđd, tr.201-205.
[40] P. Ban, S. Thiệt, sđd, tr.234-235.
TB: Multiply đã chính thức đóng cửa, nên các bạn có thể tra cứu những bài viết của trang http://danlangho.multiply.com tại http://krongblah.blogspot.com (Kontumquêhươngtôi). Cám ơn!
- Hoan nghênh Phố núi & Bạn bè tiếp tục về chủ đề này!
Lịch sử cần sòng phẳng và ghi công những giáo sĩ tiên phong.
Kon Tum bây giờ có đặt tên đường cho ai chưa nhỉ?
- @Anh Trần Hùng: vẫn chưa có gì Anh ạ. Trước đây bài viết: THÀNH PHỐ KON TUM CẦN CÓ MỘT CON ĐƯỜNG MANG TÊN "NGUYỄN DO" khi gởi đến đài PTTH Kontum đã không được phát-vì theo ý kiến của lãnh đạo: có yếu tố "nhạy cảm" ???
- Tiên sư chúng - đồ vô ơn - cái éo gì cũng nhạy cổm!
Cái gì ra cái đó chứ, hắc hơi sổ mũi hoài thì Kon chỉ mãi là Tum.
Theo: Nhuygialai
*****