Tim thông tin blog này:

Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

Mẹo nhỏ dọc đường hành quân (I)


Tắm nướng nóng bằng gang !!!

Ở vùng rừng núi phía bắc, mùa đông thường lạnh cắt da, cắt thịt. Trong khi đó, điều lệnh nội vụ quy định lính ta phải thường xuyên tắm giặt để đảm bảo quân phong, quân kỷ.
Tuy nhiên, việc để tìm ra nước nóng để tắm đối với lính quả là khó ngang với viêc rót mật vào tai các đôi chân dài.
Tớ xin mách các bạn một mẹo nhỏ của bản thân.
Trước hết, tìm một vật để đựng nước. Có thể là 1 cái chảo cũ của anh nuôi, hay là 1 nửa cái thùng phi của lính cơ giới, nếu may mắn thì ngay cạnh bể nước, ban doanh trại đã xây sẵn vài cái cái bồn nhỏ ngay cạnh bàn giặt để đựng nước giặt. Dùng mấy cái bồn nhỏ đấy cũng được.
Sau đó, tìm lấy vài mẩu gang hay thép bỏ đi ở ban kỹ thuật. Có thể đấy là 1 đoạn thép chữ I, hay là cái đe cũ, hoặc là 1 đoạn cầu xe, v.v..
Đem mấy cái mẩu gang thép đó, đút nhờ dưới gầm bếp than của anh nuôi. Sau đó múc nước vào cái chảo đã để sắn cạnh bể nước và yên tâm đi lao động tăng gia buổi chiều. Hồi tớ ở lính, trên khoán cho mỗi đầu lính là 70 kg rau xanh/năm, nên việc tăng gia là không thể lơ mơ được.
Cuốc đất trồng rau thoải mái xong, đến giờ tắm giặt, dùng cái kẹp gắp mẩu gang thép để nhờ ở gầm bếp anh nuôi ra, thả vào thùng nước đã múc sẵn ấy.


Và nghe đánh xèo một tiếng, hơi nước bốc ra ngùn ngụt, cứ gọi là sướng như Hồng quân Liên xô tắm hơi ấy chứ.
Đảm bảo buổi tối nào, vào giờ sinh hoạt chính trị lúc 7h30 tối, ta cũng thơm phức mùi xà phòng 72 Liên xô.!!!

Lò vi sóng … người!!!

Thời bây giờ, muốn có thức ăn nóng, chỉ việc lôi nó ra khỏi tủ lạnh, tống vào lò vi sóng, ấn nút đánh vèo 1 cái là có thức ăn nóng bỏng mồm.
Nhưng thời lính của bọn tớ, thuật ngữ lò vi sóng còn chưa có trong từ điển tiếng Việt, thì lấy đâu ra cái gì để làm nóng khẩu phần của mình trên đường hành quân.
Ăn nóng trong phút dừng chân dọc đường hành quân là một ước mơ xa xỉ như chú ptlinh mơ được cầm tay cô meofmaths… gì đó khi uống ca phê trên tầng 18 Deawoo (tớ ví dụ thôi nhé!!).
Tớ mách các bác 1 mẹo của lính.
Khẩu phần ăn trưa là 1 cái bánh mì hoặc là một vắt cơm xinh xinh. Trong khi các đồng đội khác nhét hững hờ vào túi cóc của ba lô, thì tớ lẳng lặng gói nó vào trong 1 mảnh báo cũ và để nó vào trong ngực áo mình, chỗ gần tim ấy.
Dọc đường hành quân, mùi thơm của bánh hay mùi thơm của cơm cứ phảng phất làm cho ta nhớ về 1 cánh đồng lúa chín của quê nhà, điểm xuyết một làn khói lam chiều. Làm cho ta vơi đi bao nỗi mệt nhọc trên bước đường chinh biên.
Đến giờ nghỉ ăn trưa, trong khi các chú lười khác nhai trệu trạo miếng bánh lạnh cứng như đá, thì khẩu phần của mình lúc nào cũng thơm dẻo ở nhiệt độ 37 độ C.
Thế chẳng phải là lò vi song người là gì !!!

Làm thế nào để uống được nước bẩn.

Đang lúc lũ lụt hoành hành ở miền trung, nước sạch để uống rất khan hiếm, chợt nhớ đến một kinh nghiệm như thế này:
Ơ nơi không điện, không đèn, không còn có cả 1 que diêm, xung quanh chỉ là nước lụt đục ngầu và rác, làm thế nào để có nước sạch để uống ?
Lính ta đã làm như sau:
Lấy 1 cái chai thủy tinh trong, càng trong càng tốt. Hoặc là bây giờ thì dùng vỏ chai nhựa bất kỳ nào đó, miễn là càng trong càng tốt.
Múc nước bẩn vào đầy cái chai đó, phơi ra ngoài nắng. Việc này có tác dụng gì?
Nước để yên tĩnh một thời gian, các chất bẩn sẽ lắng cặn xuống bên dưới, đây là 1 thuộc tính tự làm sạch của nước.
Phơi ra ngoài nắng là để tận dụng tia cực tím của mặt trời tiêu diệt hay làm ngất 1 phần nào đó vi khuẩn.
Tại sao lại dùng chai trong ? Vì mặt cong lúc này như thấu kính, hội tụ nhiệt mặt trời được nhiều hơn, vi rút sẽ bị bỏng!!!
Và đến chiều thì có thể uống được.
Trong binh pháp, kế này gọi là: trong toàn cái xấu, nếu phải chọn, hãy chọn cái ít xấu nhất.

Ba chế độ ăn trong 1 nồi

Tổ chiến đấu của chúng ta theo chế độ “tam tam chế” có 3 người. Ấy vậy mà sở thích ăn uống thì lại mỗi anh một kiểu. Anh A tổ trưởng thích ăn cơm khô, cậu B tổ viên thích ăn cơm nát, còn cậu C hay làm thơ thì lại thích ăn cơm nếp. Trong khi đó thì hậu cần chỉ trang bị cho chốt của ta có mỗi một cái nồi. Làm thế nào để ba anh em có thể ăn cơm cùng 1 lúc được.
Theo tinh thần “khó khăn thì khắc phục”, lính ta đã làm như sau:
Cứ vo gạo như bình thường, khi nước sôi thì bỏ gạo vào. Gạo tẻ cứ đổ thẳng vào nồi, còn gạo nếp trước khi bỏ vào nồi đã được buộc túm lại trong chiếc khăn tay. Khi cơm gần cạn nước, kê nghiêng nồi 1 góc 45 độ.
Như vậy khi cơm chin, phần cơm phía trên góc 45 độ sẽ là cơm khô, phần dưới sẽ là cơm nát. Còn xôi thì chỉ việc rút cả chiếc khăn tay ra, mở khăn ra là phần cơm nếp ngon lành của cậu C.

Bồn tắm cánh cụp cánh xòe.

Sau mỗi ngày hành quân đường dài, việc được ngâm chân vào nước nóng pha muối mỗi buổi tối là rất cần thiết cho lính ta. Việc đó giúp các khớp chân được thư giãn, nhanh chóng phục hồi để chuẩn bị cho cuộc hành quân ngày mai.
Nhưng lấy đâu ra hàng trăm cái chậu cho đại đội. Và nếu người lính nào cũng đeo một cái chậu sau lưng thì cơ động làm sao cho kịp.
Lính ta đã làm như sau:
Đến chỗ trú quân, đào một cái hố nhỏ, trải xuống đó mảnh tăng (ni long) của mình. Chẳng là cậu nào cũng được phát 1 mảnh tăng, khi mưa thì là áo mưa, khi qua sông thì gói ba lô vào làm thành cái phao, và khi hy sinh thì “thay da ngựa và thay chiếu để anh về đất”.
Cậu nào khéo tay thì đã có thể khoét cho mình 1 cái chậu xinh xắn. Sau khi lót ni long xuống, đổ nước nóng vào, trước thì là rửa mặt, sau thì là ngâm chân.
Thế chẳng phải là bồn tắm cánh cụp cánh xòe còn gì.

Tìm phương hướng trong rừng

Đôi khi lạc rừng, mà trời lại đầy mây mù, chẳng thể nào ngắm mặt trời để tìm hướng đông hay hướng tây.
Lúc ấy các bác làm như sau:
Sờ quanh các gốc cây, phía thân cây nào có nhiều địa y hoặc rêu, phía ấy là phương bắc. Vì thân cây phương bắc luôn ẩm ướt hơn các phương còn lại.
Nếu chỉ còn các gốc cây, các bác xem vòng sinh trưởng của cây. Vòng sinh trưởng mở rộng về hướng nào, hướng đó là hướng đông.
Nếu vào buổi đêm không trăng sao, các bác sờ quanh thân cây, hướng nào còn ấm, hướng ấy là hướng tây.
Chúc các bác mau về đến nhà.

Công dụng của xà phòng 72.

Thủa 7x, 8x thời còn Liên xô, lính ta hay được phát xà phòng 72 của Liên xô.
Nguyên bản thì đây là xà phòng giặt. Loại xà phòng này cứng và bền cực kỳ.
Tuy nhiên, khi vào tay lính ta, công dụng của nó đã được cải biến. Có thể kể ra đây vài ví dụ:
-Keo hàn vạn năng: cậu lái xe nào cũng phải thủ trong mình 1 cục 72, người có thể tắm xuông nhưng xe thì không thể thiếu 72. Chẳng qua là thời ấy, xe cộ nhà mình rách nát lắm. Việc thủng bình xăng là chuyện thường ngày ở huyện. Khi phát hiện chỗ thủng,lính ta chỉ việc miết 1 ít 72 vào đấy là yên tâm chạy cả ngày.
-Mìn đánh cá: Nhét 1 cái kíp cháy chậm vào giữa cục 72, quăng nó xuống suối chỗ có đàn cá, chỉ nghe ục 1 cái như ho khẽ, thế mà cũng bắt được vô khối cá đấy.
-Lương thực cao cấp: Thời ấy vào bản, trong túi mà thủ cục 72 thì tối ấy thế nào anh em ta cũng có 1 chú gà để nấu cháo nhờ đổi cục 72.
Các bác còn nhớ công dụng nào nữa không ?

Làm sạch nòng súng

Kinh nghiệm này chỉ nên dùng với súng bộ binh cá nhân. Tỷ như K44, CKC, AK.
Đó là nhiều lúc, vì nhiều nguyên nhân, ta phát hiện ra súng của mình có các vết rỉ bên ngoài, và nguy hơn, trong nòng súng cũng có vết rỉ.
Đối với vết rỉ bên ngoài, chớ có dung vật sắc để cạo rỉ. Mà nên dùng giẻ lau mềm, thấm ít dầu, rồi cứ kiên trì lau. Vết rỉ được mài bởi vải mềm và da người!!! dần dần sẽ hết.
Còn đối với bên trong nòng súng thì có cách riêng. Hãy nạp cho nó 1 viên đạn, chĩa lên trời và làm 1 phát. Đảm bảo sạch bong. Nhưng nhớ chỉ nên dùng đạn tăng gia thôi nhé.

Cách làm mát nước uống khi đi dã ngoại

Ở miền Bắc vào mùa hè, hoặc vào 4 mùa ở miền Nam, khi đi hành quân (hay cắm trại – với các bạn sinh viên bây giờ), có 1 ngụm nước lạnh để làm vơi đi cái nóng nung người thì quả là tuyệt.
Lính ta đã làm như sau: làm ướt chiếc khăn mặt của mình, đem bọc ra ngoài chiếc bi đông, treo ở dưới bóng cây (hoặc chỗ có bóng râm và có gió). Nếu hành quân được ngồi trên thùng xe Gat, thì treo bi đông có bọc khăn ướt ấy ở thành xe.
Gió sẽ làm bốc hơi nước của khăn mặt, và khi bốc hơi, nhiệt độ trong chiếc bi đông cũng hạ xuống.
Lính nhà nghèo, dùng cách này cũng có nước mát uống, các bạn ơi.

Nấu cơm vào mùa mưa

Vào mùa mưa, có khi mưa kéo dài từ 2 đến 3 ngày liền.
Bộ đội đóng quân trong rừng luôn gặp khó khăn khi tìm cách nổi lửa nấu ăn.
Nhưng “khó khăn, khắc phục”, lính ta đã làm như sau:
Tìm kiếm những cành cây khô, to thì càng tốt. Dùng dao găm đẽo lớp vỏ ướt bên ngoài. Do gỗ khô nên rất ít thấm nước. Vì vậy phần bên trong cành cây khô luôn khô ráo.
Dùng phần củi khô ấy để nấu cơm. Trong khi đun, nhớ xếp các cành củi ướt ung quanh bếp, nhiệt độ sẽ làm các cành củi ướt khô mau. Và ta lại dùng chúng để tiếp tục đun nấu.
Thế là luôn có “cơm dẻo, canh ngọt” cho quân ta “ăn no, đánh thắng”.
Hồi tớ đang trong thời gian huấn luyện, có ông d  trưởng rất hắc. Cứ hôm nào mưa to, d trưởng lại ra lệnh hành quân chiến đấu. Lính tráng kéo nhau ra sân vận động. Tìm cách căng tăng bạt mà nấu cơm. Tiếng kêu cũng vang thấu đến trời xanh. Nhưng sau này về đơn vị rồi, ngẫm lại thấy học được nhiều ở ông d trưởng hắc xì dầu ấy.

Ước lượng độ cao để bắn máy bay bằng…. mây !!!

Bây giờ các bác khi đi chơi với các bóng hồng, thường hay chỉ lên mây bay trên bầu trời mà thề thốt tình yêu.
Cánh bọn tớ hồi trẻ chẳng được có cái cảm giác lãng mạn ấy. Chiến tranh là thế đấy.
Hồi đó, nhìn lên bầu trời, thấy mây kết thành đám dầy đặc, kiểu như mây của cơn mưa, bọn tớ phải biết ngay là nó ở độ cao 400-600 mét. Máy bay bay cùng với độ cao này, AK, CKC, K44 bắn được.
Nếu nhìn thấy các bông mây hình con thỏ, hình nấm hay hình gì đó. Phải biết ngay đấy là mây tích. Máy bay bay lẫn vào các đám mây này, thường là ở độ cao 800-1,200 mét. Ở độ cao này, chỉ có 12 ly 7 trở lên mới được khai hỏa. Các cỡ súng nhỏ hơn, bắn chỉ phí đạn.
Nếu nhìn thấy các đám mây cuộn thành từng mảng, baylững lờ theo từng đợt gió, đấy là mây ti. Máy bay ở độ cao này, khoảng 2-3 cây số. Lúc này chỉ có pháo từ 37 ly trở nên mới nên dùng.
Còn vào lúc bầu trời xanh thẳm, mây nhỏ li ti như những vệt khói sương trên bầu trời. Đấy là mây si rồi. Máy bay ở độ cao này là 7-10 cây rồi. Lúc này đành trông vào tên lửa hoặc bét nhất cũng là 100 ly.
Cho nên hồi ấy, có cô nàng mơ màng nhìn nhìn lên bầu trời và thẽ thọt với tớ: anh ơi, đám mây hình con gấu bông kia xinh quá. Tớ đã buột miệng mà rằng: phòng không của đại đội anh không bắn tới, vì a 12 ly 7 đi phối thuộc rồi.
Thế là đứt, nàng ra đi mà không hẹn ngày tái ngộ


Những cái tiết kiệm không nên có
Đời lính cũng có những mẹo hay, nhưng cũng có khi phát minh ra những cái mẹo dở. Tớ cho rằng cũng nên kể ra một số mẹo dở. Phần thì để anh em ta tránh, phần thì cũng để thay đổi không khí.

Mẹo dở thứ nhất: Tiết kiệm nước trên tầu tên lửa.

Hồi 8x, lữ 172 tầu tên lửa-HQ vẫn còn đóng ở căn cứ Hà Tu, chỗ cây số 11. Hồi đó quân chủng phát động phong trào thi đua: “bám biển dài ngày”. Có tay thuyền trưởng đã nghĩ rằng: muốn đi biển được dài ngày, điều đầu tiên là phải tiết kiệm nước ngọt. Nghĩ là làm, việc đầu tiên mà anh chàng hăng máu ấy làm là khóa béng cái toilet lại. Rồi cho hàn 1 cái cầu tõm ở phía đuôi tầu???
Các bác thử tính: tàu đi với hải trình khoảng 20 lý/giờ, mũi tầu đã bốc lên khỏi mặt nước thì bác có dám lần ra đấy để …tõm không?Huh
Chưa kể toàn tàu là 1 tham số trong điều khiển bắn. Giờ thêm cái cầu tõm chết tiệt ấy, thử hỏi tên lửa bắn ra đi cách mục tiêu bao xa Huh.
Chuyện này được cụ Cương, tư lệnh quân chủng kể trong buổi nói chuyện với các sỹ quan về nhận công tác tại HQ năm 84 đang tập trung tại đoàn 22 Hạ Long.

Hành quân trong đêm

Di chuyển để tiếp cận hay truy tìm mục tiêu, đặc biệt là trong đêm tối, kỵ nhất là phát ra tiếng động.
Một trong những biện pháp để hạn chế phát ra tiếng động là cố gắng tránh các vật cản tự nhiên.
Lính ta đã đúc kết: “ mưa tránh trắng – nắng tránh đen – trời nhập nhèm thì nhấc cao chân lên”.
Ngoài ra, khi phải lội trong bùn, chớ có rút thẳng chân lên. Mà phải nhớ là nên xoay chân đi 1 góc nào đó (gần 90 độ) rồi từ từ rút chân lên. Sẽ không có tiếng ộp oặp nào phát ra.
Kinh nghiệm này bây giờ có thể áp dụng cho các bác máu đi săn.

Bắn đêm.

Bình thường ban ngày ngắm bắn, ta chỉ việc chia đôi khoảng sáng ở khe ngắm với đầu ruồi. Nhưng trong đêm thì lấy đâu ra khoảng sáng mà chia?

Có thể lợi dụng ánh sáng của pháo sáng (nếu mắt cực tốt, tớ chưa bao giờ làm được thế cả) hoặc lợi dụng ánh lửa lúc chiến đấu để ngắm. Cách này phản xạ phải nhanh, yếu lĩnh phải vững cướp được đường ngắm.

Cách đơn giản hơn: Bắt đom đóm, cấu đít có phần lân tinh, bôi lên đầu ruồi, hoặc kiếm thanh gỗ mục nào có lân tinh. Rình ngắm tới sáng luôn.

Cách giữ đúng hướng trong tấn công

Nếu bạn là tiểu đoàn trưởng, phụ trách 3 đại đội tấn công chia làm 3 mũi trên một chính diện rộng trong đêm tối, cái khó nhất là đảm bảo cho mỗi người lính của từng đại đội không bị lạc đường và lạc hướng tấn công.
Quân ta đã làm như sau:
Tại chỗ xuất phát của mỗi C, chuẩn bị lấy 3 đống củi khô.
Ngắm làm sao cho cứ điểm của địch thuộc phạm vi tấn công của C đó và 3 đống củi khô làm thành một đường thẳng.
Khi có  lệnh tấn công, đốt ba đống lửa lên và hướng dẫn cho các chiến sỹ rằng: khi nào ngoảnh lại phía sau, vẫn thấy 3 đóng lửa nhập thành làm 1, tức là ta đang tấn công đúng hướng.
Ngày nay, khi định vị tim đường hầm bằng tia laze, người ta cũng rọi tia laze vào một mốc phía sau để phóng tim ra phía trước.


Lấy thịt trâu sống:
Cách này cần 1 con lê hoặc dao găm cũng được , 1 nắm tay đầy muối . đi qua chuồng trâu , dùng lê hoặc dao đâm 1 phát thật mạnh vào mông trâu , chú ý đâm đúng chỗ thịt ở mông ,đâm xong phải xoáy mạnh lưỡi dao. Sau đó thật nhanh sát cả nắm muối vào vết đâm . Bạn có thể đi đâu đó 2 đến 3 tiếng . Lúc quay trở lại phải có 1 con dao lưỡi thật sắc . Từ chỗ bị đâm của con trâu sẽ lòi ra 1 cục thịt , cắt cục thịt này , bạn sẽ có độ 0,5 đến 1,5 kg thịt bò . Loại thịt này bạn không bao giờ có thể mua được ngoài chợ . Thịt mềm và ngọt , phù hợp với món tái hoặc món xào . Cách này không làm trâu chết , sau 1 thời gian vết thương lại bình phục .
Lưu ý ;  Cách này chỉ thực hiện được khi chuồng trâu ở xa nhà , hành động phải nhanh gọn , chính xác , tốt nhất không phổ biến rộng ....

Buột dây giày:
Chúng ta lấy tạm một chiếc giầy trong hình làm ví dụ. Ký hiệu lỗ theo thứ tự trên hình vẽ. Số 1 ở trên cùng và tiến tới số lớn nhất ở dưới. Má bên kia cũng vậy. Tạm ký hiệu một má là bên A, má bên còn lại là B. Như vậy mỗi lỗ trên giầy sẽ có kí hiệu chữ và số (A1,B1,A2…) số lỗ trên một má giầy có thể là chẵn hay là lẻ. Đầu tiên cứ ví dụ làm trên giầy có số lỗ một má là chẵn, trường hợp này có 6 lỗ.
Dây giày phải đủ dài:
Chập đôi dây giày lại, cầm hai đầu dây cạnh nhau, xỏ một đầu dây từ trên xuống qua lỗ A1, đầu còn lại xỏ từ trên xuống qua lỗ A2. Đầu qua lỗ A1 được xỏ từ dưới lên qua lỗ B5. Đầu qua lỗ A2 được xỏ từ dưới lên qua lỗ B6. Như vây ta có hai đường dây bắt từ má bên này sang bên kia.
Tiếp tục đầu dây qua B6 được xỏ từ trên xuống qua lỗ A6, đầu dây qua B5 được xỏ từ trên xuống qua lỗ A5.
Tiếp nữa, đầu dây qua A6 được xỏ từ dưới lên qua lỗ B4, đầu dây qua A5 được xỏ từ dưới lên qua lỗ B3. 
Sau đó đầu dây qua lỗ B4 được xỏ từ trên xuống qua lỗ A4, đầu dây qua lỗ B3 được xỏ từ trên xuống qua A3.
Cuối cùng, đầu dây qua lỗ A4 được xỏ từ dưới lên qua lỗ B2, đầu dây qua lỗ A3 được xỏ từ dưới lên qua lỗ B1.
Đã xỏ xong dây giầy. bây giờ chỉ chỉnh cho dây giầy cân đối. Buộc hai đầu qua B1,B2 lại với nhau. Mỗi khi cần thít dây giầy chỉ cần kéo đầu chờ bên A1,2 và B1,2 lên. Bên A1,2 sẽ thít chặt tới tận vị trí qua lỗ 5 và 6. Bên B1,2 sẽ thít chặt các dây qua lỗ 3 và 4. 
Mỗi khi cần tháo gây giầy, ta có thể luồn ngón tay qua các dây ở vị trí 3,4,5,6 một lượt để nới lỏng các dây. Rất nhanh.
Nhìn hình dáng cũng được, phía bên trên thấy các đường dây đan một cách đều đặn từ hai má.
Các bác còn có kiểu buộc dây nào khác không?


Cách quàng nilon che mưa! Tôi được mấy anh lính cựu dạy như thế này:
Tấm áo mưa hình chữ nhật ABCD ( AB>BC ). Trước hết buộc hai đầu A và B với nhau. Kéo thẳng hai góc mới hình thành ta có một tấm áo mưa gần như hình thang. Quàng lên vai, buộc hai đầu mới hình thành lại phí dước cằm. Đầu buộc AB nằm phía sau gáy. Kéo hai bên qua vai để tà áo mưa che kín phía trước ngực. Nếu tấm nilon đủ rộng, cách buộc này ta có thể đeo ba lô mà phía trước ngực vẫn không bị ướt!

Cách đeo áo mưa này dùng cho cả ba lô quàng phía đằng sau lưng mà người không ướt.
Sau khi quàng vai, phải buộc thít vào cổ. Nếu buộc lỏng ra đầu ngoài áo mưa có thể dẫn đến hở gáy, nước mưa từ trên mũ vẫn lọt vào trong áo mưa. Cái này là tôi bị trả giá: Hành quân di chuyển (thời huấn luyện thôi)
Mảnh nilon  còn mới, buộc sâu vào sợ hằn vết, nát mất cái nilon mới. Tôi buộc đầu ngoài thôi (khổ ngang nó cũng khá to). Nước mưa từ mũ xuống chạm vào ba lô. Khi nước mưa ngấm tới người thì quần áo trong balô cũng ướt. Lúc thằng khác phơi quần áo giặt khi mặc hành quân, thì mình phơi tư trang cất trong ba lô.
tôi thấy từ trái sang phải, anh lính thứ 2 của hàng quân có choàng áo mưa đúng kiểu rõ nhất.



*****

Tìm kiếm Blog này