E-cadao:
Khi Tết đến Xuân về, khi tới kỳ giỗ ông bà, tổ tiên, dẫu đang sống
tận nơi đâu, các cháu con cũng nhớ sắp xếp thời gian và mọi điều kiện
bồng bế nhau về đủ mặt. Trước bàn thờ nghi lễ truyền thống, ăn mặc
lễ phục chỉnh tề, cử chỉ nghiêm trang, dọn lòng trong sạch hướng tâm
linh cúng lạy, nguyện sống xứng đáng với ''bề trên''.
Sự
tín ngưỡng ấy đã góp phần tạo thêm giá trị nhân văn, đạo đức truyền
thống, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc. Sự thờ cúng tổ tiên mách
bảo con cháu giữ gìn đạo lý, nề nếp gia phong, sống tình nghĩa thủy
chung, tu thân, hướng thiện. Thực tâm cầu thị, yêu đồng loại, sâu
nặng cội nguồn... Theo các nhà nghiên cứu, có ba kiểu bàn thờ khác
nhau. Đầu tiên là kiểu bàn thờ ông bà ta đưa từ miền Trung vào Nam
Bộ, có 4 chân, bàn nghi ở giữa, có lư nhang, bộ chưng đèn.
Phía trong bàn thờ đặt giường thờ. Phỏng định kiểu bàn thờ này xuất
hiện ở đất phương Nam vào năm 1890, khi chưa có bóng dáng đô thị hóa
và tiếp cận văn hóa phương Tây. Vào năm 1910, đổi lại kiểu bàn thờ
nhỏ gọn hơn, có thợ từ Bắc vào chạm trổ cẩn xà cừ hoa văn chữ Hán.
Cạnh bàn thờ có tranh vẽ trên kiếng nói về ước vọng sâu xa của con
nguời muốn vươn tới chân, thiện, mỹ và cuộc sống ấm no, thịnh vượng,
thái bình...
Khi có sự du nhập nền văn hóa phương Tây và kinh tế thị trường, ở
những nơi thị tứ, đường nét đô thị hóa rõ dần, đèn sáp đã thay bằng
đèn dầu hỏa, không gian thờ phụng thu hẹp hơn, thường chỉ 2,3 m2. Bàn
thờ, giường thờ đã thay bằng tủ thờ cách tân theo kiểu tủ người
Pháp, nhưng tuyệt nhiên cửa tủ trước không bao giờ mở; chỉ mở cửa
hông hai bên để giữ gìn ý tứ và cử chỉ tôn kính tổ tiên.
Bên trong tủ thờ chỉ đặt để ngăn nắp những nhang đèn, hoa quả, bình
tách, chai rượu quý, các giấy tờ hành chánh, hộ tịch, gia phả, di cảo
điền thổ... Phỏng định những kiểu bàn thờ này xuất hiện ở đây vào
khoảng năm 1920, như vậy chỉ trong vòng 30 năm, từ 1890 - 1920, ở Nam
Bộ đã có ba kiểu bàn thờ tổ tiên khác nhau. Từ bàn thờ 4 chân kê
liền với giường thờ phía trong, có bàn nghi ở giữa, chiếm nhiều diện
tích trong nhà, đã dần dần điều chỉnh đến đơn giản hóa, thu gọn vào
cái tủ thờ mà ta thường thấy.
Ngày nay, nhà cửa nơi ăn chốn ở được kiến trúc xây dựng khang trang
rộng lớn hơn, con cháu dành hẳn một phòng tĩnh lặng để thờ cúng tổ
tiên. Thiết kế đúc vĩnh cửu một cái bàn thờ cũng bằng bê tông. Lát
gạch men cao cấp bóng sạch. Còn có đặt để thêm mặt kính dày năm, bảy
ly. Bề ngang bàn thờ dài đến ba thước, có khi hơn, đụng hai đầu vách
tả hữu. Rộng đến cả thước sát vách tường. Bàn thờ mặt nhìn ra tiền
diện có nhiều cửa hướng đất trời thiêng liêng trong sáng, dưới đáy
bàn thờ là ngăn hộc tủ đựng lễ vật và tài sản quý báu.
Trang trí, thiết kế rất tinh tế, hoa đăng màu sắc hài hòa giữa tân và
cựu. Tết đến Xuân về còn lấp lánh hàng chữ “MỪNG NĂM MỚI''. Có đẳng
cấp, nhiều ngăn, nhiều tầng. Thờ phụng người quá cố từ nhỏ - tầng
thấp đến các bậc ông sơ, ông cố ở tầng cao. Dọn cúng mâm cao cỗ đầy.
Tề tựu đông đủ. Với các món nấu nướng gia truyền, dâng cúng là những
sản phẩm nông nghiệp.
Hoa tươi, rượu nếp gạo nấu tinh khiết. Bánh trái, ngũ cốc, thịt gà,
heo... Nấu nướng thơm ngon đặt lên cúng trên bàn thờ. Để ông bà yên
lòng nhìn thấy các cháu con biết giữ gìn truyền thống ''dĩ nông vi
bản'' và đem sức lao động cần cù làm ra thành quả từ lòng đất quê
hương của ông cha để lại. Thời nay người Việt còn dâng cúng nhiều
loại rượu bia, bánh hộp... nhiều loại thực phẩm chất lượng thời công
nghiệp chế biến cao sang tân tiến.
Trên bàn thờ gia tiên đặt nơi cao quý tôn kính nhất trong nhà, dân ta
lúc nào cũng trang hoàng, gìn giữ lau chùi thật tươm tất bóng sạch.
Hương đèn quanh năm. Đêm ngày gắn liền với tâm linh và ánh mắt. Ấy
chính là nét văn hóa truyền thống góp phần bảo tồn di sản tinh thần
và đạo đức trong đời sống con người lưu truyền tự ngàn xưa. (Theo Đào
Tăng - Kiến thức Ngày nay)