Tim thông tin blog này:

Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2014

Thông minh lỗi lạc hay khôn vặt bẻm mép

Nguyễn Hoa Lư

Một Thế Giới - Một cậu bé mới 7-8 tuổi, sao dám cắt ngang câu chuyện của người lớn với thái độ xấc xược như vậy. Không thể coi việc “nhanh miệng hỏi vặn quan” là sự “láu lĩnh, tinh nghịch, hồn nhiên” được. Cách xưng “tôi” của em bé trong hoàn cảnh “cầu hiền” của viên quan cần phải cân nhắc cẩn thận khi đưa vào SGK để dạy học.
1. “Em bé thông minh” là câu chuyện cổ tích trong SGK ngữ văn lớp 6. Chuyện kể về cậu bé 7-8 tuổi, con một người thợ cày đã biết ứng đối mau lẹ trước các tình huống oái oăm, cuối cùng được nhà vua phong làm Trạng nguyên, cho xây một dinh thự ngay cạnh hoàng cung để “tiện việc hỏi han”.

Cuối bài học, SGK giới thiệu “bài đọc thêm” là câu chuyện về Trạng nguyên Lương Thế Vinh (1441-1496), một nhân vật có thật trong lịch sử.
Cách kể chuyện của SGK tạo nên một không khí nghiêm trang, theo mạch sắp xếp cùng bài đọc thêm về Lương Thế Vinh khiến nội hàm của sự thông minh được hiểu theo nghĩa chân chính nhất. Những bình luận của giáo viên đã “ủng hộ” cho nhận định đó: “Câu chuyện đề cao phẩm chất trí tuệ của con người, cụ thể là người lao động nghèo. Đó là trí thông minh được đúc rút từ hiện thực cuộc sống vô cùng phong phú. Những người nông dân khi xưa tuy không mấy ai được cắp sách đến trường nhưng những kinh nghiệm, những kiến thức họ có được là nhờ có cuộc đời, trường học của họ là trường đời”.
2. Câu chuyện cần được đưa vào mục “Chuyện cười dân gian”. Buông khỏi mục này, các tiêu chí hiền tài theo định hướng của SGK rất cần được nêu ra để trao đổi.
Tình huống đầu tiên xảy ra khi có vị quan dừng ngựa hỏi người cha em bé “trâu mỗi ngày cày được mấy đường?”. Cách trả lời của em bé không mới. Vùng Nghệ Tĩnh có hát ví phường cấy. Bên nam hát đố: “Nghe tin em buôn bán tài tình/ Hỏi em con cá rô mấy vảy con cá kình mấy xương”, bên nữ đáp: “Anh về đếm mạ trửa (trên) nương/ Đếm người giữa chợ thì em đếm được xương con cá kình”.
Một cậu bé mới 7-8 tuổi, sao dám cắt ngang câu chuyện của người lớn với thái độ xấc xược như vậy. Không thể coi việc “nhanh miệng hỏi vặn quan” là sự “láu lĩnh, tinh nghịch, hồn nhiên” được. Cách xưng “tôi” của em bé trong hoàn cảnh “cầu hiền” của viên quan cần phải cân nhắc cẩn thận khi đưa vào SGK để dạy học.
Cậu bé “tư vấn” cho dân làng giết thịt hai con trâu và đồ hai thúng gạo nếp để mọi người “ăn một bữa cho sướng miệng”, sau khi dành ra một phần làm lệ phí “trẫy Kinh”. Thật khó mà thưởng thức được sự “hồn nhiên vui vẻ”, chỉ vang lên âm hưởng của sự thực dụng trần trụi.
Khi đến Kinh đô, cậu bé “nhè lúc mấy người lính vô ý mà lẻn vào sân Rồng”, cậu “khóc um lên”, cậu “vờ vĩnh” trả lời để dụ nhà vua lọt vào bẫy của mình, cậu “bỗng tươi tỉnh” đối chất với nhà vua. Nếu kéo câu bé ra khỏi không gian của câu chuyện cười, cậu chỉ còn là một thằng bé tinh ranh, mánh lới một cách tầm thường.
Không nhấn mạnh tính vui cười dân gian khiến nhiều câu hỏi được đặt ra rất khó có sự trả lời thỏa đáng. Vua tìm hiền tài mà chỉ sai quan đi khắp chợ cùng quê ra những câu hỏi “oái oăm, hóc búa” như vậy ư? Sự thông minh, lỗi lạc là do trời ban, không hề có sự công phu học hỏi? Phong Trạng nguyên mà dễ dàng và ngẫu hứng như vậy ư? Lương Thế Vinh có đỗ trạng nguyên theo cách của “em bé thông minh”?
3. Bàn về sự thông minh lỗi lạc với học trò lớp 6, cần nhắc đến những mẫu chuyện về Einstein, nhà bác học lừng danh nhất mọi thời đại.
Lúc mới sinh, Einstein có cái đầu quá to, cha mẹ tưởng là “quái thai”. Hơn 9 tuổi, cậu vẫn chưa nói năng trôi chảy. “Điểm yếu chính của tôi là một trí nhớ không tốt”, nhà bác học thú nhận.
Năm 12 tuổi, lứa tuổi các học trò đang ngồi tán tụng sự lỗi lạc của “em bé thông minh”, cậu bé Eistein tình cờ đọc cuốn hình học Euclide. Cuốn sách với những suy luận logic chặt chẽ đã chấn động tâm trí cậu mạnh đến nỗi khi về già, nhà bác học nhớ lại và coi đó là cuộc gặp gỡ kì diệu.
Gia sản văn học truyền miệng của cổ nhân là một thứ quặng, dẫu vô cùng quý giá nhưng vẫn có lúc còn nhiều sự thô mộc, chất phác. Các tác giả cứ bê nguyên xi vào SGK, lại không khéo sắp xếp và hướng dẫn khiến cho những viên đá chứa ngọc vẫn nguyên hình hài xù xì thô mộc. Chỉ tội cho các thế hệ con trẻ cứ è cổ vác trên vai mà “vững bước đi về tương lai tươi sáng”, không dám một lời ca thán.

Tìm kiếm Blog này