Nghe một ông Khải người Tây khác, nói về Việt Nam bằng tiếng Việt
Sở dĩ nói là "ông Khải người Tây khác", vì blog hay nhắc đến một ông Khải vốn biết đến lâu nay (tức Liam Kelley). Hai ông đều là người Mĩ.
Bây giờ thì nghe ông Khải này nói tiếng Việt, về Việt Nam:
Hôm trước gặp anh Robert
mà tên tiếng Việt là Khải ở nhà bạn Nguyễn Thục Quyên và Scott Brody.
Quyên làm việc với Robert Khải vài năm ở Word Vision, anh từng ở Sài Gòn
năm 1984-1985, 1991-1993, và ở Hà Nôi năm 1994-1995. Đi Việt Nam chơi
như đi chợ.
Hôm đó hai vợ chồng Quyên Scott làm chủ xị, có món chả cá Lã Vọng làm theo kiểu Virginia, cũng có chữ V :) Cũng bún mắm tôm, thế mà Robert Khải chén như thụi. Có râu kiểu Karl Marx mà vẫn ăn được mắm tôm chứng tỏ không phải tay vừa.
Mình từng xem anh Khải
nói tiếng Việt trên Paris by Night, gặp tại buổi chiêu đãi nhân dịp 20
năm Mỹ bỏ embargo đối với Việt Nam hồi năm ngoái, nhưng toàn lướt qua.
Trông anh Khải như cha cố, tóc xõa như nghệ sỹ, mắt xanh và tiếng Việt
thì thôi rồi lượm ơi, giỏi và hóm hỉnh hơn cả người Việt chính hiệu.
Anh rất thích dùng từ
“khốn nạn”. Lâu lắm mới gặp Quyên, một đồng nghiệp cũ, anh reo lên, giời
ơi, khốn nạn ở DC đã lâu mà anh Khải không biết. Hỏi học tiếng Việt ở
đâu, toàn học ngoài đường, từ nhiều người. Anh văng lung tung, chắc cũng
uống bia vỉa hè chán chê ở Hà Nội.
Trong những người nói
tiếng Việt ở Hà Nội, mình biết anh Goran người Bắc Âu, bập bẹ, ngọng líu
lô, nhưng vẫn hiểu. Goran làm cho UNHCR Hà Nội một thời gian dài.
Robert Khải nói là khá thân với Goran, thành ra tôi cảm giác như gặp anh
Robert ở đâu đó rồi.
Nhắc đến Goran và UNHCR,
mình bảo, có anh Dirk (Đức) người Đức cũng làm với mình những năm
1992-1995, nói tiếng Việt giỏi lắm. Robert gật gù, tay ấy được, nghĩa là
ở VN, tây nói tiếng bản xứ, anh chỉ phục có mỗi Dirk.
Danh bất hư truyền. Có
lần Dirk đi xe máy, đám trẻ đi xe đạp nghênh ngang thế nào, va phải anh
và ngã kềnh cả bọn. Dirk dừng lại. Bọn trẻ thấy tây thì thào, thằng này
nhiều đô la, bắt đền bỏ mẹ đi. Thế là hùa nhau, đền đi đền đi. Lại còn
dọa nữa, không đền “các chị” báo công an.
Dirk đợi cho cả bọn xỉa
xói chán, mới nói bằng một thứ tiếng Việt mà nghe từ phía sau, không
nghĩ là một người Đức nói “Này nhé, anh đếch sai đâu nha, các cậu các cô
đi lượn lẹo, vòng vèo, va vào người ta, lại còn bắt đến. Đây đếch đền,
làm gì được nhau, gọi công an đến đây”. Cả bọn trợn mắt, hiểu ra, và
cười vang. Cuối cùng cả hội quay sang ủng hộ tây vì tây biết tiếng Việt,
bắt hai đứa đi xe đạp xin lỗi.
Quay lại Robert Khải.
Anh sang Hà Nội, Sài Gòn gần chục năm, lăn lộn khắp nơi, làm nhiều tổ
chức NGO như World Vision, tham gia dự án HCR cho người hồi hương. Tôi
làm cho UNHCR những năm 1993-1995 nhưng thật tiếc không gặp Khải.
Thấy một tay mũi lõ, mắt
xanh, lại người Mỹ chính hiệu nữa, phóng xe khủng như gió, mỗi lần anh
về khu tập thể là cả xóm biết “Thằng tây Khải đã về” vì tiếng xe gầm rú.
Nói chuyện với anh rất
vui. Anh bảo nước Mỹ ngu, nước Việt điên. Hỏi sao anh lại nói thế. Này
nha, ngu mới mang quân đi đánh Việt Nam, ở xa như thế, chẳng biết đất
nước người ta thế nào mà mang bom ném, sai quân tấn công vào rừng, chả
ngu chứ khôn với ai.
Hỏi sao Việt Nam điên.
Ôi giời, thằng ngu đến đánh nhà mình, lôi cả triệu người, rồi đốt cháy
dãy Trường Sơn, có mà điên. Lẽ ra lừa nó vào, cho một phát là hết ngu,
đây mình lại dàn quân đánh nhau. Chả là điên đánh nhau với ngu à?
Biết Robert nói vui
nhưng nghe trong lòng đau đau thế nào. Vài triệu người chết, rồi 4-5
triệu người tha hương sau đó, phía Mỹ có bức tường chiến tranh gần 60
ngàn lính chết trận và hội chứng Việt Nam dai dẳng suốt 40 năm qua.
Hỏi, anh nói thế mà
không sợ FBI cho vào tù. Robert Khải bảo, nước Mỹ có Hiến pháp qui định
được biểu lộ tình cảm, kể cả hơi “khốn nạn” chút. Nói rồi anh Khải nháy
mắt cười.
Cuối cùng, Robert Khải,
Scott Quyên và mình bù khú với món chả cá Lã V(irginia), say sưa hết
chai vang, quay sang bàn về giáo dục.
Cả hai cùng cho là giáo
dục xứ Việt thiên về dạy con cháu học hành và ra làm quan, bố mẹ, họ
hàng được nhờ. Bao nhiêu tiền của đổ hết vào hy vọng đó. Có phải ai cũng
làm quan được đâu. Người làm quan, người làm quân, công nhân, có người
kỹ sư, thế mới thành cái society (xã hội) đa dạng. Thử tưởng tượng cả
Việt Nam có 90 triệu kỹ sư, toàn là đảng viên đcs, ngực đỏ chói, tiến sỹ
giáo sư chính trị, hô khẩu hiệu ủng hộ Mác Lê, thì nước này mạnh nhất
thế giới chăng.
Mình hỏi, thế giáo dục
Mỹ ra sao. Ừ nhỉ, giáo dục Mỹ cũng dở vì nhiều cái…ngu, Robert Khải than
trời. Chẳng có triết lý giáo dục gì cả. Mỗi trường dạy một kiểu, không
có sách giáo khoa chung do Obama qui định như bên Việt Nam. Nhưng có một
chi tiết là trong trường, ngoài xã hội, học sinh ít để ý là học sau này
sẽ làm quan, mà học để có một kiến thức tổng thể, giúp cho cuộc đời sau
này, cho dù có phụ trách cái garage xe hơi cũng OK.
Một bên học để làm quan, để kiếm thật nhiều tiền, một bên không hiểu học để làm gì… Nghe cứ như hề Sác lô.
Robert có tài kể chuyện
tiếu lâm, đọc thơ bằng tiếng Việt. Biết nói lái mùa hè uống nước “đánh
cha” là “đá chanh”, ăn xôi với hành phi, bánh khúc, vào Sài Gòn vẫn ăn
bún chả Hà Nội, hiểu cả cách từ chối của con gái Hà Nội và Sài Gòn, gò
má cao thì sát chồng… Anh nhớ nhiều tích khác nhau, hiểu văn hóa Việt
sâu sắc. Biết lẩy Kiều, nói ngược, nói xuôi.
Chia tay Robert và gia
đình Quyên-Scott, tôi chợt thấy, người ngoại quốc hiểu và yêu văn hóa
Việt còn rất nhiều. Robert Khải có dòng tộc Thụy Sỹ gốc Đức, tỵ nạn sang
Mỹ cách đây 200 năm. Anh luôn hãnh diện mình là người Đức.
Không hiểu sao tôi tin,
một người có tầm toàn cầu như Khải đến Việt Nam vì yêu con người và mảnh
đất này. Những gì Robert Khải mang theo trong trái tim là thứ tình yêu
tinh khiết, dù ngoài miệng đùa vui, nhưng đôi lúc có nước mắt của cả
người nói và người nghe.
HM. 28-12-2014
Theo: Giaovn