Hơn 250.000 con vật đang được xếp hàng chờ cúng tế cho nữ thần Hindu trong lễ hội tôn giáo 2 ngày (28 và 29-11) lớn nhất ở Nepal.
Lễ hội “thảm sát” súc vật cầu may này diễn ra 5 năm một lần nên thu hút được hàng triệu tín đồ Hindu đổ về tham dự.
Các quan chức địa phương cho biết nghi lễ tôn giáo này diễn ra tại đền thờ nữ thần Gadhimai ở Bariyarpur, Nepal, gần biên giới Ấn Độ. Bằng cách cúng tế hàng ngàn con trâu, chim bồ câu và dê, các tin đồ tin rằng Nữ thần Gadhimai sẽ mang lại sức mạnh, may mắn và thịnh vượng cho dân chúng.
6.000 con trâu đã bị giết trong ngày lễ đầu tiên
Hơn 200 thợ mổ sẽ giết các con vật trong lễ hội
Lễ hội bắt đầu vào lúc bình minh của ngày đầu tiên với nghi lễ gọi là “Pancha bali” giết chết 5 con vật: một con chuột, một con dê, một con gà trống, một con lợn và 1 con chim bồ câu.
Một người đàn ông lấy hết sức cố chém lìa đầu một con trâu
Con dao Kukri là "vũ khí" của các tín đồ
Tiếp đó, khoảng hơn 200 thợ mổ gia súc chuyên nghiệp sẽ dùng dao lấy hết sức chém lìa đầu các con vật đang được nhốt trên một khu đất rộng. Khoảng 6.000 con trâu và gần 100.000 con dê và gia cầm như chim bồ câu và gà đã bị giết để hiến tế cho Nữ thần trong ngày đầu tiên 28-11. Hơn 100.000 con vật khác cũng sẽ bị giết mổ khi lễ hội kết thúc vào ngày 29-11.
Đầu của các con vật sẽ được chôn trong một cái hố lớn để cúng tế cho Nữ thần, trong khi da sẽ được bán cho các thương nhân đã ký hợp đồng trước đó.
Đầu của các con vật sẽ được chôn để cúng tế trong khi da sẽ được bán cho thương lái
Cánh đồng chết chóc ở Nepal
Khoảng 2,5 triệu tín đồ đã có mặt trong lễ hội để chứng kiến các nghi lễ cũng như thể hiện lòng thành kính đối với Nữ thần sức mạnh của họ. Chính vì chỉ tổ chức 5 năm một lần nên nhiều người khá háo hức và chờ đợi lễ hội này.
Các tín đồ thực hiện giết mổ giơ cao vũ khí vào đêm trước khi diễn ra lễ hội
Theo ông Yogendra Prasad Dulal, một quan chức địa phương thì họ không thể ước tính được tổng số các loài động vật đã bị giết mổ trong các nghi lễ. Thông thường mỗi người đến tham dự sẽ mang theo một con vật hiến tế để cầu may mắn.
Trong lễ hội được tổ chức năm 2009, hơn 250.000 con vật cũng bị giết chết. Nghi lễ tôn giáo này đã gặp phải sự lên án của Hiệp hội Bảo vệ Động vật PETA. Các nhà hoạt động đã vận động để ngăn chặn việc giết hàng loạt động vật.
Lễ hội thu hút 2,5 triệu tín đồ đến tham gia
"Giết chết hàng ngàn động vật vì lý do tôn giáo không phải là điều thích hợp”, Uttam Kafle, một nhà hoạt động bảo vệ động vật Nepal cho biết. "Chúng tôi đang cố gắng thuyết phục mọi người rằng, họ có thể thờ Nữ thần tại đền một cách hòa bình và không bị tàn sát động vật".
Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực của họ, những người tổ chức lễ hội vẫn cho biết quy mô lễ hội năm nay sẽ lớn nhất từ trước đến nay. Khác với các tín đồ Hindu giáo ở Ấn Độ, những người theo đạo này ở Nepal chiếm 80% dân số và họ thường giết động vật để cúng tế các vị thần trong lễ hội.
Dưới sức ép của các nhà hoạt động PETA, các nhà chức trách đã phải triển khai hàng trăm cảnh sát để đảm bảo không có xung đột giữa các tín đồ và thành viên PETA.
"Đó là một nghi thức kết nối với đức tin của người dân, chúng tôi không thể làm tổn thương tình cảm và cấm các nghi lễ của họ”, Yogendra Dulal, một quan chức tại ở Bariyarpur cho biết.
Mới đây, Tòa án tối cao Ấn Độ đã yêu cầu chính phủ nước này ngăn chặn vận chuyển trái phép động vật vào Nepal cho buổi lễ này.