Cách trung tâm Thủ đô khoảng 40km là Đa Chất (Đại Xuyên, Phú
Xuyên) - làng đang lưu giữ một dòng ngôn ngữ cổ. Người dân ở đây có một
thứ tiếng nói để trao đổi riêng với vốn từ vựng rất phong phú, ít phải
vay mượn.
Một số người đã tìm đến nghiên cứu về
dòng ngôn ngữ này và đưa ra nhận định: Đây là những biệt ngữ có sự kết
hợp giữa âm Nôm và âm Hán Việt. Thậm chí căn cứ vào phát tích và phả hệ
của làng, một số người còn cho rằng đây là thứ ngôn ngữ thời Văn Lang -
Âu Lạc còn bảo lưu được.
Vào làng phải có… phiên dịch
Nằm giữa ngã ba của sông Lương và sông
Măng Giang (tên cổ của sông Nhuệ) là làng Đa Chất. Xã Đại Xuyên có 6
làng (nay là 6 xã) nhưng từ lâu nay Đa Chất vẫn được các làng trong xã
coi là “anh cả”. Vào ngày hội các làng đều phải đem vật phẩm đến ngôi
đình 500 năm tuổi, đã được xếp hạng Di tích Quốc gia để cúng tế. Đình Đa
Chất (còn được gọi là đình ba nóc, đình tám mái).
Đa Chất có không gian yên lành của
chốn đồng quê ngoại thành với những đình, chùa, miếu, mạo và một cảm
giác khác biệt. Đến đây như lạc vào một vùng đất lạ vì dân làng sử dụng
một thứ ngôn ngữ riêng để trao đổi. Nếu không phải là người dân sở tại,
muốn nghe được thì bạn phải có người… phiên dịch!
Gặp tôi ở cổng ngôi đình, ông Thủ từ
có tên Nguyễn Văn Đoàn, năm nay 73 tuổi cất giọng hỏi anh bạn đi cùng,
vốn là người gốc của đất này: Mỗ khái, mỗ lõng ngoại? Nghe ông Đoàn hỏi
vậy, anh bạn tôi cười rồi nói lại: Ông ấy hỏi cậu từ thành phố hay người
làng khác đến? Bạn tôi dùng thứ ngôn ngữ của làng trả lời, lúc đó ông
Thủ từ Đoàn mới dùng tiếng phổ thông để nói chuyện.
Mời tôi vào bệt cưu (đình làng) ông
Nguyễn Văn Đoàn cho biết: Cái lệ tục của làng tôi nó vậy. Gặp người làng
đầu tiên là phải dùng thứ ngôn ngữ này để trao đổi với nhau không các
cụ quở chết. Tôi chả biết các cụ tổ trong làng chúng tôi sáng tạo ra thứ
ngôn ngữ này từ bao giờ. Nhưng khi được sinh ra thành người chúng tôi
đã thấy ông cha mình nói thứ tiếng ấy rồi. Có thể trao đổi công việc cả
ngày mà không bao giờ hết vốn từ vựng.
Lệ làng thưở xưa quy định tất cả những
người sinh ra ở Đa Chất đều phải học thứ tiếng này. Người dân nơi đây
có nghề đóng cối, sinh nhai cũng bằng thứ nghề này nên lang bạt tứ xứ,
nhưng đến đâu, thấy ai nói thứ tiếng này dân tôi nhận ra nhau ngay mà
không phải hỏi.
Một ngày, thử làm “nhà ngôn ngữ học”,
tìm hiểu tôi thấy thứ ngôn ngữ lạ mà người Đa Chất đang dùng này vô cùng
phong phú. Thứ tiếng này rất ít vay mượn từ ngữ của nơi khác. Điều này
có thể khẳng định rằng, ngoài giá trị khoa học về mặt ngôn ngữ thì còn
có cả một quá trình phát triển mà thời gian ước tính có thể đến vài trăm
năm mới hoàn thiện được về mặt tín hiệu quy định.
Ngoài sự phong phú về vốn từ vựng,
phải khẳng định một điều rằng thứ ngôn ngữ tạm coi là cổ (nhiều người
còn cho là tiếng lóng) này của người Đa Chất rất giàu biểu cảm. Từ ngữ
và cách sử dụng của họ cũng hết sức hình tượng, mà khi được nghe, tuy
chưa biết nhưng cũng dễ để người ta hình dung ra được những gì mà người
Đa Chất đang muốn nói.
Trong ý kiến của những người biết và
quan tâm đến thứ ngôn ngữ này, có người quả quyết đây là thứ ngôn ngữ
thời Văn Lang - Âu Lạc còn lưu giữ lại. Sở dĩ tại sao lại dám đưa ra
nhận định như vậy, tìm hiểu thêm tôi thấy rất nhiều từ ngữ mà chúng ta
đang dùng hiện nay có sự vay mượn hay hoán cải của ngôn ngữ người Đa
Chất.
Chẳng hạn như để chỉ người bề trên,
người quan trọng thì người Đa Chất dùng từ: Chóp bu. Từ này ngày nay đã
phổ biến với ngôn ngữ phổ thông, chúng ta cũng hay dùng, ví như nhân vật
chóp bu, quan chức chóp bu… Cứ nói đến từ này, bất cứ người Việt nào
cũng hiểu đó là những người quan trọng.
Hay như từ Xấn xổ, người Đa Chất dùng
để nói đến một hành vi tiến tới dùng sức lực và kể cả bạo lực để làm một
cái gì đó mà người khác không muốn hay bị cưỡng ép.
Ngày nay tiếng phổ thông ta cũng dùng
từ này để chỉ những hành vi như trên như: Hắn ta xấn xổ đến, người ta
xấn xổ tới… Cùng với từ xấn này, người Đa Chất đã ghép nó với các âm
khác để hội thoại như: Xấn vụ (đóng cối), xấn đìa (làm ruộng), xấn bệt
(làm nhà). Ngay từ bệt để chỉ cái nhà thôi cũng rất hay, giàu hình ảnh
và có sức liên tưởng. Chúng ta thường dùng từ như đánh bệt, ngồi bệt
xuống để chỉ hành động và trạng thái rất thoải mái của con người.
Bệt - nhà, ai cũng vậy, khi về đến
nhà, người ta về với cái riêng của mình, lúc đó mọi sinh hoạt và giao
tiếp cũng được cho là thoải mái nhất. Để chỉ cái đẹp, người Đa Chất dùng
từ choáng. Bệt choáng (nhà đẹp), nhát choáng (gái đẹp)… Và nay, người
ta vẫn dùng từ này để chỉ những cái đẹp đến sửng sốt như: Cô ấy trông
choáng nhỉ? Ông ấy có cái nhà choáng nhỉ…
Không chỉ hình tượng và tạo sự liên
tưởng, hệ số đếm của làng cũng được hình thành với những cách đếm riêng
và không phải vay mượn. Nhất (một), nhị (hai), thâm (ba), chớ (bốn), dâu
(năm)… mười là lạp. Lái Lạp (hai mươi), thâm lạp (ba mươi)… bích (một
trăm), bích rộng (một nghìn)… Thậm chí một số vật dụng thời hiện đại
cũng đã được người dân ở đây chuyển theo ngôn ngữ riêng của mình.
Đồng hồ (sưỡn nhật), sưỡn mỗ (ô tô),
sưỡn trì (tàu thuỷ), sưỡn xì thiên (máy bay)… Có thể khẳng định rằng,
với quy định và việc hình thành ngôn ngữ, người Đa Chất đã có tới 99%
ngôn từ giao tiếp cho tiếng nói riêng của mình.
Nơi còn lại duy nhất ngôn ngữ cổ Văn Lang - Âu Lạc?
Vì theo lệ quy định nên người Đa Chất
rất có chủ định về việc bảo lưu thứ ngôn ngữ này. Làng quy định chỉ
truyền cho những người thuộc làng mình mà thôi. Vậy nên, tuy cận kề với
các thôn khác như Cổ Trai, Thường Xuyên, Thái Lai, Kiều Đông, Kiều Đoài
nhưng ở các làng này người dân đều không biết và không nói được thứ ngôn
ngữ của người Đa Chất.
Về hiện tượng ngôn ngữ khác lạ này,
hiện nay có rất nhiều quan điểm và cũng mới manh nha đánh giá. Nhưng tập
trung lại, nhiều người cho rằng đó là thứ tiếng lóng và thứ ngôn ngữ cổ
của thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc còn bảo lưu được. Thế nhưng trong hai
quan điểm này, tiếng lóng đã gần như bị loại trừ vì tiếng lóng thường
được coi là biệt ngữ - những tín hiệu ngôn ngữ riêng biệt của một nhóm
người nào đó diễn ra trong một thời gian, không gian và hoàn cảnh nhất
định.
Như vậy, nếu là tiếng lóng thì việc sử
dụng chỉ có ở một số người, không bền truyền và không thể có sự phong
phú như thứ tiếng mà hiện nay người Đa Chất đang dùng.
Vậy nên hiện nay, giả thiết được coi
là khoa học và phù hợp nhất: Đây là một dòng ngôn ngữ cổ, có thể là ngôn
ngữ Văn Lang - Âu Lạc. Ông Chu Huy (Hội viên Hội Ngôn ngữ Việt Nam) và
Nguyễn Dấn (Hội viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) đã bước đầu khẳng
định: “Tìm hiểu những biệt ngữ này thấy có sự kết hợp giữa âm Nôm và âm
Hán Việt, âm thông dụng và âm ít dùng, âm nói tắt, âm nói gọn và âm dân
dã”.
Hơn thế, người dân ở đây còn truyền
tụng một câu nói: “Sinh Bạch Hạc, thác Ba Lương”. Theo thần phả của
làng, đình Đa Chất hay đền Ba Lương chính là nơi thờ tự Trung Thành Đại
Vương làm thành hoàng làng. Mà Trung Thành Đại Vương còn được gọi là Thổ
Lệnh Trưởng - là Tướng chỉ huy Thuỷ quân thời Vua Hùng.
Ngài là con thứ ba trong một bọc gồm 5
người con của vị Hào trưởng vùng Hồng Giang (sông Hồng) có tên là Đào
Công Bột. Câu “Sinh Bạch Hạc” nói về Đào Công Bột còn “Thác Ba Lương”
nói về sự hoá của Thổ Lệnh Trưởng con Ngài trong cuộc chiến Hùng - Thục.
Có thể đây là một “khoá mở” cho dòng
ngôn ngữ này vì với giả thiết, trước đây Trung Thành Đại Vương đã mang
thuỷ quân của Hùng Vương xuống đây trấn đóng. Và với sự trấn đóng này,
Ngài đã truyền thụ thứ ngôn ngữ cổ trên vùng đất này.
Sự hiện diện của một hệ thống ngôn ngữ mà người Đa Chất đang sử dụng, việc đóng thuỷ trại của Thổ Lệnh Trưởng vùng Bạch Hạc, Hồng Giang có một mối liên hệ với nhau như thế nào về ngôn ngữ? Và “nghi vấn” về một nền ngôn ngữ cổ thời Văn Lang - Âu Lạc đang hiện diện ở Đa Chất có chính xác hay không? Câu hỏi này người Đa Chất và những người quan tâm đang trông chờ lời giải từ các nhà khoa học về ngôn ngữ, lịch sử và khảo cổ.
Nguồn: Danviet