Tim thông tin blog này:

Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

Vài lời nhân Từ điển của GS Nguyễn Lân được NXB Văn học tái bản

Hoàng Tuấn Công Theo Tuấn Công Thư Phòng

Hai bản inTừ điển (bìa trắng+vàng) của GS Nguyễn Lân mới tái bản (2014)
Hai bản inTừ điển (bìa trắng+vàng) của
GS Nguyễn Lân mới tái bản (2014)
NXB Văn học vừa tái bản “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” của GS Nguyễn Lân-một cuốn sách có những sai lầm mang tính hệ thống. Số lượng tái bản (năm 2014) tới 4 ngàn cuốn, chia cho hai Nhà sách.
Điều này có thể bất ngờ đối với nhiều bạn đọc từng biết đến sai sót của cuốn sách, nhưng với chúng tôi thì không!

Trong bài Wikipedia đã sửa đổi gì mục từ Nguyễn Lân đăng ngày 29/6/2014 tôi đã viết:
“Hiện nay các cuốn từ điển nhiều sai sót của GS Nguyễn Lân vẫn đang được bày bán rộng rãi tại các Nhà sách lớn trong toàn quốc. Dường như không có ai để ý hay chịu trách nhiệm gì về nó. Do đó, để ngày càng có nhiều độc giả nhận biết, không tiền mất tật mang vì các cuốn từ điển “có hại cho tiếng Việt” này, sự thật cần được tiếp tục lên tiếng.
Mới hay cái sai, cái giả dối bao giờ cũng rất ngoan cố, lì lợm. Và để đến được “bến bờ sự thật”, hành trình sóng gió của những “chuyến đò nhỏ” quả không đơn giản, dễ dàng chút nào!”

Thực ra, sự “ngoan cố, lì lợm” ấy đã có từ thời GS Nguyễn Lân còn sống. Ông đã bỏ ngoài tai những góp ý rất xác đáng của cụ An Chi (đọc Những sai khó ngờ trong Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam, Đọc lướt “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” của Nguyễn Lân) và cho rằng đó là những “nhận xét sai lệch”, “mắc sai lầm”. GS Nguyễn Lân đã tìm cách ngăn không cho An Chi viết tiếp, đồng thời kêu gọi độc giả “đánh giá khả năng và tư cách” của An Chi (!)


 Sau khi Nguyễn Lân mất (2003) ông Lê Mạnh Chiến lại có loạt bài viết Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt vạch ra những cái sai nghiêm trọng trong “Từ điển từ và ngữ Hán Việt” (XB 1988) của Nguyễn Lân (lưu ý, bạn đọc không nhầm với “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam”). Tuy nhiên, người trong gia đình GS Nguyễn Lân đã tìm cách can thiệp, ngăn chặn việc đăng loạt bài này.


Thế nên từ điển của “GS Nguyễn Lân” vẫn tiếp tục được tái bản với số lượng ngày càng lớn hơn. Nguyễn Lân và tác phẩm của Nguyễn Lân ngày càng được ca ngợi, đánh giá cao hơn. Đỉnh điểm là cuộc hội thảo “NGND.GS Nguyễn Lân-cuộc đời và sự nghiệp” tổ chức tại Trường Đại học sư phạm Hà Nội (2013) và Thành phố Hà Nội có kế hoạch đặt tên đường Nguyễn Lân.

Sau khi góp ý lại bị “mắng” “nhận xét sai lệch”, dĩ nhiên cụ An Chi đâu có rỗi hơi chạy theo mãi để thuyết phục GS Nguyễn Lân đừng soạn từ điển mới, đừng tái bản từ điển cũ nữa. Tuy nhiên, cụ An Chi (khi ấy) đã bày tỏ niềm tin tưởng: “một số hậu duệ của chúng ta sẽ không chịu nghe theo những chỗ sai trong từ điển của Nguyễn Lân… Tóm lại chúng không chấp nhận những chỗ mà quyển từ điển đã giảng sai. Nhưng đấy không phải là việc đáng lo vì đó là điều đáng mừng. Đáng lo là chúng trách các bậc tiền bối đã để lại cho chúng, và bạn bè sinh viên người nước ngoài của chúng, một quyển từ điển lẽ ra phải là khuôn vàng thước ngọc thì lại có nhiều điều sai sót làm cho người đọc không thể hài lòng” (Những sai khó ngờ trong Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam).
Vậy là đã 26 năm GS Nguyễn Lân xuất bản sách “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam”, 16 năm kể từ ngày An Chi có bài viết phê bình đầu tiên (1998) tiếp đến hậu sinh Hoàng Tuấn Công (2013) và đến nay (2014), “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” lại được NXB Văn học tái bản số lượng lớn.
Như vậy, không chỉ GS Nguyễn Lân, Cục xuất bản, các Nhà xuất bản, mà cả những người thừa kế tác phẩm của GS đã bất chấp công luận và ý kiến bạn đọc,… tái bản cuốn từ điển đầy rẫy những sai sót đã được các nhà nghiên cứu và bạn đọc chỉ rõ, tiếp tục hành trình “dĩ hư truyền hư”. (theo Luật xuất bản, việc tái bản sách của cố tác giả phải được sự đồng ý của người thừa kế tác phẩm. Nếu gia đình của GS Nguyễn Lân nhận ra cái sai của cha ông mình và thể hiện trách nhiệm với xã hội, sẽ không đồng ý tái bản một cuốn từ điển có quá nhiều sai sót như vậy)
Có một câu hỏi luôn hiện lên trong tôi: cha đẻ của Từ điển từ và ngữ Hán Việt, Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, Từ điển từ và ngữ Việt Namnhững người thừa kế tác phẩm có nhận ra những cái sai không nhỉ? Theo tôi là có! Vì người ta có thể sai do kém dốt, nhưng không thể kém dốt tới mức có người chỉ ra cái sai một cách chi tiết, mọi người đều thấy mà tác giả cuốn sách và con cháu lại không nhận ra.
Người xưa nói: Con chim trước khi chết cất tiếng kêu thương, Con người trước khi chết nói lời hay. Vậy là, cha đẻ của các cuốn từ điển “có hại cho tiếng Việt” đã không đủ can đảm trăng trối lại những “lời hay”.
Tôi tưởng tượng, những lời ấy như sau:
Cả cuộc đời, tôi chỉ có một ân hận, ân hận lớn nhất là không tự lượng sức mình nên đã biên soạn ra các cuốn từ điển đi ngược lại mong muốn, tâm huyết của tôi: giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt lại thành có hại cho tiếng Việt. Tôi đã mắc sai lầm khi vừa tìm cách bao che cho đứa con tinh thần nhiều dị tật của mình: Từ điển từ và ngữ Hán Việt, Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, lại vừa dành công sức những ngày cuối đời để biên soạn thêm một công trình từ điển đầy rẫy sai lầm khác: Từ điển từ và ngữ Việt Nam.
Nói như ông An Chi, hậu sinh sẽ không chịu. Trước sau rồi người ta cũng chỉ ra và chống lại những sai sót đó. Bởi vậy nguyện vọng cuối cùng trước lúc ra đi, (cũng là cách chuộc lỗi của tôi) là thừa nhận sự thật này để từ nay các NXB không tái bản lại Từ điển của tôi nữa. Cũng không nên tính chuyện sửa chữa làm gì. Công việc này tôi nghĩ là không thể. Bởi trong các cuốn Từ điển ấy tôi đã mắc sai lầm toàn diện, sai sót quá nhiều: từ Phương pháp luận ngôn ngữ học, Từ điển học, đến kiến văn; giải nghĩa từ ngữ, tiếng mẹ đẻ, chính tả:
-Tôi biên soạn Từ điển từ và ngữ Hán Việt nhưng bản thân lại không biết mặt chữ Hán. Thế nên, chữ “đoài” (兌) chỉ hướng tây, tôi lại giảng là “từ địa phương”; chữ thần (辰) trong Bắc thần nghĩa là trăng sao, tôi lại nghĩ đó là chữ thần (神) trong tinh thần; chữ hàn (翰) trong “hàn mặc” có nghĩa là cái bút, tôi lại ngỡ đó là chữ hàn (寒) nghĩa là nghèo túng, cùng quẫn trong “hàn sĩ”; tôi cũng không phân biệt được chữ tọa (坐) là ngồi với chữ tọa (座) là chỗ ngồi khác nhau thế nào; đến chữ “đinh” (丁)có hai nét, tôi cũng không biết nó gồm những nét gì,v.v…Nhiều, rất nhiều…khó có thể kể hết…
-Tôi biên soạn “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” nhưng lại chưa biết thành ngữ tục ngữ là gì. Bởi vậy, tôi mới thu thập cả các loại ca dao, câu đố, cho đến các ngữ danh từ như: Cách mạng xanh; Chạy đua vũ trang, Chiến tranh cân não; Chiến tranh chớp nhoáng; Chiến tranh lạnh; Chiến tranh tâm lý hoặc: Khăn chữ nhất, Khăn đầu rìu, Khăn mỏ quạ  v.v…Thế nên những kinh nghiệm, tri thức dân gian trong di sản thành ngữ, tục ngữ Việt Nam đã bị tôi giải thích sai lung tung cả.
Có người sẽ trách tôi, sao khi ấy không nghe lời ông An Chi, sửa chữa, biên soạn lại “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam”. Tuy nhiên, nói thì dễ, làm mới khó. Lý do nào để một vị GS, NGND, Học giả, Nhà biên soạn từ điển lừng danh như tôi lại đi thừa nhận những sai sót mà một kẻ tự học, không học hàm, học vị như ông An Chi chỉ ra, và chấp nhận sửa chữa? Mặt khác “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” giống như cái áo may bị lỗi của anh thợ vụng. Nay dẫu có mua tấm vải khác về may lại, vẫn với bàn tay thợ đó, làm sao có thể khá hơn được? Nhờ người sửa, hay may hộ thì còn gì là GS Nguyễn Lân nữa? Tuy nhiên, tôi thừa nhận mình sai lầm ở chỗ: ít ra nếu không sửa “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” thì cũng không nên tiếp tục “sinh” thêm đứa con tinh thần: Từ điển từ và ngữ Việt Nam” làm gì. Bởi cuốn này thực chất là chép lại nội dung hai cuốn kia, nên nó tập trung rất nhiều “dị tật”, cộng thêm nhiều khiếm khuyết mới… Sửa chữa những cuốn sách ấy khác nào biên soạn bộ mới?
-Số sách Từ điển đã trót in, phát hành trước đây, xin đừng đặt chuyện tiêu hủy làm gì thêm to chuyện. Có thể thông báo rộng rãi để bạn đọc không dùng, kèm theo lời xin lỗi của tôi. Số khác chẳng lợi, chẳng hại, hoặc hại ít cũng không nên tái bản mà để thời gian tự đào thải.
-Tôi cũng xin đặc biệt lưu ý: cuốn “Muốn đúng chính tả” (trong danh mục sách cùng tác giả, tôi xếp vào loại từ điển) dù bất cứ giá nào cũng không được tái bản. Vì sách này xuất bản từ năm 1949, bị sai chính tả rất nặng. Tôi dạy người ta phải phát âm chuẩn để viết đúng chính tả, trong khi chính tôi lại phát âm sai, dẫn đến viết sai nhiều. Ví dụ sàm sỡ lại thành xàm xỡ; đen sạm lại thành đen xạm; đen sì thành đen xì; sóng soài thành sóng xoài; sặc sỡ thành xặc sỡ…Lại thêm lỗi chính tả do cách nói và cách viết thời đầu thế kỷ XX không còn đúng với chuẩn chính tả hiện hành. Ví dụ: dây chun, thành dây trun; rơm rớm thành dơm dớm… Chính tả là môn học quan trọng đối với học sinh. Nếu thấy cái danh GS Nguyễn Lân của tôi ngoài bìa mà thầy trò cứ thế học theo thì thật là nguy hại. Trường hợp vì lý do nào đó cần tái bản, tôi đề nghị đổi một từ trong tên sách để bạn đọc khỏi chê trách: Tên sách “Muốn đúng chính tả” đổi thành “Muốn sai chính tả” là ổn.
Tôi từng tham gia nhóm biên soạn Từ điển tiếng Việt-Văn Tân chủ biên-1967-NXB Khoa học xã hội. Cuốn này tốt, được Thủ tướng Phạm Văn Đồng khen ngợi và mời cả nhóm dự bữa cơm thân mật. Tuy nhiên, đến khi một mình biên soạn từ điển tôi mới hiểu mọi chuyện không hề đơn giản. Bởi vậy, tôi cũng muốn nhắn nhủ tới những người đi sau: chớ nghĩ biên soạn Từ điển tiếng Việt là công việc dễ dàng và có thể đem lại danh tiếng, tiền bạc.
Sai! Sai lầm hoàn toàn!
Cuối cùng, tôi xin gửi lời xin lỗi tới ông An Chi vì đã từng có những lời nói và việc làm không phải với ông ấy…

Nhưng, có lẽ tác giả các cuốn từ điển “có hại cho tiếng Việt” đã không làm thế. Bởi vậy:
-Năm 2006, nhân kỷ niệm 100 ngày sinh của GS Nguyễn Lân, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh đã cho tái bản “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” với nguyên vẹn những lỗi mà cụ An Chi đã chỉ ra trong bài “Đọc lướt…” và đầy rẫy những lỗi khác mà chúng tôi tiếp tục chỉ ra trong loạt bài “Thử lý giải những sai sót để đời của GS Nguyễn Lân…”
-Cuốn “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” vẫn được hàng chục NXB tên tuổi bản tái bản liên tục với số lượng lớn. Nếu thống kê trong vòng 26 năm qua, tôi nghĩ, cuốn sách này sẽ lập kỷ lục được nhiều NXB ấn hành, tái bản với số lượng lớn nhất.
-Riêng cuốn “Muốn đúng chính tả” với những sai sót không thể chấp nhận cũng đã được gia đình GS Nguyễn Lân và NXB Văn hóa thông tin tái bản năm 2012.
-Hiện nay, không ít người noi theo bậc thầy GS Nguyễn Lân, lao vào biên soạn, kinh doanh Từ điển tiếng Việt nói chung và Từ điển thành ngữ tục ngữ nói riêng: ví như Từ điển tiếng Việt của Khắc Trí-Trọng Tấn-NBX Đồng Nai; Từ điển tiếng Việt-Vũ Chất (nhiều NXB) Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam-Nguyễn Cừ-NXB Văn học…với những sai sót không kém gì bậc tiền bối.
Cục xuất bản in và phát hành vừa rồi đã thu hồi Từ điển tiếng Việt của Vũ Chất, Từ điển tiếng Việt của Khắc Trí-Trọng Tấn. Tuy nhiên dân gian có câu: “Mèo tha miếng thịt xôn xao, Kễnh tha con lợn ai nào nói chi”. Với những sai sót nghiêm trọng trong Từ điển của GS Nguyễn Lân, đáng lẽ Cục xuất bản phải ra tay thu hồi từ lâu. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Chẳng những sách không bị thu hồi mà Cục xuất bản in và phát hành còn duyệt kế hoạch để NXB Văn học tiếp tục tái bản với số lượng lớn hơn trước (*)
Theo dõi quá trình xuất bản và tái bản từ điển của GS Nguyễn Lân, chúng tôi không ngạc nhiên nếu mai đây, hai cuốn: Từ điển từ và ngữ Hán Việt; Từ điển từ và ngữ Việt Nam của GS Nguyễn Lân tiếp tục được tái bản. Tuy nhiên, chúng tôi lại ngạc nhiên và không thể hiểu nổi: Người xưa làm sách để “Lưu danh thiên cổ”, ấy vậy mà ngày nay lại có những người làm sách, tái bản sách để “Di xú vạn niên” là sao nhỉ?
HTC/2/12/2014
(*)-Nhân dịp NXB Văn học tái bản Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam của GS Nguyễn Lân, chúng tôi xin trích đăng lại một số phản hồi bức xúc, thậm chí là phẫn nộ của bạn đọc đối với những sai sót trong sách Từ điển của GS:

  1. Phản hồi của ông Trần Đức Anh Sơn trên bolapquechoa-Dịp Tết Nguyên đán 2014:
“Tôi theo dõi loạt bài phê bình cuốn Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam của GS. Nguyễn Lân trên blog Quechoa rất kỹ qua hai loạt bài của ông Lê Mạnh Chiến và ông Hoàng Tuấn Công (ở đây, ông Trần Đức Anh Sơn có chút nhầm lẫn: ông Lê Mạnh Chiến không viết bài phê bình về Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam mà là “Từ điển từ và ngữ Hán Việt”-HTC chú thích). Ngoài ra, tôi cũng đã đọc bài phê bình cuốn từ điển này của tác giả Huệ Thiên / An Chi trên tạp chí Nghiên cứu và Phát triển của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế từ nhiều năm trước. Qua các bài phê bình này, và qua những gì đọc được từ điển của GS. Nguyễn Lân, tôi thấy cuốn từ điển này sai sót quá nhiều, trong đó có nhiều lỗi rất sơ đẳng, khiến cho những ai có chút hiểu biết về tiếng Việt đều khó chịu và phản ứng. Điều đáng buồn là người ta vẫn cứ tái bản mà ko sửa chữa, và đáng buồn hơn là gia đình GS. Nguyễn Lân là gia đình danh giá, theo như nhiều người tôn vinh và đánh giá, với hàng loạt giáo sư tiến sĩ, nhưng sao họ ko chịu sửa chữa những sai sót chết người trong cuốn từ điển này.
Vì thế, với tư cách là một độc giả, cũng là người hay tra cứu từ điển, tôi nhờ anh Lập chuyển kiến nghị của tôi đến hai nơi:
- Các nhà xuất bản đã lỡ in cuốn từ điển này: Đề nghị rút khỏi các hiệu sách, thu hồi và tiêu hủy.
- Gia đình GS. Nguyễn Lân: Đề nghị họp gia đình, phân công người rà soát và sửa chữa tất cả những chỗ sai sót trong sách của ông/cha mình và in ấn lại cho cẩn thận, coi như là một hình thức báo hiếu cho ông/cha và xin lỗi độc giả đã đọc và sửa dụng cuốn từ điển này. Trong gia đình GS. Nguyễn Lân, có ông con út Nguyễn Lân Trung là PGS.TS về Ngôn ngữ, là người phải thay mặt gia đình đứng ra chịu trách nhiệm sửa chữa cuốn từ điển này. Nếu ông Trung ko làm được (do kém cỏi, dốt nát hay do bận trăm công nghìn việc vớ vẩn ở Liên đoàn bóng đá Việt Nam) thì có thể thuê người sửa giúp. Không chỉ sửa chữa cuốn từ điển này mà tất cả những trước tác khác của GS. Nguyễn Lân, vốn có rất nhiều vấn đề và bị nhiều nhà phê bình phản biện, phê bình. Quí vị luôn tự hào là gia đình danh giá thì đừng để ông/cha của mình GS. Nguyễn Lân đã khuất bóng lâu rồi mà đến giờ vẫn còn bị người đời biêu riếu, mổ xẻ hết năm này qua năm khác, tội nghiệp cho giáo sư…”
Trần Đức Anh Sơn (Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH Đà Nẵng)

          2.Phản hồi của FB Cò Voi cho loạt bài viết: Những sai lầm mang tính hệ thống trong Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam:


           “… Thật ngạc nhiên không hiểu một người biên soạn từ điển như GS Nguyễn Lân(NL) lại có có những sai sót nghiêm trọng như vậy. Càng không hiểu những nhà xuất bản danh giá trong nước lại cẩu thả không đọc bản thảo, hay có đọc mà không phát hiện được. Để cho những sai sót trong từ điển của NL xuất bản chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến xã hội, nhất là tầng lớp học sinh sinh viên, giáo viên. Thưa Tuấn Công thư phòng (TCTP) tôi là một độc giả quê mùa ở vùng thôn quê Hà Tĩnh quanh năm bán lưng cho trời bán mặt cho đất không hiểu và phân biệt được ca giao, dân ca, tục ngữ, thành ngữ, (cả chữ Nôm và chữ Hán nữa) có hỏi một số giáo viên dạy văn ở một số trường nhưng họ giải thích không thỏa đáng hoặc không giải thích được. Nay đọc TCTP tôi mới hiểu được phần nào và biết thêm quán ngữ, ngữ danh từ…nếu không đọc TCTP mà lại mua tự điển của NL về để bày cho đứa cháu đang học tiểu học thì chắc sau này cháu sẽ oán ông mất. Tôi tâm đắc cách bắt lỗi của TCTP đối với sai sót của Nguyễn Lân, đã bắt lỗi nào thì không thể chối cãi được và cách lý giải thật thấu đáo có cơ sở, lập luận chặt chẽ rõ ràng, khúc chiết, có lý có tình. Thực tình tôi đọc được TCTP lần đầu trên trang Bọ Lập đâu khoảng tháng thang 4 năm 2014 với bài “Thử lý giải những sai sót để đời của GS NL…” từ đó lần mò vào trang TCTP và lần lượt đọc hết tất cả các bài đã đăng trong đó…” (Phản hồi của FB Cò Voi-/3/9/2014)

3.Phản hồi của bạn đọc Khải Nguyên-Hải Phòng (phucdau05@yahoo.com.vn) về loạt bài phê bình của TCTP ngày 1/5/2014:
“Những sai sót tràn lan trong các cuốn tự điển và sách về tiếng Việt của cố giáo sư Nguyễn Lân đã được các ông Hoàng Tuấn Công, An Chi, Lê Mạnh Chiến, … phát hiện từ đã khá lâu, đến nay không thấy ai phản bác (trừ phản ứng của ông N.L.D., nhưng không vì tri thức, học thuật mà vì “uy danh” đã được xác lập của một người “nổi tiếng”). Do vậy, vẫn được để cho vô tư “xài”. Rồi đây mãi thành “quen”, hoặc như ngạn ngữ đã nói “để lâu cứt trâu hóa bùn”, chẳng còn ai lưu tâm hay chẳng ai “có sức”, có đủ kiên nhẫn để vạch ra nữa thì không biết “sự trong sáng của tiếng Việt” sẽ ra sao?! Tác hại trước mắt thì đã rõ trên không ít trên sách báo, trong các bài diễn đạt của học sinh, sinh viên, thậm chí của giáo viên, trong các văn bản chính qui và không chính qui, …  Nữa, tác động đến các biên tập viên của báo chí, nhà xuất bản (người viết bài này từng nếm mùi “phiền lụy” khi  biên tập viên văn học của một nhà xuất bản viện đến tác phẩm của GS NL).
Trách nhiệm trước hết thuộc về tác giả các “công trình” kia, nhưng nay đã quá cố nên thuộc về  những người thừa kế tinh thần, nếu có. Kế đó là của nhà xuất bản từ biên tập viên trực tiếp cho đến tổng biên tập, giám đốc. Nhưng xét cho cùng thì tác động quyết định thuộc về các cơ quan chức năng và các tổ chức nghiệp vụ có liên quan., và do vậy, đó cũng là trách nhiệm tối hậu.
Tôi từng giản đơn nghĩ rằng lẽ ra, một khi đã được “báo” một “sự kiện động trời” như thế thì các cơ quan chỉ đạo có liên quan (Giáo dục&Đào tạo, Văn hóa), các tổ chức học thuật (ngôn ngữ, văn học, … ) phải “động”. Người ta sẽ lập tức họp bàn, nhận định, kết luận rồi ra thông báo ngừng sử dụng, ra quyết định thu hồi hoặc tiêu hủy, vân vân. Gì chứ việc cấm và thu hồi thì ở nước ta đâu có nhu nhơ! Thường thì khá nhanh nhạy, có những số báo, cuốn sách vừa ra lò đã có lệnh thu hồi. Một khi đã phát hiện “có vấn đề”(!) thì kiên quyết xử lí, như trường hợp luận văn thạc sĩ của cô Đỗ thị Thoan cách nay chưa lâu. Thế mà trường hợp các tác phẩm về tiếng Việt của cố GS Nguyễn Lân thì  lại thờ ơ vậy!
(…)
Hay là chuyện này chẳng chết ai, chẳng động đến quyền và lợi của ai! –Nhưng sẽ “chết” tiếng Việt, động đến văn hóa Việt, tinh thần Việt!
Hay là “vuốt mặt phải nể mũi” ! Chẳng ai vì nể “cái mũi”, dù quí giá cao sang mấy đi nữa, mà để dơ hay trơ “cái mặt”! (….)
….Những tác phẩm của NL vẫn ngự trong các thư viện, tủ sách, hay đơn giản hơn là trong cặp, trên bàn làm việc của những ai cần tham khảo. Chẳng phải ai cũng biết đến hoặc có điều kiện đọc các bài phản bác. Cần kiên quyết dọn, càng quang càng tốt, “khu vườn tiếng Việt”; và cũng cần kiên quyết và kịp thời cho ra những tác phẩm thay thế…”
 (Khải Nguyên-Hải Phòng)

Tìm kiếm Blog này