Tim thông tin blog này:

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2016

An-nam đặc tính cần-lao

#1 - Não trạng hướng dương
Hai trong nhiều đặc tính xấu của An-nam cần-lao trong gần thế kỷ qua là trông chờ sự ban ơn và vô trách nhiệm với bản thân và xã hội.
Cho dù đói kém gần như quanh năm, chỉ no được vài tuần trong mùa thu hoạch. Nhưng mỗi dịp tết đến hay mùa giáp hạt, chỉ cần được cấp phát cứu đói dăm cân gạo là chắp tay lại vái như bổ củi rằng ơn đảng ơn chính phủ.
Dĩ nhiên, truyền thông sẽ thêm mắm thêm muối để đám cần-lao có não trạng hướng dương này thấy đó chính là sự ưu việt của thể chế.

Tôi dự đoán rằng, phải tới 90% cần-lao xứ An-nam chưa một lần đọc bản Hiến pháp mới nhất (2013) và Luật tổ chức Quốc hội (2014). Thế nhưng họ luôn khẳng định và hào hứng rằng, họ là những ông bà chủ của đất nước. Rằng họ đi bỏ phiếu là thể hiện quyền làm chủ của họ.
Đó chính là sự vô trách nhiệm đối với chính họ và cho cả xã hội.
Trong stt trước, tôi có đặt ra câu hỏi theo một title bài rằng: "Đất nước nghèo, lạc hậu, dân trí thấp trách nhiệm thuộc về ai?". Tôi biết rằng, đại đa số về chủ quan sẽ đổ lỗi cho số phận, còn khách quan là đổ lỗi cho thể chế.
Họ luôn tin rằng, họ không hề có lỗi.
Họ tin rằng, một thể chế tốt thì họ sẽ được hưởng những điều tốt đẹp.
Đấy chính là sự vô trách nhiệm của họ. Không có con đường nào luôn rải hoa hồng cả. Không có hạnh phúc nào mà không đến từ đấu tranh.
Họ lầm lũi chấp nhận và cam chịu số phận. Họ đổ hết lỗi cho ông zời, coi như một sự cứu cánh về tinh thần. Đám hơn người một tý, nghĩa là có chút kinh tế, địa vị, bằng cấp thì nhắm mắt làm ngơ, luôn mồm giáo điều, chê bai thiên hạ, chê bai xã hội. Nhưng nếu bị đe dọa đến miếng cơm manh áo thì họ co rúm lại một cách thảm hại và hèn hạ.
Họ chấp nhận và không có sự phản kháng, dù biết rằng điều đó là bất công, là phi lý. Nhưng ở sau lưng, khi cảm thấy an toàn, họ lại nói xấu thể chế, nói xấu lãnh tụ. Họ hùng hồn như chính họ là những người khai sáng cho dân tộc này vậy. Thêm nữa, họ còn dạy dỗ người khác là phải khôn, phải biết thời thế.
Họ sống ảo với chính bản thân họ, và họ vô trách nhiệm với chính bản thân họ. Dĩ nhiên, họ vô trách nhiệm với chính xã hội của họ.
Marat từng có câu thơ: "Người ta lớn, bởi vì mi quì xuống".
Họ, với não trạng hướng dương, luôn cho rằng mình đang [được] đứng thẳng! 
 

#2 - Xứ sở thiếu thốn
An-nam là xứ sở thiếu thốn, cả về vật chất lẫn tinh thần.
Theo các nhà sử học quốc doanh, thủy tổ của xứ sở này sinh ra đã thiếu thốn tình cảm bởi cuộc ly hôn của cụ Quân và cụ Cơ. Đám con theo cụ Cơ dĩ nhiên thiếu sự dạy bảo và tình cảm của cha, có lệch lạc về nhận thức cũng là điều dễ hiểu. Vì thế mấy vụ truyền ngôi kiểu bánh chưng bánh dày cứ thiên kiến theo tình cảm chứ không phải chọn người tài giỏi theo lý trí để trở thành minh quân trị vì xứ sở.
Không chỉ thiếu thốn về tình cảm, mà còn thiếu thốn về vật chất. Nên có cơ hội là đòi vật chất và đầu óc luôn nặng về ăn uống, cứ như không được ăn thì chết đói đến nơi í.
Tỷ dụ như vụ anh Sơn và anh Thủy tranh dâu. Đáng ra phải hỏi nàng Mỵ thích ai, chọn ai vì hạnh phúc cả đời của nàng. Đàng này cụ Hùng 18 lại thách cưới vòi tiền mà chả màng đến ý của con gái.
Hay vụ anh Liêu nhận ngôi chỉ vì nấu được cái bánh ngon vừa mồm cụ Hùng 6 chứ chả phải là tài kinh bang tế thế.

Thế nên hơn 4 ngàn năm của sử quốc doanh, chả thấy mấy ngày cần-lao xứ này no ấm. Đói rét triền miên đến mức đi vào ca dao tục ngữ như một vết thương lòng của dân tộc.


Chuyện xưa đã thế, nay cũng chả hơn mấy.
Thời bao cấp khó khăn về vật chất, cần-lao sống chỉ vì ăn. Cố kiếm đủ ăn là mục tiêu và niềm hạnh phúc. Miếng ăn được xét nét đến từng chân tơ kẻ tóc của đời sống cần-lao. Đến mức có con gà rù cũng phải giấu diếm ăn vụng, ăn xong phải rửa mồm cho hết mùi vì sợ hàng xóm phát hiện.
Thời nay đói kém đã qua, chuyện cái ăn cái mặc không còn lo nữa thì người ta lại thiếu thốn tinh thần, thiếu thốn văn hóa.

Người ta thiếu một đức tin đến mức phải vin vào thánh thần làm kim chỉ nam cho cuộc sống. Chỗ nào cũng thấy cúng bái, người sau vái đít người trước đến mức cuồng tín và mê muội. Bỏ 20 nghìn lên tượng phật mà cầu cuối năm xây được nhà lầu mua được xe hơi.
Người ta thiếu một không gian văn hóa và vui chơi giải trí đến mức sẵn sàng chấp nhận sự nhếch nhác và bẩn thỉu để tìm chút niềm vui hiếm hoi của các ngày lễ tết. Họ sẵn sàng nằm gác đầu lên rác ở bãi biển hay ngồi ăn bên dòng nước đen ngòm và hôi thối.


Xứ sở nào cũng có lúc bi lúc hùng, xứ sở nào cũng có lúc suy lúc thịnh. Nhưng An-nam xứ sở này hình như bị zời đày, chỉ thấy bi và suy là chính.
Cơ khổ!
 

#3 - Bỉm sữa khóc mướn

Nhân việc con Hát khoác tay chồng của con Vanh dạo chợ huyện, đám vàng vẩu làng Đọ bàn tán xôn xao xôn xao. Từ quán nước nhà bà Béo đến gốc đa đầu làng.
Đám váy đụp bỉm sữa túm tụm đầu ngõ ngồi lê mách lẻo, chuyện bé xé ra to, nâng lên tầm đạo đức làng, thương vay khóc mướn ồn ã.
Đám con Hóng con Hớt hổ báo cáo chồn nhứt, chửi con Hát là đồ nọ con kia kinh khủng lắm. Con Hóng lôi vạt váy chấm nước mắt rằng bà thương con Vanh quá đy mất, cùng phận đờn-bà cả, tiên nhưn cái con Hát kia. Con Hớt vén váy đến bẹn, chống nạnh hai tay hùng hổ tuyên bố với đám bỉm sữa rằng con Hát này mà đi với chồng bà thì mà là...

Thằng Phu chồng con Hớt đi cày về, thấy nhà cửa lạnh tanh, cơm canh chưa nấu, đám trẻ lê la đầu sân bốc cứt gà sáp trét mặt nhau, cấu chí uýnh nhau ỏm tỏi.
Được lúc thấy con Hớt le te cắp nón về, liền quát: - Mày đi đâu mà cơm nước chưa có, để nhà cửa con cái như thế này?
Con Hớt lanh chanh: - Úi, anh không biết chuyện gì à? Cả làng đương bàn tàn xôn xao chuyện con Hát với chồng con Vanh. Khốn nạn khốn nạn. Vào tay em thì em cho nó biết...
Thằng Phu gầm lên: - Cái đcm nhà mày, việc nhà chúng nó chưa tỏ, ngoài ngõ chúng mày đã thông. Chỉ hóng hớt chửi rủa là giỏi. Tiên sư mày, nhà cửa con cái như thế này mà mà đi ngồi lê mách lẻo thương vay khóc mướn à? Thân mày còn lo chưa xong, mày lo được cho ai? Có vào bếp nấu cơm, dọn nhà, tắm cho con không thì bảo? Ông là ông vả cho sưng mồm rồi lót tay lá chuối mang sang trả cho bố mẹ mày ngay và luôn. Tiên sư nhà mày nhá.
Con Hớt sụt sịt: - Em xin em xin, để em làm ngay làm ngay, đừng đánh đừng đuổi em hu hu...
Đồ Gàn đi ngang, nghe thấy than rằng: - Đúng là ốc chả lo nỗi thân ốc, lại lo cọc mọc rêu. Hơn người ta thì đã đành, đằng này tốt đẹp gì mà đi chê bai, thương vay khóc mướn cho người khác. Khổ!
 

#4 - Não trạng niềm tin 

Vụ bắt những người cầm đầu 2 công ty đa cấp vừa qua và gia cát dự sẽ có một vài cô-ti-lưa nữa xộ khám cho thấy cần-lao vàng-vẩu xứ này rất dễ lừa.
Nguyên nhân đầu tiên phải là lòng tham. Bởi chả bị lòng tham làm mờ mắt thì chả bao giờ nghe đám đa cấp ấy dụ.
Gớm, cầm nắm tiền kinh doanh tối mắt tối mũi, đổ mồ hôi sôi nước mắt, thức đêm dậy sớm mà lãi được vài chục phần trăm đã là thành công. Chứ cứ ngồi chơi xơi nước mà lại được lãi đến cả nghìn phần trăm thì chỉ có lừa đảo mà thôi.
Nhưng một nguyên nhân nữa, cũng chả kém phần quan trọng là vàng-vẩu xứ này luôn có não trạng niềm tin. Là niềm tin, không phải đức tin nhóe.
Bởi lẽ, xứ này luôn thiếu thốn đức tin nhưng lại cực kỳ thừa thải niềm tin.

Ở tầm vĩ mô là niềm tin ỷ lại. Đại loại là não trạng luôn mặc định rằng, việc nhớn đã có đảng và nhà nước lo.
Ở mức vi mô là niềm tin vào nhân vật. Cứ thấy nhân vật nào có tý quyền chức mà tin là lại có một đám bầy đàn tin theo. Kiểu như ông ấy như thế này như thế nọ mà đã tin thì cớ gì mình không tin.
Đám đa cấp, đám lừa đảo luôn tìm một số người có tý uy tín để làm mồi câu. Đám mồi câu đó cũng có lẽ là thơ ngây, cũng có lẽ là háo danh, và cũng có lẽ là tham... nên có thể bị lừa, cũng có thể biết nhưng mặc kệ kiểu ngậm miệng ăn tiền hoặc vì chút danh hão nó lấn át lý trí.
Thế nên đáng ra phải dạy bảo con trẻ có tư duy độc lập và có khả năng xét đoán vấn đề, nhưng phần lớn các mẹ bỉm sữa xứ này lại thích dạy con nghe lời và tin tưởng. Kiểu như thày cô nói thì cấm có sai, bố mẹ nói thì cấm có sai, nhời lãnh tụ là chân lý... và các con phải mặc định tin tưởng.
Dĩ nhiên, các mẹ bỉm sữa này khi bé cũng bị nhồi sọ như thế, và bây giờ họ tiếp tục nhồi sọ cho các mầm non tương lai đất nước. Và đám đối tượng này lẫn những người nghèo ít học vùng sâu vùng xa là những đối tượng dễ bị lừa nhất.
Bởi lẽ, đó là 2 nhóm đối tượng mặc định có não trạng niềm tin! 
 

#5: Não trạng duy tình 

An-nam là xứ sở âm tính, có lẽ vì thế nên cần-lao từ xưa đến nay sống thiên về duy tình mà ít duy lý. Nó như tính cách gái dậy thì, cứ “sáng nắng chiều mưa trưa ẩm ướt”, hay như mụ đàn bà góa nanh nọc chửi cả xóm vì mất gà vậy.
Chính vì duy tình nên được cái ưu điểm là yêu ghét rất rõ ràng, nhưng lại rất hay yêu ghét quá mức, kiểu “yêu nhau lắm thì cắn nhau đau”. Dĩ nhiên sự yêu ghét này không phải là vĩnh viễn, mà có thể chuyển trạng thái từ yêu sang ghét và ngược lại chỉ vì một sự hiểu nhầm hay đã giải quyết được sự hiểu nhầm.

Con người luôn tồn tại cả cái tốt và cái xấu, khi cái tốt trội hơn thì được người ta nhìn nhận là người tốt, và ngược lại. Các tiêu chí đánh giá người tốt, người xấu cũng rất cảm tính như chính quan điểm duy tình nói trên.
Thế nên anh A chơi thân với anh B thì trong mắt anh í anh B mặc định là người tốt, và những gì liên quan đến anh B cũng tốt. Còn ghét anh C thì nghiễm nhiên trong mắt anh í anh C mặc định là người xấu, và những gì liên quan đến anh C cũng xấu. Cổ nhân vẫn nói: “Yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng” là vậy.
Mặc dù có thể đến một ngày nào đó anh B sẽ trở thành người xấu và anh C lại là người tốt trong mắt anh A như sự chuyển trạng thái yêu ghét mà tôi nói trên.

Lảm nhảm những điều ai cũng có thể biết ở trên để nói đến chuyện đánh giá một sự vật hiện tượng liên quan đến một cá nhân nào đó. Những người yêu thì sẽ nói những mặt tốt, nào là anh ấy thế này, anh ấy thế kia, tốt lắm tốt lắm. Ngược lại những người ghét sẽ bới ra đủ cái xấu xa để dè bỉu, phê phán.
Một người [được coi] là tốt cũng có nhiều lúc làm việc xấu và ngược lại. Khái niệm xấu tốt trong đánh giá một con người dựa theo cảm tính chỉ mang tính nhận định cá nhân. Thậm chí việc anh làm có thể là tốt với người này nhưng lại xấu với người khác.
Thế nên thấy cần-lao An-nam - từ bần-nông thối tai khai bẹn đến tinh-hoa nửa mùa khen chê, bênh, ném đá một cá nhân nào đó trên mạng xã hội thì đến 95% là theo cảm tính mà không có một tiêu chí chuẩn mực hoặc cơ sở pháp lý nào cả. Thậm chí đến mức một người phạm tội đã đủ cơ sở truy tố vẫn cố gào lên rằng có khi nhầm lẫn gì đó chứ tôi biết anh này tốt lắm.
Cái “tôi biết” hạn hẹp đó đã làm mất cái tính duy lý trong họ. Vì nếu họ không duy tình thì sẽ không bao giờ có cái gọi là “tôi biết” đó.
Một dân tộc, một xứ sở muốn văn minh và hiện đại thì con người phải ứng xử với nhau theo các chuẩn mực xã hội và hành lang pháp lý chứ không thể ứng xử bằng cảm tính được.
Vậy mà An-nam-xứ trong thời đại thế giới phẳng và văn minh nhân loại lấp ló ở hiên nhà nhưng vẫn cố thủ trong não trạng duy tình và khép kín sau lũy tre làng.
Sự duy tình không chỉ dừng lại ở mối quan hệ người với người trong xã hội, mà còn có cả trong kỹ trị, điều hành quốc gia từ thượng tầng trung ương đến hạ tầng địa phương.
Tản Đà tiên sinh đã than rằng: “Dân hai nhăm triệu ai người lớn?”. Vậy mà gần trăm năm sau, cần-lao đã đông lên gần trăm triệu nhưng não trạng duy tình vẫn gần như phổ quát trong xã hội. Nó như kiểu con trẻ khóc hờn vì đòi đồ chơi không được nhưng lại cười khanh khách ngay khi được nịnh.
Bi kịch của xứ sở này là mãi mà không chịu lớn!

© 2016 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet.

Tìm kiếm Blog này