Tim thông tin blog này:

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

Quốc ca Việt Nam

Vinhhuy Le đã thêm 5 ảnh mới.
28 Tháng 5 lúc 16:27 ·

Quốc ca là một nhạc phẩm được dùng làm biểu trưng cho một nước, cũng như quốc kỳ là biểu trưng của tổ quốc. Khi được tấu lên bằng nhạc khí, thì nó là Quốc thiều; được hát lên thì là Quốc ca.
Ở Việt Nam, quốc ca xuất hiện rất muộn. Trong “Dụ chư tỳ tướng hịch văn” (thường được biết dưới tên “Hịch tướng sĩ”) tuy có nhắc đến “nhạc Thái Thường”(1) nhưng đó không phải quốc ca, mà chỉ là một khúc Lễ nhạc cung đình được cử lên trong các dịp tế giao. Nhạc Thái thường triều Trần nếu có thật(2) thì nó chỉ dành riêng cho bậc quân vương, và không gắn kết được toàn dân trong một tình cảm ái quốc nồng nhiệt; thậm chí, loại Nhã nhạc này còn đối lập với âm nhạc trong dân gian, người ta cho nhạc cung đình là tôn quý trang nhã, còn nhạc dân gian là “tục nhạc”, “dâm nhạc”.
Triều Hậu Lê (1427-1788), Nhã nhạc cung đình Việt Nam mới được hoàn thiện. “Đại Việt sử ký toàn thư - Kỷ Thái tông hoàng đế” chép: vào năm 1337, Lê Thái tông y theo ý kiến hoạn quan Lương Đăng để định chế Nhã nhạc mô phỏng theo qui chế của nhà Minh.
Mãi 200 năm sau, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (trị vì 1613-1635) mới lập ra một hệ thống lễ nhạc mới ở Đàng Trong. Và ngót 200 năm sau nữa, Gia Long lên ngôi mới sai soạn khúc “Đăng đàn cung” 登壇宮 và lấy đó làm “Quốc thiều” (tức đây chỉ mới là bản nhạc không lời). “Đăng đàn cung” được viết theo “hơi Khách” của giai điệu Ngũ cung truyền thống. Nó được tấu lên mỗi khi nhà vua đăng đàn bái tế xã tắc ở đàn Nam Giao. Theo tài liệu của Pháp, thì viên sĩ quan Pháp theo phò Gia Long Jean-Baptiste Chaigneau, có tên Việt là Nguyễn Văn Thắng (1769-1832) là người sáng tác nhạc phẩm này.
Năm 1932, nhân dịp đón vua Bảo Đại về nước đăng cơ, “Đăng đàn cung” được Nguyễn Phúc Ưng Thuần viết lời:
"Dậy, dậy, dậy mở mắt xem toàn châu
Đèn khai hóa rạng khắp hoàn cầu
Ngọn đường thông thương ngàn dặm, xe tàu điện, tàu nước, tàu bay
Nghề khôn khéo chạy khắp phương trời
Càng ngày văn minh càng rộng, tranh cạnh lợi quyền
Đất càng ngày càng rộng, dân giàu nước mạnh
Nước càng ngày càng thịnh, của có thêm người khôn
Người Nam quốc, một giống Tiên Rồng
Thiệt dòng giai nhân tài tử, xưa rày gọi là nước tài ba
Nền văn hiến, nặn đúc anh hùng
Sẵn tài thông minh trời dựng, thêm nghề học hành
Học càng ngày càng tiến, nghề nghiệp mở rộng
Nước càng giàu càng mạnh, nòi giống thêm vẻ vang
Này Âu Á, gặp lúc phong trào
Sẵn thấy ra công rèn tập, trăm nghề nghiệp đều biết đều hay
Đường tiến hóa chạy suốt tam kỳ
Càng ngày non sông càng đẹp, cảm ơn bù trì
Chúc Đại Pháp bình an, nước nhà thịnh trị
Chúc Nam Việt vạn tuế, trường thọ vô cương".
Năm 1945, chính phủ Trần Trọng Kim cũng dùng “Đăng đàn cung” làm quốc ca chính thức, với lời như sau:
“Kìa núi vàng bể bạc
Có sách trời định phận
Một giòng ta gầy non sông vững chặt
Đã ba ngàn mấy trăm năm
Bắc Nam cùng một
nhà con Hồng cháu Lạc
Văn minh đào tạo
màu gấm hoa càng đượm
rạng vẻ giòng giống Tiên Long
Ấy công gầy dựng
từ xưa đà khó nhọc
Nhớ ơn dầy nặng
Lòng trung quân đã sẵn
Cố thương nhau, thương nhau một niềm
Nguyện nhà Việt muôn đời thạnh trị”.
Sau Cách mạng Tháng Tám, đất nước chia đôi, ở miền Bắc, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lấy bài “Tiến quân ca” của Văn Cao làm quốc ca.
Ở miền Nam, năm 1946, Pháp thành lập Nam kỳ quốc, thì chính phủ Nguyễn Văn Thinh lấy bài hát của giáo sư Võ Văn Lúa làm quốc ca(3). Năm 1948, chính phủ Quốc gia Việt Nam do Bảo Đại làm quốc trưởng lấy “Tiếng gọi công dân”(4) của Lưu Hữu Phước làm quốc ca. Sau này, đến khi miền Nam thành lập Việt Nam Cộng Hòa vẫn giữ nguyên quốc ca là bài "Tiếng gọi công dân".
Đến khi hai miền Bắc Nam gộp làm một thì chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam lấy “Tiến quân ca” làm quốc ca chung cho cả nước (vào ngày 2 tháng 7 năm 1976).
Nhạc được dùng làm quốc ca phải của người có duyên, chạm vào và cầm nắm được hồn vía của dân tộc, nên tuy ở cả hai miền, người ta từng muốn dùng nhạc phẩm khác làm quốc ca để thay vào tác phẩm của Văn Cao và Lưu Hữu Phước nhưng đều không thành.
Ở miền Nam, năm 1956, quốc hội Việt Nam Cộng Hòa muốn chọn quốc ca mới, vì “Tiếng gọi công dân” là sáng tác của một nhạc sĩ đang sống ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Lúc ấy, có bài “Việt Nam minh châu trời Đông” của nhạc sĩ Hùng Lân được nhiều đề cử, nhưng rốt cuộc người ta phải tuyên bố không chọn được nhạc phẩm nào xứng đáng thay thế cho “Tiếng gọi công dân”(5).
Năm 1981, chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng có ý định thay đổi quốc ca. Một cuộc thi viết quốc ca qui mô được tổ chức rầm rộ trên toàn quốc. Nhiều tên tuổi lớn của âm nhạc Việt Nam như Trọng Bằng, Đỗ Nhuận, Diệp Minh Tuyền v.v... và cả Lưu Hữu Phước nữa, cùng gửi sáng tác để hưởng ứng. Cuộc thi này lúc ban đầu dự định thời hạn là từ 19-5-1981 đến 19-12-1981, sau đó kéo dài thời hạn thêm đến 30-6-1983 mới chốt sổ. Qui định là Hội đồng giám khảo Cuộc thi sáng tác quốc ca sẽ chọn ra 5 nhạc phẩm hay nhất trình Hội đồng nhà nước sơ thẩm, nếu được duyệt sẽ đưa ra quốc hội để bình chọn quốc ca. Nhưng rồi chẳng hiểu vì lý do gì đó mà đảng, chính phủ và quốc hội Việt Nam lúc bấy giờ lại nín luôn, không hề nhắc tới cuộc thi, cũng chẳng thèm tuyên bố nguyên nhân việc đổi quốc ca đã không thể thực hiện, cứ như thể cuộc thi đó không hề xảy ra vậy. Và “Tiến quân ca” vẫn là quốc ca của nước ta cho đến giờ.
* * *
Quốc ca, quốc kỳ là biểu trưng của hồn nước, trong đó tích tụ huyết hãn bao đời. Khi quốc thiều, quốc ca tấu lên, người ta thấy như cha ông sống lại cùng mình đồng hành xây dựng và bảo vệ đất nước. Mỗi bài quốc ca tuy vậy lại gắn liền một thời kỳ, thường là gian khó của dân tộc, nên nhiều bài quốc ca nghe như có tiếng gươm khua trống giục, thúc người ta hăng hái muốn liều thân xông pha sa trường, xối máu nóng để giữ lấy giang sơn.
Nhưng cái thời yêu nước nồng nhiệt, sôi động, thuần khiết: “Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước/ Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca/ Đường vinh quang xây xác quân thù/ Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu”; hay “Cùng nhau ta tuốt gươm, cùng nhau ta đứng lên/ Thù kia chưa trả xong thì ta luôn cố bền” của các bậc tiền bối Văn Cao, Lưu Hữu Phước đã xa lắm rồi. Nhất là với đà tuột dốc thành nhu nhược đớn hèn và lai căng đến mức dị hợm thảm hại như hiện nay, âm nhạc Việt Nam khó lòng có nổi một bản hùng ca, đừng nói là mơ đến việc thay đổi quốc ca.
_______
Chú thích:
(1) Thính Thái thường chi nhạc, yến hưởng ngụy sứ nhi vô nộ sắc 聽太常之樂宴饗偽使而無怒色 (Tai nghe nhạc Thái thường để đãi yến ngụy sứ mà không nổi giận).
(2) Từ đời Tiền Lê (thế kỷ X) đến đời Lý (thế kỷ XII), âm nhạc cung đình Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng của Chăm-pa. Qua đời Trần (thế kỷ XIII), theo “An Nam chí lược” của Lê Tắc thì sinh hoạt ca múa cung đình đã phong phú về loại hình và bài bản, nhưng triều đình Trần vẫn chuộng và lấy âm hưởng Chăm làm chủ đạo. Và cái tên khúc “nhạc Thái thường” vào thời Lê Thánh tông, phải đến cuối thế kỷ XV, tức vào lúc cùng thời với khi soạn “Đại Việt sử ký toàn thư” mới thấy xuất hiện. Chi tiết này cho thấy một nghi vấn: “Dụ chư tỳ tướng hịch văn” (hoặc chí ít thì cái câu “Nghe nhạc Thái thường đãi yến ngụy sứ mà không biết giận” kia), không phải được viết vào thời Trần kháng Nguyên - Mông, mà là do người đời sau bịa ra.
(3) Nay không còn tìm được nhạc phẩm này, chỉ biết lời của nó là đoạn đầu của... bản dịch “Chinh phụ ngâm khúc”.
(4) Bài này nguyên có tên “La Marche des Étudiants”, do Lưu Hữu Phước sáng tác vào cuối năm 1939, với lời tiếng Pháp của Mai Văn Bộ, dùng làm bài hát chính thức của Câu lạc bộ Học sinh trường trung học Petrus Ký. Năm 1941, Tổng hội Sinh viên Đông Dương chọn bài này làm bài hát chính thức, với lời Việt do chính Lưu Hữu Phước viết lại, và sửa tên thành “Thanh niên hành khúc”. Năm 1948, chính phủ Nguyễn Văn Xuân do Bảo Đại làm quốc trưởng chỉnh đôi chỗ trong lời bài hát, đồng thời sửa tựa đề thành “Tiếng gọi công dân”, và chọn nó làm quốc ca.
(5) Có người cho rằng “Việt Nam minh châu trời Đông” (gọi tắt “Việt Nam minh châu”) từng được chính phủ Trần Trọng Kim chọn làm quốc ca, nhưng thật ra “Việt Nam minh châu” chỉ được chọn làm đảng ca của Quốc dân đảng. Lời bài hát:
“Việt Nam minh châu trời Đông
Việt Nam nước thiêng Tiên Rồng
Non sông như gấm hoa uy linh một phương
Xây vinh quang ngất cao bên Thái Bình Dương
Từ ngàn xưa tài danh lừng lẫy khắp nơi
Tiếng anh hùng tạc ghi núi sông muôn đời
Máu ai còn vương cỏ hoa
Giục đem tấm thân xẻ với sơn hà
Giơ tay cương quyết ta ôn lời thề ước
Hy sinh tâm huyết mong báo đền ơn nước
Dù thân này nát tan tành gói da ngựa cũng cam
Thề trọn niềm trung thành với sơn hà nước Nam”.
Bình luận

Tìm kiếm Blog này