Ngô Thường San Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam
Lúc đó tôi công tác ở Viện khoa học Việt
Nam tham gia cùng Đoàn 36C thuộc Tổng cục Địa chất nghiên cứu về địa
chất và triển vọng dầu khí bể An Châu cũng thường xuyên tham gia các
buổi họp chuyên môn này. Từ năm 1972 tôi còn được Ban Thống nhất miền
Nam thường xuyên cung cấp các thông tin về hoạt động dầu khí của Chính
quyền Sài Gòn gửi từ trong Nam ra. Đôi khi, tôi được đồng chí Trần
Quỳnh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước đưa đi báo cáo với lãnh
đạo Đảng, Nhà nước nên các thông tin về phát hiện dầu khí của các công
ty dầu khí phương Tây ở thềm lục địa Việt Nam cũng được cập nhật ngay
trong thời gian còn chiến tranh.
Trong thời gian này, tôi vẫn trong biên
chế của Viện Khoa học Việt Nam, những ngày thống nhất đất nước (tháng
4-1975), tôi và các đồng nghiệp vẫn đang lênh đênh khảo sát trên biển
đánh giá tiềm năng dầu khí vùng ven biển bắc Vịnh Bắc Bộ. Qua 30-4-1975
anh em chúng tôi mới về đất liền và hay tin miền Nam đã hoàn toàn giải
phóng, đất nước đã thống nhất.
Bộ trưởng Đinh Đức Thiện cùng các đồng chí cán bộ ngành Dầu khí Việt Nam đi tìm địa điểm xây dựng căn cứ trên bờ phục vụ khai thác dầu khí (năm 1980) - ông Ngô Thường San đứng thứ 6 từ bên trái |
Vào tháng 6-1975, tôi được đồng chí Trần
Đại Nghĩa - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước thông báo chuẩn
bị đi vào Nam nhận nhiệm vụ ở Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam
Việt Nam theo telex triệu tập ký tên Bảy Hồng (bí danh của đồng chí Phạm
Hùng). Đoàn chúng tôi có 4 người, tôi (cán bộ của Viện Khoa học Việt
Nam), anh Đào Duy Chữ (cán bộ của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước), anh Hồ Đắc
Hoài (cán bộ của Tổng cục Địa chất) và anh Vũ Trọng Đức (cán bộ của Tổng
cục Hóa chất) đã nhận lệnh vào Sài Gòn để thực hiện nhiệm vụ trên.
Ngày 9-6-1975, nhóm bay vào Sài Gòn,
được đưa đến số 2 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, đây là trụ sở của
Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản và nhận lệnh trong vòng 1 tháng đọc,
phân tích, tổng hợp, đánh giá các tài liệu thu thập được, nghiên cứu và
làm báo cáo cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đoàn đã thu thập được hầu như
còn nguyên vẹn các tài liệu của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, các công
ty dầu khí nước ngoài làm trước ngày giải phóng Sài Gòn. Chúng tôi được
phân công; anh Chữ, anh Đức nghiên cứu về Luật Dầu khí, việc phân lãnh
hải, phân lô của chính quyền Sài Gòn, còn tôi và anh Hoài phụ trách tập
hợp, phân tích, báo cáo tài liệu về địa chất, về tài nguyên dầu khí.
Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San |
Khi ấy chuyến công tác rất bí mật, chúng
tôi hầu như không được đi đâu. 24/24 giờ làm việc và ăn uống, nghỉ ngơi
tại trụ sở làm việc. Được sự hỗ trợ của một số nhân viên của Tổng cuộc
Dầu hỏa và Khoáng sản còn ở lại với hàng ngàn bản tài liệu. Một tháng
sau, chúng tôi hoàn thiện bản báo cáo hơn 100 trang về toàn bộ vấn đề
liên quan đến cấu trúc địa chất, công tác thăm dò, triển vọng tiềm năng
dầu khí tại thềm lục địa phía Nam. Nguồn tài liệu trên rất quan trọng,
giúp cho chúng ta có nhận định ban đầu về địa chất và khẳng định về tiềm
năng dầu khí thềm lục địa phía Nam.
Quan trọng hơn cả, là dựa trên bản báo
cáo của nhóm công tác, với triển vọng từ Bạch Hổ, bể Cửu Long, bể Phú
Khánh, Nam Côn Sơn… lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đi đến quyết tâm thành
lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt để triển khai công tác tìm kiếm, thăm dò,
khai thác dầu khí trên thềm lục địa phía Nam, khởi đầu nghiên cứu phát
triển lọc hóa dầu. Và trong hàng tá tài liệu đó, nhóm công tác tiếp quản
tập trung vào nguồn tài liệu tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở thềm lục địa
phía Nam của các công ty như Mobil, Exxon, Shell Pecten, BP… Thời trước
1975, các công ty này đã khoan được 6 giếng và có giếng đã gặp dầu như ở
Bạch Hổ.
Trên cơ sở tài liệu thu nhận được, lần
đầu tiên một báo cáo tổng hợp về cấu trúc địa chất, phân vùng triển vọng
dầu khí, đánh giá trữ lượng tiềm năng của thềm lục địa Nam Việt Nam,
đây như là một báo cáo khoa học đầu tiên về dầu khí tại thềm lục địa Nam
Việt Nam. Việc phát hiện dầu khí ở giếng Dừa-1X và dầu khí có giá trị
thương mại ở giếng Bạch Hổ-1X… đã khẳng định thềm lục địa Nam Việt Nam
có dầu và những đánh giá sơ bộ cho thấy tiềm năng dầu khí ở đây là lớn.
Đến nay, bản báo cáo vào năm 1975 vẫn còn nguyên giá trị.
Cuối tháng 7-1975, tại nhà khách T78,
quận 3, đoàn công tác do ông Nguyễn Văn Biên (sau này là Tổng cục trưởng
Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt) dẫn đầu đã được báo cáo trực tiếp với
Thường trực Bộ Chính trị, với các đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn, Thủ
tướng Phạm Văn Đồng, đồng chí Trường Chinh, Lê Thanh Nghị. Tôi được thay
mặt đoàn báo cáo trực tiếp về tình hình địa chất và tiềm năng dầu khí
miền Nam Việt Nam với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đoàn báo cáo
cũng phân tích Luật Dầu khí của chính quyền Sài Gòn, cơ sở phân lô trên
thềm lục địa Nam Việt Nam… Kết thúc buổi làm việc, Tổng bí thư Lê Duẩn
chỉ đạo, phải lấy dầu khí làm động lực cho công nghiệp hóa.
Đầu tháng 8-1975, Việt Nam ra tuyên bố
xúc tiến việc tìm kiếm và khai thác dầu mỏ trên lãnh thổ và lãnh hải
Việt Nam, đồng thời sẵn sàng thảo luận với các chính phủ và các công ty
nước ngoài muốn tham gia. Ngày 9-8-1975, Bộ Chính trị ban hành Nghị
quyết số 244-NQ/TW về việc triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước. Đây
là văn bản đầu tiên về dầu khí của Đảng ta, thể hiện sự sáng suốt, tầm
nhìn chiến lược, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình xây dựng và phát
triển cùa ngành Dầu khí Việt Nam.
Ngày 3-9-1975, Tổng cục Dầu khí được
thành lập trên cơ sở sáp nhập Liên đoàn Địa chất 36 của Tổng cục Địa
chất và một phần của Tổng cục Hóa chất - đó là Ban Dầu mỏ - Khí đốt. Kể
từ thời điểm đó, cán bộ của Ban Dầu mỏ - Khí đốt được điều động sang
Tổng cục Dầu khí tiếp tục phục vụ hoạt động của ngành Dầu khí. Anh
Nguyễn Văn Biên trở thành Tổng cục trưởng đầu tiên của ngành Dầu khí
Việt Nam. Sau này, Tổng cục Dầu khí đổi thành Tổng Công ty Dầu khí Việt
Nam và nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Cuối năm 1975, tôi
chính thức từ Viện khoa học Việt Nam chuyển về công tác trong ngành Dầu
khí.
Thuận Thiên (ghi)