Tim thông tin blog này:

Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2016

Campuchia - chuyện chưa kể về Ủy ban khởi nghĩa Đông bắc

04/01/2016 12:30 GMT+7
TT - Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cuộc tổng tiến công vào sào huyệt của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ của quân tình nguyện Việt Nam diễn ra đã 37 năm.
Campuchia - chuyện chưa kể về Ủy ban khởi nghĩa Đông bắc
Những đại diện vùng đông bắc Campuchia, tháng 10-1977. Bu Thoong - người mặc sơmi trắng - sau này trở thành bộ trưởng quốc phòng Campuchia - Ảnh: tư liệu Trần Tiến Cung
Việc tập hợp các lực lượng thành Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia để kêu gọi nhân dân đứng lên lật đổ chế độ khát máu Pol Pot đã diễn ra thế nào?
Kỳ 1: Nhiệm vụ đặc biệt

Một ngày đầu năm 1977, đang làm đoàn trưởng Đoàn 11 ở Đà Nẵng, trung tá Trần Tiến Cung nhận được điện của Văn phòng Bộ Quốc phòng mời ra làm việc với thủ trưởng Bộ Quốc phòng.
Trung tá Trần Tiến Cung vô cùng băn khoăn bởi xưa nay anh chỉ làm việc với thủ trưởng trực tiếp của mình, trung tướng Phan Bình, cục trưởng Cục 2 (nay là Tổng cục 2), chứ có bao giờ “vượt cấp” làm việc với thủ trưởng bộ đâu!
Thắc mắc vậy nhưng vì là mệnh lệnh nên Trần Tiến Cung nhanh chóng sắp xếp công việc rồi lên xe ra Hà Nội.
Lệnh từ Bộ Quốc phòng...
Vào Bộ Quốc phòng, người đầu tiên trung tá Trần Tiến Cung được gặp là trung tướng Trần Văn Quang, phó tổng tham mưu trưởng. Ngồi uống nước một hồi, trung tướng dẫn anh đi một vòng trong “tổng hành dinh” rồi đến một căn phòng, gõ cửa.
Cửa mở, người đang ngồi bên bàn làm việc là đại tướng Văn Tiến Dũng.
Khác với vẻ nghiêm nghị hằng ngày, đại tướng ân cần hỏi han chuyện gia đình, chuyện học hành của mấy đứa nhỏ rồi nói:
- Hôm nay bộ mời anh là có việc rất quan trọng. Anh phải nắm vững quan điểm của Bộ Chính trị, của Quân ủy trung ương để về tiến hành công việc thật tốt.
Rồi đại tướng tóm tắt tình hình khu vực, sau đó nói rõ về tình hình Campuchia. Hiện nay với chính sách tàn bạo của bọn phản động Pol Pot, chẳng những dân tộc Campuchia có nguy cơ diệt chủng mà tính mạng của nhân dân Việt Nam dọc biên giới Campuchia cũng bị đe dọa nghiêm trọng.
Trước sự tàn ác của bọn Pol Pot, trong nước Campuchia đã có từng nhóm chống đối, ly khai, nhiều người đã chạy sang Việt Nam.
Trách nhiệm của chúng ta hiện nay là phải ủng hộ, giúp đỡ lực lượng này để họ tự giải phóng dân tộc mình khỏi họa diệt chủng, khôi phục tình đoàn kết hữu nghị của hai dân tộc Việt Nam - Campuchia...
Dừng lại một lát, đại tướng Văn Tiến Dũng chỉ lên bản đồ rồi nói với Trần Tiến Cung:
- Hiện nay ở khu vực huyện Sa Thầy của Kon Tum có một nhóm ly khai do Bu Thoong đứng đầu sang xin ta lánh nạn và chờ thời cơ nổi dậy lật đổ bè lũ Pol Pot. Tôi giao cho anh lên đó thực hiện ba nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, nắm chắc lực lượng ly khai, giúp đỡ họ sản xuất, ổn định cuộc sống, bồi dưỡng cho cán bộ bạn về chính trị, quân sự.
Thứ hai, phải xây dựng Sa Thầy thành căn cứ của khu đông bắc Campuchia.
Thứ ba, tổ chức lực lượng quân sự của cụm đông bắc này, nếu được một sư đoàn càng tốt.
Anh về thực hiện ngay nhiệm vụ...
... Nhận lệnh xong, trung tá Cung về báo cáo với thủ trưởng trực tiếp của mình và xin ý kiến. Trung tướng Phan Bình nói:
- Anh cứ triển khai công việc, báo cáo trực tiếp với anh Trần Văn Quang, còn gì khó khăn cứ nói với tôi. Giờ tôi cấp cho anh một chiếc xe Commăngca “đít vuông”, một đồng chí phiên dịch, rồi về bàn giao 50% công việc cho các cấp phó để nhận nhiệm vụ mới.
Về Đà Nẵng, Trần Tiến Cung sang báo cáo với thiếu tướng Đoàn Khuê, tư lệnh Quân khu 5, đề nghị giúp đỡ, rồi lên tỉnh Gia Lai - Kon Tum gặp anh Năm Vinh, phó bí thư tỉnh ủy.
Anh Năm Vinh cho biết lực lượng ly khai vùng đông bắc Campuchia hiện ở khu vực Gia Pốc của huyện Sa Thầy, giáp với tỉnh Ratanakiri của Campuchia.
Từ Ratanakiri đến Gia Pốc khoảng 20km, phải vượt qua xã Mo Rây của Sa Thầy, nên có thể nói những lực lượng ly khai của vùng đông bắc Campuchia được bảo vệ tương đối an toàn, tránh sự nhòm ngó của Pol Pot.
Ngày 20-5-1977, trung tá Trần Tiến Cung từ Sa Thầy lên Gia Pốc với phiên dịch người Campuchia Khang Xê Rin và anh Tà Ngùm, thường vụ Huyện ủy Sa Thầy.
Anh Tà Ngùm là người dưới xuôi nhưng hoạt động lâu năm ở Tây nguyên nên lấy tên dân tộc đặt cho mình để dễ hoạt động. Một điều nữa anh tên thật là Hoa, lại thứ ba, mọi người hay gọi anh là... Ba Hoa nên anh bỏ luôn tên đó.
Gặp những người anh em ở Gia Pốc
Sau chiến tranh do ít sử dụng, đường lên Gia Pốc trở thành con đường mòn, gập ghềnh và đầy lau sậy. Đi qua đèo Ngọc Rinh quanh co hiểm trở, ngó xuống vực thấy hút tầm mắt, lái xe chỉ sẩy tay là xe lao xuống vực ngay.
Người đông bắc Campuchia ly khai ở Gia Pốc khoảng 200 người, phần lớn có họ hàng, người thân bị bọn Pol Pot giết hại hoặc cưỡng bức lao động khổ sai.
Thoát khỏi địa ngục trần gian, mặc dù được chính quyền Gia Lai - Kon Tum hết sức giúp đỡ, nhưng những con người đó vẫn chưa hoàn hồn sau những gì họ đã chứng kiến trên đất nước mình.
Những tấm thân đen đúa chỉ còn da bọc xương, những đôi mắt thất thần khi gặp người lạ hoặc nghe tiếng động mạnh... Trần Tiến Cung không tin ở mắt mình khi nhìn thấy cảnh ấy.
Trụ sở xã Gia Pốc rộng chừng 20m2, cột tre mái tôn tạm bợ. Chủ tịch xã là anh Bu Thoong, khoảng 40 tuổi. Khác với đồng bào mình ở Gia Pốc luôn sợ sệt khi gặp người lạ, Bu Thoong lại rất mừng rỡ, mặc dù anh vẫn ốm o và già trước tuổi như bao người khác.
Thì ra trong thời chống Mỹ, Bu Thoong là trung úy công binh của Quân đội nhân dân Việt Nam, có vợ người Nam Định.
Cùng tiếp khách với Bu Thoong là Xơi Keo, phụ trách quân sự của Gia Pốc. Hai anh dẫn trung tá Cung đi thăm bà con. Những con người gầy yếu, rất dè dặt và khép nép khi tiếp xúc với bộ đội Việt Nam.
Ngày hôm sau, ngồi tâm sự với nhau, Bu Thoong cho Trần Tiến Cung biết thật ra trong lực lượng ly khai của vùng đông bắc Campuchia còn chia ra hai phái. Phái do Bu Thoong lãnh đạo hoàn toàn tin tưởng và mong muốn Việt Nam giúp đỡ để tiêu diệt bè lũ Pol Pot.
Còn phái khác do một số tộc trưởng đứng đầu còn lừng khừng, chưa tin vào sự giúp đỡ của Việt Nam. Vì vậy, họ đã chủ trương cắt một số lực lượng ly khai chạy sang Lào, đứng chân ở Attapeu và Champasak.
Ba ngày sau, Trần Tiến Cung mời Bu Thoong, Xơi Keo đến nói chuyện. Sau khi nói về tình hình trong nước Campuchia và sự gây chiến của Pol Pot suốt dọc biên giới với Việt Nam, anh khẳng định Chính phủ và nhân dân Việt Nam sẽ ủng hộ lực lượng ly khai vùng đông bắc Campuchia, tạo điều kiện về mọi mặt để lực lượng hoạt động.
Tổ chức của Bu Thoong phải là đại diện duy nhất cho vùng đông bắc để huy động lực lượng, tập hợp quần chúng năm tỉnh vùng lên khởi nghĩa.
Được lời như cởi tấm lòng, họ thảo luận với nhau về tên gọi cho lực lượng khởi nghĩa. Người thì đề nghị nên gọi là tổ chức cách mạng đông bắc Campuchia, người bảo gọi là ủy ban khởi nghĩa năm tỉnh đông bắc Campuchia... Cuối cùng các anh tạm thời thống nhất là Ủy ban khởi nghĩa đông bắc Campuchia.
Bước đầu thuận lợi, Trần Tiến Cung chia tay Bu Thoong, Xơi Keo, hẹn nửa tháng sau lên tiếp.
Để có câu chuyện dưới đây, tôi đã gặp thiếu tướng Trần Tiến Cung, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục 2 (Bộ Quốc phòng), tại nhà riêng ở Đà Nẵng hai lần.
Lần thứ nhất vào những ngày cuối năm 2008, và lần thứ hai cuối tháng 2-2014, sau ngày ông nhận Huân chương Hữu nghị hạng nhất của Hoàng gia Campuchia.
H.S.


Ủy ban khởi nghĩa bí mật 
05/01/2016 14:07 GMT+7
TT - Về Đà Nẵng, Trần Tiến Cung báo cáo kết quả chuyến đi với trung tướng Trần Văn Quang và trung tướng Phan Bình. Cả hai vị tướng đều rất vui và cho rằng bước đầu như vậy là tốt đẹp.

Ủy ban khởi nghĩa bí mật
Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia ra đời tháng 5-1978 - Ảnh tư liệu
Tháng 6-1977, trung tá Cung lên Gia Pốc lần thứ hai.
Lễ ra mắt bí mật
Khác với lần trước, lần này bà con Campuchia đón tiếp anh rất vui vẻ. Ai cũng cười nói hân hoan. Anh biết rằng thái độ chân tình, cởi mở và việc làm thiết thực của mình đã đến tai những người chưa thật sự tin tưởng vào Việt Nam.
Anh hỏi Bu Thoong:
- Việc hôm trước chúng ta thống nhất, anh đã trao đổi với bà con chưa?
- Tôi đã nói hết rồi, chỉ riêng một tộc trưởng là chưa nói cụ thể...
Trần Tiến Cung cho mời một số người nòng cốt của lực lượng ly khai đến như Kham Chan, Kham Phay (sau này đều là trung tướng), Kham Leng (sau là ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia, bí thư Tỉnh ủy Ratanakiri).
Thay mặt mọi người, Bu Thoong cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và quân đội Việt Nam đối với nhân dân Campuchia và đề nghị thành lập ủy ban khởi nghĩa khu đông bắc Campuchia.
Trần Tiến Cung hỏi Bu Thoong:
- Đề nghị các anh xin ý kiến của các già làng, tộc trưởng.
Bu Thoong đáp:
- Chúng tôi đã gặp các cụ Bua Choong, Bua Chuông. Vui vẻ cả thôi. Mọi người khác đều thống nhất như ý kiến của tôi.
Hôm sau, Trần Tiến Cung mời tất cả các cụ đến. Anh nói đến sự chuyển biến của cách mạng Campuchia ở các hướng khác và sự tất yếu phải vùng lên lật đổ chế độ Pol Pot. Các cụ rất phấn khởi, chỉ mong Việt Nam giúp đỡ tích cực đến cùng.
Trong suốt tháng 6 rồi tháng 7 năm đó, trung tá Trần Tiến Cung liên tục lên Gia Pốc để củng cố lực lượng, tinh thần cho lực lượng đông bắc. Sau đó, phía Campuchia đã tổ chức hội nghị, bầu ra Thường trực Ủy ban khởi nghĩa đông bắc Campuchia gồm: Bu Mi (một tộc trưởng), Bu Thoong, Xơi Keo, do Bu Mi làm chủ tịch.
Tháng 10-1977 là quãng thời gian rất đáng nhớ của Ủy ban khởi nghĩa đông bắc và Trần Tiến Cung.
Nhận lệnh của trung ương, Trần Tiến Cung mời Thường trực ủy ban về Đà Nẵng làm lễ ra mắt bí mật. Địa điểm được chọn nơi ăn nghỉ cho ba ông là nhà của bà Trần Thị Diên, chị ruột của Trần Tiến Cung, chánh án Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng ở 173 đường Phan Châu Trinh.
Vì là bí mật nên Đoàn 11 cử thượng úy Nguyễn Thị Bảy và thượng úy Nguyễn Thị Năm đến nấu ăn, quét dọn. Để hàng xóm không nghi ngờ, các chị nói cho họ biết có ba cán bộ ở Tây nguyên về Quân khu 5 công tác.
Lễ ra mắt được tổ chức tại nhà số 45 phố Lê Lợi. Đó chính là nhà riêng của Trần Tiến Cung. Đích thân vợ anh, chị Nguyễn Thị Phán, lúc đó là phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, làm người phục vụ kê bàn ghế và nước nôi cho các đại biểu. Trung tướng Trần Văn Quang thay mặt Bộ Quốc phòng vào dự.
Đồng chí Trần Văn Quang hoan nghênh sự ra đời của Ủy ban khởi nghĩa đông bắc Campuchia. Đồng chí nói nhân dân và quân đội Việt Nam sẽ sát cánh với nhân dân Campuchia đánh đổ bè lũ Pol Pot, đem lại hòa bình và hạnh phúc cho những người anh em...
Bu Mi, Bu Thoong, Xơi Keo rất vui, vỗ tay hồi lâu. Không có chụp ảnh, không có tiệc rượu. Ở Đà Nẵng khoảng 10 ngày, Thường trực ủy ban khởi nghĩa trở về Sa Thầy.
5 ủy ban khởi nghĩa, 5 đội công tác
Đưa ba vị thường trực về Sa Thầy xong, Trần Tiến Cung bàn với họ xây dựng năm đội công tác của năm tỉnh đông bắc: Stung Treng, Ratarakiri, Mondukiri, Kratie, Preah Vihear. Muốn vậy phải có những cán bộ trung thành và năng lực tốt.
Lúc này lực lượng ly khai khu đông bắc còn một bộ phận đang nằm tản mát ngoài rừng tỉnh Attapeu nước bạn Lào. Cần phải nắm được lực lượng này, đưa họ bí mật trở về căn cứ Gia Pốc để làm nòng cốt xây dựng năm đội công tác.
Chú ý đến các tên tuổi có uy tín với nhân dân như bác sĩ Nủbên (sau này là chủ tịch quốc hội), già làng Thoong Bay (chú ruột Bu Thoong, sau này là bí thư Tỉnh ủy Stung Treng), Buon Um, Kham Lay (sau này là chủ tịch và bí thư tỉnh Preah Vihear)...
Muốn vậy, trước hết căn cứ phải lo nhà cửa, lương thực, thực phẩm đầy đủ, nhân dân phải hết sức vui vẻ đón họ trở về. Bu Thoong viết một bức thư rồi giao cho hai liên lạc là Chao và Ao sang đưa tận tay cho chú Thoong Bay.
Trong thư, Bu Thoong cho biết tình hình bà con Campuchia ở Gia Pốc sống rất tốt, đã thành lập Ủy ban khởi nghĩa đông bắc, giờ mời chú cùng Nủbên về bên này tham gia...
Vài tháng sau, các lực lượng ly khai ở Attapeu lần lượt rút về Gia Pốc an toàn.
Khi đã đầy đủ nhân lực, vật lực, Trần Tiến Cung bàn với Bu Thoong cử ra năm ủy ban khởi nghĩa của năm tỉnh.
Lúc này Ủy ban khởi nghĩa đông bắc thực hiện ba nhiệm vụ: củng cố, huấn luyện chính trị, quân sự; bồi dưỡng phương pháp hoạt động cho các cán bộ của ủy ban khởi nghĩa; tập trung tổ chức trang bị, biên chế, thu nạp người Campuchia để xây dựng lực lượng.
Một thời gian sau, lực lượng ly khai ở căn cứ Gia Pốc đã có sáu đại đội người Campuchia. Họ được huấn luyện quân sự chu đáo, được học tập chính trị để chờ thời cơ nổi dậy.
Có một chuyện liên quan đến năm đội công tác này mà đến giờ thiếu tướng Trần Tiến Cung vẫn còn nhớ mãi. Số là tháng 11-1978, sư đoàn 307 của Quân khu 5 bắt đầu phản công lại quân Pol Pot. Đồng chí Thứ, phó tư lệnh Quân khu 5, trực tiếp chỉ huy chiến dịch bảo Trần Tiến Cung:
- Chúng tớ phản công sang bên đó nhưng không ai biết đường, biết tiếng để làm công tác dân vận. Hay cậu có năm đội công tác, cho tớ “mượn” một lúc...
Trần Tiến Cung loay hoay không biết tính sao. Đây là lực lượng chiến lược, nếu cho mượn mà đại tướng Văn Tiến Dũng biết được thì ông sẽ kỷ luật ngay. Nhưng không cho mượn thì sức chiến đấu của Quân khu 5 chắc chắn giảm sút. Mình lại đứng chân trên đất Quân khu 5, được quân khu giúp đỡ rất nhiều.
Anh về gặp Bu Thoong nói rõ yêu cầu của quân khu và bàn là nên thành lập năm đội “giả” khác giúp Quân khu 5, còn đội chính vẫn tiếp tục huấn luyện chờ thời cơ.
Không ngờ năm đội đi với sư đoàn 307 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong báo cáo gửi ra bộ, đồng chí phó tư lệnh Quân khu 5 “thật thà” báo cáo luôn thành tích của năm đội công tác. Nghe tin, đại tướng Văn Tiến Dũng cử trung tướng Hoàng Thế Thiện vào “hỏi tội” Trần Tiến Cung.
Tưởng là mất chức đến nơi nhưng khi nghe anh báo cáo sự tình, kể cả việc thành lập năm đội “giả”, trung tướng đập bàn cười ha hả: “Giỏi, cậu rất giỏi!”.
... Tháng 5-1978, Tổng tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn thay mặt Bộ Quốc phòng ký quyết định thành lập Đoàn 578 do Trần Tiến Cung làm đoàn trưởng. Đây là ban chỉ huy đứng bên cạnh Ủy ban khởi nghĩa đông bắc Campuchia để cố vấn về mặt quân sự, chính trị, đồng thời cung cấp lương thực thực phẩm cho bạn.
Đoàn 578 ngang cấp với sư đoàn, có đầy đủ các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật…
Tháng 7-1978, Đoàn 578 nhận được điện của đồng chí Lê Đức Thọ, trưởng Ban Tổ chức trung ương, thông báo Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Ban công tác Campuchia trung ương (gọi tắt là B68) do thiếu tướng Nguyễn Xuân Hoàng làm trưởng ban.
Đồng thời đồng chí Lê Đức Thọ yêu cầu Trần Tiến Cung mời ngay Thường trực Ủy ban khởi nghĩa đông bắc vào B68 (trụ sở tại TP.HCM) để làm việc.
Thực tế đó là hội nghị rất quan trọng trong tiến trình cách mạng Campuchia. Các trưởng đoàn Campuchia ly khai hầu như có mặt đầy đủ như các ông Heng Samrin, Chea Sim, Hun Sen, Pen Sovan, Hem Samin, Rua Samay...
Đoàn Việt Nam có các thiếu tướng Lê Ngọc Hiền, phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, thiếu tướng Nguyễn Xuân Hoàng, trưởng ban B68, các tư lệnh quân khu 5, 7, 9.

Trước giờ G, Mặt trận cứu nước ra đời 
06/01/2016 11:27 GMT+7 
TT - Trước khi về TP.HCM dự hội nghị quan trọng, thiếu tướng Nguyễn Xuân Hoàng nhắc Trần Tiến Cung ý của trung ương là để cho các trưởng đoàn Campuchia tự phát biểu quan điểm của mình và tự đề nghị những vấn đề cần Việt Nam giúp đỡ. 
Trước giờ G, Mặt trận cứu nước ra đời
Đoàn đại biểu Đông Bắc Campuchia đi dự lễ thành lập Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia. Bu Thoong ngồi hàng đầu, bên trái - Ảnh: tư liệu Trần Tiến Cung
Nhưng trung tá Trần Tiến Cung hơi băn khoăn, sợ Đoàn Đông Bắc không diễn đạt được những điều họ mong muốn.
Hội nghị hai bên
Vào hội nghị, ông Lê Đức Thọ nói:
- Thưa các đồng chí! Đây là hội nghị của các đồng chí Campuchia và B68, nhưng vì sao tôi chủ trì? Vì tôi được Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam phân công theo dõi và xây dựng tình đoàn kết giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Campuchia từ thời Tổng bí thư Sơn Ngọc Minh đến nay. Thứ nữa, vì các đoàn Campuchia về đây không biết nhau. Tôi là người trực tiếp mời các đồng chí nên tôi có mặt để giới thiệu các đồng chí.
Nói xong, đồng chí Lê Đức Thọ giới thiệu từng thành viên tham gia hội nghị rồi nói qua về tình hình Campuchia.
Tiếp đó, đại diện các đoàn phát biểu. Lần lượt các ông Hun Sen, Heng Samrin, Chea Sim. Ai cũng phát biểu rõ ràng, mạch lạc.
Đoàn Đông Bắc phát biểu sau cùng. Ở nhà, Trần Tiến Cung đã họp bàn với ba vị thường trực ủy ban khởi nghĩa nói những nội dung gì, sau đó thống nhất cử Bu Thoong phát biểu ý kiến, vì anh thông thạo tiếng Việt. Tại hội nghị, Bu Thoong đề nghị những vấn đề:
- Tập hợp các lực lượng ly khai Campuchia sang Việt Nam, lực lượng nổi dậy trong nước và lực lượng ở Việt Nam trước đây thành lực lượng thống nhất, gọi là Liên minh chống Pol Pot - Ieng Sary.
- Khôi phục lại tổ chức Đảng Campuchia.
- Phải tiến tới lật đổ bè lũ diệt chủng, thành lập lực lượng vũ trang, thành lập đài phát thanh, thành lập Nhà nước Campuchia mới. Trước hết, cần giúp đỡ lực lượng ly khai Đông Bắc Campuchia trở thành căn cứ và hậu phương của cách mạng Campuchia.
Khi anh Bu Thoong nói, ông Lê Đức Thọ hết nhìn Bu Thoong rồi nhìn Trần Tiến Cung, cuối cùng khen hay. Đột nhiên ông Bu Mi, vốn là người rất thật thà, đứng lên nói:
- Đề nghị bác Sáu cho tôi có ý kiến!
Ông Lê Đức Thọ vui vẻ:
- Vâng, xin mời anh.
Ông Bu Mi nói, Bu Thoong dịch:
- Chúng tôi phát biểu như thế bác Sáu khen hay, nhưng thực tế là nhờ anh Cung giúp đấy!
Mọi người cười ầm lên, riêng trung tá Trần Tiến Cung ngồi im thit thít. Ông Lê Đức Thọ nói nhanh:
- Thôi được rồi, các đoàn ra về tiếp tục bàn bạc thống nhất với nhau rồi ta tiến hành...
Rời hội nghị, trung tá Cung cùng đoàn Đông Bắc trở về ngay căn cứ Gia Pốc.
Thành lập Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước
Tháng 8-1978, tình hình Campuchia rất căng thẳng. Cứ theo thời gian, bọn Pol Pot lại leo lên những nấc thang mới trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Kể từ tháng 5-1978 đến tháng 12-1978, chúng đã giết hại hơn 5.000 dân thường Việt Nam, làm bị thương 5.000 người khác, bắt đưa đi thủ tiêu hơn 20.000 người. Ngày 21-12-1978, Pol Pot sử dụng 10 sư đoàn tấn công trên toàn biên giới việt Nam...
...Một hôm từ trên Kon Tum về Đà Nẵng, Trần Tiến Cung bất ngờ gặp Tư lệnh Quân khu 5 Đoàn Khuê. Đồng chí Đoàn Khuê hỏi:
- Công việc gần tới nơi rồi sao cậu còn ngồi đây?
- Tôi muốn gặp anh xin ít trang bị cho đoàn, đề nghị anh giải quyết sớm.
Đồng chí Đoàn Khuê xua tay:
- Được rồi, cậu cứ lên trên đó đi. Lên ngay!
Tối hôm đó, Trần Tiến Cung trở lại Gia Pốc. Sáng hôm sau, đang định họp chỉ huy Đoàn 578 thì lại nhận được điện của đồng chí Lê Đức Thọ mời Đoàn đại biểu Đông Bắc và Trần Tiến Cung vào TP.HCM họp gấp.
Biết trước sẽ là cuộc họp để tổng kiểm tra công tác chuẩn bị, nhưng do vũ khí, quân trang của Đoàn 578 chưa đầy đủ nên anh đề nghị ba ủy viên thường trực ủy ban khởi nghĩa đi trước, rồi mình vào sau.
Anh viết một bức thư gửi cho thiếu tướng Nguyễn Xuân Hoàng nói về sự khó khăn của Đông Bắc, cần phải chuẩn bị tiếp một thời gian nữa. Viết xong, Trần Tiến Cung đưa thư cho Bu Thoong và dặn:
- Anh về đưa thư này tận tay cho anh Hoàng. Nếu bác Sáu (đồng chí Lê Đức Thọ) có hỏi tôi, anh trả lời là tôi vào sau, vì chưa đến ngày họp.
Bu Thoong đáp:
- Vâng, anh cứ yên tâm!
Xe chở đoàn Bu Thoong chạy xuống Nha Trang, không ngờ gặp ngay xe đồng chí Lê Đức Thọ. Ông hỏi Bu Thoong:
- Vậy anh Cung đâu?
- Anh Cung bận việc ạ!
- Bận việc như thế nào?
Bu Thoong không biết trả lời sao, lật đật đưa thư của Trần Tiến Cung gửi Nguyễn Xuân Hoàng. Đồng chí Lê Đức Thọ xem thư xong, không nói gì, bỏ ngay vào túi. Bu Thoong nói:
- Thưa với bác Sáu là anh Cung dặn chỉ đưa thư này cho anh Hoàng thôi.
Đồng chí Lê Đức Thọ trả lời:
- Thôi, tôi nhận thay cho anh Hoàng cũng được.
Cuộc họp hôm đó, thiếu tướng Lê Ngọc Hiền, phó tổng tham mưu trưởng, đọc báo cáo về sự chuẩn bị của các đoàn, nói chung là rất tốt. Đồng chí Lê Đức Thọ không nói gì, cuối buổi đem thư của Trần Tiến Cung ra đọc. Mọi người im lặng nhìn nhau, không nói được câu gì.
Sau hội nghị này, Trần Tiến Cung có quyết định ở lại làm trợ lý tổ chức - cán bộ cho B68 và trực tiếp theo dõi khu Đông Bắc Campuchia. Sau đó, lần lượt Bu Thoong, Bu Mi và Đoàn 578 cũng lần lượt vào Thủ Đức, TP.HCM để chuẩn bị hội nghị thành lập Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia.
Cuối tháng 10-1978, Hội nghị thành lập Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia diễn ra tại Thủ Đức, TP.HCM. Hội nghị được tổ chức như một đại hội, có đầy đủ các đoàn Campuchia tham dự, có báo cáo đề án cách mạng Campuchia, nghị quyết thành lập Mặt trận.
Hội nghị đã bầu ông Heng Samrin làm chủ tịch Mặt trận. Bu Thoong và Bu Mi của lực lượng Đông Bắc cũng được bầu vào Trung ương Mặt trận.
Ngày 2-12-1978, tại thị trấn Snun của Campuchia (giáp với tỉnh Tây Ninh - Việt Nam), Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia ra hoạt động công khai. Buổi lễ diễn ra một ngày, có nhiều nhà báo quốc tế đến dự. Sự ra đời của Mặt trận đã tạo niềm tin cho các lực lượng ly khai siết chặt đội ngũ cùng nhau đánh đổ bè lũ Pol Pot.
Chỉ sau đó vài chục ngày, cuộc tổng tiến công của quân tình nguyện Việt Nam, được sự giúp đỡ của nhân dân và Quân đội cách mạng Campuchia vào sào huyệt của Khmer Đỏ, bắt đầu.
Hồi sinh từ những “cánh đồng chết”
Trò chuyện cùng chúng tôi, tướng Trần Tiến Cung bảo:
- Mấy hôm sau ngày kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng của Khmer Đỏ, đại tướng Bu Thoong, nguyên bộ trưởng Bộ Quốc phòng và đại tướng Xơi Keo, nguyên tổng tham mưu trưởng Quân đội Campuchia, đã sang thăm căn cứ của Ủy ban khởi nghĩa Đông Bắc, thăm các bạn chiến đấu ở Đoàn 578, các tỉnh đã từng cưu mang, đùm bọc những người ly khai Campuchia.
Đại tướng Bu Thoong thỉnh thoảng có điện thoại cho tôi. Các anh cũng muốn viết một cuốn lịch sử về sự kiện này.
Ông ngồi im lặng và suy tư. Nhiều năm đã trôi qua, có thể nhiều bạn trẻ Việt Nam cũng như Campuchia không biết cha anh mình đã đổ xương máu như thế nào để cứu một dân tộc hồi sinh từ những “cánh đồng chết” hoang tàn. Nhưng ông và những người bạn ông, như Bu Thoong, Xơi Keo... thì không thể quên được.
HỒNG SƠN
Nguồn: Tuoitre

Tìm kiếm Blog này