Tim thông tin blog này:

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2016

Đêm Thạnh Phong

ONE AWFUL NIGHT IN THANH PHONG
Đây là bài viết về sự kiện Thạnh Phong đẫm máu, do Lan The Hoàng, tức XâyXậpZì, Binh bộ Thượng thư TSV chuyển ngữ. Cậu Xập khi xưa đóng lon Thiếu tá Thủy quân Lục chiến Việt Nam Cộng Hòa, he he!
Lời người dịch: "Ở đây, cậu dịch bài này không phải để bênh vực hay lên án cho một hành động đã xảy ra trong quá khứ chiến tranh, mà chỉ nhằm mục đích mang đến cái nhìn gần gũi hơn với người trong cuộc. Vì thực tế là các cô chắc cũng chỉ nghe loáng thoáng về vụ này, ngay chính cậu cũng không biết gì về nó".
_______
ĐÊM THẠNH PHONG
Một ngày mùa đông năm 1969, trên một máy bay quân sự cất cánh từ sân bay quân sự North Island tại Coronado, California. Nhồi nhét bên trong máy bay là Kerrey và biệt đội Seal của anh, toàn đội đang trên đường đến Việt Nam tham gia chiến đấu.
Seal (aka Sea-Air Land) là một đơn vị đặc biệt được thành lập trong Đệ Nhị thế chiến, nhằm để phá hủy mục tiêu dưới nước. Trong chiến tranh Việt Nam, họ được chuyển thành các lực lượng đặc biệt, chuyên hoạt động sâu trong lãnh thổ kẻ thù, thu lượm tin tình báo, và bắt cóc, ám sát địch.
Nhóm của Kerrey thuộc Trung đội Delta/ Biệt đội 1/ Nhóm Biệt hải Bravo. Kerrey là chỉ huy nhóm, với biệt danh "Chiến binh Kerrey", người đã từng nhiều lần khẳng định sẵn sàng "ngậm lưỡi lê tiến đánh Hà Nội". Trong vụ việc này chỉ có 2 người kể lại trải nghiệm về Seals ở Việt Nam là Mike Ambrose và Gerhard Klann. Những người còn lại (William H. Tucker III, Gene Peterson, Rick Knepper, Lloyd Schreier và chính Kerrey) không kể chuyện này.
Trung đội Delta mới đầu đặt dưới sự chỉ huy của Biệt hải 115, căn cứ tại Cam Ranh, bởi Đại úy Roy Hoffmann. Những tuần đầu, nhóm Seals hoạt động trong vùng tương đối an toàn chung quanh vịnh Cam Ranh. Sau thời gian này, nhóm bắt đầu thực sự tham gia chiến tranh. Họ được điều chuyển về phía nam, tới căn cứ Cát Lở và chịu sự chỉ huy của Paul Connolly (một thượng cấp của Roy Hoffmann). Nhóm sử dụng "Swift boats", một loại tàu vỏ nhôm, tốc độ cao với hai máy 480 mã lực, trang bị 2 đại liên 50 ly, dùng để tuần tiễu và hành quân trong vùng sông Cửu Long.

Theo nhận định của David Marion, cố vấn quân sự, thì Thạnh Phong là một vùng cửa biển Cửu Long, cách Sài Gòn khoảng 150km. Đây là vùng lúa, đầm lầy ngập mặn, được coi là vùng nguy hiểm nhất. 5 trong số 8 làng ở đây (trong đó có Thạnh Phong) được coi là nằm dưới sự kiểm soát của Việt cộng.
David Marion là cố vấn quân sự tại huyện Thạnh Phú, tại đây ông quận trưởng Đức (Tiet Lun Duc) đang cố gắng hết sức để tiễu trừ Việt cộng với câu nói cửa miệng: "Quy tắc ở đây, là bạn thì sống, là Việt cộng thì chết, chỉ có vậy!"
Không chỉ ông quận trưởng Đức muốn có hành động cứng rắn với Việt cộng, chính Hoffmann (chỉ huy Seals) đã từng trình ý kiến lên bộ chỉ huy: "Đây là chiến trường chứ không phải sân chơi trường học" khi xin phép được nới lỏng luật "rules of engagement". Trước đó, các quân nhân không được phép nổ súng trước khi địch quân bắn; sau khi được chấp thuận, các quân nhân có quyền khai hỏa nếu cảm thấy bị nguy hiểm mà không cần chờ địch quân bắn trước.
Đa số đất đai quận Thạnh Phú nằm trong khu vực "oanh tạc tự do", tức vùng chiến sự, các đơn vị quân sự được tự do nổ súng mà không cần xin lệnh. Nông dân ở các vùng này đã được kêu gọi di chuyển đến các Ấp chiến lược do chính phủ Việt Nam Cộng Hòa bảo trợ, những người không chịu rời khỏi đó vì bất cứ lý do gì, đương nhiên được dán nhãn nếu không là Việt cộng thì cũng là cảm tình viên Việt cộng.
Nhiệm vụ của Seals là bắt cóc, ám sát các phần tử lãnh đạo Việt cộng cao cấp ở địa phương, tiếng lóng là "takeouts" với ý nghĩa: "Đi theo bọn tao, hoặc là chết". Trong vòng một tuần lễ khi nhóm Seals đến Cát Lở, tình báo cho biết có lãnh đạo cao cấp Việt cộng tại Thạnh Phong: huyện ủy chuẩn bị họp trong làng. Huyện ủy viên là mục tiêu chính cần tiêu diệt, nhóm Kerrey lên kế hoạch takeout, kế hoạch thực chiến đầu tiên của nhóm Seals.
Thạnh Phong là một làng nhỏ, dân số cỡ 150 người, quá nhỏ nên không có trụ sở hành chánh hay trường học, bao gồm vài quần thể 3 hay 4 chòi lá, trải dài khoảng non cây số dọc bờ biển. Theo báo cáo hành quân, vào ngày 13/02/1969, nhóm Seals tiến vào một góc Thạnh Phong, lục soát 2 căn chòi và "thẩm vấn 14 phụ nữ, trẻ em" để tìm tông tích tên huyện ủy. Ngày hôm sau, nhóm trở lại trên một canô cao tốc, nhưng phải trở về vì bị trở ngại vô tuyến.
[Trong cuộc phỏng vấn sau này, Kerrey nói rằng ông không thể nhớ lại lần đến Thạnh Phong đầu tiên, khoảng hai tuần trước vụ giết người. Tuy nhiên, các báo cáo sau hành quân từ hai lần trước có tên Kerrey, với ngày giờ và địa điểm. Và trong cuộc trò chuyện năm 1998, Kerrey nhớ lại rõ ràng nhiệm vụ này: trước đó ở Thạnh Phong, khi đội Seals của ông tìm thấy dân làng "ngủ với người đàn ông lạ mặt". Nếu các báo cáo và hồi ký đầu tiên của Kerrey là chính xác, thì sau đó họ phải có một chuẩn bị sẵn sàng trong những tình huống mà họ sẽ phải đối mặt khi họ quay lại ngôi làng).
Vào ngày 25/02, khi các nguồn tin tình báo một lần nữa xác nhận Việt cộng sẽ tổ chức một cuộc họp cấp huyện ủy. Theo Kerrey kể lại, một hai ngày trước khi hành quân, ông đã bay trinh sát Thạnh Phong với một sĩ quan tình báo hải quân, và không hề thấy có phụ nữ hoặc trẻ em trong làng.
Ngày 25/02, quận trưởng Đức đã ra một chỉ thị thẳng thừng cho người dân trong khu vực, rằng đây là lời đáp trả cho một hành động khủng bố trước đó: hai Việt cộng đã ném lựu đạn vào một ngôi nhà lúc 2 giờ sáng, giết chết một bé 5 tuổi và làm bị thương vài người khác. Trích từ lời của quận trưởng Đức: "Chúng tôi muốn dân chúng tuân theo chính phủ. Hãy đến với chúng tôi, chúng tôi sẽ tái chiếm khu vực này. Ai không đi ra sẽ bị coi là Việt cộng, là kẻ thù, bạn sẽ chết".
Sau thời gian dài, việc tái hiện chính xác các sự kiện xung quanh cuộc hành quân đêm đó có thể không khả thi, ký ức mơ hồ, và sang chấn chiến tranh cường độ cao như vậy có thể gây ra tâm lý ngăn chặn hoặc thay đổi các chi tiết. Ngay chính Kerrey cũng thừa nhận "hoàn toàn có thể là tôi đang bôi đen câu chuyện rất nhiều".
Tuy nhiên, qua hồ sơ chính thức của Hải quân tìm thấy tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia và các cuộc phỏng vấn với một số thành viên trong nhóm Kerrey, thực sự là khoảng gần nửa đêm ngày 25 tháng 2 năm 1969, tại khu làng nhỏ Thạnh Phong đã xảy ra cuộc hành quân của nhóm biệt hải Bravo. Có hay không vụ tàn sát?
Có nhiều góc nhìn khác hẳn những gì đã xảy ra về vụ tấn công. Theo Kerrey, đây là phản ứng tự vệ trong chiến tranh. Nhưng một phiên bản khác do Gerhard Klann, một biệt kích sừng sỏ trong nhóm, lời kể của Klann gần giống với lời kể của một phụ nữ Việt Nam và 2 người nhận là thân nhân của các nạn nhân, và đã chứng kiến vụ tấn công. Những người còn lại trong nhóm, không ai mô tả gì về vụ việc. Các toán viên Seals khác: Mike Ambrose điều hành công ty Lặn biển ở Texas, Gene Peterson thám tử Sở cảnh sát Los Angeles đã nghỉ hưu và Lloyd Schreier điều hành một trang trại ở miền đông Oregon, nói đơn giản rằng họ không làm gì sai.
William Tucker, nhân viên mặt đất của American Airlines ở Dallas, không muốn kể chi tiết, cho biết sau cuộc tấn công, khi nhanh chóng rút lui bằng canô, ông đã quay sang nói với Kerrey bên cạnh: "I don't like this stuff" (Tao không thích mấy vụ này, mày ợ!), chính Kerrey cũng đã trả lời: "Ừa, tao cũng không thích". Người còn lại là Rick Knepper, cựu chiến binh Seals, thì từ chối bình luận.
Theo lời kể của Kerrey, đó là một đêm không trăng, sau khi được thả xuống bằng canô, nhóm đột kích âm thầm tiến vào chiếm lĩnh khu vực không xa khu làng. Nhóm nằm im bất động chờ cho quen với bóng đêm đặc quánh xung quanh. Nương theo bóng đêm, nhóm lắng nghe động tĩnh của địch quân.
Toán bắt đầu hành quân, tiền sát viên Ambrose đi đầu, kế tiếp là Schreier, Kerrey và Klann, bám sát phía sau là Knepper và Peterson, việc bọc hậu do Tucker đảm trách. Nhóm trang bị hỏa lực M16, súng ngắn 9 ly, lưỡi lê, lựu đạn lân tinh, M72. Klann vác khẩu đại liên mà cả nhóm thường gọi là “đá hộc”.
Nhóm tiến vào bìa làng và phát hiện một căn chòi mới, hoàn toàn không có trong báo cáo tình báo trước đó, trinh sát Ambrose và Klann lui trở lại báo cáo: "Có vài kẻ địch trong chòi, phải thanh toán ngay".
Trong phỏng vấn sau này, Kerrey trong khi nhận trách nhiệm hoàn toàn về việc giết chóc, đã cho biết ông không ra lệnh chi tiết phải làm thế nào. "Trong khi thi hành điệp vụ, nếu gặp người lạ, toán bắt buộc phải tiêu diệt"; "Tiêu diệt tất cả những người phát hiện nhóm hoặc là phải hủy bỏ cuộc hành quân". Theo đánh giá lúc đó của Kerrey thì "đây là một trạm tiền đồn, nếu không tiêu diệt, toán Biệt hải sẽ bị phát hiện".
Kerrey ra lệnh tiêu diệt mục tiêu, toán Seals đã dùng lưỡi lê nhằm tránh tiếng động để thanh toán toàn bộ địch trong chòi. Các toán viên thi hành lệnh. Kerrey không tham dự vào vụ giết chóc này, ông cũng không nhớ là có tìm thấy vũ khí ở đây. Sau khi thanh toán chòi lá bìa làng, cả toán tiếp tục len lỏi theo triền đê tiến sâu vào Thạnh Phong. Sau chừng 15 phút, nhóm tiếp cận khu vực có chừng 4-5 chòi, với ánh lửa vàng vọt chập chờn chiếu qua kẽ lá.
Kerrey kể, đúng lúc này chợt "súng nổ từ mục tiêu". Báo cáo hành quân sau này ghi "vài phát đạn đã bắn ra từ khoảng 100m". Trong phỏng vấn sau này, Kerrey cho biết: vì ở phía sau, ông cũng không chắc đó là tiếng súng nổ, nhưng tiền sát viên Ambrose xác định là họ bị tấn công. Trong đám sương mù chiến tranh, khó mà xác định chính xác việc gì đang xảy ra! Kerrey cho biết: “Tôi nghĩ có thể hàng ngàn địch quân ở phía trước, ai mà biết được?" Việc đầu tiên Kerrey làm là ra lệnh bắn trả, dùng cả M72, và sau đó ra lệnh tấn công chiếm mục tiêu là các chòi. Một báo cáo sau này của một toán viên Seals cho biết nhóm đã bắn khoảng 1.200 viên đạn.
Cuộc tấn công chỉ kéo dài vài phút, khi nhóm Seals tràn lên, họ thấy vài người chạy khỏi khu vực, những người này cũng bị tiêu diệt ngay lập tức.
Trong cuộc phỏng vấn sau này, Kerrey nói: "Thay vì thấy xác Việt cộng và vũ khí, tôi chỉ thấy phụ nữ và trẻ em". Theo báo cáo hành quân, có 7 người bị giết, do trong bóng đêm nên không xác định được là đàn ông hay phụ nữ.
Không chỉ rùng rợn mà còn khó hiểu hơn, nên nhớ điều ai cũng biết là các chòi lá đó đều có hầm ngầm dưới đất hoặc ngay cạnh đó; khi có biến động, người dân sẽ lăn chui xuống đó để tránh. Thông thường ở những vùng mất an ninh, họ ngủ ngay dưới hầm.
Kerrey nhớ lại, toán Seals tìm thấy các thi thể chết thành nhóm, họ không hiểu tại sao dân chúng lại gom lại như vậy. Có thể ai đó đã gom họ thành nhóm. "Có thể các du kích đã dùng họ che chắn để tẩu thoát"; "Thực tôi cũng không rõ, nhưng vấn đề ở đây là không có bóng dáng đàn ông trong làng. Đây là chuyện lớn!"
Nếu chuyện kể của Kerrey là thật, có nhóm người nào đó gom phụ nữ và trẻ em thành nhóm giữa làng, rút ra ngoài và bắn vào toán Biệt hải. Trường hợp khác, khi nghe tiếng súng nổ, dân chúng thay vì chui xuống hầm trú ẩn, thì vì lý do gì đó lại chạy ra vùng trống và tụm lại thành nhóm.
Vài ý kiến cho rằng khó thể tin là hỏa lực từ xa 100m - cho dù mạnh cỡ nào - lại có thể giết chết toàn bộ 14, 15 dân làng. Chắc chắn phải có người sống sót, nhất là khi toán Biệt hải bắn trong đêm tối hoàn toàn và dưới cơn hoảng loạn. Nhưng như Kerrey cho biết, sự thật đã xảy ra theo như trí nhớ của ông (memory is always a liar) trong đêm 25/02/69 là như vậy.
Chuyện kể theo lời Gerhard Klann, di dân gốc Đức khi còn bé, cựu chiến binh Seals với 20 năm quân ngũ, đã vinh dự được chọn vào nhóm Seal team Six trong vụ giải cứu con tin cuộc khủng hoảng Iran năm 1980. Klann thuộc loại người hung hăng, nghiện rượu, đã từng bị giáng cấp vì ẩu đả. Những người bạn của Klann chưa bao giờ thấy ông biểu lộ ác cảm với Kerrey. Mặc dù bị cho là nghiện rượu, nhưng các đồng sự đánh giá Klann luôn tích cực trong công việc. Klann tuyên bố sẽ phản đối bài của Nytimes khi viết về vai trò của ông trong câu chuyện này.
Sau đây là góc nhìn của Klann:
Khi tiền sát viên Ambrose báo rằng anh ta thấy một người lớn tuổi cạnh cửa ra vào và 2 phụ nữ, cùng 2 người đàn ông bên trong, "tôi ra hiệu cho Klann tiêu diệt". Nhưng trong cuộc phỏng vấn, Klann cho biết tại căn chòi đầu tiên khi nhóm Seals đột nhập, trong đó có một người đàn ông và một người đàn bà, cả hai đều lớn tuổi, cùng 3 trẻ em khoảng 12 tuổi, chính Kerrey ra lệnh tiêu diệt.
Klann nhào tới tóm người đàn ông, bịt miệng và lôi hắn ra xa khỏi đám nhỏ để thanh toán. Klann kể: "Tôi đâm lưỡi lê vào sườn và tiếp vào phần trên lưng". Người đó xoay ngược lại, chụp cánh tay đang cầm lưỡi lê của Klann để đẩy ra. "Hắn chưa chết, vẫn cựa quậy và chống cự". Klann ra hiệu cần sự giúp sức. Trong lúc Ambrose vẫn cảnh giới, Kerrey nhào vô giúp đè người đó xuống đất, Kerrey dùng đầu gối chặn lên ngực hắn, Klann soẹt lưỡi lê ngang cổ hắn!
Khann kể, ông không nhớ rõ ràng, thứ tự việc gì xảy ra tiếp theo. Trong khi ông tấn công người đàn ông, các đồng đội khác tiêu diệt những người còn lại - người phụ nữ và 3 đứa trẻ.
Trong phỏng vấn với Kerrey, ông không hề nhớ vụ giết người đàn ông này, nhưng khi nhắc lại hồi ức của Klann và Ambrose, Kerrey có nhận. Kerrey nhớ lại: Klann có gặp chống cự khi cố thanh toán đối phương, nhưng ông phủ nhận có can thiệp vào, "Klenn đã gặp sự chống cự dữ dội khi cố tiêu diệt người này".
Kerrey nói rằng ông biết ai là người giúp Klenn, nhưng nhất định không nói ra: "Mọi người trong nhóm tôi đều ở sát bên căn chòi đó, nhưng tôi không phải người hạ thủ, cam đoan 100%". Trong cuộc phỏng vấn này ông cũng nói: "Tôi không quy kết ai cả, tôi là chỉ huy nhóm, người trách nhiệm trước tiên phải là tôi".
Trong hồi ức của Klann thì nhớ là Kerrey đã giúp ông đè đối phương xuống, cả Ambrose cũng nghĩ vậy, nhưng sau này chính Ambrose cũng nghĩ lại "có thể là Bob". Số 4 người còn lại trong căn chòi, theo Kerrey là do Klann và Ambrose ra tay thanh toán, vì "toàn bộ toán viên đều ở ngoài với tôi". Ambrose đã không xác nhận về điều này.
Phạm Thị Lãnh, được chương trình “60 minutes” phỏng vấn, đã kể câu chuyện tương tự Klann, về trình tự thời gian của các sự kiện và một số chi tiết quan trọng. Bà Lãnh, khi ấy khoảng 30 tuổi, vợ một cán bộ Việt cộng, nói rằng đã chứng kiến toàn bộ vụ giết người, cô kể rằng cô nhanh chóng lẻn đến gần căn chòi khi nghe tiếng kêu từ đó. "Tôi đã ẩn đằng sau một bụi chuối, và trông thấy họ cắt cổ ông già, như vầy như vầy…". Cô nói thêm "Đầu ông ta vẫn dính lại ở phía sau". Cô cũng cho biết cô chứng kiến những Biệt hải giết bà già và 3 đứa nhỏ. Cô Lãnh cho biết đó là ông bà của 3 đứa nhỏ.
Một phụ nữ khác tự nhận là thân nhân của các nạn nhân đã dẫn nhóm “60 minutes” tới một khu nghĩa địa. Ở đó có 2 mộ phần tên Bùi Văn Phát, vợ là Lưu Thị Canh, cùng 3 ngôi mộ nhỏ hơn chôn các cháu của họ. Nhưng ngày chết ghi trên mộ phần lại là 10 năm sau vụ này, nên không có chứng cứ gì để khẳng định là 5 người này do nhóm Biệt hải giết ngày 24/02/1969.
Ambrose kể, sau vụ thủ tiêu tại chòi lá. "Tôi, Klann và Bob hội ý nên tiếp tục hành quân hay hủy bỏ, vì chúng tôi đã gây ra khá nhiều tiếng động, tôi sợ nguy hiểm vì đã bị lộ". Tiếng động là do nạn nhân la hét gây nên. Ambrose đề nghị rút lui nhưng bị các toán viên khác bác bỏ, họ muốn tóm bằng được tên huyện ủy Việt cộng.
Khoảng 15 phút sau, nhóm Biệt hải tới đám chòi lá trong làng. Tới đây, hai phiên bản chuyện kể của Klann và Kerrey khác nhau rõ rệt. Kerrey kể rằng họ đã bị tấn công và toán biệt hải bắn trả từ khoảng cách 100m hay xa hơn thế. Nhưng Klann lại kể: toán đã tập trung những phụ nữ và trẻ em ở giữa làng, tra hỏi về hành tung của tên huyện ủy, vì cuộc lục soát sơ bộ các chòi không tìm thấy gì.
Klann nhớ lại, toán Biệt hải thực ra đang ở trong tình thế cực kỳ nguy hiểm, hơn là các tù nhân đang bị giữ kia. Toán đang ở sâu trong lãnh thổ địch, trong tay là 15 tù nhân mà toán không thể mang theo. "Chúng tôi có rất ít hy vọng thoát ra an toàn". Klenn kể, nhóm bàn các kế hoạch và quyết định "thủ tiêu nhân chứng, rút lui". Cô Lãnh kể lại, lúc đó cô nấp gần đó, đang kiểm tra xem các con mình có an toàn không, và đủ gần để chứng kiến vụ tàn sát. Klann cho biết Kerrey ra lệnh khai hỏa. Cả nhóm đứng ở khoảng cách 6-10m và xả các loại súng tự động chừng 30 giây. Họ nghe tiếng rên, nên lại tiếp tục bắn thêm 30 giây nữa.
Klann kể tiếp, cuối cùng chỉ còn lại tiếng khóc của một đứa bé. "Đứa bé là người cuối cùng còn sống". Ông lau nước mắt kể tiếp: "Máu và thịt tung toé khắp nơi". Nhưng Klann không nhớ được ai là người đã bắn, đoạn sau giống như lời kể của Kerrey và trong báo cáo hành quân. Toán Seals rút lui ngay sau đó.
Sự mâu thuẫn trong hồi ức của Klann là: theo như lời kể thì vì sợ bị lộ nên họ đã tập trung và giết hết dân làng. Nhưng chính hành động xả súng hàng loạt như thế đã tố cáo sự hiện diện của toán Seals, và càng khiến họ khó thể rút lui yên lành. Khó hiểu hơn, vì trước đó 2 tuần, toán Seals đã từng đến đây và điều tra dân chúng, rồi rút lui mà không bị gì; tại sao lần này họ lại "do sợ bị lộ nên phải thủ tiêu những người bị bắt"?
Chuyện kể của Klann cũng cho lý giải về hành động của nhóm Seals. Có thể lần trước chỉ là đến điều tra rồi rút lui nên an toàn; nhưng lần này thì vì đã giết người ở chòi lá đầu tiên, do sợ có nhân chứng về việc đó nên họ phải thủ tiêu hết. Lý luận của Klann: "Chúng tôi đã tự đưa mình vào tình huống nguy hiểm khi đã giết những người ở chòi lá".
Trong một cuộc phỏng vấn sau này, Ambrose một mực phản đối góc kể của Klann về việc quây gom dân chúng và tàn sát họ. Mặc dù ký ức về câu chuyện đã nhạt, nhưng ông kể lại: sau khi xông vào một chòi lá và phát hiện ra toàn đàn bà, "bọn tôi lãnh nguyên tràng đạn từ phía sau, chỗ Knepper và Peterson đứng. Ai đó la lên là đã bị tấn công. Khi bị bắn, bọn tôi bắn trả ngay tức thì". Sau đó, mọi việc hỗn loạn. "Mọi việc nháo nhào khi súng nổ, lúc đó chúng tôi chỉ bắn theo phản ứng sinh tồn. Trời tối đen, chỉ thấy bóng đen mờ mờ, không thể phân biệt nam hay nữ". Cuộc chạm súng xảy ra chỉ ở khoảng cách 20-50m. Khi tiếng súng im, chỉ thấy xác của phụ nữ và trẻ em.
Sau khi toán Seals được bốc ra khỏi Thạnh Phong, thuyền trưởng William Garlow lái chiếc canô với trưởng toán Seals (Kerrey) cùng lên máy truyền tin báo cáo về Bộ chỉ huy ở Cát Lở. Trong đó, nhóm Seals chỉ đơn giản báo cáo là đã tiêu diệt 21 Việt cộng, không nhắc gì tới dân chúng.
Tài liệu quân sự tìm thấy sau này là cuộc điện đàm lúc 8pm ngày 27/02/1969: "Lưu ý, một ông già từ Thạnh Phong đến gặp quận trưởng, yêu cầu trừng phạt về một vụ giết chóc đêm 25 và 26/02/1969". Theo lời kể, có 24 người bị giết tại Thạnh Phong, ngoại trừ 13 người gồm 12 phụ nữ trẻ em và 1 ông già, số còn lại 11 người không nhận diện được, mặc định là Việt cộng. Navy Seals đang hoạt động trong vùng, đang điều tra". Đây chỉ là một điện báo, không phải báo cáo hành quân, cho nên con số người chết có thể không chính xác.
Connolly, chỉ huy chiến dịch tại Trung tâm Cát Lở đã giải trình về cuộc điều tra của quân đội, việc bắn nhầm dân thường trong đêm là không tránh khỏi, vì trong bóng tối không thể phân biệt là dân hay địch. Tuy nhiên ông cũng thêm là chưa bao giờ trực tiếp nói chuyện này với Kerrey.
LỖI LẦM, TRẢ GIÁ
9 tháng sau, lại xảy ra vụ Mỹ Lai với 350 người bị giết. Đại úy William Calley bị tố cáo đã giết 22 thường dân tay không vũ khí, bị xử tù chung thân. Mỹ Lai là gáo nước lạnh tạt vào chính sách can thiệp quân sự của Mỹ ở Việt Nam, chỉ chứng tỏ cuộc chiến là vô ích, không thể thắng.
Vào tháng 2/1970, chừng một năm sau vụ Thạnh Phong, 5 Thủy quân Lục chiến Mỹ trong một cuộc tuần tra ở thôn Sơn Thắng, cách phía Nam Đà Nẵng 30km, đã bắn chết 16 phụ nữ và trẻ em. 2 người trong số bị truy tố (gồm cả sĩ quan chỉ huy) đã được tha bổng, buộc giải ngũ, số còn lại lãnh khoảng 10 tháng tù.
Quân lệnh rõ ràng, tiêu biểu là trong "Chính sách quân sự Mỹ trong chiến tranh" ghi rằng: "Một chỉ huy không được phép giết tù binh vì lý do tù binh cản trở việc hành quân, hay do làm yếu đi khả năng chiến đấu vì phải cắt người canh gác, hay vì những tù binh đó ăn bớt thực phẩm của đơn vị, hay vì họ sắp được địch quân giải cứu. Do vậy, không được giết tù binh nhằm bảo vệ an toàn cho mình, ngay cả trong chiến dịch nhảy dù hay đột kích địch, cho dù điều này gây khó khăn cho việc canh giữ tù binh".
Kerrey, trong phỏng vấn, khi trả lời câu hỏi: "Phải chăng nhóm Biệt hải đã sử dụng những quy tắc của chiến tranh bí mật, hay họ là tội phạm?" Ông cho biết: "Hãy để bọn họ tự phán xét là về quân sự hay đạo đức. Hãy để bọn đó tự tìm, vụ này chỉ là một trường hợp đã xảy ra".
Kerrey nhấn mạnh, dù ở góc nhìn nào thì những hành động của toán Biệt hải cũng đã được cho phép với quy định chiến tranh thời đó: "Nếu bắn bỏ tốt hơn bắt sống, chúng tôi được phép tiêu diệt mục tiêu". Trong cuộc phỏng vấn này, Kerrey nói thẳng thừng: “Chúng tôi được chỉ thị: không mang theo tù binh".
Tiêu chuẩn chiến tranh, phải hiểu rằng bất cứ ai trong vùng "oanh tạc tự do" đều là "địch quân" và sẽ bị bắn bỏ. Kerrey kể, thượng cấp ra lệnh "phải tiêu diệt tất cả các chòi và cả người trong đó". Nhưng Hoffmann (chỉ huy chiến dịch) nói rằng ông không ra lệnh giết đàn bà trẻ em; song ông cũng thêm là không cách gì phân biệt được dân thường hay chiến binh. Kerrey cũng nhấn mạnh: "Hãy nhìn những tên họ khắc trên bức tường Việt Nam (Vietnam Memorial in Washington), nhiều người có tên trên đó vì đã không nhận ra rằng một phụ nữ hay đứa trẻ cũng có thể giấu khẩu súng trong người".
Kerrey cũng cho thấy sự khó khăn của trưởng toán Seals phải đối diện trong chiến dịch. Trách nhiệm đầu tiên của chỉ huy là sự an toàn của cả nhóm. "Với 7 chiến binh, nếu chỉ một người bị thương phải cáng theo, có thể sẽ dẫn đến sự thiệt mạng cả nhóm".
Chính những sự việc xảy ra trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến trận đánh quyết định cuối cùng của Kerrey. Mọi chuyện sai lầm ngay từ đầu vì Kerrey đã quyết tâm né tránh tình huống phải lựa chọn giữa việc phải lựa chọn bắn bỏ hay bắt giữ tù binh. Vào ngày 14/03/1969, nhóm Biệt hải nhận lệnh đột kích bắt cóc nhằm vào một đơn vị Việt cộng tại Hòn Tằm, Cam Ranh. Thận trọng, Kerrey ra lệnh cho toán chỉ bắt giữ chứ không được giết những ai họ chạm trán. Sau những khó khăn khi trèo vượt qua khu vách đá gần như thẳng đứng cao khoảng 100m, nhóm Biệt hải chuẩn bị tấn công. Việt cộng phát hiện ra họ và đã khai hỏa dữ dội. Trong mù mịt khói súng, một trái lựu đạn phát nổ ngay dưới chân Kerrey.
Y tá của toán, Lloyd Schreier, cố gắng băng bó cho Kerrey và bơm tối đa morphine nhằm chống kích ngất. Sau đó trực thăng tải thương đưa Kerrey về Quân y viện 26 tại Cam Ranh, rồi chuyển qua Quân y viện Hải quân tại Philadelphia. Kerrey tỉnh dậy với chân phải cưa đến đầu gối...
Nguồn: http://www.nytimes.com/2001/04/25/magazine/25KERREY.html…

 

Tìm kiếm Blog này