Tim thông tin blog này:

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2016

Trận cao điểm 547 (Campuchia) 4.1984

Sau 4 lần đánh, kể cả lần vào tháng 5.83 của Sư đòan 307 không thành công. Trận đánh căn cứ 547 lần này của QK5 là một trận đánh qui mô lớn, hiệp đồng binh chủng, do Tư lệnh QK5 trực tiếp chỉ huy.
Cao điểm 547 nằm trên dãy Đăng rếch (Dangreak/chiếc đòn gánh), dài khỏang 40km, chiều rộng 30km. Dãy núi nằm sát biên giới Thái lan, đứng dưới chân núi nhìn lên như một bức tường thành vững chắc, án ngữ một vùng rộng lớn. Một trục đường lớn từ Thái lan vắt qua dãy núi. Dãy núi này về mùa khô nước chỉ có ở chân núi. Trong nội địa Campuchia, hầu hết là rừng khộp, lại càng khan hiếm nước. Hết mùa mưa là các khe suối cạn, nước chỉ còn đọng lại thành từng vũng nhỏ, có nơi đi hàng buổi đường mới tìm thấy nước. Dân cư thưa thớt, chủ yếu ở dọc theo trục đường từ Thái lan sang.
Địch: Bọn Polpot chọn dãy Đăng rếch làm căn cứ phía trước của chúng, gồm 2 chức năng:
1.   Tạo chân hàng từ Thái lan qua
2.   Dùng sức người tổ chức gùi hàng vào các căn cứ của địch ở sâu trong đất Campuchia.
Căn cứ địch có 2 tầng phòng thủ: tầng trên là các lọai hỏa lực, tầng dưới là mìn. Ở mặt đất địch gài mìn chông bộ binh, mìn chống tăng, địch còn treo hàng nghìn quả mìn trên đá, trên cây thay cho lính cảnh giới. Đây là một căn cứ phòng ngự kiên cố, nhiều tầng, có chính diện, có chiều sâu kết hợp với đội hình phức tạp, núi cao trung bình 400-500m, có nới 600-700m, đá lởm chởm, vách núi cheo leo, nhiều hang động, nhiều vách đứng có độ dốc từ 45 đến 60 độ, có nơi thẳng đứng muốn leo lên phải dùng thang dây.
Căn cứ 547 do 2 sư 612 (thiếu) và sư 616 (thiếu) của Polpot chiếm giữ. Ngòai lực lượng bộ binh, địch có cả hỏa lực mạnh chi viện từ 1 đến 2 tiểu đòan pháo binh, 10-12 lần chiếc máy bay/ngày của Thái lan, bố trí cách đó 9-10km. Trên cơ sở 2 tần phòng thủ, hệ thống chốt điểm ở 547 chia làm 3 tuyến:
1.   Tuyến an ninh cảnh giới bên ngòai
2.   Tuyến đề kháng chính do bộ binh kết hợp với hỏa lực bố trí dựa vào các hang động hình thành từng điểm tựa có công sự gỗ tương đối vững chắc, có hệ thống vật cản thiên nhiên kết hợp với rào dây thép gai và các lọai mìn
3.   Tuyến trung tâm gồm sở chỉu huy, lực lượng bảo vệ, kho tàng thành từng cụm, có những khu kho vào sâu trong biên giới (TL?).

TA: Lực lượng tham gia trận đánh gồm:

-   F307 đủ,
-   E1/F2,
-   E143/F315
-   1 E pháo
-   1 E Cao xạ
-   1D xe tăng
-   1D xe bọc thép M113 (35 xe)
-   1D cao xạ 37mm

Khó khăn của quân ta trong trận đánh này là khó khăn về tư tưởng, vì nhiều lần đánh 547 không thành công, đặc biệt lần đánh thứ 4 của F307, trận đánh không giải quyết được vì thiếu nước uống, thương vong cao, bỏ thương binh, liệt sỹ lại chiến trường.

Đồng chí Tư lệnh mới về nhận nhiệm vụ tư lệnh QK5 khi đi kiểm tra MT579 và nghiên cứu chiến trường tại chỗ, xác định khâu chuẩn bị, đảm bảo cho trận đánh là vấn đề tiên quyết, nên đã đề ra một số nội dung cần chuẩn bị:
1.   Tổ chức trinh sát nắm địch:
a.   Tổ chức 7 tóan trinh sát của các E, F và MT579 và sau đó tổ chức trinh sát của người chỉ huy theo dự kiến phân công theo từng hướng.
b.   Tư lệnh và các cơ quan chủ chốt của QK và MT579 đi kiểm tra. Trong thời gian 2 tháng đã có hơn 200 lượt người đi trinh sát chuẩn bị.
c.   Đồng thời QK tổ chức hệ thống trinh sát quân báo gồm: đặt 4 đài quan sát, 4 đội trinh sát luồn sâu, 25 tóan trinh sát cơ động, 1 tóan trinh sát bắt tù binh và 13 tóan trinh sát dự bị.
2.   Tổ chức tập huấn, huấn luyện:
Tuy là đơn vị cũ, nhưng phần lớn cán bộ chiến sỹ mới nên việc tổ chức tập huấn huấn luyện rất quan trọng. Đối với cán bộ chỉ huy từ cấp C đến F: tập huấn về chiến thuật E, F đánh địch trong công sự vững chắc, tổ chức tập bài về phần quyết tâm và đồng thời rút kinh nghiệm trận đánh 547 lần 4 của F307. Đối với bộ đội tổ chức huấn luyện theo hình thức tiến công địch trong công sự vững chắc từ cơ bản đến diễn tập phân đội, có bắn đạn thật và luyện tập theo phương án.
3.   Tổ chức cơ động lực lượng và binh khí kỹ thuật vào khu tập kết gồm hơn một vạn quân (11.000) trong đó đưa từ Việt nam sang 3.000 quân (E1/F2). Huy động 438 chuyến xe và 5 chuyến chyên cơ bằng trực thăng và AN 26 cho cán bộ từ Pleiku sang và phân đội A72 từ Hà nội vào Tà beng.
   Vận chuyển vật chất hậu cần đảm bảo cho trên 11 nghìn quân có đủ lương thực, thực phẩm ăn trong thời gian chuẩn bị và bước vào chiến đấu (25 ngày, có 5 ngày lương khô/gạo sấy)
   Đảm bảo vận chuyển 531 tấn vũ khí, đạn dược và phương tiện. Bảo đảm kỹ thuật cho 591 pháo, cối và cho tòan bộ súng bộ binh theo biên chế.
   Để đảm bảo cho việc cơ động, vận chuyển QK giao lực lượng công binh bảo đảm và khai thông 3 mạng đường chính và đường nhánh dài trên 100km. Xây dựng và thiết bị 3 sân bay trực thăng. Khi bước vào chiến đấu, tổ chức 3 đội đảm bảo và hộ tống xe tăng thiết giáp, pháo binh chiếm lĩnh và cơ động chiến đấu. Tổ chức 6 đội khắc phục vật cản mở đường cho đột phá và tiến công của các đơn vị.
   Về đảm bảo thông tin, QK tổ chức 2 xe tổng đài tiếp sức, 2 xe công trình. Huy động 830 máy vô tuyến điện và hữu tuyến điện, 670km dây và 1.628 cán bộ chiến sĩ thông tin.

4.   Một công tác đảm bảo hết sức quan trọng trong trận đánh này là đảm bảo nứơc cho bộ đội. Rút kinh nghiệm trận đánh 547 lần 4 vì thiếu nước uống, bộ đội bị ngất xỉu, bộ đội đi tìm nước uống vấp mìn thương vong làm mất sức chiến đấu. Có đơn vị hành quân cả đêm, sáng ra hết nước không đánh được. Lần này có quy định rõ ràng bình quâ mỗi cán bộ chiến sĩ đảm bảo 5 đến 6 lít nước/ngày. 100% quân số tham gia chiến đấu có bi dông nước lọai 1 lít và 0,75lít, 40%-60% quân số được trang bị lọai bi đông 5 lít và can nhựa 4lit. hậu cần QK cấp hơn 1000 can nhựa lọai 10l, 20l, bao nilong lọai lớn có dây gùi cho đội vận chuyển nước cho từng E. Các tiểu đội và khẩu đội được cấp 1 bao nilong lớ bảo quản nước khi chiếm lĩnh.
Phương thức cung cấp nước của QK được tổ chức chu đáo. Đội xe chuyển nước của QK gồm 30 xe có 10 xe bọc thép hộ tống dẫn đường. Mỗi xe chở nước có 2 tec chứa nước lọai 3 khối. Các tec nước làm tại Đà nẵng từ các khoanh tôn làm cống nước của Mỹ còn lại. Số xe này chia làm 4 đội, có trang bị máy bơm nước. Từ nguồn về nơi trữ nước xa 40km. Tại 3 trạm tiếp nước, QK cấp 15 thuyền nhôm, các đội xe chở nước đổ vào thuyền nhôm rồi quay lại chở tiếp. F2 và F307, mỗi F có 2 trạm tiếp nước, tại đây các E lấy nước về phân phối cho các đơn vị. Có trạm tiếp nước ở sau lưng, sát ngay khu chiến làm cho bộ đội yên tâm chiến đấu, không sợ chết khát như các lần đánh trước. Đối với các đơ vị binh chủng, mỗi xe tăng, thiết giáp đều phải có thùng phuy (có nắp) chứa 100L, mỗi xe kéo pháo được cấp 1 phuy có nắp chứa 200L.

Diễn biến trận đánh:

Ngày 20.4 (N-5) các E của F307 thực hiện đánh tạo thế và vây cắt. E678 đánh ép từ đông nam căn cứ tạo điều kiện cho công binh mở đường, làm trận địa và triển khai hệ thống thông tin, E678 đã đánh tan một cánh quân địch ra ngăn chặn và đã chiếm được hồ nước Suối tre, điểm cao 106.

Cùng thời gian đó từ 20.4 đến 24.4, các E 94, 95, 29 của F307, E143/F315 phái trinh sát đi trước chuẩn bị hành lang và vào vị trí chuẩn bị vây cắt. Địch phát hiện được đã dùng cối 82 ly, B40, B41 bắn chặn. Quân ta vẫn khôn khéo giữ bí mật, cánh n ào lộ thì tổ chức đánh chiếm vị trí, cánh nào không lộ thì tránh địch, không cho địch phán đóan ý đồ của ta.

Trên hướng tấn công đột phá chính diện, E1/F2 và xe thiết giáp K63 (hay M113?), một đại đội xe tăng T54, pháo binh, cao xạ cũng vào triển khai chiếm lĩnh.

Ở mũi đánh phối hợp ngày 22.4, 23.4, trung đòan 19K của bạn bao vây và đánh chiếm khu vực Anlung.

7 giờ sáng 25.4, quân ta đồng lọat nổ súng tiến công. E1 của F2 được hỏa lực pháo binh chi viện, phát huy hỏa lực đi cùng của bộ binh, hỏa lực của xe tăng, thiết giáp, các đơn vị lần lượt đánh chiếm từng mục tiêu được quy định. E1 nhanh chóng đánh chiếm được mục tiêu Z6. Đến hết ngày 25.4, E1 làm chủ hòan tòan các mục tiêu Z1, Z12, Z14.

Các trung đòan của F307 thực hành bao vây phía sau địch ở cánh phải. Đánh từ sau lưng địch đánh ra. Quân ta lần lượt chiếm các điểm cao, cắt con đường địch có thể chạy từ 547 sang Thái lan.

Ở cánh trái, mặc dù đã ở vị trí xuất phát, nhưng E143/F315 theo lệnh của MT719 (là mật danh Tiền phưong BTTM/BQP) không được đánh sâu vào đất Thái lan, do vậy nhiệm vụ của F307 (ở cánh phải) nặng hơn, phải nhanh chóng phát triển phối hợp với E1/F2 diệt gọn bọn địch.
Ngày 26.4, mức độ chống trả của địch ở các mục tiêu còn lại quyết liệt hơn. Lợi dụng các hang đá trên vách núi, chúng bố trí DKZ, trọng liên, đại liên bắn dữ dội khi ta nổ súng xung phong. Quan sát trực tiếp những thủ đọan chống trả của địch, sư đòan trưởng (F2) Trương Hồng Anh lệnh cho trận địa pháo 85 ly và pháo cao xạ 37 ly hạ nòng bắn “xăm” vào từng hỏa điểm của địch. Đại đội xe tăng T54 cũng được lệnh cơ động lên phía trước, dùng pháo trên xe tham gia tiêu diệt các hỏa điểm địch trên vách núi. E1 vừa theo dõi phát hiện mục tiêu cho pháo bắn vừa chớp thời cơ tổ chức xung phong đánh chiếm mục tiêu. F307 từ trên thế cao tiếp tục khép chặt vòng vây, đánh dồn địch lại. Đánh thẳng vào các căn cứ, kho tàng của địch. Đến hết ngày 26.4, quân ta đã chiếm được các mục tiêu chủ yếu như Z1, Z1a, Z4.
Sáng 27.4, E1/F2 đã bắt liên lạc được với F307, phối hợp tấn công dứt điểm các mục tiêu còn lại quanh khu vực căn cứ 547 và tiến hành lùng sục, tảo trừ, truy quét tàn quân địch.

Kết quả:
Trận đánh này quân ta đã xóa sổ 2 sư đòan 612 và 616 quân Pol Pot (mỗi sư đòan địch thường từ 600 đến 1000 tên), lọai khỏi vòng chiến đấu 1800 tên, trong đó bắt sống 300 tên. Thu 515 súng các lọai gồm:
+ 1 khẩu cối 120 ly
+ 2 khẩu cối 100 ly
+ 92 khẩu cối 82 ly
+ 15 khẩu DKZ 75 ly
+ 16 khẩu DKZ 82 ly
+ 15 khẩu 12,7 ly
+ 17 đại liên
+ 33 trung liên
+ 147 khẩu B40, B41
+ số còn lại là AK và CKC
Thu nhiều quân trang quân dụng, hàng trăm tấn đạn, 30 tấn lương thực, một số tài liệu quan trọng.
Phá hủy 5 kho trang bị, lương thực và súng đạn. Triệt phá hòan tòan căn cứ cửa khẩu 547, chiếm giữ các khu vực qaunh các điểm cao then chốt. Quân ta tổ chức chốt giữ, xoay ngược các điểm chốt, nhằm mục tiêu về phía Thái lan.

Chú ý:
Khu vực điểm cao 547 chính là khu vực đền Preah Vihear.
Sư trưởng F2, Đại tá Trương Hồng Anh đã hy sinh sau trận đánh do trúng mìn địch còn sót lại ngay lúc đi xe lên khu vực đền.
F307 đã đánh vòng và vây ép chặn quân địch từ phía đất TL. Trong khi đó F2 và các đơn vị khác đánh chính diện từ phía đất CPC.


Theo: Hungnt_E1F2

Nguồn: Vnmilitaryhistory  

Tìm kiếm Blog này