Tim thông tin blog này:

Thứ Bảy, 14 tháng 10, 2017

Giấc mơ hai lượm

(Ai là bạn của tôi nên chịu khó đọc hết stt này. Ai không quan tâm không cần đọc, tôi sẽ xóa những cmt ném đá)
Không có bằng chứng nào cho thấy con người ngày nay thông minh hơn và hạnh phúc hơn con người sống vào thời kỳ hái lượm.
Tổ tiên của chúng ta từng sống vui vẻ suốt 2,5 triệu năm trong thời kỳ này. Họ chỉ ăn những gì mà thiên nhiên ban tặng. Họ hái lá, nhặt trái và đào củ, họ bắt cá, các loài thủy sản, côn trùng và săn những con thú, nhưng sự săn bắt cũng chỉ góp phần vào sự cân bằng của hệ sinh thái chứ không khiến cho bất cứ loài nào bị tuyệt diệt.
Đó là thời kỳ mà ngày nay chúng ta gọi là “hồng hoang mông muội”, nhưng “hồng hoang mông muội” thì có gì là không tốt ? Suốt 2,5 triệu năm đó con người sống hồn nhiên vô tư, hòa thuận với thiên nhiên và hòa thuận lẫn nhau. Chẳng có cướp giật lừa đảo và chẳng thể nào có chiến tranh. Tất nhiên cuộc sống của người hái lượm không phải dễ dàng, họ vẫn gặp những bất trắc từ thiên nhiên và từ đồng loại. Cũng giống như các loài thú hoang, họ phải vượt qua những bất trắc đó để sinh tồn, quá trình vượt qua đó chính là quá trình tiến hóa.

Không có bằng chứng về sự tiến hóa của con người ngày nay so với con người thời kỳ hái lượm. Thích nghi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, bơi lội hay trèo đèo vượt suối, chống chọi với thú dữ...trong thời hái lượm đã giúp cơ thể con người tiến hóa, nhưng không có bằng chứng cơ thể con người tiến hóa thông qua lao động nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Hầu hết những cái gọi là “tiến bộ” của con người ngày nay đều là những tri thức và kỹ thuật tàn phá thiên nhiên, chém giết nhau và đối phó lẫn nhau. Còn việc lên mặt trăng ư ? Nó chỉ làm cho con trẻ bớt vui và các đôi tình nhân bớt đi thơ mộng mà thôi.
Đừng nghĩ những người hái lượm không có văn hóa không có sáng tạo. Nhiều di chỉ khảo cổ học cho thấy những vết tích sáng tạo không hề tầm thường của con người trong thời kỳ này. Người hái lượm sống tự do, không bị ràng buộc bởi các “chuẩn mực”, nên họ sử dụng thời gian thú vị hơn chúng ta. Sự thú vị đó ngày nay vẫn còn được “di truyền” nơi những đứa trẻ.
Cho đến khi có ai đó trong tổ tiên chúng ta nghĩ ra việc thuần dưỡng một số cây và thuần hóa một số loài thú, mở đầu cho cái mà lịch sử gọi là cách mạng nông nghiệp. Trồng trọt và chăn nuôi ra đời, kế đó là cái gọi “phân công lao động”. Chúng ta được dạy dỗ rằng cách mạng nông nghiệp là một bước tiến vĩ đại đưa con người thoát khỏi đời sống mông muội. Nhưng, nhà sử học Yuval Noah Harari, tác giả cuốn sách “Sapiens : Lược sử về loài người”, thẳng thừng nói : Đây là sự lừa dối lớn nhất trong lịch sử.
Con người vốn là giống “ăn tạp”, nghĩa là tạo hóa ban cho nó vô số những thức ăn đa dạng phù hợp với cấu tạo cơ thể của nó. Sự phong phú của thức ăn cũng giúp con người phòng ngừa bệnh tật. Khi chỉ phụ thuộc vào một số giống cây trồng được thuần dưỡng như lúa, lúa mì, ngô cùng một số thịt động vật thuần hóa, cơ thể con người trở nên mất cân bằng, lại phải đi tìm những thứ mà trước đây tổ tiên mình đã từng ăn, nay gọi là thuốc. Càng tách rời thiên nhiên, bệnh tật càng phát triển, lại phải tìm các phương thuốc nhân tạo, các kỹ thuật điều trị, bao nhiêu trí tuệ và công sức đã bỏ ra để giải quyết hậu quả của sai lầm.
Khi sống phụ thuộc vào cây trồng và vật nuôi thuần hóa, lại cần phải định cư, mà định cư kéo theo việc tăng dân số. Phải có đất để làm ra sản vật để dành. Từ đó sinh ra làng xã, hình thành quốc gia. Cũng từ đó mới cướp bóc lẫn nhau. Cướp tài sản và cướp đất đai. Khi hái lượm, không ở chỗ này thì đi chỗ khác, nhưng khi có nông nghiệp thì đất đai chính là sự sống. Kẻ cướp dù hung hãn tới đâu cũng phải chống lại để giữ đất, vì mất đất đồng nghĩa với cái chết. Đó là nguyên nhân của chiến tranh. Những khái niệm về quốc gia, về Tổ quốc, về lòng yêu nước cũng từ đây mà ra cả, chúng không có trong đầu những người hái lượm.
Chớ có nghĩ rằng do có cách mạng nông nghiệp con người mới duy trì được nòi giống. Tổ tiên chúng ta 2,5 triệu năm đi hái lượm vẫn duy trì tốt nòi giống của mình. “Thành tựu” lớn nhất của cách mạng nông nghiệp là gia tăng dân số, sự gia tăng này chẳng có ý nghĩa gì đối với hạnh phúc của mỗi cá nhân.
Những đàn bò, đàn heo gia tăng phủ khắp hành tinh cũng là kết quả của cách mạng nông nghiệp. Hãy đọc đoạn sau đây trong cuốn “Sapiens : Lược sử về loài người”, để biết về thân phận của chúng nó, từ đó nghĩ về sự ác độc của con người và thân phận của mỗi một cá nhân chúng ta :
“Cách đây khoảng 10.000 năm, chỉ có vài triệu con cừu, bò, dê, lợn và gà sống trong những hang hốc hạn hẹp ở Á – Phi. Ngày nay thế giới có khoảng 1 tỷ con cừu, 1 tỷ con lợn, hơn 1 tỷ con gia súc khác và hơn 25 tỷ con gà. Và chúng ở khắp nơi trên địa cầu. Gà thuần hóa là loại thịt phổ biến nhất cho đến tận bây giờ. Sau Homo sapiens, các loài gia súc, lợn và cừu thuần hóa là những loài động vật lớn có vú lan tỏa rộng khắp hơn cả, vào hàng thứ hai, thứ ba và thứ tư trên thế giới. Từ góc nhìn hẹp về tiến hóa, vốn đánh giá sự thành công dựa vào số lượng bản sao ADN, cách mạng nông nghiệp là ân huệ tuyệt vời cho gà, gia súc, lợn và cừu.
Nhưng thật không may, góc nhìn tiến hóa là một đánh giá không hoàn chỉnh về sự thành công. Nó phán xét mọi thứ bằng tiêu chuẩn về sống sót và sinh sản mà không quan tâm đến nỗi đau khổ hay niềm hạnh phúc của mỗi cá thể. Gà và gia súc thuần hóa có thể là một câu chuyện tiến hóa thành công, nhưng chúng cũng ở trong số những sinh vật khốn khổ nhất từng tồn tại. Thuần hóa động vật đã được dựa trên các biện pháp tàn bạo nhất, và ngày càng trở nên độc ác hơn theo các thế kỷ.
Đời sống tự nhiên của gà hoang kéo dài khoảng 7-12 năm, và đối với gia súc là khoảng 20-25 năm. Trong môi trường hoang dã, hầu hết gà và gia súc đều chết sớm hơn nhiều, nhưng chúng lại có cơ hội sống tốt hơn trong một vài năm tươi đẹp. Ngược lại, đại đa số gà và gia súc được thuần hóa đều bị giết thịt khi mới được vài tuần hoặc vài tháng tuổi, vì luôn là độ tuổi giết mổ tối ưu đứng trên quan điểm kinh tế. (Tại sao phải nuôi một con gà đến ba năm nếu như nó đã đạt cân nặng tối đa sau ba tháng ?)
Gà mái đẻ, bò sữa và súc vật kéo xe đôi khi cũng được phép sống nhiều năm. Nhưng cái giá phải trả là sự nô dịch hóa trong một cuộc sống hoàn toàn xa lạ với những nhu cầu và khát vọng của chúng. Ví dụ, có thể giả định hợp lý rằng bò đực thích lang thang trên những đồng cỏ rộng rãi cùng với bò đực và bò cái khác, hơn là kéo những chiếc xe và cái cày dưới gông cùm của một con khỉ nhân hình cầm roi.
Để có thể biến bò đực, ngựa, lừa và lạc đà thành những con vật kéo xe biết nghe lời, phải phá vỡ các bản năng tình dục, tước đi sự tự do di chuyển của chúng. Nông dân phát triển những kỹ thuật như nhốt súc vật trong chuồng, lồng, kìm giữ chúng bằng dây cương hoặc xích, huấn luyện chúng bằng roi da và gậy nhọn, cắt bỏ những bộ phận không cần thiết của chúng. Hầu hết những con đực đều bị thiến trong quá trình thuần hóa. Làm vậy sẽ kiềm chế tính hung hăng của con đực, giúp con người có thể kiểm soát có chọn lọc việc sinh sản của gia súc.
Trong nhiều cộng đồng xã hội New Guinea, theo truyền thống, sự giàu có của một người được đánh giá bằng số lợn mà anh ta hay chị ta sở hữu. Để ngăn lợn không đi mất, những nông dân ở phía bắc New Guinea đã cắt bỏ một mẩu mũi của chúng. Điều này sẽ gây ra đau đớn khủng khiếp mỗi khi con vật cố gắng đánh hơi. Vì lợn không thể tìm thức ăn và thậm chí không thể tìm được đường đi mà không đánh hơi, nên sự cắt bỏ này làm chúng phụ thuộc hoàn toàn vào người chủ của mình. Ở vùng khác thuộc New Guinea, có tục chọc mù mắt lợn để chúng thậm chí không thể nhìn được mình đang đi đâu.
Ngành công nghiệp sản xuất bơ sữa cũng có nhiều chiêu trò riêng để cưỡng ép các loài vật làm theo ý muốn của mình. Bò, dê và cừu chỉ tiết sữa sau khi đẻ, và chỉ khi những con con còn bú. Để tiếp tục vắt sữa động vật, nông dân cần những con con bú mẹ, nhưng lại phải ngăn chúng độc quyền nguồn sữa. Một trong những cách phổ biến trong lịch sử là đơn giản giết thịt những con non ngay sau khi sinh ra, vắt sữa con mẹ triệt để và sau đó lại làm con mẹ tiếp tục mang thai. Đây hiện vẫn là một phương pháp rất phổ biến. Trong nhiều trang trại sữa hiện đại, một con bò sữa thường sống được khoảng 5 năm trước khi bị thịt. Trong suốt 5 năm đó, nó thường mang thai liên tục, và lại được thụ tinh trong vòng 60 đến 120 ngày sau khi sinh con để duy trì việc cho sữa tối đa. Bò con bị tách khỏi mẹ rất sớm sau khi sinh. Con cái được nuôi để trở thành thế hệ bò sữa tiếp theo, trong khi đó con đực được chuyển cho ngành công nghiệp sản xuất và chế biến thịt.
Một phương pháp khác là giữ cho những con con ở gần con mẹ, nhưng dùng nhiều mẹo để đánh lừa chúng, ngăn chúng bú quá nhiều sữa. Cách đơn giản nhất là cho những con dê con hoặc con bê bắt đầu bú mẹ, nhưng khi sữa bắt đầu chảy thì lại mang chúng đi chỗ khác. Cách này thường gặp phải sự kháng cự của cả con mẹ lẫn con con. Một số bộ lạc chăn cừu thường giết những con con, ăn thịt và nhồi da chúng. Những con con đã bị nhồi da sau đó sẽ được đưa đến chỗ con mẹ, và sự có mặt này sẽ kích thích sự tiết sữa của con mẹ. Bộ lạc Nuer ở Sudan thậm chí còn bôi nước tiểu của con mẹ lên những con con đã bị nhồi da, làm cho chúng có mùi quen thuộc và như thật. Một kỹ thuật khác của người Nuer là buộc một vòng cây có gai xung quanh mõm của con bê, khiến nó chọc vào con mẹ và con mẹ không muốn cho con con bú sữa. Người Tuareg chăn nuôi lạc đà ở Sahara thường đâm thủng hoặc cắt đi các phần mũi hoặc môi trên của lạc đà con, khiến chúng đau khi cố bú, do đó ngăn chúng tiêu thụ quá nhiều sữa…” (hết trích)
Đọc xong đoạn trên chúng ta nghĩ gì về điều thiện, nghĩ gì về cái gọi là nhân văn nhân ái ? Bi kịch lớn nhất của chúng ta là không thể quay đầu. Những cá thể nào muốn quay đầu cũng không có chỗ và sẽ bị đám đông tiêu diệt.
________________________________
(Hình : Những bạn ong bé bỏng này sống an lành hạnh phúc trong vườn nhà tôi với cái tổ trĩu mật, tôi không ăn cướp của chúng một giọt mật nào)
Trong hình ảnh có thể có: thực vật, cây, ngoài trời và thiên nhiên

Tìm kiếm Blog này