Tim thông tin blog này:

Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2017

Vì sao TQ thành nền KT lớn thứ hai thế giới, còn VN vẫn lẩn quẩn?

Cả hai nước có những nét tương đồng về lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa.
Cả hai nước bị cho là đảng toàn trị, hạn chế quyền tự do dân chủ con người. 
Cả hai nước mang danh nghĩa chế độ cộng sản, thực chất đã trở thành tư bản đỏ.
Cả hai nước đều chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường mang định hướng XHCN. 
TQ đã phát triển và trên đà cạnh tranh ngôi vị với Mỹ, dự trử đưọc tài nguyên chiến lược, thu phục được đa số nhân tâm.
Còn VN đã khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên lẫn lòng tin của người dân gần như cạn kiết.
Tuy mỗi nước có lợi thế, điểm mạnh yếu khác nhau. Dù TQ đã có nền tảng văn hóa vững chắc, có nền công nghiêp cơ bản và đổi mới kinh tế đi trước khá lâu so với VN.
Nhưng những gì TQ đề xướng cải cách chính trị, kinh tế thì VN đều tham khảo áp dụng, gần như một bản sao.
Tại sao người ta 10 thì mình không được 1?.

TC
_____________________

Trung Quốc - “phiên bản đặc biệt của chủ nghĩa xã hội”
Thứ hai, 11 Tháng 5 2015 13:03
Tất cả những gì đang diễn ra ở Trung Quốc được cả thế giới theo dõi chặt chẽ và cũng không làm ai phải ngạc nhiên. Trong 30 năm từ năm 1979, GDP của Trung Quốc đã tăng 15 lần, sản xuất công nghiệp tăng hơn 20 lần; kim ngạch thương mại tăng hơn 100 lần; hoàn thành công nghiệp hóa và tạo ra một cơ sở vững chắc để giải quyết các nhiệm vụ do Đại hội lần thứ XVII Đảng Cộng sản Trung Quốc (2007) đề ra, biến Trung Quốc từ một “công xưởng của thế giới” thành một “nhà máy của tri thức”.

Trong những năm khủng hoảng, Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng trưởng kinh tế với nhịp độ tuy có giảm, song vẫn dẫn đầu thế giới. Năm 2009, GDP tăng 9,2%; năm 2010 - 10,3%; năm 2011 - 9,2%; năm 2012 - 7,6%; năm 2013 - 7,6% và năm 2014 - 7,4%. GDP năm 2014 đạt 10.500 tỷ USD. Và nếu tính theo sức mua tương đương (PPP), thì người Trung Quốc còn cao hơn một chút so với người Mỹ. Cũng phải nói thêm rằng hiện GDP của Trung Quốc đã lớn gấp 6 lần GDP của Nga, khi ông Đặng Tiểu Bình bắt đầu cải cách, nền kinh tế Trung Quốc chỉ bằng 1/3 kinh tế Nga. Dự trữ vàng và ngoại hối của Trung Quốc trong năm 2014 đạt gần 4000 tỷ USD; kim ngạch thương mại cũng hơn 4000 tỷ USD. Công nghiệp sản xuất ô tô tăng với “tốc độ bão táp”: Năm 1978, trước khi cải cách, Trung Quốc đạt sản lượng 149.000 xe ô tô/năm. Đến năm 2010, 2011, mỗi năm nước này đã có thể xuất xưởng 18 triệu xe, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Năm 2012 sản lượng ô tô tăng lên 19 triệu 300 nghìn xe. Năm 2013 đạt 20 triệu xe và năm 2014 lên đến mức 22 triệu xe.
Một trong những thành tựu đầy ấn tượng không thể không nhắc đến của Trung Quốc chính là sự phát triển của khoa học và công nghệ cao. Hàng triệu người Trung Quốc đã được đào tạo đại học và sau đại học tại các quốc gia phương Tây, chủ yếu là tại Mỹ. (Thậm chí ở Mỹ còn có một câu chuyện đùa rằng: Trường Đại học của Mỹ là nơi đào tạo sinh viên Trung Quốc, và là nơi giảng dạy của giáo sư Nga, những người rời bỏ nước Nga đến Mỹ từ thời Liên Xô trước đây).
Nhiều người trong số họ đã trở thành chuyên gia nổi tiếng thế giới và theo tiếng gọi của Bắc Kinh đã trở về tổ quốc, và họ đã được cất nhắc vào những vị trí lãnh đạo của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, các học viện Kỹ thuật, các trường đại học, cũng như các công ty lớn,... Trong giai đoạn 10 năm, từ năm 2000 đến năm 2010, số lượng các nhà nghiên cứu khoa học đã tăng gấp 2,3 lần, đạt 3,18 triệu người. 16 trường đại học của Trung Quốc đã lọt vào danh sách các trường đại học tốt nhất thế giới do tạp chí Times bình chọn năm 2013, trong đó có cả các trường đại học của Hong Kong, trong khi Nga chỉ có một đại diện là Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên Lomonosov (MGU).
Trong 10 năm qua, tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao của Trung Quốc so với cả thế giới đã tăng từ 6% lên 22%, trong khi đó tỷ trọng của Mỹ giảm từ 21% xuống còn 15%. (Tỷ trọng của Nga, không tính các thiết bị quân sự, "ổn định" ở mức 0,3 - 0,5%). Với sự hợp tác tích cực của phương Tây, Trung Quốc đã thành lập hai "Thung lũng Silicon", đó là Thâm Quyến và Công viên khoa học Trung Quan Thôn ở Bắc Kinh, cũng như nhiều "công viên khoa học" ở hàng loạt thành phố lớn của đất nước. Tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao trong xuất khẩu của Trung Quốc dao động trong khoảng từ 25 - 30%. Các công ty công nghệ cao của Trung Quốc như Lenovo, Huawei, Xiaomi, Coolpad, ZTE đã bắt đầu cạnh tranh thành công trên thị trường thế giới với các tập đoàn nổi tiếng như Apple, Samsung và nhiều công ty khác. Nếu Trung Quốc tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh chóng, có thể không cao như trước, chỉ cần 6 - 7%/ năm, thì trong tương lai không xa, có thể dự đoán các chỉ số GDP, PPP theo GDP của nước này sẽ vượt Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cộng lại.
Phía trước Trung Quốc, tất nhiên, còn rất nhiều vấn đề khó khăn, nhưng đó là một chủ đề riêng. 
Ngoại diên và nội hàm
Con đường phát triển của Trung Quốc là gì? Để trả lời câu hỏi này, trước tiên chúng ta phải làm rõ các yếu tố trong hiện tượng thành công của Trung Quốc. Thứ nhất, đó là chiến lược phát triển đất nước trong khoảng thời gian 50 - 100 năm. Mục tiêu trung gian là xây dựng một xã hội khá giả toàn diện phải đạt được vào năm 2020 theo Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng Cộng sản Trung Quốc (2007). Thứ hai, đó là mô hình cải cách kinh tế-xã hội. Và thứ ba, là chủ đề của cải cách. Trong ba bộ phận cấu thành này, chiến lược phát triển đất nước chiếm vị trí thống soái - đó là xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.
Nó cũng phải giải quyết một “nhiệm vụ tối quan trọng”, nếu không phải là toàn bộ xã hội, thì ít nhất các tầng lớp ưu tú của đất nước cũng phải cảm nhận được – đó là giành lại cho Trung Quốc vị trí vĩ đại trước đây. Nhưng bản thân thuật ngữ “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” có gì khác biệt với ý tưởng của chủ nghĩa cộng sản, thì chưa ai nói tới. Kể từ khi đẩy mạnh các cuộc cải cách, Đảng Cộng sản Trung Quốc thay đổi dần ban lãnh đạo, tạo ra một chất lượng mới, gây ảnh hưởng lớn tới quá trình cải cách.
Nhưng không thể nói về chủ nghĩa xã hội kiểu Trung Quốc khi không nói gì về bản chất của các cuộc cải cách kinh tế và chính trị. Ban đầu, nó đặt ra nhiệm vụ công nghiệp hóa và phát triển công nghệ cao. Bằng cách xây dựng một nền kinh tế mới, chủ yếu thông qua việc phát triển một mạng lưới các đặc khu kinh tế (SEZ), chúng có nhiệm vụ như những chiếc máy hút vốn nước ngoài, thiết bị mới, công nghệ và kinh nghiệm quản lý, điều hành. 
Đối với các tài sản nhà nước, việc cổ phần hóa và tư nhân hóa được hoãn lại sau này. Tuy nhiên, trong những năm đầu cải cách, mục tiêu được nhấn mạnh là phát triển nông nghiệp, thông qua việc chuyển nhượng ruộng đất của công xã cho các hộ gia đình, bởi điều đó sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất lương thực, thực phẩm và lần đầu tiên sau nhiều năm, Trung Quốc đã có thể tự nuôi được dân mình. Trước năm 1993, Trung Quốc đã xuất khẩu nguyên liệu, bao gồm cả dầu lửa.
Các mô hình cải cách do chính người Trung Quốc thiết lập (gọi là “cải cách và mở cửa” – lấy việc mở cửa ra thế giới thay cho công thức cũ tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình) có sự kết hợp khéo léo giữa kế hoạch với thị trường. Kế hoạch, đưa ra hàng năm, mang tính chất định hướng (gợi mở) hơn là mệnh lệnh cứng nhắc. Trong giai đoạn đầu cải cách, chủ yếu nhà nước xây dựng hạ tầng cơ sở, phát triển các SEZ. Đầu tiên, cộng đồng người Hoa ở nước ngoài (Hoa kiều) gửi vốn đầu tư về các SEZ, điều đặc biệt là lòng tận tâm của Hoa kiều đối với quê hương họ thật đáng kinh ngạc! 
Chính sách công nghiệp cũng được suy tính rất sâu sắc. Chẳng hạn, các nhà chức trách Trung Quốc đã hạn chế nghiêm ngặt việc nhập khẩu các loại xe có động cơ và do đó buộc các công ty nước ngoài phải thành lập các công ty con ở Trung Quốc để sản xuất xe hơi với điều kiện nội địa hóa tối đa. Kết quả là, nền kinh tế đã trở nên cạnh tranh và được thế giới công nhận là nền kinh tế thị trường. 
Những biến đổi lớn cũng đã diễn ra trong hệ thống chính trị. Từ khi Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền, phong cách làm việc của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thay đổi mạnh mẽ. Trong đảng thực hiện việc lấy phiếu thăm dò uy tín sơ bộ đối với danh sách ứng cử viên các cơ quan được bầu trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nạn quan liêu ngày càng bớt đi, cởi mở hơn, thông tin được phản hồi, phong cách văn hóa khoa trương và những phát biểu chỉ biết hứa mà không thực hiện… đang dần dần biến mất. Người Trung Quốc có thể tự do ra nước ngoài và quay trở về.
Ở đất nước này cũng đã ngừng tâng bốc các nhà lãnh đạo. Đảng thực sự tham gia nhiều hơn vào nền kinh tế, chứ không phải chỉ nói tới ý thức hệ. Con đường phát triển, thăng tiến của các nhà lãnh đạo đảng gắn trực tiếp với những thành công trong sản xuất; và những năm gần đây cũng gắn liền với các thành quả trong các lĩnh vực xã hội và bảo vệ môi trường.
Các cuộc bầu cử chính quyền cấp dưới được tiến hành trên cơ sở cạnh tranh, với sự tham gia của những người không đảng phái. Hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc (CPPCC), được thành lập từ thời kỳ đầu tiên mới thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bị lãng quên trong những năm tháng Cách mạng Văn hóa Trung Quốc, đang ngày càng tăng cường hoạt động. Tham gia CPPCC bao gồm cả các thành viên không phải là cộng sản, nhưng mọi hoạt động đều dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, CPPCC đại diện trong các cơ quan quản lý nhà nước ở mọi cấp độ khác nhau. 
Đặng Tiểu Bình kiên quyết bảo vệ quan điểm cho rằng hai người đứng đầu Nhà nước – Đảng Cộng sản Trung Quốc (Tổng Bí thư Trung ương Đảng kiêm Chủ tịch Trung Quốc) và Thủ tướng Chính phủ Trung Quốc chỉ được giữ chức vụ đó không quá hai nhiệm kỳ 5 năm (tổng cộng 10 năm). Quy định này được đưa vào Điều lệ Đảng và Hiến pháp và phải được nghiêm chỉnh thực hiện, để có thể loại trừ hoàn toàn sự xuất hiện một nhà độc tài mới và sự khởi đầu một chiến dịch đàn áp mới, đồng thời cũng cho phép thường xuyên đổi mới các nhà lãnh đạo hàng đầu của đất nước.
Đây cũng là một đòn quyết liệt và nghiêm trọng nhất về chống tham nhũng ở các cấp quyền lực cao nhất. Tất cả các nhà lãnh đạo sau khi đã nghỉ hưu không được hưởng quyền miễn trừ và đều phải bị phán quyết giống như tất cả các công dân khác. Cũng phải nói thêm rằng do tội tham nhũng, nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc, bao gồm cả các ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phải ngồi trên ghế bị cáo, lâm vào cảnh lao lý, kể cả bị tử hình. 
Học trò của Bukharin
Vì hầu như tất cả những thay đổi ở Trung Quốc được thực hiện theo các mô hình thay đổi từ từ, loại trừ hoàn toàn các phương pháp sốc, nên khái niệm “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” cũng được thay đổi liên tục. Trong những năm đầu cải cách, những thay đổi ở Trung Quốc có phần nào giống với thực tế NEP của Liên Xô (Chính sách kinh tế mới được thực hiện trong giai đoạn (1921 – 1929). Ngẫu nhiên, Đặng Tiểu Bình năm 1926, theo học tại Liên Xô (trường Đại học Lao động phương Đông) và khẩu hiệu ở Liên Xô khi đó là “Hãy làm cho đất nước giàu hơn!”, hưởng ứng khẩu hiệu của Nikolai Bukharin “Hãy làm giàu!”. 
Đặng Tiểu Bình là một người thực dụng và không mù quáng đi theo các lý thuyết. Ngược lại, ông thực hành và từ đó tổng kết, rút ra kinh nghiệm. Phát biểu tại Đại hội XIII Đảng Cộng sản Trung Quốc (1987), ông nói: “Chủ nghĩa xã hội là gì? Chủ nghĩa Mác là gì? Về điều này trước đây chúng ta đã quan niệm không hoàn toàn rõ ràng. Chủ nghĩa Mác gắn tầm quan trọng nhất vào sự phát triển lực lượng sản xuất... Nhiệm vụ cốt lõi cơ bản nhất trong chủ nghĩa xã hội là sự phát triển của lực lượng sản xuất”. Các tài liệu Đại hội XIII Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết: “Tất cả những gì đáp ứng lợi ích của nhân dân, mà chủ nghĩa xã hội xác lập, đều đã được đem đến cho họ”. Nhiều người vẫn nhớ câu châm ngôn nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình “mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột” (Mao Trạch Đông không bao giờ tha thứ cho Đặng Tiểu Bình về câu nói này. Khi nói về Đặng Tiểu Bình, ông bảo: “Người này đã không bao giờ thừa nhận đấu tranh giai cấp như một khâu quyết định. Đối với ông ta, mèo trắng hay mèo đen, chủ nghĩa Mác hay chủ nghĩa đế quốc, cũng đều như nhau”). 
Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc là “vật chất sống”, nó biến đổi theo đời sống riêng của nó. Một trong những thí dụ sinh động là: Trong những năm 1980, Đặng Tiểu Bình nói rằng không thể cho phép hiện đại hóa theo kiểu tư bản: Vốn nước ngoài “không thể pha loãng những thể chế xã hội chủ nghĩa của chúng ta”. “Chúng ta kiên quyết giữ vững nguyên tắc xã hội chủ nghĩa và không cho phép xảy ra phân cực”.
Ông tuyên bố: “Mục tiêu của chủ nghĩa xã hội không phải để tạo ra sự phân cực, mà là phải làm cho tất cả mọi người sống sung túc, giàu có. Nếu chính sách của chúng ta gây ra sự phân cực, có nghĩa là chúng ta đã thất bại. Nếu ở Trung Quốc xuất hiện giai cấp tư sản mới, có nghĩa là chúng ta đang thực sự quay trở lại con đường sai lầm”. Thế nhưng, giai cấp tư sản và sự phân cực xã hội đã xuất hiện ngay khi Đặng Tiểu Bình còn sống và ông chấp nhận chúng như là điều không thể tránh khỏi. 
Người kế thừa Đặng Tiểu Bình là Giang Trạch Dân, cựu Thị trưởng Bắc Kinh, cũng tích cực ủng hộ các khẩu hiệu của Đặng Tiểu Bình về đẩy mạnh làm giàu. Nhưng ông phải đối mặt với tình trạng khó xử, tương tự như cuộc đấu tranh giữa những người cộng sản Bolshevik (Liên Xô) trong NEP: tiếp tục tiến lên có nghĩa là phải chấp nhận lợi ích xã hội đa giai cấp; quay trở lại có nghĩa là theo đuổi cuộc đấu tranh chống sở hữu cá nhân và phải xã hội hóa toàn bộ.
Nhưng vì người Trung Quốc vẫn rất nhớ chính sách cộng sản hóa của Mao Trạch Đông đã gây ra nạn chết đói hàng loạt và đã bắt đầu gặt hái thành quả cải cách, nên rất ít người muốn trở lại quá khứ. Và vào năm 2001, Giang Trạch Dân nêu lên ý tưởng “Ba đại diện”, theo đó Đảng Cộng sản Trung Quốc cần phải đại diện cho “lực lượng sản xuất tiên tiến, văn hóa tiên tiến” và lợi ích của đông đảo quần chúng.
Điều đó có nghĩa là Đảng Cộng sản Trung Quốc cần phải mở rộng cửa, tiếp nhận vào Đảng tất cả những đại diện ưu tú nhất của nhân dân. Như vậy, Đảng Cộng sản Trung Quốc không những trở thành đảng của giai cấp công nhân, như đã ghi trong điều lệ, mà còn chuyển đổi thành một đảng của toàn dân. Trên thực tế hiện nay, nhiều người giàu có, bao gồm các triệu phú và tỷ phú, đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc. 
Nhà báo và là nhà văn Richard McGregor (người Australia hiện đang sống ở Mỹ), người đã nhiều năm đứng đầu văn phòng Thời báo Tài chính Anh (Financial Times) ở Bắc Kinh, người rất hiểu về Trung Quốc, đã bày tỏ quan điểm cho rằng “thành phần Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thay đổi cùng với những biến đổi xã hội trong thập kỷ qua. Các nhà lãnh đạo đã thoát khỏi gốc rễ giai cấp vô sản một cách có hệ thống, để đổi lấy một liên minh với các tầng lớp giàu có và thành công hơn, được sinh ra từ nền kinh tế thị trường”. 
Đảng, đã có thời chủ yếu là các đảng viên công nhân và sau đó là nông dân, bây giờ thì chủ yếu lựa chọn các sinh viên tài năng và doanh nhân giàu có. Họ đại diện cho các nguồn phát triển nhanh nhất trong số các đảng viên mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vì vậy, trong giai đoạn 2002-2007 số lượng đảng viên cộng sản có nguồn gốc xuất thân này đã tăng 255% và 113% tương ứng. Nhiều người trong số họ sẵn sàng tham gia hàng ngũ đảng, để đổi lại sẽ nhanh chóng tiếp cận, leo lên các bậc thang danh vọng, nghề nghiệp. 
Người kế nhiệm ông Giang Trạch Dân, nắm cương vị Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc là Hồ Cẩm Đào đã gọi chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc là một thành tựu quan trọng trong quá trình “Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác”. Ông cho rằng “đây là một hệ thống lý luận khoa học, bao gồm học thuyết của Đặng Tiểu Bình, các ý tưởng quan trọng ‘Ba đại diện’ và quan điểm phát triển khoa học những ý tưởng và chiến lược khác có ý nghĩa to lớn”. Nhưng sự phân tầng xã hội trong những năm cải cách đã đi quá xa tới mức Hồ Cẩm Đào phải thay đổi khẩu hiệu “Hãy để đất nước có nhiều người giàu có hơn!” bằng khẩu hiệu: “Hãy để đất nước có ít người nghèo hơn!”.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới
Nhiều tác giả theo lối cũ vẫn gọi Trung Quốc là quốc gia cộng sản. Mặc dầu, trên thực tế, theo đánh giá của Viện nghiên cứu Hồ Nhuận ở Thượng Hải, Trung Quốc hiện có 317 tỷ phú và hiện đứng thứ hai thế giới sau Mỹ về chỉ số này. Đảng Cộng sản Trung Quốc theo thành phần xã hội chủ yếu là các tầng lớp sống sung túc và những người giàu có, ít giống với các Đảng Cộng sản khác. Chính vì thế đang diễn ra nhiều cuộc tranh luận về chủ đề Trung Quốc đang xây dựng cái gì và rồi sẽ đi tới đâu. Những người cộng sản Liên bang Nga vẫn nhìn nhận Trung Quốc như một nước xã hội chủ nghĩa và Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn là một Đảng Cộng sản. Nhiều nhà phân tích cánh hữu cũng tin rằng Trung Quốc vẫn là một quốc gia cộng sản, nhưng mô hình kinh tế Trung Quốc có quá nhiều vốn, sẽ gặp nhiều khó khăn và bế tắc.
Phương Tây từ lâu đã đặt câu hỏi về bản chất cộng sản của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nhưng quan điểm của các nhà phân tích phương Tây về thực tại Trung Quốc cũng rất khác nhau. Richard McGregor trong bài viết dưới tựa đề “5 huyền thoại về Đảng Cộng sản Trung Quốc”, được xuất bản trên tạp chí Chính sách đối ngoại của Mỹ trong tháng 1-2/2011, đã đưa ra một phụ đề: “Trung Quốc - một quốc gia cộng sản chỉ trên danh nghĩa”.
Bài viết này đưa ra một diễn đàn đã làm dấy lên cuộc tranh luận nảy lửa, tham gia trong đó là những người có trình độ kiến thức khác nhau và thái độ khác nhau đối với Trung Quốc. Ví dụ, một thành viên diễn đàn dưới cái tên The Magus nhấn mạnh: “Cộng sản là dựa trên nền kinh tế - một nền kinh tế tập thể, kế hoạch tập trung. Tất cả các phần còn lại chỉ thuộc loại thứ yếu. Nếu không có chính sách kinh tế cộng sản thì không có chủ nghĩa cộng sản. Bởi vậy, trên thực tế Trung Quốc được gọi là quốc gia cộng sản chỉ trên danh nghĩa”. Nhiều người đồng ý với ý kiến này. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại nhấn mạnh vào một thực tế cho thấy Trung Quốc vẫn là một quốc gia cộng sản: không có hệ thống đa đảng, không phân chia quyền lực, không tôn trọng tự do báo chí, nhân quyền... Khi nói về tương lai của Đảng Cộng sản (và đương nhiên, về Chính phủ Trung Quốc), thì phần lớn đều ủng hộ quan điểm cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc là một “đảng-nhà nước” sớm hay muộn cũng sẽ rời khỏi chính trường.
Trong trường hợp tiếp tục phát triển nhanh chóng, tại Trung Quốc sẽ xuất hiện hàng chục triệu người có học thức cao, giai cấp trung lưu trở nên đông đảo, cộng đồng doanh nghiệp có ảnh hưởng, mức sống của người dân sẽ được nâng cao, ý thức quần chúng sẽ biến đổi. Và khi đó Đảng Cộng sản, hoặc là biến thành một đảng dân chủ, hoặc sẽ bị chia rẽ, giống như nhiều trường hợp ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây. Khi đó, phe phái nào hướng tới con đường tập trung phát triển dân chủ sẽ giành chiến thắng.
Một khả năng khác là tốc độ tăng trưởng giảm, tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói tăng mạnh. Đó là những yếu tố dẫn đến sự không hài lòng đối với đảng cầm quyền và xuất hiện phe đối lập, được hình thành trong cuộc tranh giành quyền lực giữa các cộng đồng người Trung Quốc, cũng như giữa các thành viên của Đảng Cộng sản. Điều đó buộc đảng cầm quyền phải rời khỏi chính trường. Trong trường hợp đó, cả đảng cầm quyền cũng như chế độ nhà nước Trung Hoa sẽ trở lại như trong quá khứ. Tuy nhiên, một số người vẫn khẳng định Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể tiếp tục nắm chính quyền, với điều kiện chế độ này biến thành một chế độ sô-vanh, gây hấn.
Có thể thấy rõ, đã xuất hiện những cơ hội rất lớn để xây dựng ở Trung Quốc một kiểu xã hội xã hội-dân chủ phiên bản đặc biệt. Thực tế là hiện nay khu vực tư nhân đã chiếm ưu thế trong nền kinh tế Trung Quốc và nó không gây trở ngại cho quá trình xây dựng này. Hiện nay, trong tất cả các nước xã hội-dân chủ, nền kinh tế đều là kinh tế tư bản chủ nghĩa, nhưng sự khác biệt với các nước được gọi một cách ước lệ "tư bản chủ nghĩa", là ở chỗ phương pháp phân chia công bằng hơn các tài sản quốc gia, khoảng cách rất hẹp giữa người giàu và người nghèo, mức độ rất cao tình đoàn kết dân tộc và tính nhân văn trong các mối quan hệ xã hội.
Điều quan trọng không phải là Trung Quốc sẽ được gọi là một nước tư bản, một nước xã hội chủ nghĩa, hay một cái tên gì khác nữa; và đối với đảng cầm quyền của nó cũng vậy. Chẳng hạn, ở nước Nga, không phải chỉ có một tờ báo cánh tả “Moskovsky Komsomolets” được gọi cái tên như vậy, nhưng cái tên này không hề ngăn cản bản chất tờ báo này là như thế nào. Theo các nhà phân tích nghiêm túc, trong một tương lai gần Trung Quốc sẽ không biến đổi thành một nền dân chủ tự do. Nhưng ở một mức độ phát triển cao hơn nữa, Trung Quốc chắc chắn sẽ xây dựng một xã hội dân chủ. Chỉ có điều đây cũng sẽ là một xã hội dân chủ “đặc sắc Trung Quốc”./.
Bài của Alexey Vasilyevich Kiva, Tiến sĩ Khoa học Lịch sử, Chính trị học đăng trên Báo Độc lập (Nga) ra ngày 22/4/2015
Thùy Anh (gt)
Nguồn: Nghiencuubiendong



Việt Nam và Trung Quốc trong nền kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trần Văn Thọ
GS Đại học Waseda, Nhật Bản
Trung Quốc và Việt Nam: Giống và khác nhau như thế nào?
Trong khoảng 30 năm qua, nhất là từ thập niên 1990, kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh mẽ. Từ năm 1980 đến 2008 bình quân mỗi năm tăng 10%, sau đó giảm nhưng vẫn giữ mức 7%. Trung Quốc đã trở thành công xưởng thế giới và từ năm 2010 là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.
Việt Nam từ khi đổi mới đến năm 2007 bình quân mỗi năm chỉ phát triển độ 7% và từ 2008 đến nay giảm còn trên dưới 6%. Khoảng cách phát triển giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng nới rộng (Hình 1 và Hình 2). Vào năm 1984, GDP đầu người của Trung Quốc chỉ hơn Việt Nam độ 30%, nhưng năm 2013 khoảng cách đó tăng lên tới 3,5 lần. Ngoài ra, nhập siêu của Việt Nam trong mậu dịch với Trung Quốc lớn ở mức dị thường, công nghiệp Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.

Nguồn : tham khảo từ World Bank, World Developmnet Indicators

Nguồn : tham khảo từ World Bank, World Developmnet Indicators
Gần đây nhiều người bắt đầu đặt câu hỏi: Tại sao thành quả phát triển của Trung Quốc hơn hẵn Việt Nam, mặc dù cùng một thể chế chính trị, cùng một mục tiêu cơ bản về phát triển xã hội. Năm 1991, Việt Nam đưa ra mục tiêu xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, còn Trung Quốc vào năm 1992 cũng phát biểu phương châm cơ bản là xây dựng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa hoặc xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc.
Việc so sánh trình độ phát triển của hai nước không đơn giản vì cần khảo sát nhiều yếu tố cả chất và lượng. Nhưng GDP đầu người là chỉ tiêu tổng hợp nhất có thể tạm dùng để so sánh vì sự khác nhau giữa các nước về chỉ tiêu này cũng phản ảnh trình độ khác nhau về sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, về cơ cấu hàng công nghiệp xuất khẩu, v.v. Dĩ nhiên nếu chất lượng phát triển (hiệu suất đầu tư, ảnh hưởng môi trường, tình trạng phân phối thu nhập) rất khác nhau thì tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn chưa hẵn đáng được đánh giá cao. Nhưng giữa Trung Quốc và Việt Nam, chất lượng phát triển có thể nói không chênh lệch nhiều.
Có thể có người giải thích sự chênh lệch phát triển do có khác biệt về điều kiện ban đầu. Chẳng hạn, thứ nhất, Trung Quốc bắt đầu cải cách mở cửa trước Việt Nam 8 năm. Nhưng yếu tố này không mạnh. Ngược lại lý luận về lợi ích của nước đi sau hoặc lý luận về sự hội tụ (convergence) cho thấy những nước đi sau dễ phát triển với tốc độ cao hơn nước đi trước. Thứ hai, quy mô thị trường có thể giúp công nghiệp Trung Quốc sản xuất có hiệu suất và nhanh chóng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Yếu tố này có tác dụng đối với những ngành công nghiệp khởi đầu bằng thay thế nhập khẩu, sản xuất cho thị trường trong nước. Nhưng đối với công nghiệp hướng vào xuất khẩu (khuynh hướng phát triển chủ đạo tại châu Á từ cuối thập niên 1980), quy mô thị trường trong nước không quan trọng. Tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc có điều kiện địa lý giống Việt Nam, đã phát triển mạnh mẽ từ giữa thập niên 1990 nhờ sử dụng hiệu quả tư bản và công nghệ nước ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hóa hướng vào thị trường thế giới.
Yếu tố nào giải thích chênh lệch thành quả phát triển?
Ngoài ra còn một số yếu tố khác về điều kiện ban đầu nhưng theo tôi những yếu tố sau đây quan trọng hơn, có tính cách quyết định hơn.
Thứ nhất, chủ nghĩa phát triển (developmentalism) hay ý thức hệ?
Chủ nghĩa phát triển nguyên nghĩa là sự can thiệp mạnh mẽ của nhà nước vào thể chế thị trường để động viên các nguồn lực vào mục tiêu đẩy mạnh phát triển và với thành quả đó khẳng định sự chính thống của người đang lãnh đạo đất nước. Áp dụng khái niệm này vào trường hợp một nước theo thể chế xã hội chủ nghĩa chuyển sang kinh tế thị trường, đó là sự mạnh dạn tạo điều kiện cho kinh tế thị trường phát triển, vai trò của nhà nước chỉ nhằm giải quyết những vấn đề mà kinh tế học gọi là sự thất bại của thị trường (giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn và các nguồn lực khác, đầu tư trong các lãnh vực cung cấp dịch vụ công cộng, bảo vệ môi trường, v.v..). Điểm mấu chốt của chủ nghĩa phát triển ứng dụng cho trường hợp này là không để ý thức hệ (chủ nghiã xã hội) níu kéo khả năng phát triển.
Có thể nói lãnh đạo của Trung Quốc đã dứt khoát theo chủ nghĩa phát triển. Tuy đề ra chủ trương xây dựng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa nhưng trên thực tế hầu như họ gác lại một bên lý tưởng đó mà tập trung phát triển lực lượng sản xuất. Cụ thể là cho kinh tế tư nhân tự do phát triển và tạo điều kiện thuận lợi cho nước ngoài đến đầu tư trục tiếp (FDI). Trong thập niên 1980, phe bảo thủ còn mạnh nhưng phe cải cách đã theo phương châm “Thực tiễn là thước đo chân lý” lấy thành quả cải cách bước đầu thuyết phục được những người bảo thủ và tiếp tục cải cách. Khi thấy khu vực phi quốc doanh phát triển mạnh, và thành hình một giới lãnh đạo doanh nghiệp mới, thay vì kiềm hãm họ để bảo vệ lý tưởng vì giai cấp công nông, Trung Quốc đã đưa ra thuyết Ba đại diện (năm 2002) để tu chỉnh lý tưởng, mục tiêu của Đảng cộng sản.
Khác với Trung Quốc, Việt Nam không theo chủ nghĩa phát triển mà thường để ý thức hệ chính trị chi phối quá trình cải cách. Điển hình là tranh luận trong giới lãnh đạo vào giữa thập niên 1990 về 4 nguy cơ mà Việt Nam đang trực diện, trong đó những lãnh đạo theo hướng cải cách chủ trương “nguy cơ tụt hậu” là quan trọng nhất cần khắc phục để đẩy mạnh phát triển, trong khi giới bảo thủ thì cho “chệch hướng chủ nghĩa xã hội” là nguy cơ lớn nhất. Tiếc là phía cải cách không đủ mạnh nên ảnh hưởng của tư tưởng bảo thủ kéo dài nhiều năm, bỏ mất nhiều thời cơ phát triển. Chẳng hạn chính sách đổi mới quyết định năm 1986 chủ trương đa dạng hóa chế độ sở hữu tư liệu sản xuất nhưng đến năm 1990 mới có Luật doanh nghiệp trong đó thừa nhận sự tồn tại của doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên đó chỉ mới thừa nhận, phải đợi đến năm 1999 mới có Luật doanh nghiệp mới, cho phép doanh nghiệp tư nhân đầu tư trong mọi lãnh vực mà luật không cấm. Sau đó, do phương châm quốc doanh chủ đạo, hoạt động của doanh nghiệp tư nhân cho đến hiện nay vẫn gặp khó khăn như ta đã biết.
Thứ hai là vai trò của chính quyền địa phương. Tại Trung Quốc, chính quyền địa phương cũng có tinh thần của “chủ nghĩa phát triển”. Các địa phương cạnh tranh nhau trong quá trình phát triển. Đặc biệt doanh nghiệp hương trấn (township village entreprises, TVEs) phát triển mạnh mẽ ở nông thôn các tỉnh ven biển là nhờ chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi về thông tin, về vốn, nhất là về thủ tục hành chánh. Hình thái của TVEs là sở hữu tập thể nhưng chính quyền địa phương cho hoạt động như doanh nghiệp tư nhân. Địa phương phát triển là điều kiện để lãnh đạo được đề bạt lên các chức vụ ở trung ương.
Về phía Việt Nam, sau giai đoạn sản xuất nông nghiệp khởi sắc nhờ Khoán 10 (1988), chưa thấy có sự chuyển dịch đáng kể ở nông thôn. Không thấy có điển hình phát triển nào được chú ý, ngoài vài tỉnh lân cận Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Ngược lại nhiều hiện tượng cho thấy lợi thế của nông nghiệp Việt Nam không được phát huy. Chẳng hạn, vài năm trước tôi thấy trái cây các loại đến từ Thái Lan và Phi-li-pin được đóng gói rất đẹp mắt bày bán ở các của hàng ở sân bay Nam Ninh của tỉnh Quảng Tây nhưng không thấy bóng dáng của hàng Việt Nam. Các nước ASEAN đã tận dụng các ưu đãi về thuế trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc ASEAN, trong khi không hiểu chính quyền địa phương ở Việt Nam sao không nỗ lực tổ chức và tạo điều kiện để hàng nông nghiệp xuất khẩu được. Cũng vài năm trước, thăm một công ty có vốn nước ngoài chuyên sản xuất thực phẩm đóng hộp xuất khẩu tại một khu công nghiệp ở Bình Dương tôi ngạc nhiên biết được họ phải nhập khẩu cà chua dùng làm nguyên liệu ở nhà máy chứ không mua của Việt Nam “vì hàng Việt Nam không bảo đảm phẩm chất và thời hạn giao hàng”.
Yếu tố thể chế quan trọng nhất có lẽ là ở Việt Nam, địa phương phát triển hay không không phải là điều kiện để lãnh đạo thăng tiến. Khoảng 10 năm gần đây Đảng Cộng sản Việt Nam có chính sách luân chuyển cán bộ. Nhiều cán bộ nguồn được gửi về địa phương để thêm kinh nghiệm thực tế và sau đó được gọi về trung ương giữ các chức vụ tương đương bộ trưởng hay thứ trưởng mà không xem xét người đó đã có thành tích như thế nào ở địa phương mình phụ trách.
Thứ ba là năng lực triển khai chiến lược phát triển. Sau khi có chiến lược, phương châm phát triển, khả năng bắt tay ngay vào việc triển khai cụ thể được hay không dĩ nhiên ảnh hưởng đến thành quả phát triển. Về mặt này thái độ của Trung Quốc rất ấn tượng. Ngay từ khi quyết định cải cách, mở cửa, Trung Quốc đã nhận thức sức mạnh của công nghệ, của tri thức và có chiến lược tận dụng nguồn lực của Nhật và Mỹ, hai nước được họ xem là mạnh nhất thế giới lúc đó. Họ cũng chọn Quảng Đông và Phúc Kiến để lập đặc khu kinh tế nhắm vào sức mạnh và tâm lý hoài hương của Hoa kiều mà đa số xuất thân từ hai tỉnh này. Thực tiễn cho thấy chiến lược nầy rất đúng đắn. Trong thập niên 1980, trong khi hành lang pháp lý chưa được hoàn thiện, doanh nghiệp Âu Mỹ và Nhật Bản còn e ngại, sợ rủi ro, chưa đầu tư bao nhiêu thì Hoa kiều đã tích cực đổ vốn và đưa công nghệ vào 4 đặc khu kính tế. Sang thập niên 1990, làn sóng FDI từ Đài Loan, Nhật Bản và các nước Âu Mỹ bắt đầu tích cực chảy đến Trung Quốc.
Khảo sát chiến lược và quy trình tranh thủ công nghệ Nhật Bản của Trung Quốc ta thấy: sau khi lãnh đạo trực tiếp tiếp thị thành công đối với các công ty đa quốc gia của Nhật, bộ máy chuyển động ngay để cụ thể hóa việc tiếp nhận công nghệ, và nhà máy xây dựng, sản xuất bắt đầu nhanh chóng. Giữa các giai đoạn này là việc cử người sang Nhật học tập, chọn địa điểm và giải tỏa đền bù. Bằng phương thức này, trong thập niên 1980 Trung Quốc đã tranh thủ Nhật để xây các nhà máy thép hiện đại, các cơ sở hóa dầu, cơ sở sản xuất máy cày, máy chế ngự kỹ thuật số, v.v..và các công ty xe hơi của Nhật đã sang đầu tư quy mô lớn. Từ thập niên 1990, Nhật ồ ạt sang đầu tư, hình thành nhiều cụm công nghiệp ở Quảng Đông, Vô Tích, Đại Liên.
Việt Nam thì sao? Từ thập niên 1990 đến giữa thập niên 2000, chính sách FDI nói chung là nhằm hạn chế hoạt động của doanh nghiệp có vốn nước ngoài và luôn thay đổi nên đã đánh mất nhiều cơ hội đẩy mạnh công nghiệp hóa. Từ khi gia nhập WTO (đầu năm 2007) thì ngược lại, cho FDI vào tự do ở mọi ngành, kể cả những ngành doanh nghiệp trong nước có thể đầu tư, và kể cả những ngành lẽ ra cần dành cho doanh nghiệp bản xứ trong tương lai. Hậu quả của giai đoạn thứ hai là FDI vào ồ ạt vào đầu tư trong hki doanh nghiệp trong nước, kể cả quốc doanh còn yếu, đã tạo ra nguy cơ phân hóa nền kinh tế theo hai khu vực ít liên kết với nhau là FDI và doanh nghiệp bản xứ.
Năm 1996, Đảng Cộng sản đưa ra mục tiêu cho đến năm 2020 sẽ xây dựng Việt Nam thành nước công nghiệp hiện đại. Tuy nhiên không có chiến lược, biện pháp thực hiện cụ thể để đạt mục tiêu đó. Phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được các chuyên gia, kể cả người viết bài này, đề nghị từ cuối thập niên 1990 nhưng mới chỉ được quan tâm trong vài năm nay. Hiện nay không có ai tin được là mục tiêu công nghiệp hóa sẽ đạt được trong năm 2020.
Thứ tư là chất lượng bộ máy nhà nước. Về phí tổn kinh doanh, tình trạng tham những, hiệu suất của bộ máy hành chánh, và các chỉ tiêu khác liên quan chất lượng thể chế, Trung Quốc từ trước không trầm trọng bằng Việt Nam và sau đó còn cải thiện nhanh hơn Việt Nam. Hiện nay hầu như tất cả các chỉ tiêu này cho thấy Trung Quốc hơn hẵn Việt Nam. Chẳng hạn theo Doing Business 2014, số loại thuế mà doanh nghiệp phải nộp tại Trung Quốc giảm từ 35 loại năm 2005 xuống còn 7 loại vào năm 2012. Trong thời gian đó, Việt Nam không giảm và vẫn ở mức cao là 32 loại. Trong cùng thời gian, phí để bắt đầu dự án (tính theo phần trăm trên thu nhập đầu người) tại Trung Quốc giảm từ 13,6% xuống 2,1% trong khi tại Việt Nam giảm từ độ cao 27,6% xuống 8,7%, vẫn còn cao gấp 4 lần Trung Quốc (Biểu 1). Nhiều chỉ tiêu khác cũng cho thấy tình hình tương tự.

Vài lời kết: Như vậy, khoảng cách phát triển ngày càng mở rộng giữa Trung Quốc và Việt Nam trong khoảng 30 năm qua có thể được giải thích bằng sự khác nhau trong tư duy về tương lai đất nước (dứt khoát theo chủ nghĩa phát triển hay bị chi phối bởi ý thức hệ xã hội chủ nghĩa), khác nhau về năng lực biến phương châm thành chiến lược cụ thể và khả năng thực hiện để đạt mục tiêu, và bằng sự khác nhau về chất lượng thể chế liên quan phí tổn hành chánh mà doanh nghiệp phải phụ đảm.
Để theo kịp Trung Quốc, tư duy, ý thức của lãnh đạo Việt Nam phải thay đổi và cố làm sao cho chất lượng thể chế phải bằng hoặc hơn Trung Quốc./.
Trần Văn Thọ
* Bài đã đăng trên báo Tết Ất Mùi của Thời báo kinh tế Saigon nhưng với tiêu đề khác (Đi tìm tư duy phát triển)
Nguồn: Erct
_____________
Tít bài blog: TC

Tìm kiếm Blog này