Tim thông tin blog này:

Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2017

Tản mạn về trang bị mũ, giáp của Đại Việt và các nước Á Đông


Phỏng dựng binh lính thời Trần. Tác giả: Ấm chè.
Bài và ảnh của Phan Thanh Nam
Trái với suy nghĩ phổ biến hiện nay, chủ yếu ảnh hưởng bởi hình ảnh trang bị của quân lính nhà Nguyễn thời Pháp thuộc mà cho rằng quân đội Đại Việt xưa nghèo nàn vũ khí yếu kém hoặc thậm chí không có áo giáp phòng thân. Nhưng nếu đào sâu vào những sử liệu và hiện vật còn lại ngày nay, lại cho một góc nhìn hoàn toàn khác trái với quan niệm “cởi trần, đóng khố” một thời. Các nhà khảo cổ đã sớm phát hiện ra các mảnh giáp kim loại có niên đại từ rất sớm xuyên suốt từ thời Đông Sơn kéo dài đến tận thời hậu Lê. Chứng tỏ người Việt cổ đã sớm phát triển công nghệ chiến tranh và cũng coi trọng việc chế tạo áo giáp bảo hộ giống như các nước khác trên thế giới.

Mảnh giáp đồng thế kỉ thứ 1 – 3 và một ống giáp hộ thủ thời Đông Sơn.
Khi khai quật hoàng thành Thăng Long, người ta cũng phát hiện ra nón, mảnh giáp kim loại, cùng các mẫu gạch ngói, tượng đá vẽ rõ những hình người mặc giáp. Số lượng hiện vật ngày càng phong phú đã góp phần cho ta những hình dung rõ ràng hơn về trang bị đương thời.
Tượng giáp thời Lý Trần.
Theo ghi chép của Tống sử – Q.488 – Liệt truyện – Đệ 247 – Ngoại quốc tứ – Giao Chỉ Đại Lý thì “trận chiến giữa Tống và Đại Cồ Việt diễn ra vào mùa xuân năm 981, quân Tống đã chiến thắng và thu được hai trăm chiến thuyền cùng một vạn bộ giáp Trụ của Đại Cồ Việt“. (Một con số khá khủng khiếp @_@) Ngoài việc tự chế tạo áo giáp, nước ta còn có du nhập những mẫu áo giáp của phương Bắc. An Nam chí lược chép năm 1009 và năm 1014, vua Lê Long Đĩnh và vua Lý Thái Tổ đã gửi thư xin các bộ giáp Trụ vàng của nhà Tống, và được vua Tống chấp thuận.Nhưng từ khi hỏa khí ra đời và có những phát triển đột phá thì áo giáp nặng bằng kim loại đánh mất dần vị thế của nó vì không còn có thể bảo vệ tốt người lính như trước và do số lượng quân đội tham chiến thường xuyên duy trì ở cấp số vạn khiến nỗ lực duy trì sử dụng áo giáp sắt ngày càng trở nên tốn kém và bất khả thi. Nhà Hồ đã tiên phong trong việc ưu tiên tận thu nguồn kim loại trong nước để đúc súng ống, trong đó có biện pháp đưa tiền giấy vào lưu thông thay thế tiền bằng kim loại, mặc dù vậy hành động này vẫn không giúp ông ta có đủ súng ống để chống lại quân Minh và còn khiến khủng hoảng kinh tế trong nước thêm trầm trọng.
điêu khắc quân lính thời Lê, đội nón giáp.
Sau khi Lê lợi đánh đuổi quân Minh thành lập triều Lê, ông ta cũng rất coi trọng các loại súng ống thu được từ quân Minh đến mức bất chấp sự đe dọa mà quyết tâm không trả lại cho nhà Minh bất cứ khẩu súng nào. Mặc dù vậy việc chế áo giáp bảo vệ sinh mạng binh lính không bị xao nhãng, Lê triều hội điển ghi chép “trấn thủ các xứ và các chợ trong kinh đều phải nộp 100 tấm da trâu để may quân phục”. Áo giáp làm bằng da trâu, cũng là một loại áo giáp lâu đời và phổ biến trên thế giới. Ở một số bộ tộc phương bắc người ta thấy những bộ giáp làm bằng da tê giác, cũng rất cứng cáp không thua gì giáp sắt, lại nhẹ hơn.
giáp da tê giác, Lưỡng Quảng.
Đến thời chúa Trịnh có thấy sự quay trở lại của giáp sắt (hoặc lúc này mới nhắc) với việc thành lập các đội Thiết Kị xung trận chống lại nhà Mạc. Khi tiến đánh Thăng Long,tiết chếTrịnh Tùng bàn rằng: Nên nhân cái uy thếsấm sét không kịp bịt tai này mà đánh lấy thì dễ như nhặt hạt cải. Bèn tiến quân, sai Nguyễn Hữu Liêu đem 5000 quân tinh nhuệvà voi khoẻcùng ngựa bọc sắt, đến giờ Dần, thẳng tiến đến đóng ở cầu Cao tại góc tây bắc thành Thăng Long, phóng lửa hiệu, bắn liền bảy phát, thiêu đốt nhà cửa, khói lửa khắp trời. (Đại Việt Sử Ký toàn thư)
Phỏng dựng thiết kị thời Hậu Lê. Tác giả: Ấm Chè.
Ngoài áo giáp da và kim loại thì có rất nhiều loại giáp khác, bằng nhiều chất liệu tự nhiên dễ chế tạo hơn trong lịch sử nước ta. Càng về sau việc chế tạo áo giáp ngày càng đơn giản hóa hơn, nhẹ hơn tận dụng từ những vật liệu tự nhiên dễ kiếm hơn nhưng sức chống chịu cũng không kém giáp bằng kim loại hoặc da lại phù hợp hơn với điều kiện tự nhiên sẵn có. Một dữ liệu hiếm hoi về cách làm áo giáp được viết trong Hổ trướng khu cơ của Đào Duy Từ rằng: “Phép làm giáp trụ đối với thủy chiến rất cần. Nên dùng lụa nhỏ lót trong, vỏ bầu làm giáp ở ngoài kết như vảy cá, trước dùng nước phèn mà tẩm phơi khô để dùng; hoặc dùng lông ngan lông ngỗng kết dày làm áo giáp, để nổi trên nước mà đi, cưỡi sóng rẽ gió, nước không thể nào chìm đắm được”.
Áo giáp mây đan, bọc vỏ dừa của quần đảo Mã Lai.

Những loại giáp từ mây, tre, gỗ có ưu điểm dễ trang bị, dễ sửa chữa hơn, khi mà nhu cầu chiến tranh ngày càng cấp thiết hơn, binh lính quá đông đảo khiến cho việc chờ đợi áo giáp cấp phát từ triều đình là chậm trễ. Mặc dù vậy một số hiện vật cho thấy, chúng cũng được tô vẽ cầu kì, tức là đã trở thành trang bị chính quy hóa.
ống giáp bảo vệ tay, bằng gỗ, sơn mài, thời Lê.
Trong hoàn cảnh chiến tranh còn thấy một sốloại trang phục sinh hoạt nông nghiệp biến thành áo giáp mà ít ai nghĩ có thể ngờ tới. Ví dụ như những chiếc áo rơm, mây đan che mưa. Người ta sớm phát hiện ra rằng rơm bện, mây đan có khả năng cản trở tên đạn, dẻo dai và có sức đàn hồi để chống lại những nhát gươm chém.
Ít ai nghĩ rằng những chiếc áo mưa làm từ rơm, mây thường dân này.
lại từng được các Samurai tin dùng, không chỉ che mưa chúng chống tên đạn khá tốt.
Người ta còn nhận ra rằng những búi lông vũ cũng có tác dụng tương tự như rơm, vì vậy những chiến binh có điều kiện hơn đã gắn thêm các búi lông lên áo giáp của họ. Điều đó lí giải vì sao một số loại áo giáp lại có gắn khá nhiều lông và dây nhợ, chúng không hẳn chỉ để khoe mẽ.
Một samurai thích làm màu? Không, thực tế những lớp lông vũ có khả năng chịu lực và độ cản tốt.
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến những chiếc áo choàng, chúng ta thường thấy trên phim ảnh các kị sĩ cưỡi ngựa với áo choàng bay phấp phới sau lưng. Khó tưởng đúng không, nhưng đó cũng là một loại giáp nữa của người chiến binh. Bằng thực nghiệm khoa học, người ta đã chứng minh rằng, khi phi ngựa tốc độ cao, chiếc áo choàng căng phồng sức gió tạo thành một lớp đệm khí ngăn cản mũi tên bắn xuyên qua từ phía sau lưng.
Khi áo choàng căng sức gió, nó có thể đánh bật mũi tên bay tới từ phía sau.
Vậy là các cụ đã phát hiện ra thêm một công dụng của áo choàng mà không cần học vật lý. Tượng thời Lê.
Tiếp tục quay lại với các loại áo giáp phổ biến, chúng ta vẫn thường thấy trong tranh tượng thời Lê có nhiều người đội nón giáp nhưng dường như họ không mặc giáp. Không hẳn vậy, chúng ta hãy cùng xem xét.
Một võ quan thời Hậu Lê.
Như trong cuốn Xứ Đàng Trong, lịch sử kinh tế – xã hội Việt Nam thế kỷ 17-18 chép là y phục của binh lính ở Đàng Trong “Thật là đẹp”, trong chiến tranh cũng như thường ngày: mỗi đạo quân có trang trí riêng của mình, satin đỏ, đỏ thắm và vàng. Trong sách Đại Nam thực lục (đệ nhị kỷ, tập bốn, mã số : 7X387M4) có chép rằng: “ Sai biền binh Thủy quân đáp 3 chiếc thuyền Điện Hải chở đồ dùng đánh thành do vua chế ra (thang phi thê hạng lớn và hạng nhỏ, áo giáp bằng tổ kén rỗng, ống phun lửa, súng bài tiêu, giày da) đến quân thứ Gia Định giao cho các Tướng quân, Tham tán xếp đặt đúng phép, đợi Chỉ để dùng.” Qua hai thông tin trên ta nhận ra rằng, loại giáp phổ biến thời hậu kì này chính là đệm giáp, phía bên ngoài là lớp vải thông thường, và bên trong là một lớp độn bằng tổ kén rỗng. Loại giáp này tương tự với đệm giáp của châu âu, chỉ khác là đệm giáp của châu âu sử dụng sợi gai và lông cừu ở bên trong. Nhưng những chất liệu này đều có độ đàn hồi và che chắn tốt, khi may chặt thành nhiều lớp chúng cũng có thể chống tên đạn. Bằng thực nghiệm các nhà khoa học đã chứng minh điều đó.
con heo dễ dàng bị mũi tên bắn xuyên thủng, nhưng chỉ với một lớp giáp độn mềm, mũi tên đã bị chặn lại.
mũi tên không thể bắn xuyên qua lớp đệm giáp, dù nó chỉ dày vài cm.
Đệm giáp thường dùng bằng sợi gai, tổ kén tằm, lông thú, nên ngoài công dụng chịu lực chúng còn giữ nhiệt khá tốt vì vậy còn dùng làm áo chống rét. Cũng trong Đại Nam thực lục khi nhà Nguyễn đánh dẹp nổi loạn ở Đá Vách, đã cho chế thêm nhiều áo bông để chống tên nỏ của người Thượng. Đến đây đã có nhiều người thắc mắc, áo bông nóng thế mặc sao chịu nổi. Tất nhiên điều đó đúng và Minh Mạng đế nhiều lần quở trách binh lính Bắc Hà vì họ thường vô kỉ luật không chịu mặc áo giáp (nếu mặc giáp sướng thì chắc đã không có việc đó) nhưng giữa chiến trường nếu phải lựa chọn giữa chịu nóng và tính mạng thì thôi thà chịu nóng vậy.
Một chiến binh châu phi, người ngựa đều mặc đệm giáp, mà ai cũng biết Châu Phi nóng tàn khốc như nào.
Loại đệm giáp rất dễ chế tạo, bằng nhiều vật liệu mềm khác nhau, có khi cải tạo từ chính những chiếc áo hồ cừu, một loại áo rét, bên ngoài là vải bên trong là lớp lông thú.
áo hồ cừu cũng có thể sửa, cải tạo lại thành đệm giáp.
hoặc có ghi chép than phiền về nạn binh đao, đến nỗi bao nhiêu sách vở đều bị xé đi làm giáp.
bản vẽ áo giáp độn giấy của nhà Minh, trong sách Võ Bị Chí.
Nhẹ, đẹp, dễ vận động, dễ chế tạo và sửa chữa, đệm giáp được tin dùng đến tận thời kháng Pháp.
Lính cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc ở Bắc kì, mặc đệm giáp.
đệm giáp của Ấn Độ.
Ngoài đệm giáp, người ta còn có các loại độn giáp với vật liệu độn bằng chất liệu cứng như kim loại, gỗ để tăng thêm sức chống chịu. Chưa có ghi chép nào chắc chắn hoặc nhắc cụ thể đến độn giáp có ở Việt Nam hay không, nhưng loại này có hiện vật ở cả Nhật, Thanh và Triều Tiên.
áo độn giáp của Nhật, với mảnh gỗ bên trong lớp vải.
các loại áo giáp ra trận phổ thông của người Việt cuối thời Hậu Lê, đầu thời Nguyễn có thể không khác áo ngày thường, nhưng phía trong là lớp đệm hoặc độn giáp.
Tuy rằng thời hậu kì áo giáp trụ bằng kim loại đã ít đi, nhưng một loại giáp kim loại nhẹ hơn là áo giáp xích lại khá thông dụng. Có ghi nhận trong “a voyage to cochinchina” của John White cuối thế kỉ 18, miêu tả các sĩ quan của vua Gia Long mặc áo xích sắt. Đáng tiếc ngày nay không có hiện vật giáp xích sắt của Việt Nam để củng cố cho ghi chép này. Nhưng cũng thấy giáp xích sắt có mặt ở Nhật và Thanh.
Võ tướng nhà Thanh mặc giáp xích sắt.
chi tiết áo giáp xích sắt của Nhật.
Đời vua Khải Định có để lại một số bức ảnh hiếm hoi về kiểu dáng áo giáp của nhà Nguyễn, mặc dù khả năng là loại giả giáp nhưng tin rằng nó không quá khác biệt với thực tế.
Ngự lâm quân nhà Nguyễn, thời Khải Định.
Phỏng dựng giáp nhà Nguyễn, nhân vật Châu Muội Nương, nữ tướng của Gia Long. Tác giả: Ấm chè.
Từ trái sang phải: nón giáp Đông Sơn, Lý, Lê, Nguyễn.
Tới đây tôi xin tạm khép lại những thông tin nghiên cứu, giới thiệu về áo giáp của Đại Việt và các nước Á Đông. Hi vọng bài viết đem lại nhiều thông tin bổ ích cho các bạn. 
 Nguồn: NAM THANH PHAN

Tìm kiếm Blog này