Tim thông tin blog này:

Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2017

I-400, tàu ngầm lai hàng không mẫu hạm siêu bí mật của Nhật trong Thế chiến thứ II

Đang tải Tau_ngam_I-400.jpg…

Tàu ngầm là một trong những phương tiện giao chiến then chốt của lực lượng hải quân các nước xuyên suốt chiến tranh thế giới thứ 2. Nhưng ít ai biết rằng, Nhật Bản đã làm ra được 3 chiếc tàu ngầm độc nhất vô nhị thuộc lớp I-400 với khả năng mang theo máy bay và phóng đi giống như hàng không mẫu hạm, ngoài ra chúng còn có thể đi 1 vòng rưỡi quanh Trái Đất mà không cần tiếp thêm nhiên liệu. Mục đích của Nhật khi tạo ra I-400 là nhằm tấn công bất ngờ vào thẳng đất Mỹ. Mặc dù chưa tham gia bất kì trận hải chiến nào nhưng công nghệ và thiết kế của những chiếc tàu này đã khiến quân đội Đồng Minh phải giật mình khi họ phát hiện ra chúng.

Vì sao lại có I-400?

Lớp tàu ngầm này chính là đứa con tinh thần của Đô Đốc Isoroku Yamamoto, tư lệnh hải đội Nhật Bản thời thế chiến. Trong suốt thời gian chiến tranh, Yamamoto đã luôn lo lắng về Mỹ với vai trò là một gã khổng lồ nhưng chưa bị đánh thức. Và để buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán nhanh chóng hơn, ông quyết định phải Nhật phải hành động nhanh chóng và quyết liệt với một kế hoạch bao gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu chính là trận đánh Trân Châu Cảng lừng danh diễn ra ngày 7/12/1941.


Đang tải Isoroku_Yamamoto.jpg…
Đô đốc Yamamoto

Một thời gian ngắn sau trận đánh vào Trân Châu Cảng, Yamamoto muốn đưa chiến sự đến trực tiếp trên đất Mỹ thông qua việc đánh phá những thành phố lớn dọc theo bờ tây và đông của quốc gia này. Để có thể đưa máy bay tới nơi an toàn, Yamamoto muốn dùng tàu ngầm với vai trò là hàng không mẫu hạm để không bị hải quân Đồng minh phát hiện khi di chuyển. Thế là ông giao nhiệm vụ cho Đại úy Kameto Kuroshima nghiên cứu tính khả thi của ước mơ này.

Ngày 13/1/1942, Yamamoto đệ trình dự án của mình lên Tổng hành dinh hạm đội. Theo đó, ông muốn sản xuất 18 chiếc tàu ngầm khổng lồ với khả năng thực hiện 3 chuyến đi - về từ Nhật đến bờ Tây nước Mỹ mà không cần tiếp thêm nhiên liệu, hoặc thực hiện 1 chuyến đi - về tới bất kì nơi nào trên thế giới. Chúng tất nhiên cũng phải mang theo và có khả năng phóng ít nhất 2 chiếc máy bay với 1 quả thủy lôi hoặc bom 800 kg. Đến ngày 17/3 cùng năm, bản thiết kế tổng quan của tàu ngầm đã được hoàn tất.

Ngày 18/1/1943, quá trình đóng con tàu mang số hiệu I-400 bắt đầu diễn ra tại Xưởng Kure thuộc thành phố Hiroshima. Sau đó, những chiếc khác trong dự án cũng bắt đầu được khởi công, bắt đầu với I-401 (tháng 4/1943), I-402 (tháng 10/1943), I-403 (tháng 9/1943) và I-404 (tháng 2/1944). Theo kế hoạch ban đầu thì Nhật định làm đến 18 chiếc, nhưng do những khó khăn thiếu thốn của tình hình chiến sự mà chỉ có 3 chiếc được hoàn thành và hạ thủy (sẽ nói thêm ở phần sau).

Một kiệt tác kĩ thuật hải quân

Mỗi chiếc tàu trong lớp I-400 có 4 động cơ 2250 mã lực. Chúng chứa đủ nhiên liệu để đi 1,5 vòng quanh Trái Đất, dư sức chạm đến cả bờ tây và đông nước Mỹ rồi quay trở về. Theo Đại học Hawaii, ngay cả trong thời hiện đại bây giờ cũng chưa có chiếc tàu ngầm động cơ diesel nào đủ sức làm được điều đó. Chiều dài của tàu là 120m với lượng giãn nước khi nổi là 3.530 tấn. Đây cũng là một trong những tàu ngầm lớn nhất thời đó. Để tạo ra sự cân bằng khi chở máy bay bên trong, phần vỏ của tàu được thiết kế theo dạng thân đôi hình móc số 8 mà không tàu ngầm nào khác sở hữu. Tàu có khả năng chở khoảng 157 sĩ quan, kỹ sư, đội ngũ kĩ thuật và phi công lái máy bay.

Điểm đặc biệt thứ hai của tàu nằm ở khoang chứa máy bay hình trụ tròn dài 31m và có đường kính 3,5m với khả năng chống thấm nước. Phần cửa ngoài của khoang có thể được mở bằng hệ thống thủy lực từ bên trong hoặc mở thủ công từ bên ngoài nhằm tăng tính linh hoạt khi tác chiến. Bản thân cái cửa này cũng chống nước với một dải cao su dày tới 51mm. Theo biên bản của trung úy hải quân MỸ T.O. Paine, người phụ trách kéo chiếc tàu ngầm tới Hawaii, thì I-400 có thể mang theo tối đa 3 chiếc máy bay ném bom Aichi M6A1 Seiran với cánh gập gọn lại khi không hoạt động.

Đang tải E-animation2.jpg… ​

Chỉ trong vòng vài phút sau khi có lệnh cất cánh, những chiếc máy bay Seiran này sẽ được đẩy lên một máy phóng dài 25m sử dụng cơ chế nén khí để đưa chúng lên bầu trời. Sau khi đã xong nhiệm vụ, máy bay sẽ đáp lên biển theo kiểu thủy phi cơ và được cần cẩu thủy lực đưa trở lại vào bên trong tàu ngầm.

Một số vũ khí khác của I-400 bao gồm ba khẩu pháo 3 nòng 25mm Type 96 để bắn máy bay địch, trong đó hai khẩu ở đuôi và một ở tháp phía trước. Ngoài ra còn có 1 khẩu canon tự động 25mm, 1 khẩu súng 140mm Type 11 trên boong, 8 ngư lôi (4 đằng trước và 4 đằng sau). Tất nhiên, các loại radar tầm xa, tầm gần, radar sóng âm để dò tàu ngầm địch đều có mặt đầy đủ.

Đang tải My_nghien_cuu_tau_ngam_I-400-Nhat.jpg…
Hình ảnh chụp khi Mỹ nghiên cứu tàu I-400. Bên trái là khoang chứa máy bay, bên phải là đường ray phóng khí nén để đưa máy bay lên trời

Để tăng cường khả năng hoạt động êm ái và tránh bị phát hiện, các tàu I-400 còn được phủ một lớp hợp chất đặc biệt được chế tạo từ cao su, asbestos và keo để giúp chúng trở nên tàng hình dưới sóng radar của quân Đồng Minh. Hợp chất này được ra đời dựa trên một nghiên cứu của Đức nhưng tác dụng của nó chưa bao giờ được chứng minh cụ thể. Trên tàu còn có 2 ống dòm được Đức sản xuất (không lại khi mà Đức và Nhật đang đứng về 1 phía) với chiều dài 12,2m, một cái dùng ban ngày một một cái cho ban đêm. Đức cũng cung cấp cho Nhật một thiết bị thủy lực để lấy không khí vào tàu.

Chưa một lần tác chiến

Khi đã có trong tay những chiếc tàu I-400, Nhật đang sở hữu một siêu vũ khí mà quân Đồng Minh không thể ngờ tới. Theo kế hoạch ban đầu, 18 chiếc tàu sẽ được đóng để tiếp cận đất Mỹ một cách thầm lặng và tấn công bất ngờ. Nhưng mọi chuyện lại không được suông sẻ. Ngày 18/4/1943, Đô đốc Yamamoto đã chết khi máy bay của ông bị Mỹ tấn công và bắn hạ khi ông đang đi khảo sát Đảo Bắc Solomon, lý do là vì mật mã của Nhật đã bị Mỹ phá trong quá trình truyền tải giữa các trạm.

Tới tháng 7 năm 1943, số lượng tàu bị giảm xuống còn 11, và đến tháng 12 cùng năm thì chỉ còn 5 chiếc. Trước khi chiến tranh kết thúc, Nhật chỉ đóng được có 3 chiếc mà thôi. Tsugio Yata, sĩ quan đại bác trên tàu I-401, cho biết: "Chúng tôi đã vượt qua những khó khăn để hoàn tất được chiếc chiến hạm ngay cả khi quá trình sản xuất không đi theo kế hoạch vì tàu quá lớn và bị thiếu hụt các nguyên vật liệu quan trọng do chiến sự đang không thuận lợi. Các nhà máy cũng bị hư hại nặng nên kế hoạch đóng tàu phải đổi nhiều lần".

Khi người Mỹ bắt đầu đánh sang Nhật, kế hoạch đánh vào đất Mỹ của Yamamoto đã bị hủy bỏ. Thay vào đó, 2 chiếc tàu I-400 và I-401 bắt đầu việc huấn luyện cho một nhiệm vụ đánh vào Kênh đào Panama trong nỗ lực ngăn chặn các tàu Mỹ đi từ biển Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương. Nhật tin rằng động thái này sẽ làm chậm bước chân của Mỹ.

Đang tải Tau_I-401_ngam_may_bay_2.jpeg…
Hình ảnh chụp được khi Mỹ lai dắt tàu I-400 ra khỏi đất Nhật

Mặc dù vậy, tới tháng 6/1945 kế hoạch này cũng đã bị bác bỏ. Thế là hai chiếc tàu nói trên nhận được chỉ thị đánh vào hải quân Mỹ khi họ đang tập hợp nhằm chuẩn bị cho trận xâm lược vào đất Nhật tại đảo san hô Ulithi. Hai tàu bắt đầu ra khơi, nhưng khi họ còn cách Ulithi khoảng 2 hay 3 ngày đường thì chiến tranh kết thúc nên thủy thủ đoàn cho tàu quay về và bị phát hiện bởi Hải quân Mỹ vào ngày 28/8/1945. Những chiếc máy bay thì đã bay trở về trước để tránh bị bắt, nhưng bộ binh Mỹ ở Nhật sau đó phát hiện được một chiếc còn sống sót và đã gửi nó trở về tàu ngầm cho mục đích thử nghiệm. Những chiếc máy bay đó hiện đang được trưng bày ở bảo tàng của viện nghiên cứu Smithsonian.

Bị đánh đắm và được tìm thấy

Khi quá trình chiếm đóng trên đất Nhật bắt đầu, 24 chiếc tàu ngầm còn hoạt động được của hải quân Nhật đã bị đánh đắm ở Đảo Goto gần thành phố Sasebo. Tuy nhiên, 5 chiếc tàu "bất bình thường" là I-400, I-401, một tàu I-14 siêu dài (115m) và 2 tàu tấn công nhanh I-201, I-203 thì được lai dắt về đảo Hawaii để Mỹ nghiên cứu thêm. Theo các tài liệu còn ghi lại thì tất cả những quan chức Mỹ đến xem tàu I-400 đều tỏ ra bất ngờ và họ đã dùng những từ như "tuyệt vời", "to lớn" để nói về những sản phẩm của người Nhật.

Đang tải Tau_I-401_ngam_may_bay.jpg…

Tất nhiên, đối trọng của Mỹ là Liên Xô cũng muốn được nghiên cứu các tàu I-400 này theo một thỏa thuận mà các bên đã kí trước khi chiến tranh kết thúc. Thế nhưng Mỹ đã không giao tàu bởi họ xem Liên Xô là kẻ thù tiềm năng, và cuối cùng thì hải quân đã đánh đắm luôn hai tàu này ở ngoài khơi Oahu, đồng thời tuyên bố họ không còn giữ bất kì thông tin nào về vị trí của tàu ngầm. Chiếc I-400 chìm vào ngày 31/3/1946, còn chiếc I-401 chìm ngày 4/6/1946.

Người ta tin rằng I-400 đã tạo cảm hứng cho Mỹ chế tạo những chiếc tàu ngầm mang tên lửa hành trình sau này. Có nguồn tin tiết lộ rằng USS Grayback - tàu ngầm tác chiến tích cực đầu tiên của Mỹ mang theo tên lửa hạt nhận Regulus II - đã được xây dựng dựa trên I-400.

Năm 2005, một số nhà thám hiểm đã tìm thấy xác của chiếc I-401 và đến năm 2013 thì tìm được chiếc I-400. Các nhà thám hiểm này đã nghiên cứu những biến dạng bất thường của đáy biển để tìm ra xác tàu chìm bên dưới. Tất nhiên, những biến dạng đó có thể chỉ là một hòn đá, nhưng cũng có thể là một phần quan trọng của lịch sử loài người.

Nguồn: WikipediaCombined FleetStripes
Theo: Tinhte

Tìm kiếm Blog này