Ở miệt Lục tỉnh Nam kỳ, nhà ven sông rạch thường được nghe tiếng máy nổ tành tạch vang vang đưa thương gợi nhớ, đó là tiếng máy nổ đuôi tôm. Nếu trong ngõ hẻm thị thành, hàng xóm chỉ cần nghe tiếng động cơ từ đầu ngõ đã đoán được là xe của nhà ai sắp chạy qua, thì nơi sông rạch cũng vậy, chỉ thoáng nghe hơi máy nổ, cả xóm đã biết ghe xuồng khứa nào đang rẽ nước mé bến kia.
Thuở hồng hoang thạnh trị, xứ sông nước bủa giăng chằng chịt này, nhà nào cũng phải có chiếc xuồng làm phương tiện, với cái máy nổ làm "đầu cơ nghiệp": bơm nước, chở lúa, mua hàng, chợ búa, thảy đều trông cậy vào cái máy đó.
Những năm cuối thập niên 60 thế kỷ trước, khi ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chủ tịch Hồ Chí Minh tranh thủ viện trợ của Liên-xô, Trung cộng để kèo nài toàn súng đạn quân nhu cho cuộc chiến, còn thì để mặc nông dân è cổ chổng khu kéo gàu tát nước lên đồng theo cách thủ công tự đời cố tổ; thì ở miền Nam, cùng với viện trợ quân sự của đồng minh, người dân đã có thêm máy nổ chạy xăng Kohler-4 của Mỹ cũng được nhập vào. Cái máy này được người bình dân gọi máy "Kô-le", nó nhanh chóng trở thành phương tiện thiết thân của bà con.
Máy Kohler-4 thuở đó còn thô sơ lắm, nó có màu lam thẫm, nặng vừa một ôm, đã ít hao xăng lại cơ động, tiện dịch chuyển xuống rạch lên đồng, tối đến bưng nguyên con đem vô nhà cất cũng dễ. Nó có bình xăng hình trụ nằm ngang ở phía trên để thuận tiện cho việc tiếp nhiên liệu, với bánh quay (còn kêu bánh trớn) ở mặt trước, có rãnh để quấn dây vô, giựt cho máy khởi động.
Khi bơm ruộng tát đìa, người ta nối vô "láp" (tức cái trục dài quay chân vịt) một ống máng lùa hình trụ, hàn thêm một ống kim loại đường kính chừng 2, 3 tấc, dài vừa bằng cây láp. Thọc láp vô ống, đầu ống chìm trong nước, ở miệng ống có gọng sắt giữ cho cây láp cố định ở tâm của ống máng. Sau cùng lắp chân vịt vô đầu láp, nhưng lắp ngược. Khi máy vận hành, chân vịt đạp nước vô ống, đẩy nước lên cao tràn ra ngoài, tốc độ bơm nhanh cực kỳ. Nước được hút ngược từ phía sau phun ra trước gần phía đầu máy.
Người ta vác máy nổ ấy ra, đặt nằm yên vững vàng trên bờ mương ruộng ao đìa, thòng cái láp xuống nước rồi giựt cho máy chạy; chỉ cần gài chặt buộc kỹ giữ máy cố định khỏi bò lung tung, người nông dân có thể tìm nơi bóng mát dỗ giấc thiu thiu, khỏe re như bò kéo xe, đàn bà con gái cũng làm được. Cũng tại có cái máy Kohler-4 tư bản suy đồi này mà kiếp nông dân Nam bộ chẳng bao giờ có vinh dự được lãnh tụ ghé thăm, nắm chung dây gầu tát nước với mình, lập trường giai cấp của bà con Nam bộ do đó dao động ba rọi như hạch, he he!
Khi muốn đi đâu đó, người ta chỉ cần gắn chân vịt vô láp. Qua hệ thống trục khuỷu, ống truyền động làm quay chân vịt, máy sẽ tống nước ra sau đẩy ghe xuồng chạy tới, công dụng nó lúc này như cái đuôi tôm búng ngược, nên còn gọi máy đuôi tôm (Longtail motor).
Máy đuôi tôm thành công cụ chính không thể thiếu trong nhà. Người ta thăm đồng, chở lúa, chà gạo, chở nông sản, viếng bà con, thăm chị sui… đều cậy vào nó. Nhảy lên bờ buộc xuồng, chú Năm cô Bảy thường cầm theo ve vẩy sợi dây giựt máy xỏ ngang cái tay cầm bóng lưỡng như một thói quen.
Có Kohler-4, xuồng máy đuôi tôm ngang dọc khắp sông nước Cửu Long, Đồng Nai, tiếng máy nổ tành tạch thành tiếng động thân quen mong chờ. Đêm nằm nghe máy nổ văng vẳng đâu đó, giấc ngủ cư dân vùng sông nước như được ru êm, tự tại thanh bình.
Có Kohler-4, dầm chèo được gác lại ít khi dùng, nông dân Nam bộ vì đó làm ruộng đỡ vất vả hơn nhiều. Cái động cơ 4 mã lực được chăm sóc nâng niu hơn cả con trâu ngoài Bắc. Những năm từ 60-75 của thế kỷ XX, tiếng máy nổ reo vui cấp tập đã át đi tiếng hò huê tình trên sông nước Bình Dương, thỉnh thoảng người ta cũng nao nao tủm tỉm nhớ thời chèo chống mỏi mê chòng ghẹo nhau:
- Nước Tân Ba chảy qua Vàm Cú,
Thấy bộ em chèo cặp vú muốn hun.
Thấy bộ em chèo cặp vú muốn hun.
- Anh muốn hun vậy mà cũng khó,
Anh trở về bắt chó anh hun!
Anh trở về bắt chó anh hun!
Hun chó có khi cũng hả cơn ghiền, cho đã thèm nhớ em cưng có vồng ngực bắt mắt núng nẩy nũng nịu theo nhịp chèo; còn thực tình thì hiếm ai còn chịu vác cặp chèo ra buộc quai vô hai cái cọc cuối xuồng, dùng sức người để rẽ nước như hồi xưa ông bà mới mở đất nữa!
* * *
Vậy đó, mà khi tụi "giải phóng" vô, miền Tây tiếng là vựa lúa cả nước mà khoảng 1979-1980, nhiều nhà phải độn khoai lang nấu cơm cháo sống lây lất qua ngày. Máy Kohler thành phế thải vì xăng dầu vừa mắc mỏ vừa khan hiếm. Bà con Nam kỳ Lục tỉnh nhờ ơn cách mạng mà được lùi về thuở cha ông khai thiên lập địa chèo chống mỏi mê; thay vào đoạn dây giựt máy, người ta vác lại cặp chèo sát nút khi lên bờ.
Rồi nổ ra phong trào vượt biên, chiếc máy nổ lúc này trở thành biểu tượng của khát vọng tìm tự do. Kỳ tích về chiếc xuồng ba lá của những đứa con trời biển, từ Phú Quốc chỉ với tay chèo mà qua tuốt Songkhla của Thái Lan, càng thôi thúc quyết tâm bỏ nước mà đi. Giai đoạn này máy Kohler cũng dần được thay thế bằng các loại máy Nhật: nào BS-9, BS-16; rồi F-4, F-5, tới F-10 chạy bằng dầu Diesel để lăm le vượt sóng trùng dương quyết thoát ách hung đồ. Sau 1975, các máy F này là thiết bị thông dụng của ghe, tàu, vỏ lãi vượt biên "bán chính thức". Một chiếc vỏ lãi thon đuột, đặt máy BS-16 có thể lướt băng băng xé nước với vận tốc đạt 70km/giờ, các tàu tuần sông tuần biển của công an đường thủy Việt Nam thuở đó gặp nó muốn hửi khói còn không kịp, đừng nói đuổi theo…
* * *
Ở miền Tây, sợi dây giựt máy đã dần được thay bởi cái tay quay bằng sắt; thậm chí có khi không cần cả tay quay, chỉ với một nút ấn On/Off là có thể nhẹ nhàng khởi động máy. Nhưng trên sông nước thỉnh thoảng vẫn vang lên tiếng máy Kohler đâu đó, như ngày đêm nhắc nhở một thời miệt mài kiếp người lặn lội. Hơn nửa thế kỷ nay, trải thịnh suy chìm nổi long đong cùng vận nước, cái máy nổ vẫn luôn là người bạn, người cộng sự chăm chỉ trung thành không thể thiếu, và có khi là cả gia tài trong mơ của không ít gia đình.