Tim thông tin blog này:

Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2017

Những chuyện kinh hãi về vụ Năm Cam

NHỮNG CHUYỆN KINH HÃI VỀ VỤ NĂM CAM (1)
Tôi là người viết những bài báo đầu tiên vạch trần việc bảo kê cho Năm Cam của cả 3 cán bộ cấp cao : Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam Trần Mai Hạnh, Trung tướng Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Quốc Huy và Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Phạm Sỹ Chiến. Trong đó, ông Trần Mai Hạnh và Bùi Quốc Huy là ủy viên Trung ương Đảng.
Giờ nghĩ lại vẫn thấy kinh hãi, nếu như ba ông đó không mất chức thì chắc chắn tôi dù có chạy lên núi cũng không tìm được đất sống. Tổng Biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế nói với tôi trước khi cho đăng những bài đó, rằng anh chấp nhận “về vườn”, nhưng tôi chắc anh dù có “về vườn” cũng khó mà sống sót.
Tôi nói khó sống sót là nói theo nghĩa đen. Bởi vì nếu cuộc họp Ban chấp hành Trung ương Đảng diễn ra sau khi có bài báo về ông Bùi Quốc Huy mà không bỏ phiếu kỷ luật được ông thì toàn bộ hồ sơ về ông sẽ bị xếp xó, và ông có khả năng sau đó trở thành Bộ trưởng Công An. Và cuộc họp đó đã bỏ phiếu kỷ luật ông với tỷ lệ 60%, nghĩa là chỉ cần có thêm hơn 10% số ủy viên Trung ương một chút không tán thành kỷ luật thì không những chúng tôi chết chắc mà vụ án Năm Cam sẽ chẳng bao giờ được đem ra xét xử. Chúng tôi chết chỉ là chuyện nhỏ, tội phạm tiếp tục hoành hành mới là chuyện lớn.

Có người nói tướng Nguyễn Việt Thành đã “dùng báo chí để làm án”, nói như vậy là không biết gì về sự thật. Chẳng một ai trong Ban chuyên án vụ Năm Cam xúi chúng tôi làm việc đó cả. Vả lại Ban chuyên án lúc đó rất yếu thế tại Bộ Công an, họ không có nhiều điều kiện để tiếp cận hồ sơ liên quan đến đường dây bảo kê tội phạm. Ông Nguyễn Việt Thành sau khi bắt Năm Cam đã bị ông Bùi Quốc Huy gọi điện chửi đến nóng máy điện thoại, ông dẫu có gan bằng trời cũng không dám xúi người khác động đến ông Bùi Quốc Huy. Anh Nguyễn Công Khế phải dắt ông Nguyễn Việt Thành đến gặp ông Sáu Dân để được trấn an. Cho nên tự chúng tôi có những điều tra theo các nguồn tin riêng không liên quan gì đến Ban chuyên án.
Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, người trực tiếp bắt Năm Cam lần thứ nhất năm 1995, đã không được phân công tham gia Ban Chuyên án lần này. Ông Ngọc chẳng bức xúc gì việc ông không tham gia Ban chuyên án. Điều ông bức xúc từ lâu là người ta đã thả Năm Cam ra và chính một vài lãnh đạo Bộ Công an (như ông Bùi Quốc Huy) cùng một bộ phận cảnh sát cơ quan công an TP.HCM đã bảo kê cho những hoạt động phi pháp tày đình của Năm Cam. Biết ông Ngọc nắm được nhiều thông tin, chúng tôi có hỏi ông chuyện này chuyện kia nhưng nhất định ông không cung cấp bất cứ một tin tức gì. Ông là một cán bộ điều tra hình sự rất có nguyên tắc. Ông chỉ nói me mé con đường đi tìm tài liệu, tìm không được hỏi lại cho rõ đường thì ông im. Cuối cùng thì tự chúng tôi cũng tìm được toàn bộ những tài liệu liên quan đến ông Trần Mai Hạnh và Phạm Sỹ Chiến. Hỏi ông những tài liệu đó đủ chưa thì ông không trả lời. Chúng tôi phải kiểm chứng nhiều nguồn khác nhau và thu thập hết những tài liệu có liên quan. Khi thấy đủ cơ sở, Tổng Biên tập phân công tôi viết bài.
Lẽ ra bài tôi viết về ông Trần Mai Hạnh được đăng trước cái ngày đăng chính thức là ngày 2-5-2002 một tuần lễ. Nhưng khi bài báo đã lên khuôn thì ông Hồng Vinh, lúc đó là Phó Trưởng ban Tư tưởng văn hóa trung ương (nay là Ban Tuyên giáo) gọi điện cho Ban Biên tập ra lệnh cấm đăng. Như vậy là việc đăng bài về ông Trần Mai Hạnh đã bị lộ. Sở dĩ bị lộ là do ở Hà Nội anh Nguyễn Việt Chiến quá hăng hái với vụ việc, đã đi gặp người này người kia để phỏng vấn, nên sự việc đến tai ông Hồng Vinh.
Là tờ báo gần như đơn độc (có thêm báo Tiền phong tiếp sức) vạch mặt tội ác của Năm Cam trước khi Năm Cam bị bắt lần thứ nhất, nên Thanh Niên hiểu hơn ai hết, rằng nếu không triệt phá được đường dây bảo kê cho Năm Cam thì trước sau gì Năm Cam cũng được thả ra. Lần thứ nhất thả ra, tập đoàn tội phạm này phát triển với quy mô lớn hơn, tàn bạo hơn. Nếu thả ra một lần nữa thì tác hại sẽ khôn lường. Cho nên phải vạch mặt cho được những kẻ bảo kê, trước tiên là ông Trần Mai Hạnh.
Tôi còn nhớ, ngày 30-4 tôi xuống vườn nhà anh Khế ở quận 9. Tôi phân tích với anh, rằng chúng ta chưa đăng thì họ cấm, nhưng nếu chúng ta cứ đăng thì tôi chắc họ chẳng thể làm gì được chúng ta, vì làm khó chúng ta họ sẽ mang tiếng là bảo kê cho Năm Cam. Tôi nói vậy vì tôi biết anh Khế cũng đang tính toán. Anh bảo tôi, mai ngày lễ (1-5) rồi, để tối mai tính.
Tối ngày 1-5, tôi chuẩn bị trang báo đã dàn sẵn đợi anh đến. Anh đến tòa soạn cầm trang báo đọc kỹ, đi tới đi lui, đọc thêm một lần nữa, rồi đi tới đi lui. Cuối cùng, anh cầm máy điện thoại giơ lên, đưa trang báo cho tôi, nói : “ĐM, đăng !”, vừa nói vừa tắt máy điện thoại, đút túi quần lên xe đi thẳng về nhà. Đó là hình ảnh hào sảng oai phong nhất của một Tổng Biên tập mà tôi không bao giờ quên được.
Sáng hôm phát hành báo, tất cả điện thoại đều nghẽn vì bạn đọc gọi tới tấp đến hoan nghênh. Nhưng ở Hà Nội thì im phăng phắc. Im phăng phắc trong nhiều ngày liền. Để tự vệ, tôi đến phỏng vấn ông Sáu Dân. Ông hoan nghênh báo Thanh Niên và nói báo Thanh Niên đã “phá một cái lệ”, là lần đầu tiên phanh phui chuyện tiêu cực của một Ủy viên Trung ương Đảng trên mặt báo. Nhiều ngày sau, anh Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin mới gọi điện cho anh Khế cười đùa vui vẻ. Tôi nghe nói lại rằng ông Nông Đức Mạnh Tổng Bí thư lúc đó có nói, đó là “quyền của báo chí”. Nghe như vậy mới thấy nhẹ nhõm. Mãi tới 1 tuần sau thì các báo khác mới dám đăng về chuyện của ông Trần Mai Hạnh, sau khi không thấy Thanh niên bị làm sao. Đây mới là bài báo mở đầu.

NHỮNG CHUYỆN KINH HÃI VỀ VỤ NĂM CAM (2)
(tiếp theo)
Nếu chuyện về ông Trần Mai Hạnh là “phá một cái lệ”, là cấm đăng nhưng vẫn cứ đăng, thì chuyện về Trung tướng Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Quốc Huy (Năm Huy) chẳng khác gì nhảy vào lửa.
Ông Năm Huy từng làm Giám đốc Công an TP.HCM, rồi làm Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh trước khi trở thành Thứ trưởng Bộ Công an phụ trách xây dựng lực lượng, quyền to như núi. Thời ông làm Giám đốc Công an thành phố là thời Năm Cam lộng hành coi trời bằng vung, dư luận có bàn tán về mối quan hệ giữa ông với tập đoàn tội ác này, nhưng dù có chứng cứ cũng chẳng ai làm gì được ông. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM cũng đã có kết luận về mối quan hệ này, nhưng hồ sơ vẫn bị xếp xó và ông Năm Huy vẫn được thăng hàm Trung tướng.
Tập đoàn tội ác Năm Cam được bảo kê không phải chỉ sau này. Hồi bắt Năm Cam lần thứ nhất (1995) cũng gặp không ít sự cản trở của những người bảo kê có quyền chức, nhưng Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó rất kiên quyết, đến mức ông bảo ông “thế chấp chức Thủ tướng” để yêu cầu bắt Năm Cam. Không phải ông Sáu Dân dùng quyền uy của Thủ tướng để ra lệnh bắt người, ông có đủ chứng cứ nên yêu cầu thực hiện theo đúng trình tự của pháp luật. Nhưng người ta đã âm thầm thả Năm Cam ra. Sau khi ông Sáu Dân thôi làm Thủ tướng, tập đoàn tội ác này phát triển mạnh mẽ, giăng lưới khắp nơi, coi TP.HCM là nơi vô pháp, là lãnh địa riêng của chúng. Đến mức, tại TP.HCM hồi đó, ai muốn mở một cửa hàng, một quán karaoke, một tiệm gội đầu cắt tóc…nếu không “nhờ” Năm Cam bảo kê thì đừng hòng hoạt động được.
Từ sau khi ra khỏi trại cải tạo, Năm Cam không bao giờ nghĩ mình có thể bị bắt một lần nữa. Bởi vì y đã thiết lập thêm những hàng rào bảo kê dày đặc, trên thì có người của các ông Bùi Quốc Huy, Phạm Sỹ Chiến và Trần Mai Hạnh, dưới thì có người của cơ quan cảnh sát điều tra và cảnh sát hình sự Công an TP.HCM, trong đó hàng rào bảo kê của Công an là an toàn vững chắc nhất. Năm Cam đã từng tính đường thoát bằng cách sang Campuchia dùng tiền mua một chức tướng, nếu như đường dây của y ở Việt Nam bị phá, nhưng có lẽ do thấy quá an toàn nên đã bỏ ý định đó. Bởi vậy mà khi bị bắt, y bất ngờ đến mức … đái ra quần.
Bắt Năm Cam lần thứ hai hoàn toàn không dễ. Phải có đủ chứng cứ. Cho nên, từ vụ án Dung Hà và đầu mối là Hải Bánh mới phăng ra được chứng cứ. Nhưng bắt Hải Bánh giam tại trại giam của Công an TP.HCM thì làm sao Hải Bánh chịu khai. Bởi vì, Hải Bánh biết rất rõ, chỉ cần khai ra Năm Cam thì những kẻ bảo kê cho Năm Cam trong cơ quan cảnh sát điều tra và cảnh sát hình sự Công an TP.HCM đời nào để cho Hải Bánh sống. Do đó, Ban chuyên án đã phải di lý Hải Bánh về Tiền Giang mới củng cố được chứng cứ bắt Năm Cam. Câu chuyện này chúng tôi đã tường thuật và phân tích đầy đủ trên báo Thanh Niên hồi ấy.
Vấn đề là phải phá cho được đường dây bảo kê từ lực lượng Công an, đứng đầu là trung tướng Bùi Quốc Huy.
Một hôm, Tổng Biên tập Nguyễn Công Khế bảo tôi đi cùng anh đến một nơi anh không nói trước. Đến nơi đó, chỉ một người tiếp chúng tôi tại phòng làm việc của ông. Người đó ông Lê Hồng Liêm (Sáu Liêm), Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM. Ông Sáu Liêm chẳng nói chẳng rằng, giao cho tôi một tập hồ sơ. Đó là hồ sơ về những sai phạm của ông Bùi Quốc Huy liên quan đến Năm Cam. Tôi hỏi, tôi mượn về được không, ông nói không. Hỏi photocopy rồi trả lại được không, ông cũng nói không, rồi ngồi nói chuyện với anh Khế, mặc tôi muốn làm gì với tập hồ sơ đó thì làm. Tôi ngồi chép lại tất cả, từ ngày tháng, số hiệu hồ sơ cho tới nội dung, chép không sót một dấu chấm dấu phẩy nào.
Từ tài liệu đó cộng với một số nguồn tin khác được xác minh cẩn thận, tôi viết một bài báo dài chỉ 2 trang đánh máy. Anh Khế đã đọc đi đọc lạị không biết bao nhiêu lần, rồi bàn với tôi liên lạc với cô Mai Nhung, Tổng Biên tập Báo Nông thôn ngày nay (NTNN) để “chia lửa”. Tôi gọi điện bàn với cô Mai Nhung, cô Nhung nhờ tôi viết một bài để NTNN đăng cùng một ngày với Thanh Niên. Khi hai tòa soạn cùng chuẩn bị đưa báo đi in thì 10 giờ đêm anh Khế đến. Anh bảo để NTNN đăng trước một ngày, hôm sau mình sẽ đăng. Tôi gọi điện cho cô Nhung, nhưng cô ấy hiểu nhầm là chúng tôi đưa cô ấy ra trước để “đõ đạn”, nên NTNN cũng hủy không đăng. Lúc đó đã 12 giờ đêm, anh Khế gọi, nói nếu NTNN không đăng thì mình cho đăng luôn đi, nhưng không kịp vì báo đã đưa đi in rồi. Hôm sau Thanh Niên mới đăng bài đó, nhưng ngày Thanh Niên đăng thì NTNN không có báo, vì báo ấy ra cách ngày. Hôm sau nữa NTNN mới đăng. Cô Mai Nhung là một Tổng biên tập ôn nhu nhưng trung thực và quật cường. Tôi từng nghĩ tôi chỉ có thể làm báo được với hai Tổng biên tập là anh Khế và cô Mai Nhung mà thôi.
Và nếu ai để ý, sẽ thấy trong ngày Thanh Niên đăng bài này thì trên báo Nhân Dân cũng có một bản tin ngắn gọn về ông Bùi Quốc Huy, bản tin đó do chính tôi viết nhưng không ghi tên tác giả, qua một mối quan hệ tin cậy gửi đăng trên Nhân Dân, mục đích cũng là để “chia lửa”. Đến giờ tôi vẫn không hiểu sao Nhân Dân lại có thể đăng được bản tin đó.
Ngày phát hành báo, cả tòa soạn rúng động. Anh Miễn phòng phát hành đến sớm để giao báo, anh nói anh cầm tờ báo mà run. Anh run là đúng rồi, vì Thanh Niên đã bị kiểm điểm lên bờ xuống ruộng suốt nhiều tháng liền, thậm chí sau khi ông Bùi Quốc Huy bị khởi tố thì Thanh Niên vẫn chưa thoát tội. Sau này tôi mới nghe anh Khế nói lại, anh đã đưa cho ông Nguyễn Minh Triết (Sáu Phong) xem bài báo đó trước khi đăng, ông Sáu Phong nói đăng bài đó thì có lợi cho việc chống tội phạm nhưng rất nguy hiểm cho báo Thanh Niên và bản thân anh Khế, nhưng anh Khế vẫn cho đăng, bất chấp tất cả (chuyện này anh Khế cũng đã kể trên trang fb của anh ấy). Mãi đến vài ngày trước khi mở phiên tòa xét xử Năm Cam và đồng phạm thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng mới chính thức kết luận báo Thanh Niên không sai phạm.
Trở lại chuyện đại tá Hữu Ngọc. Ông Ngọc tất nhiên chẳng cung cấp tin tức gì về ông Bùi Quốc Huy, nhưng sau khi báo đăng, ông gọi điện cho tôi, bảo bài viết rất tốt nhưng “ngắn quá, sợ không đủ áp lực để xử lý”. Tôi nói, anh có cung cấp tin tức gì đâu mà nói ngắn với dài. Ông Ngọc chỉ cười trừ.
Còn về ông Sáu Liêm, cho đến khi tôi đưa cái stt này đưa lên facebook thì câu chuyện vẫn nằm trong bí mật của ba người : ông ấy, anh Khế và tôi. Cả báo Thanh Niên không ai biết. Tất nhiên dù có đi tù, dù có cứa cổ tôi thì tôi cũng không khai cho ông ấy. Sau vụ án Năm Cam, ông Sáu Liêm được bầu làm Phó Chủ nhiệm Ủy bạn kiểm tra Trung ương Đảng. Tôi rất mừng vì một người cương trực như vậy đã được bầu vào cơ quan quyền uy như thế. Bây giờ ông đã về hưu, nói ra cũng chẳng ai đem cái chuyện ông làm “lộ bí mật” mà cách cái chức nguyên Phó Chủ nhiệm của ông được. Mà dù có cách cái chức nguyên Phó Chủ nhiệm kia thì cũng chẳng có gì nhục nhã như bao người khác, nó chỉ làm tăng thêm vinh dự cho ông mà thôi.
Ở đây có một bài học về xử lý thông tin tôi muốn gửi tới các nhà báo trẻ. Nếu như không phải tôi cùng với Tổng Biên tập tiếp cận trực tiếp tài liệu đó hoặc là tài liệu đó được lưu giữ tại một cơ quan thuộc ngành công an hoặc bị ngành công an chi phối thì nhất định không thể sử dụng. Bởi vì, ông Bùi Quốc Huy, bằng quyền lực của mình, rất có thể ra lệnh phi tang, như vậy chúng tôi sẽ phạm tội bịa đặt. Sở dĩ tài liệu đó có thể sử dụng là vì nó nằm ở một nơi mà ngành công an không thể can thiệp hoặc chi phối.
Chuyện liên quan đến ông Bùi Quốc Huy và vụ Năm Cam vẫn còn nhiều phức tạp đến với chúng tôi, tôi sẽ lần lượt kể tiếp ở phần sau (còn tiếp)
HOÀNG HẢI VÂN

NHỮNG CHUYỆN KINH HÃI VỀ VỤ NĂM CAM (3)
(tiếp theo)
Giữa lúc Thanh Niên phăng ra các đường dây bảo kê cho Năm Cam, một cựu giang hồ đã "hoàn lương" nói với tôi : “Anh đang gặp nguy hiểm, cả từ xã hội đen lẫn xã hội đỏ. Đáng sợ nhất đối với anh là xã hội đỏ, còn xã hội đen nếu có uy hiếp anh gọi em”. Tôi bảo, ông quên cái thói giang hồ đi nhé, không cần bận tâm đến chuyện của tôi, tự tôi có thể đối phó. Nói là nói vậy chứ tôi thân cô thế cô, cho đến bây giờ vẫn cứ mặc kệ tới đâu thì tới.
Anh cựu giang hồ này từng ở tù chung phòng với Năm Cam, nên không chỉ biết nhiều chuyện ly kỳ trong giới xã hội đen mà còn biết nhiều thủ đoạn của ông trùm. Thanh Niên đã đề nghị anh viết một số phóng sự về đường dây tội ác này, tôi biên tập những bài anh viết và tôi đặt cho anh một bút danh là Song Hà. Một thời gian sau khi kết thúc vụ án Năm Cam, anh có gặp lại tôi, nói bây giờ em đi làm phim. Sau này hỏi anh Khế và anh Trần Đình Thu, tôi mới biết bộ phim “Kiều nữ và đại gia” có cô Lý Nhã Kỳ làm diễn viên là bộ phim do anh viết kịch bản.
Nhằm tránh sự hiểu nhầm, tôi xin giải thích để những ai hay vạch lá tìm sâu hiểu cho rõ khái niệm “xã hội đỏ” mà anh Song Hà nói, nó hàm nghĩa là xã hội đen các loại len vào nằm trong cơ quan Đảng và Nhà nước, là những kẻ khoác áo Đảng và Nhà nước nhưng hành xử như xã hội đen.
Thời kỳ hiện tại tôi không dám nói bừa những gì mà tôi không biết rõ. Tôi chỉ biết vào thời đó, chỉ riêng tại TP.HCM, theo Cáo trạng tại phiên tòa xét xử vụ án Năm Cam và đồng phạm thì “có trên 50 cán bộ, chiến sĩ bị xử lý kỷ luật, nhiều sĩ quan công an bị tước danh hiệu công an nhân dân, có 13 người phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Cán bộ công an thành phố vi phạm có chức danh từ cấp phó giám đốc, trưởng phó phòng nghiệp vụ, trưởng phó công an quận, đội trưởng chuyên trách, trưởng phó công an phường”. Chính bị cáo Hải Bánh đã giải thích thêm trước phiên tòa : “Anh Năm coi thành phố Hồ Chí Minh là nhà của ảnh. Bị cáo thường đi chơi với anh Năm bị cáo biết. Công an nhiều người từ cấp phường, quận đến thành phố được anh Năm trả lương hàng tháng”. Năm Cam cũng từng có kế hoạch “sắp xếp nhân sự”, ai sẽ là Giám đốc Công an thành phố, ai là Phó, ai sẽ ở vị trí này vị trí kia, dĩ nhiên kế hoạch đó không thành sau khi bị bắt. Đó là trong phạm vi TP.HCM, còn ở trung ương thì có ông Bùi Quốc Huy, ông Trần Mai Hạnh, ông Phạm Sỹ Chiến hiện nguyên hình. Nhưng chẳng lẽ xung quanh ba nhân vật quyền lực cao chót vót này chẳng có một ai đồng phạm ?
Trong bài viết “Quyền lực của Năm Cam lớn tới đâu ?” đăng trên Thanh Niên ngày 9-3-2003, tôi đã từng cảnh báo : “Nếu đường dây bảo kê không được nhổ tận gốc, không làm mất khả năng tái sinh, thì Năm Cam này dù có bị tiêu diệt thì những Năm Cam khác sẽ rất có khả năng lại sẽ mọc lên”. Tôi biết Ban chuyên án đã cố gắng phăng ra cho hết, nhưng họ đã không có đủ điều kiện và thời gian. Bởi vậy mà tướng Nguyễn Việt Thành và một số cán bộ tham gia Ban chuyên án thời gian qua đã bị chính những kẻ “xã hội đỏ” chưa lộ nguyên hình tìm cách trả thù. Đám “xã hội đỏ” kia còn đem thù riêng giáng lên đầu các nhà báo trong vụ PMU18, tôi sẽ nói vào một dịp khác.
Hơn ai hết, ông Sáu Dân biết rõ sự nguy hại khôn lường đối với đất nước nếu như đường dây bảo kê cho Năm Cam không triệt phá tận gốc. Ông đã giao cho anh Nguyễn Công Khế một tập hồ sơ dày 700 trang về những manh mối dây mơ rễ má của mạng lưới bảo kê cho tội phạm. Anh Khế đem về giao cho tôi nghiên cứu. Sau đó, ông Sáu Dân còn gọi tôi đến nhiều lần, nói rõ thêm về một số nhân vật, trong đó có người quyền lực còn to hơn ba cán bộ cấp cao bị khởi tố. Tôi đã viết bài về nhân vật đó, nhưng bài này không đăng được, không phải vì Tổng Biên tập run tay, mà anh vừa biết tin nhân vật này đang bị bệnh nặng, anh bảo đợi ông ấy khỏe lại rồi sẽ đăng, nhưng một thời gian sau thì ông ấy qua đời và bài báo đó không bao giờ xuất hiện.
Như mọi người đã biết, ngay sau khi Năm Cam bị bắt, tướng Nguyễn Việt Thành đã bị ông Năm Huy mắng te tua. Hồi đó người lãnh đạo cao nhất không có quyết tâm “đốt lò”, người quyết liệt ở vị trí cao nhất ngoài Hà Nội theo tôi biết là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Trương Vĩnh Trọng. Ở TP.HCM có ông Sáu Phong bí thư Thành ủy. Bộ Công an có tướng Lê Thế Tiệm. Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng có ông Vũ Quốc Hùng. Còn những người khác nữa nhưng tôi không biết. Những nỗ lực của họ chưa đủ tạo ra một quyết tâm chính trị thống nhất ở cấp cao nhất. Họ đã phải tranh thủ sự hậu thuẫn bằng chính những chứng cứ đanh thép từ kết quả điều tra. Khi đường dây bảo kê được phăng ra ánh sáng mới tạo ra sự đồng thuận, chứ không phải có sự đồng thuận từ đầu. Bởi vậy mà ông Năm Huy sau khi mắng tướng Nguyễn Việt Thành, đã sử dụng cơ quan ngôn luận của Bộ Công an để cố tình làm lệch hồ sơ vụ án. Một loạt bài về về vụ án Năm Cam đăng trên một ấn phẩm được viết theo hướng chạy tội cho ông Năm Huy. Ngay sau đó Thanh Niên đã đăng một bài phỏng vấn tướng Nguyễn Việt Thành kèm theo hình vị tướng này chỉ thẳng tay trên trang nhất cạnh dòng tít “Không được làm sai lệch hồ sơ vụ án !”. Ông Bùi Quốc Huy đã phản đối bài báo đó với Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, nói hình ông Nguyễn Việt Thành “như tướng ngụy”.
Tôi không muốn rước thêm kẻ thù gây thêm nguy hiểm cho Thanh Niên, vì lúc đó cũng thấy lạnh gáy, nên có nhờ báo Nông thôn ngày nay (NTNN) “tiếp sức”. Tổng biên tập báo này đề nghị tôi viết bài, lấy một bút danh khác để phản công mưu đồ làm sai lệch hồ sơ vụ án. Và một loạt bài đã đăng trên NTNN phân tích từng điểm một sự ngụy biện của loạt bài đăng trên ấn phẩm nói trên của Bộ Công an. Một cuộc bút chiến nảy lửa đã diễn ra. Tác giả và những người phụ trách ấn phẩm kia không dừng lại trên mặt báo, họ còn dùng thủ đoạn đánh sau lưng. Họ đến gặp lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam và lãnh đạo Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương đề nghị cách chức Tổng Biên tập NTNN. Nhưng thủ đoạn của họ đã không mang lại kết quả như họ mong muốn. Và họ biết chính tôi là tác giả của loạt bài đăng trên NTNN nên phát đi lời hăm dọa, rằng sẽ “xin tí huyết” của tôi nếu tôi ra Hà Nội. Một đồng nghiệp đã cho tôi biết sự hăm dọa này. Cuối cùng thì những gì đã diễn ra trong bản Cáo trạng của vụ án đã chứng minh loạt bài trên NTNN hoàn toàn chính xác. Tôi không tiện nhắc tên tác giả và người phụ trách ấn phẩm nói trên, các anh ấy bây giờ đã nghỉ hưu. Tôi nghĩ các anh ấy chẳng thù oán gì với tôi và tôi trước sau cũng không có thù oán gì với các anh ấy. Tôi nhắc lại chuyện này để thấy sự phức tạp của sự kiện mà thôi.
Một số người cho rằng sở dĩ Thanh Niên “làm manh” vụ Năm Cam là do Năm Cam từng có kế hoạch sát hại anh Nguyễn Công Khế, cho nên anh có tư thù. Nói như vậy là cố tình làm cho sự kiện bị hiểu sai bản chất. Anh Khế trước sau không có tư thù gì với Nam Cam. Sở dĩ Năm Cam muốn tiêu diệt anh Khế vì Năm Cam không mua chuộc được anh. Bằng chứng là thời kỳ năm 1995, tại TP.HCM chỉ một mình báo Thanh Niên đơn độc vạch trần đường dây tội phạm Năm Cam, và như đã nói, ở Hà Nội cũng chỉ có báo Tiền phong tiếp sức. Tất nhiên điều đó không có nghĩa là tất cả các báo không đăng bài về đường dây tội ác này lúc đó đều bị Năm Cam mua chuộc được, chỉ có bằng chứng một số thôi, số còn lại có lẽ không nắm chắc vấn đề hoặc e ngại đám bảo kê cho Năm Cam thế lực quá lớn. Bởi vậy mặc dù có hàng rào bảo kê dày đặc nhưng nếu anh Khế còn tồn tại thì Năm Cam vẫn cảm thấy không an tâm. Tôi sẽ đề cập chi tiết những lần Năm Cam sát hại anh Khế không thành và việc anh Khế đã bị đám “xã hội đỏ” trả thù như thế nào ở những phần tiếp theo (còn tiếp)
HOÀNG HẢI VÂN
Tấm hình này nhà báo Ngọc Hải chụp trong một lần ông Sáu Dân gọi tôi sang làm việc.
Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang ngồi


Nếu không bắt Năm Cam lần 2, Nguyễn Công Khế có thể đã bị sát hại

Chuyện ở Báo Thanh Niên (3)

Một trong những sự kiện mang tính lịch sử của Báo Thanh Niên là cuộc đấu tranh với tập đoàn tội phạm Năm Cam. Thanh Niên là tờ báo đầu tiên phanh phui các hoạt động tội phạm này từ năm 1995, hồi đó Thanh Niên đấu tranh đơn độc, kết quả là Thanh Niên đã thất bại, Năm Cam được thả tự do để tiếp tục mở rộng tội ác. 7 năm sau, Thanh Niên lại sát cánh cùng các cơ quan bảo vệ pháp luật tiếp tục tấn công vào tập đoàn Năm Cam khi chúng đã trở nên khét tiếng với đầy đủ vây cánh cùng hàng rào bảo kê chắc chắn. Đừng ai quên rằng, nếu Năm Cam và đồng bọn không bị bắt lần thứ hai để đem ra xét xử thì rất có khả năng Nguyễn Công Khế đã bị chúng sát hại.

Bài viết sau đây của tui nói lên một phần sự cam go của Báo Thanh Niên và của Tổng Biên tập Nguyễn Công Khế xung quanh vụ án này. Bài đã đăng trên Thanh Niên Xuân 2004.

Tản mạn cuối năm về vụ Năm Cam

HOÀNG HẢI VÂN

1. Nhà báo Clare Arthurs, phóng viên hãng BBC (Anh) hỏi tôi khi viết những bài vạch trần sai phạm của các cán bộ cấp cao như Trần Mai Hạnh, Bùi Quốc Huy, Phạm Sỹ Chiến lúc những nhân vật ấy còn đương chức, Báo Thanh Niên có bị ai "làm khó dễ" không, tôi trả lời "không", không ai làm khó dễ cả. Hỏi: "Có bị ai ngăn cản không?". Trả lời: "Cũng không".

Một số đồng nghiệp khác cũng thắc mắc rằng, ông Nguyễn Công Khế có được ai "bật đèn xanh" không mà dám quyết định cho đăng những bài "động trời" như vậy, xin trả lời: "Cũng không nốt". Tuy rằng có một chuyện. Đó là bài viết về ông Trần Mai Hạnh, lẽ ra đã đăng trước đó một tuần, nhưng vì "lộ" thông tin, nên lúc báo đã lên khuôn có người gọi điện đến khuyên "dừng lại". Tổng biên tập phải tạm thời cho dừng lại, không phải vì "sợ", mà để kiểm tra vì sao thông tin bị "lộ".

Viết bài đó tôi có trích dẫn một số câu nói của ông Sáu Dân (cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt), trong đó có câu "Tôi đem chức Thủ tướng ra thế chấp...", nên tôi phải mang cho ông xem lại để tránh chuyện "tam sao thất bổn". Đó là những ngày cuối tháng 4/2002. Ông Khế bảo sẽ đăng vào một thời gian thích hợp. "Thời gian thích hợp" đó là ngày 2/5, vì trước đó là ngày lễ mừng chiến thắng 30/4 và Quốc tế Lao động.

Báo Thanh Niên làm việc "mạo hiểm" này với tất cả trách nhiệm đối với đất nước và tin tưởng vào lẽ phải. Sau khi đăng bài báo đó, chúng tôi không có ý định đăng tiếp vì bài đó cũng đã nêu đủ thông tin để các cơ quan chức năng xem xét về ông Trần Mai Hạnh. Lúc đó đang chuẩn bị bầu cử Quốc hội, ông Trần Mai Hạnh là ứng cử viên đang tiếp xúc với cử tri, nên các cơ quan chức năng không thể không có kết luận sớm. Song do ông Đỗ Khánh Toàn, Ủy viên thường vụ thường trực Hội Nhà báo kiêm Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo mà Thanh Niên phải tiếp tục đăng những bài viết về ông Hạnh.

Là vì ông Toàn yêu cầu Thanh Niên đăng nguyên văn bản giải thích của thường trực Hội Nhà báo Việt Nam do ông ký bảo vệ ông Trần Mai Hạnh. Chúng tôi buộc phải đăng theo Luật Báo chí và tất nhiên phải tiếp tục làm rõ những luận điểm sai trái trong văn bản của thường trực Hội Nhà báo. Cũng tại thời điểm này, tôi đến phỏng vấn ông Sáu Dân và có bài Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói về vụ án Năm Cam đăng trên Thanh Niên chủ nhật, trong đó có đề cập chuyện của ông Trần Mai Hạnh.

Đọc bài viết đầu tiên về Trần Mai Hạnh đăng trên Thanh Niên, ông Sáu Dân bảo Báo Thanh Niên đã "phá một cái lệ". Bởi vạch trần sai phạm của một Ủy viên Trung ương Đảng trên báo chí khi cơ quan có thẩm quyền chưa chính thức có kết luận là một việc chưa từng có trước đó, mặc dù luật pháp không "cấm" làm việc này.

2. Sau bài viết về ông Trần Mai Hạnh và Phạm Sỹ Chiến, Báo Thanh Niên cũng là tờ báo đầu tiên đăng bài về sai phạm của ông Bùi Quốc Huy (Năm Huy), lúc đó là trung tướng Thứ trưởng Bộ Công an và cũng là một Ủy viên Trung ương Đảng. Bài tôi viết không dài, nhưng đăng xong nhiều người không khỏi cảm thấy "lạnh gáy". Trước đó dư luận trong và ngoài ngành công an bàn tán nhiều về việc ông Năm Huy "dính" với Hồ Việt Sử và với Năm Cam, nhiều người bức xúc đến phẫn nộ khi nhìn Năm Cam bị bắt còn Năm Huy thì được thăng trung tướng. Sau khi đọc bài báo, thượng tá Nguyễn Hữu Ngọc, người trực tiếp bắt Năm Cam hồi năm 1995 và là một trong những người hiểu rõ nhất những dây mơ rễ má xung quanh đường dây tội ác này, đã gọi điện cho tôi bảo: "Chính xác, nhưng viết ít quá". Ông Ngọc "xúi" chúng tôi viết tiếp để các cơ quan có thẩm quyền "có cơ sở hiểu thêm về ông Năm Huy", nhưng ông không cung cấp bất cứ thông tin gì. Ông Ngọc là người biết rất nhiều thông tin, nhưng ông rất "khôn", tuyệt đối không bao giờ "hé" cho báo chí biết.

Ai cũng biết Bùi Quốc Huy là một nhân vật có quyền lực rất lớn trong ngành công an. Quyết định cho đăng bài đó, Tổng biên tập phải đứng trước sự lựa chọn hết sức cam go và không thể nói là không "run tay". Trước khi đăng bài đó, ông Khế có gọi điện trao đổi với một cán bộ lãnh đạo cấp cao đang ở thành phố, người biết rất rõ những sai phạm của ông Bùi Quốc Huy. Người này khuyên ông Khế: "Với tư cách là người lãnh đạo, tôi thấy anh cho đăng bài đó là có lợi cho công việc chung, có lợi cho việc chỉnh đốn Đảng. Nhưng với tư cách là một người bạn, tôi khuyên anh phải xem xét kỹ, vì có thể sự việc này không phải ai cũng hiểu và có thông tin giống nhau, nên rất bất lợi cho anh”. Lời khuyên ấy quả là chân tình. Ông Khế nghe câu đó và quyết định cho đăng. "Có lợi cho công việc chung" thì được rồi, ông chấp nhận tất cả. Cuối năm ngoái, có người đề nghị “cắt thi đua” đối với tôi, lý do là tôi đã viết bài về Bùi Quốc Huy “làm lộ bí mật”. Nghe chuyện đó, ông Khế bực mình tuyên bố trước cơ quan: “Nếu kỷ luật Hoàng Hải Vân thì trước hết phải kỷ luật tôi, vì tôi chỉ đạo viết bài đó”. Cuối cùng thì cũng không ai kết luận Báo Thanh Niên “làm lộ bí mật”, vì sự thật không phải như vậy.

3. Ông Tư Bốn (tướng Nguyễn Việt Thành) là một trong những người đọc những bài viết về vụ Năm Cam trên Báo Thanh Niên kỹ nhất và tâm đắc nhất. Thỉnh thoảng không thấy báo đăng, ông gọi điện cho ông Nguyễn Công Khế, hỏi: "Báo các anh có thông tin gì mới không?". Những lúc đó ông Khế nói: "Ông không cung cấp thông tin thì làm gì có thông tin mới". Ông Tư Bốn cười trừ, bảo: "Không thể cung cấp được...". Thực tế là ngoại trừ những bài trả lời phỏng vấn một cách dè dặt và những thông tin được công bố trong các cuộc họp báo, ông Tư Bốn cũng như những người trong Ban chuyên án tuyệt đối không cung cấp bất cứ một thông tin gì về vụ án cho Báo Thanh Niên. Rất nhiều chuyện liên quan đến vụ án, chúng tôi phải làm những cuộc điều tra riêng, đôi khi đến hỏi ông để xác minh, ông không "gật" cũng không "lắc" mà né sang chuyện khác. Quan hệ giữa ông Nguyễn Công Khế với ông Tư Bốn là "đồng thanh tương ứng", nhưng cả hai ông đều rất có nguyên tắc. Chỉ duy nhất một chuyện ông Tư Bốn cung cấp thông tin cho chúng tôi, đó là việc Năm Cam vạch kế hoạch sát hại bản thân ông và ông Nguyễn Công Khế. Ông nói chuyện đó nhưng yêu cầu không được đăng lên báo, đăng chuyện đó lên là không có lợi, vì có thể ai đó sẽ bảo rằng sở dĩ Tư Bốn và Nguyễn Công Khế "làm mạnh" vụ này là vì hai ông có mối thâm thù cá nhân với Năm Cam. Ông bảo chuyện chúng muốn giết ông và ông Khế là chuyện nhỏ không đáng nói, chuyện chúng làm bất ổn thành phố và gây mất niềm tin của nhân dân vào chính quyền mới là chuyện lớn.

4. Khi chuẩn bị mở phiên tòa sơ thẩm, báo chí nước ngoài thông tin rất nhiều về vụ Năm Cam. Tôi được đọc một bài phỏng vấn một giáo sư người Mỹ. Trả lời câu hỏi hình như báo chí ở Việt Nam "kết tội các bị cáo trước khi các quan tòa kết tội", ông giáo sư nói, đại ý rằng báo chí Việt Nam đã sử dụng tự do báo chí và điều đó không có gì sai cả. Ông giáo sư người Mỹ công nhận Việt Nam có tự do báo chí và ông đã nhận định đúng. Luật pháp Việt Nam không coi một người là có tội khi tòa án chưa phán quyết người đó có tội bằng một bản án. Nhưng luật pháp cũng không cấm công dân tố giác tội phạm, ngược lại tố giác tội phạm là quyền và nghĩa vụ công dân. Tôi đặt ra vấn đề này là vì trong khi tòa xét xử vụ án Năm Cam, đây đó trong giới báo chí xuất hiện một luận điệu phê phán việc báo chí "kết tội" các bị cáo, họ cho rằng phải thông tin "khách quan", từ đó mới xuất hiện một số bài báo mà trong đó tiếng nói của những người bao che cho tội ác được đặt ngang với tiếng nói của những người chống lại tội ác. Báo Thanh Niên là tờ báo đầu tiên vạch trần tội ác của Năm Cam và cảnh báo về tình trạng một số quan chức trong cơ quan công quyền bảo kê cho Năm Cam. Hồi đó còn có Báo Tiền Phong. Báo chí không làm người ngoài cuộc để quan sát, mà tự đặt mình trong cuộc, đứng trong lực lượng đấu tranh chống tội phạm. Đó là thái độ nhất quán trước sau như một của chúng tôi. Và như mọi người đều biết, Năm Cam đã được bảo kê cho thoát tội. Khi Năm Cam ở trong trại cải tạo, đồng bọn Năm Cam liên tiếp đe dọa đặt bom tòa soạn Báo Thanh Niên. Thanh Niên trở thành kẻ thù của đường dây tội ác này.

5. Hồi 1995, Thanh Niên không chỉ đăng một loạt hàng chục bài về đường dây tội ác này, Ban Biên tập Báo Thanh Niên còn viết thư báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về sự lộng hành của đường dây tội ác và những kẻ bảo kê cho chúng. Bức thư đó đã được Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó chuyển cho Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) với lời phê “Phải làm cho quyết liệt”. Khi Bộ Công an cho cán bộ, chiến sĩ đến bảo vệ tòa soạn, trong đó có ông Dương Minh Ngọc làm chỉ huy, ông Khế cũng đã nói với tướng Trịnh Thanh Thiệp (Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) những phân vân của mình về Dương Minh Ngọc. Khi Báo Thanh Niên đăng loạt bài đó, ông Thân Thành Huyện đã quy kết trong một cuộc họp rằng: "Báo Thanh Niên làm rối loạn tình hình của thành phố". Ở TP Hồ Chí Minh hồi đó trong cuộc chiến đấu của báo chí với tập đoàn tội ác Năm Cam, Thanh Niên có lúc đơn độc một mình. Và Năm Cam chỉ ở vài năm trong trại cải tạo rồi được trả tự do, mở rộng hoạt động tội ác, tiếp tục lộng hành.

Những người làm Báo Thanh Niên không có thù hằn với ai. Đã dấn thân vào nghề báo thì đúng phải nói đúng, sai phải nói sai, dù kẻ làm sai là bạn mình cũng phải nói. Ông Khế cũng không thù hằn cá nhân Năm Cam. Một lần gặp Năm Cam tập thể dục trong vườn Tao Đàn, Năm Cam lại bắt tay ông chào hỏi. Ông Khế đã nói một cách tử tế với Năm Cam rằng: "Anh bây giờ phải lo làm ăn đàng hoàng, nếu không coi chừng tái phạm, luật pháp không tha đâu". Năm Cam khúm núm: "Em không làm gì sai, là do cái tiếng của em nó lớn nên người ta nghĩ vậy, em vẫn làm ăn đàng hoàng". Hắn vẫn xưng "em" với ông Khế, mặc dù Năm Cam lớn tuổi hơn ông rất nhiều. Cuộc gặp này Năm Cam cũng có thuật lại với một nhà báo ở thành phố sau đó. Hắn tìm cách tranh thủ, nhưng bên trong thì rất thù ghét Thanh Niên...

6. Bây giờ nghĩ lại mọi chuyện mới thấy... hú hồn. Nếu như các ông Bùi Quốc Huy, Trần Mai Hạnh, Phạm Sỹ Chiến mà không bị xử lý kỷ luật, không bị truy tố và không bị kết án tù thì những người làm Báo Thanh Niên như chúng tôi có được yên ổn không? Chắc chắn là không rồi. "Mỗi buổi sáng coi báo, đọc những bài viết về mấy ông đó, tôi vừa đọc vừa run...", đó là lời một người thân của một phóng viên Báo Thanh Niên nói với tôi.

Còn tôi, không chỉ một lần nghe ông Khế nói câu này: "Cho đăng đi, không có cách nào khác, không thể chấp nhận việc đứng về phía tội ác, không thể làm ngơ trước chuyện hại nước, hại dân được, nếu cần tôi sẵn sàng nghỉ làm Tổng biên tập, chấp nhận về nhà...". Và các phóng viên, biên tập viên, họa sĩ trình bày và nhân viên kỹ thuật của tòa soạn khi nghe những lời đó của Tổng biên tập, bỗng thấy nghề báo là nghề có lý tưởng, là nghề rất có tương lai... Làm tòa soạn tôi biết, mối quan tâm lớn nhất của ông Khế không phải là những chuyện "vụ án", ông quan tâm nhiều nhất đến những vấn đề kinh tế, đến thanh niên tình nguyện, đến giáo dục, đến thể thao, đến văn nghệ... Vì vậy mới có giải U.21 Báo Thanh Niên, vì vậy mới có Duyên dáng Việt Nam vừa tôn vinh nghệ thuật vừa tạo quỹ học bổng cho học sinh, sinh viên. Ông không thích chuyện đấu đá, nhưng nếu cần ông chấp nhận tất cả để bảo vệ lẽ phải. Lúc đó nhiều phóng viên báo chí nước ngoài, trong đó có chị Margo Cohen của Tạp chí Kinh tế Viễn Đông, vì câu chuyện đang sốt dẻo, đã gặp Ban Quốc tế Trung ương Đoàn để đề nghị trực tiếp gặp ông Khế nhưng ông không tiếp xúc. Sau đó, phóng viên này viết một bài trên Kinh tế Viễn Đông nói một ý rất hay ví von rằng Năm Cam đã rủi ro gặp hai “khắc tinh” đó là Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Triết và tướng Nguyễn Việt Thành - hai nhân vật rất kiên quyết trong chống tội phạm có tổ chức của thế giới ngầm. Và đến khi cần thiết, ông Khế cũng phải lên tiếng. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng BBC, phóng viên hỏi: "Khi Thanh Niên đăng bài phê phán sai phạm của các quan chức, khi các quan chức đó bị đưa ra tòa, điều này có làm tổn hại đến chính quyền không?". Ông Khế trả lời: "Điều đó không phải là tổn hại, mà là một thắng lợi của chế độ, bởi khi anh mổ các khối u trong người mình ra thì cơ thể mới phục hồi và cường tráng, hơn là để mầm bệnh nguy hiểm ủ trong người. Chỉ có một chính quyền mạnh và vì dân mới làm được việc đó. Đó là một thắng lợi chứ không thể coi là tổn thất”.

Báo Thanh Niên đã không những không gặp nguy hiểm mà còn được khích lệ. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Trương Vĩnh Trọng, các vị lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, các ban Đảng và lãnh đạo Bộ Công an đã nhiều lần động viên, chia sẻ, bày tỏ sự cảm thông với tập thể Báo Thanh Niên. Vừa rồi, trong cuộc họp tổng kết vụ án Năm Cam của các cơ quan chức năng, ông Trương Vĩnh Trọng, ông Vũ Quốc Hùng (Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng) cùng lãnh đạo nhiều ban, ngành đã nhắc đến vai trò của báo chí, đặc biệt là Báo Thanh Niên đã dày công, đóng góp vào thắng lợi của vụ án. Tại cuộc họp, tướng Lê Thế Tiệm (Thứ trưởng Bộ Công an) - người chỉ đạo kiên quyết vụ án từ đầu - còn nói, kết thúc vụ án này, hòa vào niềm vui của mọi người, có lẽ Báo Thanh Niên là một trong những tập thể vui nhất.

Nhưng kết thúc phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ Năm Cam, ông Khế không vui. Triệt hạ một đường dây tội ác là niềm vui lớn, nhưng không ai vui khi nhìn người khác vào tù. Trong những quan chức bị kết án tù, có người từng là bạn ông. Chính ông Khế đã nhờ ông Tư Bốn giúp cho một người lãnh đạo Báo Nhà báo & Công luận vào trại giam thăm và gửi tiền cho ông Trần Mai Hạnh ngay sau phiên phúc thẩm kết thúc. Sau phiên tòa, thấy nhiều người bị kết án tử hình, nhiều người bị kết án tù, những phóng viên chúng tôi cũng buồn nhưng thấy yên ổn, bởi một khối u rất lớn trên cơ thể đất nước đã bị loại bỏ.

H.H.V

(Bài đăng trên Thanh Niên Xuân 2004)
Nguồn: Hoanghaivan

Tìm kiếm Blog này