Tim thông tin blog này:

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2019

Khái quát về đạo Cao Đài

Giới thiệu khái quát về đạo Cao đài
Tòa thánh Cao đài Tây Ninh
     Đầu thế kỷ XX, chính quyền thực dân Pháp và triều đình phong kiến nhà Nguyễn tăng cường áp bức bóc lột, vơ vét tài nguyên, đàn áp nhân dân để phục vụ lợi ích của chúng. Cuộc sống của nhân dân lao động, đặc biệt là người nông dân Nam bộ bị bần cùng hoá, phải đi làm thuê, làm mướn. Các cuộc đấu tranh của nhân dân đều thất bại. Bất lực trong cuộc sống, khủng hoảng về tư tưởng, đồng thời các tôn giáo và đạo lý đương thời bị suy thoái đây là tiền đề và điều kiện thuận lợi cho sự ra đời của đạo Cao đài.
            Phong trào Thông linh học của phương Tây phát triển nhanh tại Nam bộ, tạo thành phong trào cầu cơ, chấp bút gọi tắt là “cơ bút”. Trong các đàn cơ này, có hai nhóm chính hình thành đạo Cao đài. Nhóm thứ nhất do ông Ngô Minh Chiêu cầu cơ tại các đền, chùa thuộc các nhóm Ngũ chi Minh đạo. Nhóm thứ hai gồm ba ông: Cao Quỳnh Cư, Cao Hoài Sang, Phạm Công Tắc tổ chức xây bàn cầu cơ nhằm mục đích giải trí.
Đến ngày 12/2/1926, trong một bài cơ Đức Thượng đế đã phán dạy hai nhóm cơ bút thống nhất hình thành đạo Cao đài. Ông Ngô Minh Chiêu được Thiên phong phẩm vị Giáo tông đầu tiên của đạo Cao đài.
Ngày 7/10/1926, 28 người đại diện cho 247 tín đồ đã thống nhất ký tên vào Tờ khai đạo gửi chính quyền Pháp. Giữa tháng 11/1926, những chức sắc Thiên phong đầu tiên của đạo Cao đài tổ chức lễ khai đạo tại chùa Gò Kén, Tây Ninh, chính thức cho ra mắt Đại đạo Tam kỳ Phổ độ, gọi tắt là đạo Cao đài.
          Tôn chỉ của đạo Cao đài là "Tam giáo quy nguyên, Ng̣ũ chi hiệp nhất", lấy sự thương yêu làm nền tảng, lấy nhân nghĩa làm phương châm hành đạo, lấy việc phụng sự chúng sinh làm hành động, lấy sự cứu rỗi các chơn linh làm cứu cánh, phấn đấu xây dựng một xã hội đạo đức, an lạc bằng tinh thần thương yêu đồng đạo. Giáo lý của đạo Cao đài đề cao tính thiêng liêng, sự huyền diệu của cơ bút. Luật lệ của đạo Cao đài thực hiện theo Tân luật, Pháp Chánh truyền. Lễ nghi của đạo Cao đài khá cầu kì thể hiện tinh thần Tam giáo đồng nguyên. Đạo Cao đài thờ Thiên nhãn, có nghĩa là “mắt trời”, biểu tượng Đức Chí Tôn của đạo Cao đài. Cơ sở thờ tự có Toà thánh ở Trung ương giáo hội và thánh thất (thánh tịnh, điện thờ Phật Mẫu) ở Họ đạo cơ sở.
          Mô hình tổ chức của đạo Cao đài theo 3 đài: Bát Quát đài là đài vô vi thờ Đức Chí Tôn (Thiên nhãn) và Phật, Tiên, Thánh, Thần; Hiệp Thiên đài là cơ quan bảo pháp có hai chức năng thông công giữa Bát Quát đài và Cửu Trùng đài và bảo vệ pháp luật Đạo, đồng thời giám sát các hoạt động của cơ quan Cửu Trùng đài, đứng đầu Hiệp Thiên đài là phẩm Hộ pháp; Cửu Trùng đài là cơ quan hành pháp, tổ chức hữu hình của đạo Cao đài, gồm 09 Viện và 9 phẩm, đứng đầu Cửu Trùng đài là phẩm Giáo tông.
Sau ngày khai đạo, những chức sắc lãnh đạo giáo hội Cao đài tiến hành xây dựng Toà thánh, phát triển các thánh thất, điện thờ, xây dựng giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức Giáo hội. Trong 2 năm 1926 - 1927, thông qua cơ bút đạo Cao đài đã tập trung xây dựng xong hai văn bản quan trọng qui định luật lệ, lễ nghi và tổ chức Giáo hội là Pháp Chánh truyền và Tân luật. Vì vậy, đến năm 1930 hoạt động tại Toà thánh dần dần đ­ược củng cố và đi vào nề nếp, những chức sắc thư­ờng trực đã thực hiện theo đúng chức năng nhiệm vụ, các cơ sở đạo phát triển, tổ chức Giáo hội hình thành từ Trung ương đến cơ sở theo 5 cấp hành chính đạo.
Từ 1931 đến 1934, mâu thuẫn giữa một số chức sắc Hiệp Thiên đài và Cửu Trùng đài ngày càng nặng nề, tình hình nội bộ Giáo hội mất đoàn kết ngày càng tăng, một số chức sắc cao cấp bất đồng với Toà thánh đã tự hoạt động theo ý riêng, tiến hành lập nhiều đàn cơ để lôi kéo tín đồ. Vì vậy, nội bộ chức sắc xuất hiện t­ư tư­ởng ly khai khỏi Toà thánh như­ các ông Nguyễn Văn Ca, Nguyễn Hữu Chính, Trần Đạo Quang, Nguyễn Ngọc T­ương, Lê Bá Trang, các vị chức sắc rời Toà thánh Tây Ninh về các địa phư­ơng lập ra các chi phái Cao đài mới như: Cao đài Ban Chỉnh đạo, Cao đài Tiên Thiên, Cao đài Chơn lý, Cao đài Minh Chơn đạo, Cao đài Bạch y...
Giai đoạn từ 1935 đến 1975, đạo Cao đài phát triển mạnh mẽ nhất nhưng cũng xảy ra tình trạng phân chia thành nhiều chi phái, đã có lúc lên đến hơn 30 phái Cao đài khác nhau. Số lượng tín đồ đạo Cao đài cũng phát triển nhanh chóng đến hơn 2 triệu người, tập trung chủ yếu ở Nam bộ và một vài tỉnh ở miền Trung, miền Bắc.
Giai đoạn từ năm 1975 đến nay: sau năm 1975, các phái Cao đài không hoạt động theo mô hình tổ chức cũ. Các Hội thánh Cao đài xây dựng tổ chức hành chính đạo theo hai cấp: cấp Trung ương là Hội thánh, cấp cơ sở là Họ đạo. Từ năm 1995 đến năm 2000, lần lượt 09 Hội thánh Cao đài có đông chức sắc, tín đồ tổ chức Đại hội thông qua Hiến chương, chương trình hành đạo, xây dựng tổ chức giáo hội 2 cấp, hoạt động theo 3 Hội: Thượng hội, Hội thánh, Hội Nhơn sanh và xác định đường hướng hành đạo “Nước vinh, Đạo sáng”.
Hiện nay, đạo Cao đài có 09 Hội thánh có tổ chức giáo hội gồm: Cao đài Tây Ninh, Cao đài Ban Chỉnh đạo, Cao đài Tiên Thiên, Cao đài Minh Chơn đạo, Truyền giáo Cao đài, Cao đài Cầu Kho Tam Quan, Cao đài Chơn lý, Cao đài Chiếu Minh Long Châu, Cao đài Bạch y.
Ngoài ra, đạo Cao đài còn có tổ chức Pháp môn Cao đài Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi là pháp môn tu hành của đạo Cao đài theo “Nội giáo tâm truyền” không có chức sắc, không lập giáo hội, chỉ chuyên tu tâm, luyện tánh theo truyền dạy của ông Ngô Minh Chiêu (được công nhận năm 2010). Giáo hội Cao đài Việt Nam (Bình Đức) cũng là một phái Cao đài có tổ chức giáo hội 02 cấp nhưng mới được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo năm 2009.
Bên cạnh các tổ chức giáo hội, đạo Cao đài còn có trên 20 tổ chức Cao đài hoạt động độc lập không phụ thuộc vào các tổ chức Hội thánh nêu trên như: Cao đài Thượng đế, Cao Thượng Bửu Toà, Nam Thành Thánh Thất, Cơ quan Phổ thông giáo lý Đại đạo, Liên Hoa Cửu Cung Thiên đạo học đường, Thánh tịnh Tân Minh Quang, Thánh tịnh Huỳnh Quang Sắc, Thánh tịnh Thiên Trước, Thánh thất Bàu Sen.
Theo thống kê năm 2009 của các tổ chức Cao đài, đến nay đạo Cao đài có trên 1 vạn chức sắc, gần 3 vạn chức việc, khoảng 2,4 triệu tín đồ, với 958 tổ chức Họ đạo cơ sở được công nhận ở 35/38 tỉnh, thành phố có đạo Cao đài, thành lập 65 Ban Đại diện, 1.290 cơ sở thờ tự (hàng năm có khoảng 4 ngàn tín đồ mới nhập môn vào đạo Cao đài).
Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, đông đảo chức sắc, tín đồ đạo Cao đài đã tích cực tham gia đóng góp sức người, sức của vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đồng bào đạo Cao đài đang cùng toàn dân tham gia vào công cuộc đổi mới, góp phần xây dựng đất nước./.
                                                                            Nguyễn Thị Diệu Thúy
                                                                         Chuyên viên Vụ Cao đài

Một số đặc điểm văn hóa của đạo Cao đài

Đạo Cao Đài là tôn giáo do người Việt Nam sáng lập năm 1926 tại Tây Ninh nên mang đặc điểm văn hoá của cư dân Nam Bộ. Mục đích của Đạo Cao Đài nhằm đưa chân lý của các tôn giáo chân chính hướng dẫn con người sống có đạo đức, hoàn thiện hóa bản thân, xã hội và giải thoát linh hồn hướng tới một con người chuẩn mực, toàn diện, đạo đức, đoàn kết xây dựng xã hội hòa bình, an lạc.

Đạo Cao Đài chủ trương tôn trọng tín ngưỡng của các tôn giáo và nêu nguyên lý chung của tôn giáo là đề cao đạo đức, lối sống nhân ái, thương yêu nhằm giác ngộ nhân loại toàn cầu. Với tư tưởng đó, chỉ sau thời gian ngắn, Đạo Cao Đài đã thu hút hàng triệu tín đồ nhập môn vào Đạo. Quá trình hình thành và phát triển của Đạo Cao Đài đã góp phần làm đa dạng, phong phú nền văn hoá Việt Nam.

Dưới góc nhìn văn hoá thì Đạo Cao Đài là một tôn giáo mang các giá trị văn hóa đặc trưng của cư dân Nam Bộ. Trong đó có 9 đặc điểm của Đạo Cao Đài được biểu hiện qua các giá trị cụ thể là: tính toàn cầu trong tôn giáo, tính triết lý về quan điểm vạn giáo nhất lý, tính triết học trong nhân sinh quan, tính văn minh trong nghi lễ, tính chung thủy trong gia đình, tính dân chủ trong sinh hoạt, tính dân tộc trong  lễ nhạc, tính văn hóa vật thể trong kiến trúc, tính truyền thống trong việc nhập thế phụng sự nhân sinh.
Đạo Cao Đài là tôn giáo có tính toàn cầu được thể hiện ngay trong việc thờ Thiên nhãn, có nghĩa là con mắt Trời, biểu tượng qua hình ảnh con mắt mở của con người để nhìn thấu rõ mọi việc ở thế gian. Điều này giúp con người phải trung thực trước hành động của mình, mọi sự vật, hiện tượng của sự sống đều được Thượng Đế biết đến, lương tâm và hành vi của con người luôn được soi xét mọi lúc, mọi nơi. Với đức tin có Đấng Thượng Đế Cao Đài, người tín đồ Cao Đài luôn luôn hướng thiện, tu chỉnh bản thân để sống đạo đức, thương yêu nhân loại. Mỗi người chúng ta dù ở bất kỳ quốc gia, dân tộc nào trên địa cầu đều có con mắt để nhìn, để sống trong môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và đều trân trọng con mắt. Để thấy sự vật hiện tượng và có nhận thức, tư duy về các sự vật hiện tượng đó, con người cần đôi mắt để nhận biết. Tại sao chỉ thờ một con mắt chứ không phải là hai con mắt. Đạo Cao Đài thờ Thiên nhãn có nghĩa là mắt trời, tượng trưng là con mắt người, nên thờ một con mắt bởi số 1 là số bắt đầu của vũ trụ (Thái Cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quát sinh vô cùng). Số 1 thuộc về dương, là ngôi Thái cực, ngôi độc nhất trong càn khôn vũ trụ. Vẽ mắt trái là bởi bên trái thuộc về dương, bên phải thuộc về âm. Đức Chí Tôn chưởng quản khí dương nên mắt trái tượng trưng Đức Chí Tôn. Như vậy, Thiên nhãn tượng trưng cho ánh sáng tỏa khắp vũ trụ, cho sự minh bạch, trung thực của con người.
 Đạo Cao Đài quan niệm rằng các tôn giáo trên thế giới đều từ một gốc sinh ra, cùng thờ Đấng Thượng Đế Tối Cao tức là ông Trời, Ngọc Hoàng Thượng Đế, hay Đức Chúa Trời,... Đạo Cao Đài đã kế thừa và dung hòa những tư tưởng căn bản của các tôn giáo trên thế giới. Trên bàn thờ của Đạo Cao Đài có các Đấng Phật, Tiên, Thánh, Thần đại diện của các tôn giáo là Phật giáo, Lão giáo, Nho giáo tượng trưng cho quan điểm Tam giáo đồng nguyên hay Vạn giáo nhất lý, tức là các tôn giáo đều có chung một chân lý để giác ngộ nhân loại toàn cầu hướng đến sự hoàn thiện, hoàn mỹ của con người.
          Đạo Cao Đài có tính triết học thể hiện việc sử dụng hiện tượng Thông linh học để sáng tạo ra một tôn giáo với nhiều yếu tố liên quan đến phong trào cơ bút, con người có thể và có khả năng giao cảm giữa người sống và người chết, nhưng không phải là mê tín dị đoan. Khoa học thế giới đã chứng minh sự hiện hữu của linh hồn trong mỗi con người, người chết rồi vẫn tồn tại linh hồn. Trong con người có ba thể: thể xác (hữu hình), chơn thần (bán hữu hình) và linh hồn (vô hình). Chơn thần làm trung gian cho thể xác và linh hồn và là điểm mới trong giáo lý của Đạo Cao Đài để lý giải các hiện tượng của con người từ vật chất đến tinh thần, từ hữu hình qua vô hình. Hiện nay, Đạo Cao Đài không sử dụng cơ bút nữa mà thay vào đó là việc tập thể chức sắc quyết định những việc quan trọng của Đạo bằng hình thức nhóm họp, bàn bạc, cùng thống nhất thể hiện sự dân chủ, bình đẳng của con người trong xã hội hiện đại, văn minh.
Đạo Cao Đài là một tôn giáo tiến bộ, văn minh. Trong sinh hoạt cúng lễ không dùng đồ xa xỉ, chỉ dùng toàn đồ mầu trắng. Việc cúng tế vong linh tại các đàn lễ dùng toàn đồ chay. Lễ cầu siêu vong linh cho người tín đồ Cao Đài quy vị từ tuần cửu đến Đại tường (581 ngày) là mãn tang. Trong khi đó, theo phong tục Việt Nam để tang là 3 năm (1095 ngày) gấp đôi thời gian theo quy định của Đạo Cao Đài. Vì vậy, thời gian chịu tang của người Đạo Cao Đài rút gắn được một nửa và dành thời gian để làm ăn, sinh hoạt không nặng nề về việc sinh ly tử biệt. Tân luật quy định: “Việc cầu siêu vong linh trong tuần cửu cửu (81 ngày), tiểu tường (200 ngày) đến Đại tường (300 ngày) là mãn tang”[1]. Đạo Cao Đài không mê tín dị đoan, cấm kỵ việc dùng bói toán, đồng cốt, giết sinh vật tế lễ, không dùng vàng mã. Để dâng lên Đức Chí Tôn lòng tín thành, người đạo Cao Đài dùng tam bửu là ba món quý báu nhất của con người gồm tinh khí thần qua ba thứ: bông rượu trà. Bông (hoa) tượng trưng cho hình thể hữu vi (thể xác) tức là Tinh. Rượu tượng trưng cho trí khôn tức là Khí. Trà tượng trưng cho linh hồn tức là Thần. Đức Cao Đài dạy rằng: “Thầy chẳng dùng sự chi mà thế gian mà thế gian gọi là tà quái dị đoan, nếu có xảy ra một ít dị đoan trong Đạo đã dùng lỡ, ấy là tại nơi tâm của một vài môn đệ, nếu chẳng giữ theo lẽ Chánh mà hành Đạo và bày biện nhiều sự vô lối thì trong ít năm sau sẽ trở nên một mối Tả Đạo”[2].
Đạo Cao Đài đề cao tính chung thủy của con người trong cuộc sống gia đình, mỗi người chỉ một vợ một chồng. Khi trở thành chức sắc thì luật đạo quy định “Cấm vợ chồng bỏ nhau” nên chức sắc Đạo Cao Đài thường thủy chung với gia đình. Mặt khác, Đạo Cao Đài khuyên người đi tu để làm điều có ích cho gia đình, xã hội, trở thành người hiểu lẽ đời, lẽ đạo, học lối sống đạo đức trong sáng, tiến bộ, văn minh, không làm hại đến gia đình làm cho vợ chồng ly tán, chia lìa. Tân luật của Đạo Cao Đài quy định: "Cấm người trong Đạo, từ ngày ban hành luật này về sau, không được cưới hầu thiếp. Rủi có chích lẻ giữa đường thì được chấp nối, …Vợ chồng người Đạo không được để bỏ nhau”[3].
Trong giao tiếp hàng ngày, người Đạo Cao Đài xưng hô với nhau thân thiện, gần gũi không quan cách. Giáo tông là người đứng đầu trong Đạo xưng là anh Cả, còn các vị chức sắc xưng với người tín đồ là anh là chị. Người tín đồ gọi chức sắc là anh lớn, chị lớn. Đức Cao Đài khi xuất hiện qua “cơ bút” xưng với các đệ tử là Thầy, như là người hướng dẫn, chỉ dạy cho tín đồ, chứ không xưng là Đấng Tối Cao, Đấng Chúa Trời. Đây là cách xưng hô thể hiện tôn giáo Cao Đài không có sự phân biệt giai cấp trong sinh hoạt hàng ngày, họ sống dân chủ, bình dân trong giao tiếp, và trở thành những người tu hành sống chan hoà không có khoảng cách người trên, kẻ dưới, người đồng đạo coi nhau như anh em. Điều này khác biệt với một số tôn giáo, chức sắc, nhà tu hành, tín đồ gọi nhau là Cha, mẹ bề trên, thầy,…
Đạo Cao Đài cũng sáng tạo ra văn hoá tinh thần riêng của tôn giáo. Kinh, lễ nhạc của Đạo Cao Đài cũng mang âm hưởng của dân gian Nam Bộ với điệu nam xuân, nam ai, thể thơ song thất lục bát, thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú,... Khi hành lễ người Đạo Cao Đài luôn có ban lễ nhạc với các dụng cụ âm nhạc truyền thống như đàn cò, đàn kìm, phách, sáo, nhị,… để thể hiện giai điệu dân tộc và ban đồng nhi đọc kinh. Ngày 11.10.1996, trong buổi nói chuyện về nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam và nhạc lễ Cao Đài tại Thánh thất Từ Vân (Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh), Giáo sư Trần Văn Khê nhắc lại kỷ niệm về thời nhỏ ở Vĩnh Long với các chức sắc Cao Đài như Đầu sư Nguyễn Văn Ngợi (Cao Đài Tiên Thiên) và Trần Văn Quế (Truyền Giáo Cao Đài). Ông nói : “ Tôi viết thơ cho thầy tôi là Trần Văn Quế, xin thầy cho biết rõ coi trong đạo Cao Đài tổ chức việc nhạc như thế nào. Một hôm, thầy tôi gửi cho tôi một bức thư trong đó có chép lại một bài cơ bút đã giáng xuống [quy] định cho tất cả nhạc trong đạo Cao Đài. Lần đó tôi mới giựt mình thấy tất cả nhạc Cao Đài đều do nhạc trong dân gian Việt Nam, trong truyền thống Việt Nam đưa vào, không phải từ phương xa tới, không phải từ một nước ngoài đi tới. Chính từ trong dân gian mà đưa ra, …Tôi biết chắc căn bản âm nhạc Cao Đài như thế nào. Tôi mới hiểu tại sao có điệu ai, tại sao có điệu oán, tại sao có điệu xuân… Tất cả các điệu nhạc lễ đều có mặt trong nghi lễ của đạo Cao Đài mà [còn là] âm nhạc trong phong cách nhạc lễ miền Nam Việt Nam chứ không phải miền Trung hay miền Bắc. Tức là âm nhạc trong đạo Cao Đài dựa vào âm nhạc truyền thống dân gian của miền Nam một cách rõ ràng”.
Đạo Cao Đài còn tạo ra nét văn hoá vật chất độc đáo. Kiến trúc Toà thánh Tây Ninh và các Thánh thất Cao Đài với hai lầu chuông trống, có tam đài (Bát quát đài, Cửu trùng đài, Hiệp thiên đài) cùng mầu sắc, trang trí hoa văn kết hợp giữa truyền thống dân tộc và nét hiện đại đã trở thành một bộ phận trong cấu trúc văn hoá Nam Bộ, đem lại bản sắc riêng của tôn giáo ra đời tại Việt Nam. Người Cao Đài ăn mặc theo truyền thống người Việt Nam, khăn đóng mầu đen, áo dài truyền thống mầu trắng, nam để râu tóc.
Đạo Cao Đài thực hiện mục tiêu sứ mạng vi nhân là phụng sự xã hội, dân tộc, đất nước. Trong đời sống xã hội, người đạo Cao Đài hướng tới xây dựng cuộc đời thánh đức. Bên cạnh việc tu hành, người đạo Cao Đài còn thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm với Tổ quốc. Khi đất nước bị xâm lược, người đạo Cao Đài sẵn sàng thực hiện sứ mạng với dân tộc, tích cực tham gia phong trào kháng chiến giải phóng dân tộc. Năm 1946, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng ngàn tín đồ Cao Đài Minh Chơn đạo dưới sự lãnh đạo của Chưởng pháp Cao Triều Phát xây dựng Mặt trận Giồng Bốm, Bạc Liêu đã anh dũng đứng lên chống lại quân xâm lược. Tiếng súng kháng chiến ở Mặt trận Giồng Bốm trở thành một trong những trận đánh lớn nhất ở miền Tây Nam Bộ thời kỳ đầu Nam Bộ kháng chiến chống Pháp. Đội quân áo trắng đã tiêu diệt được hơn 100 tên địch đồng thời viết nên một trang sử vẻ vang về Đạo Cao Đài. Ý chí quật cường, hi sinh anh dũng của nghĩa quân "áo trắng" gây tiếng vang lớn khắp vùng, trở thành nguồn cổ vũ, khích lệ tinh thần "phụng đạo, yêu nước" trong quần chúng tín đồ Cao Đài và lan rộng đến các phái Cao Đài ở Nam Bộ. Từ đây, Đạo Cao Đài nói chung và Cao Đài Minh Chơn đạo nói riêng đã trở thành một lực lượng quần chúng yêu nước có đóng góp đáng kể vào phong trào kháng chiến cứu quốc và có ảnh hưởng tích cực tới tinh thần yêu nước của nhân dân Nam bộ. Giá trị văn hoá tinh thần của người Đạo Cao Đài được hun đúc từ truyền thống chống giặc ngoại xâm và còn đến ngày nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Có thể nói, Đạo Cao Đài là tôn giáo  vai trò nhất định trong các tôn giáo ở Việt Nam và có tác động tích cực đến văn hoá của cư dân Nam Bộ. Hình ảnh người tín đồ Cao Đài mặc áo dài trắng, Tòa thánh Tây Ninh và những Thánh thất Cao Đài với hai lầu chuông trống, chiếc thuyền bát nhã hình con rồng đưa vong linh tiễn biệt người quá vãng trong đạo, tiếng kinh ngân nga theo điệu nam ai, nam xuân,… trở thành nét đẹp văn hóa của Đạo Cao Đài nói riêng và của nhân dân Nam Bộ nói chung. Tìm hiểu một số đặc điểm văn hóa trong Đạo Cao Đài giúp chúng ta thấy rõ hơn bản thể của một tôn giáo sinh ra tại Việt Nam với những đặc trưng tư tưởng, ý nghĩa nhân văn trong cuộc sống. Từ đó, mỗi chúng ta biết trân trọng những giá trị văn hóa của tôn giáo, cũng là giá trị triết lý nhân sinh của nhân dân NamBộ./.
Hoàng Minh Thiện


1 Đại Đạo Tam Kỳ Phổ độ, Tòa thánh Tây Ninh, Tân luật, Hội thánh giữ bản quyền, Tây Ninh, 1966, tr. 13.
2 Đại Đạo Tam Kỳ Phổ độ, Tòa thánh Tây Ninh, Thánh ngôn Hiệp tuyển (quyển thứ nhì), Hội thánh giữ bản quyền, Tây Ninh, 1970, tr. 42.
3 Đại Đạo Tam Kỳ Phổ độ, Tòa thánh Tây Ninh, Tân luật, Hội thánh giữ bản quyền, Tây Ninh, 1966, tr. 12.


Tìm hiểu về việc ăn chay của người tín đồ Cao đài
       Ngày nay, ăn chay đang trở thành xu hướng ẩm thực thịnh hành trên thế giới, đặc biệt ở một số quốc gia đang phát triển vì ăn chay có lợi cho sức khoẻ, giúp ngăn ngừa được nhiều bệnh tật và bảo vệ môi trường sinh thái.
            Ở Việt Nam, ăn chay mang ý nghĩa tâm linh và cũng là nét đẹp văn hoá của dân tộc ta. Vào dịp đầu xuân năm mới, người Việt thường ăn chay bên cạnh việc đi chùa lễ Phật, hái lộc đầu năm để cầu phúc cho gia đình. Đặc biệt, ăn chay và ăn chay ngày Tết là hiện tượng khá phổ biến ở các gia đình người dân Nam Bộ. Tìm hiểu việc ăn chay của người tín đồ Cao đài cũng góp phần tìm hiểu bản sắc văn hoá của người dân Nam Bộ, trong đó có văn hoá Tết.
         Hầu hết các tôn giáo chính thống đều có luật lệ quy định về việc ăn chay cho tín đồ. Vậy, người tín đồ Cao đài ăn chay như thế nào? Việc ăn chay, Đức Chí Tôn có giảng dạy tín đồ như sau: “Kẻ nào đặng trai giới mười ngày trở lên, thọ bửu pháp đặng. Chư môn đệ phải trai giới. Vì tại sao? Chẳng phải Thầy còn buộc theo cựu luật, song luật ấy rất nên quý báu, không giữ chẳng hề thành Tiên, Phật đặng”. Theo đó, “Phải có một thân phàm tinh khiết mới xuất chơn thần tinh khiết. Nếu các con ăn mặn luyện đạo rủi có ấn chứng thì làm sao mà giải tán cho đặng. Vì vậy, Thầy buộc các con phải trường trai mới đặng luyện đạo”.
        
         Trong Tân luật của đạo Cao đài quy định:
        
          Điều thứ mười hai: Trong hàng tín đồ có hai bậc:Một bậc còn ở thế, có vợ chồng làm ăn như người thường, song buộc phải giữ trai kỳ, hoặc 6 hoặc 10 ngày trong tháng, phải giữ Ngũ giới cấm và phải tuân theo Thế luật của Đại Đạo truyền bá. Bậc này được gọi là người giữ Đạo mà thôi, vào phẩm Hạ thừa.Một bậc đã giữ trường trai, giới sát và Tứ đại điều quy, gọi là vào phẩm Thượng thừa.
        
         Điều thứ mười ba: Trong hàng Hạ thừa, ai giữ trai kỳ từ 10 ngày trở lên, được thọ truyền Bửu pháp, vào tịnh thất có người chỉ luyện Đạo.
       
           Như vậy, các đạo tâm sau khi nhập môn trở thành tín đồ của đạo Cao đài thì việc ăn chay là một quy định bắt buộc. Mới nhập môn chưa quen ăn chay thì người tín đồ chỉ tập ăn chay mỗi tháng 6 ngày, gọi là lục trai, gồm các ngày mùng 1, mùng 8, ngày 14, 15, 23 và 30 Âm lịch. Trải qua 6 tháng quen rồi, người tín đồ cần phải tiến lên một nấc cao hơn là ăn chay mỗi tháng 10 ngày, gọi là thập trai, gồm các ngày mùng 1, mùng 8, ngày 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29 và 30 Âm lịch, tháng nào thiếu (không có ngày 30) thì ăn chay ngày 27 thế vào cho đủ 10 ngày chay. Khi giữ được 10 ngày chay quen rồi, nên tiến lên một nấc thang cao hơn nữa là ăn chay suốt trong 3 tháng Âm lịch, đặc biệt: Tháng Giêng (Thượng ngươn), tháng Bảy (Trung ngươn), tháng Tám (Hạ ngươn). Sau đó có thể tiến lên bậc Thượng thừa tức là ăn chay trường (ăn chay suốt đời) luôn thì rất tốt.
        
            Việc ăn chay trong đạo Cao đài là vô cùng quan trọng, ăn chay là thể hiện lòng từ bi thương yêu và tôn trọng sự sống của muôn loài vạn vật, ăn chay sẽ giúp cho tâm hồn được thanh khiết không có vướng bận quá nhiều trượt khí và sau khi chết đi sẽ dễ dàng thăng về chín tầng trời và quy hồi về nơi Bạch Ngọc. Đặc biệt, ăn chay là nhằm giữ điều thứ nhất của Ngũ giới cấm - “bất sát sanh”. Ngũ giới cấm là giới luật rất quan trọng đối với người tín đồ, đặc biệt là người tu ở bậc Thượng thừa, nếu không giữ tròn Ngũ giới cấm thì không thể đắc đạo được. Người tín đồ Cao đài cho rằng nếu ăn chay trường thì sẽ giữ được Ngũ giới cấm dễ dàng hơn vì:
        
            Thứ nhất, ăn chay trường sẽ tránh được sự sát sinh trong ăn uống. Đã không nỡ giết hại sinh vật để ăn thịt thì cũng không nỡ giết chúng để làm trò chơi (bất sát sanh).
        
            Thứ hai, nếu không ăn thịt thì cũng kiêng được rượu dễ dàng, vì rượu và thịt luôn đi kèm với nhau như hình với bóng (bất tửu nhục).
        
             Thứ ba, không ăn thịt, không uống rượu thì dục lòng lắng xuống nên không nghĩ đến tà dâm (bất tà dâm).
        
            Thứ tư, nhờ ăn chay trường mà lòng tham vật chất không có cơ hội nẩy nở, vì đã tu rồi thì còn cầu chi tiền tài, của cải. Do đó việc trộm cướp hay gian lận tài sản của người khác rất ít khi xảy ra (bất du đạo).
        
            Thứ năm, nhờ ăn chay trường mà tâm hồn trở nên thanh cao, tránh được việc nói dối, lừa gạt người, gây đau khổ cho người mà đem lợi lộc về cho mình (bất vọng ngữ).
        
            Các thức ăn chay của người đạo Cao đài là các loại thực phẩm hoàn toàn xuất phát từ thảo mộc hoặc được chế biến từ thảo mộc như rau đậu, hoa quả, ngũ cốc, không dùng bất cứ sản phẩm động vật nào, dù nhỏ hay lớn. Các thứ này nhờ hấp thụ trực tiếp ánh sáng mặt trời, dưỡng khí, đạm khí của không khí, lại hấp thụ các chất khoáng trong lòng đất, nên các thức ăn chay có hai tác dụng bổ dưỡng: Bổ dưỡng xác thân nhờ những chất khoáng hấp thu trong lòng đất và đạm khí trong không khí; Bổ dưỡng chơn thần nhờ hấp thu ánh sáng và dưỡng khí.
        
           Như vậy, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, với chế độ ăn chay đầy đủ gồm nhiều rau đậu, ngũ cốc và trái cây, thì ăn chay rất tốt so với ăn mặn vì nó bổ dưỡng cả thể xác và chơn thần. Ăn chay không nhất thiết phải quá khắc khổ mà vẫn chú trọng dinh dưỡng đầy đủ để cơ thể khoẻ mạnh, tinh thần sáng suốt mới đủ sức đi trọn con đường tu học hành đạo. Người ăn chay trường lâu năm tạo được vùng hào quang trong sáng nơi đỉnh đầu, chơn thần cũng được trong sáng, tinh tấn, nhẹ nhàng.          
        
           Hầu hết người tín đồ Cao đài đều tôn trọng và tuân thủ nghiêm túc luật Đạo về việc ăn chay. Họ đều ăn chay ít nhất 10 ngày trong một tháng, trong đó rất đông tín đồ thuần thành, nhất là những người nhiều tuổi đạo thì đều ăn chay trường. Nhiều tín đồ Cao đài chọn ăn chay trường như là một cách để tu hành tại gia và mang lại sự tĩnh tâm, cân bằng cho cuộc sống của họ. Ví như ở Tây Ninh, phần đông người dân ở đây là tín đồ của đạo Cao đài nên món chay ở đây rất đa dạng, phong phú và số người ăn chay rất nhiều, họ không chỉ ăn chay 10 ngày trong tháng mà nhiều người ăn chay trường, nhiều gia đình ăn chay 1/3 tháng hoặc cả tháng Giêng. Đặc biệt, vào những ngày 30, mùng 1, 14, rằm, bộ phận trai đường của Toà thánh Tây Ninh luôn bận rộn chuẩn bị những bữa cơm chay thịnh soạn, trước cúng, sau để mời khách thập phương miễn phí. Các bữa chay ở Toà thánh Tây Ninh có vị ngon thuần khiết từ rau đậu, củ quả tươi do bổn đạo tự tay chăm sóc trong vườn nhà hoặc chọn mua mang đến cúng hiến.
        
           Theo truyền thống, tháng Giêng là tháng ăn chay đối với những người theo đạo Cao đài. Người tín đồ Cao đài quan niệm ăn món gì thì cúng ông bà tổ tiên món ấy. Cúng chay ngày Tết mang ý nghĩa cầu mong cho cửu huyền thất tổ được nhiều phước lành, được thanh thản và sớm siêu thoát. Mặt khác, Tết là dịp gia đình đoàn tụ, con cháu làm ăn sinh sống ở khắp nơi quần tụ về mái ấm gia đình. Để cầu phúc cho ông bà, cha mẹ và những thành viên trong gia đình thì mâm cỗ chay là không thể thiếu trong những ngày xuân. Ăn chay ngày Tết giúp cho mỗi người thanh tịnh tâm hồn hướng về điều lành, điều thiện và cầu phúc đức, an lành, may mắn cho gia đình trong năm mới. Cùng nhau xum vầy thưởng thức những bữa cơm chay giản dị trong những ngày xuân sẽ trở nên đầm ấm, thắm đượm đạo lý và chan hoà tình cảm hơn bao giờ hết. Bữa cơm chay đã mang đến cho con người sự an lạc và thanh tịnh để mỗi người lắng đọng tâm hồn mình chiêm nghiệm cuộc đời nhân lúc xuân sang và cũng là dịp để mọi người cùng hướng về tổ tiên, bày tỏ lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Vì vậy, ăn chay là nét đẹp văn hoá trong mỗi gia đình tín đồ đạo Cao đài, góp phần tạo nên bản sắc văn hoá của người dân Nam Bộ./.
 
 
Chuẩn bị các món chay trong ngày lễ của người tín đồ Cao đài
 
Diệu Anh

Nguồn: Btgcp.gov.vn

Tìm kiếm Blog này