Tim thông tin blog này:

Thứ Năm, 8 tháng 8, 2019

Văn hoá lưu vong

Nguyễn Hoàng Sơn

Không hiểu lý do nào mình lại thích tác phẩm Ulyssus của Homer nên thời ở Âu châu, mình đã đi thăm viếng các nơi mà Homer đã tả trong cuộc hành trình của tên lưu vong này. Có lẽ mình thích nhất đoạn Ulyssus đi qua các hòn đảo nhỏ, cạnh Sicily, miền nam nước Ý. Khi ông ta cho các thủy thủ cột chặt ông ta vào cái buồm để không nghe lời kêu, mời gọi của các ngư nữ vì sẽ biến thành đá. Sau này, mình cố gắng bắt chước hắn, không nghe lời đàn bà, con gái đến khi phát hiện ra đồng chí gái và đã hoá đá ngây ngô từ dạo đó. Như nhạc sĩ George Moustaki đã từng hát trong bản nhạc "ma liberté "; "sans me méfier, les points liés, je me suis laissé faire. Je t'ai trahi pour une prison d' amour et sa belle geôlière...." Lưu vong là một bi kịch cho mỗi cá nhân nhưng lại là một thảm kịch cho một đất nước có trên 2 triệu người, thà chết, trốn thoát khỏi quần đảo ngục tù. Tuỳ lứa tuổi, khi người lưu vong đến định cư tại một nước thứ ba, sẽ mang theo di sản, hành trang văn hoá của quá khứ, quê hương bỏ lại. Dù muốn hay không, họ bị bắt buộc, phải hội nhập vào đời sống của bản địa. Nói một ngôn ngữ xa lạ với tiếng mẹ đẻ, đọc báo hay xem truyền hình của nước sở tại rồi dần dần như cái cây được bứng từ cố hương và được trồng tại một phong thổ mới. Họ mọc rễ, bám vào nơi định cư, xin nhận nơi đây làm quê hương thứ 2. Họ làm quen với những phong tục mới, thức ăn mới, tư duy mới, cuộc sống mới và từ từ biến dạng, thay đổi bản sắc của họ từ bao giờ mà chính họ, cũng không nhận ra bản thể của họ.

Những người còn trẻ tuổi thì thâm nhập vào đời sống mới khá nhanh chóng còn những người cao tuổi thì khó khăn hơn, gặp nhiều trở ngại hơn để hoà mình vào đời sống địa phương. Nhớ bên Tây mình có quen một tên lớn tuổi hơn mình, sang Pháp thời Ngô Đình Diệm. Tên này không thích ăn đồ Tây lại mê đồ Tàu nên đi làm phải nấu hoành thánh mì, mang theo để ăn trưa từ 20 năm xa xứ. Mình có một anh vợ đi nghỉ hè, phải đem theo nồi nấu cơm, làm thịt kho để đông lạnh rồi bỏ vào thùng đá lạnh, đem sang Mexico hay Hawaii,.. Ở phi trường bọn quan thuế bảo là xứ Mễ cũng có đồ ăn ngon.

Vì mới gia nhập vào đời sống của nước sở tại nên kẻ lưu vong chưa rõ về tập quán của bản địa, lo sợ phản bội nền văn hoá Việt nên nhiều người cố bám chặt vào nền văn hoá cũ nơi mình vừa rời bỏ. Có người thì cấp tiến hơn muốn sống như Tây hay Mỹ, đổi tên, đổi họ như Nguyễn thành Nugent,... Nhưng dù cố gắng đến mấy, họ cũng không thể là Tây, Mỹ thuần chất vì khó có thể hiểu hoàn toàn sắc thái, tư duy của nền văn hoá sở tại.

Do đó kẻ lưu vong bơi lội trong vùng giao thoa của hai luồng văn hoá sở tại và Việt, giữa hiện tại và quá khứ và dần dần họ, Việt Nam hoá những truyền thống của nền văn hoá sở tại. Nhớ dạo mới lấy vợ, mấy đứa cháu vợ rất thích ăn giáng sinh hay lễ tạ ơn ở nhà mình vì mình làm gà Tây quay cho chúng ăn. Bố mẹ chúng thì không rành anh văn. Sang Mỹ thì có 6 đứa con nên bung ra, đi buôn bán, nuôi con nên không có điều kiện đi học thêm. Họ thấy gà Tây vĩ đại to quá, lại không quen ăn nên cứ mua gà đi bộ rang muối hay xì dầu, thêm bánh bột lọc, bánh bèo,... cho mấy đứa con ăn trong những dịp lễ địa phương bất chấp truyền thống của nền văn hoá sở tại, lễ Tạ Ơn, người dân bản xứ ăn những món truyền thống, để nhớ lại những gì cha ông của họ đã được người dân bản xứ, cho ăn khi họ vượt biển, tìm Tự Do tín ngưỡng.

Như anh Bộ, từng học Văn Học kể mấy người bạn ở bên Thuỵ Sĩ, sang mở tiệm ăn Tây, nấu đồ ăn Pháp cho cộng đồng người Việt, bị vỡ nợ vì người Việt đã Việt tính hoá các món ăn uống như ăn khoai Tây chiên với nước mắm thay vì ketchup, hamburger ướp với nước mắm,... Họ không quen dùng muỗng nĩa, dao kéo khi ăn uống. Hồi mới sang Tây, mình cũng lấn cấn vụ này nhưng nhờ đám bạn Tây đầm, chỉ bày nên sau này mình phải cho hai đứa con theo học khoá dạy cách cư xử, giao tiếp cho đúng phép tắc của người Mỹ, để khi phải tham dự những tiệc tùng của Mỹ thì không ngại ngùng dù dân Mỹ vẫn ăn bốc pizza.

Quá trình hội nhập vào xã hội Mỹ gặp rất nhiều trở ngại vì kẻ lưu vong không ngừng trăn trở, tiến thoái lưỡng nan giữa hai áp lực: đồng hoá hay dị hoá. Vì lý do kinh tế, người lưu vong bị bắt buộc hội nhập vào đời sống mới của bản địa nhưng quá trình này gặp nhiều trở ngại vì tâm lý của người lưu vong: từ di sản văn hoá mang theo từ quê cũ, hắn nhìn văn hoá mới như cái gì khác lạ hay tâm tư sợ hãi bị gán là một kẻ phản bội, chối bỏ các di sản của cha ông để lại nên có nhiều người viết báo, hô hào đừng để con cháu mất gốc. Do khuynh hướng dị hoá này đã cản trở người lưu vong, không bao giờ hội nhập hoàn toàn với nền văn hoá địa phương nơi họ định cư. Từ đó ta thấy những ghetto như phố Bolsa, Little Sàigòn, hay quận 13 của Paris,..mà người dân sinh sống không cần phải biết tiếng nước sở tại. Có lần mình đọc một cuốn sách in tại hải ngoại, do một người tự xưng là đại diện của dòng họ Các Mệ Nguyễn Phước. Ông này nói ở Việt Nam, có tập tục miếng trầu là đầu câu chuyện, ngày nay ở Mỹ, chúng ta không ăn trầu thì nên dùng, mời bạn bè kẹo cao su nhai và sửa lại Kẹo Chewing Gum là đầu câu chuyện. Chán mớ đời! Để chống lại bị đồng hoá bởi nền văn hoá mới, họ phải bám vào nền văn hoá gốc của quê xưa nhưng cái đớn đau, xót xa là họ vẫn không đồng nhất với nền văn hoá của Việt vì nền văn hoá VNCH đã bị giải thể sau biến cố tháng 4/75 nên dần dần người lưu vong nhìn văn hoá Việt tại quê nhà ngày nay, như một người ngoại cuộc, một kẻ bên lề. Rồi một ngày nào đó kẻ lưu vong cảm nhận mình khác với nền văn hoá nơi mình định cư lẫn nền văn hoá nơi cuống nhau của hắn đã được người mẹ chôn ở dưới máng xối, hy vọng đời con mình sẽ được tươi mát sau này. Hắn sẽ đau đớn nhận ra mình là một người nửa nạc nửa mỡ, mít không ra mít mà tây cũng không ra tây, một kẻ bên lề, một "outsider". Hắn bỗng nhiên thèm khát trở về ký ức xưa của thời thơ ấu, muốn trở về tắm trong dòng sông của tuổi thơ với trời xanh ấp ủ bao ước vọng của tuổi thơ, buông theo chiếc buồm khát vọng của những ngày thơ ấu.

Tuần trước có vợ chồng một người bạn, từ miền Đông Bắc, sang thăm người thân thì các bạn học cũ, rủ vợ chồng mình đi ăn rồi đi nhảy đầm. Ở Âu châu thì lâu lâu mình cũng được bạn bè rủ đi boum nhưng lối sinh hoạt nhảy đầm của họ có tính cách giao tế xã hội. Dự một buổi họp mặt ở nhà thì đa số là bạn của gia chủ nên mọi người tự làm quen, thay phiên nhau, mời những người mới gặp nhảy một hay hai vũ điệu xã giao. Sang Hoa Kỳ thì nhảy đầm trong cộng đồng người Việt được Việt tính hoá. Mình nhớ lần đầu được một tên quen gốc mít, rủ đi chơi ở New York. Mình quen kiểu bên Tây nên đến mời một cô tiếp một chiêu thì nhiều tên nhìn mình với đôi mắt hình viên đạn dù cô gái không có gì là ấn tượng. Tên bạn nói nhỏ mình là nên ra về rồi giảng cho mình là gái của đám nào thì nhảy với đám đó, không được đụng đến mấy cô không quen, dễ ăn đạn.

Sang Cali thì càng tăm tối nữa. Người Mỹ khi họp mặt nhảy nhót thì họ cũng cởi mở, vui vẻ trong khi người Việt như bị bón, quan trong hoá nặng phần trình diễn. Có nhiều người đi học nhảy nên múa tay quơ cẳng như mấy chương trình truyền hình Dance with the stars, không đúng không gian và thời gian. Thay vì vui chơi, họ lại cố khoe trương tài nghệ của họ khiến không khí mất vui, cởi mở như các buổi họp mặt của người Mỹ. Vì lý do đó mình không thích tham dự mấy vụ múa đôi múa kép, văn hoá đồi trụy hay các buổi trình diễn ca nhạc Việt Nam nên vợ chồng mình hay cãi nhau khi có ai mời đi dự.

Đi nghe nhạc hoà tấu dàn nhạc âm hưởng hay các Broadway Show thì ít khi thấy người Việt. Á Châu đa số là người Nhật. Có lần vợ chồng mình mời cặp vợ chồng nha sĩ, gốc Việt đi xem Miss Saigon mà mình đã có xem ở Luân Đôn thì nghe hai vợ chồng này ngáy trong rạp cho nên các sinh hoạt văn hoá của cộng đồng người Việt đều xoay quanh các cuộc trình diễn ca nhạc kịch mà vợ mình kể là chuyên hát nhép theo băng nhạc đã thâu trước, ca sĩ làm rớt micro vẫn nghe giọng hát cao ngất, xem thường khán giả nhưng người Việt không có chỗ nào khác để giải trí. Đánh bài Casino, nhảy đầm hay ca nhạc kịch hát nhép là ba môn chính giúp cộng đồng giải trí sau những ngày tháng làm việc vất vả.

Mình không thích nghe nhạc Việt vì không có gì mới lạ. Các ca khúc trước 75, được xào đi xào lại, khi thì nấu theo điệu Lambada, rồi luộc Tango, khi theo barbeque kiểu Techno, Rap,... Ngày nay, người Việt định cư tại Hoa Kỳ, làm ăn kha khá nên họ đi học nhảy đôi, múa kép vì đó là hình ảnh của những người giàu có, trưởng giả theo tây học của thời xưa. Đi ăn cá nướng cũng nhảy đầm, cũng lên hát, cầm cái micro đượm mùi mắm nêm, tra tấn lỗ tai các thực khách,...để rồi được nghe những lời khen tặng xã giao, sống trong ảo vọng mình là dân chơi, trả tiền để được làm ca sĩ của một đêm,...

Dạo còn sống ở Âu Châu thì mình hay thắc mắc về nhóm người Việt, sinh đẻ tại Pháp,... mà Hà nội gọi là những Việt Kiều yêu nước. Đa số không nói được tiếng Việt hoặc bập bẹ vài tiếng, lóng ngóng như Tây đầm học phát âm tiếng Việt.

Sống một thời gian thì mới hiểu cha ông của họ, bị Tây, mộ phu đồn điền hay sang làm công nhân, lao động sản xuất trong thời đệ nhất thế chiến hay đệ nhì thế chiến. Cha ông họ bị bạc đãi, được gọi là cu li, sinh sống trong những điều kiện khắc nghiệt mà mình có xem tài liệu, hình ảnh những nơi họ sinh sống. Ngày nay dù họ đã trở thanh kỹ sư, Bác sĩ, giáo sư của những đại học danh tiếng ở Âu Châu,...nhưng mặc cảm của cha ông di truyền đến thế hệ của họ nên khi thấy Hà nội, đánh trả một nước Mỹ hùng hậu nhất thế giới giúp họ được tiếng thơm lây; một dân tộc bất khuất, hãnh diện với người Pháp. Dù không biết gì về Việt Nam, chưa từng đặt chân xuống quê cha đất tổ của họ. Họ ủng hộ tài chánh, nhân lực trong thời kỳ chiến tranh đánh Mỹ. Sau 75, khi các tàu bé nhỏ, chở đầy người dân vượt biển, đánh thức lương tâm của những trí thức Thiên tả của Âu Châu thì mình không thấy những người này xuất hiện nữa.

Cái mặc cảm là nô lệ hay cu li, bị dân bản địa xem thường vẫn được truyền lại đến thế hệ thứ 3 tại xứ người, cho nên chúng ta không thể vỗ ngực, tôi là công dân của Tây là xong chuyện. Dạo mình ở Âu Châu, TF1 có chiếu bộ phim của đài truyền hình Mỹ "Roots" nói về gốc gác của người da đen Mỹ, sau đó các người Mỹ da đen, đều muốn làm cuộc hành hương trở về Phi Châu, đi ngược lại con đường đã đưa tổ tiên họ đến Châu Mỹ. Người Mỹ gốc Phi châu vẫn dựa vào quá khứ của cha ông để giải thích lý do cộng động của họ không tiến xa như các cộng đồng khác trong xã hội Hoa Kỳ, mặc dù có người lai da đen làm tổng thống Hoa Kỳ từ 6 năm nay.

Hôm trước có tên quen ở New York gửi cho cái link về Can Truong, một người gốc Việt, rời Việt Nam năm 7-8 tuổi, vượt biên với gia đình. Anh chàng này học rất giỏi ở trung học rồi được nhận vào đại học Chicago danh tiếng với giấc mộng trở thành bác sĩ như đa số giới trẻ gốc Việt muốn thực hiện giấc mơ của cha mẹ; trở thành bác sĩ để nở mặt nở mày.

Không may anh ta bị bệnh trầm cảm và rối loạn lưỡng cực nên bỏ học. Sau này anh ta được chữa lành để học xong đại học nhưng không phải môn y khoa như dự định. Anh này may mắn được chữa lành vì ở xứ khỉ ho cò gáy nên xung quanh chỉ toàn là bác sĩ Mỹ. Mình có quen một Bác sĩ Việt về tâm lý, hình như độc nhất về tâm lý trong cộng đồng Việt thì được biết người Việt mắc bệnh về tâm thần khá nhiều. Có người sang đây nhưng không tiếp cận được đời sống mới hay bị quá khứ ám ảnh về những năm tháng lưu đày trong các trại cải tạo hay cuộc hành trình đi tìm tự do.

Giới trẻ đi học ở trường thường được thầy cô người Mỹ khuyến khích theo đuổi giấc mơ của mình trong khi cha mẹ Việt thì muốn con mình thực hiện những giấc mơ của họ. Trong khi ở nhà, đứa bé phải chống chọi lại sức ép của gia đình nên có nhiều xung đột với cha mẹ. Có lẽ vì không có cơ hội đi học tiếp nên cha mẹ có khuynh hướng ép con theo học những ngành có thể đem lại tiền bạc để có một cuộc sống sung túc như y khoa, nha khoa. Cũng có thể văn hoá của cố hương vẫn còn đeo đuổi sang Mỹ, tinh thần khoa bảng chỉ nghĩ đến bằng cao để treo tường. Người ta vẫn thích con lấy Bác sĩ thay vì lấy tên mở tiệm bán bún bò mặc dù lợi tức cao hơn là chẩn bệnh.

Những bậc cha mẹ, sang đây không biết tiếng Anh tiếng u nên trở thành câm vì không nói được. Không dám lái xe thì coi như què. Muốn đi đâu, phải lệ thuộc vào con cái, rảnh rỗi, đưa đi Bác sĩ, thăm bạn nên họ tự rút vào không gian riêng biệt của họ. Bố chồng của một người quen lâm vào tình trạng này, cứ đòi đưa về lại Việt Nam đến một hôm, người con khám phá ra có một trung tâm sinh hoạt trong tuần cho người cao niên nên đem lại đó mỗi sáng thì ông bố thay đổi hẳn. Tại trung tâm này, ông bố có thể chơi cờ tướng hay đấu phét với những vị cao niên khác, cùng một lứa bên trời lận đận nên tâm thần như được cởi trói nên tinh thần vui vẻ hơn.

Kẻ lưu vong nếu không nhận định được không gian, bản thể của mình trong đời sống thường nhật có thể gây ảnh hưởng đến đời sống của thế hệ con cháu của mình. Mấy năm trước có bà giáo sư, gốc Tàu của đại học Yale, viết cuốn sách Tiger Mom, kể về cách giáo dục hai cô con gái Tàu lai Mỹ của bà ta khiến mình rùng mình. Chồng bà là người Mỹ da trắng cũng là giáo sư tại đại học Yale. Cuốn sách này gây sôi nổi về cách dạy con trong xã hội Mỹ. Hình như bà ta mới ra một cuốn sách mới nhưng mình sợ quá nên không dám đọc.

Đồng chí gái nói là mỗi đứa con có một con đường đời riêng của nó nên mình chỉ cố hướng dẫn con nhưng không dám bắt học nhiều, hè mình xin hội Lions cho con đi sang Âu Châu hay Nhật, sinh sống với mấy gia đình bản địa. Hôm nay đi chùa làm lễ 49 ngày của bà mẹ vợ, mình rất ngạc nhiên, nghe cô con gái tụng kinh cầu siêu cho bà ngoại, quỳ gối bên cạnh mình.

Nguồn: https://muctimsonden.blogspot.com/2019/08/van-hoa-luu-vong.html#more

Tìm kiếm Blog này