Nguyễn Hoàng Sơn
Về Việt Nam được ba tuần, gặp lại người thân và bạn học cũ, nói chuyện với người sở tại thì mình rất ngạc nhiên vì người dân ở đây hình như không biết gì nhiều về, những vấn đề xẩy ra ở ngoài nước, trên thế giới, có liên quan đến vận mạng đất nước hay đúng hơn là tương lai của họ và gia đình. Những gì họ biết là những trận đá banh ở Âu Châu, những cuộc tranh tài về thể thao mà người dân đánh cá cược khá nhiều. Khi mình thấy mấy bảng Quảng cáo xung quanh sân cỏ ở Âu Châu bằng tiếng Việt, tiếng Tàu khi xem đá banh thì không hiểu, về Việt Nam mới biết đáp án.
Khi người dân mê cá độ, bao đề hay xổ số thì khó mà giàu được vì họ chỉ muốn trúng số, muốn làm giàu nhanh chóng thì khó mà chịu khó bỏ thời gian học tập, chịu khó làm ăn lâu dài để xây dựng thương hiệu của mình. Mình thấy số người bán vé số rất đông, ngồi quán, họ vào mời mua, dai như đĩa, như khủng bố tinh thần. Nghe một người bạn nói là dân miền Bắc nghèo, vào Nam đi bán vé số được độ $5.00/ ngày vẫn khá hơn ở quê. Coi truyền hình thì thấy mỗi tỉnh có xổ số riêng, hết xổ Tiền Giang đến Hậu Giang,... Mỗi nơi có mỗi cách để xổ số, cái khổ là họ để một đội thiếu nhi đứng ra lấy banh mang số như cố ý tập cho trẻ con mua vé số từ nhỏ.
Lúc mình ở Đà Lạt thì có cô vận động viên Việt về môn bơi lội, đoạt huy chương đồng ở giải vô địch thế giới. Nghe kể cô ta sang Mỹ để tập như Đa số vận động viên trên thế giới, tốn đâu trên $60,000.00/ năm. Các vận động viên về thể thao trên thế giới đều sang Mỹ học đại học để được huấn luyện cho thấy xứ Mỹ chả dấu nghề, ngoại trừ chương trình tập đội tuyển Quốc gia.
Phong trào tập thể dục như Zumba khá phổ thông ở Việt Nam, có mấy câu lạc bộ mở ra để các bà, các cô đi tập hàng ngày. Ở Nha Trang thì thấy ngoài biển 5-6 giờ sáng, mấy bà bận đồ đứng nhảy múa theo nhịp nhạc, ai không phải hội viên thì đứng xa xa phía sau tập ké. Sự kiện cho thấy chính quyền cố gắng đẫy mạnh các phong trào thể thao như thực dân khi xưa.
Điều mình ngạc nhiên nhất là gặp các bạn học cũ, nghe họ nói đã về hưu hay sắp sửa khi đến tuổi 60 nên không biết họ sẽ làm gì trong những năm tháng còn lại của cuộc đời họ. Một vài người kể là ở nhà giữ cháu ngoại, tạo điều kiện cho con lao động vinh quang. Tưởng tượng trong 20 năm tới chỉ trông cháu ngoại, không có chương trình gì khác ngoại trừ đi nhậu hay cà phê.
Ngày nay, theo tài liệu mình đọc về Việt Nam:
Việt Nam có độ 95 triệu dân. 57 triệu (15-54 tuổi) ở tuổi lao động:
- 11 triệu người ăn lương biến chế nhà nước (trung ương và tỉnh)
- 5 triệu công an, ăn lương công an (8.77%)
- 5 triệu lính, Bộ đội theo biên chế Quốc phòng (8.77%)
- 3 triệu người ăn biên chế công ty Quốc doanh (5.26%)
Trong số 57 triệu người ở tuổi lao động từ 15-54 tuổi thì có đến 24 triệu người làm cho nhà nước, hay ăn bám Ngân sách Quốc gia hay 42%. Xem như 48% số còn lại phải lao động và đóng thuế để nuôi 42% kia đến khi họ chết, nhất là số này càng ngày gia tăng vì về hưu sớm. Số 48% này có lẽ ít hơn vì con nít 15-18 tuổi là tuổi còn đi học. Ngày nay, sinh viên ra trường là lo chạy chọt vào biên chế nhà nước, để làm quan thì làm sao đất nước sẽ giàu mạnh. Trên thế giới này, không có một công chức nhà nước nào mà biết vận động tư duy cả ngoại trừ đánh thuế.
Hỏi mấy người buôn bán thì cho hay chợ đò ế ẩm nhưng phải đóng thuế theo qui định chớ không theo lợi tức thu nhập. Số người đi buôn này sẽ phải nai lưng ra nuôi số 42% kia. 5 triệu công an là để bắt phạt người dân, núp để bắn radar hay chận khơi khơi người lái xe để kiếm tiền túi.
Tuổi về hưu ở Hoa Kỳ lúc đầu là 65 tuổi nhưng ngày nay tăng lên 67 tuổi và có thể sẽ tăng lên 71 tuổi. Khi họ thành lập chương trình An Sinh xã Hội (1935), người Mỹ sống trung bình đến 63 tuổi nghĩa là chết 24 tháng trước khi nhận được tiền hưu mà họ đã đóng trong thời gian lao động từ khi bắt đầu đi làm. Dạo đó người ta tính 21 người đi làm để nuôi một người về hưu nhưng ngày nay họ tính năm 2025, thì 5 người Mỹ đi làm để nuôi một người về hưu, nên người ta không biết chính phủ Mỹ sẽ lấy tiền đâu ra để trả tiền hưu cho người già. Chắc sẽ cho người di dân lậu thẻ xanh, vào Quốc tịch để đóng thuế.
Nhớ hồi còn ở Pháp, chính phủ để giải quyết nạn thất nghiệp nên ra luật cho về hưu sớm nhưng dân số không gia tăng vì giới trẻ không muốn có con nên giới lao động trẻ ít để có thể đóng thuế, để nuôi người về hưu sớm nên có lẽ nay họ đã thay đổi lại chính sách này.
Khi Đặng Tiểu Bình ra chính sách 4-2-1; 4 ông bà, 2 cha mẹ và 1 con thì trên nguyên tắc dân số TQ sẽ giảm rất nhanh nhưng dân số ngày nay của Trung Quốc lên đến 1.5 tỷ người trong khi Việt Nam thì theo chính sách 42-2 thì dân số sẽ còn lên nữa mà cho người về hưu sớm thì lấy tiền đâu ra mà trả lương hưu. Mình ít thấy con nít ngoài đường vì thời mình ở VN, mỗi nhà tối thiểu là nữa tá hay một chục đứa con nên xung quang nhà toàn con nít.
Nếu chính phủ không có tiền để trả lương thì cuộc sống họ sẽ gặp khó khăn nhất là lúc về già thì bệnh tật nhiều, tốn tiền thuốc thang hơi mệt cho con cháu, ngoại trừ các Đảng viên gộc nhưng nếu chính thể bị giải tán thì tiêu tan tiền hưu và những lợi ích. Có một đài truyền hình chuyên phỏng vấn các anh hùng lực lượng nhân dân, kể về những trận đánh của họ trong thời đánh Mỹ cứu nước nhưng nhìn trong nhà của họ thì thấy không có sung túc. Người có chiếc xe đạp, người khá lắm là chiếc xe gắn máy, không có ai lái ô tô con. Có lẽ vì vậy một ông tướng hồi hưu tuyên bố là phải bảo vệ sổ hưu. Ngoài ra các gia đình gốc ngụy quân ngụy quyền như ông bà cụ mình thì coi như không có hưu, chỉ trông nhờ vào con cháu.
Mình gặp một cặp trẻ, thương nhau nhưng chưa cưới nhau, đậu hai bằng đại học, không kiếm được việc làm nên đành mở quán bán mì Quảng và bún cá hay một cô gái xong cử nhân, bận đồng phục của hãng Taxi, đứng đợi khách trước khách sạn, gọi taxi rồi mở cửa xe cho họ. Bằng đại học thường được gọi là "Bằng Thừa".
Nhiều người nghĩ thời bao cấp đói khổ, nay khá rồi nên cứ vui chơi, ăn uống cho thỏa thích, quên là bệnh do miệng đưa vào. Rượu sẽ gây tai hại cho sức khoẻ sau này, mà hình như cũng có vài người nói với mình, vợ hay họ đang bị bệnh, phải đi Saigon chữa bệnh. Mình gặp hai anh bạn học cũ vì lý lịch nên sau 75, te tua không được đi học. Một anh thì yếm thế vì không được tiếp tục đi học, sống trầm lặng còn một anh chàng, mình chơi thân khi xưa. Tuy không được đi học, anh ta vẫn tiếp tục nghe đài VOA, BBC để học nghe tiếng Anh rồi vài năm sau tìm cách đi học lại đại học rồi vẫn tiếp tục đọc sách báo, xem chương trình Discovery, nay là đại gia. Vào nhà thì thấy có sách báo đầy tủ, trong đó có những cuốn sách hướng dẫn về làm ăn, dịch từ sách ngoại quốc.
Mình đoán là một anh xem cái bằng đại học là cái đích như đa số người mình có tinh thần khoa bảng mà dân gian có câu "ai ơi chớ lấy học trò, dài lưng tốn vai ăn no lại nằm". Đậu được cái bằng là coi như xong nợ cơm áo, không cần trau dồi trí tuệ thêm, trong khi anh bạn thân của mình thì dù ở hoàn cảnh nào cũng tìm cách học hỏi thêm nên sự hiểu biết được khai phá giúp anh ta có cái nhìn tầm xa hơn, có thể tiếp xúc với khách hàng ngoại quốc để xuất khẩu mặt hàng của công ty riêng. Tuy lí lịch xấu nhưng vì có tài, biết tiếng Anh nên họ phải dùng anh ta. Anh ta rên là có khách hàng ở New York muốn mua hàng của anh ta nhưng không đủ khả năng làm nên định sẽ về hưu sớm, dùng hết tâm trí để khuếch trương công ty riêng của mình.
Mình có người em trai, buôn bán cũng kha khá, mua xe ô tô con để chở vợ con đi chơi, lâu lâu có du khách mướn chở đi chụp hình, thay vì dùng số tiền mua xe để khuếch trương công việc làm ăn. Người em hình như cũng không thiết trau dồi thêm sinh ngữ hay kiến thức, cứ than là ngày xưa không được đi học đại học. Mình quen những người chưa xong cấp trung học mà kiến thức phổ thông của họ còn hơn Bác sĩ hay kỹ sư. Mình vẫn tiếp tục đi học thêm ở các seminar, ghi tên học các lớp đại học của Harvard và MIT trên mạng lại miễn phí. Biển học mênh mông.
Coi truyền hình thì thấy một cán Bộ cao cấp về chăn nuôi, kêu là không hiểu tại sao gà Mỹ nuôi lại bán rẻ hơn gà nuôi tại Việt Nam. Coi chương trình về kinh tế ở Phi Châu, một nhân viên của nước Bờ Biển Ngà cho biết là ngành trồng bông gòn của xứ họ không thể cạnh tranh với các công ty Mỹ vì chính phủ Hoa Kỳ trợ cấp ngành chăn nuôi vì lý do đó mà thức ăn, các sản phẩm nông nghiệp ở Hoa Kỳ rẻ gần như nhất thế giới. Trong thời đại này, cạnh tranh với ngoại quốc là cuộc tranh đấu sống còn, cần biết thông tin để xoay sở mà một cán bộ cao cấp ngành chăn nuôi không biết gì về các đối thủ kinh tế trên thế giới. Đó là chưa kể khi gia nhập vào TTP thì chỉ có phá sản. Mình nhớ một cán Bộ ở Hội An, trong một buổi ăn, nói không hiểu lý do đồ sản xuất của Trung Quốc lại quá rẻ nên mình chỉ biết câm mồm sợ họ giận nếu giải thích.
Trung Cộng hạ giá đồng tiền của họ trong cuộc đấu tranh về tiền tệ trên thế giới vì ngày nay nhân công của Trung Cộng không còn rẻ nữa nên Việt Nam bắt chước hạ giá đồng tiền của mình. Mình nhớ dạo đi Tây, đổi ngoại tệ, nếu không lầm thì đâu $1.00 là khoảng 380.00 đồng vnch mà 9 tháng sau VC đổi tiền ở miền Nam. 1 đồng cụ Hồ ăn 500.00 đồng VNCH mà ngày nay khi mình về thì hối suất $1.00 ăn 21,180.00 đồng cụ Hồ, nghe nói bây giờ xuống thêm gần 10%. Nếu tính sau 40 năm, 1 đVN năm 1975 tương đương với 21,180 năm 2015 thì lạm phát ở VN là 25.24% cho mỗi năm. Vấn nạn là VN không được đổi tiền như xưa nữa.
Mình có cô em làm thanh tra viên thuế vụ, là 1 trong 13 người trên toàn quốc được thủ tướng vinh danh với bằng tưởng lục chi đó. Cô này vẫn giữa cái tính thanh liêm của gia đình. Ai đến nhà tặng quà là không nhận, đuổi về, không muốn bán rẽ lương tâm, nên nghèo. Vì lí lịch của gia đình nên không được lên chức, mấy người Cộng sự viên vào sau, học lực thấp hơn nhưng vì là Đảng viên nên lên chức cao. Sau khi "đổi mới" thì cô em được phép học đại học, xong cử nhân. Chung chung ở Việt Nam, khi nói chuyện với ai là biết họ thuộc dạng có Đảng tính hay không liền.
Mình ít thấy mấy cô, mấy bà bận áo dài ở Việt Nam, cứ thấy váy đầm, mấy cô chạy xe gắn máy, bận váy rồi có tấm vải phủ lên chân để che nắng. Giờ nhớ lại thì tuyệt nhiên không thấy bóng dáng áo dài ngoài đường ngoại trừ hôm lễ kỷ niệm 60 năm thành hôn của ông bà cụ thì có mấy bà bạn của bà cụ bận còn xồn xồn cở mình trở xuống thì tuyệt nhiên không.
Mình thấy mấy đứa cháu đi học thêm ở nhà thầy cô, tốn mỗi tháng thêm $150.00 mà mỗi lớp tư ở nhà có độ 10 người mà thầy cô chơi vài suất thì mỗi tháng bỏ túi vài ngàn đô như chơi. Ngược lại thì thầy cô không được kính trọng như thế hệ của mình, được gọi là "tháo giầy" vì họ làm tiền trơ trẽn. Cứ gặp phụ huynh là kêu học sinh kém, học sinh giỏi thì bảo tìm ra đáp án nhưng giải không đúng phương pháp. Cái yếu huyệt là vào trường đại học thì họ đòi thêm thông tín bạ nên học sinh buộc lòng phải học thêm ở nhà thầy cô để có điểm cao như thể mua điểm. Có người nói cho mình là cháu của ông ta ghét, khinh đúng hơn là hận các thầy giáo.
Mình có đọc một nghiên cứu về sự thất thoát kinh tế thời xưa, khi các gia đình hy sinh để cho một hay hai người con trai ăn học để hy vọng sau này đỗ, ra làm quan thì quá lớn khiến cho kinh tế của xã hội Việt Nam thời ấy không bao giờ ngất đầu lên đến khi đám lính Tây với vài khẩu súng Mousqueton và vài cổ đại bác, bắn vài phát thế là vua tôi đầu hàng.
Ngày nay thấy các gia đình hy sinh cho con ăn học, học tư để rồi có cái bằng đại học để đi bán mì quảng và bún cá hoặc mở cửa xe taxi cho du khách ngoại trừ con của các đảng viên. Số tiền đầu tư 12 năm phổ thông rồi 5 năm đại học bỏ vào cầu tiêu rồi dựt nước. Các cán bộ được thăng chức không vì kiến thức nhưng vì đảng tính, chuyên gia hò dzô ta trong các quán nhậu thì làm sao có thể cạnh tranh với các công ty ngoại quốc đầy hiệu lực và khôn ngoan trong ngành quản trị.
Thế là tuyệt vọng? Không! mình vẫn lạc quan vì tương lai sẽ tươi sáng hơn. Mấy ngày nay, ta thấy các người tỵ nạn ở Syria, vượt biên giới, chạy qua Serbia rồi Hung Gia Lợi. Các xe tải chở dân di dân lậu qua Pas De Calais để sang Anh quốc hay tàu ý vớt một ngày trên 4,000 thuyền nhân ở ngoài biển của Lybia,....
Các nước âu châu từ sau đệ nhị thế chiến, dùng đường lối ngoại giao theo chủ thuyết Thực Tiễn với tinh thần thực dân mới. Làm ăn với các nước cộng sản, các chế độ độc tài để được thịnh vượng, ai chết mặc bây nhưng ngày nay họ không thể ngồi im như thế vì thế giới ngày nay quá gần gủi. Một người sinh đẻ tại Phi Châu, chán ghét chế độ độc tài, sẽ sẵn sàng bỏ rời quê hương của họ để đi tìm lẻ sống ở các nước tân tiến. Dân quê ở Mễ Tây Cơ bị bóc lột thì họ sẽ vượt tuyến sang Hoa Kỳ cho nên họ phải can thiệp đầu tư vào các nước sở tại để tránh hậu hoạn sau này mà họ phải lãnh đủ.
Họ, các nước tây phương đành chấp nhận cho những chế độ độc tài như ở Bắc Phi được giải thể, Ai Cập, Yemen,... Việt Nam có nhiều người tài giỏi sẽ lèo lái con thuyền Việt Nam ra khơi tuy hơi chậm nhưng sẽ dẫn đến một kỷ nguyên mới của thế kỷ 21.
Nguồn: https://muctimsonden.blogspot.com/2019/08/viet-nam-trong-mat-toi.html